Giới Hạn Quyền Lực Nhà Nước Bằng Hiến Pháp Và Pháp Luật


Hai là, xuất phát từ bản tính con người là “vị kỉ” và đam mê quyền lực

Với bản tính vị kỉ, con người sẽ có xu hướng sử dụng quyền lực được giao phó để thỏa mãn những mong muốn, dục vọng của mình và làm tổn hại đến lợi ích chung của cộng đồng, gây nên tình trạng xung đột, mâu thuẫn về lợi ích trong xã hội. “Mọi người, như một quy luật, đều là những quan tòa không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến quyền lợi riêng tư của mình” [4, tr.170].

Thomas Hobbes trong tác phẩm Leviathan cũng miêu tả con người như một thực thể có sẵn bản tính vị kỉ, luôn tìm cách để thỏa mãn các dục vọng của mình trước hết là bản tính căn bản của con người, bản tính vị kỉ là nguyên nhân dẫn đến những cuộc xung đột triền miên trong lịch sử xã hội loài người. “Tinh thần vị kỉ trong loài người, một khát vọng không ngừng đối với quyền lực, điều này chỉ mất đi khi con người không còn nữa” [121, p.161].

Ở một khía cạnh khác, sự kiểm soát quyền lực nhà cần thiết vì con người luôn có bản tính đam mê quyền lực. Vì đam mê quyền lực nên khi nắm quyền trong tay con người dễ lạm quyền, dễ dẫn đến chuyên quyền, độc tài, độc đoán trong thực thi quyền lực. Bất cứ ai có quyền đều có xu hướng lạm quyền và họ cứ sử dụng quyền đến khi nào gặp phải giới hạn.

Đam mê quyền lực khiến cho con người sử dụng quyền lực vượt quá giới hạn cho phép, làm biến dạng quyền lực, nguyên nhân là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, hậu quả là gây thiệt hại cho lợi ích của xã hội và tự do của con người. Và “khi một nhóm người nào to phình lên trùm lợp tất cả các nhóm khác, ta sẽ không có được tổng số của nhiều sự khác biệt nhỏ, mà chỉ có một sự khác biệt duy nhất, lúc đó sẽ không còn ý chí chung nữa, và ý kiến quyết định chỉ là ý chí riêng” [76, tr.85].

Ba là, xuất phát từ tính chất của quyền lực nhà nước là độc quyền cưỡng chế

Nhà nước được nhân dân ủy quyền để thực hiện chức năng quản lý xã hội, và để đưa xã hội đi vào kỉ cương, nề nếp, nó sử dụng pháp luật và hệ thống công cụ bạo lực mang tính cưỡng chế. Tính độc quyền cưỡng chế này được nhân dân thừa nhận là hợp pháp và tuân thủ. Điều này khiến cho nhà nước có trong tay một sức mạnh to lớn mà không một tổ chức nào sánh được, nếu sức mạnh này được sử dụng


đúng đắn, hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả tốt cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nếu nhà nước sử dụng quyền lực của mình không hợp lý, nó sẽ gây ra tai họa khôn lường cho xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo về những hậu quả do việc sử dụng hệ thống quyền lực cưỡng chế không hợp lý mang lại:

“Một nhà nước hoạt động có hiệu quả có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Nhưng chẳng có đảm bảo nào cho rằng mọi can thiệp của nhà nước đều sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Độc quyền của nhà nước về cưỡng chế, cái mang lại cho nhà nước quyền can thiệp một cách có hiệu lực vào hoạt động kinh tế cũng mang lại cho nhà nước quyền can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền. Quyền lực này, cộng với việc thâm nhập nguồn thông tin, mà dân chúng bình thường không có được, tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè hoặc đồng minh của họ, làm thiệt hại cho lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng là rất lớn. Do đó, các nước phải cố gắng thiết lập và nuôi dưỡng những cơ chế mang lại cho các cơ quan nhà nước sự mềm dẻo và sự khuyến khích để hoạt động vì lợi ích chung, đồng thời kiềm chế những hành vi độc đoán tham nhũng trong cách cư xử với doanh nghiệp và công dân.” [58, tr.121].

Các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay - 6

Vì sở hữu sức mạnh độc quyền cưỡng chế nên quyền lực nhà nước có nguy cơ trở thành lực lượng thống trị lại xã hội, hình thành các chế độ độc tài. Nói cách khác là “ý chí riêng thường hay tác động ngược lại ý chí chung, cho nên chính phủ cũng thường hay có ý hướng làm trái với quyền lực tối cao của dân chúng” [76, tr.163]. Do đó cần thiết phải xây dựng những cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để hạn chế những tác động tiêu cực do tính độc quyền cưỡng chế của nhà nước mang lại.

Bốn là, xuất phát từ sự giới hạn về trí tuệ của con người

Khả năng nhận thức của con người là vô hạn, tuy nhiên, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định, ở những con người xác định, năng lực nhận thức là hữu hạn, con người luôn có giới hạn về trí tuệ và có thể mắc phải sai lầm trong nhận thức và


hoạt động thực tiễn, “Loài người không thể là thánh thần không bao giờ sai, chân lý của họ phần nhiều chỉ là chân lý một nửa.” [51, tr.130-131].

Ngay bản thân những cá nhân được lựa chọn để nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước, mặc dù có thể có những ưu thế vượt trội, trí tuệ hơn người, nhưng cũng như quy luật chung, khả năng mắc sai lầm có thể xảy ra. Thậm chí họ còn “hay phạm điều dốt nát và lầm lẫn như tất cả những trí tuệ hữu hạn, có khi họ còn đánh mất cả những kiến thức đơn sơ của mình nữa kia” [55, tr.40]. Nếu như một người bình thường phạm sai lầm, anh ta sẽ phải trả giá, nhưng những người nắm trong tay quyền lực nhà nước phạm sai lầm, có thể khiến cho cả xã hội phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng. Thực tiễn lịch sử đã từng chứng kiến nhiều trường hợp quyền lực nhà nước bị các cá nhân lạm dụng, ra các quyết định sai lầm khiến nhân loại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, con người còn là “một thực thể biết cảm xúc, họ bị lôi cuốn theo hàng ngàn thứ dục vọng” [55, tr.40] nên có khả năng ra các quyết định sai lầm. Do đó, “thế giới trí tuệ cũng phải được cai quản tốt như thế giới vật lý… Đó là vì những cá nhân thông minh đều bị hạn chế theo bản chất của họ, do đó họ hay phạm sai lầm. Mặt khác, theo bản chất, họ cứ tự mình hành động, họ không nhất quán tuân theo các luật nguyên thủy, và ngay cả những luật lệ do họ đặt ra họ cũng chẳng luôn tuân thủ” [55, tr.40].

Từ sự phân tích trên cho thấy kiểm soát quyền lực nhà nước là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không hề đơn giản, làm thế nào để có thể vừa kiểm soát được quyền lực nhà nước, vừa đảm bảo tính “mềm dẻo” để thực thi quyền lực có hiệu quả vẫn đang là bài toán nan giải cho các quốc gia.

2.1.3. Các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước

2.1.3.1. Giới hạn quyền lực nhà nước bằng hiến pháp và pháp luật

Cơ sở của giới hạn quyền lực nhà nước bằng hiến pháp xuất phát từ nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhân dân ủy quyền cho những người đại diện để tạo ra nhà nước nhưng nhân dân không trao tất cả các quyền cho nhà nước, họ chỉ ủy một phần quyền theo những điều khoản được ghi nhận trong


“khế ước xã hội”, nhà nước chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ những giao ước được kí kết. Cho dù “quyền của cơ quan tối cao đều là tuyệt đối, là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, cũng không và không thể vượt qua giới hạn của các công ước tổng quát” [76, tr.89-90].

Tuy nhiên, trên thực thế, nhà nước cùng với các quan chức của nó luôn có xu hướng lạm quyền, vượt quá những giới hạn đã ký kết, thậm chí đi ngược lại với thỏa thuận ban đầu và gây thiệt hại cho lợi ích chung. Do đó, “trong tất cả các vấn đề về quyền lực, đừng nói thêm gì nữa về lòng tin vào đức tính tốt của con người, mà phải trói anh ta bằng sợ dây xích của Hiến pháp để anh ta không còn làm được những điều ác” [23, tr.115].

Trong xã hội dân chủ, hiến pháp được xác định là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, hình thành từ sự thỏa thuận của nhân dân với nhà nước. Nguyên lý kiểm soát quyền lực nhà nước bằng hiến pháp là nhà nước chỉ được làm những gì mà hiến pháp cho phép. Nếu nhà nước vượt quá giới hạn đã được xác định, nhân dân có quyền lật đổ nhà nước đó và thay thế bằng một nhà nước khác, nói cách khác “nếu Chính phủ là hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” [53, tr.75].

Hình thức, nội dung, thủ tục lập hiến ở các quốc gia có thể khác nhau, nhưng nhìn chung hiến pháp được nhấn mạnh như là một văn bản kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách: 1) Giới hạn phạm vi quyền lực của nhà nước, và 2) Quy định các quyền tự do cơ bản của con người mà nhà nước không được xâm phạm.

Thứ nhất, hiến pháp giới hạn phạm vi quyền lực nhà nước. Hiến pháp xác lập những nguyên tắc cơ bản của chế độ chính trị của một quốc gia; quy định khung khổ pháp lý cho việc thiết lập các cơ quan nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và công chức nhà nước; nguyên tắc vận hành, cơ chế hoạt động của các cơ quan quyền lực; cơ chế bãi miễn để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân,... Với một hệ thống các quy định, quy trình được định sẵn, hiến pháp đặt nhà nước vào một khuôn khổ nhất định, vận hành theo những nguyên tắc và hướng đến những mục tiêu xác định, điều đó có nghĩa là quyền lực nhà nước đã bị kiểm soát.

Thứ hai, hiến pháp quy định các quyền tự do cơ bản của con người mà nhà


nước không được xâm phạm. Việc ghi nhận quyền con người trong hiến pháp, trước hết là nhằm đảm bảo các quyền tự nhiên, vốn có của con người có thể thực hiện và ngăn ngừa sự vi phạm từ các thế lực khác, đặc biệt là từ phía nhà nước, vì “nhân quyền,…trước tiên phải được đảm bảo bằng nhà nước. Đồng thời, nhà nước cũng là một trong những nơi tiềm ẩn mối nguy hiểm nhất cho sự vi phạm nhân quyền” [23, tr.117]. Hiến pháp còn quy định các quyền chính trị pháp lý để nhân dân tham gia vào công việc của nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước như: quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân, quyền bãi miễn đại biểu,…

Như vậy, “hiến pháp có thể được định nghĩa như là một văn bản kiểm soát quyền lực nhà nước, hay nói chính xác hơn là công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước” [23, tr.118]. Vấn đề đặt ra là, việc xây dựng hiến pháp phải đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, tiến bộ, có thể giới hạn quyền lực nhà nước cũng như bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hơn nữa, phải đảm bảo hiến pháp được thi hành và phát huy hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước trong thực tiễn.

2.1.3.2. Phương thức kiểm soát quyền lực từ bên trong bộ máy nhà nước

Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong là sự kiểm soát của các chủ thể quyền lực nhà nước. Mục đích là tìm kiếm một phương thức hữu hiệu để các cơ quan trong bộ máy nhà nước có thể chế ước, kiềm chế, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau. Lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của lý thuyết phân quyền. Hầu hết các nhà tư tưởng của lý thuyết phân quyền đều cho rằng để kiểm soát được quyền lực nhà nước cần phải:

“Thứ nhất, đó là sự phân bổ quyền lực chính quyền giữa các nhánh riêng rẽ của chính quyền; thứ hai, đó là sự phân chia chính quyền theo một cách thức sao cho chức năng của một nhánh quyền lực trong một vấn đề cụ thể, bị kiểm soát bởi chức năng của một nhánh khác có thẩm quyền về cùng một vấn đề ấy hoặc một vấn đề khác có liên quan. Được gọi là “các biện pháp kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau”. Đây là một hệ thống nằm


ngay bên trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền.” [23, tr. 270-271].

Thứ nhất, phân chia quyền lực nhà nước thành nhiều bộ phận và giao cho các cơ quan khác nhau nắm giữ

Một trong những yêu cầu để quyền lực nhà nước được thực thi là phải tập trung đủ mức, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lực nhà nước được thực thi đúng mục đích và có hiệu quả thì sau khi được nhân dân ủy quyền nên phân chia quyền lực nhà nước thành các bộ phận: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời, giao cho các cơ quan khác nhau nắm giữ: quyền lập pháp thuộc về cơ quan dân cử (Quốc hội, Nghị viện); quyền hành pháp giao cho Chính phủ; quyền tư pháp thuộc về Tòa án với tư cách là một cơ quan có sự độc lập cao so với hai cơ quan còn lại để thực hiện chức năng bảo vệ công lý.

Mục đích của việc phân chia quyền lực thành các bộ phận khác nhau là đảm bảo tính chuyên môn hóa, tính hiệu quả trong thực thi quyền lực. Đồng thời, xác định rò quyền hạn và trách nhiệm của mỗi nhánh quyền lực. Sự giới hạn đó sẽ góp phần hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình thực thi quyền lực và quan trọng hơn là hạn chế được tình trạng lạm quyền dẫn đến chế độ độc tài. Bởi vì:

“Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện nguyên lão, thì sẽ không còn gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông vua hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán đối với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba thứ quyền nói trên thì tất cả sẽ mất hết.” [55, tr.106].

Như vậy, tiền đề để thực hiện sự kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong là phải phân chia, tách bạch các lĩnh vực của quyền lực nhà nước. Mặc dù sự phân


chia này chưa thể hiện rò cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước nhưng bản thân nó đã chứa đựng yếu tố kiểm soát quyền lực, đặt các nhánh quyền lực nhà nước trong một giới hạn nhất định để ngăn chặn nguy cơ lạm quyền.

Thứ hai, tạo ra cơ chế kiềm chế, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau giữ các nhánh quyền lực

Trên cơ sở quyền lực được phân chia, phải tạo cơ chế để các nhánh quyền lực vừa thực thi tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao vừa có thể kiềm chế, đối trọng, kiểm soát nhằm ngăn chặn khả năng lạm quyền của các nhánh quyền lực còn lại. Phương thức này được gọi là dùng quyền lực để chế định quyền lực, hay còn gọi là cơ chế “kiểm soát và cân bằng quyền lực” (checks and balances) bên trong bộ máy nhà nước. Cụ thể:

Lập pháp ban hành luật, đồng thời thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực đối với hoạt động của cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Sự kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp được thực hiện thông qua: thanh tra Quốc hội; hoạt động chất vấn chính phủ; điều tra, điều trần trong các kỳ họp Quốc hội; giám sát các văn bản và các báo cáo trình Quốc hội; các đoàn giám sát của Quốc hội; bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các quan chức Chính phủ; luận tội và giám sát tư pháp;… Mục đích là nhằm ngăn ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực của các nhánh quyền lực còn lại, có sự điều chỉnh kịp thời nhằm bảo vệ hiến pháp, pháp luật và các quyền tự do cơ bản của công dân.

Hành pháp tổ chức thực thi pháp luật, đồng thời kiềm chế, ngăn chặn các dự định tùy tiện của cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp. Phương thức kiểm soát quyền lực của hành pháp với các nhánh còn lại cũng khá đa dạng như: phê chuẩn hoặc phủ quyết các dự luật do Quốc hội thông qua; bổ nhiệm nhân sự cho nhánh tư pháp; chống tham nhũng; quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động của cơ quan lập pháp và tư pháp; trình các dự luật cho Quốc hội; quyền kiểm soát quân đội;… Mục đích chủ yếu là ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra, tạo sức ép buộc các nhánh quyền lực còn lại, đặc biệt là nhánh lập pháp phải cẩn trọng hơn trong quá trình thực thi quyền lực, góp phần phát hiện, ngăn chặn, xử lí các sai phạm để đảm bảo


quyền lực được thực thi đúng mục đích và có hiệu quả.

Tư pháp bảo vệ pháp luật, xét xử đối với bất kỳ cá nhân nào của nhánh lập pháp và tư pháp nếu họ vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật và các quyền, lợi ích cơ bản của công dân. Ngoài ra, cơ quan tư pháp còn có thể tác động đến lập pháp và hành pháp bằng việc tuyên bố một đạo luật nào đó là vi hiến; giải thích hiến pháp, pháp luật; đưa ra phán quyết về hành vi của chủ thể nào đó trong bộ máy nhà nước là hợp hiến hoặc không hợp hiến;…

Như đã phân tích ở trên, điều quan trọng trong cơ chế kiềm chế, đối trọng và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước là ở chỗ ba cơ quan quyền lực nhà nước trong lúc thực thi quyền lực của mình, không thể đồng thời thực thi quyền lực của cơ quan khác. Cơ quan lập pháp không thể làm thay chức năng của hành pháp, tư pháp và ngược lại.

2.1.3.3. Các phương thức kiểm soát quyền lực từ bên ngoài nhà nước

Một là, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử theo nhiệm kỳ

Trong xã hội hiện đại, bầu cử là quyền chính trị quan trọng của nhân dân. Thông qua bầu cử, nhân dân lựa chọn, thực hiện sự ủy quyền có điều kiện và có thời hạn cho các đại biểu để họ thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Bầu cử là quá trình chuyển giao quyền lực từ nhân dân sang bộ máy nhà nước, là phương thức để thực hiện ý chí của nhân dân, và là căn cứ để xác định tính chính đáng của các cơ quan quyền lực nhà nước. Ngoài ra, bầu cử còn được xem là một phương thức để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn sự tha hóa quyền lực và khuynh hướng lạm quyền của các cơ quan nhà nước.

Trước hết, thông qua bầu cử, nhân dân được quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thực hiện sự ủy quyền để thay mặt nhân dân thực hiện các công việc của nhà nước. Chính vì được nhân dân đặt niềm tin nên những người được ủy quyền ít nhiều phải có trách nhiệm trước nhân dân, có ý thức trong việc hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân giao phó. Sự tự ý thức về trách nhiệm của mình trước nhân dân là một trong những biểu hiện của việc kiểm soát quyền lực nhà nước, là tự kiểm soát thông

Xem tất cả 195 trang.

Ngày đăng: 11/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí