Phương Pháp Phân Loại Theo Đặc Điểm Thực Vật Học

* Khắc phục hiện tượng giáp vụ rau

Khí hậu nước ta có thuận lợi cho cây trồng nhưng cũng gây ra khó khăn nhất định. Ở ĐBSCL có 2 thời kỳ giáp vụ rau là tháng 4-5 và tháng 9-10 dl khi chuyển mùa. Để khắc phục hiện tượng giáp vụ rau cần chú ý:

- Tăng cường việc chọn lựa các giống rau có khả năng thích nghi với điều kiện nhiệt độ cao, chịu úng, chống chịu sâu bệnh tốt để trồng vào các tháng giáp vụ

- Sắp xếp thời vụ gieo trồng hợp lý các loại rau theo yêu cầu sinh trưởng

- Tăng cường biện pháp kỹ thuật như làm giàn che, bón phân, luyện tính chịu nóng cho cây để khắc phục điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

- Tăng cường việc chế biến và bảo quản rau để kéo dài thời gian cung cấp.

CÂU HỎI ÔN TẬP

Câu 1: Cây rau cung cấp giá trị dinh dưỡng và có tác dụng trong y học như thế nào?

Câu 2: Hãy trình bày đặc điểm của ngành trồng rau?

Câu 3: Ở nước ta ngành trồng rau có nhiệm vụ như thế nào?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 65 trang tài liệu này.

CHƯƠNG 2

ĐẶC TÍNH SINH THÁI HỌC CỦA CÂY RAU

Cây rau Nghề Bảo vệ thực vật - Cao đẳng Phần 1 - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp - 3


Giới thiệu:

Nội dung chương cho biết phương pháp phân loại, yêu cầu ngoại cảnh về đất, nước, dinh dưỡng,….của rau

Mục tiêu:

- Kiến thức:

+ Trình bày được yêu cầu ngoại cảnh của cây rau

- Kỹ năng:

+ Phân loại được các loại rau thuộc cùng một họ

- Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

+ Rèn luyện tính cẩn thận tỉ mĩ

+ Lập được kế hoạch trồng rau theo mùa vụ

* Nội dung Bài:

1. Phương pháp phân loại

1.1 Phương pháp phân loại theo đặc điểm thực vật học

* Nhóm đơn tử diệp

- Họ Alliaceae: gồm hành tây (Allium cepa L.), hành ta (Allium ascalonicum L.), hành lá, tỏi (Allium sativum L.), tỏi tây (Allium porrum L.), hẹ (Allium odorum L.), kiệu (Allium Bakeri Regel.)

- Họ Araceae: khoai môn (Colocasia antiquorum Schott), bạc hà (Alocasia odora Kocn).

- Họ Dioscoreaceae: khoai ngọt (Dioscorea alata L.), khoai từ (Diocorea esculenta Burt)

- Họ Gramineae: bắp ngọt (Zea mays L var. saccharata Koern), măng tre (Phyllostachys sp.), xã (Cymbopogon citratus)

- Họ Zingiberaceae: gừng (Zingiber offcinale Rosc), nghệ (Curcuma domestica Val.)

* Nhóm song tử diệp

- Họ Apiaceae (Umbelliferae): cà rốt (carrot) Dacus carota L., cần tây (celery) Apium graveolens L., cần nước (water celery) Oepanthe stolonifera DC, thì là ((dill): Anethum graveolens L., ngò thơm (coriander) Coriandrum sativum L.

- Họ Asteraceae (Compostae): Artichaud (artichoke) Cynara scholymus L., cúc tần ô (pyrethrum) Chrysanthemum cinerariaefolium, xà lách (lettuce) Lactuca sativa L

- Họ Basellaceae: mồng tơi xanh (malabar spinach) Basella alba L., mồng tơi tím (Climbing spinach) Basella rubra L.

- Họ cải (Crucuferae): gồm cải bắp (cabbage) Brassica oleracea var. capitata (L.), cải bông (cauliflower) B. oleracea var. botrytis, cải thảo, cải rổ, su hào, cải trắng, cải ngọt, cải xanh, cải củ, xà lách soong.

- Họ Chenopodiaceae: bó xôi (spinach) Spinacia oleracea L., dền củ (beet)

Beta vulgaris L.

- Họ Convolvulaceae: Rau muống (water spinach) Ipomea aquatica

Forsk., Rau lang (sweet potato) Ipomea batatas L.

- Họ bầu bí (Cucurbitaceae): dưa hấu (water melon): Citrullus lanatuc (Thumb.) Mansf, Dưa leo (cucumber) Cucumis sativus L., Dưa lê (sweet melon) Cucumis melo L. var. modorus, Dưa gang (melon) Cucumis melo var conomon, Dưa cantaloup (rock melon) Cucumis melo. var. cantalupensis, Bí đỏ (pumkin) Cucurbita pepo Duch, Bí đao (wax gourd) Benincasa hispita Thumb, Mướp hương (long luffa) Luffa cylindrica (L.) Roem, Mướp khía (angled luffa) Luffa acutangula (L.) Roxb, Bầu (bottle gourd) Langenaria siceraria, Khổ qua (bitter cucumber) Momordica charantia L, Su su (Chayote) Sechium edule (Jecq.) Swarts.

- Họ đậu (Fabaceae): đậu que (Snapbean) Phaseolus vulgaris (L.) Savi., đậu đũa (asparagus bean) Vigna sesquipedalis Wight., đậu hòa lan (garden sugar pea): Pisum sativum L., đậu rồng (winged bean) Psophocarpus tetragonolubus L, đậu gạo (rice bean): Phaseolus calcaratus Roxb, đậu ván (hyacinth bean) Lablab purputeus Sweet., củ đậu (yam bean) Pachyrrhizus erosus Urban.

- Họ húng (Lamiaceae):Húng quế (basil): Ocimum basilicum L., húng cay (Mint) Metha arvensis, Húng lủi (japanese mint) Metha arvensis var. piperaseens.

- Họ Malvaceae: đậu bắp (okra) Hibiscus esculenta

- Họ Solanaceae: ớt ngọt (sweet peper) Capsicum annuum L., cà chua (tomato): Lycopersicum esculentum Mill, cà tím, cà trắng (eggplant) Solanum melongena L., khoai tây (potato) Solanum tuberosum L.

- Họ Trapaceae: Cây ấu (water caltrops) Trapa bicornis Osbeek.

Ưu điểm của phương pháp phân loại này là có thể tìm hiểu quan hệ về hình thái, họ hàng và có tên gọi thống nhất bằng tiếng Latinh. Sự hiểu biết mối quan hệ này là cơ sở khoa học cho công tác chọn tạo và nhập nội giống.

1.2 Phân loại theo bộ phận sử dụng

Trong cùng một họ các cây rất gần nhau về nguồn gốc, cấu trúc, cơ quan sinh sản, yêu cầu điều kiện ngoại cảnh và thường nhiễm sâu bệnh như nhau. Tuy nhiên, có những cây cùng họ nhưng phương pháp canh tác và sử dụng làm thực phẩm khác nhau. Xá lách, cải xanh, cải ngọt, bó xôi tuy khác họ nhưng sử dụng làm thực phẩm giống nhau vì là rau ăn lá. Do vậy có thể căn cứ vào bộ phận sử dụng để xếp các nhóm rau như sau:

- Rau ăn rễ củ: cà rốt, củ cải trắng, củ dền, củ đậu

- Rau ăn thân củ: Su hào, hành, tỏi, khoai tây, măng tây

- Rau ăn lá: Cải bắc thảo, cải bắp, cải bixen, xà lách, cải bó xôi, rau dền

- Rau ăn hoa: cải bông, artichaud

- Nấm: nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư, nấm hương…

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bộ phận sử dụng thì không thuận tiện về mặt nông học vì không tính đến các đặc tính sinh học và phương pháp canh tác các loại rau khác nhau, vì vậy nhà nông học Xô Viết V.I. Edelstein đề nghị hệ thống phân loại tổng hợp như sau:

- Rau họ cải (cole crops): cải bắp, cải bông, cải bixen, su hào.

- Rau cho rễ củ (root crops): cà rốt, củ cải trắng, củ dền.

- Rau họ hành tỏi (bulb crops): tỏi, hành tây, hành boa rô.

- Rau họ đậu (pulses): đậu đũa, đậu côve, đậu hòa lan, đậu ván, đậu lima.

- Rau ăn thân củ (tuber crops): khoai tây, khoai lang.

- Rau ăn lá ngắn ngày (salad crops): xà lách, bó xôi, rau dền, thì là, cải ngọt, cải xanh, cải cúc, cần tây.

- Rau lâu năm (perennial crops): măng tây, măng tre, artichaud.

- Rau họ cà (Solanaceous crops): cà tím, ớt, cà chua.

- Rau bầu bí (Cucurbits): bầu, bí, dưa leo, dưa hấu, dưa gang.

- Nấm (mushroom): nấm rơm, nấm mèo.

2. Yêu cầu đối với điều kiện ngoại cảnh của cây rau

2.1 Nhiệt độ

* Ảnh hưởng của nhiệt độ

Nhiệt độ ảnh hưởng trên sự bốc thoát hơi nước, sự hấp thụ dung dịch đất, sự đồng hóa, hô hấp, tích lũy chất dự trữ và các tiến trình sinh lý khác trong thực vật. Mỗi loại rau yêu cầu điều kiện nhiệt độ nhất định để sinh trưởng. Nhiệt độ quá cao hay quá thấp trong tế bào và mô cây xãy ra sự thay đổi không thể phục hồi dẫn đến việc chết toàn cây hay các cơ quan riêng biệt của cây.

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sống của các vi sinh vật có lợi và có hại cho cây. Ví dụ một trong những điều kiện chánh cho việc lây lan đại trà bệnh cháy lá do nấm Phytopthora trên cà chua và khoai tây là do sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm (ngày nóng, đêm lạnh); bệnh héo rũ do nấm Fusarium trên các cây rau xuất hiện khi nhiệt độ đất cao. Ngoài ra hoạt động tích cực của các vi khuẩn định đạm chỉ xãy ra trong phạm vi điều kiện nhiệt độ xác định.

* Sự tương hợp giữa chế độ nhiệt của môi trường và nhu cầu của cây rau

Nhiệt độ tối thiểu hay tối đa (thấp nhất hay cao nhất) là nhiệt độ mà cây có thể chịu đựng được một thời gian ngắn mà không chết cây và nhiệt độ tối hảo là phạm vi giới hạn nhiệt độ mà ở đó sự tăng trưởng và tích lũy năng suất cây trồng xãy ra tích cực.

Nếu nhiệt độ từ từ giảm xuống dưới mức tối hảo, các hiện tượng khác trong đời sống cây từ từ giảm; khi nhiệt độ tối hảo sớm bắt đầu trở lại thì tất cả các tiến trình sống của cây được phục hồi mà không để lại ảnh hưởng nào đáng kể, nhưng nhiệt độ giảm dưới mức tối thiểu, sự tăng trưởng bị ngưng và thường xuyên xuất hiện sự rối loạn các tiến trình riêng biệt của cây.

Khi đánh giá sự tương hợp giữa điều kiện nhiệt độ môi trường và yêu cầu của các loại rau riêng biệt có thể phân chia làm 5 nhóm:

- Rau chịu rét: măng tây, hành đa niên, tỏi, ngó sen,…vào mùa xuân và mùa thu có thể chịu đựng nhiệt độ lạnh -8 đến -10oC, các bộ phận dưới đất có thể chịu đựng qua mùa đông.

- Rau chịu rét trung bình: gồm các loại cải 2 năm, cà rốt, xà lách, bó xôi, hành tây 2 năm,…Rau nhóm này có thể chịu đựng điều kiện lạnh -1 đến -2oC một thời gian lâu và -3 đến -5oC trong vài ngày. Nhiệt độ tối hảo cho rau nhóm này sinh trưởng tốt là 17-20oC và điểm bù trừ khoảng 30o-32oC.

- Rau hơi chịu rét: gồm khoai tây. Thân lá khoai tây sẽ chết ở 0 oC cũng như ở cây chịu ấm còn sự tăng trưởng và thành lập củ xãy ra tốt ở nhiệt độ gần bằng nhiệt độ tối hảo cho cây chịu rét trung bình

- Rau chịu ấm: cà chua, ớt ngọt, cà tím, dưa leo…nhiệt độ tối hảo cho sự sinh trưởng của rau nhóm này là 20-30oC. Tuy nhiên cây không chịu đựng được nhiệt độ thấp < 0oC hay nhiệt độ cao > 40oC.

- Rau chịu nóng: dưa hấu, dưa gang, bầu, bí, rau muống, đậu đũa…cây sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 20-30oC và chịu được nóng > 40oC.

Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2 có gió mùa đông bắc thổi khí lạnh từ đất liền ra biển và mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10 có gió mùa tây nam thổi từ biển vào đất liền mang theo mưa.

Vùng đồng bằng phía nam nằm gần đường xích đạo, nhiệt độ trung bình trong ngày khoảng 27oC và ổn định quanh năm. Càng tiến dần ra phía bắc hay lên vùng có cao độ cao, sự chênh lệch nhiệt độ từ giữa mùa nóng và mùa lạnh trở nên rõ rệt hơn. Ở phía bắc mùa đông từ tháng 10 đến tháng 4, nhiệt độ trung bình xuống đến 16oC, trong khi mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10 rất nóng và thường có bão. Ở vùng núi và cao nguyên, khi cao độ tăng 160m thì nhiệt độ giảm đi 1o và chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn dần khi càng lên cao. Do nhiệt độ là yếu tố xác định loại rau trồng nên rau chịu nóng thường trồng ở vùng đồng bằng, rau chịu lạnh chiếm ưu thế trên vùng cao hay mùa đông phía bắc và rau chịu ấm trồng được cả 2 vùng. Tuy nhiên có sự khác biệt rất rõ về giống trồng ở vùng cao và vùng đồng bằng.

* Yêu cầu của cây rau trong các giai đoạn sinh trưởng khác nhau

Thời kỳ nẩy mầm

Hạt giống cần nhiệt độ cao để nẩy mầm. Nhiệt độ cao làm gia tăng hô hấp, kích thích sự hoạt động của men, sự trao đổi chất và làm gia tăng sự phân chia, tăng trưởng của tế bào phôi mầm. Sự nẩy mầm của tất cả các loại rau xãy ra thuận lợi ở điều kiện nhiệt độ cao hơn nhiệt độ tối hảo cho sự tăng trưởng của cây từ 4- 7oC, ví dụ nhiệt độ tối hảo cho sự tăng trưởng của cây cải bắp là 18-22oC và hạt cải bắp nảy mầm tốt ở 25-27oC.

Thời kỳ cây con

Khi cây bắt đầu mọc, các chất dự trữ đã được tiêu xài hết, cây mầm bắt đầu dinh dưỡng nhờ bộ rễ, thân mầm và lá đầu tiên. Vào lúc này nhiệt độ cao kéo theo sự gia tăng hô hấp có thể là nguyên nhân làm cho cây con thiếu dinh dưỡng khi chưa đủ khả năng tự dưỡng. Vì thế trong thời gian ngắn (3-7 ngày) từ ngày mọc mầm đến khi cây có 2 lá thật cần giữ nhiệt độ mát để rễ cây mọc mạnh và hô hấp của cây không cao.

Thời kỳ tăng trưởng và tích lũy chất dự trữ

Sau khi thành lập hệ thống rễ mạnh và thân lá thích nghi với điều kiện môi trường, cần tăng nhiệt độ đến mức tối hảo cho sự tăng trưởng của cây. Giai đoạn tích lũy chất dự trữ nên giảm nhiệt độ xuống 1-3oC so với mức tối hảo, điều này sẽ giúp cho sự tăng trưởng của cơ quan tích lũy và tăng năng suất. Ở cây 2 năm và cây nhiều năm có nguồn gốc vùng cận nhiệt đới với mùa đông nhẹ, vào giai đoạn ngũ nghĩ của cơ quan thụ hàn cần nhiệt độ thấp để điểm sinh trưởng có những biến đổi cơ bản về chất cần thiết cho sự thành lập cơ quan sinh sản. Vào mùa xuân, khi thân lá bắt đầu nẩy nở cần nhiệt độ ấm trở lại. Tuy nhiên cây có thể được kích thích để trổ hoa ngay năm thứ nhất không cần qua giai đoạn tích lũy chất dự trữ.

Thời kỳ trổ hoa kết trái

Ở cây 1 năm cơ quan sử dụng làm thực phẩm là cơ quan sinh sản cần canh tác ở nhiệt độ tối hảo cho đến khi cây trổ hoa, sau đó có thể giảm nhiệt độ môi trường xuống 2-4oC để giúp cho sự thành lập hạt phấn và sự thụ phấn được dễ dàng. Để cho trái mau chín cần nhiệt độ hơi cao hơn nhiệt độ tối hảo từ 2-3oC.

2.2 Ánh sáng

* Ảnh hưởng của ánh sáng

Ánh sáng cần thiết cho cây vì là nguồn năng lượng quang tổng hợp. Sự tổng hợp chất xanh của lá, sự chuyển động của lá, sự tổng hợp vitamin, men hay sự biến đổi về chất để cây trổ hoa kết trái đều liên quan đến ánh sáng.

Ánh sáng không thể thiếu được đối với tất cả các cây xanh vì không có quang hợp sẽ không có sự sống trên trái đất. Trong sản xuất, yếu tố ánh sáng ít được coi trọng bằng yếu tố nhiệt độ, nước và chất dinh dưỡng vì các yếu tố đó ảnh hưởng ngay đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trong thời gian ngắn, trong khi đó thiếu ánh sáng hoặc trong bóng tối cây vẫn sống được nhờ vào chất dự trữ của bản thân. Do kết quả thích nghi của thực vật đối với điều kiện ánh sáng ngày và đêm xen kẽ nhau nên phản ứng của cây không biểu hiện rõ.

* Thành phần ánh sáng

Thành phần ánh sáng ảnh hưởng lên sự sinh trưởng, phát triển và phẩm chất cây rau. Tia đỏ cam (600-700nm) có tác dụng tích cực nhất trong sự đồng hóa CO2, kế đến là tia xanh tím (400-500nm). Sự chuyển động của lục lạp trong nguyên sinh chất, sự thay đổi trạng thái trong không gian, hình dạng và kích thước lá xãy ra dưới tác động của tia xanh tím, vì thế phần tia sáng mặt trời có bước sóng dài từ 380-710nm được gọi là bức xạ tích cực quang tổng hợp.

Tia cực tím có bước sóng dài 300-380nm chiếu qua bầu khí quyển có tác dụng tốt cho thực vật, thúc đẩy quá trình trao đổi chất nhất là tổng hợp vitamin C, ảnh hưởng trên sự phân nhánh, làm giảm hoạt động sống của nhiều vi sinh vật gây bệnh, nâng cao tính kháng lạnh và sự tôi luyện của cây rau. Vì thế rau trong nhà kính ít vitamin C hơn rau trồng ngoài đồng và cây con gieo trong nhà kính thường chống chịu kém hơn.

Tia hồng ngoại tương đối gần gũi với ánh sáng thấy được và ảnh hưởng trên tiến trình phát triển của cây. Cây được sưỡi ấm dưới tác dụng của tia hồng ngoại trong một phạm vi xác định, nếu quá phạm vi cho phép dễ gây cháy lá và tiêu phí sản phẩm đồng hóa được cho hô hấp.

Rau ưa ánh sáng tán xạ hơn trực xạ. Độ cao mặt trời càng thấp thì lượng ánh sáng tán xạ càng lớn, do đó rau ưa ánh nắng buổi sáng sớm và buổi chiều.

Ánh sáng trực xạ chỉ chiếu ở mặt trên lá, phần hướng ra mặt trời, ánh sáng khuếch tán giúp cho mặt lá phía tối quang tổng hợp được.

* Cường độ ánh sáng

Cường độ ánh sáng thay đổi theo vĩ độ, cao độ và mùa trong năm. Phần lớn cây rau có cường độ chiếu sáng tối hảo khoảng 20.000-340.000 lux. Nếu cường độ chiếu sáng cao hơn, quang tổng hợp bị chậm lại. Cường độ ánh sáng tối đa vào những ngày hè thường cao gấp đôi.

Nhu cầu rau đối với cường độ ánh sáng chiếu xuống mặt lá không giống nhau. TD cường độ chiếu sáng ít nhất giúp cho đậu hòa lan có thể trổ hoa được là

1.100 lux, cho cà chua là 4.000 lux, củ hành khi mọc lá xanh đòi hỏi rất ít ánh sáng, còn cải bông trước khi thu hoạch cần che trong bóng tối.

Dựa vào yêu cầu đối với cường độ ánh sáng có thể phân loại rau như sau:

- Cường độ ánh sáng mạnh: rau phải trồng ngoài trảng như dưa gang, dưa hấu, bí đỏ, cà tím, ớt, đậu…

- Cường độ ánh sáng trung bình như cải bắp, cải trắng, cải củ, hành, tỏi…

- Cường độ ánh sáng yếu phải trồng trong điều kiện có che bóng như cải cúc, ngò, gừng, xà lách, rau diếp…

Trong sản xuất căn cứ vào yêu cầu ánh sáng của các loại rau mà bố trí trồng xen, trồng gối, gieo lẫn cây ưa sáng và cây chịu bóng

* Thời gian chiếu sáng

Rau có nguồn gốc khác nhau yêu cầu thời gian chiếu sáng khác nhau. Mỗi loại rau cần có thời gian chiếu sáng nhất định mới ra hoa kết hạt. Nếu thời gian chiếu sáng trong ngày dưới 10-12 giờ mà cây ra hoa kết trái, sản lượng tăng, đó là cây ngày ngắn như đậu ván, dưa chuột, bầu, bí, dưa hấu. Có loại rau chỉ ra hoa trong điều kiện ngày dài 14-16 giờ như cải bắp, hành tỏi, su hào, cà rốt…Một số giống rau như cà chua, đậu hòa lan, đậu xanh có phản ứng trung tính đối với thời gian chiếu sáng trong ngày. Những giống có nguồn gốc nhiệt đới như dưa leo được trồng và chọn giống ở vùng ôn đới dần dần có khả năng ra hoa và đậu trái trong điều kiện ngày dài, tuy nhiên năng suất cao vẫn đạt được trong điều kiện ngày ngắn.

Thời gian chiếu sáng còn ảnh hưởng trên sự tạo củ một số giống rau như củ đậu tạo củ trong điều kiện ngày ngắn, hành tây tạo củ ở điều kiện ngày dài do đó một số giống nhập nội trồng ở nước ta không tạo củ được vì quang kỳ không thích hợp. Cây ngày dài trồng trong điều kiện ngày ngắn sẽ giảm khả năng tích lũy chất đạm và chất bột đường, do đó không ra hoa được; ngược lại cây ngày ngắn trồng trong điều kiện ngày dài tăng tích lũy dẫn đến sinh trưởng mạnh, cũng không ra hoa.

Xem tất cả 65 trang.

Ngày đăng: 10/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí