Kiểm Soát Quyền Lực Nhà Nước Của Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Ở Trung Quốc


2.3.1.3. Kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung Quốc

Tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất ở Trung Quốc là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), tổ chức này được xem là cơ quan cố vấn chính trị của nhà nước. Chính hiệp là một liên minh chính trị có cơ sở xã hội rộng rãi bao gồm: Đảng Cộng sản Trung Quốc và 8 đảng phái dân chủ, nhân sĩ dân chủ không đảng phái, các đoàn thể nhân dân, đại biểu các dân tộc ít người và các giới, đại biểu đồng bào Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, kiều bào trở về nước và một số nhân sĩ đặc biệt được mời. Ngoài Chính hiệp, còn có một số tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho các giai cấp, tầng lớp như: Đoàn Thanh niên Cộng Sản Trung Quốc, Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ,…

Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung Quốc ra đời trong quá trình đấu tranh cách mạng, nhằm tập hợp lực lượng cho thắng lợi của cách mạng Trung Quốc. Hiện nay, các tổ chức này đều do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, được tổ chức theo các cấp hành chính từ trung ương đến địa phương và được nhà nước bao cấp kinh phí hoạt động.

Cơ sở tồn tại của các tổ chức chính trị - xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp Trung Quốc. Hiến pháp quy định “Công dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, lập hội, tham gia tổ chức đoàn thể, đi lại, biểu tình” và khẳng định “Chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tồn tại và phát triển lâu dài”. Các tổ chức chính trị - xã hội của Trung Quốc có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị nước này, là thể chế tư vấn, đồng thời là cơ quan đại diện cho các tầng lớp nhân dân thực hiện giám sát dân chủ. Các phương thức chủ yếu để các tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước là “hiệp thương chính trị”, “giám sát dân chủ”, “tham chính nghị chính”.

- Hiệp thương chính trị là hiệp thương về “những phương châm, chính sách lớn của đất nước, những việc quan trọng ở các địa phương, những vấn đề lớn của đời sống quần chúng và của mặt trận thống nhất” [77, tr.259]. Chính hiệp có thể căn


cứ đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân để triệu tập hội nghị hiệp thương, cũng có thể đề nghị các cơ quan nói trên đưa ra hiệp thương những vấn đề quan trọng có liên quan. Thông qua hội nghị hiệp thương, các tổ chức chính trị - xã hội góp phần phản ánh đa dạng ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần hình thành nên các chính sách phù hợp thực tiễn, đồng thời thực hiện vai trò giám sát dân chủ nhằm đảm bảo tính hợp hiến của các chính sách được ban hành.

- Giám sát dân chủ là xem xét, đánh giá việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, việc quán triệt các chủ trương chính sách quan trọng trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như cán bộ nhà nước. Hoạt động giám sát của các tổ chức hiệp thương chính trị nhân dân được tiến hành ở tất cả các lĩnh vực của quyền lực nhà nước, mục đích là “làm cho toàn bộ quá trình từ việc chế định quyết sách đến việc chấp hành quyết sách đều được tiến hành theo một trình tự khoa học và đảm bảo dân chủ” [77, tr.263]. Trong lĩnh vực lập pháp, Chính hiệp các cấp được tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định chính sách, thể hiện quan điểm đối với các chủ trương, chính sách và giám sát công tác lập pháp nhằm đảm bảo dân chủ. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng được tạo điều kiện tham gia lập pháp ở những lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của mình, chẳng hạn như “Tổ chức công đoàn có thể tham gia vào công tác có tính chất lâm thời trong quá trình cải cách giá, tiền lương” [62, tr.250]. Trong lĩnh vực hành pháp, hiệp thương chính trị có quyền “đề xuất, kiến nghị, phê bình và giám sát đối với các cơ quan và nhân viên công tác trong các cơ quan nhà nước”, và mặc dù các đề xuất, kiến nghị này không mang tính quyền lực nhà nước, nhưng “đều được các cơ quan, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý, kịp thời giải quyết và trả lời” [77, tr.260]. Trong lĩnh vực tư pháp, hiệp thương chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội có thể tham gia vào hoạt động “xử lý khiếu nại, tố giác của công dân đối với cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước làm trái pháp luật” [77, tr.233]; giám sát thông qua việc thực hiện chế độ bồi thẩm nhân dân, tham gia cử giám sát viên nhân dân, kiểm sát viên nhân dân, các kiểm sát viên do các tổ chức chính trị - xã hội đề cử có quyền “tiến hành bình xét độc lập,


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

đưa ra ý kiến giám sát đối với cơ quan kiểm sát” trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, ngoài ra có thể “nhận lời mời tham gia điều tra, xét xử các vụ án phạm tội chức vụ, có thể đề xuất kiến nghị xử lý đối với những vấn đề vi phạm luật pháp và kỷ luật” [64, tr.100-101].

- Tham chính nghị chính là “tham gia chính quyền và bàn bạc các công việc của chính quyền” [77, tr.262]. Các tổ chức chính trị - xã hội có thể triển khai các hoạt động điều tra nghiên cứu, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, hiệp thương và thảo luận những vấn đề quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội cũng như những vấn đề thu hút sự quan tâm rộng rãi của quần chúng nhân dân. Thông qua kết quả điều tra nghiên cứu, thảo luận,… đề xuất các ý kiến, kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước. Thực hiện phương thức kiểm soát này, hiệp thương chính trị các cấp thường xuyên cử các đoàn đi thị sát một số phương diện quan trọng trong đời sống xã hội, trên cơ sở điều tra, nghiên cứu, phản ánh nguyện vọng của nhân dân đối với các cơ quan đảng và chính quyền các cấp.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng mở rộng sự kiểm soát từ phía xã hội đối với việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội ở nước này thông qua nhiều phương thức khác nhau tham gia vào công việc của nhà nước và góp phần đáng kể kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung Quốc cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải: tổ chức bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả; việc bao cấp về tài chính làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước; hoạt động mất phương hướng, thiếu tự chủ và ngày càng có xu hướng “cơ quan hóa, hành chính hóa, quý tộc hóa, giải trí hóa”. Đảng Cộng sản và Chính quyền Trung Quốc cũng nhận thức được điều này và đang áp dụng nhiều biện pháp cải cách tổ chức bộ máy, cắt giảm phân bổ tài chính, tinh giảm biên chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.

2.3.2. Những giá trị tham khảo cho Việt Nam

Thứ nhất, phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, linh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Kinh nghiệm của các nước


được khảo sát (Đức, Trung Quốc) cho thấy xu hướng “nhà nước hóa”, hỗ trợ quá mức hoặc bao cấp kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn làm cho các tổ chức này mất đi tính độc lập, tự chủ trong hoạt động, biến thành các “định chế quan liêu khổng lồ”, mất đi “tính chính đáng” và không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Cần xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng “dân chủ hóa”, tăng cường tính độc lập về tổ chức và hoạt động, tự chủ về tài chính để giám sát dân chủ có hiệu quả. Nhà nước tập trung quản lý vĩ mô các tổ chức chính trị - xã hội, tạo các điều kiện cho các tổ chức này hoạt động, thực hiện các mô hình hợp tác “công - tư” phù hợp để phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Đặc biệt, ở những quốc gia chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo và cầm quyền, thiếu vắng thể chế đối lập chính trị dẫn đến nguy cơ lạm quyền, chuyên quyền cao, việc xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ còn là phương thức đặc biệt quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ hai, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội. Kinh nghiệm của Mỹ và Đức cho thấy, nhà nước rất chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hợp pháp bằng việc quy định rò nội dung, phạm vi, công cụ, phương thức,… để các tổ chức này tham gia vào công việc của nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước. Mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật là yếu tố quyết định để các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò của mình, đồng thời giúp nhà nước hạn chế các tác động tiêu cực và quản lý các tổ chức này có hiệu quả.

Thứ ba, mở rộng sự tham gia của người dân vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước. Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, các nhóm lợi ích rất chú ý và đạt được nhiều thành công trong việc mở rộng sự tham gia của các tầng lớp dân cư vào các hoạt động của mình. Các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta cần chú trọng tạo dựng các diễn dàn để nhân dân tham gia “tham vấn và đối thoại dân chủ”, phát huy quyền làm chủ, tích cực, chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát, phản biện xã hội đối với các hoạt động của nhà nước. Sự tham gia rộng rãi của người dân giúp đa dạng hóa


các nguồn thông tin, tiết kiệm chi phí, tạo ra dư luận xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tiểu kết chương 2

Kiểm soát quyền lực nhà nước là toàn bộ phương thức, quy trình, công cụ, phương tiện để ngăn ngừa, phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động sai trái của nhà nước, điều chỉnh việc thực thi quyền lực nhằm đảm bảo tính đúng đắn và hiệu quả. Kiểm soát quyền lực nhà nước, trên thực tế là vấn đề khó khăn và phức tạp, được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau từ bên trong và bên ngoài bộ máy nhà nước.

Các tổ chức chính trị - xã hội là một bộ phận của xã hội dân sự, đó là bộ phận mà hoạt động của chúng có liên quan đến công việc của nhà nước, đặt mục tiêu gây ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Chúng góp phần cung cấp nguồn lực cho việc kiểm soát quyền lực nhà nước; thúc đẩy dân chủ, khả năng tự trị của xã hội; đồng thời, tham gia giám sát, phản biện chính quyền. Hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau: tư vấn, phản biện chính sách; vận động hành lang; sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội, truyền thông; thậm chí là biểu tình, gây rối, bạo loạn. Những kết quả thực tế đạt được từ các phát hiện, đề xuất sau kiểm soát trong mối quan hệ với mục tiêu được xác định và tổng chi phí bỏ ra để thực hiện các hoạt động kiểm soát là thước đo cho tính hiệu quả trong việc thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội.

Hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (như Mỹ, Đức, Trung Quốc) diễn ra khá sôi động với nhiều bài học thành công và thất bại. Tuy nhiên, ở những góc độ khác nhau, đều cung cấp cho Việt Nam những giá trị tham khảo hữu ích để hoạch định các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần ngăn chặn nguy cơ tha hóa của quyền lực nhà nước và mở rộng dân chủ.


Chương 3.

THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC

CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


3.1. ĐỊA VỊ CHÍNH TRỊ - PHÁP LÝ CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

3.1.1. Vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, các yếu tố của xã hội dân sự hình thành và phát triển mạnh mẽ. Có thể khẳng định, ở nước ta hiện nay đang tồn tại một xã hội dân sự với sự tham gia của “các tổ chức xã hội thuộc tất cả các loại hình và theo các mô hình tổ chức khác nhau: 1) Các tổ chức chính trị - xã hội; 2) Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; 3) Các hội nghề nghiệp và hiệp hội ngành nghề; 4) Các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập; 5) Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; 6) Các cơ sở bảo trợ xã hội; 7) Các tổ chức cộng đồng, các tổ chức phi lợi nhuận; 8) Các tổ chức phi chính phủ quốc tế” [33, tr.23]. Theo ước tính của Bộ Nội vụ, “năm 2015 có khoảng 500 hội cấp Trung ương, 4.000 hội cấp tỉnh và 10.000 hội cấp huyện và cấp xã; 1.800 tổ chức phi chính phủ gồm các tổ chức khoa học ngoài công lập, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục; 150 hiệp hội ngành nghề, khoảng vài trăm quỹ và trên 900 tổ chức phi chính phủ quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam” [33, tr.23].

Nếu xét về tính chất hoạt động (tính chính trị và tính xã hội), nhiều tổ chức của xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay đủ tiêu chuẩn là tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức đó hoạt động ở nhiều lĩnh vực, như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội trong lĩnh vực kinh tế (thép, cao su, cà phê, ô tô,…). Các tổ chức này ít nhiều có tác động đến chính sách của nhà nước bằng nhiều phương thức: góp ý, kiến nghị, tham gia đối thoại với nhà nước, tham gia soạn thảo các dự án luật, giám sát, phản biện chính sách và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, xét về tính chất pháp lý, hiện nay ở Việt Nam chỉ có 6 tổ chức


chính trị - xã hội được pháp luật thừa nhận, bao gồm: MTTQ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam.

Hình 3 1 Các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam 33 tr 25 MTTQ Việt Nam là 1

Hình 3.1: Các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam [33, tr.25]

MTTQ Việt Nam là “tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất” [80, tr.97], đóng vai trò là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện thu hút sự tham gia của 46 tổ chức thành viên bao gồm “tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” [69, tr. 11].

Công đoàn Việt Nam là “tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp


luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [69, tr.12-13].

Hội Nông dân Việt Nam là “tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, là cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của MTTQ Việt Nam”. Hội thực hiện chức năng tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc [11, tr.1-2].

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là “tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam; đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào việc quản lý nhà nước và xã hội” [30, tr.2].

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là “tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị”, “đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam”. “Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước; đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động, tổ chức hướng dẫn phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [43, tr.1].

Hội Cựu chiến binh Việt Nam là “đoàn thể chính trị - xã hội đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên và Cựu chiến binh”. “Hội làm tham mưu giúp cấp uỷ Đảng và làm nòng cốt tập hợp, đoàn kết, vận động hội viên và Cựu chiến binh thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội của cách mạng và của Hội; tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước” [41, tr.3].

Trong lịch sử hệ thống chính trị nước ta, các tổ chức chính trị - xã hội luôn có vị trí, vai trò quan trọng. Ngay từ khi Đảng Cộng sản mới ra đời đã có chủ trương thành lập các tổ chức quần chúng để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Trải qua

Xem tất cả 195 trang.

Ngày đăng: 11/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí