Nghiên cứu của các tác giả Sufian và Chong (2008), Athanasoglou và cộng sự (2008) sử dụng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ để đại diện cho rủi ro tín dụng, kết quả của các nghiên cứu này cho thấy mối quan hệ ngược chiều giữa tỷ lệ này với KNSL của ngân hàng. Trong khi, nghiên cứu của Capraru và Ihnatov (2014), Petria và cộng sự (2015) sử dụng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ để đại diện cho rủi ro tín dụng, kết quả cả hai nghiên cứu đều cho thấy tác động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê đối với KNSL của ngân hàng.
Rủi ro thanh khoản
Tính thanh khoản của ngân hàng thương mại là khả năng đáp ứng một cách tức thời nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng và thanh toán các khoản nợ đến hạn theo hợp đồng. Rủi ro thanh khoản liên quan đến khả năng của một ngân hàng để dự báo những thay đổi trong các nguồn tài trợ. Điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của ngân hàng khi đến hạn. Quản lý thanh khoản hiệu quả nhằm đảm bảo rằng, ngay cả trong điều kiện bất lợi, ngân hàng sẽ có đủ các khoản tiền cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thanh toán nợ phải trả và các yêu cầu về vốn đối với các mục đích hoạt động (Alexiou và Sofoklis, 2009).
Một quyết định quan trọng của các nhà quản lý của các ngân hàng thương mại là việc quản lý thanh khoản và đặc biệt là đo lường các nhu cầu của họ liên quan đến quá trình nhận tiền gửi và cho vay (Kosmidou, 2008). Trong nghiên cứu của Pasiouras và Kosmidou (2007), rủi ro thanh khoản được đo lường bằng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi của khách hàng, nếu tỷ lệ này cao có nghĩa là ngân hàng đang đối mặt với rủi ro thanh khoản cao do sử dụng phần lớn nguồn vốn huy động được để cấp tín dụng và ngược lại nếu tỷ lệ này thấp tức ngân hàng có thể đang dự trữ nhiều tài sản thanh khoản với lãi suất thấp làm giảm lợi nhuận. Kết quả của nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cùng chiều của tỷ lệ này với KNSL của ngân hàng. Cũng sử dụng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tiền gửi của khách hàng làm đại diện cho rủi ro thanh khoản nhưng nghiên cứu của Alexiou và Sofoklis (2009),
Perera và cộng sự (2013), Petria và cộng sự (2015) cho thấy mối quan hệ ngược chiều của tỷ lệ này với KNSL của ngân hàng.
Hiệu quả quản lý
Có thể bạn quan tâm!
- Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Nguyễn Xuân Hoàng - 2
- Lợi Nhuận Và Khả Năng Sinh Lời Của Ngân Hàng Thương Mại
- Tóm Tắt Các Nghiên Cứu Trước Đây
- Một Số Đặc Điểm Của Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam Trong Giai Đoạn Nghiên Cứu
- Mức Vốn Pháp Định Áp Dụng Đối Với Từng Loại Hình Tctd
- Khả Năng Sinh Lời Của Các Nhtm Việt Nam Giai Đoạn 2006 – 2017
Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.
Hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến KNSL của ngân hàng. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) là một trong những chỉ tiêu phổ biến đánh giá mức độ hiệu quả quản lý. Tỷ lệ này chịu ảnh hưởng lớn bởi mức độ quản lý hiệu quả của ngân hàng. Khái niệm mức độ quản lý hiệu quả thể hiện khả năng của một ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí trong một tình huống nhất định.
Chi phí hoạt động bao gồm chi phí hành chính, lương trả cho nhân viên, và chi phí tài sản, không bao gồm những thiệt hại do nợ xấu gây ra (Dietrich và Wanzenried, 2011). Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động được sử dụng để đánh giá tác động của hiệu quả trong quản lý chi phí lên hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tỷ lệ này cho thấy chi phí điều hành ngân hàng, yếu tố chính là lương nhân viên và phúc lợi. Tỷ lệ này cao hơn hàm ý quản lý kém hiệu quả hơn, và dự kiến sẽ có mối quan hệ tiêu cực với hiệu quả hoạt động của ngân hàng (Pasiouras và Kosmidou, 2007). Trong các nghiên cứu của Pasiouras và Kosmidou (2007), Sufian và Chong (2008), Alexiou và Sofoklis (2009), Dietrich và Wanzenried (2011), Capraru và Ihnatov (2014), Petria và cộng sự (2015), Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015), yếu tố hiệu quả quản lý được tính bằng tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động, kết quả nghiên cứu đều cho thấy mối quan hệ ngược chiều và có ý nghĩa thống kê của tỷ lệ này với KNSL của ngân hàng.
Mức độ hỗn hợp kinh doanh
Ngoài hoạt động mang tính truyền thống là huy động vốn và cấp tín dụng, ngân hàng còn cung cấp các dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần và các hoạt động khác. Điều này thể hiện sự đa dạng hóa trong hoạt động kinh doanh, từ đó ngân hàng cũng tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Sufian và Chong (2008), Petria và cộng sự (2015) đã sử dụng tỷ lệ thu nhập
ngoài lãi trên tổng tài sản làm biến đại diện để đánh giá tác động của sự đa dạng hóa hay nói cách khác là mức độ hỗn hợp kinh doanh lên KNSL của ngân hàng. Trong nghiên cứu của các tác giả này, thu nhập ngoài lãi được xác định bao gồm hoa hồng, phí dịch vụ, phí bảo lãnh, lợi nhuận ròng từ kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cùng chiều và có ý nghĩa thống kê của tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản đối với KNSL của ngân hàng.
Mức độ tập trung thị trường trong ngành ngân hàng
Mức độ tập trung thị trường là yếu tố đặc trưng của ngành cho biết mức độ cạnh tranh của thị trường là hoàn hảo hay độc quyền cao. Trong các nghiên cứu của Capraru và Ihnatov (2014), Petria và cộng sự (2015), chỉ số Herfindhal-Hirschman (HHI) được sử dụng để đại diện cho mức độ tập trung thị trường. Kết quả nghiên cứu của Petria và cộng sự (2015) cho thấy mối quan hệ ngược chiều và có ý nghĩa thống kê của mức độ tập trung thị trường và KNSL của ngân hàng, trong khi kết quả nghiên cứu của Capraru và Ihnatov (2014) cho thấy mối quan hệ cùng chiều nhưng không có ý nghĩa thống kê.
Tỷ lệ lạm phát
Về mặt kinh tế, lạm phát được định nghĩa là mức tăng của tổng giá cả hàng hóa và dịch vụ của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường là một tháng hay một năm (Arnold, 2013). Perry (1992) cho rằng mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến KNSL của ngân hàng phụ thuộc vào việc lạm phát có được dự báo chính xác hay không. Nếu lạm phạt được dự báo tương đối chính xác và ngân hàng sử dụng thông tin này để thay đổi lãi suất nhanh hơn sự thay đổi của chi phí do lạm phát gây ra thì làm phát tác động cùng chiều đến KNSL của ngân hàng.
Trong các nghiên cứu thực nghiệm của Pasiouras và Kosmidou (2007), Athanasoglou và cộng sự (2008), Capraru và Ihnatov (2014), Nguyễn Phạm Nhã Trúc và Nguyễn Phạm Thiên Thanh (2016), lạm phát có mối quan hệ cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với KNSL của ngân hàng. Nếu ngân hàng điều chỉnh lãi suất
chậm hơn sự thay đổi của chi phí do lạm phát gây ra thì sự gia tăng của doanh thu chậm hơn so với chi phí, do đó lạm phát tác động ngược chiều đến KNSL của ngân hàng. Nghiên cứu thực nghiệm của Sufian và Chong (2008) cho thấy lạm phát có mối quan hệ ngược chiều và có ý nghĩa thống kê với KNSL của ngân hàng.
Tăng trường kinh tế
Khi nền kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp tăng nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhờ đó các ngân hàng gia tăng doanh thu cho vay và doanh thu từ cung cấp dịch vụ dẫn đến gia tăng lợi nhuận. Ngược lại khi nền kinh tế suy thoái dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu từ đó tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Tăng trưởng kinh tế thường được đo lường thông qua sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) trong một năm. Trong các nghiên cứu trước đây, GDP được sử dụng dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như GDP thực, tăng trưởng GDP thực, lnGDP, GDP bình quân đầu người và log GDP bình quân đầu người. Kết quả nghiên cứu của Petria và cộng sự (2015) cho thấy GDP bình quân đầu người có mối quan hệ cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với KNSL của ngân hàng. Mối quan hệ cùng chiều này cũng được tìm thấy trong nghiên cứu của Nguyễn Phạm Nhã Trúc và Nguyễn Phạm Thiên Thanh (2016). Dietrich và Wanzenried (2011), Capraru và Ihnatov (2014) đánh giá tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài lên KNSL của ngân hàng trước và trong thời gian khủng hoảng. Kết quả nghiên cứu của Dietrich và Wanzenried (2011) cho thấy tác động của tăng trưởng GDP thực lên KNSL của ngân hàng là không đáng kể trước khủng hoảng nhưng tác giả không sử dụng biến này trong mô hình ở giai đoạn khủng hoảng. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Capraru và Ihnatov (2014) cho thấy tác động GDP bình quân đầu người lên ROA và ROE không đáng kể trong suốt cuộc khủng hoảng nhưng tích cực và đáng kể lên ROA, và không đáng kể lên ROE trước khủng hoảng. Như vậy, mối quan hệ giữa GDP và lợi nhuận ngân hàng thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường khác nhau.
2.3 Kết luận chương
Trong chương 2, tác giả đã xem xét về các hoạt động chính cũng như lợi nhuận và KNSL của NHTM, xem xét các nghiên cứu trước đây về KNSL của NHTM để từ đó rút ra các yếu tố chính ảnh hưởng đến KNSL. Từ những nghiên cứu trước đây, có thể thấy KNSL của NHTM thường được đại diện bởi tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) hoặc tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hoặc tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE). Các yếu tố ảnh hưởng đến KNSL của NHTM bao gồm đặc điểm ngân hàng, đặc điểm ngành và điều kiện kinh tế vĩ mô.
Những khái niệm cơ bản và các nghiên cứu trước đây về KNSL của NHTM là cơ sở lý thuyết để tác giả xây dựng phương pháp nghiên cứu và kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến KNSL của NHTM tại Việt Nam.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Mô hình hồi quy
Bài nghiên cứu dựa trên mô hình của tác giả Petria và cộng sự (2015) về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại tại 27 nước thuộc liên minh Châu Âu. Trong bài nghiên cứu của nhóm tác giả, yếu tố đại diện cho KNSL là tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE). Các yếu tố ảnh hưởng đến KNSL được chia làm hai nhóm là các yếu tố thuộc đặc điểm của ngân hàng và các yếu tố thuộc đặc điểm ngành và điều kiện kinh tế vĩ mô. Các yếu tố thuộc đặc điểm ngân hàng bao gồm quy mô, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, hiệu quả quản lý và mức độ hỗn hợp kinh doanh. Các yếu tố thuộc đặc điểm ngành và điều kiện kinh tế vĩ mô bao gồm mức độ tập trung ngành, lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Mẫu dữ liệu nghiên cứu bao gồm 1098 ngân hàng tại 27 nước thuộc liên minh Châu Âu trong giai đoạn 2004-2011.
Dựa trên nghiên cứu của Petria và cộng sự (2015), tác giả sử dụng ROAA và ROAE để đại diện cho KNSL của các NHTM Việt Nam. Các yếu tố ảnh hưởng đến KNSL của các NHTM Việt Nam được giữ nguyên như nghiên cứu của Petria và cộng sự (2015), bao gồm yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Trong đó yếu tố bên trong thuộc về đặc điểm của từng ngân hàng bao gồm quy mô, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, rủi ro tín dụng, hiệu quả quản lý, rủi ro thanh khoản và mức độ hỗn hợp kinh doanh; yếu tố bên ngoài bao gồm mức độ tập trung thị trường trong ngành ngân hàng, lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Phương trình ước lượng như sau:
𝛾 = 𝛼 + 𝛽1𝑠𝑖𝑧𝑒 + 𝛽2𝑎𝑑𝑒𝑞𝑢𝑎𝑐𝑦 + 𝛽3𝑐𝑟𝑖𝑠𝑘 + 𝛽4𝑒𝑓𝑓𝑖𝑐𝑖𝑒𝑛𝑐𝑦 + 𝛽5𝑙𝑟𝑖𝑠𝑘 +
𝛽6𝑏𝑢𝑠𝑚𝑖𝑥 + 𝛽7hhi + 𝛽8inflation + 𝛽9𝑔𝑟𝑜𝑤𝑡ℎ + 𝜀
Trong đó:
𝛾 là biến phụ thuộc: ROAA hoặc ROAE.
size là quy mô ngân hàng đo lường bằng logarit (log) của tổng tài sản.
adequacy là mức độ đủ vốn được đo lường bằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản.
crisk là rủi ro tín dụng được đo lường bằng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ tín dụng.
efficiency là hiệu quả quản lý được đo lường bằng tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động.
lrisk là rủi ro thanh khoản được đo lường bằng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số dư tiền gửi của khách hàng.
busmix là mức độ hỗn hợp kinh doanh được đo lường bằng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản bình quân.
hhi là mức độ tập trung thị trường trong ngành ngân hàng được đo lưởng bằng tổng bình phương thị phần của mỗi ngân hàng trong toàn hệ thống.
inflation là tỷ lệ lạm phát được đo lường bằng sự thay đổi (tính theo %) của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo năm.
growth là tốc độ tăng trưởng kinh tế được đo lường bằng sự thay đổi (tính theo %) của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo năm.
𝛼 là hệ số độc lập của phương trình hồi quy.
𝛽𝑖 là hệ số của các biến độc lập, i từ 1 đến 9.
𝜀 là phần dư của phương trình hồi quy.
Chi tiết về cách đo lường các biến như sau:
Biến phụ thuộc: Tác giả sử dụng ROAA, ROAE làm biến phụ thuộc, ROAA được đo lường bằng tỷ số giữa lợi nhuận sau thuế và tổng tài sản bình quân, còn ROAE được đo lường bằng tỷ số giữa lợi nhuận sau thuế và vốn chủ sở hữu bình quân.
Biến size đại diện cho quy mô của ngân hàng, được tính bằng logarit (log) của tổng tài sản của mỗi NHTM. Giá trị của biến này càng lớn thể hiện quy mô của NHTM càng lớn.
Biến adequacy đại diện cho mức độ đủ vốn, được tính bằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của mỗi NHTM. Giá trị của biến này càng cao thì mức độ an toàn vốn của NHTM càng cao và ngược lại.
Biến crisk đại diện cho rủi ro tín dụng, được tính bằng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ tín dụng của mỗi NHTM. Biến này có giá trị càng lớn thì rủi ro tín dụng của NHTM càng lớn và ngược lại.
Biến lrisk đại diện cho rủi ro thanh khoản, được tính bằng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số dư tiền gửi của khách hàng của mỗi NHTM. Giá trị của biến này cao có nghĩa là ngân hàng đang đối mặt với rủi ro thanh khoản cao do sử dụng phần lớn nguồn vốn huy động được để cấp tín dụng và ngược lại nếu giá trị của biến này thấp tức ngân hàng có thể đang dự trữ nhiều tài sản thanh khoản với lãi suất thấp làm giảm lợi nhuận Biến này có giá trị càng lớn thì rủi ro thanh khoản của NHTM càng lớn và ngược lại.
Biến efficiency đại diện cho hiệu quả quản lý, được tính bằng tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động của mỗi NHTM. Biến này có giá trị càng lớn thì hiệu quả quản lý của NHTM càng kém và ngược lại.
Biến busmix đại diện cho mức độ hỗn hợp kinh doanh, được tính bằng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản bình quân của mỗi NHTM. Biến này có giá trị càng lớn thì mức độ hỗn hợp kinh doanh của NHTM càng lớn hay nói cách khác sự đa dạng hóa trong hoạt động kinh doanh của NHTM càng cao.
Biến hhi đại diện cho mức độ tập trung thị trường trong ngành ngân hàng, được tính bằng tổng bình phương thị phần của mỗi ngân hàng trong toàn hệ thống. Dựa theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thế Bính (2016) về tập trung thị trường trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, tác giả xem xét mức độ tập trung thị trường trong ngành ngân hàng trên phương diện tổng tài sản. Theo đó, mức độ tập trung thị trường được tính bằng tổng bình phương của tỷ lệ tổng tài sản của mỗi NHTM trên tổng tài sản của các NHTM trong ngành. Giá trị của biến hhi càng lớn thì mức độ tập trung thị trường càng cao hay càng có xu hướng độc quyền và ngược lại thì thị trường càng cạnh tranh.