2.2.2. Các nhân tố vĩ mô
Các quyết định về vốn của ngân hàng không chỉ chịu tác động bởi các yếu tố ngân hàng mà còn có thể bị ảnh hưởng bởi cơ chế pháp lý, thể chế quốc gia, chế độ thuế và kế toán, thị trường, cơ cấu tài chính và văn hóa kinh doanh. Trong đó, chu kỳ kinh doanh, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, tỷ giá thực…là những yếu tố vĩ mô nền kinh tế có tác động nhất định tới CAR của các ngân hàng (Babihuga, 2007). Bên cạnh đó, theo Schaeck và Čihák (2007), các ngân hàng có xu hướng giữ tỷ lệ vốn cao hơn khi hoạt động trong một môi trường cạnh tranh hơn và ngược lại. Với những nền kinh tế dựa chủ vào ngân hàng, thì sự cạnh tranh từ thị trường vốn ít hơn và do đó, các ngân hàng sẽ tỷ lệ vốn ở mức thấp hơn.
Sự tương quan giữa chu kỳ kinh doanh và CAR khác nhau giữa các quốc gia phụ thuộc vào thu nhập và chiều sâu của HTTC. Thu nhập của một quốc gia thấp hơn và HTTC kém phát triển hơn thì CAR sẽ cao hơn so với các nước có thu nhập cao hơn trong thời kỳ suy thoái nền kinh tế (Babihuga, 2007).
2.2.2.1. Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế
Tỷ lệ tăng trưởng GDP là một trong số các chỉ số kinh tế vĩ mô được sử dụng phổ biến nhất phản ánh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, vì nó là thước đo cho tổng thể các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng GDP, được tính như sự thay đổi hàng năm của GDP, được sử dụng như một thước đo hiệu quả kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ tăng trưởng GDP là chỉ tiêu phổ biến phản ánh 'mức sống' của mỗi quốc gia (Yanne et al., 2007). Trong các yếu tố vĩ mô nền kinh tế thì Tỷ lệ tăng trưởng GDP có ảnh hưởng đáng kể tới CAR của các ngân hàng. Hầu hết các nghiên cứu, khi xem xét tác động của yếu tố vĩ mô nền kinh tế đều cho thấy Tỷ lệ tăng trưởng GDP có ảnh hưởng tới CAR của ngân hàng.
Các ngân hàng có thể thay đổi mức vốn để thích ứng với những biến động rủi ro phát sinh từ những thay đổi trong môi trường kinh tế. Trong thời kỳ suy thoái nền kinh tế, các hoạt động của nền kinh tế kém hiệu quả, gây ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của ngân hàng, đặc biệt làm tăng các khoản nợ xấu. Nhìn chung, trong thời kỳ suy thoái nền kinh tế, hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro, tổn thất, làm “xói mòn” vốn ngân hàng. Do đó, các ngân hàng có thể có các biện pháp phòng ngừa bằng cách nắm giữ nhiều vốn hơn. Bên cạnh đó, những ngân hàng dựa vào xếp hạng tín dụng để tiếp cận thị trường vốn cũng có thể cần tăng vốn để duy trì xếp hạng trong thời kỳ suy thoái. Trong thời kỳ tăng trưởng, rủi ro ít các ngân hàng có thể giữ ít vốn
hơn. Như vậy, mối quan hệ giữa CAR và Tỷ lệ tăng trưởng GDP là tiêu cực (Wong et al., 2005).
Tuy nhiên, theo Brewer III et al. (2008), có thể tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa tốc độ tăng trưởng nền kinh tế và CAR của ngân hàng. Trong thời kỳ suy thoái nền kinh tế, các khoản nợ xấu của ngân hàng tăng lên và tạo ra những thiệt hại làm giảm vốn ngân hàng. Trong thời kỳ, tăng trưởng nền kinh tế, rủi ro ít hơn, hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn, tăng trưởng cao hơn. Chính vì vậy, các ngân hàng có cơ sở để đặt mục tiêu tăng tỷ lệ vốn.
2.2.2.2. Tỷ lệ lạm phát
Lạm phát cao thể hiện sự gia tăng trong tổng giá của hàng hóa và dịch vụ dẫn đến sự suy giảm sức mua của đồng tiền. Khi lạm phát cao và bất ngờ, có thể gây ra những tổn thất đối với nền kinh tế. Lạm phát cao thường chuyển các nguồn lực từ người cho vay và người tiết kiệm sang người đi vay vì người đi vay có thể trả nợ với đồng tiền có giá trị thấp hơn.
Tỷ lệ lạm phát được xác định dựa trên chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI). Điều này cho thấy, khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, chi phí vay mượn sẽ trở nên đắt hơn và làm xấu đi chất lượng của danh mục cho vay và đe doạ khả năng an toàn vốn của ngân hàng. Do đó, ổn định nền kinh tế vĩ mô là điều cần thiết để duy trì sự ổn định thị trường tài chính và không làm xói mòn vốn của ngân hàng. Khi tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, sự xáo trộn của thị trường tín dụng có thể là "không ràng buộc", do đó lạm phát không làm biến dạng luồng thông tin hoặc can thiệp vào việc phân bổ nguồn lực và tăng trưởng (Azariadas & Smith (1996); Choi et al. (1996)).
Như vậy, tỷ lệ lạm phát tăng can thiệp vào khả năng của "ngành tài chính để phân bổ các nguồn lực một cách hiệu quả". Mối quan hệ giữa lạm phát và sự phát triển ngành ngân hàng, đặc biệt là an toàn vốn của ngân hàng là tiêu cực (Boyd et al., 2001).
Các nghiên cứu thực nghiệm của Shaddady & Moore (2015); Williams (2011); Akhter & Daly (2009), Mili et al. (2014) sử dụng chỉ tiêu mức thay đổi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm để đo lường tác động của lạm phát tới CAR của ngân hàng và nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lạm phát và CAR.
2.2.2.3. Lãi suất
Sự biến động của lãi suất làm cho việc quản lý ngân hàng trở nên khó khăn hơn vì giá trị tài sản và nợ trong tương lai trở nên không chắc chắn. Phần lớn tài sản của ngân hàng được tài trợ bằng các khoản nợ ngắn hạn nên sự biến động về lãi suất sẽ làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán. Do hậu quả của những thay đổi này, các
ngân hàng phải đối phó với môi trường không dự đoán được và cạnh tranh hơn (Grullon et al., 1997).
Theo Demirguç-Kunt & Detragiache (1997), mức lãi suất cho vay cao hơn có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay cao dẫn tới tỷ lệ khách hàng phá sản cao hơn và rủi ro hoạt động cho vay cao làm tăng rủi ro cho ngân hàng. Điều này có thể tác động tiêu cực đến an toàn vốn của ngân hàng, do nhiều người vay không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Chính vì vậy, khi xem xét tác động của lãi suất tới CAR, các nghiên cứu thường quan tâm tới chỉ tiêu lãi suất cho vay. Nghiên cứu của (Bahihuga, 2007), Williams (2011), Mili et al. (2014) xem xét tác động của lãi suất cho vay tới CAR của các ngân hàng thông qua chỉ tiêu lãi suất cho vay bình quân. Kết quả cho thấy mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lãi suất cho vay bình quân và CAR.
2.2.2.4. Tỷ giá hối đoái
Sự gia tăng tỷ giá cho thấy sự giảm giá trị của đồng nội tệ so với đồng ngoại tệ. Tỷ giá là một thước đo giá trị điều chỉnh theo lạm phát của đồng nội tệ so với bình quân qua quyền của một số ngoại tệ. Tác động của sự thay đổi tỷ giá tới CAR của ngân hàng thông qua lợi nhuận, tuỳ thuộc vào quy mô hoạt động của ngân hàng bằng ngoại tệ. Ảnh hưởng của tỷ giá tới CAR phụ thuộc vào tỷ trọng tài sản của HTNH ở nước ngoài. Đối với các ngân hàng có số cổ phiếu và tài sản nước ngoài lớn, khi tỷ giá tăng thì CAR của ngân hàng sẽ lớn hơn và ngược lại. Với những ngân hàng có số cổ phiếu và tài sản nước ngoài thấp, khi tỷ giá hối đoái tăng thì CAR thấp hơn và ngược lại (Bahihuga, 2007).
Bên cạnh đó, mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tỷ giá hối đoái và CAR, ngụ ý rằng tỷ giá hối đoái thực gia tăng làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào HTNH và do đó làm giảm CAR của ngân hàng (Williams (2011); Mili et al. (2014)).
2.2.2.5. Mức độ an toàn vốn của nghành
Khi đánh giá sức mạnh tài chính của một ngân hàng, thị trường và cơ quan xếp hạng có thể đánh giá mức độ an toàn vốn của ngân hàng trong mối tương quan với các ngân hàng khác. Do đó, các NHTM thường giữ CAR ở mức cao hơn để phân biệt với các ngân hàng khác. Các ngân hàng sử dụng vốn của họ như là một tín hiệu cho sự cạnh tranh với các ngân hàng có cùng quy mô trên thị trường (Wong et al., 2005). Đó là cách mà các ngân hàng sử dụng để thay đổi nhận thức của cơ quan giám sát về ngân hàng theo hướng tích cực. Chính vì vậy, khi CAR trung bình ngành càng cao càng tạo áp lực buộc các NHTM phải tăng CAR của ngân hàng.
Như vậy, mức độ an toàn vốn toàn ngành có ảnh hưởng nhất định tới các nhà quản lý ngân hàng trong việc tăng vốn. Mỗi ngân hàng luôn cố gắng có một tỷ lệ vốn phù hợp với mức trung bình nhằm mục đích gửi một tín hiệu tích cực tới thị trường và các cơ quan quản lý (Alfon et al. (2004), Mohamed Romdhane (2012)).
2.2.2.6. Áp lực của các quy định về an toàn vốn
Các ngân hàng có nghĩa vụ phải phải tuân thủ theo các quy định về vốn để đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng như quy định về CAR tối thiểu. CAR tối thiểu có thể được quy định chung cho các ngân hàng hoặc cho từng ngân hàng riêng lẻ tuỳ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Trong trường hợp vi phạm quy định, các ngân hàng sẽ chịu những hình thức phạt. Chính vì vậy, áp lực từ các quy định là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến an toàn vốn của ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu các quy định không được kiểm soát một cách chặt chẽ (kỷ luật thị trường kém) các quy định có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới mức vỗn của ngân hàng, các ngân hàng có thể sẽ không tăng vốn ở mức cao hơn. Như vậy áp lực của các quy định phụ thuộc vào kỷ luật thị trường. Các yêu cầu về vốn của cơ quan quản lý và nhận thức của ngân hàng về giám sát và vi phạm quy định có thể ảnh hưởng tới các quyết định về vốn của ngân hàng. Tùy thuộc vào các quy định pháp lý và quy tắc và hành vi giám sát đối với vi phạm yêu cầu vốn, mức độ can thiệp của các quy định, các ngân hàng có thể giữ CAR cao hơn yêu cầu để giảm nguy cơ vi phạm. Bên cạnh đó, phản ứng với những thay đổi từ các quy định của ngân hàng có CAR thực tế gần với quy định tối thiểu là lớn hơn so với ngân hàng khác (Wong et al., 2005).
Áp lực của các quy định có thể được đánh giá bằng nhiều cách: áp lực pháp lý phản ánh tác động của sự biến động của tỷ lệ vốn đối với xác suất không đáp ứng các yêu cầu pháp lý (Ediz et al, 1998); hoặc đo áp lực pháp lý bằng cách sử dụng phân loại hành động Hiệu chỉnh nhanh chóng (Aggarwal và Jacques, 1998).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, Luận án đã hệ thống lại các cơ sở lý luận về an toàn vốn của các NHTM: các quan điểm khác nhau về an toàn vốn, vai trò của an toàn vốn, các yêu cầu đối với an toàn vốn cũng như các quan điểm lý thuyết về các nhân tố tác động tới an toàn vốn.
Các quy định về an toàn vốn là yêu cầu mang tính thực tiễn khách quan nhằm mục đích đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, lành mạnh. Khi hoạt động ngân hàng không chỉ giới hạn trong phạm vi của một quốc gia mà mang tính quốc tế, đòi hỏi quy định về an toàn vốn cũng phải được thống nhất, theo thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, các Hiệp ước về vốn Basel mặc dù không mang tính pháp lý, không bắt buộc áp dụng nhưng đã trở thành chuẩn mực quốc tế về vốn mà các HTNH các nước áp dụng theo những mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia trong từng thời kỳ.
Đảm bảo an toàn vốn nghĩa là các NHTM phải duy trì một mức vốn đủ để bù đắp tổn thất khi xảy ra rủi ro, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền cũng như đảm bảo an toàn cho ngân hàng tránh/hạn chế nguy cơ phá sản ngân hàng, gây ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng tới nền kinh tế. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý yêu cầu các NHTM phải đảm ảo duy trì CAR tối thiểu theo yêu cầu. Khi các NHTM đảm bảo CAR tối thiểu theo yêu cầu nghĩa là hoạt động của NHTM đã an toàn.
Tuy nhiên, việc đảm đảm CAR không phải là vấn đề đơn giản đối với các NHTM khi các quy định về CAR ngày càng chặt chẽ, phức tạp và chịu tác động của nhiều nhân tố: (i) nhân tố vi mô và (ii) nhân tố vĩ mô nền kinh tế.
CHƯƠNG 3
THỰC TRẠNG VỀ AN TOÀN VỐN VÀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TỚI AN TOÀN VỐN CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
3.1. Thực trạng về an toàn vốn
3.1.1. Quy định pháp lý của Việt Nam về an toàn vốn
Để đảm bảo an toàn và lành mạnh cho HTNH, NHNN Việt Nam đã đưa ra những quy định đối với hoạt động của HTNH, đặc biệt là quy định về an toàn vốn. Căn cứ vào các chuẩn mực quốc tế về an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng nói chung và an toàn vốn nói riêng, Việt Nam đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về an toàn vốn như: quy định về vốn điều lệ, quy định về tỷ lệ an toàn vốn cấp 1, quy định tỷ lệ an toàn vốn. Trong đó, quy định về tỷ lệ an toàn vốn là quy định được quan tâm hơn cả, do phạm vi tác động và tính chất phức tạp của tỷ lệ an toàn vốn. Chính vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả chủ yếu tập trung vào các quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
HTNH Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện các quy định về an toàn vốn phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Lộ trình thực hiện các chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn đối với các HTNH đã được nêu rất rõ trong định hướng phát triển HTNH tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bảng 3.1 Các văn bản pháp luật quy định về CAR của hệ thống TCTD Việt Nam
Năm ban hành | Năm thực hiện | Quy định về CAR | |
Quyết định 297/1999/QĐ-NHNN5 381/2003/QĐ-NHNN (sửa đổi bổ sung một số điều, khoản của Quyết định 297/1999/QĐ - NHNN5) | 27/8/1999 | 9/9/1999 | CAR được tính bằng Vốn tự có trên Tài sản có. - Vốn tự có gồm vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ - Tài sản có gồm tài sản có rủi ro nội bảng và tài sản có rủi ro ngoại bảng. - CAR ≥ 8% - Hệ số rủi ro: 0%; 20%; 50%; 100% |
Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN | 19/4/2005 | 6/5/2005 | CAR được tính bằng Vốn tự có trên Tài sản có. - Vốn tự có được tính bằng vốn cấp 1 cộng với vốn cấp 2 và trừ các khoản giảm trừ. - CAR ≥ 8% - Hệ số rủi ro: 0%; 20%; 50%; 100% |
Thông tư 13/2010/TT-NHNN | 20/5/2010 | 1/10/2010 | CAR≥ 9% - Hệ số rủi ro: 0%; 20%; 50%; 100% và 250% |
Thông tư | 20/11/2014 | 1/2/2015 | CAR≥ 9% |
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Và Vai Trò Của Vốn Ngân Hàng
- Yêu Cầu Về Vốn Tối Thiểu Theo Hiệp Ước Vốn Basel I, Basel Ii, Basel Ii
- Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 7
- So Sánh Cách Tính Vốn Tự Có Trong Thông Tư 36 Và Thông Tư 41
- Quy Mô Tài Sản Của Các Nhtm Việt Nam So Với Quy Mô Tài Sản Trung Bình Trong Mẫu Nghiên Cứu Năm 2017
- Thống Kê Mô Tả Tỷ Lệ Dự Phòng Rủi Ro Tín Dụng Trung Bình Của Các Nhtm Việt Nam Trong Mẫu Nghiên Cứu
Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.
Năm ban hành | Năm thực hiện | Quy định về CAR | |
36/2014/TT-NHNN | - Hệ số rủi ro: 0%; 20%; 50%; 100% và 150% - Vẫn chưa tính tới rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động trong tổng tài sản có rủi ro. | ||
Thông tư 06/2016/TT-NHNN | 27/5/2016 | 1/7/2016 | CAR≥ 9% - Hệ số rủi ro từ 0%; 20%; 50%; 100% và 200% Vẫn chưa tính tới rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động trong tổng tài sản có rủi ro. |
Thông tư 41/2016/TT-NHNN | 30/12/2016 | 1/1/2020 | CAR≥ 8% - CAR được tính bằng vốn tự có trên tổng tài sản rủi ro. - CAR tính tới cả rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. |
Nguồn: Ngân hàng nhà nước (1999,2005,2014a, 2016a,2016b)
Năm 1999, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định 297/1999/QĐ- NHNN5, văn bản pháp luật đầu tiên chính thức quy định về CAR, tiếp đó là Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, quy định về CAR trong các Quyết định này khá đơn giản chưa đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản của Basel I. Thậm chí, còn có sự nhầm lẫn về cách tính Vốn tự có trong Quyết định 297/1999/QĐ-NHNN5, vốn tự có được xác định bằng vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Do sự nhầm lẫn này kết hợp với những khó khăn trong hoạt động ngân hàng vào thời điểm đó nên rất nhiều ngân hàng không đáp ứng được CAR tối thiểu 8%. Mặt khác trong giai đoạn này, việc tuân thủ các quy định về CAR không được chủ trọng nhiều, không được kiểm tra giám sát một cách chặt chẽ.
Hoạt động ngân hàng tại Việt Nam giai đoạn này bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cả về năng lực tài chính và năng lực quản trị. Trong khi đó, năm 2007, Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các TCTD nước ngoài tham gia thị trường trong nước. Sự tham gia của các TCTD nước ngoài vào thị trường trong nước đã tạo cho các NHTM Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với công nghệ ngân hàng hiện đại nhưng cũng đặt ra cho HTNH Việt Nam nhiều khó khăn thách thức. Đòi hỏi HTNH Việt Nam phải nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị ... Để nâng cao khả năng cạnh tranh trước hết phải đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các TCTD trong nước và nước ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2010, một lần nữa cho thấy, hoạt động ngân hàng ngày càng tiềm ẩn nhiều
rủi ro, các quy định về an toàn đòi hỏi ngày càng phải chặt chẽ hơn.
Chính vì vậy, đối với các cơ quan quản lý ngân hàng như NHNN cần phải hoàn thiện các quy định chính sách hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Do đó, để bổ sung cho những thiếu sót trong các Quyết định 297, 457 về tỷ lệ an toàn vốn và hướng tới chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn Basel II, NHNN Việt Nam đã ban hành các văn bản thay thế các Quyết định này như: Thông tư 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 06/2016/TT-NHNN, sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư 36) và gần đây nhất là thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Hiện tại, các NHTM tại Việt Nam phải tính CAR theo thông tư 36 và phải đảm bảo CAR tối thiểu bằng 9% và tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu là 4%. CAR của các NHTM Việt Nam được tính bằng vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro. Tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu được tính bằng vốn cấp 1 trên tổng tài sản có rủi ro. Trong đó, vốn tự có được xác định bằng tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 trừ các khoản giảm trừ, tổng tài sản có rủi ro là tổng tài sản điều chỉnh theo rủi ro tín dụng.
Như vậy, cách tính CAR theo thông tư 36 đã đảm bảo các tiêu chuẩn của Basel I nhưng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn của Basel II. Bởi theo thông tư 36 thì CAR chưa tính tới rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, đồng thời chưa phản ánh hết mức độ rủi ro tín dụng do chưa tính tới mức xếp hạng khách hàng, cách tính vốn cấp 1, vốn cấp 2 và các khoản giảm trừ chưa hoàn toàn theo Basel II .
Theo lộ trình đã đề ra, các NHTM Việt Nam đang tiến tới thực hiện theo các chuẩn mực về an toàn vốn Basel II, được quy định bởi Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Việc tính CAR theo thông tư 41 sẽ bắt đầu áp dụng trong toàn HTNH tại Việt Nam từ ngày 1/1/2020. Theo thông tư 41, các ngân hàng phải đảm bảo CAR tối thiểu là 8% và CAR được tính theo chuẩn mực Basel II, tức là CAR đã tính tới rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường thay cho cách tính CAR theo các quy định trước đây (thông tư 36) – CAR mới chỉ tính tới rủi ro tín dụng. Mặc dù vậy, quy định về CAR trong thông tư 41 mới chỉ đảm bảo quy định cơ bản của Basel II. Do đó, việc thực hiện và tính CAR của Việt Nam có đặc trưng riêng khác biệt với các quốc gia khác.
So với thông tư 36, thông tư 41 có một số điểm khác biệt về cách tính CAR như sau:
Thứ nhất, khác biệt trong cách tính Vốn tự có theo quy định hiện tại (thông tư
36) so với thông tư 41.