Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 3


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

An toàn và lành mạnh là mục tiêu mà các cơ quan quản lý hướng tới trong quá trình quản lý HTNH. Để đạt mục tiêu đó, các cơ quan quản lý đã đề ra rất nhiều các quy định đối với hoạt động của các NHTM. Trong đó, quy định về CAR tối thiểu được quan tâm hơn cả bởi đó là quy định về mức vốn dựa trên mức độ rủi ro trong hoạt động của NHTM. CAR cho thấy khả năng hấp thụ tổn thất của các NHTM.

Trên thực tế, có khá nhiều nghiên cứu về an toàn vốn của các NHTM và các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các NHTM. Các nghiên cứu cho thấy an toàn vốn mà đại diện là CAR chịu tác động bởi các nhân tố vi mô như: quy mô tài sản, mức độ rủi ro, khả năng thanh khoản, khả năng sinh lời của ngân hàng… Ngoài ra, các nhân tố vĩ mô nền kinh tế cũng có ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của các NHTM.

1.1.1. Các nghiên cứu nước ngoài

Kleff & Weber (2003) khi nghiên cứu về các nhân tố tác động tới CAR của các ngân hàng Đức giai đoạn 1992-2000, bằng mô hình ước lượng GMM cho thấy: Các nhân tố truyền thống quyết định cơ cấu vốn trong lý thuyết tài chính doanh nghiệp cũng có thể có liên quan đến các ngân hàng như: Lợi nhuận càng cao thì càng có nhiều cơ hội để tăng vốn bằng cách giữ lại lợi nhuận; quy mô ngân hàng càng lớn thì tỷ lệ vốn càng thấp vì các ngân hàng này có thể tái cấp vốn trên thị trường vốn dễ dàng hơn; các ngân hàng lớn có thể có danh mục đầu tư đa dạng hơn và do đó có thể cần một bộ “đệm” vốn thấp hơn.

Kleff & Weber (2003) phân chia HTNH thành các nhóm ngân hàng gồm: ngân hàng tiết kiệm và ngân hàng cổ phần và ngân hàng khác để thấy được sự khác biệt đáng kể về hành vi của các nhóm ngân hàng. Cụ thể: Khả năng sinh lời là một yếu tố quyết định quan trọng tới CAR của ngân hàng tiết kiệm, vì vốn của các ngân hàng tiết kiệm chủ yếu dựa vào thu nhập được giữ lại. Đồng thời, rủi ro danh mục đầu tư có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR của các ngân hàng tiết kiệm vì các ngân hàng này có vốn điều lệ thấp hơn các ngân hàng khác và có xu hướng tăng vốn khi tăng rủi ro danh mục đầu tư. Ngược lại, lợi nhuận và rủi ro danh mục đầu tư có tác động nhưng không có ý nghĩa thống kê với CAR của ngân hàng khác. Quy mô ngân hàng có tác động tiêu cực tới CAR của các ngân hàng khác nhưng không có ý nghĩa thống kê với ngân hàng tiết kiệm. Ngoài ra, áp lực pháp lý có tác động tích cực lên CAR của ngân hàng khác, nhưng không ảnh hưởng tới các ngân hàng tiết kiệm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 160 trang tài liệu này.


Thực tế cho thấy, các ngân hàng đều nắm giữ CAR trên mức quy định tối thiểu. Lý giải cho điều này, Wong et al. (2005) cho rằng, các bộ “đệm” được xác định chủ yếu bởi các cân nhắc nội bộ của từng NHTM, phản ứng của các NHTM đối với kỷ luật thị trường và khung quy định. Chiến lược của ngân hàng về vốn liên quan đến chi phí điều chỉnh, sự ưa thích của thị trường về tăng trưởng vốn, sự cân bằng giữa nắm giữ vốn “đệm” và việc gửi các tín hiệu không mong muốn ra thị trường khi ngân hàng trả lại vốn cho các cổ đông, đã góp phần làm cho CAR của các NHTM ở mức cao hơn yêu cầu tối thiểu.

Các nhân tố tác động tới an toàn vốn của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam - 3

Kết quả phân tích định tính trong nghiên cứu của Wong et al. (2005), cho thấy việc đánh giá mức độ rủi ro của các ngân hàng có liên quan đến các quyết định vốn và dường như các nhà quản lý ngân hàng đánh giá rủi ro khác với các cơ quan quản lý. Chính vì vậy, các ngân hàng thường giữ CAR cao hơn mức quy định và các ngân hàng lớn thường có CAR thấp hơn so với các ngân hàng nhỏ. Tuy nhiên, kết quả phân tích định lượng của nghiên cứu lại cho thấy mức độ rủi ro ít tương quan với CAR. Điều này trái ngược với kết quả của các nghiên cứu khác như: Kleff & Weber (2003), Alfon et al. (2005), Asarkaya & Özcan (2007)

Kết quả nghiên cứu định lượng của Wong et al. (2005) cho thấy tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng, tỷ lệ tăng trưởng GDP có quan hệ tỷ lệ nghịch và có ý nghĩa thống kê với CAR. Đồng thời, CAR kỳ trước, CAR trung bình của các ngân hàng có cùng quy mô ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng, tỷ lệ vốn yêu cầu có mối quan hệ tỷ lệ thuận và có ý nghĩa thống kê với CAR. Tuy nhiên, tác động khủng hoảng tài chính Đông Nam Á – 1997, mức độ rủi ro của tài sản tới CAR lại không có ý nghĩa thống kê.

Tương tự như nghiên cứu của Kleff & Weber (2003) và Wong et al. (2005), nghiên cứu của Alfon et al. (2005) về các nhân tố ảnh hưởng tới CAR của các NHTM thành lập và hoạt động tại Anh giai đoạn 1997 – 2002 cũng cho thấy: quy mô ngân hàng, tỷ lệ tăng trưởng GDP có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR; yêu cầu vốn đối với từng ngân hàng có quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Ngoài ra, nghiên cứu của Alfon et al. (2005) còn cho thấy mức độ rủi ro của tài sản có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR, tác động của tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu tới CAR không có ý nghĩa thống kê.

Theo tác giả, mặc dù, ngân hàng có “đệm” vốn đối với các yêu cầu vốn cá nhân nhưng những thay đổi về yêu cầu vốn riêng lẻ sẽ đi kèm với một số phản ứng về CAR. Các ngân hàng hoạt động gần với yêu cầu vốn nhạy cảm hơn đối với sự thay đổi của các yêu cầu về vốn so với các ngân hàng có “đệm” vốn lớn. Ngân hàng có “đệm” vốn nhỏ thường là ngân hàng có quy mô lớn.


Vấn đề nội sinh của các biến độc lập (mức độ rủi ro của tài sản, tỷ trọng tiền gửi, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, rủi ro hoạt động kinh doanh) được giải quyết thông qua việc sử dụng phương pháp ước lượng GMM.

Asarkaya & Özcan (2007) nghiên cứu về các nhân tố quyết định CAR của các NHTM, phân tích thực nghiệm đối với các NHTM Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2002-2006 bằng phương pháp ước lượng GMM. Tác giả cũng có kết luận tương tự như nghiên cứu của Alfon et al. (2005): các ngân hàng giữ vốn vượt quá quy định, mức độ rủi ro của tài sản, quy mô ngân hàng, tỷ trọng tiền gửi có tương quan nghịch với CAR.

Một điểm khác biệt trong nghiên cứu của Asarkaya & Özcan (2007) so với nghiên cứu của Alfon et al. (2005) là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu có mối quan hệ tỷ lệ thuận và có ý nghĩa thống kê với CAR. Theo tác giả, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu không chỉ được xem xét là chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu như nghiên cứu của Alfon et al. (2005) mà nó còn là chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng, do đó khi lợi nhuận tăng sẽ tác động làm tăng vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Asarkaya & Özcan (2007) còn cho thấy: CAR kỳ trước, CAR trung bình của ngành và tỷ lệ tăng trưởng GDP có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR của ngân hàng.

Kế thừa các kết quả nghiên cứu của Asarkaya & Özcan (2007), Büyükşalvarci & Abdioğlu (2011) tiếp tục nghiên cứu về các nhân tố quyết định CAR của các Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn tiếp theo 2006-2010. Nghiên cứu chỉ ra rằng: Tỷ trọng cho vay trong tổng tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ đòn bẩy có ảnh hưởng tiêu cực đến CAR. Bên cạnh đó, dự phòng rủi ro tín dụng và tỷ suất sinh lời trên tài sản ảnh hưởng tích cực đến CAR. Tuy nhiên, quy mô ngân hàng, tiền gửi, khả năng thanh khoản và thu nhập lãi biên dường như không có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đối với CAR.

Kết quả nghiên cứu của Büyükşalvarci & Abdioğlu (2011) có sự khác biệt với nghiên cứu của Asarkaya & Özcan (2007) về tác động của các nhân tố: quy mô ngân hàng, tỷ trọng tiền gửi, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu tới CAR. Sự khác biệt này có thể do giai đoạn nghiên cứu của Büyükşalvarci & Abdioğlu (2011) và Asarkaya & Özcan (2007), các yêu cầu về vốn thay đổi làm thay đổi mức vốn mà ngân hàng muốn nắm giữ (Asarkaya & Özcan, 2007).

Bên cạnh các quy định về CAR tối thiểu, hiệp ước vốn Basel II còn đưa ra các quy định về giám sát ngân hàng, công khai và minh bạch thông tin. Đảm bảo minh bạch trong công bố thông tin sẽ giúp cho các bên liên quan có được các thông tin đầy


đủ, chính xác, kịp thời. Thông tin minh bạch là nhân tố quan trọng giúp quá trình giám sát ngân hàng đạt hiệu quả và tạo kỷ luật thị trường.

Chính vì vậy, mức độ minh bạch thông tin sẽ tác động tới CAR của các NHTM. Điều này được chứng minh trong nghiên cứu của Dhouibi, R. (2016). Kết quả nghiên cứu của Dhouibi, R. (2016) cho thấy, minh bạch thông tin ngân hàng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Đồng thời, CAR kỳ trước và sở hữu nước ngoài cũng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Trong khi đó, tỷ lệ chia cổ tức, hiệu quả quản lý, dự phòng rủi ro tín dụng, quy mô ngân hàng và áp lực quy định có quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR của các NHTM Tunisia, giai đoạn 2000 - 2014.

Tuy nhiên, tác động của các nhân tố như: Tỷ lệ tăng trưởng GDP, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu tới CAR là không có ý nghĩa thống kê. Điều này là khác biệt với các nghiên cứu của Kleff & Weber (2003); Wong et al. (2005); Alfon et al. (2005); Asarkaya & Özcan (2007).

Tương tự nghiên cứu của Wong et al. (2005), Dhouibi, R. (2016) cũng cho thấy tác động của mức độ rủi ro của tài sản tới CAR không có ý nghĩa thống kê.

Dreca (2014), phân tích các nhân tố tác động tới CAR của các NHTM Bosia, giai đoạn 2005-2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy: quy mô ngân hàng, tỷ trọng tiền gửi, cho vay và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR. Trong khi các yếu tố như: tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, đòn bẩy có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Tác động của Dự phòng rủi ro tín dụng và thu nhập lãi biên tới CAR là không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, trong nhiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp ước lượng OLS gộp để phân tích dữ liệu bảng. “Việc sử dụng phương pháp ước lượng OLS gộp nghĩa là bỏ qua bản chất kép của dữ liệu chéo và dữ liệu chuỗi thời gian đồng thời giả định hệ số của hàm CAR giữ cố định qua thời gian và giữa các đơn vị chéo” điều này làm cho kết quả ước lượng bị sai lệch. Đó là “lỗi mô hình” do “ngụy trang” tính không đồng nhất có thể tồn tại.

Vấn đề “lỗi mô hình” cũng xảy ra trong nghiên cứu của Shingjergji & Hyseni (2015). Trong nghiên cứu của Shingjergji & Hyseni (2015), tác giả phân tích các nhân tố tác động tới CAR của các NHTM Albani, giai đoạn 2007 -2014 như: Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Dữ liệu được phân tích bằng phương pháp OLS và chưa xem xét các vấn đề về lỗi mô hình như: nội sinh, tính đồng nhất đối với mô hình sử dụng dữ liệu bảng. Điều này, có thể làm cho kết quả mô hình không phù hợp.


Vấn đề “lỗi mô hình” hay lựa chọn mô hình không phù hợp với dữ liệu phân tích thể hiện khá rõ trong nghiên cứu của Polat & Al-khalaf (2014).

Polat & Al-khalaf (2014) xem xét ảnh hưởng của các nhân tố vi mô tới CAR của các NHTM tại Vương quốc Saudi Arabia, giai đoạn 2008 - 2012. Tác giả thực hiện phân tích dữ liệu bằng hai phương pháp ước lượng: Phương pháp GLS và phương pháp LSDR.

Bảy biến vi mô được giả thiết có ảnh hưởng đến CAR và được kiểm tra. Các biến vi mô được xem xét là: tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi, đòn bẩy, quy mô ngân hàng, tỷ lệ chi trả cổ tức và tỷ trọng cho vay trên tổng tài sản.

Kết quả cho thấy ngoại trừ biến tỷ lệ nợ xấu, các biến khác có ảnh hưởng đáng kể đến CAR. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng phương pháp ước lượng cho kết quả khác nhau. Theo phương pháp ước lượng LSDR, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR, đòn bẩy và quy mô ngân hàng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Các yếu tố tỷ lệ cho vay trên tiền gửi; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản có tác động tới CAR nhưng không có ý nghĩa thống kê. Phương pháp ước lượng GLS lại cho thấy, ngoài các kết quả tương tự như phương pháp ước lượng LSDR thì: tỷ lệ cho vay trên tiền gửi có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Qua đó cho thấy việc xác định phương pháp ước lượng sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả nghiên cứu.

Ahmad et al. (2008), nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố như: Quy mô ngân hàng, mức độ rủi ro, hiệu quả quản lý, áp lực của các quy định, khả năng thanh khoản, tỷ lệ đòn bẩy tới CAR của các ngân hàng Malaysia, giai đoạn 1995-2002. Kết quả cho thấy có sự liên kết tích cực và mạnh mẽ giữa yêu cầu về vốn và hành vi quản lý rủi ro của các NHTM. Mức độ rủi ro của NHTM có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Büyükşalvarci et al. (2011) nhưng trái ngược với kết quả nghiên cứu của Alfon et al. (2005), Asarkaya & Özcan (2007). Đồng thời, nghiên cứu của Ahmad et al. (2008) cũng cho thấy, áp lực quy định tác động tới quyết định vốn của các ngân hàng, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Wong et al. (2005).

Tuy nhiên, Ahmad et al. (2008) thấy rằng quyết định về vốn của ngân hàng có vẻ như không chịu ảnh hưởng bởi lợi nhuận của ngân hàng, điều này không phù hợp với kết quả nghiên cứu ở các nước phát triển. Ở các nước phát triển lợi nhuận của các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc làm tăng tỷ lệ vốn (Berger et al., 1995).


Như vậy, tổng quan các nghiên cứu cho thấy, CAR của các ngân hàng thường cao hơn CAR tối thiểu theo quy định và chịu tác động chủ yếu bởi các nhân tố vi mô. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các quyết định về CAR tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của nền kinh tế. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế có ảnh hưởng tới CAR của các ngân hàng. Đồng thời, một số nghiên cứu cũng đã cho thấy, ngoài tốc độ tăng trưởng nền kinh tế thì các yếu tố vĩ mô khác cũng có những ảnh hưởng nhất định tới CAR như:

Blum & Hellwig (1995) đã kiểm tra mối quan hệ giữa CAR và các chỉ số kinh tế vĩ mô và kết luận rằng các chỉ số này ảnh hưởng đến CAR của các ngân hàng. Sử dụng mô hình IS-LM và cân bằng thị trường tiền tệ, tác giả đã cho thấy các biến kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng để đáp ứng các nghĩa vụ về vốn của mình và cũng giải thích sự biến động về CAR: “Các cú sốc tiêu cực của tổng cầu sẽ ảnh hưởng tới khả năng trả nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, điều đó làm giảm vốn ngân hàng và để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn các ngân hàng sẽ giảm cho vay và đầu tư”.

Brewer III et al. (2008), xem xét ảnh hưởng của các biến vi mô và vĩ mô tới cơ cấu vốn của 78 ngân hàng tư nhân lớn nhất trên thế giới có trụ sở tại 12 nước công nghiệp trong thời gian từ 1992 đến 2005.

Các biến vi mô bao gồm: lợi nhuận, rủi ro tín dụng, và quy mô ngân hàng. Các biến vĩ mô cụ thể bao gồm: tỷ lệ tăng trưởng GDP và quy mô của ngành ngân hàng ở nước sở tại… Kết quả cho thấy, các ngân hàng duy trì CAR cao hơn ở những nước mà nền kinh tế ít phụ thuộc vào HTNH, các nước có khả năng khắc phục kịp thời tích cực và có yêu cầu về vốn chặt chẽ hơn, quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Williams (2011) nghiên cứu các tác động của các nhân tố vĩ mô nền kinh tế tới CAR của các ngân hàng Nigeria, giai đoạn 1980-2008. Kết quả cho thấy các chỉ số kinh tế vĩ mô như: tỷ lệ lạm phát, tỷ giá, tiền gửi, cung tiền và bất ổn chính trị là những yếu tố có ảnh hưởng nhất định tới các quyết định về an toàn vốn của các ngân hàng ở Nigeria. Nghiên cứu cho thấy, sự ổn định chính trị có thể làm giảm căng thẳng tài chính và phá sản do đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng tới vốn ngân hàng ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Đồng thời, lạm phát, tỷ giá có mối quan hệ tiêu cực với vốn ngân hàng. Lạm phát cao làm xói mòn vốn ngân hàng ở hầu hết các nền kinh tế đang phát triển còn tỷ giá gia tăng làm giảm đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào HTNH.


Aktas et al. (2015), nghiên cứu tác động của các nhân tố vi mô và vĩ mô nền kinh tế tới CAR của 71 ngân hàng thuộc 10 quốc gia khác nhau trong khu vực Đông Nam Âu (SEE), giai đoạn từ 2007-2012. Khu vực SEE chủ yếu bao gồm "các nền kinh tế chuyển đổi" vẫn đang gặp khó khăn để trở thành nền kinh tế thị trường hiệu quả với tiềm năng kinh tế cao.

Các biến vi mô gồm: quy mô ngân hàng, lợi nhuận, đòn bẩy, thanh khoản, lãi suất và mức độ rủi ro của tài sản. Các biến vĩ mô nền kinh tế gồm: tăng trưởng nền kinh tế, lạm phát, lãi suất, chỉ số biến động của thị trường chứng khoán, và chỉ số quản trị, mức độ bao phủ của bảo hiểm tiền gửi. Biến phụ thuộc CAR được xác định bằng tỷ lệ tổng vốn trên tổng tài sản có rủi ro.

Kết quả cho thấy tác động của các biến vi mô như: quy mô ngân hàng, đòn bẩy, mức độ rủi ro của tài sản, thanh khoản, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản tới CAR phù hợp với các nghiên cứu của Asarkaya & Özcan (2007), Alfon et al. (2005).

Các biến vĩ mô nền kinh tế: Tỷ lệ tăng trưởng GDP, chỉ số quản trị có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR, mức độ bao phủ của bảo hiểm tiền gửi và chỉ số biến động thị trường chứng khoán có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Trong khi đó, tác động của lạm phát và lãi suất tới CAR không có ý nghĩa thống kê.

Pant & Nidugala (2016) xem xét tác động của các chỉ số kinh tế vĩ mô tới CAR của các ngân hàng Ấn Độ dựa trên dữ liệu của 65 NHTM, phân tích hồi quy bằng phương pháp GMM. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, lạm phát và lãi suất có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR. Tuy nhiên, tác động của tỷ giá hối đoái tới CAR không có ý nghĩa thống kê, khác với kết quả trong nghiên cứu của Williams (2011).

Như vậy, có thể thấy, có khá nhiều các nghiên cứu về an toàn vốn của các NHTM đã được nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy an toàn vốn được đo lường thông qua chỉ tiêu CAR, chịu tác động của nhiều nhân tố, bao gồm cả nhân tố vi mô và nhân tố vĩ mô nền kinh tế.

Ở Việt Nam, mặc dù cũng theo xu thế chung của các nước trên thế giới, cơ quan quản lý yêu cầu các NHTM phải đảm bảo CAR theo chuẩn mực Basel. Tuy nhiên, các quy định này cũng có những đặc trưng riêng của Việt Nam, tuỳ thuộc vào từng thời kỳ cụ thể. Chính vì vậy, các nhân tố tác động tới CAR của các NHTM Việt Nam có thể có những khác biệt nhất định.


1.1.2. Các nghiên cứu trong nước

Từ cuối năm 2011 đến nay, Việt Nam thực hiện quá trình tái cấu trúc HTNH nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn và lành mạnh trong hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, CAR là đề tài được thảo luận khá nhiều. Cũng đã có một số bài báo nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố tác động tới CAR của các NHTM Việt Nam như:

Bài báo của Thủy & Chi (2015) “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn tại các NHTM cổ phần Việt Nam”, giai đoạn 2007-2013. Kết quả cho thấy: quy mô ngân hàng, tiền gửi của khách hàng, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR, còn tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng nợ có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Trong khi đó, tác động của dự phòng các khoản cho vay khó đòi và khả năng thanh khoản tới CAR lại không có ý nghĩa thống kê. Bài báo cho thấy, các nhân tố vi mô đóng vai trò quan trọng trọng việc quyết định CAR của các NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, bài báo chưa xem xét tác động của các nhân tố vĩ mô nền kinh tế tới CAR.

Một nghiên cứu khác có đề tài tương tự, đó là nghiên cứu của Vũ Thị Thúy Vân và cộng sự (2016). Kết quả nghiên cứu cho thấy, tương tự như nghiên cứu của Thủy & Chi (2015), các nhân tố như: Quy mô ngân hàng, cho vay và tiền gửi của khách hàng có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR của NHTM Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ đòn bẩy, dự phòng rủi ro tín dụng có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Tác động của Khả năng thanh khoản tới CAR là không có ý nghĩa thống kê.

Tuy nhiên, bài báo sử dụng mô hình ước lượng OLS cho dữ liệu bảng, nghĩa là bỏ qua bản chất kép của dữ liệu chéo và chuỗi thời gian đồng thời giả định hệ số của hàm CAR cố định qua thời gian và giữa các đơn vị chéo nên kết quả ước lượng có thể không phù hợp hay nói cách khác là “lỗi mô hình” do ngụy trang “tính không đồng nhất có thể tồn tại. Ngoài vấn đề mô hình thì thời gian nghiên cứu ngắn từ năm 2010- 2012 cũng như chưa xem xét tác động của các nhân tố vĩ mô nền kinh tế tới CAR là hạn chế của bài báo.

Cùng chủ đề nghiên cứu về CAR của các NHTM Việt Nam, bài báo “Tăng cường an toàn vốn của hệ thống NHTM Việt Nam” của tác giả Trương Thị Hoài Linh (2016) cho thấy: quy mô ngân hàng, tỷ trọng tín dụng đối với ngành xây dựng và bất động sản, tỷ lệ tăng trưởng GDP có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với CAR. Thời gian hoạt động của ngân hàng, số lượng thành viên của ban kiểm soát, khả năng thanh khoản có mối quan hệ tỷ lệ thuận với CAR. Tác động của Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu tới CAR là không có ý nghĩa thống kê.

Xem tất cả 160 trang.

Ngày đăng: 26/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí