Cơ Sở Lý Luận Về Chất Lượng Cho Vay Giải Quyết Việc Làm Tại Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội


CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI


1.1 Tổng quan về cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1.1.1 Khái quát về Ngân hàng Chính sách xã hội

a) Khái niệm

Trong nền kinh tế, Ngân hàng là một trung gian tài chính chấp nhận tiền gửi và sử dụng số tiền gửi đó vào các hoạt động cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua thị trường vốn. Ngân hàng là cầu nối giữa khách hàng có thâm hụt vốn và khách hàng có thặng dư vốn. Do ảnh hưởng của chúng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế, để được cấp phép thành lập và hoạt động, các Ngân hàng cần đạt một số tiêu chuẩn khắt khe nhất định theo quy định tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Dựa vào hình thức sở hữu thì Ngân hàng được chia thành 6 loại: Ngân hàng thương mại quốc doanh; Ngân hàng thương mại cổ phần; Ngân hàng liên doanh;

Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; Ngân hàng chi nhánh nước ngoài; Ngân hàng chính sách xã hội.

Ở Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội (tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Bank for Social Policies, viết tắt: VBSP) là tổ chức tín dụng thuộc Chính phủ Việt Nam, được thành lập theo Quyết định 131/2002/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Khác với Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được Chính phủ Việt Nam bảo đảm khả năng thanh toán; tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng là 0%; Ngân hàng không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.

Theo Phạm Ngọc Dũng (2011), Ngân hàng chính sách xã hội là ngân hàng của Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, mà phục vụ cho các đối tượng khách hàng theo chính sách ưu tiên của Nhà nước. (Phạm Ngọc Dũng, 2011)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.

Từ những phân tích trên đây có thể rút ra khái niệm như sau: “Ngân hàng


Chất lượng cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thành phố Hà Nội - 3

Chính sách xã hội là là Ngân hàng do Nhà nước thành lập để cho những người thuộc đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết đời sống, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.”

b) Chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội

NHCSXH được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hoạt động tại NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.

NHCSXH được thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế xã hội.

NHCSXH là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng – văn minh. (Phạm Ngọc Dũng, 2011)

1.2. Cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội

1.2.1. Khái niệm cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội

a) Cho vay

Cho vay là hoạt động truyền thống và quan trọng của các Ngân hàng nói chung. Cho vay chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản, tạo thu nhập từ lãi lớn nhất và cũng là hoạt động có nhiều rủi ro nhất. Các ngân hàng thương mại có hai hình thức cho vay chính là cho vay khách hàng cá nhân và cho vay khách hàng doanh nghiệp.


Theo P.Rose (2003), Cho vay là chức năng kinh tế hàng đầu của Ngân hàng, để tài trợ cho chi tiêu của các doanh nghiệp, các cá nhân và các cơ quan chính phủ.

Theo Thông tư 39/2017/TT-NHNN, Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Như vậy, trong phạm vi nghiên cứu của luận văn có thể hiểu: Cho vay là là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

b) Cho vay GQVL tại NHCSXH

Cho vay GQVL là hình thức cấp vốn tín dụng cho các đối tượng vay vốn để GQVL nhằm góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, bảo đảm việc làm cho người có nhu cầu làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Cho vay GQVL hiện nay đang được thực hiện bởi NHCSXH. Về cơ bản, cho vay GQVL cũng tuân thủ theo các quy trình cho vay thông thường, bao gồm có tiếp nhận hồ sơ, dự án xin vay vốn, đảm bảo có tài sản thế chấp, cầm cố theo quy định. Tuy nhiên, dự án xin vay vốn phải đảm bảo tạo ra được ít nhất một chỗ làm mới cho người lao động. Tuỳ theo từng đối tượng khách hàng được vay vốn để lập hồ sơ xin vay theo hướng dẫn cụ thể. Cũng tuỳ theo dự án xin vay thuộc nguồn vốn do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hay do các tổ chức chính trị xã hội, Bộ quốc phòng quản lý mà có sự phân cấp thẩm định và xét duyệt dự án khác nhau. (Phạm Ngọc Dũng, 2011)

Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn có thể hiểu: Cho vay GQVL tại NHCSXH là hình thức cấp tín dụng, theo đó, NHCSXH giao hoặc cam kết giao cho người vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích tạo việc làm mới và mở rộng thêm việc làm trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi.


1.2.2 Đặc điểm cho vay giải quyết việc làm

Cho vay GQVL tại NHCSXH cũng có những đặc điểm chung của cho vay, đó là thời hạn, tính hoàn trả và lãi suất.

+ Cho vay là sự chuyển nhượng một tài sản có thời hạn (tức là có tính hoàn trả). Do ngân hàng là một trung gian tài chính, đi vay để cho vay nên các khoản cho vay của Ngân hàng đều phải có thời hạn hoàn trả nhằm đảm bảo cho ngân hàng có đủ nguồn để trả cho bên huy động.

+ Việc cho vay giữa Ngân hàng và khách hàng không phải là hoạt động mượn vốn mà là một dịch vụ kinh doanh nên khi đi vay, người vay phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Ngân hàng gồm hoàn trả nợ gốc, lãi vay và các cho phí phát sinh có liên quan đến hoạt động vay vốn theo quy định ghi trên hợp đồng tín dụng.

Ngoài các đặc điểm chung như trên, cho vay GQVL tại NHCSXH còn có những đặc điểm riêng như sau:

- Mục đích cho vay GQVL: là tạo việc làm mới, mở rộng thêm việc làm để tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Trong một ý nghĩa nào đó, giống với việc dự án đầu tư là phải sinh lời vì có sinh lời thì người sử dụng lao động mới cần bổ sung thuê thêm được lao động, và mở rộng thêm quy mô sản xuất kinh doanh từ đó góp phần tăng thu nhập cho người lao động, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp. Thêm vào đó, cho vay GQVL góp phần ổn định chính trị - xã hội, giảm nghèo bền vững, làm giảm dần các hoạt động tín dụng đen qua đó ổn định chính trị xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của quốc gia.

- Đối tượng vay vốn của chương trình cho vay GQVL là người lao động chưa có việc làm bao gồm cả thanh niên lập nghiệp, sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp đại học, trung tâm dạy nghề, người lao động đã có việc làm nhưng muốn mở rộng thêm việc làm hiện tại.

- Thời hạn vay vốn của chương trình cho vay GQVL tối đa là 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.


- Lãi suất vay vốn của chương trình cho vay GQVL thường thấp hơn so với lãi suất vay vốn của các NHTM:

+ Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định của Pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm).

+ Một số trường hợp được cho vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động: Người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật (người dân tộc thiểu số),…

- Nguồn vốn cho vay: Ngoài nguồn vốn chủ yếu nhận từ Nhà nước thì còn nhận vốn ủy thác của chính quyền địa phương như các quỹ tín dụng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính tín dụng, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước.

- Chính sách cho vay GQVL theo quy định của Chính phủ. Việc triển khai cho vay vốn thực hiện theo phương châm 3 đúng, đó là đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau khi giải ngân vốn có sự phối hợp chặt chẽ với mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên giám sát các thành viên để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

1.2.3 Phân loại cho vay giải quyết việc làm

1.2.3.1 Theo phương thức cho vay

Đây là tiêu chí phân loại chủ yếu đang áp dụng tại các NHCSXH. Theo phương thức cho vay, cho vay GQVL được chia thành cho vay trực tiếp và cho vay ủy thác.

- Cho vay trực tiếp: Là loại cho vay tại NHCSXH trong đó người đi vay chính là người phải trả nợ trực tiếp cho ngân hàng.

- Cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác một số công đoạn trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là Hội, Đoàn thể).


1.2.3.2 Theo thời gian sử dụng tiền vay

Căn cứ theo tiêu thức này người ta chia cho vay GQVL tại NHCSXH thành 2 loại:

- Cho vay ngắn hạn: là loại cho vay có thời hạn dưới 12 tháng và được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động của các doanh nghiệp và các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của cá nhân. Đây là loại hình cho vay ít rủi ro cho NHCSXH vì trong một thời gian ngắn ít có những biến động xảy ra và ngân hàng thường luôn dự tính được những biến động đó.

- Cho vay trung và dài hạn: là loại cho vay có thời hạn từ 12 tháng trở lên. Loại cho vay này thường có mức độ rủi ro lớn do khó lường trước được những biến động có thể xảy ra.

1.2.3.3 Theo hình thức đảm bảo tiền vay

Theo tiêu thức này, cho vay GQVL tại NHCSXH được chia thành 2 loại:

- Cho vay có tài sản đảm bảo: là loại hình cho vay mà các khoản cho vay phát ra đều có tài sản tương đương thế chấp, có các hình thức như cầm cố, thế chấp, chiết khấu và bảo lãnh.

- Cho vay không có tài sản đảm bảo: Là loại hình cho vay mà các khoản vay phát ra không cần tài sản thế chấp mà chỉ dựa vào tín chấp.

1.2 Chất lượng cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1.2.1 Quan điểm về chất lượng cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Chất lượng của sản phẩm, dịch vụ được hiểu là toàn bộ tính năng của sản phẩm, dịch vụ phù hợp với điều kiện quy định nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu xã hội.(Nguyễn Văn Tiến, 2014) Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì trước hết cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Chất lượng cho vay được hiểu một cách khái quát nhất đó là sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng (người gửi tiền và người vay tiền) phù hợp với sự phát triển


kinh tế xã hội và đảm bảo sự tồn tại, phát triển của tổ chức tín dụng cung cấp sản phẩm tín dụng đó. (Trần Huy Hoàng, 2007)

Dưới góc độ là các chủ thể khác nhau, chất lượng cho vay GQVL có thể được xem xét ở các góc độ khác nhau, cụ thể là:

Thứ nhất, đối với nền kinh tế: Chất lượng cho vay GQVL thể hiện ở tính hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội. Mục tiêu cao nhất của cho vay GQVL là tạo điều kiện về vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình tiến hành hoạt động sản xuất thu hút và tạo ra chỗ làm mới cho người lao động từ đó góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, xoá đói, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội. Tín dụng chính sách GQVL là một trong những giải pháp để thực hiện triệt để Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Do đó, chất lượng cho vay GQVL thể hiện ở việc ngân hàng giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có được sự hỗ trợ cần thiết về vốn để tiến hành sản xuất, kinh doanh, vốn vay được sử dụng có hiệu quả tạo ra chỗ làm mới cho lao động, từ đó tạo ra thu nhập, của cải giúp người nghèo nâng dần mức sống, giảm đói nghèo tiến tới thoát nghèo, từ đó đạt được mục tiêu xoá đói giảm nghèo trên phạm vi quốc gia, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, ổn định chính trị.

Thứ hai, đối với ngân hàng: Nguyên tắc cơ bản nhất đối với hoạt động cho vay ngân hàng đó là vốn vay phải được hoàn trả cả gốc và lãi đúng hạn. Nên nói đến chất lượng cho vay là nói đến khoản cho vay được bảo đảm an toàn, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với chính sách cho vay của ngân hàng, hoàn trả gốc và lãi đúng thời hạn, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng với chi phí nghiệp vụ thấp, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trên thị trường, làm lành mạnh các quan hệ kinh tế, phục vụ tăng trưởng và phát triển.

Thứ ba, đối với khách hàng vay vốn: chất lượng cho vay được thể hiện thông qua sự thoả mãn của khách hàng. Khách hàng thoả mãn khi có quy trình cho vay rõ ràng, chính sách cho vay ưu đãi, lãi suất, thời gian và mức vay vốn hợp lý.

Chất lượng cho vay là một thuật ngữ phản ánh mức độ an toàn và khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng Ngân hàng, đồng thời thoả mãn khách hàng và đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế - chính trị - xã hội.


Thực tế đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả thiết thực của chương trình cho vay GQVL. Tuy nhiên, chất lượng cho vay GQVL cần phải được tìm hiểu, phân tích để nâng cao hơn nữa.

Như vậy, chất lượng cho vay GQVL có thể được hiểu là: Chất lượng cho vay GQVL được hiểu là khả năng Ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn và kết quả sử dụng vốn vay của các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn GQVL, đồng thời đem lại sự thoả mãn cho khách hàng vay vốn. Việc đáp ứng nhu cầu vốn vay là thỏa mãn nguồn vốn cho các đối tượng được vay vốn nhằm đưa vào sản xuất kinh doanh giúp tạo thêm chỗ làm mới cho người lao động, ổn định cuộc sống, đồng thời có khả năng trả nợ ngân hàng cả gốc và lãi vay. Kết quả là vốn vay của ngân hàng được sử dụng đúng mục đích, thực hiện được mục tiêu GQVL, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, duy trì và mở rộng việc làm.

Chất lượng cho vay GQVL thể hiện ở khả năng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng xin vay vốn GQVL; hiệu quả sử dụng vốn vay của bên vay thông qua chỉ tiêu số lao động được nhận vào làm việc; đồng thời, đảm bảo sự an toàn nguồn vốn, khả năng trả nợ gốc và lãi vay của khách hàng cũng đóng góp một phần không nhỏ vào chất lượng tín dụng.

Chất lượng cho vay GQVL cũng thể hiện ở kết quả của việc thẩm định dự án. Tính khả thi của dự án vay vốn và khả năng hoàn trả vốn vay của người đi vay: Dự án xin vay vốn GQVL phải đảm bảo điều kiện tiên quyết là tính khả thi. Điều này thể hiện ở hiệu quả, ở lợi ích thiết thực mà dự án đem lại cho nền kinh tế, cho xã hội. Từ đó dự án mới có thể tồn tại, phát triển và thực hiện được mục tiêu đề ra là duy trì được chỗ làm mới được tạo ra cho người lao động.Đồng thời, dự án vay vốn có hiệu quả thì mới đảm bảo được khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng để tiếp tục quay vòng cho vay đối với các dự án tiếp theo.

Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả chỉ nghiên cứu chất lượng cho vay giải quyết việc làm dưới góc độ ngân hàng cho vay và khách hàng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/09/2022