3.5.1. Bản đồ cảnh quan
Theo Phạm Hoàng Hải (1997), “Bản đồ cảnh quan là một bản đồ tổng hợp phản ánh một cách đầy đủ, khách quan các đặc điểm của tự nhiên, mối quan hệ tác động tương hỗ giữa các thành phần riêng lẻ của tự nhiên”.
Mỗi một đơn vị phân loại cảnh quan là một thể tổng hợp tự nhiên, trong đó xảy ra các quá trình tác động tương hỗ giữa các yếu tố tự nhiên của môi trường và giới sinh vật; kết quả của mối quan hệ tác động tương hỗ này tạo nên các hệ sinh thái đặc thù.
3.5.2. Nguyên tắc thành lập bản đồ cảnh quan
Trong xây dựng bản đồ cảnh quan một lãnh thổ, các nguyên tắc thường được sử dụng bao gồm: Nguyên tắc đồng nhất phát sinh, lịch sử phát triển và nguyên tắc tổng hợp thể hiện đồng nhất về chức năng của từng đơn vị lãnh thổ.
Các nguyên tắc này thường liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau để đạt mục tiêu cuối cùng là xây dựng một bản đồ tổng hợp thể hiện cấu trúc đồng nhất của cảnh quan, đồng thời phân biệt rõ các chức năng của tự nhiên và phản ánh được hiện trạng sử dụng lãnh thổ.
3.5.3. Phương pháp thành lập bản đồ cảnh quan
Bản đồ cảnh quan được thành lập trên cơ sở liên kết các bản đồ thành phần như bản đồ địa mạo, bản đồ địa hình, bản đồ sinh khí hậu, bản đồ thảm thực vật, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Đơn vị cơ sở trên bản đồ thường thể hiện cho cấp phân vị thấp nhất của cảnh quan khu vực nghiên cứu. Tùy theo quy mô lãnh thổ, tỷ lệ nghiên cứu thì đơn vị cơ sở có sự khác nhau, có thể là loại, hay dạng, hay nhóm dạng cảnh quan.
- Bản đồ địa mạo, địa hình là cơ sở nền tảng rắn và phân chia các lớp cảnh quan.
- Bản đồ sinh khí hậu được sử dụng làm cơ sở phân chia các kiểu cảnh quan.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiếp Nhận Quan Điểm Sinh Thái Trong Nghiên Cứu Cảnh Quan
- Nhóm Các Nhân Tố Cảnh Quan Sinh Thái Bậc Xa (Nền Tảng)
- Cảnh quan địa lý ứng dụng Phần 1 - 14
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
- Bản đồ thảm thực vật là cơ sở để phân chia các kiểu thảm thực vật, sinh khối, trữ lượng.
- Bản đồ đất kết hợp với bản đồ thảm thực vật và các bản đồ khác là cơ sở phân chia các loại cảnh quan. Khi chia đến cấp dạng cảnh quan, cần kết hợp giữa bản đồ thổ nhưỡng với bản đồ địa mạo (căn cứ vào độ dốc).
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là cơ sở để phân chia các nhóm hệ sinh thái đặc trưng: Ví dụ, rừng nguyên sinh ít bị tác động, rừng thứ sinh, rừng trồng, trảng cỏ xen nương rẫy, cây hàng năm, cây công nghiệp, lúa nước, diện tích mặt nước cũng như sinh khối, số lượng...
Các phương pháp được áp dụng trong việc thành lập bản đồ cảnh quan bao gồm các phương pháp truyền thống như: Phương pháp phân tích yếu tố trội; phương pháp so sánh theo các đặc điểm riêng biệt của các chỉ tiêu phân loại từng cấp cảnh quan; phương pháp phân tích tổng hợp để xác định các đơn vị cảnh quan các cấp cũng như thể hiện các khoanh vi cụ thể trên bản đồ.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ GIS, việc thành lập các bản đồ thành phần, bản đồ cảnh quan và việc xác định ranh giới của các đơn vị cảnh quan được chính xác hóa. Sử dụng phương pháp liên kết các bản đồ đơn tính với sự trợ giúp của phần mềm GIS; điều này cho thấy ưu thế của phương pháp này so với các phương pháp truyền thống khác.
3.5.4. Xác lập đơn vị cơ bản trong bản đồ cấu trúc cảnh quan
Để làm cơ sở cho quy hoạch sử dụng lãnh thổ cần phải xây dựng bản đồ thể hiện cấu trúc cảnh quan. Những đơn vị cấu trúc cơ sở (đơn vị liên kết tác động của 2 nhóm nhân tố) có chức năng phản ảnh rõ hệ thống động lực tự điều chỉnh sẽ giúp cho việc đánh giá, phân hạng phục vụ công tác quy hoạch và ưu tiên cho các hướng sử dụng từng hệ địa sinh thái.
Loại đơn vị cấu trúc là hệ địa sinh thái được tạo nên bởi sự liên kết 2 nhóm sinh thái; mỗi nhóm gồm các chỉ tiêu của 2 hệ thống cột dọc và cột ngang được thể hiện qua bảng chú giải dưới dạng ma trận. Bảng chú giải của bản đồ cảnh quan sinh thái thể hiện toàn bộ hệ thống phân loại của cảnh quan một lãnh thổ, từ bậc phân vị cao đến bậc phân vị thấp, đồng thời thể hiện chức năng sinh thái của các đơn vị cảnh quan theo lãnh thổ.
a. Nhóm thứ nhất xây dựng theo cột dọc
Nhóm nền tảng rắn và nền dinh dưỡng (địa hình, loại đất).
- Lớp: Xác định theo bậc nhóm kiểu hình thái địa hình (đồng bằng, đồi, núi).
- Phụ lớp (Phân chia theo bậc hình thái của lớp (thấp, trung bình, cao).
- Nhóm: Xác định theo loại đất trên nền đá.
- Tổ: Xác định theo tầng dày.
- Chủng: Xác định theo độ dốc.
b. Nhóm nền tảng nhiệt, ẩm xây dựng theo hàng ngang
Được áp dụng xác định các cấp (hệ, phụ hệ, kiểu, phụ kiểu).
- Hệ: Xác định tác động kiểu hoàn lưu.
- Phụ hệ: Xác định theo chế độ mùa.
- Kiểu: Xác định kiểu thảm thực vật theo chế độ nhiệt ẩm.
- Phụ kiểu: Xác định cường độ mùa khô, mùa lạnh.
- Loại cảnh quan sinh thái: Giao nhau giữa hệ thống cột dọc (loại đất, tầng dày đất, độ dốc) và ngang (thảm thực vật) hình thành các đơn vị loại cảnh quan sinh thái thể hiện đặc điểm cảnh quan đồng nhất về cả địa đới và phi địa đới.
Ví dụ minh họa
Trong đề tài luận án tiến sĩ “Đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững lâm nông nghiệp vùng
đồi núi lưu vực sông Thu Bồn” Lê Anh Hùng (2016), để xây dựng bản đồ CQ lưu vực sông Thu Bồn tỷ lệ 1:100.000, luận án đã áp dụng nguyên tắc phát sinh hình thái, nguyên tắc đồng nhất tương đối, nguyên tắc tổng hợp với hệ phương pháp phân tích các thành phần, phân tích tổng hợp, phương pháp yếu tố trội, so sánh các đặc điểm riêng biệt, bản đồ và hệ thống thông tin địa lý (GIS) và phương pháp khảo sát thực địa.
Trong bảng chú giải bản đồ CQ lưu vực sông Thu Bồn, tỷ lệ 1:100.000, các cấp của hệ thống phân loại cảnh quan được xếp thành 2 nhóm: Nền tảng nhiệt - ẩm và nền tảng vật chất rắn. Sự giao thoa giữa hai nhóm nhân tố nhiệt - ẩm và nền rắn tại các ô trong bảng ma trận chính là sự sắp xếp của loại CQ. Ngoài ra, việc xây dựng lát cắt cảnh quan Ngọc Linh - Hòa Hải cho thấy, lãnh thổ lưu vực sông Thu Bồn có sự phân hóa rõ rệt theo hướng từ Tây sang Đông và theo độ cao địa hình.
Đặc điểm các đơn vị CQ lưu vực sông Thu Bồn:
a. Hệ CQ nhiệt đới gió mùa ẩm
Với vị trí lãnh thổ, lưu vực sông Thu Bồn nằm gọn trong vùng nội chí tuyến Bắc Bán cầu, hàng năm có hai lần Mặt trời qua thiên đỉnh. Hàng năm, nhận được lượng bức xạ lớn từ 80 - 100 kcal/cm2/năm. Đây là nguồn năng lượng thực hiện các quá trình phát triển của CQ cho lãnh thổ nghiên cứu.
b. Phụ hệ CQ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm (không có mùa đông, mùa khô rõ ràng)
Lưu vực sông Thu Bồn nằm ở phía Nam của đèo Hải Vân nên vào mùa đông, sự ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc lạnh ở đây đã yếu đi rất nhiều.
c. Kiểu CQ
Do ảnh hưởng của địa hình dẫn đến sự phân hóa đặc điểm sinh khí hậu hình thành 2 kiểu thảm thực vật chủ yếu là kiểu CQ rừng nhiệt
đới gió mùa ẩm, độ cao < 1.000m, Tổng nhiệt độ > 7.500oC, chỉ số khô hạn k: 2 - 3; Kiểu CQ rừng á nhiệt đới thường xanh ẩm, ẩm ướt, độ cao > 1.000m, Tổng nhiệt độ 4.500 - 7.500oC, K: 2-3 và k > 3.
d. Lớp CQ và phụ lớp CQ
Do sự phân tầng trong hệ thống đai cao nên dựa vào độ cao tuyệt đối, có thể phân chia lãnh thổ nghiên cứu ra thành 3 lớp CQ, 4 phụ lớp CQ:
- Lớp CQ núi ở khu vực nghiên cứu có diện tích lớn 478.731ha (chiếm 46% DTTN). Địa hình có sự phân cắt mạnh mẽ với độ cao tuyệt đối trên 2.000 m. Ở đây, quy luật phi địa đới chiếm ưu thế đã tạo nên sự phân hóa các quá trình và hiện tượng tự nhiên theo đai cao.
+ Phụ lớp CQ núi trung bình, cao > 1.000m có diện tích 164.846ha (chiếm 16% DTTN).
+ Phụ lớp núi thấp 500 - 1.000m: Có diện tích 313.885ha (chiếm 30% DTTN).
- Lớp CQ đồi: Lớp CQ này có độ cao tuyệt đối từ 25 - 500m, phân bố chủ yếu ven rìa phía Bắc và Đông Bắc của vùng núi. Tổng diện tích vùng đồi là 452.035ha (chiếm 44% DTTN).
+ Phụ lớp đồi cao 100 - 500m: Có diện tích 356.894ha (chiếm 34% diện tích tụ nhiên).
+ Phụ lớp đồi thấp 25 - 100m: Có diện tích 95.142ha (chiếm 9% DTTN), phân bố rải rác trong các huyện.
- Lớp CQ đồng bằng: Lớp CQ này có độ cao tuyệt đối nhỏ hơn 25m và độ chênh cao dưới 10m, diện tích 104.234ha (chiếm 10% DTTN).
e. Hạng CQ: Lưu vực sông Thu Bồn phân hóa thành 6 hạng CQ.
f. Loại CQ
Loại CQ được phân chia dựa vào đặc điểm thổ nhưỡng và các hệ sinh thái (HST) thông qua các hoạt động của con người và dưới tác động của các quy luật tự nhiên ở lưu vực. Sự hình thành loại CQ lưu vực sông Thu Bồn thông qua các mối liên hệ giữa yếu tố hình thái và trắc lượng hình thái địa hình, các hệ sinh thái, các loại đất chính với
các quá trình tự nhiên như xói mòn, rửa trôi, xâm thực, tích tụ. Do vậy, đề tài đã chọn loại CQ là đơn vị cơ sở để đánh giá khả năng sử dụng đất cho các loại sử dụng đất chính ở lưu vực sông.
Lưu vực sông Thu Bồn phân hóa thành 168 loại CQ, trong đó có 3 loại CQ không phân theo các lớp và phụ lớp CQ; đó là CQ mặt nước, CQ dân cư và CQ đất khác (đất quốc phòng, nghĩa trang).
Các loại CQ lưu vực sông Thu Bồn được phân bố trong 34.736 khoanh vi, bình quân mỗi khoanh vi có diện tích trung bình khoảng 27ha. Tính trung bình mỗi loại CQ có khoảng 211 khoanh vi trên bản đồ cảnh quan.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
- Sinh thái hóa cảnh quan là một hướng mới của khoa học cảnh quan, kế thừa và phát triển các kết quả nghiên cứu cảnh quan và hệ sinh thái, xem cảnh quan là một hệ sinh thái. Trong hướng nghiên cứu cảnh quan ứng dụng, việc sinh thái hóa cảnh quan xem xét đến môi trường hình thành cảnh quan nhân sinh, cảnh quan văn hóa.
- Sinh thái hóa cảnh quan sử dụng các phương pháp nghiên cứu hệ sinh thái trong nghiên cứu cấu trúc cảnh quan, tìm hiểu ảnh hưởng của cấu trúc cảnh quan đến các quá trình sinh thái, diễn biến các quá trình sinh thái và diễn thế sinh thái của cảnh quan. Đây là khoa học tổng hợp mang tính liên ngành phục vụ quy hoạch tối ưu lãnh thổ.
- Cảnh quan sinh thái là tổng thể hiện tại, có cấu trúc cảnh quan địa lý và có chức năng sinh thái của các hệ sinh thái đang tồn tại và phát triển trên đó. Đây là một hệ thống tự nhiên được cấu thành từ hai khối hữu sinh và vô sinh trong điều kiện cân bằng sinh thái của tự nhiên, được quy định bởi mối tương quan trong sự trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin và những đặc trưng biến đổi trạng thái theo thời gian.
- Phân loại cảnh quan có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn, là phương thức quan trọng để xác định các quy luật phát triển và phân bố các cảnh quan phục vụ mục tiêu sử dụng hợp lý lãnh thổ.
- Việc xây dựng hệ thống phân loại cảnh quan là cần thiết trong việc nghiên cứu cảnh quan ứng dụng. Hệ thống này phụ thuộc vào đặc điểm đăc thù của địa phương, tỷ lệ bản đồ, yêu cầu, mục đích nghiên cứu và nguồn tài liệu thu thập được.
- Hệ thống phân loại cảnh quan hiện đang được sử dụng phổ biến trong các công trình nghiên cứu ở Việt Nam gồm các cấp phân vị: Hệ cảnh quan → phụ hệ cảnh quan → lớp cảnh quan → phụ lớp cảnh quan → kiểu cảnh quan → phụ kiểu cảnh quan → hạng cảnh quan → loại cảnh quan → dạng cảnh quan →. diện cảnh quan.
- Bản đồ cảnh quan là một sản phẩm của công tác nghiên cứu tổng hợp, phản ánh một cách khách quan các đặc điểm của tự nhiên, mối quan hệ và tác động tương hỗ giữa các thành phần tự nhiên. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho việc đề xuất quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ.
CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP CHƯƠNG 3
1. Tại sao sinh thái hóa cảnh quan được xem là một hướng nghiên cứu mới của khoa học cảnh quan?
2. Phân tích cách tiếp cận sinh thái trong nghiên cứu cảnh quan.
3. Phân biệt hệ sinh thái và địa tổng thể. Tại sao nói việc sinh thái hóa cảnh quan là sử dụng phương pháp nghiên cứu hệ sinh thái trong nghiên cứu cảnh quan, xem cảnh quan là một hệ sinh thái?
4. Phân tích các thành phần cấu tạo của hệ địa sinh thái.
5. So sánh các quan điểm khác nhau về cảnh quan sinh thái và sinh thái cảnh quan trong nghiên cứu cảnh quan ứng dụng.
6. Phân tích vai trò của các nhóm nhân tố sinh thái cảnh quan. Cho ví dụ minh họa.
7. Ảnh hưởng của quá trình lịch sử phát triển của loài người đến cảnh quan sinh thái? Cho ví dụ chứng minh.
8. Tại sao cần phải phân tích ảnh hưởng tổng hợp của các điều kiện sinh thái cảnh quan trong nghiên cứu cảnh quan ứng dụng?
9. Tại sao cần phải phân loại cảnh quan? Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của phân loại cảnh quan?
10. Trình bày hệ thống phân loại cảnh quan của các tác giả Việt Nam.
11. Việc xác lập các đơn vị cơ bản trong bản đồ cấu trúc cảnh quan được thưc hiện như thế nào? Cho ví dụ minh họa.
12. Tại sao cần phải thành lập bản đồ cảnh quan trong các công trình nghiên cứu ứng dụng?
13. Trình bày nguyên tắc và phương pháp thành lập bản đồ cảnh quan. Cho ví dụ minh họa.
14. Tại sao bảng chú giải của bản đồ cảnh quan sinh thái thể hiện được toàn bộ hệ thống phân loại của cảnh quan một lãnh thổ, đồng thời thể hiện chức năng sinh thái của các đơn vị cảnh quan theo lãnh thổ? Cho ví dụ minh họa.
122