Khái Niệm Và Vai Trò Của Vốn Ngân Hàng


CHƯƠNG 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ AN TOÀN VỐN VÀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TỚI AN TOÀN VỐN CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

2.1. An toàn vốn

2.1.1. Khái niệm và vai trò của vốn ngân hàng

2.1.1.1.Khái niệm về vốn ngân hàng

Ngân hàng thương mại là trung gian tài chính lớn nhất trong hệ thống tài chính của một quốc gia. NHTM ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia, là kênh huy động vốn quan trọng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nền kinh tế, giúp phân bổ nguồn vốn hiệu quả (Stiglitz, 1985).

NHTM đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tiền từ người tiết kiệm sang người đi vay, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế do phân bổ nguồn lực tốt hơn nhờ vai trò chuyển đổi: (i) chuyển đổi quy mô vốn, (ii) chuyển đổi kỳ hạn và (iii) chuyển đổi rủi ro (Casu et al., 2015).

NHTM có khả năng kiểm soát dòng tiền của các dự án đầu tư hiệu quả, tìm kiếm các dự án hiệu quả với chi phí thấp hơn trong trường hợp đầu tư trực tiếp. Đồng thời, người gửi tiền thường không thích rủi ro và không chắc chắn về thời điểm có nhu cầu tiêu dùng trong tương lai còn những người trung gian (NHTM) có khả năng đem lại thanh khoản và chia sẻ rủi ro với người gửi tiền. Đó là lý do cơ bản để NHTM tồn tại (Bhatacharya et al., 1998).

Chính vì vậy mà hoạt động nhận tiền gửi và cho vay là hoạt động truyền thống cũng đồng thời là hoạt động chính của NHTM. Nhận tiền gửi và cho vay là hoạt động chủ yếu tạo ra lợi nhuận cho NHTM (Kjeldsen, 2004). Bên cạnh nguồn tiền gửi, quỹ tiền của NHTM còn được hình thành từ nguồn phi tiền gửi là vốn ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.

Vốn ngân hàng thường chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn nhưng lại có vai trò quan trọng và không thể thiếu đối với ngân hàng. Vốn là điều kiện để một ngân hàng được thành lập và thực hiện hoạt động kinh doanh. Đồng thời vốn là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng cạnh tranh với các ngân hàng khác. Vốn ngân hàng tồn tại là do yêu cầu thị trường, tương tự như vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Tỷ lệ vốn ngân hàng cũng tuân theo các lý thuyết về vốn như: Lý thuyết đánh đổi, Lý thuyết trật tự, Lý thuyết người đại diện. Vốn yêu cầu thị trường là mức vốn giúp tối đa hóa giá trị ngân hàng khi không có quy định về vốn (Berger et al., 1995).

Tuỳ thuộc vào các mục tiêu khác nhau, vốn ngân hàng có thể được xem xét dưới các góc độ như sau:

Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 5


Căn cứ vào bảng cân đối kế toán:

Trên bảng cân đối kế toán, vốn ngân hàng là khoản mục vốn chủ sở hữu ngân hàng. Vốn ngân hàng được là quỹ tiền tệ do các cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu thường đóng góp – đầu tư vào ngân hàng. Vốn ngân hàng được xác định bằng chênh lệch giữa tổng tài sản và tổng nợ. Vốn ngân hàng được tạo ra bằng cách bán cổ phần mới hoặc giữ lại lợi nhuận.

Trên bảng cân đối kế toán, vốn ngân hàng được thể hiện trên các khoản mục như: vốn cổ phiếu thường, vốn cổ phiếu ưu đãi, thặng dư vốn, lợi nhuận giữ lại, dự phòng chung, các khoản dự trữ vốn.

Căn cứ vào mức độ rủi ro của vốn ngân hàng:

Căn cứ vào mức độ rủi ro của vốn ngân hàng, Hiệp ước vốn Basel (BIS (1999); BIS (2006); BIS (2011)) đã đưa ra các khái niệm về vốn ngân hàng như sau:

- Vốn cấp 1 được gọi là vốn lõi của ngân hàng, bao gồm vốn cổ phần thường, cổ phiếu ưu đãi không tích luỹ vĩnh viễn, các khoản thặng dư vốn, lợi ích của cổ đông thiểu số trong tài khoản vốn chủ sở hữu của các công ty con hợp nhất và các tài sản vô hình khác. Đây là vốn quan trọng bởi vì nó là biện pháp bảo vệ sự sống còn của các ngân hàng và sự ổn định của hệ thống tài chính (Kjeldsen, 2004).

- Vốn cấp 2 được gọi là vốn bổ sung, bao gồm các khoản dự trữ không được công bố, dự phòng tổn thất chung, trái phiếu chuyển đổi, nợ thứ cấp có kỳ hạn, công cụ vốn chủ sở hữu, cổ phiếu ưu đãi vĩnh viễn, dài hạn và cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi. Tuy nhiên, vốn cấp 2 không được quá 100% vốn cấp 1.

Các khoản giảm trừ vốn cấp 1 và vốn cấp 2 bao gồm các khoản đầu tư vào các công ty tài chính và ngân hàng không hợp nhất, chứng khoán vốn và các khoản khấu trừ khác.

- Vốn cấp 3 bao gồm các khoản nợ ngắn hạn trực thuộc. Vốn cấp 3 được sử dụng để cung cấp một bộ “đệm” chống lại thiệt hại do rủi ro thị trường gây ra khi vốn cấp 1 và vốn cấp 2 không đủ để bù đắp thiệt hại. Rủi ro thị trường là những thiệt hại do hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hợp đồng lãi suất gây ra do những thay đổi trong tỷ giá hối đoái và lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không yêu cầu một mức vốn cụ thể để đảm bảo chống lại những tổn thất do rủi ro thị trường gây ra. Vì vậy, không có bất kỳ yêu cầu cho vốn cấp 3.

Như vậy, vốn ngân hàng được xem xét dựa trên 2 góc độ khác nhau. Trong luận án này tác giả sử dụng khái niệm vốn rủi ro để tiến hành phân tích, đánh giá các vấn đề nghiên cứu.


2.1.1.2. Vai trò của vốn ngân hàng

Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn, nhưng vốn ngân hàng lại có vai trò quan trọng đối với hoạt động của ngân hàng:

Thứ nhất, vốn ngân hàng giúp tăng cường khả năng thanh toán và hỗ trợ hoạt

động cho vay.

Vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thanh toán của ngân hàng. Tăng vốn giúp tăng khả năng chống các cú sốc và bù đắp sự biến động do người gửi tiền rút ra (Diamond & Rajan, 2000). Đồng thời, vốn cũng rất quan trọng để hỗ trợ hoạt động cho vay của ngân hàng, có nhiều vốn sẽ có nhiều khả năng mở rộng nguồn cung tín dụng.

Thứ hai, vốn ngân hàng có vai trò hấp thụ tổn thất, đảm bảo an toàn cho hoạt

động ngân hàng và người gửi tiền, tránh nguy cơ phá sản.

Hoạt động của ngân hàng là khá “mong manh” bởi các ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Khi chất lượng tài sản suy thoái, ngân hàng gặp tổn thất thì vốn ngân hàng sẽ giúp đóng vai trò “đệm” hấp thụ tổn thất, giúp ngân hàng tránh khỏi nguy cơ phá sản, qua đó, bảo vệ chủ nợ, người gửi tiền khỏi những tổn thất. Đảm bảo sự tin tưởng của người gửi tiền vào hoạt động của ngân hàng.

Trên thực tế, sau những cú sốc bất lợi, với các nền kinh tế mà ngành ngân hàng có vốn hóa tốt thì mức độ cho vay của ngân hàng giảm ít hơn. Chứng tỏ rằng, vốn ngân hàng làm có khả năng hấp thụ các cú sốc của nền kinh tế. Đồng thời, vấn đề nguy hiểm về đạo đức được giảm bớt khi các ngân hàng có vốn hóa cao (Meh & Moran, 2010).

Thứ ba, vốn ngân hàng giúp nâng cao năng lực tài chính và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Những người gửi tiền thường đầu tư vào những ngân hàng có giá trị tài sản ròng cao. Các ngân hàng có vốn hóa cao sẽ thu hút được nhiều tiền gửi hơn và cho vay nhiều hơn so với các ngân hàng có vốn hóa thấp. Chính vì vậy, ngân hàng có thể thích giữ vốn nhiều vốn nhằm mục đích đưa ra thị trường tín hiệu về khả năng tài chính của mình để huy động vốn với lãi suất thấp hơn (Bikker & Metzemakers, 2007).

Thứ tư, vốn ngân hàng là công cụ quản lý quan trọng của các cơ quan quản lý.

Vai trò hấp thụ tổn thất, bảo vệ ngân hàng và người gửi tiền của vốn ngân hàng chỉ có thể thực hiện khi ngân hàng có mức vốn đủ để đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý thường sử dụng vốn ngân hàng như là công cụ điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động của ngân hàng. Vốn ngân hàng là yếu tố quan trọng để các cơ quan quản lý thực hiện kiểm soát hoạt động ngân hàng.


Thứ năm, vốn ngân hàng cung cấp nguồn lực tài trợ cho các hoạt động của ngân hàng.

Vốn ngân hàng cung cấp nguồn lực để ngân hàng mới bắt đầu hoạt động, cung cấp nguồn lực cho sự phát triển và mở rộng ngân hàng. Vốn ngân hàng là nguồn lực để tài trợ cho sự phát triển kinh doanh và khai thác các cơ hội kinh doanh trong tương lai, như sáp nhập và mua lại. Ngoài ra, cũng giống như các doanh nghiệp phi ngân hàng, vốn ngân hàng là nguồn lực tài chính mà ngân hàng sử dụng để đầu tư vào các tài sản cố định.

2.1.2. Nguồn gốc và quan điểm về an toàn vốn

Quy định về vốn ngân hàng xuất hiện vào giữa những năm 1970, xuất phát từ việc các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay nhưng không có bất kỳ khoản tăng nào song song trong vốn ngân hàng. Điều này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ quốc tế và sự thất bại của một trong những ngân hàng lớn nhất của Mỹ, Ngân hàng quốc gia Franklin (Koehn & Santomero, 1980). Những sự kiện này buộc các cơ quan quản lý phải kiểm soát và cải thiện các tiêu chí và phương pháp quản lý vốn ngân hàng để tránh tình trạng phá sản của ngân hàng. Như vậy, các quy định về vốn ngân hàng đã tồn tại trước khi có chuẩn mực về vốn – Hiệp ước vốn Basel (Hiệp ước vốn Basel đầu tiên được ban hành năm 1988) trong ngành ngân hàng và xuất phát từ thực tiễn về quản lý hoạt động ngân hàng như:

Thứ nhất, quy định về vốn ngân hàng xuất phát từ yêu cầu đảm bảo khả năng thanh toán của ngân hàng để bảo vệ người gửi tiền, hạn chế thất bại trong hoạt động ngân hàng.

Điểm nổi bật trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng là sự kết hợp giữa khoản nợ có thể rút bất kỳ lúc nào (tiền gửi) và tài sản có tính thanh khoản thấp (cho vay). Do đó, khả năng thanh toán luôn là vấn đề quan trọng đối với ngân hàng. Khi khả năng thanh toán của ngân hàng không được đảm bảo sẽ gây mất niềm tin của người gửi tiền vào ngân hàng. Khi có bất kỳ sự nghi ngờ nào về khả năng an toàn của ngân hàng, người gửi tiền sẽ phản ứng bằng cách rút tiền. Việc “tháo chạy” khỏi ngân hàng của người gửi tiền sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các ngân hàng, thậm trí gây ra phá sản ngân hàng.

Bất kỳ vụ phá sản nào trong ngành ngân hàng cũng có tác động lan truyền và có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tổng thể và những rắc rối về kinh tế. Bởi vì, sự thất bại của một số lượng lớn các ngân hàng hoặc sự thất bại của một số lượng nhỏ


các ngân hàng lớn có thể gây ra một phản ứng dây chuyền có thể làm suy yếu sự ổn định của hệ thống tài chính (Berger et al., 1995).

Demirgüç-Kunt & Detragiache (1997), khi nghiên cứu về cuộc khủng hoảng HTNH ở các nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1980-1994 thấy rằng: khủng hoảng ngân hàng phá vỡ dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, giảm đầu tư và tiêu dùng và làm cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Khủng hoảng ngân hàng hao tốn tiền của bởi sự thua lỗ của ngân hàng gây tổn hại cho nền kinh tế nhiều hơn các tổ chức kinh tế khác có cùng quy mô. Sự thua lỗ của ngân hàng phá vỡ mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng và làm gián đoạn các hoạt động thanh toán của nền kinh tế. Sự đổ vỡ của một ngân hàng có thể lan truyền tới các ngân hàng khác, tới thị trường tài chính, thậm chí ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, ngăn chặn sự xuất hiện của các yếu tố gây khủng hoảng HTNH chắc chắn là mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý.

Do đó, cơ quan quản lý yêu cầu ngân hàng phải đảm bảo mức vốn nhất định như một biện pháp để trấn an người gửi tiền cũng như đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (Casu et al., 2015).

Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2010, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động của ngân hàng tại mỗi quốc gia và trên thế giới. Do hoạt động của các ngân hàng có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, nên các quy định về hoạt động ngân hàng phải chặt chẽ và phải đưa vào quy chế giám sát ngành ngân hàng (Barth et al., 2006).

Thứ hai, các quy định về vốn ngân hàng nhằm mục tiêu hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Thông tin không cân xứng luôn là vấn đề mà các ngân hàng phải đối mặt, mặc dù ngân hàng có lợi thế về thông tin. Vấn đề thông tin không cân xứng có thể dẫn tới những lựa chọn đối nghịch, sự nguy hiểm về đạo đức. Do vấn đề thông tin không cân xứng nên bản thân thị trường không thể tạo ra một ngành ngân hàng an toàn. Đồng thời, chủ sở hữu ngân hàng chỉ có trách nhiệm hữu hạn do đó người gửi tiền phải chịu nhiều rủi ro. Trong trường hợp thông tin hoàn hảo, kỷ luật thị trường sẽ đảm bảo rằng một ngân hàng có hành vi nguy hiểm hơn phải bồi thường cho các cổ đông và người gửi tiền với mức lãi suất cao hơn. Khi vốn ngân hàng bị đe dọa nhiều hơn, các ngân hàng có xu hướng hạn chế các hoạt động rủi ro, nguy hiểm về đạo đức (De Bontd & Prast, 1999).

Bên cạnh đó, các ngân hàng thường lựa chọn danh mục đầu tư có mức độ rủi ro cao hơn do bảo hiểm tiền gửi không hiệu quả. Bảo hiểm tiền gửi không hiệu quả đã


bóp méo hành vi của tổ chức tham gia bảo hiểm và tạo ra rủi ro về đạo đức và làm tăng rủi ro của ngân hàng. Chính vì vậy, quy định về vốn ngân hàng là một cách để khắc phục vấn đề rủi ro đạo đức do bảo hiểm tiền gửi (Kim & Santomero, 1988).

Các yêu cầu về an toàn vốn nhằm giảm rủi ro phá sản của ngân hàng, bảo vệ người gửi tiền tránh rủi ro hoàn trả tài sản của ngân hàng. Theo đó, Cơ quan quản lý mong muốn các ngân hàng thực hiện đầy đủ các yêu cầu về vốn, khi đó sẽ cung cấp cho người gửi tiền sự bảo vệ hoàn hảo. Yêu cầu về an toàn vốn có thể làm giảm nguy cơ về đạo đức phát sinh vì người gửi tiền không kiểm soát được chính sách đầu tư của ngân hàng. Bằng cách hạn chế tỷ lệ nợ/vốn ngân hàng một cách hiệu quả, yêu cầu về an toàn vốn có thể làm giảm rủi ro quá mức liên quan đến nợ (Blum &Hellwing, 1995).

Như vậy, yêu cầu về vốn ngân hàng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong hoạt động ngân hàng. Theo quan điểm của các cơ quan quản lý ngân hàng, để đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, các ngân hàng phải đảm bảo các yêu cầu về vốn. Khi mức vốn của các ngân hàng đảm bảo yêu cầu nghĩa là các ngân hàng đã đảm bảo an toàn, hay các ngân hàng đã đảm bảo an toàn vốn.

An toàn vốn là mức vốn tối thiểu mà các ngân hàng phải duy trì theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nó xuất phát từ mục đích tối đa hóa một hàm phúc lợi xã hội có tính tới chi phí (sự gia tăng chi phí tín dụng) và lợi ích của vốn (giảm sác xuất thất bại của ngân hàng) (Abel & Rafael, 2007).

Các cơ quan quản lý có thể đưa ra các yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng như: yêu cầu về vốn điều lệ, yêu cầu về tỷ lệ vốn (tỷ lệ an toàn vốn cấp 1, tỷ lệ an toàn vốn…). Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là chỉ tiêu được quan tâm hơn cả. Bởi khả năng an toàn vốn của các ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào quy mô vốn ngân hàng mà còn phụ thuộc vào chất lượng tài sản của ngân hàng. CAR còn được gọi là vốn đảm bảo rủi ro, là một biện pháp của số vốn lõi của một ngân hàng, là một tỷ lệ phần trăm của vốn với các tài sản rủi ro của ngân hàng (Berger et al., 1995). "Tỷ lệ vốn ngân hàng trên tổng tài sản được tính trọng số theo rủi ro, là biện pháp thích hợp để đánh giá an toàn vốn của các ngân hàng” (BIS, 1988, khoản 9).

Theo Shahatit (2011), thuật ngữ an toàn vốn phản ánh năng lực và hiệu quả của các NHTM trong việc đo lường và giám sát các rủi ro mà ngân hàng gặp phải để không chỉ hạn chế và kiểm soát rủi ro mà còn đưa ra các quyết định phù hợp với chiến lược và chính sách của ngân hàng.

Tóm lại, an toàn vốn là mức vốn ngân hàng cần phải duy trì theo quy định của cơ quan quản lý, để hấp thụ các tổn thất trong hoạt động ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn cho ngân hàng cũng như người gửi tiền.


2.1.3. Tầm quan trọng của an toàn vốn

An toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý. Một trong những quy định quan trọng mà các cơ quan quản lý đặt ra đối với các ngân hàng là quy định về vốn. Vốn ngân hàng đảm bảo quy định của các cơ quan quản lý được hiểu là mức vốn an toàn hay an toàn vốn. Duy trì mức vốn an toàn có ý nghĩa quan trọng như sau:

Thứ nhất, an toàn vốn giúp ngân hàng có được “đệm” chống lại rủi ro, hấp thụ các thiệt hại và bảo vệ người gửi tiền.

Do sự không cân xứng thông tin giữa các nhà quản lý ngân hàng và người gửi tiền có thể gây ra sự thất bại của thị trường nên cần thiết phải có sự can thiệp của chính phủ vào HTTC. Các cơ quan quản lý áp đặt các tiêu chuẩn vốn đối với các TCTC có thể được xem như là một phương tiện để tăng cường an toàn tiền gửi và ổn định hệ thống ngân hàng (Dowd, 1996).

Vốn ngân hàng có vai trò là “đệm” giúp các ngân hàng hấp thụ thiệt hại do đó tránh/và hạn chế thất bại. Hơn nữa, vốn lớn sẽ hạn chế ngân hàng tham gia vào các hoạt động có mức độ rủi ro cao. Chính vì vậy, an toàn vốn được xem xét là biện pháp đầu tiên để đảm bảo an toàn và lành mạnh cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Jeff, 1990).

Thứ hai, an toàn vốn giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững và tăng tính kỷ luật thị trường.

Theo Furlong & Keeley (1987,1989), các quy định chặt chẽ và có hiệu quả về vốn sẽ giảm bớt động cơ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động của HTNH, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Ngân hàng có mức vốn an toàn có khả năng mở rộng nguồn cung ứng tín dụng, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, đặc biệt là những nước dựa chủ yếu vào HTNH.

Quy định về vốn là một biện pháp định lượng quan trọng được các cơ quan quản lý, giám sát sử dụng nhằm mục đích đảm bảo tính ổn định lành mạnh của HTNH, giảm thiểu những tổn thất bất ngờ từ ngân hàng và tăng mức độ tin cậy của HTNH đồng thời tăng cường tính kỷ luật thị trường.

Tóm lại, an toàn vốn có vai trò quan trọng trong việc giảm mức độ rủi ro trong hoạt động của ngân hàng và giảm nguy cơ về đạo đức và tăng khả năng cạnh tranh và đảm bảo an toàn cho người gửi tiền. Tuy nhiên, an toàn vốn tuỳ thuộc vào quy định của các cơ quan quản lý ngân hàng ở từng quốc gia. Đồng tời an toàn vốn cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố của bản thân ngân hàng và các điều kiện của nền kinh tế.


2.1.4. Quy định về an toàn vốn

2.1.4.1. Yêu cầu đối với an toàn vốn

Để đảm bảo an toàn cho người gửi tiền và đảm bảo ổn định HTNH, cơ quan quản lý đưa ra các quy định về vốn buộc các ngân hàng phải thực hiện. Các quy định về vốn phải đảm bảo yêu cầu như sau:

Thứ nhất, quy định về vốn, cụ thể là quy định về tỷ lệ vốn cần dựa trên rủi ro.

Yêu cầu về tỷ lệ vốn tối thiểu xuất hiện ở những nước công nghiệp từ giữa những năm 1970, tuy nhiên tỷ lệ vốn trong giai đoạn này được tính bằng tổng vốn chia cho tổng tài sản. Việc sử dụng tỷ lệ vốn đơn giản trong quy định là không hiệu quả để hạn chế nguy cơ phá sản của ngân hàng, do đó, cần phải có quy định về vốn dựa trên rủi ro (Kim & Santomero, 1988). Bởi, mục tiêu quan trọng của các quy định về vốn là giảm ưu đãi về rủi ro của chủ sở hữu. Do đó, buộc chủ sở hữu phải đặt nhiều tài sản cá nhân của họ để đảm bảo cho rủi ro của ngân hàng, qua đó sẽ giúp ngân hàng giảm rủi ro đảm bảo an toàn. Khi yêu cầu về vốn tối thiểu được gắn kết với rủi ro thì đầu tư mạo hiểm của ngân hàng sẽ giảm (Acharya, 2003).

Thứ hai, quy định về tỷ lệ vốn cần phải được quy định thận trọng để tăng cường tính kỷ luật của thị trường.

Cơ quan quản lý sử dụng hai cơ chế thú vị từ quan điểm lý thuyết và thể chế để ngăn chặn sự gia tăng rủi ro đạo đức, giảm đầu tư mạo hiểm của ngân hàng, đó là: (i) yêu cầu về vốn tối thiểu nhằm giảm khả năng thất bại ngân hàng và (ii) thực hiện chính sách đóng cửa hoặc cứu trợ để giảm tổn thất giá trị gia tăng phát sinh từ thất bại của ngân hàng (Acharya, 2003). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì vốn phải là được quy định thận trọng.

Quy định thận trọng về vốn, nghĩa là các quy định về vốn phải được giám sát một cách chặt chẽ và đưa ra hình thức phạt đủ nặng đối với các ngân hàng vi phạm, đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ tuân thủ theo đúng các quy định đã đề ra. Điều này sẽ tác động buộc các ngân hàng phải giảm rủi ro danh mục đầu tư, hoặc/và tăng vốn ngân hàng để đảm bảo an toàn (Milne, 2002).

Các quy định về vốn tối thiểu sẽ có tác động tới hành vi của các ngân hàng tùy thuộc vào phản ứng của các cơ quan quản lý đối với kỷ luật thị trường. Để đảm bảo kỷ luật thị trường, các quy định về an toàn vốn phải được đưa vào quy chế thanh tra giám sát ngân hàng, thông qua đó ngăn ngừa các hành vi chấp nhận rủi ro quá mức và rủi ro đạo đức của ngân hàng (Berger et al., 1995).

Thực tế cho thấy, việc duy trì tỷ lệ vốn của các ngân hàng phụ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của từng ngân hàng và kỷ luật thị trường. Ngân hàng có thể nắm giữ nhiều

Xem tất cả 160 trang.

Ngày đăng: 26/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí