bồi dưỡng sức khỏe, thể thao, nhận thức, hơn nữa họ được thực hiện tùy thuộc thời gian nghỉ và trong sự kết hợp với khả năng thực tế mà khả năng đó môi trường tự nhiên trao cho; điều đó tạo nên các dạng cụ thể của các nghề nghiệp du lịch - nghỉ dưỡng thúc đẩy đặt hàng trực tiếp với các nhà cảnh quan.
Hoàng Đức Triêm cho rằng, các dạng công việc du lịch - nghỉ dưỡng quan trọng là phân loại theo tính phân mùa của chúng. Ví dụ, các dạng du lịch - nghỉ dưỡng mùa hè là tắm, sưởi nắng, dạo chơi (chữa bệnh, dưỡng sức, tham quan, nhận thức), bơi thuyền, thể thao leo núi, câu cá, thu hái quả dại và nấm. Ngoài ra, có các dạng theo mùa trung gian như thu hái nấm, săn bắn, thể thao.
Mỗi một dạng các nghề nghiệp du lịch - nghỉ dưỡng thể hiện các đòi hỏi đặc biệt đối với môi trường tự nhiên. Khả năng của một dạng nghỉ ngơi này hay khác, mức độ thuận lợi của môi trường tự nhiên bao gồm cả thời kỳ kéo dài của thời kỳ thuận lợi đều phụ thuộc vào tổng thể tự nhiên.
Đánh giá du lịch - nghỉ dưỡng ước định như tính toán các điều kiện riêng biệt cho nghỉ ngơi, tức là sự thuận lợi của các tổng thể tự nhiên đối với xây dựng các công sở du lịch - nghỉ dưỡng, các con đường và đồng thời các điều kiện cung cấp nước.
Tiếp đến xem xét sự bền vững của các tổng thể tự nhiên khi tác động của du lịch - nghỉ dưỡng là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng của đánh giá các tổng thể tự nhiên. Các dạng tác động xấu rất khác nhau: Dẫm nát lớp đất mặt, lớp tàn dư hữu cơ, mầm non của cây, gây thương tích đến cây cối, thoái hóa lớp thực vật do hậu quả thu hái nấm, quả dại và hoa, làm chặt đất, gây sợ hãi cho động vật, làm cạn dần tài nguyên, gây ô nhiễm do chất thải, làm cháy rừng. Vì vậy, khi đánh giá du lịch - nghỉ dưỡng của các địa hệ cần thiết nhận biết trước các khía cạnh giữ gìn tự nhiên và từ đó rút ra các hệ quả.
Khi đánh giá du lịch - nghỉ dưỡng của các địa hệ, nếu chỉ xuất phát từ trạng thái hiện tại của nó thì chưa đủ mà cần phải tính toán triển vọng thay đổi của tiềm năng du lịch - nghỉ dưỡng trong quan hệ với:
- Động lực các địa hệ do sự thay đổi nhân sinh; ví dụ, xả cành khi chặt cây, các vật bị đốt cháy trong rừng…
- Khả năng nâng cao tiềm năng du lịch - nghỉ dưỡng với sự giúp đỡ của các biện pháp làm tốt đất, cải tạo rừng, quy hoạch kiến trúc chạm trổ… Liên quan đến các biện pháp đó, cần xây dựng tiện nghi cho rừng, tạo các vườn cây ăn quả, tạo các bãi và các đường mòn dạo chơi, làm sạch các dòng suối, củng cố và xây dựng các bờ, tạo ra các bãi nhân tạo, che phủ các sườn và bãi trống, vun xới đất bị phá hủy, đồng thời phân bố hợp lý các công sở nghỉ mát.
Với sự giúp đỡ của các biện pháp này, các yêu cầu nâng cao tính bền vững của các tổng thể tự nhiên và sức chứa du lịch - nghỉ dưỡng đồng thời được giải quyết. Nhưng ở đây các nhiệm vụ đánh giá gắn liền với khởi thảo kiến nghị, cho nên có thể giới hạn chúng chỉ quy ước.
Cuối cùng cần nhấn mạnh rằng, cần thiết phải đánh giá du lịch - nghỉ dưỡng của các địa hệ với sự tính toán các chức năng xã hội khác (chức năng sản xuất nông nghiệp, chức năng phân hạng xây dựng, chức năng bảo vệ tự nhiên).
Có thể bạn quan tâm!
- Cảnh quan địa lý ứng dụng Phần 2 - 5
- Sơ Đồ Quy Trình Đánh Giá Tổng Hợp Điều Kiện Tự Nhiên Phục Vụ Quy Hoạch Sử Dụng Lãnh Thổ
- Hướng Ứng Dụng Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp
- Cảnh quan địa lý ứng dụng Phần 2 - 9
- Cảnh quan địa lý ứng dụng Phần 2 - 10
Xem toàn bộ 84 trang tài liệu này.
Đánh giá du lịch - nghỉ dưỡng cũng như đánh giá cho các mục đích khác có hiệu quả nếu sự đánh giá đó có trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch tổng hợp lãnh thổ trên quan điểm cảnh quan.
5.6. HƯỚNG ỨNG DỤNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH TỔ CHỨC LÃNH THỔ
Sự tối ưu hóa sử dụng các tổng thể tự nhiên là nhiệm vụ tổng hợp kế hoạch nhiều ngành theo thực chất của mình. Một mảnh đất hay là đất canh tác tự nhiên có thể có nhiều chức năng, tức là trả lời các nhu cầu xã hội khác nhau. Để lựa chọn đúng đắn cần sơ bộ tiến hành đánh giá, so sánh tiềm năng của nó với quan điểm khác nhau hoặc là kinh tế nông nghiệp hoặc là xây dựng đô thị. Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc trong sự đánh giá quy hoạch lãnh thổ tổng hợp như thế tồn tại trong các vùng khai thác kinh tế và đô thị hóa mạnh, nơi mà đặt ra sự cân bằng sinh thái rất căng thẳng và lợi ích sử dụng khác nhau rơi vào sự mâu thuẫn sâu sắc.
Nghiên cứu cảnh quan nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho tổ chức lãnh thổ. Các tổng thể tự nhiên (địa hệ) là đối tượng nghiên cứu của hướng này. Cơ sở sử dụng hợp lý lãnh thổ và đồng thời giữ gìn làm tốt lãnh thổ là mục đích - cơ sở cảnh quan văn hóa.
Nhiệm vụ quy hoạch vùng là quyết định sự hợp lý tổ chức kinh tế lãnh thổ của vùng, do đó cần có cơ sở bản đồ cảnh quan.
Phân tích, đánh giá tổng hợp phục vụ tổ chức và quy hoạch lãnh thổ: Sự tham gia chính của các nhà cảnh quan trong quy hoạch vùng là cần thiết; cần xem tính hoàn thiện phương pháp luận nghiên cứu cảnh quan đối với quy hoạch vùng như là nhiệm vụ hàng đầu của cảnh quan học ứng dụng; cần có sự nghiên cứu trước ngoài trời các điều kiện tự nhiên theo quan điểm tổng hợp.
Một trong những nhiệm vụ của các nhà cảnh quan trong hoàn thiện sơ đồ và đề án quy hoạch vùng là tổ chức cơ sở tự nhiên cho chức năng quy hoạch xuất phát từ đánh giá so sánh các tổng thể tự nhiên có thể giữ các chức năng xã hội khác nhau.
Với vị trí của nhà cảnh quan khi lựa chọn phải xuất phát từ các mục tiêu chính của tối ưu hóa môi trường tự nhiên và hình thành cảnh quan văn hóa:
- Tái sản xuất tài nguyên phục hồi.
- Làm tốt môi trường sống của con người có tính đến lợi ích của các địa hệ, tức là sự cần thiết phải bảo vệ các địa hệ khỏi bị đè nặng bởi nhân sinh và kỹ thuật quá mức, cần phải tính theo các chức năng sinh thái xã hội của các địa hệ kinh tế.
- Một khía cạnh quan trọng của xây dựng các sơ đồ và đề án quy hoạch vùng là hoàn thiện kiến nghị về giữ gìn và làm tốt các tổng thể tự nhiên.
Cả hai góc độ này liên quan chặt chẽ với nhau, vì rằng sự cần thiết phải giữ gìn và đem lại khả năng làm tốt lên, tức là nâng cao tiềm năng địa hệ - các chỉ số quan trọng nhất khi đánh giá nó và khi xác định giá trị chức năng.
5.7. HƯỚNG THIẾT KẾ CÁC MÔ HÌNH CẢNH QUAN SINH THÁI ỨNG DỤNG
Khi đề cập đến mô hình, cần phải xem xét cấu trúc và chức năng của mô hình. Cấu trúc là mối liên hệ giữa các thành phần tạo nên không gian của mô hình; chức năng là sự hoạt động của các thành phần cấu trúc.
Theo Nguyễn Đăng Độ (2018), cấu trúc có tính chất tĩnh, chức năng có tính chất động. Mô hình cảnh quan sinh thái ứng dụng có cấu trúc là các thành phần tự nhiên từ nền nham, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn và sinh vật có mối quan hệ tác động tương hỗ lẫn nhau theo chiều thẳng đứng và theo chiều ngang tạo nên sự phân hóa không gian lãnh thổ trong cảnh quan sinh thái; đồng thời có chức năng hoạt động và tác động qua lại lẫn nhau giữa các thành phần cấu trúc với con người tạo nên sự chuyển hóa, phát triển trong cảnh quan sinh thái.
Cảnh quan sinh thái ứng dụng là một hệ địa sinh thái có mối quan hệ chặt chẽ về thành phần cấu trúc và mối tác động tương hỗ bên trong của chức năng. Đó là một hệ thống động lực hở tự điều chỉnh, có trạng thái cân bằng động và có sự tác động của con người làm thay đổi cân bằng bên trong của chúng. Sự thay đổi đó có thể có chiều hướng phát triển tốt, tạo cho cảnh quan sinh thái một sự cân bằng ổn định của các thành phần cấu trúc cảnh quan và của hệ sinh thái. Nếu sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực sẽ làm mất cân bằng, cấu trúc không ổn định, các thành phần bị thay đổi, gây nên sự biến đổi bất lợi của cảnh quan.
Vận dụng quy luật hoạt động hệ địa sinh thái của cảnh quan, con người tác động vào cấu trúc cảnh quan theo hướng tích cực để tạo ra được những cảnh quan sinh thái mới, những chức năng mới có lợi cho con người về mặt kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Việc nghiên cứu địa hệ thống sinh thái của cảnh quan được J. Demek (1977) đề cập với những nội dung chủ yếu:
- Xác định ranh giới của địa hệ thống cảnh quan sinh thái ở lãnh thổ nghiên cứu.
- Làm rõ những đặc điểm nào của địa hệ thống quan trọng đối với hệ thống chính và những đặc điểm nào quan trọng đối với mối liên kết giữa hệ thống chính với hệ thống phụ.
- Xác định cấu trúc của địa hệ thống, làm rõ sự bố trí các thành phần của địa hệ thống, những cơ cấu thứ bậc của chúng và chức năng của chúng, đồng thời làm rõ ý nghĩa chức năng của địa hệ thống nói chung.
- Tính toán cân bằng vật chất và năng lượng trong địa hệ thống.
Đối với việc phân tích địa hệ thống, J. Demek đề nghị tiến hành theo các bước:
- Quan trắc, đo đạc các yếu tố thành phần của hệ thống.
- Phân tích, thống kê các mối liên kết giữa các yếu tố khả biến.
- Lập mô hình hiện trạng địa hệ thống, nghiên cứu mô hình toán học, xác định các mô hình chính và phụ.
- Mô phỏng địa hệ thống, phân tích những mô hình của hệ thống trong các ý nghĩa khác nhau của các biến trình.
- Tối ưu hóa địa hệ thống, tìm kiếm những phương án tối ưu nhất.
Việc thiết lập bất kỳ mô hình nào cho quy hoạch cũng phải thể hiện được cấu trúc và chức năng của nó. Các mô hình này có những tên gọi khác nhau như mô hình kinh tế, mô hình sinh thái, mô hình sinh thái - kinh tế, mô hình kinh tế - sinh thái hay mô hình kinh tế - môi trường… Các mô hình đều có phạm vi không gian lãnh thổ và đều thuộc vào mô hình cảnh quan sinh thái ứng dụng. Trong trường hợp cho những mục đích riêng nào đó, có thể có các tên gọi riêng như mô hình sinh thái lâm nghiệp, mô hình sinh thái nông - lâm kết hợp, mô hình kinh tế - môi trường…
Một mô hình cảnh quan sinh thái ứng dụng phải được cơ cấu tổng hợp bởi ba yếu tố riêng: Cấu trúc, chức năng sinh thái - kinh tế và không gian lãnh thổ.
Việc xác định yếu tố cấu trúc đòi hỏi phải điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, chính xác và đầy đủ các thành phần cấu thành cảnh quan sinh
thái của lãnh thổ; xác định được mối liên hệ tác động qua lại giữa các thành phần tạo nên cấu trúc đặc thù của lãnh thổ nghiên cứu.
Xác định yếu tố chức năng đòi hỏi phải phân tích các mối liên hệ thành phần của cấu trúc, làm rõ các mối quan hệ của các thành phần khả biến, xác định những nhân tố quan trọng tác động lẫn nhau trong hệ thống, phát hiện những mối liên hệ xung yếu có khả năng điều khiển hệ thống. Trong việc xác định các mối liên hệ trực tiếp và phản hồi cần xác định rõ những mối liên hệ đầu vào và đầu ra, mối liện hệ thuận chiều và ngược chiều bên trong hệ địa sinh thái.
Đối với chức năng sinh thái - kinh tế, cần phân tích các mối liên hệ hoạt động sinh thái của các thành phần sinh vật có các chức năng tự nhiên cũng như các chức năng kinh tế và môi trường của chúng.
Khi đã xác định được các yếu tố cấu trúc và chức năng, cần phân tích và quy hoạch theo không gian và thời gian. Việc tính toán, cân nhắc, sắp xếp các vị trí của các thành phần hệ địa sinh thái của quy hoạch cảnh quan sinh thái lên sơ đồ, bản đồ với các diện tích, không gian hợp lý nhất của cân bằng sinh thái, sao cho phát huy tốt nhất chức năng sinh thái - kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mô hình cảnh quan sinh thái ứng dụng có các quy mô lãnh thổ khác nhau từ diện cảnh quan, nhóm diện cảnh quan, dạng cảnh quan đến cảnh quan sinh thái. Theo các quy mô lãnh thổ, thành phần của mô hình là các cấu trúc từ đơn giản đến phức tạp.
Mô hình cảnh quan sinh thái ứng dụng là mô hình cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường bền vững. Khi đã được thiết lập, mô hình phải được cân nhắc và tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường theo hoạt động của hệ địa sinh thái. Mô hình được thực hiện ngoài việc đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, các thành phần của mô hình cần được phát triển theo xu thế ổn định, cân bằng sinh thái đúng với các định hướng của mô hình theo hướng bền vững. Đó là cơ sở khoa học để xây dựng các làng sinh thái, xã sinh thái, khu sinh thái, thành phố sinh thái…
Trên đây là một số hướng ứng dụng chủ yếu của cảnh quan học hiện nay. Ngoài ra, các hướng ứng dụng khác của cảnh quan học tham gia vào việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội quan trọng của đất nước như:
- Đánh giá và dự báo các quá trình tai biến thiên nhiên và môi trường ở các vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý các vùng lãnh thổ trọng điểm quốc gia;
- Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của các công trình công nghiệp, kinh tế và dân sinh.
- Xây dựng cơ sở khoa học cho việc bảo vệ, cải tạo và sử dụng hợp lý môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
- Triển khai và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường và tổ chức lãnh thổ.
Đồng thời, cảnh quan học với hệ thống các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại (áp dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), tin học, tự động hóa bản đồ…) ngày càng có nhiều ứng dụng rộng rãi làm công cụ nghiên cứu cũng như hướng tiếp cận vấn đề của nhiều ngành khoa học khác nhau.
TÓM TẮT CHƯƠNG 5
- Các hướng ứng dụng chủ yếu của cảnh quan học hiện nay với mục đích sử dụng tối ưu các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở nghiên cứu các thể tổng hợp địa lý.
- Hướng nông nghiệp được chú trọng nhiều trong các hướng ứng dụng của cảnh quan học. Hiện nay, có hai hướng ứng dụng rõ rệt nhất trong cảnh quan nông nghiệp: Kiểu loại sản xuất, đánh giá định tính đất trên cơ sở các bản đồ cảnh quan và phân vùng địa lý tự nhiên đối với nông nghiệp.
- Hướng cảnh quan - công trình là một trong những hướng có nhiều triển vọng của cảnh quan ứng dụng.
- Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố dẫn đến suy thoái đất, đề xuất áp dụng các biện pháp cải tạo; các biện pháp chống xói mòn, bảo vệ độ phì đất là hướng ứng dụng quan trọng trong sử dụng hợp lý tài nguyên đất.
- Thông qua bản đồ sinh thái cảnh quan, phân tích đánh giá các điều kiện sinh thái tự nhiên; đánh giá mức độ thuận lợi đối với cuộc sống con người ở từng đơn vị lãnh thổ cảnh quan cụ thể là hướng ứng dụng phục vụ mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe của con người.
- Hiện nay, hướng ứng dụng phục vụ phát triển du lịch là một hướng mới; nghiên cứu hệ thống lãnh thổ nghỉ ngơi du lịch, phát hiện quy luật hình thành, phát triển và phân bố của nó thuộc mọi kiểu, mọi cấp; dự báo và đề xuất các giải pháp để hệ thống hoạt động một cách tối ưu.
- Nghiên cứu cảnh quan nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho quy hoạch tổ chức lãnh thổ là hướng ứng dụng đang được quan tâm.
- Thiết kế các mô hình cảnh quan sinh thái ứng dụng theo các quy mô lãnh thổ khác nhau từ diện cảnh quan, nhóm diện cảnh quan, dạng cảnh quan đến cảnh quan phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường bền vững là hướng ứng dụng đang được nghiên cứu và triển khai ở nhiều khu vực trên thế giới và ở Việt Nam.