Nguyên Tắc Dân Chủ Và Nguyên Tắc Quân Chủ Chuyên Chế


“Lấy trộm ấn của vua và những đồ ngự dụng xe kiệu của nhà vua, thì xử chém; điển sản tịch thu sung công” [33].

Đối với các hành vi xâm phạm sở hữu khác, luật sẽ quy định những mức hình phạt khác nhau căn cứ vào chủ thể phạm tội, nhân thân người phạm tội, hoặc hoàn cảnh phạm tội… Việc quy định này đã hạn chế được sự lạm quyền, tùy tiện tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội của quan xử án.

Việc quyết định hình phạt trong Quốc triều hình luật không chỉ được căn cứ vào hành vi khách quan của tội phạm mà còn căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội cũng như nhân thân của người phạm tội.

Nguyên tắc nổi bật trong quyết định hình phạt của Quốc triều hình luật là nguyên tắc chiếu cố theo địa vị xã hội. Đó là quy định tại Điều 3 Quốc triều hình luật quy định tám hạng người được nghị xét giảm tội (bát nghị), gồm: Nghị thân: là họ tôn thất từ hàng đản miếu (họ hàng nhà vua trong 5 thế hệ) trở lên, họ hoàng thái hậu từ hàng phải để tang ti ma (hạng để tang 3 tháng), họ hoàng thái hậu từ tiểu công (hạng để tang 5 tháng trở lên); nghị cố: là những người cố cựu (chỉ những người cũ, đã theo giúp vua lâu ngày hoặc những người giúp vua từ triều trước); nghị hiền: là những người có đức hạnh lớn; nghị năng: là những người có tài năng lớn; nghị công: là những người có công huân lớn; nghị quý: là những quan viên có chức từ tam phẩm trở lên, những quan viên tản chức (chức quan nhàn tản, như chức học quan, hàn lâm) có tước từ nhị phẩm trở lên; nghị cần: là những người cần cù, chăm chỉ; nghị tân: là con cháu các triều vua trước.

Nội dung nghị giảm được quy định cụ thể ở các điều 4, 5, 8 và 10. Theo đó, những người thuộc diện Bát nghị, trừ trường hợp phạm tội thập ác, còn nếu phạm vào tội tử thì các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử thế nào, làm thành bản tấu dâng lên vua quyết định, nếu phạm tội lưu trở xuống


thì được giảm một bậc, những người thuộc nghị thân được miễn tội đánh roi, đánh trượng, thích chữ vào mặt (riêng họ hoàng hậu thì phải dùng tiền để chuộc). Nếu người phạm tội mà được hưởng nhiều bậc nghị giảm thì chỉ được giảm theo bậc nhiều nhất chứ không được giảm cả.

Pháp luật hình sự phong kiến nói chung và nhà Lê nói riêng đều bảo vệ tầng lớp địa chủ phong kiến, quý tộc, đối với các giai cấp dưới khi phạm tội thường bị chế tài hình sự nặng hơn tầng lớp trên. Điều đó chứng tỏ rằng, dù có nhiều điểm tiến bộ so với các bộ luật trước đó, Quốc triều hình luật vẫn thể hiện sâu sắc bản chất của pháp luật phong kiến – pháp luật phong kiến được tạo ra trước tiên để bảo vệ quyền lợi của vua, của hoàng tộc và của giai cấp địa chủ, quý tộc phong kiến.

Ngoài ra, việc quyết định hình phạt trong Quốc triều hình luật còn được xem xét đến các yếu tố khác như độ tuổi của người phạm tội (điều 16 Quốc triều hình luật), hiệu lực của bộ luật (điều 17 Quốc triều hình luật), giới tính của người phạm tội (điều 680 Quốc triều hình luật)…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 85 trang tài liệu này.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Các tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật trong sự so sánh với Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 - 5

1. Bộ luật hình sự của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 đã sửa đổi một cách toàn diện, thể hiện chính sách hình sự mới của Nhà nước ta đối với tội phạm nói chung và nhóm tội xâm phạm sở hữu nói riêng so với BLHS năm 1985. Điểm nổi bật nhất về mặt hình thức của BLHS năm 1999 so với BLHS năm 1985 là BLHS năm 1999 đã nhập hai chương IV và VI của Bộ luật hình sự năm 1985 và thành một chương (chương XIV) – Các tội xâm phạm sở hữu. Việc quy định các tội xâm phạm sở hữu XHCN và sở hữu riêng của công dân vào một chương với những khung hình phạt giống nhau phù hợp với chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2. Các tội xâm phạm sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cơ quan, tổ chức và của công dân. Chương XIV BLHS về các tội xâm phạm sở hữu đã quy định rất rõ ràng quan hệ xã hội được bảo vệ trước tiên trong chương này là quan hệ sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu hợp pháp; các hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu hầu hết được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý nhằm gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu và thiệt hại về tài sản đó trong nhiều tội danh là thước đo để đánh giá người có hành vi vi phạm đã có thể bị truy cứu TNHS về tội danh đó hay chưa.

3. Quốc triều hình luật ra đời trong triều đại nhà Hậu Lê (sơ kỳ) – thời kỳ đất nước ta đạt đến đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền. Bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, kỹ thuật pháp lý hoàn thiện hơn so với các bộ luật cùng thời, có những điểm tiếp cận gần với kỹ thuật pháp


lý hiện đại. Quốc triều hình luật gồm 722 điều luật, chia làm 6 quyển, trong đó quy định về hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân, gia đình; về tố tụng và cả về những quy định luật hành chính (một số quy định về tội phạm công chức và quân nhân); về hội hôn và điền sản. Pháp luật hình sự Việt Nam thời nhà Lê là một bộ luật tầm cỡ trong nền pháp luật cổ phương Đông.

4. Nhóm tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật được quy định chủ yếu trong chương Đạo tặc; ngoài ra còn được thể hiện trong các quy định chung thuộc chương Danh Lệ và một số tội danh thuộc chương Trá ngụy, chương Tạp luật. Do nhóm tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Quốc triều hình luật đơn thuần chỉ là hành vi lấy tài sản của người khác, nên số tội danh thuộc nhóm này trong Quốc triều hình luật không đa dạng, cụ thể như pháp luật hình sự hiện đại. Tất cả các tội danh có xu hướng bị đồng nhất thành tội trộm cắp tài sản.

5. Trong Quốc triều hình luật, dù không có quy định ghi nhận đảm bảo quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu nhưng thông qua các tội danh cụ thể được quy định trong nhóm tội xâm phạm sở hữu cho thấy nhà làm luật lúc bấy giờ đã đánh giá và sắp xếp tính chất và mức độ nguy hiểm của nhóm tội này chỉ thấp hơn các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người và những hình phạt của người có hành vi thuộc nhóm tội này rất hà khắc, nặng nề.

6. Điểm nổi bật của Quốc triều hình luật là luật thể hiện bản chất của pháp luật phong kiến – được xây dựng và áp dụng trước tiên nhằm bảo vệ quyền lợi của vua chúa, các bậc hoàng thân quốc thích, giai cấp địa chủ phong kiến (trường hợp thuộc bát nghị). Ngoài ra không thể phủ nhận các chính sách nhân đạo của Quốc triều hình luật cũng được quy định rất cụ thể: độ tuổi được giảm nhẹ TNHS trong Quốc triều hình luật.


Chương 2

SO SÁNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 1999 VÀ CÁC QUY ĐỊNH TƯƠNG ỨNG TRONG QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT


2.1. Chính sách hình sự

Nghiên cứu nhóm tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật và nhóm tội này trong Bộ luật hình sự năm 1999, có thể rút ra được một số điểm chung và điểm khác biệt về chính sách hình sự của mỗi bộ luật thể hiện qua

các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự. Cụ thể như sau:

2.1.1. Nguyên tắc dân chủ và nguyên tắc quân chủ chuyên chế

Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự Việt Nam 1999 quy định: "Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội."

Nguyên tắc này được thể hiện cụ thể trong nhóm tội xâm phạm sở hữu như sau:

Luật hình sự tôn trọng và bảo vệ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của mọi công dân Việt Nam. Mọi hành vi xâm phạm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt về tài sản của công dân thuộc bất kỳ dân tộc nào, địa vị xã hội nào, giới tính, tín ngưỡng nào, độ tuổi nào đều bị nghiêm trị theo pháp luật hình sự Việt Nam. Như vậy, mọi công dân Việt Nam đều được Luật hình sự bảo vệ lợi ích chính đáng của mình như nhau, điều đó thể hiện tính dân chủ và bình đẳng xã hội chủ nghĩa.

Mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính đều được Luật hình sự Việt Nam đối xử công bằng như nhau, không miễn trừ cho ai, cho ai được hưởng quyền ưu đãi ngoại lệ.


Luật hình sự Việt Nam có hiệu lực thi hành trên toàn phạm vi lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt vùng miền, mọi người phạm tội như nhau đều bị xử lý như nhau, phạm tội nào đều bị xử lý về tội đó, chiểu theo hình phạt của tội đó để áp dụng với người thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, nguyên tắc dân chủ có ý nghĩa bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mọi công dân. Nguyên tắc này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính bởi tính ưu việt này của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 hoàn toàn không tồn tại nguyên tắc quân chủ chuyên chế (chỉ tồn tại trong xã hội phong kiến Việt Nam). Cũng bởi không có tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, Quốc triều hình luật thể hiện sâu sắc nguyên tắc quân chủ chuyên chế và hoàn toàn không có bất cứ nội dung nào thể hiện được nguyên tắc dân chủ. Biểu hiện:

Pháp luật nhà Lê chủ yếu tồn tại dưới dạng hình luật. Duy trì và bảo vệ chế độ quân chủ chuyên chế là nhiệm vụ quan trọng của hình luật nhà Lê. Đặc điểm cơ bản của chế độ quân chủ chuyên chế là sự tập trung quyền lực vào nhà vua. Tuy nhiệm vụ đó không được thể hiện cụ thể trong điều khoản nào của Quốc triều hình luật nhưng các quy định về tội phạm và hình phạt đã phản ánh điều đó. Thông qua các quy định rất cụ thể về các âm mưu và hành vi phạm tội cũng như các hình phạt tàn khốc tương ứng, Quốc triều hình luật đã trở thành công cụ hữu hiệu để trừng trị triệt để những người xâm phạm đến chế độ phong kiến, đến vương quyền, đặc biệt là sự an toàn và lợi ích của triều đại, của bản thân nhà vua và của các quan chức cao cấp cùng họ hàng thân thuộc của họ. Ví dụ: Những hành vi nhằm chống lại nhà nước phong kiến, nhằm đe dọa hoặc xâm phạm đến tính mạng, tài sản và các quyền lợi khác của nhà vua, của các quan tại chức được coi là những tội nặng nhất trong


các tội thập ác hoặc thuộc tội thập ác. Đó là ba tội đầu tiên của tội thập ác: Tội mưu phản, mưu đại nghịch, mưu chống đối, tội thứ sáu: Đại bất kính và tội thứ bảy: Bất nghĩa. Cũng ngay trong chương này, tại điều 3, Quốc triều hình luật đã quy định chính sách hình sự đặc biệt (giảm nhẹ) cho 8 hạng người có đặc quyền đặc lợi của triều đại nhà Lê. Trong đó, được kể đến trước tiên là những người thuộc gia đình hoàng tộc, những kẻ kề cận bên vua giúp việc lâu ngày và cả những người giúp việc của các triều đại trước. Thuộc về tám hạng người này đương nhiên còn được kể đến những quan chức và cả con cháu các triều vua trước. Theo điều luật này, nếu những kẻ trên phạm tội bị xử tử hình thì cơ quan nghị án không được quyết định xử tử hình mà phải trình lên nhà vua để vua xem xét và quyết định. Nếu họ phạm vào các tội bị xử hình phạt nhẹ hơn thì đều được giảm tội theo quy định. Quy định này đã thể hiện sự tập trung quyền lực cao nhất vào nhà vua, không chỉ quyền lập pháp mà ngay cả quyền tư pháp cao nhất, cũng như sự tập trung đặc quyền đặc lợi vào hoàng tộc, những người kề cận nhà vua và các quan chức cao cấp.

2.1.2. Nguyên tắc pháp chế


Trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, nguyên tắc này yêu cầu sự triệt để tuân thủ pháp luật từ phía Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân. Trong lĩnh vực luật hình sự, nguyên tắc pháp chế được coi là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt toàn bộ hoạt động xây dựng cũng như áp dụng luật hình sự, nguyên tắc này yêu cầu: đối với cơ quan lập pháp: Việc quy định tội mới, sửa đổi, bổ sung tội phạm hay hủy bỏ tội phạm phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Những hành vi phạm tội và chịu hình phạt phải được luật hình sự quy định. Nhà nước không chấp nhận bản án hình sự về tội không được quy định trong luật hình sự hiện hành; việc xét xử hình sự phải đúng người, đúng tội. Không hành vi phạm tội nào không bị xử lí theo luật hình sự,


không được xử oan người vô tội. Hình phạt mà tòa tuyên án phải phù hợp với các quy định trong luật hình sự. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi sự chính xác và thống nhất trong việc áp dụng luật hình sự. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử khi tiến hành các hoạt động của mình phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành. Mọi sự tùy tiện trong điều tra, truy tố, xét xử đều bị coi là vi phạm nghiêm trọng pháp chế XHCN.

Nguyên tắc pháp chế được thể hiện trong hình luật nhà Lê đã mang đầy đủ các nội dung của nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự hiện đại. Biểu hiện:

Sự ra đời của Quốc triều hình luật thực sự là sự kiện có giá trị đặc biệt trong lịch sử thể chế và củng cố pháp chế thời nhà Lê. Xét về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự thì (tuy được ban hành cách đây khoảng hơn 500 năm), “bộ luật này đã mang nhiều đặc điểm của BLHS hiện đại” [25, tr.185]. Cấu trúc của bộ luật cũng bao gồm 2 phần: phần chung và phần các tội phạm. Các quy định trong chương Danh lệ có thể coi là các quy định của phần chung. Đó là các quy định mang tính chất chung thể hiện những nguyên tắc nhất định và đã được cụ thể hóa trong các quy định về tội phạm cụ thể trong các chương tiếp theo.

Các chương từ 2 đến 13 Quốc triều hình luật đã chứa đựng các quy định rất cụ thể về những âm mưu và hành vi được coi là tội phạm và các hình phạt tương ứng. Có thể coi là phần các tội phạm cụ thể của bộ luật. Các tội phạm cụ thể cũng được sắp xếp, phân loại thành các nhóm tội khác nhau dựa vào một số căn cứ tương tự như của BLHS hiện đại. Cụ thể: chương Vệ cấm quy định về các tội phạm xâm hại tới an toàn kinh thành, cung điện và nhà vua; chương Đấu tụng quy định về các tội xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của con người; chương Vi chế bao gồm các tội phạm mà chủ thể là quan chức; chương Quân chính bao gồm các quy định về tội phạm mà chủ thể của tội phạm là quân nhân.

Xem tất cả 85 trang.

Ngày đăng: 05/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí