Ứng Dụng Công Nghệ Thông Tin Trong Chuỗi


trao đổi kinh tế. Các hành vi này cũng có thể được giải thích bằng tương tác xã hội, bao gồm sự lặp đi lặp lại các trao đổi trong tương lai cùng niềm tin đối tác cũng sẽ làm như vậy. Sự cam kết là một mối quan hệ trao đổi hiệu quả do tính định hướng dài hạn của nó.

Một số tác giả đã nghiên cứu mối quan hệ giữa niềm tin và sự cam kết và chỉ ra niềm tin là cơ sở và có ảnh hưởng quyết định đến sự cam kết (Morgan & Hunt, 1994). Thông qua sự tin tưởng giữa các cá nhân, mỗi nhóm người trong công ty cần phát triển MQHHT nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho các đối tác (Anderson & Weitz, 1992).

Đồng quan điểm với các tác giả trên, Sahay (2003) cho rằng niềm tin là một điều kiện tiên quyết cho sự cam kết giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng. Lý thuyết trao đổi xã hội nhấn mạnh vai trò của niềm tin trong việc tăng cường mức độ giao tiếp, chia sẻ thông tin giữa các đối tác (Atuahene-Gima & Li, 2002). Các đối tác cần có niềm tin ngay cả trong trường hợp dự kiến hành vi cơ hội có thể xảy ra hoặc không cơ biện pháp kiểm soát hành vi cơ hội (Atuahene-Gima & Li, 2002). Morgan và Hunt (1994), Ruyter và cộng sự (2001) cho rằng niềm tin cải thiện sự cam kết, dựa trên giả định rằng niềm tin làm giảm mức độ nhận thức về hành vi cơ hội. Vì vậy, niềm tin làm tăng sự tin tưởng của đối tác trong quan hệ trao đổi hiệu quả, đồng thời thúc đẩy các đối tác trao đổi với sự cam kết trong mối quan hệ. Từ một góc nhìn khác, Aulakah và cộng sự, (1996) đề xuất một mối quan hệ nhân quả từ sự cam kết đến niềm dựa trên giả định rằng chi phí cơ hội cao kết hợp với các cam kết sẽ tránh được các hành vi không tin tưởng. Tất cả những nghiên cứu này đều phản ánh niềm tin có mối liên quan đáng kể đến sự cam kết. Đồng thời, cả niềm tin và sự cam kết đều nhấn mạnh đến các giá trị chung và sự gắn bó lâu dài trong mối quan hệ liên tổ chức. Do đó, sự cam kết là một hành vi trao đổi xã hội hiệu quả, đảm bảo sự tương tác giữa các đối tác. Vì vậy, trong luận án này, tác giả làm rõ khái niệm sự cam kết dựa trên nghiên cứu của Morgan và Hunt (1994), một mặt nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự cam kết đến MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đồng thời làm rõ mức độ tác động của sự cam kết đến từng thành phần (sự chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và tích hợp hệ thống khuyến thưởng) của MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp. Ngoài ra, tác giả cũng kiểm định thêm mối quan hệ giữa niềm tin và sự cam kết của CTLH với các nhà cung cấp.

2.5.5. Mối quan hệ cá nhân

Mối quan hệ cá nhân (guanxi/personal relationship) là thuật ngữ được sử dụng

để miêu tả các kết nối giữa cá nhân với một cấu trúc xã hội. Nó bắt nguồn từ văn hóa


Trung Quốc và đã trở thành một trong những nền tảng của các cấu trúc xã hội của nước này trong lịch sử. Trong bối cảnh kinh doanh, nó liên quan đến sự tìm kiếm các giải pháp kinh doanh và khai thác nguồn lực khan hiếm thông qua mối quan hệ cá nhân. Khái niệm này liên quan đến “mạng lưới các mối quan hệ không chính thức giữa các cá nhân để thực hiện trao đổi các cơ hội trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc (Lovett và cộng sự, 1999)”. Hay, mối quan hệ cá nhân chính là mạng lưới các mối quan hệ phức tạp, có tính bao phủ rộng trong đó chứa đựng các nghĩa vụ tuyệt đối, sự đảm bảo và sự thấu hiểu lẫn nhau (Park và Luo, 2001).

Sự liên hệ giữa mối quan hệ cá nhân và hiệu quả kinh doanh, đặc biệt là khía cạnh tài chính, đã được đề cập trong một số nghiên cứu. Park và Luo (2001) cho thấy mối quan hệ cá nhân có quan hệ thuận chiều với sự tăng trưởng của công ty trong việc mở rộng thị trường, mà không phải trong việc nâng cao lợi nhuận ròng, bởi lẽ nó góp phần vào sự gia tăng doanh số bán hàng cho người bán, ở tại mức chi phí của người mua. Luo (1997) cho rằng mối quan hệ cá nhân chỉ sự liên kết nhằm đảm bảo thu được các lợi ích. Trong khi Chen và Chen (2004) khẳng định rằng mối quan hệ cá nhân là cách thức liên kết giữa hai cá nhân cụ thể, tuân theo các chuẩn mực xã hội, với mục đích duy trì lâu dài dựa trên sự cam kết, lòng trung thành, và nghĩa vụ giữa các bên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.

Văn hóa của Trung Quốc có đề cập đến các mối quan hệ giữa các cá nhân (Xin và Pearce, 1996) hay mạng lưới các mối quan hệ không chính thức (Lovett và cộng sự, 1999). Mạng lưới các mối quan hệ cá nhân là sự lồng ghép các mối quan hệ cá nhân với các mối quan hệ xã hội không chính thức, tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển các mối quan hệ (Leung và cộng sự, 2005). Được xây dựng dựa trên hệ thống ngầm, các cá nhân trong cùng mạng lưới mối quan hệ có thể trao đổi sự kỳ vọng cũng như các nghĩa vụ với nhau (Lovett và cộng sự, 1999). Mối quan hệ trong mạng lưới dựa trên các quy tắc phân cấp có trật tự (Park và Luo, 2001) để duy trì sự hài hòa. Mạng lưới mối quan hệ cá nhân hoạt động trong một cấu trúc phân cấp, đặt gia đình tại trung tâm, tiếp theo là họ hàng xa, bạn bè và những người quen biết (Yang, 1994). Một cá nhân với cấp bậc cao hơn trong hệ thống thường có quyền lực xã hội cao hơn để hỗ trợ người ở cấp thấp hơn. Các cá nhân có mối quan hệ xã hội yếu hơn có thể giải quyết hài hòa các xung đột với các đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh bằng cách tận dụng mạng lưới quan hệ với người có quyền lực mạnh (Yang, 1994).Việc thành lập các mạng lưới này thường phức tạp, tốn thời gian và nỗ lực, sự phát triển của nó phụ thuộc vào sự tương đồng của guanxi gốc và sự gần gũi (Xin và Pearce, 1996). Quá trình chia sẻ với gia đình, quê hương, khu vực, trường học hoặc nơi làm việc không chỉ giúp cho các cá nhân phát triển mạng lưới guanxi mà còn có thể tăng cường mạng lưới guanxi thông qua các tương tác xã hội.


Các yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác của công ty lữ hành với các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng du lịch - 8

Theo quan điểm của các nhà quản trị ở phương Tây, khi tham gia vào mạng lưới hợp tác, các doanh nghiệp có thể cải thiện lợi thế cạnh tranh của mình nhờ tiếp cận các nguồn lực của các thành viên khác trong mạng lưới. Hơn nữa, việc tham gia vào mạng lưới là cách thức để các doanh nghiệp ở các quốc gia và nền văn hóa khác nhau nối lại mối quan hệ (Luo, 1997). Các doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới này để giảm thiểu sự không chắc chắn và gia tăng niềm tin giữa các bên. Ngược lại, theo quan điểm của Phương Đông, mối quan hệ cá nhân (guanxi) chính là nền tảng văn hóa của mạng lưới các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Mối quan hệ cá nhân có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể là việc mở rộng thị trường và tăng doanh số bán nhờ có những kết nối giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, mối quan hệ cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ với bên ngoài mang tính hợp pháp hơn là cải thiện hiệu quả hoạt động bên trong. Nhờ có mối quan hệ cá nhân mà các doanh nghiệp được bổ sung thêm nguồn lực đồng thời giảm chi phí giao dịch (Park và Luo, 2001).

Mạng lưới mối quan hệ cá nhân được các nhà nghiên cứu chia làm hai loại. Thứ nhất là sự thiết lập các mối quan hệ với các nhà quản lý ở các công ty khác nhau. Mối quan hệ tốt với nhà quản lý của các nhà cung cấp giúp doanh nghiệp mua được nguyên vật liệu đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng. Mặt khác, nó còn giúp giảm chi phí thu mua nguyên vật liệu đầu vào và đạt được các điều khoản tín dụng thuận lợi hơn. Trong khi đó, mối quan hệ tốt với khách hàng có thể thúc đẩy lòng trung thành của họ, tăng khối lượng, tần suất mua hàng và thanh toán đầy đủ, nhanh chóng. Hơn nữa, quan hệ tốt với người mua giúp nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, đẩy mạnh hiệu quả phân phối hàng hóa, dịch vụ, và giảm chi phí trong vấn đề tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Thứ hai, mối quan hệ tốt với nhà quản lý ở các doanh nghiệp đối thủ tạo điều kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp, giảm bất ổn và tính không chắc chắn của các hành vi cạnh tranh có hại cho cả hai bên. Các nghiên cứu cho thấy môi trường kinh doanh bất ổn, các mối quan hệ không chính thức sẽ được huy động để tạo điều kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp (Gulati, 1995). Tóm lại, các mối quan hệ với các nhà quản lý ở các công ty khác có thể được coi như một cơ chế thiết lập mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, là chất bôi trơn trong các quan hệ trao đổi với mục đích cắt giảm chi phí giao dịch (Williamson, 2010) hoặc gia tăng lợi ích doanh nghiệp (Burt, 1997).

Mối quan hệ cá nhân sẽ trở thành một tài sản của tổ chức khi nó được tổ chức sử dụng. Mối quan hệ cá nhân liên tổ chức (inter-organizational guanxi) được xây dựng dựa trên sự mở rộng các mối quan hệ cá nhân. Thiết lập mạng lưới liên tổ chức được coi như một phương thức để đạt được lợi thế cạnh tranh, nhờ cơ hội học hỏi chia sẻ, chuyển giao thông tin và trao đổi nguồn lực. Batt và Purchase (2004) cho rằng sự


hợp tác trong các mạng lưới cần sự trao đổi và phụ thuộc lẫn nhau. Các thành viên của một mạng lưới không hoạt động một cách riêng rẽ, sự hợp tác trong mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ khác trong mạng lưới. Vì vậy, mỗi thành viên phải có khả năng kiểm soát tính phức tạp, chồng chéo của mối quan hệ nội bộ lẫn bên ngoài. Các doanh nghiệp ở Trung Quốc thường sử dụng mối quan hệ cá nhân để quản lý sự phụ thuộc với các tổ chức khác và để giảm thiểu những nhược điểm về cơ cấu, thể chế và các mối đe dọa khác ngoài kinh doanh.

Theo nghiên cứu của Yeung và Tung (1996), “85% các nhà quản lý ở Trung Quốc đều cho rằng niềm tin là một trong những điều kiện để xây dựng mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ cá nhân sẽ không thể tồn tại được nếu không có niềm tin”. Vì vậy, trong luận án này, tác giả làm rõ khái niệm mối quan hệ cá nhân dựa trên các nghiên cứu của Xin và Pearce, (1996); Lovett và cộng sự, (1999); Park và Luo, (2001), một mặt nhằm đánh giá ảnh hưởng của mối quan hệ cá nhân đến MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đồng thời làm rõ mức độ tác động của mối quan hệ cá nhân đến từng thành phần (sự chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và tích hợp hệ thống khuyến thưởng) của MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp.

2.5.6. Chính sách định hướng khách hàng

Trong môi trường kinh doanh ngày nay, chính sách định hướng khách hàng vượt trội là một trong những phương thức giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh. Chính sách định hướng khách hàng liên quan đến hoạt động nghiên cứu nhu cầu, mong muốn khách hàng và tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng. Theo nghĩa rộng, chính sách định hướng khách hàng được coi như một triết lý kinh doanh dựa trên sự thừa nhận vai trò thiết yếu của hoạt động marketing để xác định các khách hàng mục tiêu và hiểu được các nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, chính sách định hướng khách hàng, liên quan đến văn hóa doanh nghiệp, nhằm đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng, và đạt được mục tiêu kinh doanh của tổ chức (Liu và cộng sự, 2003). Để thực hiện được mục đích trên, doanh nghiệp cần quản lý thông tin về nhu cầu của thị trường, năng lực của đối thủ cạnh tranh và các tác động của môi trường kinh doanh (Narver và Slater, 1990).

Trên quan điểm quản lý, chính sách định hướng khách hàng là cách thức thu thập thông tin về nhu cầu hiện tại, xu hướng trong tương lai và sở thích của khách hàng để phân phối thông tin đến các bộ phận trong tổ chức. Qua đó, nhà quản lý có thể phân bổ nguồn lực để phản ứng kịp thời với những thay đổi của thị trường (Kohli và Jaworski, 1990). Hay nói cách khác, chính sách định hướng khách hàng được hiểu như một loại hình văn hóa doanh nghiệp với mục tiêu tập trung vào việc tìm hiểu nhu cầu


của khách hàng và liên tục tạo ra giá trị khách hàng. Nếu doanh nghiệp có chính sách định hướng khách hàng đúng đắn thì nó có thể chủ động hơn trong việc tìm kiếm các thông tin về yêu cầu của khách hàng và cố gắng để đáp ứng khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ độc đáo và sáng tạo (Flint và cộng sự, 2005). Hơn nữa, chính sách định hướng khách hàng không chỉ liên quan đến từng bộ phận đơn lẻ trong doanh nghiệp mà đây còn là “sự liên kết, phối hợp giữa các nguồn lực của doanh nghiệp với mục tiêu tạo ra giá trị vượt trội cho khách hàng (Narver and Slater, 1990)”. Zhou và cộng sự (2009) lập luận rằng, để thích nghi với sự biến động của thị trường thì sự phối hợp nhất quán giữa các bộ phận trong doanh nghiệp là điều kiện cần, trong khi điều kiện đủ là chính sách định hướng khách hàng phản ánh đúng nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Hơn nữa, chính sách định hướng khách hàng quyết định sự thành công của chiến lược dựa vào thị trường. Như vậy, chính sách định hướng khách hàng đóng một vai trò cơ bản trong quản trị doanh nghiệp và nó phản ánh định hướng, chiến lược của doanh nghiệp (Min và cộng sự, 2007).

Một số nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra tầm quan trọng của chính sách định hướng khách hàng trong quản trị chuỗi cung ứng (Min và cộng sự, 2007). Green và cộng sự, (2006) cho rằng chính sách định hướng khách hàng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty bằng cách ảnh hưởng đến quá trình quản lý chuỗi cung ứng. Tương tự như vậy, Min và cộng sự, (2007) cũng cho rằng chính sách định hướng khách hàng là nền tảng cho việc quản lý chuỗi cung ứng, và có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của công ty. Hơn nữa, chính sách định hướng khách hàng còn thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng bởi vì chính sách định hướng khách hàng không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận các luồng thông tin một cách dễ dàng hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối và đơn giản hóa các quy trình kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, trong luận án này, tác giả làm rõ khái niệm chính sách định hướng khách hàng dựa vào nghiên cứu của Lukas và Ferrell (2000), một mặt nhằm đánh giá ảnh hưởng của chính sách định hướng khách hàng đến MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đồng thời làm rõ mức độ tác động của chính sách định hướng khách hàng đến từng thành phần (sự chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và tích hợp hệ thống khuyến thưởng) của MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp.

2.5.7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi

Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã có ảnh hưởng đáng kể đến cách thức quản trị chuỗi cung ứng. Ngày nay, với các ứng dụng liên quan đến hệ thống mạng dữ liệu tốc độ cao và cơ sở dữ liệu, các công ty quản lý chuỗi cung ứng một cách toàn diện,


đảm bảo việc truyền tải và chia sẻ thông tin phục vụ quá trình ra quyết định một cách đồng bộ. Bên trong doanh nghiệp, CNTT đóng vai trò như một cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc kết nối các hoạt động cung ứng đầu vào và đầu ra.

Các CTLH có thể sử dụng CNTT để hỗ trợ cho hoạt động quản trị chiến lược của doanh nghiệp cũng như quản lý các luồng thông tin bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, và kết nối thông tin tới khách hàng nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức (Buhalis, 2003). Ứng dụng CNTT giúp nâng cao năng lực của các CTLH trong việc quản lý các nguồn lực, kết nối thông tin với khách hàng và phối hợp hoạt động với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (Zhang và cộng sự, 2009).

Zhang và cộng sự (2009) cho rằng CNTT được xem như một phương tiện hiệu quả nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi. Bởi vì CNTT cho phép các nhà cung cấp dịch vụ du lịch như các hãng hàng không và các khách sạn dễ dàng theo dõi, quản lý và kiểm soát năng lực của mình thông qua việc truyền đạt thông tin với các bên trung gian như các CTLH, các đại lý lữ hành và khách du lịch. Chẳng hạn, các CTLH được quyền truy cập vào mạng nội bộ của một chuỗi khách sạn để cập nhật mức giá phòng và loại phòng trống dành cho khách du lịch. Thông tin minh bạch và khả năng truyền đạt thông tin giữa các đối tác không chỉ làm giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp tăng tính linh hoạt đồng thời nâng cao hiệu quả cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tham gia hợp tác trong chuỗi cung ứng du lịch.

CNTT còn là cách thức để giúp các doanh nghiệp quản lý được các MQHHT trong chuỗi. Thông qua lượng lớn dữ liệu được xử lý trong chuỗi cung ứng, hệ thống giúp doanh nghiệp phát hiện những thay đổi từ môi trường, để từ đó đưa ra những cách thức quản lý phù hợp (Sambamurthy và cộng sự, 2003;). Để thích nghi với những thay đổi, các công ty cần thiết lập quan hệ với các nhà cung cấp trong quá trình lập kế hoạch và phối hợp hành động trong chuỗi cung ứng. Nhờ ứng dụng CNTT, các luồng thông tin sẽ được xử lý, luân chuyển, phổ biến một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác trong toàn bộ chuỗi cung ứng (Christopher, 2000).

Sự phổ biến của Internet và công nghệ mạng đã cải thiện đáng kể sự hợp tác và liên kết giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng. Theo lý thuyết chi phí giao dịch của Williamson (1985), sự hợp tác bị giới hạn bởi chi phí giao dịch liên quan đến quản lý mối quan hệ tương tác giữa các bên. Ứng dụng CNTT giúp các đối tác phối hợp tốt hơn, giảm chi phí và rủi ro trong giao dịch (Sanders, 2007). CNTT cho phép các khách hàng và các nhà cung cấp liên kết với nhau trong quá trình lập kế hoạch dự báo về nhu cầu khách hàng, lập kế hoạch đặt hàng, và quản lý mối quan hệ khách hàng. Trên cơ


sở dữ liệu và thông tin về nhu cầu của khách hàng, CNTT thúc đẩy quá trình ra quyết định và tăng cường sự hợp tác. Wu và cộng sự, (2011) đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp thường sử dụng CNTT để xử lý các đơn hàng, báo cáo bán hàng, số liệu về doanh thu, lợi nhuận, và kế hoạch cung ứng với các đối tác. Nyaga và cộng sự, (2010) cũng cho rằng, qua sự chia sẻ thông tin, nỗ lực và đầu tư thiết lập các mối quan hệ sẽ dẫn đến niềm tin và sự cam kết giữa các bên.

Việc áp dụng CNTT có ý nghĩa quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng. Một hệ thống CNTT tích hợp là một trong những điều kiện cần để công ty kết nối với khách hàng, nhà cung cấp và kênh phân phối. Theo Fawcett và cộng sự, (2009) việc ứng dụng CNTT để thu thập, xử lý và phổ biến các thông tin giúp tăng hiệu quả hoạt động của chuỗi. Ngoài ra, Internet đã thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp và khách hàng, mang lại những lợi ích cụ thể như thời gian giao hàng nhanh hơn, giảm chi phí giao dịch, và gia tăng doanh thu (Frohlich, 2002). Trong nghiên cứu mình, Sanders & Premus, (2005) cho rằng CNTT có tương quan thuận chiều với sự hợp tác nội bộ và bên ngoài doanh nghiệp.

Áp dụng CNTT cho phép tăng khả năng truyền đạt thông tin và phối hợp hoạt động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính linh hoạt và tăng khả năng phản ứng với những biến động của thị trường và cải thiện dịch vụ khách hàng (Lee và cộng sự, 2001). Vì vậy, trong luận án này, tác giả tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của việc ứng dụng CNTT đến các luồng thông tin được chia sẻ và hiệu quả phối hợp kế hoạch hoạt động giữa các nhà cung cấp. Vì vậy, trong luận án này, tác giả làm rõ khái niệm ứng dụng CNTT trong chuỗi dựa trên nghiên cứu của DeGroote (2011), một mặt nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc ứng dụng CNTT đến MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đồng thời làm rõ mức độ tác động của ứng dụng CNTT đến các thành phần (sự chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và tích hợp hệ thống khuyến thưởng) của MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp.

2.5.8. Văn hóa hợp tác trong chuỗi

Yunus và Tadisina (2010) cho rằng “văn hóa hợp tác có ảnh hưởng lớn đến mức độ liên kết và hợp tác giữa một công ty và các đối tác trong chuỗi cung ứng”. Do đó, văn hóa hợp tác có thể đóng vai trò như một yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở quá trình hợp tác. Flynn và cộng sự, (2010) nhận thấy rằng rằng sự hợp tác trong chuỗi cung ứng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa hợp tác và chính sự liên kết, hợp tác này tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.


Detert và cộng sự (2000) cũng cho rằng văn hóa hợp tác là yếu tố góp phần giúp doanh nghiệp thích ứng với những biến động của môi trường kinh doanh. Fang and Kriz (2000) cho rằng trong văn hóa hợp tác cần xét đến vai trò của mối quan hệ cá nhân giữa nhà sản xuất, các nhà cung cấp và các nhà phân phối. Hơn nữa, Fang and Kriz (2000) đã chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến sự khác biệt văn hóa trong các mối quan hệ và mạng lưới các mối quan hệ của mình.

Theo Yunus và Tadisina (2010), “văn hóa hợp tác liên quan đến các năng lực cụ thể, sự nhất quán và nhận thức của doanh nghiệp trong quá trình hợp tác nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng”. Văn hóa hợp tác của doanh nghiệp phụ thuộc vào các yếu tố như: cùng hướng đến mục tiêu chung; cùng đưa ra các thỏa thuận về cách thức quản lý nhằm khuyến khích nhân viên tham gia làm việc nhóm, tạo động lực thúc đẩy tinh thần hợp tác; phân chia công việc một cách hợp lý để giảm khối lượng công việc của mỗi bên; niềm tin để đảm bảo tính minh bạch trong truyền đạt thông tin giữa các bên trong chuỗi; biết điểm mạnh, điểm yếu của mỗi bên để có phương thức hợp tác phù hợp; các lợi ích khi hợp tác và cơ hội hợp tác trong tương lai.

Tương tự, Handfield và Bechtel (2002), thừa nhận rằng các doanh nghiệp chỉ tham gia hợp tác khi họ hiểu được các lợi ích tiềm năng. Bởi vì, doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực (nỗ lực, thời gian, chi phí, v.v.) để tìm hiểu đối tác. Do đó, các bên tham gia hợp tác cần phải thiết lập mối quan hệ gắn kết, đồng thời thường xuyên duy trì mối quan hệ đó.

Vì vậy, trong luận án này, tác giả làm rõ khái niệm văn hóa hợp tác trong chuỗi dựa trên các nghiên cứu của Detert và cộng sự, (2000) và Yunus và Tadisina, (2010), một mặt nhằm đánh giá ảnh hưởng của văn hóa hợp tác trong chuỗi đến MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đồng thời làm rõ mức độ tác động của văn hóa hợp tác đến từng thành phần (sự chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quyết định và tích hợp hệ thống khuyến thưởng) của MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp.

2.6. Mô hình và các giả thuyết nghiên cứu

2.6.1. Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu đề xuất được xây dựng dựa trên việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến MQHHT của CTLH với các nhà cung cấp trong CCƯDL, mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến MQHHT, đồng thời xem xét mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố này. Tác giả dựa vào các nghiên cứu của Piboonrungroj và Disney (2009); Simatupang và Sridharan (2002, 2004, 2005); Morgan và Hunt (1994); Nyaga và cộng sự (2010). Kết hợp với kết quả phỏng vấn sâu các chuyên gia – nhà quản lý trong

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/03/2023