Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 7


ánh chất lượng khoản vay như dự phòng rủi ro tín dụng…(Berger et al., 1995). Tỷ lệ nợ xấu (NPL) được xác định như sau:

NPL = Nợ xấu / Tổng dư nợ cho vay

Theo Mohamed Romdhane (2012), ngân hàng chấp nhận rủi ro, tức là tỷ lệ nợ xấu cao, ngân hàng cần giữ thêm vốn để cung cấp một bộ đệm chống thiệt hại. Mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa CAR và nợ xấu có nghĩa là các ngân hàng tự nguyện tăng vốn để khắc phục tình trạng tài chính xấu. Các nghiên cứu của Nuviyanti & Anggono (2014); Ahmad et al. (2008); Gropp & Heider (2007); Asarkaya & özcan (2007); Rime (2001) đã tìm ra mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa nợ xấu và CAR.

Ngược lại, nghiên cứu của Shingjergji & Hyseni (2015); Hassan (1992) và Choi (2000) cho thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa CAR và nợ xấu. Mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa nợ xấu và CAR có nghĩa là trong giai đoạn khó khăn thì khả năng điều chỉnh CAR của ngân hàng sẽ chậm hơn.

2.2.1.4. Dự phòng rủi ro tín dụng

Dự phòng rủi ro tín dụng là khoản trích trước các khoản thu nhập để bù đắp các khoản vay bị mất vốn dự kiến, được trừ vào thu nhập lãi ròng và hoàn nhập vào vốn của ngân hàng sau khi các khoản cho vay được thanh toán (Casu et al., 2015).

Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN (NHNN, 2013a) “ Dự phòng rủi ro tín dụng là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của TCTD không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Dự phòng rủi ro tín dụng được tính theo dư nợ gốc và hạch toán vào chi phí hoạt động của TCTD. Dự phòng rủi ro tín dụng bao gồm: Dự phòng chung và dự phòng cụ thể”. Trong đó, dự phòng cụ thể được xác định dựa trên các nhóm nợ cụ thể theo các mức độ rủi ro của của từng nhóm nợ. Dự phòng chung là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa được xác định trong quá trình phân loại nợ và các trường hợp khó khăn về tài chính của các tổ chức tín dụng khi chất lượng nợ suy giảm.

Dự phòng rủi ro tín dụng, đặc biệt là dự phòng rủi ro riêng được trích lập căn cứ vào quy mô tín dụng và chất lượng tín dụng và tỷ lệ trích lập theo quy định của cơ quan quản lý. Dự phòng rủi ro tín dụng cho thấy mức độ rủi ro của các khoản cho vay, cũng như sức khoẻ tài chính của các NHTM. Chính vì vậy, dự phòng rủi ro tín dụng có tác động tới CAR của ngân hàng. Büyüksalvarci & Abdioğlu (2011) xem xét tác động của dự phòng rủi ro tín dụng tới CAR thông qua chỉ tiêu tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLR), được xác định theo công thức sau:

LLR= Dự phòng rủi ro tín dụng / Tổng dư nợ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.


Theo Bikker & Metzemakers (2005), mức dự phòng rủi ro tín dụng thay đổi đáng kể trong các chu kỳ kinh doanh. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, dự phòng rủi ro tín dụng thường tăng cao hơn thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, nếu các khoản dự phòng không thể bao phủ được toàn bộ phạm vi các khoản nợ xấu tiềm tàng, khi xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế, ngân hàng sẽ phải bù đắp khoản lỗ lớn từ vốn của mình.

Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 7

Dự phòng rủi ro tín dụng có thể có tác động tới CAR theo những hướng khác nhau. Dự phòng rủi ro tín dụng có thể có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR. Nghĩa là các ngân hàng phải tăng mức dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định (khi hoạt động tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro) làm giảm lợi nhuận của ngân hàng và do đó làm giảm khả năng tăng vốn ngân hàng. Ngược lại, giữa dự phòng rủi ro tín dụng và CAR có thể có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Nghĩa là, các ngân hàng tự nguyện tăng vốn ở mức cao hơn để vượt qua tình trạng khó khăn (Büyüksalvarci & Abdioğlu, 2011).

2.2.1.5. Khả năng sinh lời

Giữa vốn và thu nhập của ngân hàng có mối quan hệ nhân quả. Mối quan hệ nhân quả giữa vốn - thu nhập xảy ra chủ yếu do việc giảm lãi suất trả cho nguồn vốn không có bảo hiểm của ngân hàng. Nhà quản lý ngân hàng có thể đưa thông tin ra thị trường thông qua các quyết định về vốn và thị trường sẽ rút ra suy luận từ hành động của ngân hàng. Trạng thái cân bằng tín hiệu, trong đó các ngân hàng dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong tương lai có tỷ lệ vốn thấp hơn. Các ngân hàng có thu nhập biến động hơn thường có tỷ lệ vốn cao hơn. Động lực này có thể được khuếch đại bởi mức độ ác cảm rủi ro của các nhà hoạch định chính sách ngân hàng (Berger et al., 1995). Như vậy, vốn và khả năng sinh lời của ngân hàng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch.

Tuy nhiên, theo Gropp & Heider (2007), khả năng sinh lời ảnh hưởng đến tỷ lệ thuận với vốn mục tiêu của các ngân hàng. Các ngân hàng có lợi nhuận nhiều hơn thường có khuynh hướng có nhiều vốn hơn so với tài sản. Phát hiện này phù hợp với dự đoán về lý thuyết “thứ tự phân hạng” của cấu trúc vốn mà các công ty thường dựa vào thu nhập giữ lại để tài trợ cho các dự án mới.

Khả năng sinh lời của ngân hàng được phản ánh thông qua các chỉ tiêu như: Thu nhập lãi biên, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (Casu et al., 2015).

(i) Thu nhập lãi biên (NIM)

Thu nhập lãi biên là một trong những chỉ số có thể được sử dụng trong việc

đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Thu nhập lãi biên phản ánh sự khác


biệt giữa lợi ích thu được từ lãi trên tài sản trừ chi phí lãi vay trên mỗi đồng tài sản. NIM cao phản ánh chênh lệch lãi cho vay và lãi tiền gửi cao và ngược lại. NIM giảm phản ánh sự cạnh tranh gia tăng trong thị trường tiền gửi và cho vay (Casu et al., 2015). Theo Angbazo (1997), NIM phù hợp sẽ tạo ra đủ thu nhập để tăng vốn với sự gia tăng rủi ro.

NIM được tính bằng tỷ lệ thu nhập lãi ròng trên tổng tài sản có thu nhập lãi bình quân (Casu et al. (2015), Büyüksalvarci & Abdioğlu (2011)):

NIM= Thu nhập lãi ròng/ Tổng Tài sản có thu nhập lãi bình quân

Cebenoyan et al. (1999), Raharjo et al. (2014) xem xét các nhân tố tác động tới NIM và thấy rằng, CAR và NIM có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Mức thu nhập lãi ròng cao hơn cũng sẽ làm tăng CAR. Nghĩa là, khi các NHTM bổ sung số vốn để hỗ trợ mở rộng kinh doanh và tạo “đệm” cho các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh, cả trong điều kiện bình thường và bất thường, sẽ làm tăng chi phí vốn của ngân hàng. Ngân hàng sẽ bù đắp cho việc tăng chi phí vốn bằng cách tăng lãi suất cho vay và làm tăng NIM.

Bên cạnh đó, NIM có ảnh hưởng tích cực đến vốn ngân hàng do doanh thu cao cho phép ngân hàng huy động vốn bổ sung thông qua thu nhập giữ lại và đã đem lại một tín hiệu tích cực cho giá trị của công ty (Rime, 2001). Brown & Octavia (2010); Mohamed Romdhane (2012); Demirgüç -Kunt & Huizinga (1999); Berger et al. (1995), cũng tìm thấy kết quả tương tự về mối quan hệ giữa NIM và CAR.

Tuy nhiên, NIM cũng có thể có một mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR. Bởi, có thu nhập cao có thể làm giảm xác suất thất bại của ngân hàng. Chính vì vậy, khi có thu nhập, rủi ro thất bại thường thấp nhà quản lý ngân hàng giảm bớt CAR. Mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa NIM và CAR được chứng minh qua các nghiên cứu thực nghiệm của Aspal et al. (2014); Ahmad et al. (2008).

(ii) Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA)

Theo Hassan & Bashir (2003), ROA là chỉ tiêu phản ánh về lợi nhuận của ngân hàng, ROA phụ thuộc vào quyết định chính sách của ngân hàng cũng như các nhân tố không liên quan đến các quy định của nền kinh tế và chính phủ. Ngoài ra, ROA không bị bóp méo bởi số nhân vốn chủ sở hữu cao và ROA là một thước đo tốt về khả năng của các công ty để tạo ra thu nhập (Rivard và Thomas, 1997). ROA cho biết có bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế được tạo ra từ một đồng tài sản, ROA thường được tính như sau (Casu et al. (2015), Büyüksalvarci & Abdioğlu (2011)):

ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản bình quân


ROA có tác động đáng kể và tích cực đến vốn, cho thấy các ngân hàng có lợi nhuận có thể dễ dàng cải thiện vốn của họ thông qua thu nhập được giữ lại (Rime, 2001). Tuy nhiên, ROA cũng có thể có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR của các NHTM. Các NHTM có khả năng sinh lời tốt, hoạt động hiệu quả, mức độ rủi ro thấp. Chính vì vậy, các NHTM có ROA cao thường có “đệm” vốn thấp hơn hay CAR thấp hơn.

(iii) Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)

ROE là chỉ số quan trọng nhất cho khả năng sinh lợi và tiềm năng tăng trưởng của một ngân hàng. Đây là tỷ suất lợi nhuận cho cổ đông hoặc tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trên mỗi đồng vốn cổ phần đã đầu tư vào ngân hàng (Casu et al., 2015).

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa vốn chủ sở hữu và lợi nhuận là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Quan điểm truyền thống cho rằng CAR có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với ROE. CAR cao hơn có xu hướng làm giảm rủi ro vốn chủ sở hữu và do đó làm giảm ROE theo yêu cầu của nhà đầu tư. CAR cao hơn có thể làm giảm thu nhập sau thuế do giảm lá chắn thế được khấu trừ từ các khoản thanh toán lãi (Berger et al., 1995). Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu được xác định như sau:

ROE = Lợi nhuận sau thuế / Tổng Vốn chủ sở hữu bình quân

Bên cạnh mối quan hệ tỷ lệ nghịch thì ROE và CAR cũng có thể có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa CAR và ROE được giải thích với hai giả thuyết: (i) chi phí phá sản mong đợi, theo đó các yếu tố ngoại sinh càng tăng thì chi phí phá sản dự kiến càng cao dẫn tới tỷ lệ vốn tối ưu của ngân hàng càng cao, (ii) khi chi phí phá sản dự kiến tăng do những thay đổi về môi trường làm tăng khả năng thất bại của ngân hàng hoặc tăng chi phí thanh lý cho mỗi lần thất bại thì tỷ lệ vốn tối ưu sẽ tăng lên để giảm xác suất thất bại và do đó giảm được giá trị mong muốn của chi phí phá sản (Berger et al., 1995).

Mặc khác, cũng có quan điểm cho rằng, ROE là chỉ số phản ánh chi phí sử dụng vốn của ngân hàng (Wong et al. (2005); Asarkaya & Özcan (2007); Bokhari & Ali (2012)). Chi phí sử dụng vốn là một trong những yếu tố quyết định tới tỷ lệ vốn mà các công ty nắm giữ, kể cả trong ngành ngân hàng và ngành khác của nền kinh tế. Việc tăng chi phí sử dụng vốn làm giảm sự sẵn sàng của các ngân hàng để nắm giữ thêm vốn. Việc nắm giữ vốn thừa không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận khi chi phí sử dụng vốn thấp (Asarkaya & Özcan, 2007).

Thông thường, các ngân hàng giữ CAR cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, khi chi phí sử dụng vốn tăng sẽ làm giảm sự sẵn sàng nắm giữ thêm vốn


của các ngân hàng. Khi chi phí vốn tăng, ngân hàng sẽ duy trì CAR ở mức thấp hơn để tối đa hóa lợi nhuận ngân hàng. Việc tăng “đệm” vốn sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận khi chi phí sử dụng vốn thấp (Wong et al. (2005), Kleff & Weber (2003)).

2.2.1.6. Khả năng thanh khoản

NHTM là người đi vay để cho vay, do đó, đặc trưng của ngân hàng là tỷ lệ đòn bẩy rất cao, cao hơn nhiều so với các ngành khác. Do đó, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán đối với người gửi tiền, chủ nợ là vấn đề được ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Việc không đảm bảo khả năng thanh toán không những ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng mà còn ảnh hưởng tới sự sống còn của ngân hàng. Chính vì vậy, mục tiêu cuối cùng của việc đưa ra quy định về an toàn vốn cũng là nhằm đảm bảo khả năng thanh toán chi trả của ngân hàng, đảm bảo rằng ngân hàng có đủ tiền để thanh toán cho người gửi tiền ngay cả khi xảy ra rủi ro.

Khả năng thanh khoản của ngân hàng (LIQ) là khả năng sẵn sàng thanh toán chi trả đối với các nghĩa vụ thanh toán đến hạn hoặc/và bất thường trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đảm bảo khả năng thanh khoản luôn là yêu cầu quan trọng với các ngân hàng. Khả năng thanh khoản phản ánh sự an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Thanh khoản của ngân hàng được đáp ứng bởi các dòng lưu chuyển tiền tệ như: cung thanh khoản từ phía nguồn vốn (tiền gửi khách hàng, phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn, vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng…) và cung thanh khoản từ phía tài sản (bán chứng khoán; khách hàng trả nợ). Các ngân hàng có thể tạo ra tính thanh khoản bằng cách thay đổi các hỗn hợp tài sản (Diamond & Rajan (2000) và Gorton & Winton (2002)).

Căn cứ vào bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính của các NHTM – FSIs, khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đo lường bằng các chỉ tiêu (Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thành (chủ biên), 2016):

(i) Tỷ lệ tài sản thanh khoản trên tổng tài sản: Chỉ tiêu này cho biết khả năng ngân hàng đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt dự tính và bất thường của người gửi tiền tại ngân hàng.

LIQ = Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản

(ii) Tỷ lệ tài sản thanh khoản trên nguồn vốn ngắn hạn: Phản ánh khả năng đáp ứng việc rút vốn ngắn hạn của khách hàng mà không ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.

LIQ = Tài sản thanh khoản/ Nguồn vốn ngắn hạn


Trong đó, chỉ tiêu tỷ lệ tài sản thanh khoản trên tổng tài sản là chỉ tiêu đánh giá tổng thể mức độ sẵn sàng cho thanh khoản dựa trên quy mô tài sản và thường được sử dụng trong các nghiên cứu về tác động của khả năng thanh khoản tới an toàn vốn của ngân hàng.

Berger & Bouwman (2009) cho rằng theo quan niệm hấp thụ rủi ro, vốn có tác động tích cực với thanh khoản của ngân hàng. Điều này ngụ ý rằng mức vốn cao cho phép ngân hàng tạo ra khả năng thanh khoản cao hơn. Nghiên cứu thực nghiệm của Aktas et al. (2015) cho thấy một tác động tích cực có ý nghĩa thống kê giữa CAR và khả năng thanh khoản của ngân hàng. Ảnh hưởng tích cực của khả năng thanh khoản tới CAR của ngân hàng hàm ý rằng CAR cao hơn dẫn tới khả năng thanh khoản cao hơn. Điều này là hoàn toàn phù hợp với các khuyến nghị của Basel III.

Tuy nhiên, Diamond & Rajan (2000) cho rằng cấu trúc tài chính “mong manh”. Vốn ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp và tiền gửi của khách hàng là quỹ tiền quan trọng giúp ngân hàng tạo khả năng thanh khoản. Khi tỷ lệ vốn cao hơn có thể làm giảm lượng tiền gửi và do đó giảm tính thanh khoản. Do đó, tiền gửi là cách phòng ngừa rủi ro thanh khoản hiệu quả hơn là đầu tư vào vốn cổ phần của ngân hàng. Nghiên cứu của Aspal et al. (2014) cho thấy vốn ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản của ngân hàng.

2.2.1.7. Quy mô ngân hàng

Quy mô ngân hàng (SIZE) có ảnh hưởng đến tỷ lệ vốn ưa thích của các ngân hàng. Các ngân hàng lớn có xu hướng đa dạng hóa hơn, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý rủi ro, chi phí, có khả năng huy động vốn mới với chi phí thấp hơn, và/hoặc có được sự đảm bảo của chính phủ ("quá lớn để thất bại"). Chính vì vậy, các ngân hàng lớn thường có giữ tỷ lệ vốn thấp hơn (Shrieves & Dahl (1992); Berger et al. (1995); Gropp & Heider (2007)). Quy mô ngân hàng được xác định bằng logarit của tổng tài sản của NHTM:

SIZE = Logarit Tổng tài sản

Theo Brown & Octavia (2010), quy mô ngân hàng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR. Các ngân hàng có quy mô lớn thường dễ dàng tiếp cận các thị trường vốn với chi phí giao dịch thấp hơn nên thường giữ tỷ lệ vốn thấp hơn.

Bên cạnh đó, Alfon et al. (2005) cho rằng, lý do chính để các ngân hàng nhỏ duy trì mức vốn cao hơn các ngân hàng lớn là mục tiêu của họ để tài trợ cho chiến lược kinh doanh dài hạn của họ. Vì các ngân hàng nhỏ phải tốn nhiều chi phí hơn để điều chỉnh vốn của mình trong trường hợp có yêu cầu về vốn đột ngột.


Như vậy, hầu hết các quan điểm lý thuyết và kết quả thực nghiệm đều cho thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa quy mô ngân hàng và khả năng an toàn vốn của các ngân hàng: Gropp & Heider (2007); Asarkaya & Özcan (2007); Ahmad et al. (2008); Mohamed Romdhane (2012); Dreca (2013); Bateni et al. (2014); Shaddady & Moore (2015); Aktas et al. (2015)…

2.2.1.8. Đòn bẩy

Cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, các NHTM cần có sự đầu tư vốn từ các chủ sở hữu ngân hàng. Tuy nhiên, do đặc trưng trong hoạt động của ngân hàng, vốn ngân hàng chỉ chiếm chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn. Các ngân hàng thường giữ tỷ lệ vốn rất thấp, thấp hơn nhiều so với các ngành khác, nghĩa là tỷ lệ đòn bẩy của ngân hàng cao hơn nhiều so với các ngành khác (Berger et al., 1995).

Theo Büyüksalvarci & Abdioğlu (2011), yếu tố đòn bẩy của ngân hàng mà đại diện bằng tỷ lệ đòn bẩy (LEV), có mối quan hệ chặt chẽ với an toàn vốn của ngân hàng. Đối với các ngân hàng có tỷ lệ đòn bẩy càng cao thì rủi ro tiềm ẩn càng lớn, đòi hỏi ngân hàng có một lượng vốn đủ lớn để bù đắp tổn thất tiềm năng không làm ảnh hưởng đến các chủ nợ. Tỷ lệ đòn bẩy được xác định như sau:

LEV= Tổng nợ/Tổng vốn chủ sở hữu

Ngân hàng có vốn vay cao có nhiều rủi ro hơn so với các ngân hàng khác, các cổ đông sẽ yêu cầu tăng tỷ lệ lợi nhuận, dẫn đến ngân hàng có tỷ lệ vốn vay cao có khó khăn trong việc huy động vốn cổ phần mới do chi phí vốn cao. Do đó, tỷ lệ đòn bẩy và CAR của ngân hàng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch (Ahmad et al. (2008); Büyüksalvarci & Abdioğlu (2011); Bateni et al. (2014); Shaddady & Moore (2015)).

Ngược lại, Shingjergji & Hyseni (2015) cho thấy đòn bẩy tài chính và CAR của ngân hàng có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Các tác giả giải thích rằng đòn bẩy tài chính cao sẽ cho phép ngân hàng tăng tổng tài sản, tăng lợi nhuận tiềm năng. Lợi nhuận tăng sẽ giúp ngân hàng tăng nguồn vốn chủ sở hữu và do đó tăng khả năng an toàn vốn. Bên cạnh đó, theo Angabazo (1997) khi huy động tiền gửi và đi vay dẫn đến tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán nên cần phải duy trì quy mô vốn lớn để dự phòng điều này. Nghiên cứu của Dreca (2013) cho thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa đòn bẩy tài chính và CAR của ngân hàng.

2.2.1.9. Mức độ sở hữu của chính phủ

Các nhà kinh tế có quan điểm khác nhau về tác động của Chính phủ tới hoạt

động của ngân hàng thông qua việc nắm quyền sở hữu. Quan điểm ủng hộ vai trò của


Chính phủ cho rằng, Chính phủ giúp khắc phục thất bại thị trường vốn, đầu tư vào các dự án chiến lược quan trọng. Bởi, Chính phủ có đầy đủ thông tin và ưu đãi để thúc đẩy đầu tư xã hội mong muốn (Gerschenkron, 1962).

Ngược lại, Shleifer & Vishny (1998) cho rằng các Chính phủ không có đủ động cơ để đảm bảo các khoản đầu tư mong muốn xã hội. Sự tham gia của Chính phủ vào hoạt động ngân hàng sẽ dẫn tới chính trị hóa phân bổ nguồn lực của ngân hàng, làm mềm các ràng buộc ngân sách và cản trở kinh tế. Do đó, quyền sở hữu của Chính phủ tạo điều kiện cho việc tài trợ cho các dự án hấp dẫn về mặt chính trị nhưng không phải là những dự án có hiệu quả kinh tế.

Sự tham gia của Chính phủ trong hoạt động ngân hàng làm cho các ngân hàng thường có tâm lý “dựa dẫm”, nếu có khó khăn thì cũng đã có Chính phủ “đỡ đầu”. Do đó, các NHTMNN thường không quá áp lực trong vấn đề đảm bảo an toàn (Trần Thọ Đạt và Lê Thanh Tâm, 2016). Chính vì vậy, xu hướng chung là giảm sự can thiệp của chính phủ trong hoạt động của hệ thống tài chính. Nghĩa là khi hệ thống tài chính phát triển và an toàn hơn thì sự can thiệp của chính phủ sẽ giảm dần.

2.2.1.10. Tỷ lệ an toàn vốn kỳ trước

Điều chỉnh mức vốn để thích ứng với những thay đổi bất thường của thị trường có thể là tốn kém đối với các ngân hàng do thời gian trễ của các quyết định điều chỉnh mức vốn và hoàn thành các giao dịch cho những điều chỉnh. Bên cạnh đó, do sự không cân xứng thông tin giữa nhà quản lý ngân hàng và nhà đầu tư nên việc điều chỉnh mức vốn có thể làm tăng chi phí gián tiếp. Bởi, việc phát hành vốn mới hoặc thanh lý vốn hiện có có thể được các nhà đầu tư xem là một tín hiệu cho thấy giá thị trường của ngân hàng cao hơn giá trị nội tại, do đó làm tăng chi phí điều chỉnh.

Giữ quá nhiều vốn có thể gây ảnh hưởng tới lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, không đảm bảo yêu cầu về vốn có thể gây ra những hậu quả tiêu cực và ngân hàng phải mất chi phí điều chỉnh. Do đó, mức vốn mà các ngân hàng mong muốn duy trì ở kỳ hiện tại thường được xác định dựa trên mức vốn của kỳ trước. Căn cứ vào các dữ liệu lịch sử để xác định các giá trị kế hoạch là một trong những cách mà các nhà quản lý doanh nghiệp nói chung và nhà quản lý ngân hàng nói riêng thường áp dụng. Bởi dữ liệu lịch sử là giá trị đã thực hiện trong điều kiện cụ thể. Mức vốn mà các ngân hàng mong muốn duy trì ở kỳ hiện tại thường cao hơn mức vốn của kỳ trước (Wong et al. (2005); Asarkaya & Özcan (2007)).

Xem tất cả 160 trang.

Ngày đăng: 26/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí