Thế hệ thứ 2 bắt đầu từ những năm 2000, khi nguồn lực xã hội ít dần đi, các doanh nhân thời kì này phải khai thác những lĩnh vực mới tạo ra giá trị gia tăng tiêu biểu là các lĩnh vực dịch vụ hay công nghệ thông tin. Đây có thể là làn sóng khởi nghiệp rõ nét nhất của Việt Nam. Sau đó khoảng 3 năm, một loạt các cơ sở ươm tạo đi vào hoạt động với các lĩnh vực chủ yếu là công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, năng lượng, cơ điện tử. Cơ sở ươm tạo điển hình trong giai đoạn này là Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao SHTP – IC (2002); Vườn ươm doanh nghiệp CRC (2004); Trung tâm vườn ươm Tinh Vân (2005); Vườn ươm Doanh nghiệp FPT (2005); Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ Phú Thọ (2006); Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc (2006); Inspire Ventures (2006) … Hoạt động của các cơ sở ươm tạo thời kì này tạo ra được những chuyển biến mới về chất trong cách thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường mạng lưới liên kết giữa các DNNVV với nhau và với các đối tác. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và nổi bật nhất là bộ ba 3V: VNG, VC Corp, Vật Giá, đều nhận được sự đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm IDG.
Giai đoạn thứ hai của làn sóng bắt đầu từ năm 2006 đến năm 2011, ở Việt Nam, một số khu vực điển hình như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình thử nghiệm CSƯTDN, hợp tác và hỗ trợ trường Đại học Nông lâm, trường Đại học Bách Khoa - ĐH Quốc gia, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và các đơn vị có liên quan hình thành 3 mô hình CSƯTDN với các hệ thống hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật và dịch vụ đi kèm. Các cơ sở ươm tạo đã xây dựng khá hoàn thiện về chiến lược hoạt động và lĩnh vực ươm tạo. Các cơ sở ươm tạo điển hình ra đời trong giai đoạn này gồm có: Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Nông lâm (2007); Công ty TNHH Đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng - DNES (2007); Vườn ươm doanh nghiệp BK – Holdings (2008); Topica Founder Institute (2008); Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao – Tp.HCM (2009) ;… Kết quả của các cơ sở ươm tạo góp phần phát triển ngành thương mại điện tử tại Việt Nam (Vatgia, 5giay, Cungmua, Nhommua, Muachung, Hotdeal, sau đó là Lazada, Zalora), giao nhận Giaohangnhanh, Giaohangso1, Shipchung, Nhanh.vn (thuộc Vatgia) và Giaohangtietkiem (đối tác của trang thương mại điện tử 123.vn) . Một số cổng thanh toán như 1Pay (sản phẩm phát triển trên phân khúc thanh toán di động), Nganluong.vn, Momo, Baokim.vn, Mobivi vẫn tạo được cho mình nền tảng nhất định. Ngoài sự quan
tâm của các quỹ ngoại, khối các quỹ nội như FPT Ventures & SeedCom cũng là những đại diện tiêu biểu của quỹ đầu tư khởi nghiệp Việt Nam. Mô hình Startup trong giai đoạn này không đơn thuần là các sản phẩm kinh doanh offline như phần lớn startup thời kì trước mà chuyển sang thành cũng cấp các dịch vụ/ sản phẩm mạng như phần mềm từ điển trực tuyến, game, các trang web nghe nhạc trực tuyến, các công cụ tìm kiếm made-in-Vietnam. Tuy nhiên, nội dung xây dựng chỉ hướng đến thị trường nội địa, thêm nữa chất lượng lại chưa đủ để cạnh tranh lâu dài…
Làn sóng thứ ba hay còn gọi Thế hệ thứ ba hay thế hệ quốc tế hoá, bùng nổ trong 2014, thế hệ doanh nhân này vươn ra thế giới, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng thị trường. Chắc hẳn ai cũng nhớ cú “hit” Flappy Bird – ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store cũng như trên Google Play chỉ trong 26 ngày đã trở thành nguồn cảm hứng cho “thế hệ startup thứ 3” của Việt Nam với mục tiêu hoàn toàn mới: Mobile và quốc tế hoá. Một số doanh nghiệp sau khi vững vàng tại thị trường trong nước lên kế hoạch bắt đầu mở rộng sang khu vực như Appota (kênh phân phối nền tảng ứng dụng mobile hàng đầu Việt Nam), Topica (tổ hợp giáo dục chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo trực tuyến chất lượng cao), VNG (với Zalo – ứng dụng nhắn tin- gọi điện trực tuyến), ANTS (được đầu tư bởi FPT Ventures), 1Pay (thuộc MOG).
Ngược lại, một số doanh nghiệp ngay từ đầu đã xác định “đối ngoại” là mục tiêu cho doanh nghiệp mình và đạt thành công tại thị trường quốc tế trước khi quay lại Việt Nam, điển hình như: DotGears (nhà sáng lập Flappy Bird), Not a Basement (với ứng dụng sáng tạo chỉnh sửa ảnh chụp Fuzel), Money Lover (ứng dụng quản lý chi tiêu), Greengar (công ty phát triển phần mềm di động với ứng dụng Whiteboard), JoomlArt.com (kênh phân phối trực tiếp của J.O.O.M., công ty thiết kế và phát triển các ứng dụng web cũng như thương mại điện tử), Triip (website toàn cầu cho phép khách hàng có thể tìm thấy những tour du lịch trải nghiệm và sống như người bản địa), TruePlus (sản xuất và xuất khẩu phần mềm), Beeketing (công cụ giúp người dùng tự thực hiện những chiến dịch marketing một cách đơn giản).
Đặc biệt, năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam. Cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam xuất hiện một loạt các cơ sở ươm tạo như Vườn ươm Việt Nam – Hàn Quốc (2012); Vietnam Silicon Valley (2013); Trung tâm sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp – ĐH Nguyễn Tất Thành (2014); Hệ sinh thái khởi
nghiệp công nghệ (ITP) - ĐHQG Tp.HCM (2015); Trung tâm Ươm tạo công nghệ Nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2015); Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN – NACENTECH-TBI (2015); Rehoboth – Innovation Hub (2016) … [Thanh Thanh, 2017]
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1800 startup. Trong hai năm 2017 và 2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau.
Tiểu kết chương 1.
Trong Chương 1, Luận văn đã phân tích các khái niệm là cơ sở lý luận để tiếp tục khảo sát thực trạng và đề ra giải pháp cho vấn đề nghiên cứu, trong đó có khái niệm thanh niên, khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp, khái niệm cơ sở ươm tạo và dịch vụ ươm tạo. Luận văn đã sử dụng lý thuyết về Lựa chọn hợp lý của George Homans để phân tích hành vi lựa chọn cơ sở ươm tạo thông qua đánh giá nhu cầu sử dụng và khả năng cung cấp của cơ sở ươm tạo. Đồng thời đã khái quát về địa bàn nghiên cứu với tiêu chí lựa chọn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Của Đề Tài Về Nhu Cầu Sử Dụng Dịch Vụ Ươm Tạo Của
- Quá Trình Tiền Ươm Tạo, Ươm Tạo Và Hậu Ươm Tạo
- Các Giai Đoạn Khởi Nghiệp Của Thanh Niên Việt Nam
- Thực Trạng Sử Dụng Các Dịch Vụ Ươm Tạo Của Thanh Niên Khởi Nghiệp Ở Việt Nam Hiện Nay
- Tần Suất Sử Dụng Thường Xuyên Các Dịch Vụ Hỗ Trợ Xây Dựng Thương Hiệu Và Khả Năng Đáp Ứng Của Cơ Sở Ươm Tạo (N = 215)
- Kênh Tiếp Cận Thông Tin Chính Của Startup (Tỷ Lệ %)
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Luận văn đã xây dựng được khái niệm cơ sở ươm tạo và dịch vụ ươm tạo với đối tượng sử dụng là thanh niên khởi nghiệp đang sử dụng dịch vụ tại cơ sở ươm tạo với mục tiêu hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp (gọi chung là các startup) và phát triển đưa các sản phẩm có tính độc đáo có áp dụng những ứng dụng của khoa học và công nghệ ra thị trường thương mại.
Cùng với đó, Luận văn cũng đã phân tích các giai đoạn của quá trình khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam diễn ra đến nay hơn 30 năm tuy nhiên, ở giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp cũng như tinh thần khởi nghiệp diễn ra đơn lẻ, âm ỉ và thời gian duy trì hoạt động tương đối ngắn. Trong 5 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ từ chính phủ, làn sóng khởi nghiệp bắt đầu lớn mạnh và được quan tâm hơn trước.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ ƯƠM TẠO CỦA THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. Tiềm năng khởi nghiệp của thị trường Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với trung tâm và khâu đột phá là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học,… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tạo ra những cơ hội rất lớn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia. Nó cũng tác động đến nước ta trên mọi lĩnh vực, khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Hiện nay, hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN tại Việt Nam vẫn còn hết sức mới mẻ và cũng chưa có nhiều thành tựu nổi bật.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017
Tại Việt Nam, ươm tạo được nhắc đến lần đầu tiên vào những năm 1996 -1997 trong một số bài báo dưới tên gọi “lồng ấp”, được xem như là một công cụ hỗ trợ phát triển DNNVV [Thanh Xuân, 2014]. Sự hình thành và phát triển của các CSƯTDN trong những năm qua, dù chưa nhiều nhưng cũng đã thu hút sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Khái niệm ươm tạo công nghệ đã được quy phạm hóa thành nội dung trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam.
Đến nay, cả nước có khoảng trên 517900 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó DNNVV chiếm 98,1%. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp trên 33% GDP với tổng số 3.135 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (12,9%), công nghiệp và xây dựng (44,7%), dịch vụ (42,4%). Thực trạng chung của đa số các doanh nghiệp Việt Nam là chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và trang thiết bị, tiềm lực tài chính và KH&CN yếu kém nhưng lại khó tiếp cận vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ [Thanh Xuân, 2014].
Theo đánh giá của GEM (Global Entrepreneurship Monitor) giai đoạn 2013 – 2017, mặc dù Việt Nam tiếp tục cải thiện các chỉ số tuy nhiên xét tổng thể xếp hạng của Việt Nam vẫn còn thấp (Xem thêm các tiêu chí đánh giá ở phụ lục 2). Xếp hạng về môi trường kinh doanh theo đánh giá của Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp 68/100. Xếp hạng năng lực cạnh tranh theo Báo cáo Năng lực
Cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 55/137. Bởi không chỉ Việt Nam nỗ lực cải thiện điểm đánh giá mà các quốc gia khác cũng vậy.
Hình 2.1. Thang điểm hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2013 – 2017 trên thang điểm từ 1 đến 5
Nguồn: GEM, 2018
Có thể thấy, so với năm 2013, một số chỉ báo trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam năm 2017 đã có sự cải thiện, không chỉ về điểm số mà cả thứ hạng. (Xem thêm phụ lục 3). Cụ thể như: Năng động của thị trường nội địa tăng từ 3,59 điểm, xếp thứ 11/62 lên 4,15 điểm, xếp thứ 5/54; Văn hóa và chuẩn mực xã hội, từ 3,23 điểm, xếp thứ 14/62 lên 3,62 điểm, xếp thứ 6/54; Cơ sở hạ tầng tăng từ 4,07 điểm, xếp thứ 17/62 lên 4,19 điểm, xếp thứ 10/54; Độ mở của thị trường nội địa, từ 2,51 điểm, xếp thứ 28/62 lên 2,79 điểm, xếp thứ 12/54. Trái lại, có bốn chỉ số có điểm số giảm so với năm 2015, đó là Chính sách Chính phủ (từ 2,78 xuống 2,4), Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (từ 2,93 xuống 2,82), Chương trình hỗ trợ Chính phủ (từ 2,14 xuống 2,09) và Chuyển giao công nghệ (từ 2,33 xuống 2,19). Chuyển giao công nghệ là chỉ số duy nhất trong số 12 chỉ số có sự tụt hạng về thứ bậc rõ rệt nhất, từ 30/62 xuống còn 34/54. Điều này cho thấy vấn đề chuyển giao công nghệ ở Việt Nam vẫn chưa góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam như ở các quốc gia khác.
Nếu so sánh với các nước ASEAN, năm 2017, trong số 12 chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp, có hai chỉ số của Việt Nam được đánh giá tốt hơn Indonesia, Thái Lan và Malaysia, đó là: Cơ sở hạ tầng (Việt Nam xếp thứ 10; Indonesia thứ 29, Thái
Lan thứ 32 và Malaysia thứ 20) và Văn hóa và Chuẩn mực xã hội (Việt Nam xếp thứ 6; Indonesia thứ 8, Thái Lan thứ 16 và Malaysia thứ 14). Trong khi đó có tới 6 chỉ số của Việt Nam kém hơn tất cả ba nước ASEAN, đó là: Tài chính cho kinh doanh, Quy định của Chính phủ, Chương trình hỗ trợ Chính phủ, Giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông, Giáo dục về kinh doanh sau phổ thông, Chuyển giao công nghệ. Đáng chú ý, ở các tiêu chí này Indonesia đều có thứ hạng cao; 6/10 tiêu chí xếp trong top 3, thậm chí tiêu chí Tài chính cho kinh doanh thì Indonesia đứng thứ nhất. Indonesia đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái tốt cho khởi nghiệp, khi mà đứng đầu tới 10 chỉ số của hệ sinh thái so với các nước ASEAN [GEM, 2018].
Xét về độ mở cũng như tiềm năng phát triển thị trường quốc tế, năm 2017, trong số các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn khởi nghiệp, có đến 74% hoạt động chỉ kinh doanh ở thị trường trong nước, 24,2% hoạt động kinh doanh có dưới 1/4 số lượng khách hàng nước ngoài. Số lượng hoạt động kinh doanh có tỷ lệ khách hàng nước ngoài từ 25% trở lên chỉ chiếm 1,8%. Nếu so với bình quân ở các nước phát triển ở giai đoạn I, tỷ lệ các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn khởi nghiệp tham gia vào xuất khẩu ở Việt Nam thấp hơn (26% so với 31,5%), nhất là tỷ lệ hoạt động kinh doanh thực sự có định hướng xuất khẩu (tỷ lệ khách hàng nước ngoài chiếm trên 25%) ở Việt Nam lại thấp hơn nhiều (1,8% so với 8%). Ở các nước trong khối ASEAN, Maylaisia và Thái Lan thể hiện rõ là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi nghiệp có tỷ lệ khách hàng quốc tế trên 25% của hai nước này lần lượt đạt 13,84% và 16,65% [GEM, 2018]. Điều này cho thấy, không chỉ thị trường nội địa mà thị trường quốc tế đang là cơ hội lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có sản phẩm đột phá và nhận được những ưu đãi về chính sách cũng như môi trường thuận lợi hơn nữa.
Hiện tại, các doanh nghiệp được ươm tạo tại hầu hết các CSƯT ở Việt Nam được hưởng mọi dịch vụ ươm tạo, chỉ phải đóng khoản phí tương đối thấp khi tham gia vườn ươm. Phần lớn các CSƯT đều theo mô hình ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, được coi là công cụ phát triển hiệu quả, được thiết kế để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ và các nguồn lực hỗ trợ. Theo kết quả khảo sát của luận văn, startup đang sử dụng dịch vụ tại các CSƯT chiếm 40,0% liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và
truyền thông tin như các phần mềm, ứng dụng (aps) trong giải trí, học tập, thương mại v..v.. Theo quan điểm của các cá nhân tham gia khảo sát thì lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông là lĩnh vực ít rủi ro, chi phí vật chất không lớn như cơ khí tự động hóa; cũng không cần quá nhiều mặt bằng như ngành nông nghiệp; thời gian của 1 sản phẩm từ lúc ý tưởng đến lúc chạy thử nghiệm ngắn, dễ dàng kêu gọi sự tham gia sử dụng của cộng đồng; chi phí sản phẩm không quá đắt…
Hình 2.2. Lĩnh vực ươm tạo của startup đang sử dụng dịch vụ của cơ sở ươm tạo (N = 215)
Nguồn: Số liệu khảo sát của luận văn
Điển hình như: Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, một trong số các ươm tạo đang hoạt động hiệu quả đã có doanh số tăng nhanh từ gần 350 triệu đồng năm 2008 lên hơn 2 tỷ đồng năm 2012. Một số sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp thuộc SBI đang được đánh giá cao như: phần mềm quản lý ô tô, phần mềm Smart-SMS, phần mềm E-branding, E-learning, phần mềm quản lý chuỗi shop thời trang ...
Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp của Topica Founder Institute, năm 2018 có 92 thương vụ nhận được vốn đầu tư lên đến 889 triệu USD. Báo cáo cũng chỉ ra các lĩnh vực được doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm và có tỷ lệ gọi vốn thành công nhiều nhất là Fintech (công nghệ tài chính), E-commerce (thương mại điện tử), TravelTech (công nghệ du lịch), Logistics và Edtech (công nghệ giáo dục) [Topica Founder Institute, 2018]. Đây đều là những mảng mới mẻ ở Việt Nam, nếu so sánh với các thị trường như ASEAN, Trung Quốc hay Singapore thì thị trường Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu còn rất nhiều mảng trong các lĩnh vực này chưa được khai thác.
Theo báo cáo của quỹ đầu từ CyberAgent năm 2014, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonexia. Điều này có thể lý giải bởi:
Thứ nhất, Việt Nam hiện có số lượng sinh viên du học tại Mỹ lớn hơn nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á2. Những học sinh này cùng với cộng đồng người Việt tại thung lũng Silicon và nhiều trung tâm công nghệ khác sẽ có cơ hội kết hợp cùng nhau để tạo nên những sản phẩm công nghệ mới. Sau khi họ được đào tạo ở nước ngoài và quay trở về Việt Nam bắt đầu sự nghiệp thì họ sẽ hiểu được xu hướng phát triển và nhu cầu của thị trường quốc tế và từ đó áp dụng kinh nghiệm vào nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, tại Việt Nam, chưa bao giờ thị trường Startup lại sôi động và được chú ý như thời điểm hiện tại. Mỗi năm có hàng chục hội thảo, chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho các công ty khởi nghiệp và các bạn trẻ muốn tham gia thị trường khởi nghiệp như: Techfest, "Ngày hội Khởi nghiệp" cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”. Điều này cho thấy cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang có những bước khởi sắc.
Thứ ba, các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, những ông lớn trong các thương vụ đầu tư mạo hiểm, mua bán sát nhập Startup trên thế giới như Samsung, Nokia, Rocket Internet, Microsoft..., đã và đang thành công trong việc xâm nhập vào một thị trường khó tính như Việt Nam và từ đó tạo ra một mạng lưới quan hệ tiềm năng cho các Startup Việt.
Tóm lại, xét về khả năng cạnh tranh, nhu cầu của thị trường cũng như khả năng phát triển trong tương lai thì các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cũng như cơ hội để khai thác. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách cũng như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tuy nhiên Việt Nam vẫn cần có nhiều thay đổi lớn, tích cực để có thể tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.
2 Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong năm học 2017 – 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ, với 24325 sinh viên, tăng 1.887 sinh viên so với năm học 2016 – 2017 (Nguồn: Thông cáo báo chí của Đại sứ quá và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, 2018, https://vn.usembassy.gov/vi/pr14112018/)