Tình hình nghiên cứu quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

giữa luật và kinh tế; lập luận về vi phạm công cộng… Cùng với đó, những nội dung cơ bản về các vấn đề thuộc chuyên ngành SHTT cũng được khai thác làm rõ.

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu lý luận về SHTT đồ sộ nhất phải kể đến hệ thống giáo trình và các sách chuyên khảo như: “Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội, nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2009; “Giáo trình Pháp luật sở hữu trí tuệ” của Khoa Luật, Đại học Huế do TS. Đoàn Đức Lương chủ biên, nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 2012; “Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ” cuarKhoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà xuất bản Đại học quốc gia năm 2012; Cuốn “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp do PGS.TS. Lê Hồng Hạnh và ThS. Đinh Thị Mai Phương chủ biên, nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 2004; cuốn “Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ” của TS. Lê Xuân Thảo, nhà xuất bản Tư pháp năm 2005; cuốn “Bình luận về quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam” của Vụ pháp luật quốc tế, nhà xuất bản Tư pháp năm 2005 hay cuốn “Quyền tác giả trong không gian ảo‖ của TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, nhà xuất bản Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2015… Bên cạnh đó, nhiều công trình là đề tài nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn, bài viết trên tạp chí chuyên ngành Luật SHTT cũng làm rõ các vấn đề về SHTT dưới góc độ chuyên ngành. Dưới góc độ chuyên ngành Luật SHTT, các công trình này làm sáng tỏ cơ bản những vấn đề khái niệm, đặc điểm, các nguyên tắc bảo hộ, chủ thể quyền SHTT, nội dung, thời hạn, vấn đề xác lập hợp đồng và chuyển giao quyền SHTT. Trong đó, cuốn “Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ” do TS. Lê Đình Nghị - TS. Vũ Thị Hải Yến đồng chủ biên, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2016 được đánh giá có phần nghiên cứu lý luận sâu, đa dạng các quan điểm về khái niệm SHTT cũng như quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật SHTT ở Việt Nam và trên thế giới.

Điểm chung của các công trình nghiên cứu chuyên ngành này là sự khẳng định và thừa nhận quyền của chủ thể sáng tạo đối với tài sản trí tuệ mà họ tạo nên. Đây là loại tài sản vô hình nên vấn đề sở hữu đối với chúng cũng có những đặc trưng khác biệt so với các tài sản thông thường khác. Các yếu tố cấu thành quyền SHTT như quyền tác giả, quyền liên quan, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng được định nghĩa về mặt lý luận, phân tích về các đặc điểm dưới những chiều cạnh khác nhau. Từ đó, quyền SHTT là quyền đối với các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền

tác giả, quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng, vật nuôi. Những nghiên cứu trên cũng luận giải và khẳng định SHTT ngày càng có vai trò quan trọng đối với hầu hết các mặt của sự phát triển kinh tế, xã hội; việc bảo hộ quyền SHTT là cần thiết nhưng quan điểm bảo hộ đến đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sự khác biệt về quan điểm lập pháp của các dòng họ pháp luật; cơ chế điều chỉnh pháp luật về bảo hộ SHTT của các quốc gia cũng khác nhau.

Thứ hai, nhóm các công trình có nội dung nghiên cứu khái niệm, đặc điểm của các tội xâm phạm SHTT

Lý luận về các tội xâm phạm SHTT không thể tách rời lý luận về tội phạm nói chung. Những vấn đề lý luận căn bản về tội phạm đã được không ít các nhà khoa học nghiên cứu và cho ra đời các công trình chất lượng, có thể thể kể đến như: hệ thống giáo trình nghiên cứu về Luật hình sự phần chung của các cơ sở đào tạo như cuốn “Luật hình sự Việt Nam – phần chung (giáo trình sau đại học)” của Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – Học viện khoa học xã hội do GS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên) - nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2014; “Giáo trình Luật hình sự - phần chung” của Trường Đại học kiểm sát Hà Nội - nhà xuất bản Quốc gia Hà Nội năm 2017; cuốn “Tội phạm và cấu thành tội phạm” của GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa – nhà xuất bản Tư pháp năm 2015; “Giáo trình Luật hình sự - phần chung” của Trường Đại học Luật Hà Nội - nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2018; cuốn “Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật hình sự - Phần chung” của GS.TSKH. Lê Cảm – nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội năm 2019, “Đổi mới nhận thức một số vấn đề lý luận về tội phạm và cấu thành tội phạm‖ của PGS.TS. Trần Văn Độ trên Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 10/2020. Các công trình đã đưa ra những định nghĩa và đặc điểm khác nhau về tội phạm, cấu thành tội phạm nhưng đều thống thất cao độ khi xác định tội phạm có tính nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong luật hình sự. Xét về cấu trúc, tội phạm nào cũng sẽ được tạo thành từ bốn yếu tố: khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm.

Nghiên cứu trực tiếp khái niệm các tội xâm phạm SHTT, rất ít công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam giải quyết nội dung này. Trong số ít các công trình đó, có thể kể đến công trình “Hoạt động phòng ngừa tội phạm về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam theo chức năng của lực lượng cảnh sát nhân dân‖ - Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Lê Hoài Nam (năm 2011). Dựa trên định nghĩa tội phạm theo

quy định của BLHS 1999 và kết hợp với đặc điểm của quyền SHTT, tác giả đã đưa ra định nghĩa tội xâm phạm về SHTT là ―hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS do người có đủ năng lực TNHS vì mục đích kinh doanh hoặc vụ lợi mà xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại và đáng bị xử lý bằng hình phạt‖. Định nghĩa đã nêu được cơ bản các dấu hiệu về nội dung, hình thức cũng như hậu quả pháp lý của tội xâm phạm về SHTT. Cùng với việc đưa ra định nghĩa tội xâm phạm SHTT, tác giả cũng có những phân tích về đặc điểm của các tội này về tính nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền SHTT đang được bảo hộ tại Việt Nam; xâm phạm trên quy mô thương mại; do người có NLTNHS thực hiện, thực hiện vì mục đích kinh doanh hoặc vụ lợi; bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, những phân tích này còn đơn giản.

Các tài liệu quốc tế cũng đề cập đến khái niệm các tội phạm SHTT nhưng thường có cách định nghĩa mang tính khái quát thực tiễn và đặc trưng pháp luật quốc tế, quốc gia sở tại riêng nên nội dung định nghĩa cũng rất khác biệt, chẳng hạn: Interpol đưa ra khái niệm “Tội phạm sở hữu trí tuệ” với giải thích đây là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả một loạt các tội danh làm giả nhãn hiệu và vi phạm bản quyền. Tiếp đó, khẳng định làm giả nhãn hiệu và vi phạm bản quyền là những tội phạm nghiêm trọng về SHTT nhằm lừa dối người tiêu dùng, đe dọa sức khỏe và sự an toàn, gây thiệt hại cho xã hội hàng tỷ đô la doanh thu của chính phủ, đầu tư nước ngoài hoặc lợi nhuận kinh doanh và vi phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, bằng sáng chế và bản quyền [130].

Nghiên cứu về các đặc điểm của các tội xâm phạm SHTT, cho thấy rằng, có một sự kết hợp hoặc là không phân tách rõ ràng giữa lý luận và luật thực định trong đa số các nghiên cứu khi phân tích bốn yếu tố của tội xâm phạm SHTT. Tuy nhiên, cũng còn những công trình hướng trọng tâm vào lý luận nhiều hơn như Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – phần các tội phạm (quyền 1)” của Trường Đại học Luật Hà Nội, nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2018; “Giáo trình luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)” của TS. Phạm Mạnh Hùng – Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, nhà xuất bản Quốc gia Hà Nội năm 2016; “Luật hình sự Việt Nam – phần các tội phạm (giáo trình sau đại học)” của Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – Học viện khoa học xã hội do GS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên), nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2014; cuốn “Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần các tội phạm)” của PGS.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

TSKH. Lê Cảm chủ biên – Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007… Từ định nghĩa, đặc điểm, các yếu tố được phân tích của các tội xâm phạm SHTT mà các tác giả chỉ ra các tội được coi là thuộc nhóm xâm phạm SHTT ít nhất bao gồm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tội xâm phạm quyền SHCN. Một số công trình nghiên cứu khác cũng chỉ ra được nội dung này nhưng xác định thêm tội phạm về hàng giả cũng nằm trong nhóm các tội xâm phạm SHTT như cuốn Đấu tranh với tội phạm xâm phạm SHTT – Thực trạng và giải pháp của tác giả Hồ Thế Hòe và Lê Việt Long, nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2012.

Các kết quả nghiên cứu kể trên đều ít nhiều cho thấy tồn tại sự giao thoa giữa khái niệm “tội phạm” trong luật hình sự với khái niệm “sở hữu trí tuệ” trong luật SHTT. Tuy nhiên, để tiếp làm rõ một cách sâu sắc dưới góc độ lý luận mối quan hệ này và từ đó, chỉ ra những yếu tố cấu thành nên các tội xâm phạm SHTT thì không nhiều nghiên cứu ở Việt Nam đã làm sâu sắc được. Một trong những nghiên cứu nước ngoài nổi bật về chủ đề này có thể kể đến là cuốn ―Handbook of Intellectual Property Research. Lenses, Methods, and Perspectives‖ (tạm dịch: Sổ tay nghiên cứu sở hữu trí tuệ. Ống kính, phương pháp và quan điểm) của tác giả Irene Calboli và Maria Lillà Montagnani, xuất bản bởi Đại học Oxford năm 2021. Tại mục thứ 13 của phần I cuốn sách, các tác giả đã đưa ra lập luận rằng: Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) bảo vệ quyền tư nhân của chủ sở hữu, trong khi luật hình sự bảo vệ lợi ích công cộng, gây nguy hại cho xã hội. Trong xã hội phát triển theo hướng công nghệ hiện nay, mức độ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là dưới dạng hàng giả ảnh hưởng đến lợi ích của công chúng, đòi hỏi phải áp dụng luật hình sự để đảm bảo bảo vệ quyền SHTT nghiêm ngặt. Các tác giả cũng khẳng định: quyền SHTT và luật hình sự giao nhau ở ngoại vi tác động lên người mua nói chung và người có quyền hợp pháp, tức là vi phạm lợi ích chung. Theo đó, nhiều quốc gia quy định các hình phạt đối với vi phạm SHTT vì chúng phù hợp với yêu cầu của luật hình sự khi hành vi đó không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân liên quan mà còn cho toàn xã hội. Việc cân nhắc thế nào để tạo nên một khuôn mẫu cho hành vi bị coi là tội phạm về SHTT là hết sức quan trọng khi mục tiêu lý tưởng của việc quy định các tội phạm này là vừa bảo đảm quyền của chủ thể, vừa không trở thành rào cản đáng tiếc cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, điểm trọng yếu trong việc thiết lập nên các yếu tố phân định ngưỡng tội phạm với các vi phạm khác về SHTT là phải cân bằng

Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự Việt Nam - 3

được hai mục tiêu này. Thực tế đã chứng minh “một kích thước không phù hợp cho tất cả” và Hiệp định thương mại chống hàng giả (ACTA)1 là một ví dụ điển hình; một khuôn mẫu đề cao quá mức các biện pháp trừng phạt hay một khuôn mẫu quá lỏng lẻo trong kiểm soát các vi phạm đều không thể trở thành tiêu chuẩn chung cho mọi quốc gia khi lập pháp.

Thứ ba, nhóm các công trình có nội dung nghiên cứu chính sách pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm SHTT

Các nghiên cứu về chính sách pháp luật là nền tảng lý luận định hướng cho các hoạt động xây dựng và áp dụng quy định của pháp luật hình sự về các tội phạm nói chung, tội xâm phạm SHTT nói riêng. Ở tầm khái quát, những công trình nghiên cứu về chính sách pháp luật có thể kể đến như cuốn Chính sách pháp luật của GS.TS. Võ Khánh Vinh, nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2020; cuốn Chính sách hình sự Việt Nam trước thách thức cách mạng công nghiệp 4.0 của PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (chủ biên),nhà xuất bản Tư pháp năm 2020... Các công trình nghiên cứu đã làm rõ về mặt lý luận những vấn đề thuộc về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung… của chiến lược hoạt động lập pháp, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và một số hoạt động khác nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm (có thể đặt trong bối cảnh mới là cách mạng công nghiệp 4.0).

Nghiên cứu trực tiếp về các tội xâm phạm SHTT nổi bật có Luận án tiến sĩ “Chính sách pháp luật hình sự Việt Nam đối với các tội xâm phạm quyền SHTT” (năm 2021) của tác giả Trần Văn Hải. Đây là một trong những công trình có tính cập nhật và khai thác dưới một góc độ khác so với những cách tiếp cận về các tội xâm phạm SHTT trước đây. Đặc trưng của cách thức tiếp cận này đó là làm rõ yếu tố ở tầm vĩ mô mang tính định hướng làm kim chỉ nam cho hoạt động quy định và áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT sau này. Luận án đã làm rõ về mặt lý luận những vấn đề thuộc về quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược hoạt động lập pháp, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và một số hoạt động khác nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa các tội xâm phạm quyền SHTT, bảo vệ lợi ích người sáng tạo và phát triển kinh tế. Đặc biệt, vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến các tội xâm phạm SHTT thể hiện rõ nhất ở việc nêu ra các tiêu chí tội phạm hóa, hình sự hóa hành vi xâm phạm SHTT trong pháp luật hình sự.


1 ACTA với các bên đàm phán gồm Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Mexico, Maroc, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, đã bị Nghị viện Châu Âu bác bỏ vào ngày 4 tháng 7 năm 2012 và do đó, không thể hiện thực hóa thành một Điều ước đa phương.

Tổng quan tình hình nghiên cứu lý luận về các tội xâm phạm SHTT có thể khái quát một số điểm chính sau:

Một là, các nghiên cứu lý luận về khái niệm SHTT phần lớn xuất phát từ nền tảng lý luận khoa học luật tư (Luật dân sự, Luật SHTT, Luật kinh tế…); qua đó, làm rõ các vấn đề nguồn gốc, định nghĩa, đặc điểm, các yếu tố cấu thành nên SHTT và quyền SHTT.

Hai là, các nghiên cứu lý luận về tội xâm phạm SHTT phần lớn được triển khai trên cơ sở lý luận chung về khái niệm tội phạm, đặc điểm và bốn yếu tố của tội phạm. Các nghiên cứu thống nhất xác định các tội xâm phạm SHTT ít nhất bao gồm các: tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tội xâm phạm quyền SHCN. Một số nghiên cứu cho rằng các tội phạm về hàng giả cũng thuộc nhóm tội xâm phạm SHTT

[28] [38]. Mặt khác đã có những nghiên cứu ở tầm chính sách pháp luật đã làm góp phầm gợi mở nhiều nội dung thuộc về lý luận, đó là, các quan điểm, định hướng, tư tưởng chỉ đạo đường lối xây dựng, áp dụng quy định pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT.

1.1.2. Tình hình nghiên cứu quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Thực trạng quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT là những nội dung trọng tâm trong phần lớn các nghiên cứu về tội xâm phạm SHTT. Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, kỹ thuật, hành lang pháp lý bảo vệ quyền SHTT (trong đó có khía cạnh hình sự là các quy định về tội xâm phạm SHTT) cũng có những sự thay đổi ở nhiều góc độ. Sự quan tâm của các nhà khoa học lại thể hiện bằng các công trình nghiên cứu trải rộng ở những chiều cạnh khác nhau.

Thứ nhất, những công trình nghiên cứu quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT

Tập hợp và khảo sát các công trình nghiên cứu của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT, có thể chia thành các hai giai đoạn cơ bản:

- Giai đoạn thứ nhất bao gồm các nghiên cứu pháp luật hình sự thực định giai đoạn trước khi BLHS năm 2015 được ban hành.

Một số công trình nghiên cứu luật thực định trong giai đoạn này bằng cách khái lược lịch sử lập pháp hình sự các tội xâm phạm SHTT, kết hợp so sánh với những quy định mới ở những giai đoạn khác nhau như bài viết―Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật hình sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đức Nga trên Tạp

chí Kiểm sát số 21/2005; bài viết “Quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” của tác giả Thành Vinh trên tạp chí Dân chủ và pháp luật số 9/2008…

Những công trình khác tập trung hướng vào nghiên cứu cụ thể các dấu hiệu của CTTP và hình phạt đối với các tội xâm phạm SHTT trong BLHS 1999 như hệ thống các công trình Bình luận khoa học BLHS năm 1999 của nhiều nhà khoa học khác nhau. Bên cạnh đó, còn có những nghiên cứu chỉ ra sự bất hợp lí trong dấu hiệu cấu thành tội phạm giữa các tội phạm trong cùng nhóm xâm phạm SHTT, sự thiếu hoàn thiện trong việc bao quát các đối tượng tác động của tội phạm như bài viết “Pháp luật hình sự Việt Nam với việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp” của tác giả Đào Lệ Thu trên tạp chí Luật học số 05/2007; bài viết “Vấn đề xâm phạm quyền tác giả trong Bộ luật hình sự và Luật SHTT” của tác giả Trần Văn Thuân trên Tạp chí kiểm sát số 9/2007; bài viết “Một số ý kiến về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Bộ luật hình sự” của tác giả Lê Thị Tuyết Hà trên Tạp chí Kiểm sát số 14/2012.

Tổng hợp cả hai nội dung nghiên cứu trên có thể kể đến những công trình nổi bật ở cấp độ luận án tiến sĩ “Đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm sở hữu công nghiệp ở việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Đức Nga (năm 2008), luận án tiến sĩ “Đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ” của tác giả Lê Việt Long (năm 2009).

- Giai đoạn thứ hai bao gồm các nghiên cứu về quy định pháp luật hình sự kể từ khi BLHS năm 2015 được ban hành:

Nối tiếp những thành tựu nghiên cứu giai đoạn trước, hệ thống các công trình Bình luận khoa học Bộ luật hình sự của nhiều nhà khoa học tiếp tục được đánh giá là một nguồn tài liệu nổi bật về mảng nghiên cứu chuyên sâu pháp luật hình sự thực định với nội dung chủ yếu là phân tích, làm rõ quy định của pháp luật hình sự về dấu hiệu pháp lý cũng như chế tài đối với các tội phạm này. Đánh giá quy định của pháp luật hình sự hiện hành, một số các nghiên cứu đưa ra kiến nghị về việc điều chỉnh quy định của pháp luật, liên quan đến các tội xâm phạm SHTT có thể kể như: “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm)” do GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, nhà xuất bản Tư pháp năm 2018; “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 – sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm” của tập thể tác giả PGS.TS. Trần Văn Luyện, PGS.TS

Phùng Thế Vắc, TS. Lê Văn Thư, TS. Nguyễn Mai Bộ, TS. Nguyễn Ngọc Hà, LS. ThS. Phạm Thanh Bình, LS. Phạm Thị Thu, nhà xuất bản Công an nhân dân năm 2017; “Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017” của tác giả Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp biên soạn, nhà xuất bản Thế giới năm 2017; “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” do TS. Nguyễn Đức Mai chủ biên, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, sự thật năm 2018; “Hệ thống pháp luật Hình sự Việt Nam - Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” do PGS.TS. Cao Thị Oanh và TS. Lê Đăng Doanh (chủ biên), nhà xuất bản Hồng Đức năm 2017… Bên cạnh những điểm chung nói trên, cũng có những quan điểm không thống nhất, đặc biệt là trong phân tích các hành vi khách quan của tội phạm này theo quy định của Luật SHTT với quy định của BLHS hiện hành, có những nghiên cứu chưa cập nhật được quy định mới trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật.

Một số công trình khác nghiên cứu những hạn chế trong quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT có thể kể đến như bài viết “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Lê Đình Duy trên Tạp chí Kiểm sát số 20 năm 2018; bài viết “Bàn về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017” của tác giả Trần Hữu Tuyên trên Tạp chí Nghề luật số 6 năm 2020. Đặc biệt, một số công trình có những bình luận sâu, thuyết phục trong việc phân biệt các tội danh với nhau như tác giả có phân biệt giữa tội sản xuất buôn bán hàng giả với tội xâm phạm quyền SHCN. Đây là nội dung được nhiều học giả, nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn quan tâm chia sẻ, có thể kể tới các công trình: Luận án tiến sĩ ―Các tội phạm về hàng giả theo pháp luật hình sự Việt Nam” của tác giả Phạm Tài Tuệ (2019); bài viết “Phân biệt tội sản xuất buôn bán hàng giả và tội xâm phạm sở hữu công nghiệp” của tác giả Nguyễn Thành Chung trên website: kiemsat.vn; bài viết “Một số vấn đề về tội sản xuất, buôn bán hàng giả và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” của tác giả Võ Thị Anh Trúc và Phạm Thị Thúy trên website: lapphap.vn … Điểm chung của các công trình đó là đều đưa ra vấn đề phân biệt khái niệm hàng giả và hàng hóa giả mạo về SHTT (tập trung vào hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý), nêu ra sự chưa thống nhất từ văn bản giải thích pháp luật trong việc làm rõ các khái niệm này và ảnh hưởng của nó đến hoạt động áp dụng pháp luật hình sự định tội danh tội xâm phạm SHCN về sau.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/02/2023