Tình Hình Nghiên Cứu Vấn Đề Hoàn Thiện Và Bảo Đảm Áp Dụng Đúng Quy Định Của Pháp Luật Hình Sự Về Các Tội Xâm Phạm Sở Hữu Trí Tuệ

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT và tìm ra hạn chế được chia thành ba hướng chủ đạo: thứ nhất, nghiên cứu dưới góc độ thực thi pháp luật chuyên ngành về SHTT nói chung; thứ hai, nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học thực trạng về tình hình, nguyên nhân và dự báo về tội phạm diễn ra trong một giai đoạn thông qua nghiên cứu, xử lý các số liệu, thông tin, báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền; thứ ba, nghiên cứu thực tiễn hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm SHTT (chủ yếu là đối với tội xâm phạm quyền SHCN) qua việc nghiên cứu các vụ án thực tế đã xảy ra.

1.1.4. Tình hình nghiên cứu vấn đề hoàn thiện và bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Mục đích của việc nghiên cứu các quy định cũng như thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT không nằm ngoài mục tiêu tìm kiếm giải pháp hoàn thiện và bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự về các tội này. Vì vậy, phần lớn các nghiên cứu đã chỉ ra ở phần 1.1.2 đặc biệt là nhóm các nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về các tội xâm phạm SHTT đều có đi kèm theo giải pháp cho những bất cập trong quy định và thực tiễn đó. Trong đó, các giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự cũng được đề cập một cách khái quát ở các nội dung: hướng dẫn quy định TNHS của pháp nhân thương mại; hướng dẫn cụ thể một số dấu hiệu của các tội phạm về hàng giả; sửa đổi một số dấu hiệu định tội của tội xâm phạm quyền SHCN. Tuy nhiên, các giải pháp này còn nhiều tính định hướng và thiếu cụ thể. Bên cạnh đó, một số giải pháp khác về kiến nghị nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thực thi pháp luật và tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về các tội xâm phạm SHTT cũng được nói đến. Các công trình ở cấp độ luận án tiến sỹ còn (như công trình của tác giả Nguyễn Đức Nga, tác giả Lê Việt Long) còn tập trung kiến nghị một cách cụ thể cho việc phối hợp đồng bộ các giải pháp, hoạt động của tất cả các yếu tố con người, nhà nước, xã hội trong hoạt động chung là phòng ngừa tội phạm, đồng thời, đảm bảo được các lợi ích chính đáng của con người, lợi ích chung của cộng đồng.

Ở góc độ pháp luật chuyên ngành SHTT, các sách, báo, luận văn, luận án đã liệt kê trên cũng chỉ ra phương hướng đổi mới và hoàn thiện cơ chế điều chỉnh pháp

luật về bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, được thể hiện qua quan điểm về việc xây dựng pháp luật về SHTT. Nhằm thể chế hóa các quan điểm, cũng như bảo đảm thực thi có hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền SHTT, những đề xuất được các tác giả đề cập đến tập trung vào: hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền SHTT; đổi mới và hoàn thiện các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp – chủ thể bảo đảm thực thi quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ pháp luật về bảo hộ quyền SHTT; đổi mới các biện pháp thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể; tăng cường phối hợp các cơ quan thực thi; ý thức pháp luật người dân, doanh nghiệp trong việc tự bảo vệ mình…Mặc dù, nghiên cứu tập trung đưa ra quan điểm hoàn thiện pháp luật chuyên ngành SHTT nhưng có mối liên quan nhất định và cần sự thống nhất với các pháp luật hình sự bảo vệ quyền SHTT.

Một số công trình tiêu biểu được khảo sát trên đưa đến các kết luận với nội dung chính như sau:

Một là, dù tiếp cận theo các hướng khác nhau nhưng điểm chung của các công trình có đối tượng nghiên cứu trực tiếp là các tội xâm phạm SHTT đều tựu chung hai giải pháp: giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự hiện hành và giải pháp đảm bảo áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT.

Hai là, các công trình nghiên cứu bảo hộ quyền SHTT dưới góc độ pháp luật chuyên ngành (dân sự, SHTT, hành chính, kinh tế) cũng có những kiến nghị hoàn thiện pháp luật hay nâng cao hiệu quả bảo hộ SHTT tập trung vào: hoàn thiện pháp luật chuyên ngành (có sự đối chiếu, đồng bộ với pháp luật hành chính, hình sự trong trường hợp xử lý các vi phạm); tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật SHTT; tăng cường hài hòa hóa nội luật với các ĐƯQT cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.

1.2. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu đề tài

Các công trình đã khảo sát không liệt kê được toàn bộ nghiên cứu về tội xâm phạm SHTT. Tuy nhiên, kết quả khảo sát đã phần nào phản ánh được trạng thái, xu hướng và quy mô của các nghiên cứu, đặc biệt là những công trình trong nước. Đánh giá những nghiên cứu về các tội xâm phạm SHTT có thể khái quát như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

Thứ nhất, hướng tiếp cận của các nghiên cứu về tội phạm SHTT phần lớn thể hiện được tính đa ngành, liên ngành. Điều này xuất phát từ bản thân của đối tượng nghiên cứu là tội xâm phạm SHTT. Xét về mặt ngôn ngữ, khái niệm tội xâm phạm SHTT được tạo thành từ khái niệm tội phạm (là đối tượng nghiên cứu đặc trưng của khoa học luật hình sự và nhiều ngành khoa học khác) và khái niệm SHTT (là đối tượng nghiên cứu đặc trưng của chuyên ngành SHTT thuộc khoa học luật tư (Luật SHTT, Luật dân sự, Luật kinh tế). Các hướng tiếp cận của những công trình lớn, toàn diện về các tội xâm phạm SHTT hiện nay cơ bản chọn hướng tiếp cận chủ đạo là tiếp cận xã hội học pháp luật và chính sách học pháp luật. Các công trình tiếp cận theo hướng truyền thống là tiếp cận luật học thực định không ít nhưng hầu hết là các công trình nghiên cứu cấp độ đơn giản chưa bao quát được tất cả các vấn đề cần nghiên cứu.

Thứ hai, những nghiên cứu về hành vi xâm phạm SHTT thể hiện sự đa dạng các cấp độ, các chuyên ngành khác nhau như chuyên ngành luật hình sự, chuyên ngành tội phạm học, chuyên ngành dân sự, kinh tế. Thực trạng tình hình nghiên cứu đã phân tích ở trên cho thấy rằng các công trình nghiên cứu dưới góc độ luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT lại chiếm tỷ lệ thấp nhất trong số các nhóm chuyên ngành khác. Trường hợp các nghiên cứu chuyên ngành khác có đề cập đến góc độ pháp luật hình sự thì nội dung phân tích, trình bày thiếu hệ thống và chiều sâu.

Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự Việt Nam - 5

Thứ ba, về nội dung kết quả nghiên cứu của các công trình, tuy khác nhau về cấp độ và cách tiếp cận, song đã cung cấp chất liệu cơ bản cho việc nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực hình sự. Tuy nhiên, tồn tại thực tế đó là nhiều nội dung còn manh mún, thiếu hệ thống, thiếu tính toàn diện của vấn đề; ít các công trình nghiên cứu về thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam truy cứu TNHS tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đánh giá tính tương thích giữa pháp luật hình sự Việt Nam với pháp luật các quốc gia trên thế giới về các tội xâm phạm SHTT

không có nhiều (thường chỉ mang tính khái quát, giới thiệu)2; các kiến nghị hoàn thiện


2 Nghiên cứu pháp luật nước ngoài về các tội xâm phạm SHTT không ít nhưng nghiên cứu so sánh với Việt Nam để đánh giá tính tương thích thì hầu như rất ít. Cũng phải nói thêm rằng, trong khi đó nghiên cứu so sánh vi phạm pháp luật Việt Nam về SHTT nói chung hay các vi phạm trong lĩnh vực dân sự liên quan đến SHTT với pháp luật nước ngoài cũng không phải không có (tất nhiên, nội dung này lại không trực tiếp hoặc không cụ thể cho đối tượng mà luận án nghiên cứu là “tội phạm” về SHTT).

pháp luật hình sự tuy đã được nêu lên nhưng còn khái quát, chưa cụ thể, đặc biệt là kiến nghị về hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự.

Nhìn chung, các công trình đã được khảo sát cho thấy nhiều vấn đề về lý luận, thực tiễn đã cơ bản có sự thống nhất nhưng cũng không ít vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau:

Một là, những vấn đề đã thống nhất:

- Các nghiên cứu về mặt lý luận phần nào làm sáng tỏ nội dung cơ bản của một số khái niệm “SHTT”, “quyền SHTT”, “tội phạm”. Những đặc điểm cơ bản nhất của tội xâm phạm SHTT cũng đã được chỉ ra và phân tích ở những mức độ nhất định. Đây là tiền đề quan trọng cho những nghiên cứu tiếp theo về các tội xâm phạm SHTT.

- Các công trình nghiên cứu đã phần nào khái lược và so sánh về mặt lịch sử lập pháp các tội xâm phạm SHTT ở những giai đoạn trước, thống nhất phân tích một số dấu hiệu CTTP và hình phạt đối với từng tội thuộc nhóm xâm phạm SHTT theo quy định pháp luật hình sự Việt Nam.

- Ở các mức độ khác nhau, một số công trình nghiên cứu đã đưa ra một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xét xử các tội xâm phạm SHTT để thấy sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật và khó khăn khác trong vấn đề áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT như: các dấu hiệu định tội chưa rõ ràng, khó xác định; hoạt động thực thi thiếu hiệu quả do những nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ áp dụng pháp luật nhưng cũng bao gồm cả những nguyên nhân khách quan khác từ phía chủ thể quyền, người dân, hợp tác quốc tế…

- Có những công trình nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm SHTT cũng như giải pháp bảo đảm hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT như: đề xuất sửa đổi, bổ sung, giải thích quy định pháp luật hình sự và các ngành luật khác có liên quan đến lĩnh vực SHTT …; các giải pháp liên quan đến tăng cường các hoạt động thực thi, áp dụng pháp luật theo hướng nâng cao hiệu quả; giáo dục ý thức pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế…

Hai là, những vấn đề chưa thống nhất:

- Định nghĩa chung, chính thống cho khái niệm SHTT, quyền SHTT. Đối với khái niệm tội phạm, mặc dù BLHS đã đưa ra định nghĩa pháp lý nhưng trong khoa học luật hình sự vẫn có những cách định nghĩa khác nhau. Trong nghiên cứu lý luận cũng như khi nghiên cứu quy định của pháp luật còn có những quan điểm khác nhau về câu hỏi các tội phạm về hàng giả có thuộc nhóm xâm phạm SHTT hay không.

- Quan điểm định tội danh, xác định TNHS trong thực tiễn xét xử vụ án hình sự cụ thể về các tội xâm phạm SHTT còn có những trường hợp chưa thống nhất như định tội danh tội xâm phạm SHCN hay tội phạm về hàng giả; chưa thống nhất cách hiểu về quy mô thương mại...

- Các công trình nghiên cứu hoàn thiện pháp luật và đảm bảo áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT không ít nhưng quan điểm, yêu cầu và giải pháp hoàn thiện cũng còn nhiều điểm khác nhau. Có công trình nghiên cứu về nội dung này nhưng gắn liền với BLHS 1999, mà trong đó, nhiều giải pháp hoàn thiện đã được thể hiện trong BLHS 2015, do đó, chưa phản ánh được tính mới của pháp luật hình sự hiện hành.

1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu

Từ kết quả khảo sát và đánh giá tình hình các công trình nghiên cứu về các tội xâm phạm SHTT, tác giả lựa chọn phương pháp tiếp cận chủ đạo của luận án là cách tiến cận luật học thực định có kết hợp với nhiều hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành khác. Những vấn đề về nội dung đặt ra tiếp tục nghiên cứu trong luận án đó là:

Thứ nhất, về mặt lý luận: tập hợp các kết quả nghiên cứu đã có và bổ sung thêm những quan điểm về các khái niệm SHTT, quyền SHTT, các tội xâm phạm SHTT; đưa ra được quan điểm cá nhân về định nghĩa các tội xâm phạm SHTT; trình bày các yếu tố của các tội xâm phạm SHTT (không hòa lẫn với luật thực định); đưa ra được các cơ sở của việc quy định các tội xâm phạm SHTT vào trong pháp luật hình sự Việt Nam; khái quát được chính sách pháp luật hình sự Việt Nam đối với các tội xâm phạm SHTT.

Thứ hai, bổ sung tiếp lịch sử lập pháp hình sự các quy định về tôi xâm phạm SHTT trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu giai đoạn trước, luận giải lý do sửa đổi, bổ sung quy định mới về các tội phạm này; phân tích, bình luận một cách có hệ thống các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về các tội xâm phạm SHTT,

đặc biệt làm mới vấn đề phân biệt các tội phạm về hàng giả với tội xâm phạm quyền SHCN trên cơ sở cập nhật mới văn bản pháp luật hiện hành.

Thứ ba, nghiên cứu so sánh, đánh giá một cách có hệ thống về các chuẩn mực quốc tế cũng như pháp luật một số quốc gia về vấn đề các tội phạm này; rút ra được những đòi hỏi hoàn thiện cũng như bài học kinh nghiệm cho xây dựng pháp luật hình sự sau này.

Thứ tư, trình bày, bình luận và đánh giá mới, chi tiết về thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam (cụ thể là BLHS) hiện hành trong định tội danh và quyết định TNHS đối với các tội xâm phạm SHTT, chú trọng cả hai lĩnh vực của các tội xâm phạm SHTT là tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và tội xâm phạm quyền SHCN.

Thứ năm, hệ thống hóa quan điểm và đưa ra được giải pháp hoàn thiện, bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT trên cơ sở kết quả đã có, được củng cố kèm theo các giải pháp mới, cụ thể được bổ sung qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn mới về vấn đề này.

1.4. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Với đề tài nghiên cứu “Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự Việt Nam”, các câu hỏi và giả thuyết mà tác giả luận án đặt ra đó là:

Câu hỏi nghiên cứu 1: Các tội xâm phạm SHTT là gì? Cơ sở nào để quy định hành vi xâm phạm SHTT là tội phạm trong pháp luật hình sự? Chính sách hình sự Việt Nam đối với các tội xâm phạm SHTT ra sao?

Giả thuyết nghiên cứu 1: Các tội xâm phạm SHTT là những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, xâm hại đến quan hệ SHTT, trái pháp luật hình sự và có tính phải chịu TNHS. Cơ sở để quy định các tội xâm phạm SHTT vào pháp luật hình sự dựa trên những yếu tố khách quan và chủ quan về triết học, kinh tế, chính trị, xã hội. Để có được hệ thống quy định ưu việt về các tội xâm phạm SHTT, trước tiên cần xây dựng được hệ thống đường lối, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mang tính khoa học và nhất quán cho các hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự đối với nhóm tội này – nói cách khác chính là có được chính sách pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT.

Câu hỏi nghiên cứu 2: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định về các tội xâm phạm SHTT như thế nào? Pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia trên thế giới

quy định về các tội xâm phạm SHTT tương đồng hay khác biệt so với Việt Nam, có giá trị tham khảo gì cho Việt Nam không?

Giả thuyết nghiên cứu 2: Quá trình lập pháp hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT có những thành tựu, ưu điểm nhưng cũng không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập. Nghiên cứu pháp luật hình sự Việt Nam đặt trong mối tương quan với pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia trên thế giới có cả những điểm tương đồng và khác biệt. Trong đó, những điểm khác biệt ít nhiều có giá trị tham khảo nhất định đối với việc hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT trong tương lai.

Câu hỏi nghiên cứu 3: Các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT được áp dụng như thế nào? Có gì vướng mắc, bất cập không và nguyên nhân từ đâu?

Giả thuyết nghiên cứu 3: Các tội xâm phạm SHTT ngày một xảy ra phổ biến hơn và phức tạp hơn. Việc áp dụng quy định pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm SHTT không tránh khỏi những vướng mắc, bất cập đến từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau như sự thiếu hoàn thiện của quy định pháp luật hiện hành, việc chưa đáp ứng về năng lực chuyên môn của đội ngũ áp dụng, từ ý thức pháp luật của các chủ thể và những vấn đề khác cần sớm khắc phục.

Câu hỏi nghiên cứu 4: Cần có những giải pháp nào để tiếp tục hoàn thiện và bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT ở Việt Nam?

Giả thuyết nghiên cứu 4: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự về các tội các tội xâm phạm SHTT là nhu cầu tất yếu. Việc hoàn thiện dựa trên quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng và áp dụng pháp luật liên quan đến các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quyền lợi ích của con người, duy trì trật tự xã hội cũng như phù hợp với xu thế toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các giải pháp được đặt ra từ mức độ tổng quát đến cụ thể, từ giải pháp đối với Nhà nước, đối với cơ quan thực thi pháp luật đến giải pháp đối với cá nhân. Từ những giải pháp về hoàn thiện quy định pháp luật, đến các giải pháp khác bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT đều cần được đặt ra và phối hợp thực hiện một cách đồng bộ.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1


Xuất phát từ bản chất, ý nghĩa, vai trò, chức năng của sở hữu trí tuệ đối với mọi mặt đời sống xã hội, các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển không ngừng về khoa học – kỹ thuật và công nghệ. Pháp luật về SHTT nói chung, pháp luật hình sự về các tội phạm xâm phạm SHTT nói riêng cũng là đối tượng được nhiều nhà lý luận và thực tiễn đặt một mối quan tâm nhất định đến việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo hộ, bảo vệ quan hệ SHTT, đáp ứng các yêu cầu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế có liên quan.

Cho đến nay đã có nhiều nhà khoa học với không ít các công trình nghiên cứu trực tiếp hoặc có liên quan đến các tội xâm phạm SHTT thông qua các hướng tiếp cận khác nhau: luật học, xã hội học, chính sách học, tội phạm học... Sự xuất hiện của các công trình này vừa có những đóng góp to lớn vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa có ý nghĩa to lớn cho thực tiễn công tác đấu tranh chống và phòng ngừa các tội xâm phạm SHTT.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu trực tiếp hoặc liên quan đến các tội xâm phạm SHTT đã trình bày, làm sáng tỏ nhiều vấn đề một cách khoa học, hợp lý, kết quả nghiên cứu chương 1 mà tác giả đã khảo sát cũng đã chỉ ra sự khác biệt trong quan điểm, thiếu tính toàn diện của không ít công trình nghiên cứu. Từ đó, việc nghiên cứu các tội xâm phạm SHTT theo pháp luật hình sự Việt Nam một cách đầy đủ và sâu sắc ở cấp độ của một luận án tiến sĩ tại thời điểm này là rất cần thiết.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những giá trị to lớn về cả lý luận và thực tiễn của các công trình nghiên cứu này. Nói một cách trực tiếp, gắn với luận án này, kết quả của những công trình nghiên cứu trước chính là nguồn tư liệu vô cùng quý giá mà tác giả cần học hỏi, tiếp thu để góp phần vào sự thành công của luận án.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/02/2023