Các Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội Kiểm Soát Việc Tổ Chức Quyền Lực Nhà Nước


thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”) [101, tr.38]. Các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp địa phương cũng tổ chức được nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp người đứng đầu chính quyền, các cơ quan, đơn vị với các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu là Hà Nội (2014 - 2017) “tổ chức được 1893 cuộc đối thoại, Nghệ An (2017) tổ chức được 480 cuộc với 57.845 lượt người tham gia; có 3491 lượt người phát biểu, với 7604 ý kiến đối thoại” [102, tr.26].

Tuy nhiên, nhiều hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt là hoạt động giám sát lập pháp, hành pháp, tư pháp hầu như chỉ do các UB ở trung ương và địa phương của các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành thông qua việc tổ chức các cuộc giám sát hoặc tham gia giám sát với các cơ quan chức năng. Việc phát huy “tai, mắt” và áp lực dư luận từ các tầng lớp nhân dân không được xem trọng khiến hoạt động kiểm soát thiếu sự công khai, minh bạch; hiệu lực pháp lý, hiệu quả của các phát hiện, đề xuất, kiến nghị chưa cao.

Khả năng huy động sự tham gia các các phương tiện truyền thông đại chúng vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước còn nhiều hạn chế. Thực tiễn hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các tổ chức này trong thời gian qua cho thấy, nhiều hoạt động kiểm soát “hầu như không có sự tham gia của các cơ quan truyền thông, nhất là đối với các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức” [101, tr.75].

3.3. NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC VÀ HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

3.3.1. Các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát việc tổ chức quyền lực nhà nước

3.3.1.1. Kiểm soát việc hình thành các cơ quan quyền lực nhà nước thông qua tham gia và giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Bầu cử là phương thức hình thành nên các cơ quan quyền lực nhà nước trong

xã hội hiện đại, đồng thời cũng là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước hữu hiệu. Ở Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được pháp luật cho phép tham gia và kiểm soát tất cả các khâu của quá trình bầu cử, với mục đích góp phần đảm bảo bầu cử được diễn tra trung thực, khách quan, lựa chọn được những người xứng đáng


tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong bầu cử các cơ quan quyền lực nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam là một Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngoài ra, người đứng đầu một số tổ chức chính trị - xã hội khác có thể là Ủy viên của Hội đồng bầu cử quốc gia. Hiến pháp quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp [69, tr.79]. Qua 5 bước 3 vòng hiệp thương giới thiệu đại biểu Quốc hội hoặc HĐND, MTTQ Việt Nam có vai trò rất lớn để lựa chọn các ứng cử viên xứng đáng, loại khỏi danh sách ứng cử những cá nhân không đủ tiêu chuẩn hoặc không xứng đáng. Đối với bầu cử HĐND các cấp, Hội đồng bầu cử Quốc gia có thể hủy bỏ kết quả bầu cử và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Hoạt động hiệp thương bầu cử của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bước đầu phát huy hiệu quả thực tế, góp phần cho thành công của các cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, qua các lần hiệp thương, “Ủy ban MTTQ các cấp đã loại khỏi danh sách hiệp thương chính thức 150 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và 63.607 ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do phát hiện vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống” [8, tr.9].

Trong quá trình tổ chức bầu cử, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các hội nghị cử tri nơi cư trú, tạo điều kiện để cử tri nhận xét, đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với các ứng cử viên, loại bỏ những ứng cử viên không xứng đáng ra khỏi danh sách bầu cử chính thức. “Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, qua đánh giá của hội nghị cử tri, có 120/1.281 ứng cử viên có tỷ lệ tín nhiệm dưới 50%, nhiều người trong số đó tỷ lệ tín nhiệm là 0%” [101, tr.39]. “Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, có 37 người ứng cử ở địa phương có tỷ lệ tín nhiệm dưới 50%, chiếm 4,12% tổng số ứng cử viên” [101, tr.40]. Những ứng cử viên có tỷ lệ tín nhiệm thấp đều bị loại ra khỏi

Các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay - 14


danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát bầu cử để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện đúng đắn. Hoạt động giám sát được tiến hành ở tất cả các khâu của quá trình bầu cử: giám sát quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; giám sát việc thành lập các tổ chức bầu cử và hoạt động của các tổ chức này; giám sát quá trình lập, niêm yết danh sách cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri; giám sát hoạt động vận động bầu cử; giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu, kiểm phiếu, tổng hợp và công bố kết quả bầu cử. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khóa XIV, UB Trung ương MTTQ đã “xây dựng kế hoạch giám sát và phối hợp với các tổ chức thành viên thành lập 15 đoàn giám sát tại 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” [101, tr.39]. Qua hoạt động giám sát, đã phát hiện và kiến nghị cụ thể với các cơ quan chức năng về một số vấn đề yếu kém cần chú ý khắc phục trong công tác bầu cử và được tiếp thu thực hiện như: “phải tổ chức tập huấn sâu cho thành viên các tổ bầu cử; cấp định mức và hướng dẫn sử dụng kinh phí dành cho công tác bầu cử; phải rà soát lý lịch của các ứng cử viên; tổ chức để báo chí và các cá nhân, tổ chức giám sát công tác kiểm phiếu”,… [102, tr.7].

Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý và hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện:

- Hoạt động hiệp thương của các tổ chức chính trị - xã hội còn “mang tính hình thức, nặng về hợp thức hóa sự chỉ đạo định hướng từ cấp trên.” [80, tr.318]. Điều này gây bất lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tự ứng cử; cử tri rơi vào thế bị động, gặp nhiều khó khăn trong việc giới thiệu người mình tín nhiệm. Tỉ lệ người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong các cuộc bầu cử rất thấp (Khóa XII, XIII: khoảng 10%; Khóa XIV: 13,4%).

- Hoạt động giám sát bầu cử của các tổ chức chính trị - xã hội đã được quan tâm thực hiện, nhưng vẫn chưa toàn diện, chưa sâu sát, đặc biệt là ở các khâu bỏ phiếu, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử. Điều này ảnh hưởng đến tính khách


quan và chất lượng của các cuộc bầu cử, việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở lĩnh vực này chưa thực sự hiệu quả.

- Hoạt động lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú là cần thiết, nhưng “thể thức này chưa phản ánh thực chất quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vì: 1) cử tri thụ động, họ chỉ được bày tỏ tín nhiệm đối với những người đã có sẵn trong danh sách;

2) sự tín nhiệm này cũng chỉ mới so với những tiêu chuẩn cần thiết (tư cách) của người đại biểu chứ chưa phải là người cử tri lựa chọn trong số những người tốt nhất, xứng đáng hơn giới thiệu ra ứng cử; 3) đại biểu, đặc biệt là đại biểu Quốc hội nếu mới chỉ nhận được sự “đảm bảo” tư cách của cử tri nơi công tác và nơi cư trú thường xuyên thì chưa đủ, còn phải có sự “đảm bảo” rộng rãi hơn” [80, tr.319].

3.3.1.2. Kiểm soát việc tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm soát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân

Luật MTTQ Việt Nam, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND quy định đại diện MTTQ được quyền tham gia các Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp; chủ trì lựa chọn, giới thiệu người để HĐND các cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân. Với những quy định mà pháp luật cho phép, MTTQ có cơ sở pháp lý để kiểm soát việc lựa chọn nhân sự cho các cơ quan tư pháp, góp phần lựa chọn được những người xứng đáng tham gia vào các cơ quan này.

Trước hết, đại diện của MTTQ Việt Nam các cấp tham gia Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TAND, Kiểm sát viên cho VKSND. Nhiệm vụ chính của MTTQ là nghiên cứu hồ sơ, đánh giá, thẩm định và cho ý kiến đối với hồ sơ của người được đề nghị, làm cơ sở cho Hội đồng ra quyết định bổ nhiệm. Năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “tham gia nghiên cứu hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho ý kiến về danh sách thi tuyển Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp là 3430 hồ sơ; nghiên cứu hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp là 862 hồ sơ”. “Năm 2018, đã nghiên cứu và cho ý kiến đối với 712 hồ sơ bổ nhiệm thẩm phán TAND các cấp; thực hiện


nghiên cứu hồ sơ, cho ý kiến về 1.579 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán TAND các cấp” [8, tr.9].

Đại diện Ban thường trực MTTQ Việt Nam các cấp là thành viên Hội đồng thi tuyển kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp, với nhiệm vụ là cho ý kiến vào danh sách đề nghị thi tuyển kiểm sát viên và danh sách đề nghị được bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp. Đồng thời, thực hiện vai trò giám sát công tác thi tuyển nhằm đảm bảo quá trình này diễn ra khách quan, đúng quy định của pháp luật. “Năm 2015, cho ý kiến phê duyệt danh sách đề nghị bổ nhiệm đối với 603 kiểm sát viên, năm 2016, cho ý kiến đề nghị thi tuyển đối với 1828 người kiểm sát viên” [101, tr.48].

Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người để HĐND cùng cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân. Trong những năm qua, vai trò này được MTTQ thực hiện khá tốt, góp phần đảm bảo hoạt động bầu chọn Hội thẩm nhân dân diễn ra khách quan, đúng quy định của pháp luật, lựa chọn được những nhân sự xứng đáng tham gia vào hoạt động của nhánh tư pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Sự tham gia của MTTQ Việt Nam vào việc tuyển dụng nhân sự cho nhánh tư pháp đã góp phần tăng cường sự giám sát từ phía xã hội để đảm bảo các hoạt động này được thực hiện đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch và lựa chọn được những người xứng đáng cho các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, hiệu quả và hiệu lực pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế. Trước hết, chủ thể tham gia tuyển chọn nhân sự cho nhánh tư pháp và qua đó kiểm tra, giám sát các hoạt động này chỉ mới giới hạn ở MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội với số lượng thành viên đông đảo, hoạt động ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội chưa được tạo điều kiện để thể hiện thế mạnh của mình trong việc tham gia xem xét, đánh giá và giám sát hoạt động này.

Hơn nữa, sự tham gia của MTTQ vào việc tuyển chọn, thi tuyển nhân sự cho nhánh hành pháp cũng chỉ mới dừng lại ở việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá, thẩm định, cho ý kiến chứ chưa được tham gia bỏ phiếu quyết định. Việc cho ý kiến cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ đề nghị, tư vấn, chưa có một cơ chế cụ thể nào buộc các


cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm coi trọng, tiếp thu nghiêm túc.

3.3.2. Các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước

3.3.2.1. Kiểm soát hoạt động xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của nhà nước

Hoạt động kiểm soát của các tổ chức chính trị - xã hội được tiến hành ở tất các các khâu của quá trình hoạch định chính sách, từ sáng kiến lập pháp, đến xây dựng nội dung chính sách và ban hành chính sách. Mục đích của việc kiểm soát là nhằm đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội thông qua; đảm bảo quy trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước tuân thủ quy định của Hiến pháp, pháp luật; phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Kiểm soát hoạt động xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện thông qua các phương thức: tham gia xây dựng pháp luật, phản biện xã hội.

Một là, kiểm soát việc hoạch định, ban hành chính sách, pháp luật của nhà nước thông qua hoạt động tham gia xây dựng pháp luật

Tham gia xây dựng pháp luật là phương thức hữu hiệu để các tổ chức chính trị

- xã hội kiểm soát quyền lực nhà nước. Thông qua hoạt động này, các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện thể hiện quan điểm, chính kiến, nguyện vọng của nhân dân đề xuất xây dựng các dự án luật; đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hạn chế sai lầm, tăng tính thực tiễn, hợp lý, khả thi của các đạo luật được ban hành.

Các tổ chức chính trị - xã hội đã bước đầu phát huy được vai trò của mình trong việc thực hiện quyền sáng kiến pháp luật. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới dự chủ trì soạn thảo và tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội đã được ban hành và thực thi (Luật MTTQ Việt Nam, Luật Thanh niên, Luật Hợp tác xã và nhiều văn bản dưới luật khác). Góp phần xây dựng cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, từng bước cụ thể hóa các phương thức để các tổ chức này tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước.


Các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tạo dựng được nhiều diễn đàn để các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các thành viên, hội viên tham gia góp ý cho dự thảo Hiến pháp các văn bản pháp luật. Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, “có tổng số 3.181.529 lượt người tham gia ý kiến tại các Hội nghị do MTTQ các cấp tổ chức và 2.216.504 lượt người tham gia ý kiến với 05 tổ chức chính trị - xã hội thành viên” [101, tr. 38]. Giai đoạn 2014 - 2019, UB Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập 7 Hội đồng tư vấn, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia trên các lĩnh để hỗ trợ, tư vấn cho MTTQ góp ý, phản biện các chính sách, pháp luật, trung bình mỗi năm MTTQ góp ý từ 30 đến 50 dự thảo luật.

Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cũng tổ chức nhiều hội nghị góp ý xây dựng và kiến nghị sửa đổi nhiều dự thảo văn bản pháp luật quan trọng của nhà nước và của địa phương. Chẳng hạn, trong năm 2018, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia góp ý cho 1.238 dự thảo văn bản pháp luật của HĐND, UBND các cấp gửi đến Hội Nông dân [103, tr.14]. Sự tham gia của Mặt trận và các tổ chức thành viên đã góp phần giảm thiểu sai sót, sơ hở, tăng tính thực tế, tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước chưa cao. Các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động tham gia xây dựng pháp luật. Phần lớn các hoạt động chỉ được tổ chức khi các cơ quan nhà nước có văn bản đề nghị góp ý. Nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân chưa được các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của các tầng lớp nhân dân (đơn cử như dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) nên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía xã hội.

Hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương nhiều khi cũng mang tính hình thức, thiên về “hợp thức hóa” quan điểm của


Đảng và chính quyền, chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Nhiều nội dung góp ý chỉ dừng lại ở việc sửa câu chữ, lỗi trình bày, chưa quan tâm đề cập sâu đến nội dung, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Hai là, kiểm soát việc hoạch định, ban hành chính sách, pháp luật của nhà nước thông qua hoạt động phản biện xã hội

Phản biện xã hội là phương thức tiêu biểu mà các tổ chức chính trị - xã hội sử dụng để kiểm soát việc hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước; việc thực hiện có hiệu quả phương pháp này được xem như là một khâu “tiền kiểm”, góp phần ngăn chặn sự ra đời của những văn bản pháp luật vi hiến. Hoạt động phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian qua được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần kiểm soát việc hoạch định các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt sau Quyết định Số: 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 12 tháng 12 năm 2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, hoạt động này của các tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Ở Trung ương, từ 2014 đến 2018, MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên đã tổ chức được “06 Hội nghị phản biện xã hội đối với nhiều dự án luật và văn bản pháp quy quan trọng như: Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự án Luật phòng chống, tham nhũng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015; Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong năm 2018, Ban thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện đối với 48 dự thảo văn bản pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” [103, tr.12]. Nhiều nội dung phản biện của MTTQ được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao và có ý kiến phản hồi tích cực, hoạt động phản biện xã hội dần trở thành một kênh thông tin quan trọng để Nhà nước tham khảo khi xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên cử đại diện

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/06/2022