TÓM TẮT
Ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây chứng kiến rất nhiều biến cố xảy ra, một trong số đó là tình trạng nợ xấu tăng mạnh, lợi nhuận và khả năng sinh lời giảm sút, khả năng quản trị chưa tốt dẫn đến nhiều ngân hàng hoặc phải tự tái cấu trúc hoặc phải thực hiện sáp nhập để có thể tiếp tục hoạt động. Ngoài những ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế vĩ mô, KNSL của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định quản trị. Do đó nhằm giúp các nhà quản trị ngân hàng có những căn cứ để đưa ra các quyết định tốt hơn để gia tăng KNSL, tác giả đã thực hiện nghiên cứu này. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các yếu tố và chiều ảnh hưởng của chúng đến KNSL của NHTM để từ đó đưa ra giải pháp góp phần nâng cao KNSL. Sử dụng dữ liệu gồm 23 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2006-2017 và thực hiện hồi quy với các mô hình OLS, FEM, REM để xem xét các yếu tố và chiều tác động của chúng đến KNSL. Sau đó, thực hiện các kiểm định lựa chọn mô hình và sử dụng phương pháp Robust standard errors của Driscoll and Kraay’s (1998) để khắc phục các vi phạm giả thuyết hồi quy của mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố rủi ro thanh khoản, mức độ hỗn hợp kinh doanh và lạm phát tác động cùng chiều đến KNSL của NHTM, trong khi các yếu tố hiệu quả quản lý và rủi ro tín dụng tác động ngược chiều. Gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản thì ROAA tăng nhưng lại làm ROAE giảm. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả gợi ý các giải pháp để các nhà quản trị ngân hàng ứng dụng nhằm nâng cao KNSL đó là quản lý thanh khoản hiệu quả, đa dạng hóa hoạt động của NHTM, theo dõi và dự báo lạm phát, nâng cao chất lượng các khoản cấp tín dụng, tăng cường quản lý chi phí và cân nhắc việc tăng vốn chủ sở hữu. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nghiên cứu của tác giả còn tồn tại một số hạn chế đó là chưa xem xét tác động của khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng của loại hình sở hữu ngân hàng đến KNSL của NHTM.
Từ khóa: Ngân hàng thương mại Việt Nam, khả năng sinh lời, các yếu tố ảnh hưởng.
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU
1.1 Lý do chọn đề tài
Ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây chứng kiến rất nhiều biến cố xảy ra, một trong số đó là tình trạng nợ xấu tăng mạnh, khả năng quản trị chưa tốt dẫn đến nhiều ngân hàng hoặc phải tự tái cấu trúc hoặc phải thực hiện sáp nhập để có thể tiếp tục hoạt động. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt buộc các ngân hàng phải tăng cường đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao năng lực quản trị. Đặc biệt tình trạng nợ xấu tăng mạnh dẫn đến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, do đó đã làm bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng rất nhiều, trong khi lợi nhuận là một trong những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngoài những ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế vĩ mô, lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định quản trị. Do đó nhằm giúp các nhà quản trị ngân hàng có những căn cứ để đưa ra các quyết định tốt hơn, đem lại kết quả lợi nhuận cao hơn với mục tiêu tối đa hóa giá trị của ngân hàng tôi đã chọn đề tài “Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Khả Năng Sinh Lời Của Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam” để nghiên cứu.
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát của đề tài này là nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam, các mục tiêu cụ thể như sau:
Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của NHTM.
Xác định chiều ảnh hưởng của các yếu tố đó đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.
Gợi ý các giải pháp nhằm góp phần nâng cao khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.
1.3 Câu hỏi nghiên cứu
Để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu trên, tác giả đi tìm câu trả lời cụ thể cho các câu hỏi nghiên cứu sau:
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các NHTM?
Chiều ảnh hưởng của các yếu tố đó đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam như thế nào?
Giải pháp nào góp phần nâng cao khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam?
1.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu thực hiện phân tích trên 23 NHTM Việt Nam, chi tiết được trình bày trong bảng 1.1, đây là các NHTM có công bố đủ báo cáo tài chính hàng năm trong suốt cả giai đoạn nghiên cứu từ 2006 đến 2017.
Bảng 1.1: Các NHTM Việt Nam trong phạm vi nghiên cứu của đề tài
Tên ngân hàng | |
1 | Ngân Hàng TMCP Á Châu |
2 | Ngân Hàng TMCP An Bình |
3 | Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam |
4 | Ngân Hàng TMCP Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam |
5 | Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á |
6 | Ngân Hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam |
7 | Ngân Hàng TMCP Kiên Long |
8 | Ngân Hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam |
9 | Ngân Hàng TMCP Nam Á |
10 | Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam |
11 | Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam |
12 | Ngân Hàng TMCP Phát Triển TPHCM |
13 | Ngân Hàng TMCP Phương Đông |
Có thể bạn quan tâm!
- Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Nguyễn Xuân Hoàng - 1
- Lợi Nhuận Và Khả Năng Sinh Lời Của Ngân Hàng Thương Mại
- Tóm Tắt Các Nghiên Cứu Trước Đây
- Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam - Nguyễn Xuân Hoàng - 5
Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.
Tên ngân hàng | |
14 | Ngân Hàng TMCP Quân Đội |
15 | Ngân Hàng TMCP Quốc Dân |
16 | Ngân Hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam |
17 | Ngân Hàng TMCP Sài Gòn |
18 | Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Công Thương |
19 | Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín |
20 | Ngân Hàng TMCP Việt Á |
21 | Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng |
22 | Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex |
23 | Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu VN |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
1.5 Phương pháp nghiên cứu
Để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các NHTM, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phương pháp nghiên cứu định lượng. Phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm việc trình bày lý thuyết và hệ thống lại các nghiên cứu trước đây về chủ đề nghiên cứu, phân tích thực trạng khả năng sinh lời của NHTM Việt Nam cũng như thực trạng của các yếu tố ảnh hưởng đến nó, thực hiện các so sánh qua từng thời kỳ để thấy được các biến động của mỗi yếu tố. Phương pháp nghiên cứu định lượng bao gồm thống kê mô tả, xem xét tương quan giữa các biến trong mô hình để có được tổng quan về mẫu dữ liệu nghiên cứu, thực hiện hồi quy với các mô hình bình phương bé nhất (OLS), mô hình tác động cố định (FEM), mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) để xem xét các yếu tố và chiều tác động của chúng đến khả năng sinh lời của NHTM. Tiếp đến sử dụng các kiểm định lựa chọn mô hình và sử dụng phương pháp Robust standard errors của Driscoll and Kraay’s (1998) để khắc phục các vi phạm giả thuyết hồi quy của mô hình gồm phương sai sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan để chọn được mô hình tốt nhất.
1.6 Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu
Đã có nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của NHTM ở nước ngoài và trong nước, đây không phải là chủ đề mới ở Việt Nam. Tuy nhiên nghiên cứu của tác giả bổ sung thêm yếu tố đặc điểm ngành ngân hàng thể hiện mức độ tập trung của ngành trong các yếu tố bên ngoài tác động đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam và sử dụng dữ liệu được cập nhật tới thời điểm gần nhất là năm 2017. Với mục tiêu kiểm định lại những kết quả nghiên cứu trước đây dựa trên mẫu dữ liệu cập nhật mới nhất tính tới thời điểm thực hiện nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra các yếu tố và chiều tác động của chúng đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu góp phần giúp các nhà quản trị ngân hàng có những căn cứ để đưa ra các quyết định tốt hơn nhằm gia tăng khả năng sinh lời và thực hiện mục tiêu tối đa hóa giá trị của ngân hàng.
1.7 Kết cấu đề tài
Nội dung bài nghiên cứu bao gồm 5 chương như sau:
Chương 1: Giới thiệu
Chương 2: Cơ sở lý thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Chương 4: Nội dung và kết quả nghiên cứu
Chương 5: Kết luận
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỜI CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.1 Các khái niệm cơ bản
2.1.1 Giới thiệu về ngân hàng thương mại
Theo Luật các TCTD ban hành ngày 16/06/2010, ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu lợi nhuận. Trong đó:
Các hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ: nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản
Các hoạt động kinh doanh khác gồm: vay vốn của Ngân hàng Nhà nước, vay vốn của các TCTD, tổ chức tài chính, mở tài khoản (tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán), tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán, góp vốn mua cổ phần, tham gia thị trường tiền tệ, kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh, nghiệp vụ ủy thác và đại lý, và các hoạt động kinh doanh khác của NHTM.
NHTM là định chế trung gian tài chính huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế và cung ứng cho các chủ thể có nhu cầu về vốn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa NHTM với các loại hình doanh nghiệp khác chính là tỷ lệ đòn bẩy tài chính duy trì ở mức rất cao. Trong cơ cấu tổng tài sản nợ của NHTM, nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế, dân cư và TCTD chiếm tỷ trọng rất cao.
Ngoài ra, ngành ngân hàng chịu ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách điều hành tiền tệ của NHNN. Kế hoạch tăng trưởng hoạt động kinh doanh về huy động – cho vay, hay kế hoạch tăng vốn của ngân hàng gắn liền một cách mật thiết với mục tiêu chính sách quản lý nền kinh tế của NHNN. Điều này xuất phát từ nguyên nhân sản phẩm kinh doanh của ngành ngân hàng chính là “tiền tệ”.
2.1.2 Các hoạt động chính của ngân hàng thương mại
Hoạt động huy động vốn:
Một trong những chức năng chính của NHTM là huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế. NHTM thực hiện chức năng này thông qua việc nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác, cũng như nhận vốn từ kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài. Ngoài ra NHTM còn có thể vay vốn từ các TCTD và NHNN.
Trong tổng nguồn vốn huy động của NHTM, nguồn huy động tiền gửi từ khách hàng là tổ chức kinh tế, cá nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hoạt động nhận tiền gửi không chỉ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế mà cho cả ngân hàng. Thông qua hoạt động này, các tổ chức kinh tế và cá nhân có thể gửi các khoản tiền nhàn rỗi với mức độ an toàn khá cao mà vẫn có thể sinh lời, trong khi ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn này để tài trợ cho hoạt động cấp tín dụng và thu được lợi nhuận thông qua chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và đầu vào.
Hoạt động cấp tín dụng:
Sau khi nhận vốn nguồn vốn từ nền kinh tế, phần lớn nguồn vốn được NHTM sử dụng để thực hiện cấp tín dụng cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vay vốn. Các hoạt động cấp tín dụng của NHTM bao gồm: cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh ngân hàng, phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán trong nước, bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế, các hình thức cấp tín dụng khác.
Dư nợ tín dụng chiếm tỷ trọng khá cao trong danh mục tài sản có của ngành ngân hàng. Đây là khoản mục sử dụng nguồn vốn lớn nhất trên bảng cân đối kế toán và cũng là hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho ngành ngân hàng.
Hoạt động đầu tư:
Hoạt động đầu tư chiếm vị trí thứ hai trong danh mục tài sản có của ngành ngân hàng. Các ngân hàng sử dụng nguồn vốn để đầu tư các tài sản tài chính như:
trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, giấy tờ có giá của các TCTD, hoặc có thể góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật TCTD năm 2010 cũng đã đưa ra những quy định khắt khe hơn đối với hoạt động mua bán cổ phiếu. Các TCTD bắt buộc phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến nghiệp vụ mua bán cổ phiếu, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, cho thuê tài chính và bảo hiểm. Ngoài ra, việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết phải được sự chấp thuận của NHNN. Động thái này của NHNN nhằm thắt chặt hoạt động ngoài ngành, nhằm mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng trước những biến động của thị trường chứng khoán, đồng thời định hướng nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng tập trung vào mảng tín dụng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối
Ngoài nghiệp vụ cấp tín dụng, đầu tư, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng là một trong những mảng kinh doanh quan trọng của ngành ngân hàng. Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do. Hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng có những chuyển biến tích cực. Từ đó nhu cầu mua bán ngoại tệ trong nền kinh tế cũng gia tăng đáng kể. Nếu như trước đây hoạt động kinh doanh ngoại hối chủ yếu tập trung ở các NHTM quốc doanh, thì nay một số NHTMCP đã và đang bắt đầu giành thị phần cho mình. Bên cạnh những nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối truyền thống, các sản phẩm phái sinh tiền tệ đang được các ngân hàng từng bước tiếp cận và triển khai nhằm phục vụ nhu cầu quản lý rủi ro của khách hàng trước những biến động về tỷ giá và lãi suất của thị trường.
Hoạt động cung ứng dịch vụ:
Bên cạnh các hoạt động tín dụng, đầu tư có rủi ro cao, các ngân hàng luôn tìm cách đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Các ngân hàng tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong nước và quốc tế nhằm đáp