Các yêu cầu và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

chuyển nhượng các bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm. Vì vậy, hành vi chia sẻ bản livestream phim chiếu rạp không phù hợp với nội hàm khái niệm phân phối nêu trên mà gần hơn với định nghĩa hành vi “truyền đạt tác phẩm đến công chúng”. [53, tr.121]

Thứ hai, nguyên nhân từ việc hướng dẫn, giải thích pháp luật chưa đầy đủ:

Như đã phân tích trên, vấn đề bất cập trong dấu hiệu “quy mô thương mại” thể hiện ở việc quy định dấu hiệu đó cùng các dấu hiệu khác như “gây thiệt hại cho chủ thể quyền”, “thu lời bất chính”, “giá trị hàng hóa phạm pháp” trong Điều 225, 226 BLHS năm 2015 không tương thích với quy định của CPTPP. Nhưng cần thấy rằng thực trạng đó xuất phát từ chính nội hàm “quy mô thương mại” hiện chưa được giải thích rõ để được hiểu và quy định cho phù hợp.

Bên cạnh đó có những trường hợp, văn bản giải thích đã ban hành nhưng nội dung được giải thích đưa đến những cách hiểu không thống nhất như: việc giải thích khái niệm “hàng giả” trong các văn bản trước đây (như Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015) với nội hàm đã bao gồm trong đó loại “hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ”. Sự không tách bạch về thuật ngữ dẫn đến sự nhận thức và định tội danh không thống nhất. Tuy nhiên, sau những vụ án có khúc mắc nêu trên, nội dung này hiện đã được khắc phục bởi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ.

Nghị định số 98/2020/NĐ-CP mới chỉ giải quyết được việc tách bạch khái niệm “hàng giả” và “hàng giả mạo về SHTT”. Hiện nay, một vấn đề tồn tại nữa cần hướng dẫn là định tội danh những hành vi sản xuất, buôn bán các loại hàng hóa vừa có yếu tố giả về nội dung, vừa có yếu tố giả mạo về hình thức đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam. Việc chưa thống nhất này đã bộc lộ trên thực tế, thông qua vấn đề nhận thức chưa đúng và đầy đủ về: đối tượng hàng giả cũng như những kết luận giám định yếu tố giả của hàng hóa vi phạm cần phải có để định tội danh.

TNHS của pháp nhân thương mại cũng là một chế định rất lớn và mới trong BLHS. Thực tiễn đã phản ánh chế định này đã bắt đầu được thực thi. Bước đầu truy cứu TNHS đã cho thấy những kết quả khả quan nhưng cũng bộc lộ những khó khăn trong việc xác định điều kiện chịu TNHS của pháp nhân (chẳng hạn hành vi vi phạm của pháp nhân có cần phải nằm trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh của pháp nhân không). Sự thiếu vắng một văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về TNHS của pháp

nhân cũng dẫn đến sự thiếu tự tin hoặc hiểu không đúng về chế định này và đã không xử lý hình sự trong những trường hợp có thể.

Thứ ba, nguyên nhân từ sự chưa đồng bộ quy định của các ngành luật.

Các vi phạm pháp luật về SHTT nói chung có nhiều biện pháp xử lý bởi các ngành luật khác nhau tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm. Vì vậy, việc phân định rõ ranh giới về tính chất và mức độ của các hành vi xâm phạm để chủ thể áp dụng có thể chọn đúng biện pháp xử lý là rất cần thiết bởi sự không tách bạch có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Sự phân định không rõ ràng giữa các quy định pháp luật các ngành luật khác nhau hiện vẫn tồn tại, chẳng hạn Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ và BLHS năm 2015 đều có quy định về hành vi xâm phạm quyền SHCN và có khoảng trùng nhau về quy định giá trị hàng hóa vi phạm từ 200 triệu đồng trở lên (xem các khoản 9, 10, 11, 12 Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 và Điều 226 BLHS năm 2015). Về nguyên tắc: một hành vi đã thỏa mãn CTTP một tội được quy định trong BLHS thì không thể là vi phạm hành chính. Nếu quy định trùng lặp, một hành vi vừa CTTP vừa cấu thành vi phạm hành chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà số lượng các vụ xử lý vi phạm hành chính cao hơn nhiều so với xử lý hình sự.

Thứ tư, nguyên nhân từ đội ngũ áp dụng pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

Thực tế chứng minh, hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố, những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng áp dụng pháp luật nói chung là năng lực của đội ngũ áp dụng pháp luật, nói trong phạm vi quy trình TTHS chủ yếu đó là năng lực của người tiến hành tố tụng. Năng lực này biểu hiện qua khả năng chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm.

Trước hết, đội ngũ áp dụng pháp luật phải là những người am hiểu các quy định của pháp luật hình sự một cách chính xác và đầy đủ. Năng lực nhận thức đúng đắn các quy định là điều kiện tiên quyết bắt buộc để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Thực tiễn cho thấy nguyên nhân của những trường hợp định tội danh không thống nhất không đơn thuần do việc hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa đầy đủ mà một phần từ sự nhận thức còn hạn chế (chẳng hạn: nhận thức về yếu tố “giả” của hàng hóa vi phạm, về trị giá hàng hóa vi phạm để xác định TNHS còn có sự nhầm lẫn).

Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự Việt Nam - 19

Thứ năm, nguyên nhân từ sự nhận thức quy định pháp luật của chủ thể quyền.

Không thể phủ nhận rằng, chính một bộ phận các nhà sáng tạo chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của SHTT với mình và với sự phát triển của cộng đồng, với sự hình thành môi trường cạnh tranh lành mạnh nên đã có sự thờ ơ đối với việc bảo vệ quyền của mình. Ngay trong phản ánh tại các bản án mà tác giả đã khảo sát cho thấy, tỷ lệ chủ thể quyền bị vi phạm yêu cầu bồi thường thiệt hại hay chính là người tố giác tội phạm rất thấp. Sự lỏng lẻo, thờ ơ này có thể xuất phát từ nhiều lý do như tâm lý bỏ qua những trường hợp thiệt hại vật chất không đáng kể (so với khả năng tài chính của mình), có tâm lý ngại theo đến cùng quy trình tố tụng… Đây là những nguyên nhân đến từ việc người phạm tội đã nhận thức được sự tồn tại và khả năng thực thi cơ chế hình sự trong bảo vệ quyền SHTT của mình. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp chủ sở hữu quyền không nhận thức đầy đủ về các cơ chế bảo vệ quyền của mình, họ chỉ cho rằng nếu có vi phạm thì chỉ có thể tiến hành khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu xử lý vi phạm hành chính.

Dù với nguyên nhân nào, sự thờ ơ của chủ sở hữu quyền cũng gián tiếp tạo nên tâm lý “dễ vi phạm, cứ vi phạm” cho người tiêu dùng, khách hàng. Điều này cũng làm cho các cơ chế bảo vệ quyền SHTT không còn nhiều tính nghiêm khắc trong thực thi.

Thứ sáu, nguyên nhân từ ý thức pháp luật của người dân.

Mức sống người dân Việt Nam ngày một được cải thiện, nâng lên rõ nét nhưng vẫn chưa phải là cao so với mặt bằng chung các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, nhu cầu về tiêu thụ, sử dụng hàng hóa dịch vụ có xu hướng tăng. Một bộ phận không nhỏ người dân có thu nhập trung bình trở xuống nhưng có tâm lý dùng hàng hiệu giá rẻ và thụ hưởng nghệ thuật miễn phí/chi phí thấp đã tiếp tay cho tội phạm SHTT (chưa kể đến những người có thu thập khá, cao vẫn có tâm lý này). Từ đó cho thấy quan niệm không đúng đắn về tôn trọng quyền của người sáng tạo, nhận thức chưa đúng tầm về vai trò và ý nghĩa của SHTT.

Xét về mặt đạo đức, những hành vi có tính xâm phạm như xem phim lậu, nghe nhạc lậu... là “đồng phạm” tiếp tay cho các chủ thể khác phạm tội. Đây là nhân tố gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng phim, nhạc lậu không ai khác chính là người dùng cuối cùng. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có cơ chế xác định người dùng cuối cùng là chủ thể thực hiện hành vi xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan. Do đó, người dùng cuối cùng không phải đối diện với rủi ro pháp lý nào.45 Điều này càng có

thể tạo nên sự thiếu tôn trọng đối với các tài sản trí tuệ của người khác.



45 Theo đánh giá từ Luật sư Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM – Trưởng Văn phòng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam.

Thứ bảy, cơ chế hợp tác quốc tế còn có những rào cản.

Hợp tác quốc tế dần đang trở thành xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia với phương thức và mức độ khác nhau nhưng đều chung mục tiêu phát triển, thịnh vượng lâu dài. Để đảm bảo cho một quốc gia, một xã hội phát triển và thịnh vượng, cần phải ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại mà điển hình là tội phạm.

Liên quan đến tội phạm SHTT, thực trạng xuất, nhập khẩu các hàng hóa vi phạm SHTT từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm mục đích kinh doanh thu lời bất chính đã và đang diễn ra mỗi ngày. Đối phó với thực trạng này không chỉ cần sự nỗ lực của lực lượng chức năng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an kinh tế… một quốc gia mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các quốc gia nơi có tội phạm nguồn hoặc là điểm đi qua, điểm đến của tội phạm; thậm chí là lực lượng cảnh sát quốc tế, cảnh sát khu vực. Yếu tố “xuyên quốc gia” trong bối cảnh hiện này không chỉ dừng lại ở việc đi qua ranh giới về mặt địa lý với sự xuất hiện của môi trường mạng internet. Những trường hợp như web phim lậu của Việt Nam nổi tiếng trên black list các thị trường khét tiếng về xâm phạm SHTT là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thiếu hụt một cơ chế hợp tác quốc tế sâu rộng hơn để giải quyết vấn nạn này.

Thứ tám, một số nguyên nhân khách quan khác.

Việc truy cứu TNHS có thể không được tiến hành do bên xâm phạm và bên bị xâm phạm đã thỏa thuận được với nhau. Trong khi đó, BLTTHS năm 2015 còn có quy định khởi tố theo yêu cầu người bị hại đối với trường hợp phạm tội thuộc khoản 1 Điều 226 BLHS 2015. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này và đồng bộ với các trường hợp khởi tố vụ án hình sự xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2015 (được thông qua ngày 12/11/2021 và có hiệu lực từ ngày 01/12/2021) đã bỏ quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại đối với tội xâm phạm quyền SHCN.

Việc phối hợp giữa các cơ quan áp dụng pháp luật cũng rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề thẩm quyền và giá trị của các kết luận giám định. Có những vụ án xảy ra trên thực tế, việc cơ quan nào có quyền thẩm định, giá trị kết luận thẩm định có hay không để trở thành chứng cứ chứng minh tội phạm cũng là những vấn đề còn nhiều quan điểm (như vụ án có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam với Sabeco).

Vấn đề hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng đối với các hoạt động trên internet cũng là một nội dung cần đề cập tới. Sự phát triển của cách mạng 4.0 với sự bùng nổ internet, kết nối vạn vật vừa đưa đến nhiều cơ hội cho người tiêu dùng dễ dàng thỏa mãn nhu cầu sử dụng hàng hóa dịch vụ cũng như thưởng thức các tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Sự nối gần này cần thiết và có nhiều yếu tố tích cực song đưa đến nhiều đòi hỏi trong vấn đề quản lý môi trường internet. Các hành vi xâm phạm quyền SHTT trên hoặc bằng phương tiện internet đã và đang lan rộng với quy mô lớn. Những kho hàng hàng nghìn m2 trú ngụ ngay tại một thành phố biên giới,

gần cửa khẩu – nơi tập kết rất nhiều các loại hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Không cần đặt các cửa hàng, phòng giao dịch, ngay tại kho hàng các hoạt động kinh doanh được tiến hành nhờ phát livestream trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Với gần hàng trăm nghìn đơn vị sản phẩm được bán ra mỗi tháng, doanh thu đưa về cho người bán 10 tỷ đồng/ mỗi tháng [2]. Những website thương mại điện tử ngày một hoạt động mạnh hơn và việc nhiều hàng hóa vi phạm được công khai bán buôn càng không khó để thực hiện. Vụ Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt kiện Ladaza bán sách lậu là một ví dụ. Cùng với đó, Shopee cũng là một thị trường thương mại điện tử trực tuyến rất lớn trong cả khu vực Đông Nam Á và có tần xuất hoạt động thương mại nổi bật trên thị trường Việt Nam vài năm gần đây. Theo Ủy Ban Thương mại Hoa Kỳ, Shopee cũng lọt top các thị trường khét tiếng về hàng giả năm 2019 [143, tr. 28]. Cơ chế hiện tại cho thấy, chưa theo kịp để xử lý nhưng vi phạm trên “thị trường mới này”. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan của vi phạm SHTT.

Trên đây không phải toàn bộ nguyên nhân của những hạn chế trong áp dụng pháp luật hình sự khi xử lý tội phạm SHTT. Dựa trên những thực trạng đã trình bày, một số nguyên nhân chủ quan và khách quan được tìm ra cũng sẽ góp phần cho định hướng hoàn thiện pháp luật hình sự trong tương lai nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả quyền SHTT.

4.2. Các yêu cầu và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Việc hoàn thiện pháp luật quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm SHTT đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng cường, coi năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu và phát triển kinh tế tri thức, hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã thu được những thành tựu quan

trọng và đã thực hiện được nhiều mục tiêu chủ yếu, cụ thể: đã xây dựng được một nền tảng pháp luật về SHTT đủ hiệu lực và khá phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; thiết lập được mạng lưới cơ quan – tổ chức thực thi pháp luật SHTT; hoạt động sáng tạo, khai thác và phát triển các loại tài sản trí tuệ đang thu hút sự quan tâm ngày càng cao của xã hội.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của tổ thức thương mại thế giới WTO cũng như nhiều hiệp định tương mại tự do (FTA). Cơ hội lớn và thách thức cũng không hề nhỏ. Các quy định của WTO và các FTA tạo nên sự gia tăng lượng hàng hóa vào Việt Nam với chủng loại đa dạng, phong phú và giá cả hợp lý; hàng rào thuế quan thông thoáng, các thủ tục hành chính cũng giảm bớt, đây là điều kiện để hàng hóa xâm phạm SHTT len lỏi vào Việt Nam. Điều này đưa tới sự cần thiết đánh giá khách quan khả năng cạnh tranh của hàng hóa nội địa. Trong nền kinh tế thị trường, sự chi phối bởi quy luật cạnh tranh giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh là không thể tránh khỏi. Để tồn tại và phát triển, những doanh nghiệp chân chính lựa chọn đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo những giá trị mới. Trái lại có những doanh nghiệp lựa chọn cách thức cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng uy tín, trí tuệ người khác một cách trái phép để làm giàu bất chính. Không chỉ nền kinh tế sản xuất, thương mại phát triển, nền công nghiệp giải trí cũng có những thay đổi mạnh mẽ. Với mức sống người dân được được nâng lên, nhu cầu thụ hưởng các giá trị nghệ thuật cũng lớn thêm thì ngày càng có nhiều hơn các loại hình tác phẩm nghệ thuật ra đời với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Lợi dụng nhu cầu này, không ít hành vi trục lợi bất chính đã phát sinh thông qua việc xâm phạm các quyền tác giả quyền liên quan.

Xu thế toàn cầu hóa và sự bùng nổ công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong đời sống toàn cầu nói chung, mỗi quốc gia nói riêng bao gồm cả Việt Nam. Toàn cầu hóa ngày càng mở rộng và mức độ ngày càng sâu sắc, các quốc gia không ngừng gia tăng tương tác lẫn nhau. Tính cạnh tranh trong kinh tế, thương mại giữa các quốc gia ngày càng gay gắt và hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định phần thắng. Cùng với đó là sự xuất hiện những nền kinh tế mới với tốc độ đổi mới nhanh và trình độ sáng tạo cao. Việc bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT lúc này trở thành một đòi hỏi tự thân, là điều kiện quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế, các tiêu chuẩn bảo hộ sẽ khắt khe hơn [8]. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) - nền công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số và

tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất [49] đang và sẽ có tác động lớn đến đời sống xã hội. Những công cụ mới, môi trường phát triển mới tạo nên những điều kiện hết sức thuận lợi để gia tăng năng suất lao động, giao kết thương mại; gia tăng sự tương tác, tiếp cận với phần lớn mọi đối tượng mà con người muốn hướng tới bao gồm cả các tài sản trí tuệ. Mặt trái của nó là việc sử dụng, nhân bản, phân phối, truyền đạt các tài sản trí tuệ cũng dễ dàng hơn kể cả khi không được sự cho phép của chủ thể quyền.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước ta đã có những nỗ lực trong các công tác đấu tranh, chống và phòng ngừa đối với các hành vi xâm phạm SHTT. Bên cạnh những thành tựu đáng kể, hoạt động bảo vệ quyền SHTT nói chung, hoạt động bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hình sự nói riêng cho thấy còn những bất cập xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản như sự chưa hoàn thiện của quy định pháp luật hình sự và các ngành luật có liên quan; năng lực của đội ngũ áp dụng pháp luật chưa đồng đều; nhận thức và cơ chế tự bảo vệ tài sản của chủ sở hữu quyền còn lỏng lẻo; ý thức pháp luật của người tiêu dùng chưa cao; còn thiếu một số cơ chế hợp tác quốc tế và những nguyên nhân khách quan khác tác động.

Quan sát từ thực tiễn tình hình trong nước và thế giới có thể dự báo một số xu hướng mới về phát triển SHTT ảnh hưởng đến nội dung lập pháp hình sự về các tội xâm phạm SHTT:

Một là, khả năng xuất hiện các yếu tố mới trong quan hệ SHTT. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng SHTT đại diện 80% tổng giá trị của một công ty và là giải pháp để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong các dây chuyền giá trị đang được toàn cầu hóa. Do đó, đây là một loại tài sản vô hình quan trọng. Mối quan tâm của các nhà lập pháp đang thay đổi, từ việc tập trung vào việc sử dụng quyền SHTT như một công cụ bảo vệ các vật thể hữu hình như thiết bị, đồ vật, cấu trúc hay sự liên kết hữu hình, phạm vi bảo vệ mở rộng ra gồm cả những sản phẩm vô hình như cấu trúc, phương pháp của hệ thống ảo; quyền sở hữu, xử lý và lưu trữ đối với dữ liệu, các thuật toán, sự nhận diện thương hiệu… [139, tr. 208]

Một vài ví dụ gần gũi hơn đó là sự xuất hiện các đối tượng bảo hộ mới ở Việt Nam như bảo hộ nhãn hiệu qua mùi hương hay trên toàn cầu như một tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo – AI. Ngược lại, AI cũng có thể trở thành chủ thể xâm hại đến quan hệ SHTT. Sự xuất hiện những thảm họa, đại dịch toàn cầu đòi hỏi các sáng chế ra đời để giải quyết, vì vậy cần sự chia sẻ từ chủ thể quyền đối với tài

sản trí tuệ (chẳng hạn sáng chế vacxin phòng ngừa Virus Covid-19). Những yếu tố này có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi phạm vi truy cứu TNHS hành vi xâm phạm SHTT.

Hai là, sự nở rộ của các FTA và sức ép từ các quốc gia đang phát triển sẽ nâng tầm những quy chuẩn bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT. Do đó, pháp luật hình sự về xử lý các tội xâm phạm SHTT cũng cần có những tiêu chuẩn mới với yêu cầu hoặc khuyến nghị xử lý toàn diện và nghiêm khắc hơn. Xây dựng một số thủ tục tố tụng đặc trưng và cơ cấu tổ chức Tòa án chuyên biệt về SHTT cũng là việc mà một số quốc gia phát triển đã và đang tiến hành, lan rộng.

Ba là, đối với các quốc gia đang phát triển, trong tương lai gần có xu hướng tiếp tục duy trì mức độ bảo hộ phù hợp với trình độ phát triển. Việc quy định quá khắt khe và xử lý quá nghiêm khắc có thể sẽ gây nên một số tác động không mong muốn đến kinh tế của các quốc gia này; đặc biệt là các quốc gia mà nền kinh tế chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa tự chủ được về công nghệ.

Bốn là, dữ liệu lớn – Bigdata, số hóa, internet kết nối vạn vật là các yếu tố nổi bật trong cấu thành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa rất lớn trong sự thay đổi các phương thức chứa đựng và truyền dẫn tài sản trí tuệ. Với sự phát triển mạnh mẽ những yếu tố này trong tương lai, người phạm tội cũng sẽ có những phương tiện, môi trường với cách thức mới để khai thác và làm lợi bất chính từ hành vi xâm phạm SHTT. Bên cạnh những thị trường truyền thống, các khu chợ, trung tâm thương mại, các công ty sản xuất, buôn bán thực tế hàng hóa giả, xâm phạm SHTT, thị trường thương mại điện tử là mảnh đất hứa của các doanh nghiệp thương mại bất chính. Trước mắt, vấn đề tội phạm hóa, hình sự hóa một cách nghiêm khắc hành vi xâm phạm SHTT trên mạng internet sẽ dần trở thành một xu hướng lập pháp hình sự khu vực và toàn cầu.

Năm là, hội nhập quốc tế khu vực và toàn cầu sâu rộng không loại trừ các lĩnh vực hợp tác quốc tế về đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm. Dưới tác động của internet kết nối vạn vật, tội phạm về SHTT có yếu tố “xuyên quốc gia” sẽ tiếp tục gia tăng và nguy hiểm hơn nữa khi không tăng cường các cơ chế hợp tác quốc tế có khả năng “tương xứng” để điều tra, xử lý. Đây là một nhu cầu tất yếu, dự kiến là một xu hướng trong tương lai.

Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng cao. Giai đoạn tới, SHTT phải thực sự đóng vai trò thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để phát

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/02/2023