việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nợ xấu NH của Nhật Bản, đó là các khoản cho vay khổng lồ đối với các công ty lớn trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và phân phối. Và các ngân hàng ở Nhật không thể thực hiện vai trò tài chính của họ vì họ không có dự phòng đầy đủ để xoá nợ xấu.
Hiroshi Nakaso (2001), trong nghiên cứu của mình đã làm rõ: Trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Nhật Bản những năm 1990 - Ngân hàng Nhật Bản đã ứng phó và rút ra những bài học kinh nghiệm như thế nào. Mục đích của bài viết này là tập trung vào các chính sách của các cơ quan tài chính từ khi bong bóng hình thành cho đến đầu năm 2000, nhằm làm sáng tỏ các phản ứng chính sách của các cơ quan chức năng với trọng tâm đặc biệt là quản lý khủng hoảng ngân hàng để giải quyết bất ổn tài chính ở Nhật Bản.
Nghiên cứu của nhóm tác giả Brewer, Elijah III, Hesna Genay, William Curt Hunter and George G. Kaufman (2003), trên Tạp chí các nền kinh tế của Nhật Bản và quốc tế. Nghiên cứu đã tập trung vào phân tích giá trị của các mối quan hệ ngân hàng trong một cuộc khủng hoảng tài chính: Bằng chứng từ những thất bại của các ngân hàng Nhật Bản. Trong bài báo này, các tác giả cung cấp bằng chứng về giá trị của các mối quan hệ ngân hàng bằng cách kiểm tra tác động định giá thị trường chứng khoán của các thất bại ngân hàng lớn ở Nhật Bản vào năm 1997 và 1998 đối với khách hàng của họ và khách hàng của các ngân hàng còn hoạt động tốt. Thất bại của ngân hàng được lý thuyết hóa là có hậu quả xấu, tác động bất lợi cho toàn hệ thống ngân hàng nói chung và cho khách hàng của các ngân hàng thất bại nói riêng. Bài báo chỉ ra, các công ty là khách hàng của các ngân hàng thất bại bị ảnh hưởng bất lợi; đồng thời các công ty không phải là khách hàng của ngân hàng thất bại cũng có thể bị ảnh hưởng bất lợi vì sự thất bại có thể báo hiệu các vấn đề khủng hoảng nhưng chưa được nhận ra tại các ngân hàng khác, gây ra các vấn đề tại các ngân hàng khác thông qua sự lan tỏa hoặc lây lan, hoặc báo trước các điều kiện kinh tế bất lợi cho nền kinh tế trong khu vực hoặc toàn quốc.
Nghiên cứu của Masahiro Kawai (2004), tập trung vào tình trạng của hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã bị bong bóng giá tài sản (vào cuối những năm 1980), sự sụp đổ của nó (vào đầu những năm 1990) và cuộc khủng hoảng hệ thống tiếp theo (vào cuối những năm 1990), cùng với quá trình tái thiết nền kinh tế mà Nhật Bản trải qua những năm đầu thế kỷ XX. Những sự kiện này đặt ra một số câu hỏi: Các yếu tố đằng sau những khó khăn của ngành ngân hàng gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng hệ thống 1997-98 ở Nhật Bản là gì? Tại sao chính phủ không giải quyết vấn
đề nhanh chóng và đủ dứt khoát? Cơ quan tài chính đã áp dụng chính sách toàn diện như thế nào để giải quyết vấn đề của ngành ngân hàng Nhật Bản kể từ năm 1998? Đã có đủ tiến bộ về tái cấu trúc khu vực tài chính và doanh nghiệp và cải cách quy định chưa? Cần làm gì để biến hệ thống ngân hàng Nhật Bản thành hệ thống cạnh tranh, dựa trên thị trường? Đây là một tài liệu quan trọng, đã cho thấy rõ bức tranh hệ thống ngân hàng Nhật Bản cùng với những chính sách cải cách của chính phủ Nhật Bản đối với hệ thống ngân hàng trong giai đoạn sau khủng hoảng năm 1998 đến năm 2003.
Cuốn sách “Suy thoái kéo dài, cải cách nửa vời, tương lai nào cho nền kinh tế Nhật Bản”, xuất bản năm 2004, trong chương III của cuốn sách tác giả cũng phân tích về hệ thống ngân hàng của Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai; những vấn đề đặt ra với hệ thống ngân hàng nước này, và hướng cải cách hệ thống ngân hàng mà nhật Bản đã áp dụng. Nghiên cứu đã chỉ ra một số những bất ổn, là nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng của Nhật Bản trong một thời gian dài; đồng thời, nghiên cứu cũng cung cấp những số liệu quan trọng về bức tranh nền kinh tế Nhật Bản thập kỷ 1990.
Nhóm tác giả Dieter Gerdesmeier, Francesco Paolo Mongelli và Barbara Roffia (2009) có công trình “The US FED, the Eurosystem, the Bank of Japan, and the Bank of England: More similarities or differences, and do they matter?”(Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, hệ thống ngân hàng chung Châu Âu, NHTW Nhật Bản và NHTW Anh: Tương đồng nhiều hơn hay khác biệt nhiều hơn, và liệu họ có vấn đề?) trong “Kỷ yếu hội thảo” AEA ở San Francisco. Công trình này đã so sánh có hệ thống giữa FED, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, NHTW Nhật Bản và NHTW Anh, việc so sánh được tổ chức theo ba dòng chính, đầu tiên là xem xét lại cơ cấu tổ chức của NHTW nói chung và các NHTW trên nói riêng cũng như các khuôn khổ chính sách của họ; bước thứ hai là trình bày một số sự kiện, chính sách, quyết định về lãi suất của bốn NHTW đang điều tra; bước thứ ba là phân tích, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các NHTW với kinh tế mỗi quốc gia nhằm tìm ra sự khác biệt hoặc tương đồng của bốn NHTW trên. Nhóm tác giả đã đưa ra kết luận rằng: Có một số sự khác biệt về vai trò và nhiệm vụ của các NHTW trên, và sở dĩ có sự khác nhau đó là do điều kiện lịch sử và đặc điểm của từng quốc gia tại thời điểm sáng lập NHTW. Đồng thời, những thay đổi về phương thức, cơ cấu tổ chức NHTW, đặc biệt là sự phát triển theo hướng độc lập hơn và tăng tính minh bạch, cũng như những thay đổi chung về kinh tế và môi trường tài chính trong vòng hai thập kỷ qua, đã góp phần làm rõ sự khác biệt giữa bốn cơ quan tiền tệ này.
Có thể bạn quan tâm!
- Cải cách hệ thống ngân hàng nhật bản giai đoạn 1990 – 2005 và một số hàm ý cho Việt Nam - 1
- Cải cách hệ thống ngân hàng nhật bản giai đoạn 1990 – 2005 và một số hàm ý cho Việt Nam - 2
- Đối Tượng, Mục Tiêu, Nguồn Lực Tài Chính Để Cải Cách Hệ Thống Ngân Hàng
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cải Cách Hệ Thống Ngân Hàng Của Một Quốc Gia
- Cơ Chế Xử Lý Nợ Xấu Của Một Số Nền Kinh Tế Đông Á Trong Cuộc Khủng
Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.
Nghiên cứu của nhóm tác giả R. Bebenroth, D. Dietrich, and U. Vollmer rich (2009), “Bank Regulation and Supervision in Bank-dominated Financial Systems: A Comparison between Japan and Germany”, đã mô tả và so sánh các quy định về giám sát của hệ thống ngân hàng tại Nhật Bản và Đức. Các tác giả đã chọn Nhật Bản và Đức vì các quốc gia này có nhiều nét tương đồng trong quản lý và hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, sự ổn định và trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng ở hai quốc gia này khác nhau đáng kể. Các tác giả đã đặt ra vấn đề trong nghiên cứu của mình: Liệu sự khác biệt về trình độ phát triển và sự ổn định của hệ thống ngân hàng có thể được giải thích bằng sự khác biệt về các quy định và giám sát hay không?
Tác giả Lê Trần (2010) với bài viết: Cải cách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và bài học cho Việt Nam đã tóm lược quá trình hình thành, phát triển và những cuộc cải cách hệ thống của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Từ lúc hình thành năm 1882 đến năm 2009, NHTW Nhật Bản có phần minh bạch hơn, độc lập hơn, tuy nhiên hệ số độc lập mới chỉ ở mức 2,5 thấp hơn nhiều so với Thuỵ Sỹ, Đức (4) và Hoa Kỳ (3,5). Sau khi nghiên cứu về cải cách BOJ, tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho việc cải cách NHNN Việt Nam. Điểm hạn chế của nghiên cứu này là chưa làm bật lên được tác dụng của việc cải cách NHTW, những tác động của nó đến nền kinh tế.
Trong bài đăng trên Tạp chí Ngân hàng (Số 23/2010) với tiêu đề Sự độc lập của Ngân hàng Trung ương và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, Tác giả Nguyễn Hương Giang đã tổng hợp được một số lý thuyết về NHTW độc lập, về mối quan hệ giữa sự độc lập của NHTW và các biến số kinh tế vĩ mô chính qua tìm hiểu kinh nghiệm từ Nhật Bản và New Zealand, đưa ra các bằng chứng thực nghiệm cũng như các lý thuyết kinh tế nhằm chỉ ra rằng: Trong nền kinh tế thị trường, để NHTW điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) một cách hiệu quả, thì tính độc lập của NHTW là yếu tố then chốt. Tác giả đưa ra một số gợi ý về việc thực thi chính sách tại NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ do khuôn khổ của mình, nên bài báo còn mang tính chất sơ lược, chưa nghiên cứu đủ sâu.
Annual Review of Bank of Japan, from 2005 to 2015 (Báo cáo thường niên của NHTW Nhật Bản, từ năm 2005 đến năm 2015). Trong các báo cáo của mình, NHTW của Nhật Bản đã phân tích rất rõ tác động, ảnh hưởng của NHTW đến hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, những biến cố chính xảy ra trong từng quý, từng năm, các thay đổi về chính sách hoạt động, cơ cấu tổ chức… đều được trình bày rõ nét, cụ thể.
Nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (Economic Committee Asia-Pacific Economic Cooperation) (2017) “Japan: Financial Services Sector Reform”, các tác giả đã nghiên cứu về Chương trình cải cách Koizumi. Chương trình cải cách này đã thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Nhật Bản, và nỗ lực tận dụng thành công này để vượt ra ngoài cải cách dịch vụ tài chính và thực hiện cải cách thị trường vốn. Nghiên cứu đã phân tích, làm rõ các vấn đề: Tại sao phải tiến hành cải cách Koizumi năm 2006? Nội dung cải cách là gì? Mục đích mà cải cách Koizumi hướng đến là gì? Kết quả cải cách ra sao? Và từ đó rút ra các bài học cho APEC.
Cuốn sách “Cải cách Abenomics ở Nhật Bản” của tác giả Phạm Quý Long chủ biên (2017). Nghiên cứu cho thấy, kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình cải cách sâu rộng và toàn diện thông qua việc triển khai chương trình cải cách Abenomics đầy tham vọng. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy cải cách có tác dụng rất tích cực, tạo khả năng vực dậy nền kinh tế Nhật Bản sau thời gian dài trì trệ. Tuy nhiên, các mặt trái của những tác động cũng như các hệ quả của chương trình cải cách vẫn còn là một ẩn số ở phía trước. Việc khảo sát và tổng kết thực tiễn từ đánh giá kết quả thực hiện chương trình cải cách Abenomics ở Nhật Bản cũng như việc thực hiện công tác nghiên cứu dự báo về những tác động của chương trình cải cách này tới quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản là một đóng góp quan trọng. Trên thực tế, cải cách Abenomics vẫn tiếp tục được triển khai thực hiện ở Nhật Bản. Các đánh giá kết quả, đúc rút kinh nghiệm sẽ giúp cho những bước triển khai cải cách tiếp theo đạt hiệu quả hơn, đồng thời sẽ hữu ích đối với quá trình xây dựng thêm các luận cứ khoa học trong định hình các chính sách phát triển cho Việt Nam, đặc biệt trên khía cạnh khai thác tốt nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản.
Nghiên cứu của Phạm Quý Long (2018) với đề tài “Công cụ tài chính tiền tệ trong Abenomics: Tác động và hàm ý cho Việt Nam”: Nghiên cứu đã cho thấy, Bước sang năm 2018, kinh tế Nhật Bản đã có sự kích thích lớn hơn nhờ tiếp tục được can thiệp bằng các công cụ tài chính tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2018 quanh ngưỡng 1,7%. Tuy nhiên, sau 5 năm áp dụng, Abenomics cần tiếp tục được tổng kết, đánh giá và có sự điều chỉnh phù hợp. Nghiên cứu đã phân tích và làm rõ tác động của công cụ chính sách tài chính, tiền tệ đã được sử dụng như là đòn bẩy quan trọng trong chính sách Abenomics ở Nhật Bản, từ đó rút ra một số hàm ý cho Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất 2 nhóm ý kiến: Nhóm 1, Đối với Việt Nam, khi xây dựng chính sách cần lưu ý các đánh giá tác
động lan tỏa từ sự tương tác giữa cải cách Abenomics ở Nhật Bản đối với môi trường phát triển kinh tế ở châu Á. Nhóm 2, Việt Nam cũng cần lưu ý đặc điểm thực tế trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn ở Nhật Bản hiện nay trong xử lý vấn đề vốn vay ODA của Nhật Bản.
Tóm lại, phần lớn các nghiên cứu của học giả tại Nhật Bản và quốc tế về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Nhật Bản đều tập trung vào quá trình này ở giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế 1997-98 bởi những tác động nghiêm trọng của nó đối với hệ thống ngân hàng Nhật Bản. Các nghiên cứu hầu hết hướng đến làm rõ nguyên nhân, tác động của khủng hoảng hệ thống ngân hàng đến nền kinh tế Nhật Bản; đồng thời phân tích một số chính sách cải cách của nước này: Hiệu quả và những hạn chế của nó; đặc biệt nhiều nghiên cứu tập trung vào các chính sách cải cách của Thủ tướng Koizumi năm 2006,… Các nghiên cứu mặc dù ghi nhận những thành công và đóng góp của tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Nhật Bản vào kỳ tích tăng trưởng của nền kinh tế của nước này trong hơn 2 thập niên vừa qua, nhưng đều thống nhất rằng quá trình này cần được tiếp tục đẩy mạnh. Có thể thấy, các nghiên cứu về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Nhật Bản phản ánh những khía cạnh khác nhau của quá trình này và chưa sâu chuỗi một cách có hệ thống đầy đủ về những bài học rút ra từ quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Nhật Bản đối với các nền kinh tế kinh tế đang phát triển và chuyển đổi như Việt Nam; đồng thời đây là những công trình nghiên cứu, bài viết tương đối hạn chế về mặt thời điểm nên chưa cập nhật được những cải cách trong lĩnh vực ngân hàng của Nhật Bản kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 đến nay. Do đó, luận án góp phần cập nhật quá trình cải cách hệ thống ngân hàng tại Nhật Bản để rút ra những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu đã nêu là căn cứ, cơ sở khoa học để tác giả tham khảo, kế thừa, vận dụng trong quá trình nghiên cứu chủ đề của luận án.
1.3. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CẢI CÁCH HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM
Các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách lĩnh vực ngân hàng từ trước đến nay thường theo hai cách tiếp cận chủ yếu: (i) Đặt cải cách hệ thống ngân hàng trong tổng thể cải cách nền kinh tế nói chung; hoặc (ii) tập trung vào một khía cạnh, lĩnh vực chuyên biệt của cải cách ngân hàng nên chưa hệ thống hóa được các khuyến nghị chính sách về cải cách hệ thống ngân hàng trong một chỉnh thể thống nhất. Một số nghiên cứu tiêu biểu có thể kể đến:
Cuốn sách “Tái cơ cấu Hệ thống tài chính Hàn Quốc sau Khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, Những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam” của các tác giả Trần Quang Minh và Ngô Xuân Bình (2004) đã phân tích khá chi tiết về công cuộc cải tổ kinh tế sau khủng hoảng tài chính châu Á và một số gợi ý phù hợp cho việc tái cơ cấu hệ tài chính của Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả chủ yếu tập trung vào quá trình tái cơ cấu và phát triển thị trường vốn, các công ty trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm ở Hàn Quốc sau khủng hoảng, mà chưa tập trung phân tích về các khía cạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của nước này.
Nghiên cứu của Nguyễn Hồng Sơn (2012) về “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, đã tập trung vào làm rõ các vấn đề sau: (i) Lý do tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng hoặc một ngân hàng lớn bị rơi vào khủng hoảng; (ii) vì sao cần thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; (iii) những nguyên tắc cần đảm bảo trong quá trình tái cấu trúc; (iv) tăng cường năng lực và nâng cao tính độc lập của NHTW. Bài viết đã nêu tương đối rõ về động lực, nguyên nhân mà các nền kinh tế mới nổi cần bắt tay ngay vào thực hiện tái cơ cấu kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vừa qua. Đồng thời, bài viết đã đề cập đến kinh nghiệm tái cơ cấu hệ thống tài chính của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN. Tuy nhiên, tác giả mới dừng lại ở việc nêu khái quát mô hình cải cách mà chưa phân tích sâu về các nội dung cụ thể của tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng tại các nước này.
Nghiên cứu chuyên đề của Viện Quản lý kinh tế Trung ương về “Cơ cấu lại nền kinh tế: Một số vấn đề về nhận thức và kinh nghiệm một số nước” đã tổng hợp và phân tích khá chi tiết về quá trình thực hiện và kinh nghiệm của một số nước châu Á tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có kinh nghiệm rất đáng quý của các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Ma-lai-xia. Tuy nhiên, chuyên đề mới chủ yếu phân tích vấn đề tái cấu trúc trong nền sản xuất thực và cũng chỉ ra cần có những nghiên cứu chuyên sâu về tái cấu trúc lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong tương lai.
Luận án tiến sỹ với chủ đề “Quản lý nợ xấu tại NHTM Việt Nam” của Nguyễn Thị Hoài Phương (2012) đã hệ thống những luận cứ khoa học về nợ xấu và quản lý nợ xấu NHTM; khái quát kinh nghiệm quản lý nợ xấu NHTM của một số nước trên thế giới trong và sau khủng hoảng kinh tế 1997 - 1998. Trên cơ sở đi sâu vào phân tích kinh nghiệm QLNX NHTM tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, tác giả đưa ra 9 định hướng cho việc áp dụng kinh nghiệm của thế giới vào hoạt động QLNX ở Việt
Nam. Luận án phân tích và đánh giá thực trạng QLNX tại các NHTM và đưa ra các giải pháp tăng cường QLNX tại các NHTM Việt Nam như: Hoàn thiện chiến lược và mô hình quản lý RRTD; nâng cao sức mạnh tài chính; phát triển công nghệ ngân hàng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ của NHTM; hoàn thiện mô hình chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ. Nội dung QLNX được nghiên cứu theo trình tự bao gồm: Nhận biết và phân loại, đo lường, ngăn ngừa và xử lý nợ xấu. Như vậy, ở đây, vấn đề xử lý nợ xấu được đề cập đến như một khâu cuối cùng trong trình tự QLNX của NHTM. Tuy nhiên, các nghiên cứu và đánh giá của tác giả về thực trạng, các giải pháp được đưa ra mang tính vi mô đối với các NHTM nhiều hơn.
Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright do Vũ Thành Tự Anh chủ biên (2013) “Sở hữu chồng chéo giữa các tổ chức tín dụng và tập đoàn kinh tế tại Việt Nam: Đánh giá và các khuyến nghị thể chế” áp dụng khung phân tích dựa trên các lý thuyết về “ủy quyền – thừa hành” và nghiên cứu các trường hợp về sở hữu chéo để chỉ ra những hạn chế trong hệ thống các quy định hiện nay liên quan đến vấn đề sở hữu chéo giữa ngân hàng – ngân hàng và ngân hàng – doanh nghiệp, từ đó rút ra những khuyến nghị chính sách, trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề tư nhân hóa hệ thống ngân hàng và vai trò giám sát của thị trường. Tuy nhiên, khung phân tích của nghiên cứu này chủ yếu dựa trên các lý thuyết của kinh tế học cổ điển, mà chưa tính đến những thất bại của thị trường hiện đại một cách thỏa đáng.
Tham luận của tác giả Tô Ánh Dương (2013), về “Tái cơ cấu ngân hàng thương mại Việt Nam: Một năm nhìn lại”, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, tháng 4 năm 2013 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì tổ chức, đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh và tương đối hoàn chỉnh về hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng thương mại Việt Nam trong vòng 1 năm. Theo đó, trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phân loại thành 3 nhóm lớn để xác định mức rủi ro. Trong đó, nhóm thứ ba là nhóm các tổ chức tín dụng đang có tình hình tài chính khó khăn, buộc phải thực hiện tái cơ cấu bằng nhiều hình thức như yêu cầu các ngân hàng lớn tham gia mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư, mua lại hoặc hợp nhất, sáp nhập. Thông qua các biện pháp khác nhau, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ và tiến hành chỉ đạo sắp xếp để không gây ra những xáo trộn, đổ vỡ, đồng thời bảo đảm tối đa quyền lợi của người gửi tiền.
Công trình nghiên cứu “Hiện trạng thị trường mua bán nợ ở Việt Nam và giải pháp phát triển” của tác giả Đào Duy Huân (2013) cho thấy thị trường mua bán nợ
của Việt Nam, bên cạnh sự tương đồng, thì cũng có những nét khác biệt so với thị trường mua bán nợ ở các nước khác trên thế giới. Bởi vì hàng hóa của thị trường này đang hầu hết là của khu vực DNNN, chưa có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, các chính sách để phát triển thị trường mua bán nợ cũng có nét riêng biệt ở Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển thị trường này ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Trần Thọ Đạt (2014), về “Khuôn khổ pháp lý cho tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế”, đã đánh giá những kết quả thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, cho thấy, hệ thống ngân hàng thương mại nước ta đã giữ được sự ổn định trong quá trình tái cơ cấu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các kết quả của quá trình này khá hạn chế và thiếu tính dài hạn. Nguyên nhân chủ yếu là do còn thiếu một cách tiếp cận tổng hợp để xử lý tổng thể các vấn đề của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là còn thiếu một khuôn khổ pháp lý mang tính hệ thống để tái cơ cấu ngân hàng thương mại trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế. Nghiên cứu chỉ rõ, việc hoàn thiện thể chế và khuôn khổ pháp lý phải là ưu tiên số một trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cụ thể, khuôn khổ pháp lý này phải bảo đảm 6 khía cạnh sau: (i) Khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại; (ii) Khuôn khổ pháp lý về mua bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng; (iii) Khuôn khổ pháp lý về sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng; (iv) Khuôn khổ pháp lý về quản trị rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại; (v) khuôn khổ pháp lý về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu; (vi) khuôn khổ pháp lý cho sự can thiệp của Nhà nước trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Nghiên cứu định lượng của Nguyễn Đức Thành và Vũ Minh Long (2014) “Đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs)” đánh giá tác động của quá trình hội nhập và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (theo Đề án 254) ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012 dựa trên 5 yếu tố: Độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, thu nhập và lợi nhuận, thanh toán, đội nhạy cảm với rủi ro thị trường. Tuy nhiên, nghiên cứu đã không tính và phân tích được các chỉ số FSIs quan trọng do thiếu số liệu và số liệu không tương thích với thông lệ quốc tế (như: Độ an toàn vốn, nợ xấu trên tổng nợ, tính thanh khoản và độ nhạy cảm với rủi ro…), đồng thời mới dừng lại ở phân tích về các chỉ số FSIs trong quá khứ, cũng như chưa lượng hóa được mối quan hệ với các
yếu tố vĩ mô khác như tăng trưởng, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, lạm phát, lãi suất, tỷ giá…
Nghiên cứu của Hoàng Trần Hậu (2014) về “Phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp” đã tập trung vào việc hệ thống hóa, làm rõ những vấn đề lý luận về thị trường mua bán nợ. Trên cơ sở phân tích thực trạng về thị trường mua bán nợ ở Việt Nam hiện nay, đề tài đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện chính sách cho phát triển thị trường mua bán nợ như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; hoàn thiện các chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế, tạo hành lang cho thị trường mua bán nợ xấu; tăng cường hợp tác quốc tế, … Tuy nhiên, các giải pháp này mới chỉ dừng lại và tập trung vào mục đích phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp.
Nghiên cứu của Đinh Thanh Tâm và Nguyễn Thế Tùng (2015) về “Xử lý nợ xấu theo mô hình công ty quản lý tái sản: Từ kinh nghiệm quốc tế tới thực tiễn tại Việt Nam” tập trung phân tích mô hình xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), so sánh hoạt động của VAMC với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC), qua đó đề xuất các giải pháp kết hợp hoạt động của VAMC và DATC, cải thiện khả năng hấp thụ vốn và hiệu quả sử dụng nguồn vốn nợ của hệ thống doanh nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ tập trung, chuyên nghiệp, góp phần xử lý nợ xấu triệt để. Tuy nhiên, khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu chủ yếu tập trung phân tích kinh nghiệm của Trung Quốc về các công ty quản lý tài sản (AMCs) đồng thời trực thuộc cả Bộ Tài chính và NHTW để xử lý trước hết là các NHTM nhà nước, sau đó là hệ thống ngân hàng của nước này, mà chưa tham khảo thỏa đáng đến các quốc gia có mô hình xử lý nợ xấu tập trung như Hàn Quốc, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia… và vai trò quan trọng của cơ quan bảo hiểm tiền gửi trong quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém.
Nghiên cứu của Đinh Mai Long (2018) với đề tài “Cải cách hệ thống ngân hàng Trung Quốc và một số bài học kinh nghiệm cho tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam” tác giả đã hệ thống hoá và phân tích được một số vấn đề lý luận và thực tiễn căn bản liên quan đến tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt đi sâu phân tích một số kinh nghiệm chủ yếu trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Trung Quốc giai đoạn từ những năm 1990s đến 2017, cũng như những xu hướng, thách thức tiếp tục cải cách thời gian tới; đối chiếu với đặc điểm hệ thống ngân hàng của Việt Nam để rút ra những khuyến nghị chính sách và đề xuất giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn tới.
Tóm lại, Nghiên cứu về cải cách hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Các công trình chủ yếu dưới dạng các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, luận văn, luận án tiến sĩ, sách chuyên khảo,… khai thác đề tài cải cách hệ thống ngân hàng ở Việt Nam dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Một số công trình nghiên cứu kinh nghiệm cải cách hệ thống ngân hàng ở một số quốc gia khác để rút ra những bài học vận dụng cho Việt Nam.
1.4. Nhận xét, đánh giá và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
1.4.1. Một số nhận xét, đánh giá về tình hình nghiên cứu
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về cải cách hệ thống ngân hàng là khá phong phú, cho thấy đây là một chủ đề hấp dẫn và quan trọng. Sự phát triển và ổn định của hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và ổn định của nền tài chính, kinh tế của các quốc gia. Do đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để phù hợp với sự biến động của tình hình kinh tế, chính trị đất nước, khu vực và thế giới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục ở các nước.
Các công trình nghiên cứu (đặc biệt là ở nước ngoài) đã làm rõ những yếu tố tác động, nguyên nhân dẫn đến những bất ổn, khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng nói chung hoặc trong hệ thống ngân hàng của một quốc gia cụ thể nào đó; phân tích những chính sách của chính phủ các nước nhằm điều chỉnh, cải cách hệ thống ngân hàng; hoặc so sánh hiệu quả hoạt động, tính ưu việt của hệ thống ngân hàng ở một số quác gia; so sánh tác động chính sách đối với hệ thống ngân hàng ở các nước,….
Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về cải cách hệ thống ngân hàng đã cung cấp cho nghiên cứu sinh một cái nhìn toàn diện và đa chiều hơn về vấn đề nghiên cứu. Đây là những công trình liên quan mật thiết đến đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài và sẽ được luận án kế thừa, bổ sung và phát triển.
1.4.2. Khoảng trống và hướng nghiên cứu của luận án
Từ tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến chủ đề của luận án cho thấy, khoảng trống trong nghiên cứu về cải cách hệ thống ngân hàng còn rất lớn:
Thứ nhất, về khía cạnh lý luận: Mặc dù đã có những công trình nghiên cứu đề cập đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề cải cách hệ thống ngân hàng, tuy nhiên cần phải hệ thống hóa và làm rõ hơn các vấn đề lý luận có liên quan, để có thế vận dụng nghiên cứu sâu về thực tiễn cải cách hệ thống ngân hàng của một quốc gia trong một giai đoạn. Cụ thể, cần bổ sung làm rõ hơn các vấn đề lý luận về chủ thể thực hiện cải cách; nguồn lực tài chính để thực hiện cải cách và các tiêu chí đánh giá hiệu quả của quá trình cải cách hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, về khía cạnh thực tiễn: Tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy, các nghiên cứu quốc tế và của Nhật Bản về cải cách hệ thống ngân hàng Nhật Bản thì chủ yếu phục vụ cho các mục đích đánh giá tác động của một chương trình hay chính sách nào đó đến hệ thống ngân hàng nói riêng hoặc tác động đến nền tài chính, kinh tế của nước này nói chung (như nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (Economic Committee Asia-Pacific Economic Cooperation) (2017)).
Các nghiên cứu về cải cách hệ thống ngân hàng Nhật Bản còn chưa làm rõ được đối tượng, mục đích của cải cách là tổ chức, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng đang có vấn đề; giúp kiểm soát tốt hơn việc thực hiện vai trò và chức năng của hệ thống ngân hàng.
Còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về cải cách hệ thống ngân hàng Nhật Bản trong giai đoạn 1990 – 2005, để rút ra những bài học kinh nghiệm, vận dụng cho việc cải cách hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, có thể nói đề tài mà nghiên cứu sinh lựa chọn nghiên cứu cho luận án của mình sẽ có nhiều điểm mới để nghiên cứu và có ý nghĩa thực tiễn cao, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Kết luận chương 1
Cải cách/ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là rất quan trọng đối với sự phát triển và ổn định của nền tài chính, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt sau tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, vấn đề này đã được rất nhiều học giả, các nhà lập chính sách quan tâm nghiên cứu. Những nghiên cứu về cải cách/ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng khá đa dạng, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau… Do tính chất và hướng nghiên cứu của đề tài, nghiên cứu sinh tổng quan tình hình nghiên cứu theo ba nhóm là: (1) Tình hình nghiên cứu về cải cách hệ thống ngân hàng nói chung; (2) Tình hình nghiên cứu về cải cách hệ thống ngân hàng tại Nhật Bản; và (3) Tình hình nghiên cứu về cải cách hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, bao gồm cả các nghiên cứu ngoài nước và nghiên cứu trong nước.
Kết quả của tổng quan tài liệu đã cho thấy, các nghiên cứu về cải cách/ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói chung, ở Nhật Bản, Việt Nam và một số quốc gia cụ thể nói riêng, đã cung cấp cho nghiên cứu sinh một cái nhìn toàn diện và đa chiều về chủ đề nghiên cứu. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh kế thừa những kết quả đã có, lựa chọn những khoảng trống, những vấn đề nghiên cứu còn bỏ ngỏ làm nhiệm vụ nghiên cứu cho luận án của mình. Thông qua tổng quan tài liệu, nghiên cứu sinh đã xác định rõ cơ sở lý thuyết, phương pháp nghiên cứu là định hướng trong việc thực hiện luận án.
Đánh giá tổng quát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án cho thấy,
việc nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện, đầy đủ và cập nhật về “Cải cách hệ thống ngân hàng Nhật Bản giai đoạn 1990 – 2005 và một số hàm ý cho Việt Nam” là cần thiết.