Chính sách an ninh ­phòng thủ biển của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX 1802 - 1858 - 10

cạn mà bắn thì mỗi phát thưởng tiền 5 quan. Phàm tới khi thao diễn gặp mưa, bắn không đúng bia thì không ở lệ thưởng” (năm 1821) [54, tr.378].

Theo lệ định trên, nhà Nguyễn đã dựa vào độ khó dễ của vị trí ngắm bắn và điểm bắn trúng đích mà phân định mức thưởng để động viên, khích lệ tinh thần quân sĩ. Khả năng giữ thăng bằng khi ngắm bắn thuyền từ vị trí cố định trên bờ thuận lợi hơn khi dưới nước (người đứng ngắm bắn cũng ở trên sông, trên biển) nên mức thưởng ngắm bắn trên bờ thấp hơn. Nếu đích bắn là các bộ phận quan trọng trong sự hoạt động của thuyền như đầu thuyền, cột buồm (chức năng điều khiển) thì mức thưởng cao hơn điểm trúng đích là thân thuyền (chức năng chứa đựng). Độ khó được nâng lên khi người ngắm bắn ở dưới nước và điểm trúng đích là đầu thuyền hoặc cột buồm. Căn cứ vào hai tiêu chí đó, người được thưởng cao nhất (15 quan tiền) là người bắn trúng đầu thuyền, cột buồm khi ngắm bắn ở dưới nước, còn mức thưởng thấp nhất (5 quan tiền) là bắn trúng thân thuyền khi điểm đứng bắn trên bờ.

Thời gian luyện tập của thủy quân tại trường bia được quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ. Theo lệ định năm 1821, thủy quân diễn tập bắn súng mỗi ngày 2 lần, “buổi sáng bắt đầu trước mặt trời mọc 1 khắc, đến lúc lậu xướng khắc1

thì thôi. Buổi chiều bắt đầu từ lúc lậu xuống 8 khắc đến khi mặt trời lặn thì thôi. Phàm tới khi thao diễn gặp mưa thì đình chỉ ngay” [54, tr.378].

Bên cạnh đó, nhà Nguyễn còn cho thủy quân trực tiếp bắn súng trên biển với các loại súng xung tiêu bằng đồng, súng đại bác, súng quá sơn. Khi đó, bia ngắm bắn là một chiếc bè nổi kết thành hình dáng chiếc thuyền, phên tre được sử dụng làm hình dáng lá buồm. Bè thả nổi trên biển, bốn bên đều có neo, xích giữ cố định. Vị trí thả bè được suy tính và lựa chọn. Năm 1840, Minh Mạng lệnh cho “Quản vệ vệ Loan giá là Tôn Thất Tường; Lang trung bộ Binh là Hồ Công Thiện, đem theo thị vệ, hộ vệ cùng đi đường trạm, đem cái bè nổi ấy, để ở trước mặt đảo Diên Chuỷ, chỗ con đường tàu thuyền ngoài biển ra vào tất phải qua đấy, châm chước định liệu tầm súng, bắn thử 3 phát súng xung tiêu, 10 phát súng hồng; rồi lại đem cái bè nổi ấy, dời đến trong vụng chỗ tàu thuyền vẫn đậu đỗ, lại bắn thử như trước, để nghiệm xem bắn có trúng hay không, và sức súng bắn ra được mấy trượng thước, đăng ký rò ràng trở về phúc tâu” [69, tr.832].

1 Nguyên văn là lâu ngũ hạ. Có lẽ là “cái đồng hồ dùng nước (hoặc cát) tụt xuống đến vạch thứ 5” chưa rò việc chia khắc đồng hồ lúc đó ra sao, xin để nguyên văn.

Sau mỗi kỳ luyện tập, nhà Nguyễn kiểm nghiệm hiệu quả bằng cuộc thi sát hạch bơi thuyền giữa bộ binh với thủy binh, tạo nên tính cạnh tranh, ganh đua giữa thủy và bộ trong cùng một nội dung luyện tập. Theo lệ định tháng 7 năm 1839, ở Kinh sư, “bộ binh mỗi dinh một chiếc thuyền chia ngồi đăng đối nhau, thuỷ binh mỗi vệ một chiếc thuyền chia ngồi đăng đối nhau và số người trên thuyền bằng nhau, đều thao diễn ở sông Hương. Mỗi ngày sớm chiều diễn 2 lần, mỗi lần chèo 3 vòng. Nếu 2 chiếc thuyền cùng đến một lúc là hoà; cái đến trước là được, cái đến sau là thua, hãy tạm ghi lấy, xong rồi lại sai bọn được, bọn thua đổi thuyền cho nhau thi lại, trước thua mà sau thắng thì miễn nghị, trước thua mà sau lại thua thì viên Suất đội trong thuyền bị xử đánh 30 roi; thuyền liên thắng 2 lần thì thưởng tiền 5 quan. Đến chiều lại thi như buổi sáng. Thuyền nào buổi sáng thua mà buổi chiều hoà hai lần thì miễn phạt; nếu một lần hoà, một lần thắng, thưởng tiền 3 quan; nếu 2 lần đều thắng, thưởng tiền 5 quan. Nếu 1 lần hoà, 1 lần thua, thì đem viên Suất đội thua phạt gia lên một bậc, tức là đánh 40 roi; các người cầm chèo mũi, chèo lái đều phạt đánh 10 roi. Nếu 2 lần cùng thua, Suất đội bị gia 2 bậc phạt đánh 50 roi; các người chèo mũi chèo lái đều đánh 20 roi; các người chèo quãng giữa đều đánh 10 roi. Thuyền thắng buổi sáng, nếu chiều lại thắng 2 lần, thưởng thêm 5 quan, cộng là 10 quan và thưởng cho Suất đội một đồng Phi long ngân tiền hạng nhỏ; nếu một lần hoà, một lần thắng, thì thưởng thêm 3 quan, cộng là 8 quan. Nếu 2 lần đều hoà hay một lần hoà, một lần thua thì miễn nghị. Nếu 2 lần cùng thua thì cuộc thắng buổi sáng không đủ bù lỗi, Suất đội bị xử phạt 20 roi. Về bộ binh thì do một viên Thị lang hoặc Biện lý bộ Binh, thuỷ binh thì do viên Đề đốc hoặc Hiệp lý, giữ việc kiểm duyệt. Một viên đại thần ban vò làm giám thị. Hằng ngày buổi sớm bắt đầu từ sau khi đốt ống lệnh cho đến giờ Thìn; buổi chiều, từ giờ Thân đến giờ Tuất làm hạn định)” [69, tr.530-531].

* Biện pháp thứ tư là tu sửa, đóng mới thuyền bè, sẵn sàng binh khí, đảm bảo tính tích cực, chủ động của một đội quân tinh nhuệ

Cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, thuyền bè là phương tiện cơ động đắc lực và phổ biến không chỉ trong sinh hoạt, hoạt động kiếm sống hàng ngày của cư dân mà cả trong quân sự quốc phòng, là “vật cần dùng trong việc quân, việc nước” [68, tr.482]. Nhà nước cũng nhận thức được thực trạng: “Trong nước tuy đã yên ổn nhưng không thể quên được việc chiến tranh. Quân ta rất giỏi thủy chiến mà số thuyền ghe hiện không có mấy, nên đóng sẵn trước để phòng khi dùng đến” (tháng

7 năm 1806) [65, tr.690]. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường huấn luyện quân sĩ, để xây dựng một đội thủy quân mạnh phòng khi hữu sự nhà Nguyễn còn chú trọng tu sửa, đóng mới thuyền bè, sẵn sàng binh khí. Sự chuẩn bị đó giúp Nhà nước giữ thế chủ động trong những tình huống chiến sự bất ngờ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 265 trang tài liệu này.

Sự linh hoạt di chuyển từ sông ra biển và ngược lại tạo nên tính cơ động cho thuyền bè. Tuy nhiên, sự tác động và mức ảnh hưởng đến thuyền của nước và gió trên sông, trên biển là khác nhau như độ ăn mòn thuyền của nước, sức đẩy thuyền của dòng chảy, của gió. Điều đó tạo nên những đặc trưng riêng trong vận hành đường sông và đường biển. Các vua Nguyễn, trên cơ sở am hiểu những đặc điểm vận hành này đã có nhiều ý tưởng và giải pháp độc đáo trong việc cải tiến kỹ thuật đóng tàu thuyền, giúp việc lưu hành đường sông, đường biển đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm đóng thuyền hai bánh lái của nhà Nguyễn là một ví dụ.

Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, thuyền 2 bánh lái, mỗi bánh lái mang một chức năng vận hành đường sông, đường biển (bánh lái dài để đi đường biển, bánh lái tròn để đi đường sông) đã được thủy quân Nguyễn Ánh sáng chế và sử dụng hiệu quả trước năm 1802. Sau khi lên ngôi, kỹ thuật này được tiếp tục áp dụng để đóng thuyền chiến bởi tính hiệu quả và độ linh hoạt của nó: “() Tháng 7 mùa thu năm Canh Tý (1780), Thế Tổ Cao hoàng đế năm thứ 3 sai quân đốn lấy gỗ để làm thuyền chiến (). Từ đấy cây to chặt được rất nhiều, Thanh Nhơn mới sáng chế đóng thuyền chiến, làm bánh lái dài để đi đường biển yên ổn, nhưng vẫn để bánh lái tròn khi trước để dùng khi đi đường sông, gọi là thuyền 2 bánh lái, phía trên gác sàn chiến đấu, 2 bên treo phên tre để che cho thủy binh ở dưới chuyên lo chèo chống, trên thì bố trí bộ binh để xung kích, nhờ vậy mà kỹ xảo của thủy sư càng tinh nhuệ, đến nay cũng vẫn theo” [25, tr.203]. Bên cạnh đó, các thuyền sau một thời gian đưa vào hoạt động cũng liên tục được cải tiến kỹ thuật để khắc phục nhược điểm của lối đóng thuyền cũ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những cải tiến ở chừng mực nhất định.

Chính sách an ninh ­phòng thủ biển của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX 1802 - 1858 - 10

Quan điểm về kỹ thuật đóng thuyền của nhà Nguyễn chú trọng ở sự nhanh, nhẹ. Đối với thuyền “kiểu dáng thô vụng, đi lại chậm chạp” như Thanh Loan, Phòng

Dương1, nhà Nguyễn chuẩn cho “lập tức tháo ra lắp ván” (tháng 7 năm 1839) [69, tr.544]. Thuyền bọc đồng nhiều dây, “trục buồm và dây dợ đều to nặng, sử dụng không tiện”, vua Minh Mạng xuống Dụ cho Hiệp lý thuỷ sư Lê Văn Đức hội bàn cùng Đề đốc thủy sư Chưởng quản thủy sư xem xét “những thuyền nhiều dây có 2 cột hay 3 cột buồm, những trục để giương và hạ buồm nên dùng bằng loại gỗ gì, cần nhỏ mà bền, dây buộc cần nhỏ mà săn, cốt sao được nhẹ nhàng mà thích dụng, thì hết lòng trù tính, định ra mẫu thức nhất định tâu lên chuẩn cho thi hành” (tháng 8 năm 1839) [69, tr.557].

Nhà nước cũng nhiều lần cho cải tiến kỹ thuật của các loại thuyền hiệu để đảm bảo chuyên chở và chiến đấu. Thuyền hiệu Ba (thuyền hiệu chữ “Bình”, chữ “An”) cùng với thuyền Điện Hải, từ tháng 6 năm 1835, phải bỏ cách đóng cũ vì “đầu và đuôi thuyền hơi thấp” [68, tr.689]. Đến tháng 7 năm 1839, thuyền Định Hải một lần nữa phải thay đổi cách đóng thuyền và khi đóng thuyền mới thì “không được làm

theo lối cũ như hình cung” mà “lòng thuyền cần rộng, từ cái hộ long2 trở lên dần

dần thu hẹp lại. Cái hộ long thì hơi bằng, đầu cao 5 tấc, đuôi cao 7 tấc” “cốt cho được khéo léo nhẹ nhanh” [69, tr.544]. Thuyền Điện Hải, trước năm 1829 dùng bánh lái nghiêng đến năm 1829 dùng bánh lái thẳng, đóng theo cách thức mới [69, tr.816]. Việc chế tạo thuyền hiệu chữ “Bình” kiểu mới cũng là một sáng chế đầy sáng tạo cho việc chuyên chở gỗ bằng đường biển. Theo lệ định tháng 6 năm 1831, thuyền hiệu chữ “Bình” số 2 được bỏ ván ngăn khoang thuyền cho thông suốt, chứa được nhiều tấm gỗ dài và “chỗ ván bưng đằng mũi thuyền mở hai cửa nhỏ vuông ngang dọc đều 1 thước 5 tấc, để tiện việc đem đặt tấm ván”, “việc xong thì bôi dầu buộc dây lại cho được vững bền” [67, tr.182]. Hiệu quả vận chuyển của loại thuyền này “nhanh chóng tiện lợi”, hơn hẳn cách vận chuyển bằng bè truyền thống [67, tr.182].

Về số lượng tàu thuyền, theo thống kê của P.Huard et M.Durand trong Connaissances du Viet Nam, đến năm 1821, tổng số tàu thuyền dưới triều Gia Long là 3.190 chiếc. Riêng thuyền chiến có: “200 thuyền mang 16, 18, 20, 22 đại bác;


1 Thuyền Thanh Dương trước là thuyền Thanh Loan, thuyền Tuần Hải lục hiệu trước là thuyền Phòng Dương. Tháng 7 năm 1839, Minh Mạng cho đổi tên thuyền Thanh Loan làm thuyền Thanh Dương, thuyền Phòng Dương làm thuyền Tuần Hải lục hiệu [69, tr.544].

2 Chưa rò nghĩa “hộ long” là gì nhưng có lẽ là cái xà ngang lòng thuyền để đặt ván sạp lên trên.

500 tiểu chiến thuyền có 40 đến 44 tay chèo, vũ trang bằng nhiều tiểu bác và 1 đại bác; 200 đại chiến thuyền với 50 đến 70 tay chèo, vũ trang bằng đại bác và tiểu bác; 3 tàu chiến kiểu Âu châu là Phụng Phi, Long Phi và Ưng Phimỗi thuyền có đến 30 đại bác. Xưởng đóng tàu Hà Mật có tới 4000 thợ và đóng những chiếc thuyền trọng tải đến 400 tấn bằng gỗ cứng, theo kiểu phương Tây” (P.Huard et M.Durand, Connaissances du Viet Nam, École Francaise d’Extrême - Orient, Ha Noi, 1954, tr.299, dẫn theo [12, tr.43]). Theo lệ định năm 1828 dưới triều Minh Mạng, tổng số thuyền của nhà Nguyễn là 1041 chiếc, trong đó thuyền nội ngạch là 931 chiếc, thuyền ngoại ngạch là 110 chiếc. Năm 1839 tổng số thuyền chỉ còn 820 chiếc (xin xem phụ lục Bảng 2.2: Số lượng thuyền theo ngạch định (lệ định năm 1828 và

1839)). Trong khi đó, thuyền Trường đà ngay từ năm 1808 đã là 3.460 thuyền1.

Dưới triều Nguyễn, thuyền máy (thuyền bọc đồng và bọc gỗ) là loại thuyền “tiến bộ nhất, có thể nói là chưa từng có mặt trong trang bị thủy quân Việt Nam từ xưa đến đầu thế kỷ XIX” [82, tr.48]. Thuyền bọc đồng đắc lực trong các chuyến công cán đường biển, nhất là vượt biển đến các nước như thuyền Phấn Bằng, Linh Phượng, Thanh Loan,Thuyền máy bọc gỗ (hay thuyền gỗ không bọc đồng) là loại thuyền phổ biến, được dùng nhiều trong công tác vận tải vật hạng công của Nhà nước, tuần biển và công cán nước ngoài như thuyền hiệu Ba (hiệu chữ Bình, An), thuyền hiệu Lãng (hiệu chữ Định, Tĩnh).

Tàu máy hơi nước là thành tựu khoa học kỹ thuật hàng hải tiên tiến của phương Tây, xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1838, dưới triều Minh Mạng, lần đầu tiên một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp được Nhà nước mua về cho tháo ra để nghiên cứu lấy mẫu đóng thử. Theo đánh giá của Thiệu Trị, loại tàu này “máy móc tinh xảo tuyệt trần, không phải mượn sức gió đưa buồm, mà ngựa chạy cũng không bằng”, “người ngoại quốc chuyên dùng để tải hàng hóa buôn bán, thu lấy nhiều lợi; nước ta dùng để làm việc vũ bị được nghiêm” [70, tr.630]. Tuy nhiên, với


1 Năm 1808, Tham tri Lại bộ kiêm quản Trường đà là Phạm Đăng Hưng dâng sổ hội kê về các hạng thuyền ghe năm nay của các dinh trấn gồm: “Thuyền 3.460 chiếc, được ơn miễn thuế 78 chiếc, ứng việc vận tải 425 chiếc, được miễn vận tải 2.957 chiếc. Tiền nộp thay vận tải và tiền thuế bến hơn 17.700 quan. Từ nay lấy việc dâng sổ hội kê làm thường lệ” [65, tr.742].

số lượng ít vì chi phí đóng tàu tốn kém, sự tham gia của tàu máy hơi nước vào công tác an ninh, phòng thủ không đáng kể1.

Sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động đóng thuyền còn được thể hiện qua những bước lựa chọn kỹ lưỡng vật liệu đóng thuyền. Các bộ phận của thuyền được chế tạo từ những vật liệu tốt nhất để cho ra xưởng những chiếc thuyền chất lượng.

Neo sắt, bánh lái, đinh thuyền, móc câu đều được rèn từ những loại sắt chất lượng nhất. Theo lệ định tháng 4 năm 1831 và tháng 3 năm 1838, những bộ phận này chỉ được chế tạo từ hạng sắt tốt nhất là sắt chín, sắt sống của Hà Sung, Bắc Ninh, Thái Nguyên và hạng tốt thứ nhì là sắt sống, sắt chín Bình Thuận, Quảng Nam, sắt chín Kiện Giang và sắt thanh, sắt cũ, sắt nát của Tây dương. Còn những hạng chất lượng xấu như sắt sống, sắt chín Nghệ An, Hà Tĩnh, Biên Hoà, sắt chín Thanh Hoa (hạng sắt xấu nhất), sắt sống và chín Bình Định (hạng sắt xấu thứ nhì) thì chỉ được chế tạo thành đinh dùng vào việc công mà không để đóng thuyền [68, tr.471-472], [69, tr.295-296].

Gỗ đóng thuyền được tuyển chọn từ những loại gỗ tốt của đất Nghệ An, Quảng Nam và Quảng Yên: “Gỗ lim Nghệ An tốt hơn cả các hạt khác. Từ trước đến nay, các hộ làm gỗ tìm đẵn hạng tốt thì sung vào chính cung, hạng có tật, có vết và cành ngọn thẳng, Nhà nước cũng mua cả. Đến như những cây cong queo, có thể làm được tay co, cũng là vật liệu cần dùng cho thuyền” (tháng 6 năm 1835) [68, tr.686]; “gỗ thông, gỗ sam, chất nhẹ mà nổi, dùng để đóng thuyền, thực là nhẹ nhàng, tiện lợi mà đất Quảng Yên giáp nhà Thanh là chỗ thổ sản hai thứ gỗ đó, cũng cho trả giá hậu mà mua nhiều. Phàm gỗ dài từ 7, 8 thước, ngang từ 5, 6 tấc trở lên, cần được 500, 600 cây, do tỉnh Nam Định chở về Kinh. Từ nay về sau hằng năm cứ lấy đó làm lệ [68, tr.686]. Ván làm thân thuyền được mua từ tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình [68, tr.996].

Dây thừng, dây chão dùng cho thuyền bè được làm từ vỏ cây gai thu trồng ở Thừa Thiên và các thành trấn: “Vỏ cây gai là một thứ cần dùng nhiều, thừng, chão dùng cho thuyền bè tất phải cần đến nó. () lệnh cho bộ Hộ tư sức cho phủ Thừa Thiên và các thành trấn đều phải chọn những ruộng đất công tư 1, 2, trăm mẫu, thuê dân trồng gai, mỗi năm hai lần lấy vỏ đem nộp. Sau lại sắc cho mỗi hạt chỉ chọn

1 Từ năm 1839 đến năm 1844, các xưởng đóng tàu của triều Nguyễn ở Huế chỉ đóng được 4 tàu hơi nước [112].

trồng độ trên dưới 50 mẫu, để dễ làm, dân khỏi đau khổ” (tháng 4 năm 1831) [67, tr.165].

Để đảm bảo chất lượng, hoạt động đóng thuyền và tu sửa thuyền được triều đình giám sát sát sao. Theo lệ định tháng 11 năm 1840, Nhà nước quy định: “từ nay hễ ở Kinh có sửa chữa đóng mới các thuyền, thì về thuyền Sam bản, Ô, Lê và các hạng thuyền nhỏ, cho đến các việc sửa chữa tầm thường, thì do bộ Công phái thuộc viên đến xem xét. Nếu đóng thuyền vua ngự và thuyền bọc đồng, cùng các thuyền hiệu, với sửa chữa chiếc thuyền nào, cần đến sơn thếp, hoặc bọc đồng lá, thì viện Đô sát phái viên khoa đạo đến hội cùng với bộ thuộc đứng trông coi lính và thợ làm. Lại xem xét những người thợ ở đó, hoặc có tình tệ xén bớt thiếu hụt và bộ thần làm việc có chỗ không phải, đều cho chỉ tên tham hặc” [69, tr.863-864].

Sự giám sát được thực hiện nghiêm ngặt đối với tất cả các công đoạn chế tạo thuyền, nhất là chế tạo các bộ phận quan trọng, ví như việc chế tạo bánh lái thuyền được nhà Nguyễn tuyển chọn từ những thợ có tay nghề giỏi và kiểm định chất lượng một cách chặt chẽ. Trước tình trạng thuyền Tiên Ly phái đi Hạ Châu bị gãy bánh lái bằng đồng khi vừa ra đến cửa biển Thuận An, Minh Mạng đã ra Chỉ Dụ: “Thuyền này xoay chuyển quan hệ ở cái lái, trong lúc đường biển sóng gió, lợi hại không phải nhỏ. Từ nay phàm đúc các hạng lái đồng, lái sắt, đốc công phải chọn thợ tinh khéo chuyên làm, Thuỷ sư lại chọn biền binh thuộc quyền người nào am hiểu nghề đến đôn đốc xem xét. Khi đúc xong, do bộ cho phái viên đến hội đồng khám xét, quả được mười phần chắc chắn mới cho đem dùng. Nếu lạo thảo làm bừa để khi đi biển bị gãy, thì từ thợ cho chí người xét nghiệm đều phân biệt trị tội” (tháng 10 năm 1839) [69, tr.606].

Nhận thức tầm quan trọng của tàu thuyền trong công tác vận tải vật hạng công của Nhà nước, trong hoạt động quân sự, tuần tra, phòng thủ biển và để tăng ý thức, trách nhiệm bảo vệ tàu thuyền của binh lính, nhà Nguyễn đã ra lệ định xử phạt bằng hình thức bồi thường đối với những tổn thất trên đường biển, kể cả những tổn thất do sóng gió biển khơi gây ra. Ví như thể lệ đền bù khi những lá đồng, đanh đồng của thuyền bọc đồng bị bong rơi trên hành trình đường biển: “Phàm đi đường biển trong nước, đường không xa xôi gì, gián hoặc có để bong rơi mất hay rách sất mất (những lá đồng, đanh đồng), thì chiểu số chia ra 10 thành mà bắt đền: nếu là thuyền đóng mới hay mới sửa chữa trong hạn 3 năm, thì miễn cho 5 thành; nếu là ngoài hạn

thì miễn cho 6 thành. Nếu bỏ neo không phải nơi hoặc chạy sai trái đường đến nỗi mắc cạn va phải mỏm đá, làm tuột làm rơi mất thì phải đền toàn số. Nếu sai đi việc công về, đã khám xét tường tận, sửa chữa chắc chắn rồi, chỉ để yên ở bến, mà làm rơi tuột mất, thì cũng phải đền toàn phần. Ngoài ra, như phái đi ngoại quốc, bị sóng gió lay đập lâu ngày, hay gặp gió đánh bạt, vướng phải chỗ nông có đá ngầm, không phải sức người có thể chống đỡ được, mà có đủ nơi sở tại hoặc phái viên chứng nhận thì đều được miễn) (tháng 10 năm 1839) [69, tr.606]. Những lệ phạt đó sẽ góp phần làm tăng trách nhiệm và ý thức kiểm tra, trông coi, bảo vệ tàu thuyền của các thuyền viên trên chuyến hành trình đường biển. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nhận thức rằng những tổn thất, mất mát đường biển khi đã xảy ra thì việc “bắt tội họ” cũng chỉ là “vô ích” [68, tr.482]. Do đó, quan điểm của nhà Nguyễn vẫn là chú trọng ở sự phòng bị, còn việc xử phạt chỉ để tăng ý thức, trách nhiệm của người đi biển.

Cũng vì “sửa đóng thuyền mành thực là việc khó, nếu không có tay lành nghề, không khỏi hỏng việc” nên Nhà nước chú trọng việc thăng thưởng cho những thợ đóng thuyền giỏi để động viên, khích lệ tay nghề. Năm 1832, Minh Mạng xuống Dụ cho bộ Công rằng: “() các cơ đội Kiên chu, Thiên chu, từ trước đến nay chuyên làm công việc đóng thuyền, trong đó hoặc có người làm giỏi, mà danh phận còn thấp kém chưa tỏ mình ra được, bộ các ngươi nên hội với Thuỷ quân Nguyễn Tài Năng lựa chọn kỹ xem người làm nhanh giỏi, thông thạo việc đóng thuyền, thì không cứ là Suất đội, Đội trưởng hay binh đinh, đều trích ra từng hạng, lập thành danh sách tâu lên, ta sẽ ra ơn, để biết cố gắng” [67, tr.298].

Vì coi trọng tàu thuyền nên công tác xây dựng, tu sửa các xưởng đóng thuyền cũng được nhà Nguyễn quan tâm. Ví như việc khám xưởng thuyền quân để chia hạng đánh giá và định niên hạn sửa chữa xưởng thuyền vào năm 1827 với sự hội

đồng của bộ Công, Văn thư phòng, viện Thượng trà đội Tiểu sai. Đến tháng 7 năm 1827, Nhà nước ra lệ định về việc “đại tu”, “tiểu tu”1 các xưởng đóng thuyền ở Kinh thành: “Thuyền lớn thuyền nhỏ cần phải dựng xưởng là 256 sở, xin định làm bốn hạng, phân biệt cấp tiền theo giá (một sở hạng nhất tiền 250 quan, hạng nhì 200

quan, hạng ba 150 quan, hạng tư 70 quan). Nhưng công việc nhiều và nặng nề, chưa


1 Đại tu, tiểu tu: sửa nhiều là đại tu, sửa ít là tiểu tu

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022