nhân dân, phát động các phong trào ủng hộ hoặc phản đối các chính sách của chính phủ. Chẳng hạn, các nhóm lợi ích của người nghèo và công đoàn ở Mỹ đã sử dụng sức mạnh của truyền thông tác động đến cử tri, đến Quốc hội để chuẩn chi cho chương trình An sinh xã hội của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993.
Thứ hai, các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động tư vấn, phản biện chính sách của các chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu chính sách (think tank)
Các tổ chức chính trị - xã hội thu hút sự tham gia của một số lượng lớn chuyên gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều nhóm lợi ích còn có các tổ chức nghiên cứu chính sách (think tank). Đây là những công cụ hữu hiệu để các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tư vấn, phản biện chính sách của nhà nước.
Ở các nước tư bản phát triển, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhóm lợi ích ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động phản biện chính sách, đồng thời là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, thực hiện, giám sát và hỗ trợ chính phủ trong triển khai chính sách công. Các tổ chức này trở thành một trong ba trụ cột cơ bản của chu trình chính sách công.
Hình 2.2: Mô hình tam giác quyền lực trong hoạch định chính sách [114, p.3]
Để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng đội ngũ chuyên gia của mình tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đo lường,… các chính sách của nhà nước, qua đó, cung cấp thêm cơ sở để các nhà hoạch định tham khảo, lựa chọn. Thậm chí, các chuyên gia còn có thể được mời trình bày trước quốc hội về các công trình nghiên cứu và quan điểm của mình.
Từ giữa thế kỷ XX, các tổ chức tư vấn, nghiên cứu chính sách (think tank) xuất hiện đã làm gia tăng đáng kể tính tham gia, tính chuyên môn hóa và tính minh bạch của quá trình hoạch định chính sách. Think tank được hiểu là các tổ chức tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao,... có chức năng nghiên cứu, tư vấn, phản biện và đề xuất các chính sách. Với sự xuất hiện của các think tank, việc nghiên cứu chính sách được thực hiện ở quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và được tiến hành bởi những chuyên gia có uy tín, kết quả nghiên cứu thường được công bố trên các ấn phẩm, các phương tiện truyền thông nhằm tranh thủ sự ủng hộ của công chúng, thu hút sự chú ý của lãnh đạo quốc gia.
Có thể bạn quan tâm!
- Giới Hạn Quyền Lực Nhà Nước Bằng Hiến Pháp Và Pháp Luật
- Quan Niệm Về Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội
- Vai Trò Của Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Trong Kiểm Soát Quyền Lực Nhà Nước
- Kiểm Soát Quyền Lực Nhà Nước Của Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Ở Một Số Nước Trên Thế Giới
- Kiểm Soát Quyền Lực Nhà Nước Của Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Ở Trung Quốc
- Chức Năng, Nhiệm Vụ Của Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.
Think tank ngày càng trở thành công cụ hữu hiệu để các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quá trình chính sách và kiểm soát quyền lực nhà nước. Bằng tiếng nói của những chuyên gia có uy tín, các tổ chức chính trị - xã hội có thể thúc đẩy sự ra đời của các chính sách có lợi cho mình; ngăn chặn, hủy bỏ những chính sách đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội; góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách của chính phủ theo hướng phục vụ lợi ích công; đồng thời, thông qua hoạt động trao đổi, tư vấn, phản biện hai chiều làm tăng trách nhiệm giải trình của chính phủ, minh bạch hóa quá trình hoạch định và thực thi chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà nước theo xu hướng “chính phủ nhỏ, xã hội lớn”.
Thứ ba, các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát quyền lực nhà nước bằng vận động hành lang, gây áp lực
Ở các nước tư bản phát triển, quá trình hoạch định và thực thi chính sách chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hoạt động vận động hành lang, mà chủ thể thực hiện các hoạt động này chính là các nhóm lợi ích, các tổ chức chính trị - xã hội. Vận động hành lang được hiểu là những hoạt động có tính hệ thống nhằm tiếp cận, thuyết phục, gây ảnh hưởng, tác động đến quá trình ra quyết định của các quan chức và cơ quan nhà nước để họ ủng hộ hoặc không ủng hộ những chính sách, dự luật có liên quan đến lợi ích của các nhóm lợi ích hoặc của cá nhân.
Các tổ chức chính trị - xã hội thường sử dụng các chuyên gia, các nhóm áp lực
hay các UB hành động chính trị (PAC) để thực hiện hoạt động vận động hành lang. Hoạt động này được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như: gặp gỡ trực tiếp; liên lạc thông qua email, điện thoại; tổ chức hội thảo; tạo áp lực công khai trên các các phương tiện truyền thông đại chúng; tạo sức ép từ công luận;… Thông qua vận động hành lang, các tổ chức chính trị - xã hội tác động đến quá trình lập pháp nhằm thúc đẩy hoặc ngăn chặn việc ban hành các đạo luật; tác động đến cơ quan hành pháp nhằm thúc đẩy sự ra đời của các chính sách có lợi, tìm kiếm sự ủng hộ của các quan chức; tác động đến cơ quan tư pháp để có được những phán xét, quyết định bảo vệ quyền lợi cho tổ chức của mình.
Vận động hành lang của các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền chính trị hiện đại, là công cụ để các tổ chức này bảo vệ lợi ích và kiểm soát nhà nước; góp phần thắt chặt cầu nối giữa xã hội và nhà nước; tạo điều kiện để các nhóm lợi ích tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của nhà nước; đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa đời sống xã hội vì “các nhóm lợi ích vận động chính quyền cho những lợi ích của họ chính là biểu hiện của nền dân chủ tự do”. Vì vậy, cho đến nay, nhiều quốc gia đã ban hành luật về vận động hành lang, một mặt, tạo ra một kênh hợp pháp chuyển tải ý chí xã hội đến chính quyền, mặt khác minh bạch hóa hoạt động này, nhằm phòng, chống tham nhũng.
Thứ tư, các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc biểu thị quan điểm, thái độ tập thể bằng hình thức gây áp lực (biểu tình hòa bình, đình công, bãi công hợp pháp…)
Ngoài các phương thức tác động nêu trên, việc tổ chức đình công, biểu tình được các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng để tạo sức ép lên chính quyền, thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề mà họ quan tâm. Pháp luật của nhiều quốc gia xem hội họp, biểu tình là quyền của công dân, do đó, các nhóm lợi ích thường vận động các thành viên trong tổ chức mình xuống đường để biểu thị sự ủng hộ hoặc phản đối một chính sách nào đó của chính phủ mà việc sử dụng các công cụ khác chưa giúp đạt được mục tiêu đề ra.
Phương thức này được sử dụng khá phổ biến ở Pháp, các tổ chức nghiệp đoàn
ở nước này thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành nhằm gây sức ép lên chính phủ. Chẳng hạn, các tổ chức nghiệp đoàn tổ chức biểu tình để phản đối dự luật cải tổ luật lao động do bà bộ trưởng bộ lao động (Myriam El Khomri) đưa ra ngày 18/2/2016, thu hút sự tham gia của hơn 500.000 người. Từ cuối năm 2017 đến nay, hàng nghìn cuộc biểu tình được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người nhằm phản đối chính sách tăng giá xăng dầu của chính phủ Pháp.
Thông qua việc tổ chức đình công, biểu tình, tuần hành, các tổ chức chính trị - xã hội có thể góp phần ngăn chặn những sai lầm của nhà nước, hạn chế sự xâm phạm quyền con người, quyền công dân từ phía nhà nước. Tuy nhiên, việc lạm dụng phương thức này có thể gây nên những xáo trộn xã hội, thậm chí, được sử dụng để vệ lợi ích của một vài nhóm thiểu số, cản trở những cải cách vì sự tiến bộ, phát triển của xã hội.
2.2.4. Hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội
2.2.4.1. Quan niệm về hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội
Hiệu quả là “kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại” [105, tr.440], là “kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người chờ đợi và hướng tới” [42, tr.289]. “Ở những lĩnh vực khác nhau, hiệu quả cũng được biểu hiện khác nhau. Trong kinh doanh, hiệu quả kinh tế là lãi suất, lợi nhuận thu được; trong lao động, hiệu quả là năng suất lao động; trong giải quyết những vấn đề chính trị, xã hội, hiệu quả chủ yếu được hiểu là có những tác dụng tích cực đối với một lĩnh vực xã hội, đối với sự phát triển của lĩnh vực đó, mức độ đạt được mục tiêu đặt ra” [42, tr.289].
Ở một góc độ khác, hiệu quả còn được hiểu là mức độ kết quả thu được so với chi phí bỏ ra, là “khả năng tối đa hóa tổng lợi ích và tối thiểu hóa tổng chi phí xã hội”, là sự so sánh giữa các chi phí đầu tư với các giá trị của đầu ra. Không phải bất kì trường hợp nào việc xác định tương quan giữa kết quả đạt được và chi phí bỏ ra cũng phản ánh thực chất hiệu quả hoạt động. Hơn nữa, đối với các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, việc xác định mối tương quan này về mặt định lượng là khả thi, nhưng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội những yếu tố đầu vào, đầu ra chủ yếu được
thể hiện một cách định tính nên việc đo lường, so sánh sẽ gặp phải nhiều khó khăn.
Như vậy, hiệu quả được hiểu ở hai góc độ:
- Là kết quả thực tế đạt được so với yêu cầu đặt ra thông qua việc thực hiện các hoạt động cụ thể.
- Là kết quả thu được trong quan hệ so sánh với chi phí bỏ ra để thực hiện các hoạt động cụ thể.
Trên cơ sở quan niệm về hiệu quả, có thể thấy hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội là những kết quả thực tế đạt được từ các phát hiện, kiến nghị, đề xuất sau kiểm soát của các tổ chức chính trị - xã hội trong mối quan hệ tương quan với mục tiêu được xác định và tổng chi phí bỏ ra để thực hiện các hoạt động kiểm soát.
2.2.4.2. Các tiêu chí đo lường hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội
Đo lường hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên các tiêu chí định tính và định lượng. Tiêu chí định lượng có thể xác định thông qua số lượng những phát hiện, kiến nghị, đề xuất được tiếp thu và các kết quả cụ thể trên thực tế bao gồm những thay đổi chính sách và các chuyển biến về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội do hoạt động kiểm soát quyền lực mang lại. Tiêu chí định tính rất đa dạng, có thể là những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức của chủ thể, đối tượng kiểm soát và người dân; khả năng phòng ngừa, ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra; cho đến việc mở rộng quyền làm chủ của nhân dân và nâng cao sự minh bạch của chính quyền;…
Tiêu chí 1: Hiệu lực pháp lý của các kiến nghị, đề xuất sau kiểm soát của các tổ chức chính trị - xã hội. Tiêu chí này được cụ thể hóa trên các khía cạnh:
- Những phát hiện, kiến nghị, đề xuất được đưa ra trên cơ sở thu thập, phân tích và đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan các thông tin, tài liệu, chứng cứ.
- Các kiến nghị, đề xuất và phương án giải quyết được đưa ra bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện, phù hợp với thực trạng hoạt động của đối tượng
giám sát và các quy định của pháp luật.
- Mức độ tiếp thu, phản hồi của đối tượng giám sát và các cơ quan chức năng đối với các kiến nghị, đề xuất sau kiểm soát của các tổ chức chính trị - xã hội.
- Số lượng cơ chế, chính sách được điều chỉnh, hoàn thiện; số vụ việc được tiếp thu, xử lý thông qua những đề xuất, kiến nghị sau hoạt động kiểm soát của các tổ chức chính trị - xã hội.
Tiêu chí 2: Mức độ đạt được của kết quả kiểm soát so với yêu cầu, mục tiêu được xác định.
Tiêu chí này được xác định dựa trên việc đối chiếu, so sánh giữa kết quả thực tế với yêu cầu, mục tiêu được xác định lúc đầu để xem xét việc kiểm soát quyền lực nhà nước có đạt mục tiêu đề ra hay không; nếu đạt thì ở mức độ nào, có thể lượng hóa được bao nhiêu phần trăm; trên cơ sở đó xác định nguyên nhân của việc không đạt mục tiêu đề ra.
Tiêu chí 3: Mức độ đạt được của kết quả kiểm soát so với tổng chi phí bỏ ra cho hoạt động kiểm soát.
Tiêu chí này được thể hiện thông qua việc so sánh mức độ đạt kết quả kiểm soát với chi phí bỏ ra về nhân lực, vật lực, tài chính, thời gian,… cho thực hiện các hoạt động kiểm soát. Cần phải lượng hóa các kết quả đạt được để có cơ sở so sánh chính xác, khách quan. Về nguyên tắc, chi phí đầu tư cho hoạt động giám sát càng thấp, kết quả đạt được càng cao thì hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội càng đảm bảo, đạt yêu cầu đề ra.
Tiêu chí 4: Những thay đổi thực tế do hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước mang lại. Tiêu chí này được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể như:
- Mức độ thay đổi chính sách và các chuyển biến về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội do hoạt động kiểm soát quyền lực mang lại.
- Kết quả xử lý, khắc phục sai phạm nhằm phòng, chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực từ những phát hiện do hoạt động kiểm soát quyền lực mang lại.
- Sự thay đổi theo hướng tích cực về nhận thức và hành vi của các tổ chức, cá nhân sau khi bị phát hiện và xử lý các nội dung sai phạm. Nói cách khác, đó là sự
tác động lan truyền có tác dụng răn đe, phòng ngừa sai phạm; thúc đẩy các cá nhân, tổ chức tự kiểm tra kiểm soát, tự giác chấp hành pháp luật và thường xuyên chấn chỉnh hoạt động của mình.
- Mức độ thay đổi, điều chỉnh hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phát huy dân chủ sau khi các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước.
- Mức độ hài lòng của các thành viên, hội viên và người dân vì được bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp từ hoạt động kiểm soát quyền lực của các tổ chức chính trị - xã hội.
2.2.4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội
Thứ nhất, tính pháp lý của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật với các cơ chế kiểm soát quyền lực được quy định một cách có hệ thống là căn cứ và tiền đề pháp lý đảm bảo hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội được thực thi có hiệu quả. Cơ chế pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội chủ yếu tập trung ở ba nhóm:
- Hệ thống quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm xác định địa vị chính trị pháp lý, chức năng, thẩm quyền của các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Với việc quy định rò các quyền và nghĩa vụ trong Hiến pháp và pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội có sự đảm bảo về mặt chính trị và điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của mình, đại diện và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, kiểm soát quyền lực nhà nước.
- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo ra khung khổ pháp lý cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm: nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước, chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, hiệu lực pháp lý, hiệu quả của kiểm soát quyền lực nhà nước.
- Các quy định về quyền tự do cơ bản của con người như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình; thể chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
trong hoạt động của nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội.
Cơ chế pháp lý phải được xây dựng một cách khoa học, toàn diện, đồng bộ, hợp lý và khả thi. Các quy định của pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời phải tiếp cận các chuẩn mực pháp lý của thế giới. Ngoài ra, cơ chế pháp lý phải không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước trong những điều kiện lịch sử mới.
Thứ hai, năng lực tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội
Tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội là điều kiện chủ quan (bên trong) đảm bảo hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hợp lý, khoa học; kế hoạch hoạt động phù hợp, chuyên nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kiểm soát quyền lực cao; ngược lại nếu nếu cơ cấu bất hợp lý, hoạt động mang tính hình thức sẽ làm giảm hiệu quả kiểm soát.
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải không ngừng đổi mới, kiện toàn về tổ chức theo hướng tinh gọn, khoa học, tiết kiệm chi phí vận hành bộ máy; xây dựng các kế hoạch hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn nhằm phát huy nội lực và thu hút sự tham gia của người dân.
Thứ ba, chất lượng đội ngũ cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội
Chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước. Việc xem xét, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ yếu dựa trên các tiêu chí:
- Năng lực, trình độ chuyên môn của người cán bộ là mức độ kiến thức và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Năng lực, trình độ của người cán bộ được hình thành, phát triển qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng và hoạt động thực tiễn. Năng lực, trình độ chuyên môn của người cán bộ không chỉ được đánh giá bởi bằng cấp mà chủ yếu là ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Kỹ năng hoạt động thực tiễn được thể hiện ở: kỹ năng thu thập thông tin, xác