Thực Tiễn Áp Dụng Quy Định Của Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Hiện Hành Về Các Tội Phạm Xâm Phạm Sở Hữu Trí Tuệ

Hoa Kỳ). Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự đề cao, thiết chặt trong bảo vệ quyền của chủ thể hay có thể giảm yếu tố này trong sự cân bằng với lợi ích khác; hay

- Có quốc gia quan niệm về tội buôn bán hàng hóa, dịch vụ giả mạo tập trung vào dấu hiệu giả mạo hình thức; nội dung có sai khác hay không đều có thể xử lý trong cùng điều luật này (như pháp luật của Hoa Kỳ).

Thứ năm, quy định chế tài phản ánh tinh thần chung của pháp luật quốc tế, pháp luật nhiều quốc gia đều hướng tới việc thiết lập hình phạt nghiêm khắc, tương xứng đối với các hành vi xâm phạm SHTT. CPTPP thậm chí đã nguyên tắc hóa tinh thần này bằng điều luật quy định cụ thể. Pháp luật của các quốc gia cũng ít nhiều thể hiện điều này qua quy định các loại và mức hình phạt trong tội cụ thể.

Tồn tại một sự tương đồng lớn về quy định hình phạt chính đối với các tội xâm phạm SHTT. Đa số luật pháp các quốc gia đều quy định hình phạt chính là phạt tiền và phạt tù có thời hạn đối với các tội xâm phạm SHTT. Bên cạnh đó, các hình phạt bổ sung cũng có thể áp dụng cùng hình phạt chính. Điểm khác biệt so với pháp luật hình sự Việt Nam đó là một số quốc gia quy định có thể áp dụng đồng thời hai hình phạt chính là phạt tiền và phạt tù, trong khi đó, theo quy định BLHS Việt Nam hiện hành, mỗi tội phạm chỉ bị tuyên một hình phạt chính.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Nghiên cứu pháp luật thực định tại Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT theo chiều dài lịch sử cho thấy, các tội xâm phạm SHTT được quy định khá muộn so với các tội phạm truyền thống. Ở những thời kì khác nhau chính sách pháp luật và thực tiễn quy định các tội xâm phạm SHTT có những đặc điểm khác nhau. Những biến đổi của đời sống xã hội, điều kiện chính trị kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến sự biến đổi quy định pháp luật, tạo nên những khác biệt trong quy phạm của pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng ở mỗi giai đoạn.

Pháp luật hình sự hiện hành quy định về các tội xâm phạm SHTT phản ánh sự kế thừa và phát triển theo hướng ngày một hoàn thiện hơn so với giai đoạn trước. Các dấu hiệu pháp lý định tội, định khung hình phạt đã được sửa đổi bổ sung theo hướng cụ thể hơn qua việc mô tả rõ hơn về hành vi phạm tội, lượng hóa các dấu hiệu định tính về hậu quả thiệt hại cho chủ sở hữu quyền, giá trị hàng hóa vi phạm, số tiền thu lợi bất chính. Các chế tài được quy định chủ đạo là phạt tù có thời hạn và phạt tiền đã bám vào mục đích của hình phạt và nguyên nhân thúc đẩy hành vi phạm tội được thực hiện. Sự ra đời của chế định TNHS của pháp nhân cũng đã thể hiện quyết tâm xử lý một cách nghiệm minh, toàn diện hơn các chủ thể vi phạm. Tuy vậy, một số vấn đề về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp còn được đặt ra khi tồn tại các dấu hiệu rất khó để xác định như “quy mô thương mại”, “hậu quả thiệt hại cho chủ sở hữu quyền”…, việc đánh giá mức phạt được quy định trong pháp luật hình sự hiện hành liệu đã đủ mạnh mẽ để xử lý tội phạm trên thực tế.

Nghiên cứu các ĐƯQT và pháp luật một số quốc gia trên thế giới cho thấy những điểm giống và khác biệt trong quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt đối với các tội xâm phạm SHTT so với pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành. Nghiên cứu cũng cho thấy, pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia nói chung có xu hướng tiệm cận lại với nhau. Vị trí của các tội phạm SHTT thể hiện rõ hơn, có tính tập hợp hơn trong toàn hệ thống quy định về tội phạm; phạm vi tội phạm hóa và hình sự hóa được nới rộng có sự quan tâm đặc biệt đến các kết quả phát triển mới của khoa học, công nghệ (những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển SHTT cũng như mặt trái của nó là tội phạm về SHTT). Tất nhiên, hệ quả của những điều trên là hậu quả pháp lý bất lợi (TNHS) đối với người/ pháp nhân phạm tội cũng có xu

hướng cứng rắn hơn. Tất cả những nội dung này không nằm ngoài mục tiêu tạo lập nên một hệ thống quy định pháp luật nhằm đấu tranh chống và phòng ngừa tội xâm phạm SHTT một cách hiệu quả nhất, bảo vệ tốt hơn quyền của chủ thể sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 4

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ CÁC YÊU CẦU, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN, BẢO ĐẢM ÁP DỤNG ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU TRÍ TUỆ


Các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ theo pháp luật hình sự Việt Nam - 16

4.1. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về các tội phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ

Tác giả nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm SHTT ở phạm vi thực tiễn định tội danh và quyết TNHS đối với các tội phạm này trong thời gian gần đây. Hoạt động định tội danh và quyết định TNHS (với nội dung cốt lõi là quyết định hình phạt) là hai hoạt động cơ bản, quan trọng nhất trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự (mà trực tiếp là BLHS) vào giải quyết các vụ án xâm phạm SHTT.

Trọng tâm của phần nghiên cứu này hướng vào hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt của Tòa án – cơ quan xét xử và cũng là chủ thể duy nhất ra các bản án với tư cách cơ sở pháp lý chính thức tuyên tội danh và hình phạt đối với người/ pháp nhân thương mại phạm tội. Chính vì vậy, các tài liệu, thông tin được sử dụng để nghiên cứu phần lớn là các bản án hình sự về các tội xâm phạm SHTT (có thể bao gồm cả các bản án hình sự về tội khác có liên quan) trong quãng thời gian từ năm 2010 đến năm 2020. Trước đó, luận án cũng đưa ra khái quát về tình hình các tội xâm phạm SHTT tại Việt Nam những năm gần đây thông qua những số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng có liên quan đến việc xử lý, giải quyết các tội xâm phạm SHTT nói riêng và vi phạm SHTT nói chung.

4.1.1. Khái quát tình hình các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ

Theo số liệu thống kê từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2010 đến năm 2020, trên cả nước có 47 vụ án hình sự với 53 bị can bị khởi tố, 24 vụ với 34 bị can bị Viện kiểm sát truy tố (xem bảng 1 phụ lục) về các tội xâm phạm SHTT mà tất cả đều về tội xâm phạm SHCN. Trung bình hàng năm có 4.3 vụ và 4.8 bị can bị khởi tố; 2.2 vụ và 3.1 bị can bị truy tố về các tội xâm phạm SHTT.

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao từ năm 2010 đến năm 2020, hệ thống Tòa án các cấp đã xét xử 21 vụ án với 30 bị cáo về các tội xâm phạm SHTT (xem bảng 2 phụ lục). Trung bình hàng năm có 1.9 vụ án với 2.7 bị cáo bị xét xử về các tội xâm phạm SHTT.

Đối chiếu những con số thống kê chính thức từ cơ quan có thẩm quyền về các vụ án, bị can/bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm SHTT có thể thấy, tỷ lệ này giảm dần qua các giai đoạn tiến hành tố tụng, cho thấy trong tương quan này, không ít vụ án xâm phạm SHTT được khởi tố, truy tố nhưng không được đưa ra xét xử.

Nghiên cứu diễn biến các tội xâm phạm SHTT cho thấy xu hướng tăng giảm không đồng đều theo các năm (xem biểu đồ 1 phụ lục): năm 2011 số vụ phạm tội giảm từ 01 vụ (năm 2010) xuống 0 vụ; các vụ án tăng trở lại theo các năm đỉnh điểm là 7 vụ vào năm 2014 rồi giảm dần, chạm mốc cực tiểu vào năm 2019 với 01 vụ nhưng có dấu hiệu tăng trở lại vào năm 2020 khi số vụ phạm tội lại lên 05 vụ.

Nếu phân loại các tội xâm phạm SHTT theo các lĩnh vực cụ thể: các tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, tội xâm phạm quyền SHCN, tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN, có thể thấy, cơ cấu của mỗi nhóm nhỏ này lại không đồng đều (xem bảng 3 phụ lục), phần lớn là tội xâm phạm quyền SHCN với 20 vụ án, tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN (hiện BLHS 2015 đã bỏ tội danh này) có 01 vụ án. Đặc biệt tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chưa ghi nhận xét xử hình sự một vụ án nào trong suốt 11 năm qua. Nhìn chung, cơ cấu này phản ánh sự chênh lệch rất lớn trong tỷ lệ xử lý các vụ phạm tội ở mỗi lĩnh vực: lĩnh vực bản quyền không có thực tế xét xử hình sự mà toàn bộ là lĩnh vực SHCN. Điều này rất đáng xem xét khi đối chiếu với thực tế những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội về vi phạm bản quyền nói chung.

Trong nghiên cứu thực tiễn xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm phạm SHTT (đặc biệt là tội xâm phạm quyền SHCN), có không ít trường hợp hành vi thực tế có yếu tố xâm phạm SHCN (chẳng hạn hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam) nhưng kèm theo đó là các dấu hiệu giả mạo về chất lượng, công dụng, tiêu chuẩn kỹ thuật được Tòa án xét xử về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Chính vì vậy, khi rà soát số liệu thống kê các vụ án đã được xét xử trên thực tế, tác giả cũng khảo sát tương quan các tội xâm phạm SHTT với các tội phạm về hàng giả. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trung bình các tội xâm phạm SHTT so với các tội phạm về hàng giả trên địa bàn cả nước trong 11 năm từ 2010 đến 2020 chỉ chiếm 1.75% số vụ và 1.15% số người phạm tội. Có thể nói đây là một tỷ lệ khá thấp (xem bảng 4 phụ lục). Nếu xét ở nghĩa rộng những hành vi có yếu tố xâm phạm SHCN có thể cấu thành tội phạm (bao gồm cả tội xâm phạm quyền SHCN và

các tội phạm về hàng giả), tỷ lệ này có thể tăng lên đáng kể. Nói cách khác, nếu chỉ xét dựa trên dấu hiệu có yếu tố xâm phạm SHTT thì số vụ phạm tội trên thực tế sẽ lớn hơn nhiều số liệu thống kê tại bảng 2.

So sánh tương quan các tội xâm phạm SHTT với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế qua số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao (xem bảng 5 phụ lục) cho thấy: trước hết, số vụ án và bị cáo thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong 11 năm qua có xu hướng tăng giảm không đồng đều, cụ thể, số vụ án tăng dần từ năm 2010 (803 vụ) đến năm 2015 (1189 vụ) rồi giảm dần đến năm 2017 (681 vụ) sau đó tăng trở lại đỉnh điểm là năm 2019 (1952 vụ). Mặc dù cũng có quy luật tăng giảm khác nhau nhưng vòng quy luật này có biên độ rộng hơn so với các tội xâm phạm SHTT. Nếu so sánh số liệu thống kê tổng số vụ án xâm phạm SHTT với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tỷ lệ này rất nhỏ, cao nhất chỉ rơi vào khoảng 0.43% trên tổng số các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế vào năm 2014. Đánh giá trong sự tương quan với tình hình toàn bộ tội phạm tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, tỷ lệ này thực sự không đáng kể (xem bảng 6 phụ lục).

Có thể nói, con số thống kê và những kết quả tính toán phía trên chưa bao quát toàn bộ về thực trạng (mức độ) của tình hình các tội xâm phạm SHTT vì chưa bao gồm những vụ án không khởi tố do không có yêu cầu của người bị hại, các bên đã thỏa thuận với nhau được về vấn đề bồi thường thiệt hại, bị đình chỉ tại các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc những vụ án chưa đủ điều kiện đưa ra xét xử, những trường hợp tội phạm ẩn khác do chưa được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố. Nếu so sánh với các vi phạm về SHTT được xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính sẽ thấy ngay sự khác biệt, chẳng hạn:

- Về biện pháp xử phạt vi phạm hành chính:

+ Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ, chỉ riêng vi phạm hành chính về nhãn hiệu trong 11 năm từ năm 2010 đến năm 2020 đã có 21.280 vụ với tổng số tiền phạt là 167.731.355.000 đồng (xem bảng 7 phụ lục);

+ Theo Thống kê từ Thanh tra ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ trong ba năm 2012 đến 2015 đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 386 tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, phạt tiền 384 trường hợp với tổng tiền phạt trên 9 tỷ đồng. [8]

- Về biện pháp dân sự: Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, Từ 01/7/2006 đến 30/9/2016, các Tòa đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 182 vụ án dân

sự liên quan đến SHTT (trong đó có 158 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 10 vụ tranh chấp về quyền SHCN), đã giải quyết 174 vụ.

Một vài số liệu trên đây đã phần nào cho thấy, tỷ lệ xử lý các vi phạm về SHTT bằng biện pháp hình sự là rất nhỏ so với con số xử lý về vi phạm hành chính, tranh chấp dân sự.

Nghiên cứu số liệu phản ánh thực trạng áp dụng TNHS trong các tội xâm phạm SHTT đã xét xử giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 cho thấy:

- Đối với tội xâm phạm SHCN (xem bảng 8 phụ lục): Tất cả các tội phạm đã xét xử đều xác định bị cáo có tội; không có trường hợp nào miễn TNHS hoặc miễn hình phạt. Trong số đó, các hình phạt chính được áp dụng bao gồm: phạt tiền (14 bị cáo); hình phạt cải tạo không giam giữ (03 bị cáo); phạt tù từ 3 năm trở xuống (04 bị cáo) và phạt tù nhưng được hưởng án treo (07 bị cáo). Ngoài ra có 01 bị cáo bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Số liệu này cho thấy, các biện pháp TNHS chủ yếu là phạt tiền và phạt tù nhưng cho hưởng án treo; số lượng bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo cũng xấp xỉ với số bị cáo phải chấp hành án phạt tù trong cơ sở giam giữ.

- Đối với tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN (01 vụ án): Mức phạt tù trong khoảng từ trên 3 năm đến 7 năm tù.

Như vậy, bằng các phương pháp thống kê, phân tích, so sánh cho thấy tình hình các tội xâm phạm SHTT những năm qua nhìn chung có xu hướng tăng giảm xen kẽ nhau; các chế tài cũng nằm ở mức khá thấp. Điều này một phần cho thấy hiệu quả các biện pháp đấu tranh chống và phòng ngừa các tội phạm này chưa cao.

4.1.2. Thực tiễn định tội danh và quyết định trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Khảo sát các bản án về tội xâm phạm quyền SHCN cũng như một số bản án khác có dấu hiệu xâm phạm quyền SHCN cho thấy, về cơ bản, người tiến hành tố tụng nắm được những vấn đề lý luận về định tội danh và quyết định hình phạt; thực hiện tương đối tốt hoạt động này nên đa số các vụ án xét xử, việc định tội danh được thực hiện đảm bảo đúng người, đúng tội, các loại và hình phạt được áp dụng phù hợp với quy định hiện hành. Với thống kê chính thức số lượng án xét xử về tội xâm phạm quyền SHCN rất ít và việc quyết định hình phạt hầu như đều thuộc các trường hợp thông thường; không ghi nhận trường hợp miễn TNHS, miễn hình phạt. Việc có kháng cáo, kháng nghị trên thực tế đối với những tội phạm này chủ yếu là nguyện vọng từ phía người phạm tội xin được giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được

hưởng án treo. Vì vậy, trong phần này, tác giả tập trung làm sáng tỏ các yếu tố của việc định tội danh. Đối với nghiên cứu thực tiễn quyết định TNHS sẽ tập trung vào thực tiễn áp dụng các điều kiện truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại.

Thông qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy những vấn đề tồn tại trong thực việc định tội danh và quyết định TNHS đối với tội xâm phạm quyền SHCN như sau:

Thứ nhất, trong xác định dấu hiệu định tội còn có những điểm chưa thống nhất, khó xác định, cụ thể:

*Một là, không thống nhất trong xác định đối tượng tác động.

Nghiên cứu thực tiễn xét xử tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) (thuộc nhóm các tội xâm phạm SHTT) cho thấy tồn tại những hạn chế trong việc xác định đối tượng tác động của tội phạm. Hạn chế này bắt nguồn từ sự tương đồng nhất định giữa khái niệm “hàng giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý” (thuộc loại hàng giả mạo về SHTT) – đối tượng hàng hóa vi phạm của tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 226 BLHS năm 2015) với khái niệm “hàng giả” trong các tội phạm về hàng giả (Điều 192 đến Điều 195 BLHS năm 2015).

Như đã phân tích tại Chương 3 khi phân biệt các tội phạm về hàng giả và tội xâm phạm quyền SHCN, “hàng giả” trong các tội phạm về hàng giả là hàng hóa có dấu hiệu giả về nội dung (tính chất, chất lượng, giá trị sử dụng, công dụng, đặc tính kỹ thuật, hàm lượng hoạt chất,…). Và hàng hóa vi phạm trong tội xâm phạm quyền SHCN là hàng giả mạo về hình thức (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam).

Thực tiễn lại cho thấy không ít trường hợp hàng hóa vi phạm có dấu hiệu giả nội dung lẫn hình thức (xét trong trường hợp có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý). Có một sự đồng thuận không nhỏ trong các quan điểm khoa học luận bàn đến vấn đề này như sau: Chỉ cần có dấu hiệu hàng hóa vi phạm giả về nội dung thì TNHS sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định các tội sản xuất, buôn bán hàng giả (bất kể có kèm theo dấu hiệu giả về hình thức hay không). Trường hợp dấu hiệu hàng hóa vi phạm chỉ giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý (hàng hóa chỉ giả về hình thức), TNHS sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định về tội xâm phạm quyền SHCN. [99, tr. 281] [21, tr. 364 – 365] Do đó, việc trong quá trình chứng minh tội phạm, việc giám định phải được kết luận được yếu tố “giả” của hàng hóa vi phạm trên cả phương diện nội dung và hình thức. Đối chiếu với yêu cầu này, kết quả định tội trong một số bản án cho thấy:

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 11/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí