Chính Sách Phát Triển Tuồng Của Nhà Nguyễn Và Diện Mạo Tuồng Qua Các Thời Kỳ


tắc trước hiện thực nên dấn thân vào cuộc sống hưởng lạc như Dương Khuê, Dương Lâm, Chu Mạnh Trinh. Đáng chú ý trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX là tư tưởng canh tân và chủ trương cải cách xã hội của một số sĩ phu cấp tiến, có dịp ra nước ngoài, tiếp xúc trực tiếp với văn hóa phương Tây hoặc được đọc sách vở của phương Tây như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch hay tư tưởng canh tân như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh sau này. Ngoài ra còn có một bộ phận không nhỏ quan lại triều đình Huế đi theo khuynh hướng phản động làm tay sai, phục vụ cho quyền lợi của thực dân Pháp. Đó là những Nguyễn Thân, Trương Như Cương, Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường,...

Như vậy có thể thấy, giai đoạn cuối thế kỷ XIX, ý thức hệ Nho giáo dần bị tan rã và mất đi vị trí thống trị xã hội trong suốt nhiều thế kỉ. Tầng lớp Nho sĩ, trí thức bị phân hóa theo nhiều xu hướng khác nhau trong đó nổi bật lên hai xu hướng chủ yếu là thủ cựu và canh tân. Nói cách khác, trong giai đoạn này tư tưởng Nho giáo mất dần địa vị thống trị trong đời sống tinh thần của dân tộc và bắt đầu một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và cái hiện đại, cái lạc hậu lỗi thời và những nhân tố mới.

2.2. Tiền đề văn hóa, văn học

2.2.1. Chính sách phát triển tuồng của Nhà Nguyễn và diện mạo tuồng qua các thời kỳ

2.2.1.1. Giai đoạn các chúa Nguyễn (1558 – 1777)

Tuồng đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm nhưng không được triều đình phong kiến thừa nhận, thậm chí là bài xích. Năm 1437, triều đình Lê sơ ra lệnh cấm nghệ thuật sân khấu vào biểu diễn tại cung đình vì cho rằng đó là trò du hí của tiểu nhân, không phù hợp với người quân tử. Sau sắc lệnh ấy, triều đình còn ra nhiều lệnh khắc nghiệt với loại hình sân khấu dân gian này như quan lại không được lấy vợ hay thiếp làm ca nữ. Khi triều đình ra chính sách hễ ai nộp tiền, lúa vào công khố thì tùy theo mức sẽ được ban quan tước nhưng trừ bọn trộm cướp và phường hát xướng thì không được tham gia. Học trò mà có cha hay ông nội làm nghề ca xướng cũng không được đi thi. Chính vì vậy sau nhiều năm, loại hình nghệ thuật sân khấu phát triển chậm và chủ yếu tồn tại trong dân gian. Mãi đến cuối thế kỉ XVIII, lệnh cấm ca kĩ vẫn tồn tại trong cung đình. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “Các nhà tang gia đua nhau mượn phường chèo đóng tuồng để khoe khoang. Các quan chính phủ ghét bởi với hung lễ lại dùng lẫn lộn với cát lễ, bèn nghiêm cấm đã hơn mười năm. Đến năm Canh Tuất (1790) lại thấy dân gian bày trò hát bội ấy...” [74].

Đào Duy Từ quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa học vấn rộng nhưng xuất thân trong gia đình hát ả đào nên tài năng không được chính quyền Đàng Ngoài sử dụng. Ông vào Đàng Trong với mong muốn đi tìm chân chúa. Ông đến vùng Bình Định và được một vị quan phát hiện ra tài năng, đưa ông ra Phú Xuân tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Nguyên và được chúa trọng dụng, ban tước hầu. Đào Duy Từ giúp chúa nhiều việc quan trọng về quân sự, hành chính đặc biệt là


về văn hóa. Ông giúp xây dựng nhã nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng hát bội cung đình. Nhờ có Đào Duy Từ, lễ nhạc cung đình được hoàn thiện tiêu biểu cho nền văn hiến của dân tộc. Dưới thời chúa Nguyễn, nghề ca xướng không bị coi rẻ như ở Đàng Ngoài mà được trân trọng gọi là “ca công”. Trong các văn bản ban thưởng cho diễn viên đều ghi “... ưng thưởng cửu phẩm hay bát phẩm, thất phẩm ca công”. Chúa Nguyễn Phúc Chu sau này cũng là một người biết thưởng thức ca vũ nhạc và tuồng. Chính chúa cũng là một tay đánh trống tuồng lão luyện. Trong Hải ngoại kỷ sự, nhà sư Thích Đại Sán ghi lại như sau: “Cơm nước xong (...) bốn năm mươi cung nữ, người nào cũng thoa son, đánh phấn, bận áo hoa màu lục dài phết đất, đội mão vàng... ra múa hát. Diễn hý xong nhà vua lấy ra 50 đồng tiền giao cho ta bảo thưởng cho tiểu hầu”[188]. Sau này, hát bội vẫn được diễn ở trong phủ chúa mỗi khi có lễ nghi giao tiếp hoặc trong các dịp hội hè. Có thể nói, dưới thời các chúa Nguyễn, hát bội đã được quan tâm hơn thời gian trước. Đây là tiền đề để hát bội phát triển rực rỡ vào giai đoạn sau ở thế kỉ XIX.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.

Giai đoạn này xuất hiện khá nhiều kịch bản tuồng cổ nổi tiếng như Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long, Lý Thiên Long... song hầu hết đều là những kịch bản khuyết danh. Các vở tuồng này đều lấy đề tài “quân quốc” là trung tâm với tư tưởng chủ đạo là “phò Lê diệt Trịnh”. Các vở này được kết cấu thành ba hồi, hồi một giao đãi tình hình và giới thiệu nhân vật khá dài và rườm rà. Văn chương tuồng thời kỳ này còn đơn giản, nhiều khẩu ngữ và chủ yếu là các câu văn Nôm.

2.2.1.2. Giai đoạn các vua Nguyễn (1802 – 1945)

Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 7

Thời Gia Long, triều đình còn bận tâm đến các mặt công tác chính trị, quân sự, khôi phục kinh tế, xây dựng nhà nước nên chưa mấy quan tâm đến nghệ thuật nói chung và tuồng nói riêng. Tuy nhiên, triều đình cũng không hạn chế tuồng đang lưu hành rộng rãi trong nhân dân. Đến thời Minh Mệnh (1820 - 1841), nhà Nguyễn bắt đầu có những chủ trương chính sách dành cho tuồng và dùng loại hình nghệ thuật vốn được nhân dân yêu thích này làm vũ khí tư tưởng phục vụ đường lối chính trị của triều đình. Tại Duyệt Thị đường

có treo câu đối của vua Minh Mệnh:

音樂並陳和其心以養其志妍媸齊獻取其是而戒其非

Âm nhạc tịnh trần, hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí Nghiên xuy tề hiến, thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi

(Âm nhạc bày ra hòa được lòng vui và dưỡng được chí

Ta hãy tiếp những lẽ phải, điều hay, nhìn những cái sai trong đó để răn mình).

Minh Mạng là ông vua sành thơ, hiểu tuồng, đóng vai trò người bảo trợ hào hiệp cho sự phát triển của nghệ thuật tuồng. Từ đội Việt Tường thuộc Viện Giáo phường được Gia Long thành lập năm 1804, Minh Mạng đã điển chế hóa cơ quan này bằng sắc lệnh thành lập Thanh Bình thự thuộc biên chế nhà nước để phụ trách nghệ thuật tuồng. Quan đứng đầu


thuộc hàng ngũ phẩm. Thực tế, cơ quan này chuyên phụ trách các đội tuồng phục vụ biểu diễn trong cung đình. Đến thời Thành Thái thì Thự này giải thể thành ba đội tuồng trong cung đình được gọi là ba đội Võ Can, trực thuộc bộ Lễ, cho đến thời Bảo Đại mới đổi lại làm trường Thanh Bình. Tương truyền một vị đại thần - Nguyễn Đức Xuyên lập nhà hát tư mời phường hát; lúc khó khăn đến cầu khẩn vua xin kinh phí. Minh Mạng không chê trách lại ban cho 1000 quan tiền, 100 vuông gạo và dụ rằng “Nếu có thiếu cứ nói, Nhà nước với khanh có tiếc gì đâu”. Năm 1840, mừng thọ Minh Mệnh 50 tuổi. Trong đại lễ có diễn tuồng trong đó có vở Quần tiên hiến thọ do Nguyễn Bá Nghi sáng tác và chính Minh Mạng cũng tham gia viết một số đoạn về nhân vật Tào Chúa trong vở này. Các Hoàng tử cũng thường tổ chức diễn tuồng trong cung điện. Theo Tôn Thất Bình, “Có buổi Minh Mạng đang đọc sách ở Thái Bình lâu, trong đêm khuya bỗng nghe tiếng trống chầu vang dội... thì ra đó là tiếng trống phát ra từ địa điểm các Hoàng tử Miên Thẩm, Miên Trinh đang ở. Các Hoàng tử họp nhau lại tổ chức diễn tuồng trong đêm mà không xin phép trước”[14, tr.52].

Mặc dù Minh Mệnh đã thành lập các cơ quan chuyên trách về tuồng và tổ chức cho các quan lại sáng tác nhưng giai đoạn này không có nhiều sáng tác mang tính đột phá. Kịch bản tuồng thời Minh Mệnh tiếp tục duy trì nội dung tư tưởng, chủ đề, phong cách theo tuồng cổ các giai đoạn trước. Hơn thế, triều đình còn hướng sáng tác vào mục đích chúc tụng, ca ngợi công đức các chúa Nguyễn, cũng như công đức Gia Long. Tiêu biểu như vở Quần tiên hiến thọ được các quan viết chúc mừng Minh Mệnh 50 tuổi hoặc vở Võ Nguyên Long được viết để đề cao tài đức của Nguyễn Ánh và cho rằng Nguyễn Ánh có tinh tướng đế vương, được cá thần hiện lên đưa qua sông. Lúc này, triều đình cũng cho diễn lại nhiều vở tuồng cũ ca tụng chúa Nguyễn “phò Lê diệt Trịnh”. Tuy nhiên, thời Minh Mệnh, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, vua không còn được lòng dân như các chúa Nguyễn giai đoạn trước ở Đàng Trong. Lý tưởng “trung quân, ái quốc” đã bắt đầu rạn nứt trong lòng dân chúng. Chính vì vậy, nội dung tư tưởng kịch bản tuồng thời kỳ này giảm sút hơn so với các thời kỳ trước. Nội dung phản ánh không bám sát hiện thực xã hội và đời sống của nhân dân. Trình độ sáng tác văn học dưới thời Minh Mệnh chưa cao và chưa có sự chau chuốt văn phong, thể thức.

Tự Đức (1848 – 1883) được coi là “cây đại thụ trong rừng văn hóa đại ngàn xứ Huế”, vốn Nho học uyên bác, sáng tác nhiều, đam mê thi ca, thơ phú và đặc biệt Tự Đức rất mê hát bội. Nhà vua đặt riêng ba đội Thanh Bình quản lĩnh ca công, trong đó đội nhất là để riêng việc hát chầu tại Duyệt Thị đường. Tự Đức ham mê tuồng đến nỗi mỗi buổi chầu “vua bắt tất cả các quan thi nhau viết tuồng, phải viết hay vua mới duyệt, lúc đó nổi bật nhất là Đào Tấn và Bùi Hữu Nghĩa. Khi xem bản tuồng của Đào Tấn, Tự Đức phê “bút pháp như thần”. Còn bản


tuồng của Bùi Hữu Nghĩa, Tự Đức viết “văn chương thực hay nhưng hát tuồng không được”5. Tự Đức rất chú trọng đến việc sáng tác và chỉnh lý, cải biên kịch bản tuồng. Không ít các quan lại được bổ nhiệm và thăng tiến công danh nhờ soạn tuồng. Quá đam mê thơ phú, hát xướng khiến Tự Đức nhiều lúc xao nhãng việc triều chính. Đại thần Trương Đăng Quế (Quảng Ngãi) cùng Nguyễn Tư Giản (Bắc Ninh) dâng sớ can vua có câu “... Ngài đang khăn tang áo chế mà chơi bời hát xướng rộn rịp ở nơi hậu uyển. Xin hãy đem đồ hát vứt hết vào lửa, đuổi hết bọn hát đi...” [255, tr.102]. Năm Tự Đức thứ ba (1850), Phạm Phú Thứ lúc còn làm việc tại viện nội các, chức hàm còn nhỏ (lục phẩm) dâng sớ can cũng là việc vua chơi bời, hát xướng, lời lẽ cương trực, kịch liệt. Sớ dâng lên, Phạm Phú Thứ bị lột hết chức hàm, giao cho Trấn Vũ xiềng lại giải vào lao cho đi cắt cỏ ngựa [255, tr.102]. Tổng đốc Bình Phú, Thân Văn Nhiếp (khoảng năm 1867-1868) cũng dân sớ can vua vì sự lãng phí quốc khố cho tuồng và xây dựng lăng tẩm: “...Hài tuồng mua ở nước Thanh, gấm óng ánh, đồ tửu lâu, hàng năm phải nhiều phái đoàn đi mua... Bao nhiêu thợ khéo tập trung làm cung điện, may trào phục, hài tuồng...” [53]. Khi vua buồn chỉ có kép Đội Vung diễn tuồng khiến vua mỉm cười. Vua Tự Đức còn mời kép Đội Vung ra diễn tuồng khi kép hát này đang ở tù vì không ai thủ vai Cáp Tô Văn đạt như người diễn viên ấy. Bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) xem tuồng rất sành. Nhân ngày khánh tiết, bà triệu đội tuồng Thanh Bình vào hát cho các bà Thái hậu xem. Hôm đó trình diễn vở Đường chinh tây, lớp Phàn Lê Huê truy huynh sát phụ. Mặc dầu các vai đóng rất đạt nhưng bà không vui và bảo Đội trưởng “Người Tàu đặt truyện thật là nghịch lý, nhẫn tâm... có chi phải đến nỗi giết anh, giết cha, chẳng còn tình nghĩa chi hết. Người Tàu khác, người mình khác, người đặt truyện đã đặt bẫy, cớ sao người soạn tuồng cũng sập bẫy luôn. Phá sửa lại đúng cho như vậy mới là hợp lý và thuận với người nước ta” [14, tr.83-84]. Vua Tự Đức nghe mẹ phê bình đội tuồng Thanh Bình, cũng cảm thấy có phần trách nhiệm. Nhà vua cho thu tất cả các bản tuồng đang lưu hành trong dân gian đưa về kinh nhuận sắc lại. Vở nào không đúng với tâm hồn, bản sắc Việt Nam đều phải sửa. Từ đó mới có Kinh bản (tuồng bản đã sửa ở Kinh đô) và Phường bản (tuồng bản lưu hành trong dân gian). Năm 1878, lễ mừng thọ Tự Đức 50 tuổi, Nguyễn Thọ được cử phụ trách một số tổ chức gồm nhiều quan văn để lo chỉnh lý, sáng tác kịch bản tuồng trình diễn trong lễ mừng thọ ấy. Công tác chuẩn bị này được tiến hành trong một năm. Tự Đức còn chỉ dụ cho Đào Tấn sáng tác hai vở Bình địch, Đãng khấu chí và giao cho Nguyễn Gia Ngoạn sáng tác nhiều vở. Có thể nói, với lòng sùng mộ tuồng và những chính sách ưu ái dành cho nghệ


5 Ghi theo lời kể của Đạm Phương nữ sử, cháu gái vua Minh Mạng (tác giả luận án được nghe GS. Hoàng Chương thuật lại trong buổi nói chuyện tại Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc ngày 21/9/2016).


thuật tuồng, thời kỳ Tự Đức là thời kỳ nở rộ của các kịch bản văn học tuồng với hơn 500 kịch bản. Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của thể loại tuồng với hệ thống tác phẩm đồ sộ, phong phú và nhiều kịch tác gia thành danh như Nguyễn Diêu, Nguyễn Gia Ngoạn, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiêm, Phan Xuân Thận, Nguyễn Hiển Dĩnh và đặc biệt là Đào Tấn.

Giai đoạn này, đất nước có nhiều biến chuyển lớn khi thực dân Pháp xâm lược, xã hội bị phân hóa mạnh mẽ về tư tưởng, ý thức hệ Nho giáo bị lung lay và đổ vỡ trong nhiều tầng lớp. Tuy nhiên, nội dung các vở tuồng thời kỳ này vẫn lấy Nho giáo làm nền tảng, ca ngợi công đức của nhà nước phong kiến và các vị vua. Nội dung thù tạc, sáo rỗng, nhiều mỹ từ, điển tích, thoát ly cuộc sống. Văn chương tuồng giai đoạn này có bước chuyển biến lớn, lời tuồng được gọt giũa, chau chuốt hơn nhiều so với giai đoạn trước, mang tính bác học, rõ ràng, trọn vẹn. Các câu tuồng có sự chỉn chu và hình thức đối (đối chỉnh, đối chọi, đối ý, đối âm...) chặt chẽ:

Hai con mắt song tình dường biển

Ba kiếp tu cân phước còn non (Đãng khấu chí)

Phép gieo vần cũng chặt chẽ, trong nhiều vở như Hộ sinh đàn, Diễn võ đình... từ đầu đến cuối vần đều nối nhau không lạc một chỗ nào. Hồ Lãng6 cho rằng, một vở tuồng loại này có thể ví như một bài thơ trường thiên liên vận. Trước đây trong tuồng cổ, phần gieo vần khá ngẫu hứng và thường bị lạc nhiều. Việc tầm chương trích cú, sử dụng điển tích cầu kỳ cũng là điểm nổi bật của tuồng thời Tự Đức:

Một ghe chở nguyệt năm hồ

Quyết tan sáu nước cho đầu nhuốm sương (Tiêu khiển)

Và đặc biệt, so với tuồng giai đoạn trước, văn chương tuồng thời kỳ này nhiều thơ hơn, mang tính trữ tình và dùng chữ Hán nhiều hơn gấp bội.

Thời kỳ này, dòng tuồng ngoài cung đình cũng phát triển mạnh mẽ theo hai xu hướng chính, tuồng của các tác giả sĩ phu và tuồng dân gian (tuồng đồ).

Ngoài các tác giả hưởng ân lộc của Triều đình Huế phụng sắc viết tuồng còn có các nhà Nho không tham chính, tuy vẫn mang ý thức hệ Nho giáo nhưng bất ý với thời cuộc. Những người này vẫn sáng tác theo kiểu tuồng cung đình nhưng lại hướng về các đề tài thế sự, phản ánh hiện thực xã hội đương thời. Có thể kể đến Ngũ hổ bình Liêu (Nguyễn Diêu), Kim Thạch kỳ duyên (Bùi Hữu Nghĩa), Phong Ba đình (Nguyễn Đình Chiêm),... Căn cứ vào nội dung tư tưởng cũng có thể xếp các vở Cổ Thành, Hộ sinh đàn, Diễn võ đình của Đào Tấn vào nhóm này vì những vở trên được viết theo dòng cảm hứng riêng nằm ngoài hệ thống tư tưởng tuồng cung đình Huế. Những vở tuồng này đã thoát khỏi những đạo lý “ngu trung”, thoát được tư


6 Xin xem Chuỗi chính văn của tuồng (Tài liệu đánh máy lưu ở Viện Nghiên cứu nghệ thuật, Bộ Văn hóa – Du lịch)


tưởng huyết thống lạc hậu để đề cập đến những mối quan hệ bình thường như vợ chồng, bạn bè, đề cao tín nghĩa, tình người. Nhà soạn kịch kêu gọi con người hãy giữ vững đạo đức trong xã hội hỗn loạn. Đối với kẻ thù, tư tưởng các vở tuồng này hầu như bất hợp tác hơn là chiến đấu chống lại một cách quyết liệt như tuồng cổ. Đó có thể là tư tưởng “chờ thời” của các tác giả khi chưa tìm một con đường nào thật sự thuyết phục cho đất nước. Để tiện phục vụ người dân, các soạn giả thường biên soạn tuồng thành các vở lẻ để biểu diễn trong một tối chứ không dựng thành pho và thường là tuồng một hồi chứ không liên hồi như trước.

Tuồng đồ phản ánh trực tiếp tư tưởng, tình cảm của nhân dân và được coi như vũ khí đấu tranh của người dân trong giai đoạn này. Tuồng đồ chỉ xuất hiện ở vùng trong, từ Huế trở vào và chủ yếu là khu vực xung quanh Huế. Ở miền Bắc, tuồng đồ không phát triển vì có lẽ đã có nghệ thuật chèo làm nhiệm vụ diễn hài để tung hê những thói hư tật xấu của xã hội. Về hình thức, tuồng đồ lấy chất liệu, phương tiện của nghệ thuật tuồng là chính, đồng thời chịu ảnh hưởng ở tính hài của chèo và truyện tiếu lâm. Tuồng đồ thuộc dòng hài kịch với các vở tiêu biểu như Nghêu - Sò - Ốc - Hến, Trần Bồ, Trương Đồ Nhục, Châu Nhơn – Trần Nghĩa, Xã Vịt, Giáp Kén – Xã Nhộng, Trương Ngáo, Nghĩa Hổ, Công rùa - cua rồng... Nội dung của tuồng đồ là vạch trần sự thối nát của xã hội phong kiến suy tàn, đạo lý điên đảo, chính quyền bất lực và tham nhũng, lớp người gian manh xuất hiện. Con người được miêu tả trong tuồng đồ thường là những người mang tư tưởng, đạo lý của xã hội phong kiến với những hành động xấu xa. Cùng xuất hiện với chúng còn có một loạt những hạng người trung lưu, hạ lưu được sản sinh ra trong xã hội này với những thói hư tật xấu của họ (trộm cắp, gian lận, trai gái, lừa bịp, thậm chí là giết hại nhau).

Các vua Nguyễn sau này vẫn rất chuộng mộ tuồng, vua Đồng Khánh lấy tên các nhân vật trong Vạn Bửu trình tường đặt cho cung nữ. Vua Thành Thái cũng là một tay đánh trống tuồng rất giỏi. Ông từng sắm vai Thạch Giải trong tuồng Xảo Tống. Đội hát bội của ông lấy tên đội Võ Lan (theo lời kể của cố nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy). Họ thường thưởng tiền cho các ca nhi hát khúc, vũ nữ múa bộ để tỏ lòng ngưỡng mộ nghệ thuật. Tại tư dinh của các quan đại thần như Nguyễn Quốc Thảo, Hoàng Cao Khải thường diễn tuồng cho dân chúng lân cận vào xem. Nhiều gia đình hoàng tộc thường biểu diễn tại gian những trích đoạn tuồng trong giờ thư giãn hoặc để đãi khách.

Với những thay đổi to lớn của thời đại, văn hóa, xã hội, diện mạo tuồng giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng có những chuyển biến rõ rệt. Cùng với sự xuất hiện của kịch nói, cải lương, tuồng cổ từng bước chuyển sang tuồng tân thời với những đề tài từ cuộc sống như Vì nước quên nhà (Đốc phủ Bẩy và Hồ Biểu Chánh), Ai giết người (Tô Giang), Giá kén kẹn hom (Phạm Ngọc Khôi)... và tuồng tiểu thuyết (tuồng Xuân nữ), một thứ tuồng lãng mạn có nội dung gần giống như tiểu thuyết lãng mạn của Tự lực văn đoàn và Tiểu thuyết thứ bảy như các kịch bản Ai lên phố cát, Cờ trắng rừng xanh, Tội quy thùy... của Tống Phước Phổ.


Sự tác động của chủ nghĩa hiện thực và lãng mạn giai đoạn đầu thế kỉ XX, tuồng không ngừng vận động, đổi mới từ trong lòng sâu ở phương diện kịch bản. Xu thế đổi mới đã đưa tuồng tiếp cận với cuộc sống đương thời và để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của tầng lớp khán giả mới ở các đô thị, tuồng phải thay đổi cả giọng điệu lẫn thể chất của mình bằng cách vay mượn các nghệ thuật khác như kịch nói và cải lương để mở rộng khả năng đáp ứng yêu cầu của nghệ thuật mới. Tuồng lại bắt đầu quá trình thể nghiệm phá vỡ các đặc trưng thể loại cũ để định hình một thể loại mới, thể loại tuồng hiện đại. Tuy nhiên, với những thể nghiệm ở đề tài trào phúng, lãng mạn ở đầu thế kỉ XX, tuồng không đạt được những thành tựu đỉnh cao như thời kỳ Đào Tấn. Dường như tuồng chỉ phù hợp với các đề tài lịch sử, gắn với số phận những người anh hùng. Sự thành công của các vở Trưng nữ vương (Phan Bội Châu), Trưng nữ vương (Tống Phước Phổ), Thù chồng nợ nước (Hoàng Tăng Bí) ở giai đoạn đầu thế kỉ XX và các vở viết về đề tài kháng chiến chống Pháp như Đường về Lam Sơn (Mịch Quang), Đường về Vụ Quang (Hoàng Châu Ký)... có sức hấp dẫn lớn trong giai đoạn lịch sử mới.

Tóm lại, văn hóa cung đình của triều Nguyễn từ thời Minh Mạng trở đi có xu hướng đam mê diễn tuồng, sùng bái thơ văn. Đó là môi trường thuận lợi cho sự phát triển thăng hoa của nghệ thuật tuồng cũng như phát huy tài năng của Đào Tấn. Có thể lý giải việc phát triển đỉnh cao của tuồng trong thế kỷ XIX do hai nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, nghệ thuật tuồng ở Đàng trong, đặc biệt là Phú Xuân và Cố đô Huế đã được vua quan, sĩ phu, dân chúng tiếp nhận, kế thừa và phát huy rầm rộ. Hơn hết phải kể đến thị hiếu và lòng ngưỡng mộ của các thành viên trong hoàng tộc mà đứng đầu là các vị vua triều Nguyễn.

Hai là vai trò của Minh Mạng và Tự Đức trong việc xây dựng các cơ sở biểu diễn và quản lý tuồng như: Duyệt Thị đường, Viện Việt Tường, Thự Thanh Bình... Đặc biệt là vai trò của Tự Đức trong việc biên tu, soạn thảo kịch bản tuồng, phụng sắc diễn tuồng. Chính Tự Đức là người đã nhuận sắc tác phẩm của nhiều danh Nho để có nhiều pho tuồng nổi tiếng như Vạn Bảo trình tường, Quần phương hiến thụy, Đãng khấu chí, Sơn Hậu... Sự hình thành và phát triển sự nghiệp của Đào Tấn, Nguyễn Văn Diêu, Diên Khánh Vương, Nguyễn Khánh Nghi, Hàm Thuận và nhiều nhà soạn tuồng khác không thể không tính đến sự cổ lệ, bình phẩm của các vị trong hoàng tộc, nhất là Tự Đức.

2.2.2. Văn học tuồng trong bối cảnh văn học nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX

Tuồng xuất hiện từ thời Trần nhưng đến nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX mới được định hình và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, tuồng cơ bản được kế thừa những thành tựu văn học của gần tám thế kỷ với truyền thống về văn học dân gian, văn học bác học, về văn chương chữ Hán cũng như văn chương chữ Nôm. Đặc biệt ở thời kỳ này, văn học có sự phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng, trên tất cả các phương diện


thể loại, tác gia, tác phẩm, ở cả bộ phận văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Đó là nền tảng vững chắc cho tuồng có những thành tựu rực rỡ trong giai đoạn này.

Về văn học Chữ Hán: Mặc dù giai đoạn này được coi là “thế kỷ của văn học Nôm” nhưng văn học chữ Hán vẫn có những thành tựu rực rỡ và là bước tiến lớn so với các giai đoạn trước. Chưa có giai đoạn nào thơ chữ Hán lại phát triển rực rỡ và có nhiều thành tựu xuất sắc như ở giai đoạn này với đội ngũ nhà thơ đông đảo và tài năng như Đặng Trần Côn, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm,... sang đầu thế kỷ XIX có Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Miên Thẩm,... với những thi tập lên đến hàng trăm bài và nghệ thuật viết thơ thì đạt đến sự điêu luyện hiếm có. Văn xuôi chữ Hán cũng đạt được những thành tựu đỉnh cao với tiểu thuyết chương hồi, truyện ký, truyện truyền kỳ, văn tế... Tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán tuy mới ra đời đã xuất hiện những tác phẩm đồ sộ như: Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)... Truyện ký chữ Hán cũng phát triển trong giai đoạn này với những tác phẩm ký đồ sộ như Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án). Văn tế là thể loại đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử văn học dân tộc nhưng đến giai đoạn này cũng có những thành tựu độc đáo với nhiều tác phẩm tiêu biểu như Văn tế chị (Nguyễn Hữu Chỉnh), Văn tế Trương Quỳnh Như (Phạm Thái), Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du), Văn tế vua Quang Trung (Công chúa Ngọc Hân),... Văn khảo cứu cũng đặc biệt phát triển với sự xuất hiện của nhiều nhà bác học lớn như: Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú... với những tác phẩm khảo cứu đồ sộ như: Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú)...

Về văn học chữ Nôm: Các sáng tác văn học bằng chữ Nôm có từ thời Hàn Thuyên (đời Trần), bắt đầu phát triển từ đời Lê với các sáng tác của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hội Tao đàn, Nguyễn Bình Khiêm,... và đặc biệt phát triển rực rỡ trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX với hai xu hướng chính: Một là phát triển theo hướng dân tộc hóa, dựa trên nền tảng và tiếp thu sâu sắc ảnh hưởng của văn học dân gian, chủ yếu là ca dao, dân ca, vè. Hai là phát triển những thể tài lớn, có khả năng bao quát sâu rộng cuộc sống như truyện thơ và ngâm khúc.

Trước hết là thơ Nôm Đường luật. Đây là thể loại đã có thành tựu từ thế kỷ XV nhưng đến giai đoạn này tiếp tục có những bước tiến quan trọng làm thay đổi diện mạo thể loại với những tác giả hết sức độc đáo như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan. Đây cũng được coi là thế kỷ vàng của các thể thơ được coi là thuần túy dân tộc như: hái nói, truyện thơ, ngâm khúc, đều được viết bằng chữ Nôm và được viết bằng các thể thơ dân tộc như lục bát, song thất lục bát, đã khẳng định tính dân tộc và sự phục hưng của giá trị dân tộc trong giai đoạn văn học này. Hát nói là một thể thơ trữ tình có dung lượng lớn và cách luật cởi mở, giọng điệu phóng túng tùy theo hứng của người sáng tác. Nội dung phóng khoáng, có xu hướng

Xem tất cả 263 trang.

Ngày đăng: 20/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí