Nghiên Cứu Về Rào Cản Tiếp Cận Tín Dụng


của Nhà nước. Mặt khác, địa bàn nghiên cứu tập trung phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống nên xác suất tiếp cận TDCT của hộ cũng cao hơn so với những hộ là người Kinh. Do đặc điểm dân cư được khảo sát không mang tính đại diện cao nên kết quả thu được khó có thể suy rộng, từ đó khiến cho nghiên cứu ít có ý nghĩa thực tiễn.

Nguyen (2007) cho rằng hoạt động tài chính của hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quy mô hộ gia đình và nghề nông. Ở cấp độ xã, khoảng cách đến các TCTD không ảnh hưởng đến việc tiếp cận TDCT. Khi nghiên cứu tác động của trình độ học vấn đến quyết định vay, tác giả nhận thấy chúng có mối tương quan dạng chữ U ngược, hay nói cách khác là những hộ gia đình có trình độ học vấn thấp nhất hay cao nhất đều vay ít nhất.

Nghiên cứu của Nguyễn và Phạm (2015) cũng chỉ ra nhân tố khoảng cách đến các TCTD không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn TDCT của nông hộ. Tuy nhiên, khác với nghiên cứu của Nguyen (2007), nghiên cứu này kết luận trình độ học vấn không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận TDCT. Ngoài ra, nhu cầu vay là nhân tố tác động mạnh mẽ nhất đến khả năng tiếp cận TDCT của các hộ gia đình.

Nhóm nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng dựa trên đặc điểm của cả khách hàng và tổ chức tín dụng

Khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đi vay từ nguồn TDCT, một số tác giả đưa đồng thời cả nhóm đặc điểm của người đi vay và nhóm đặc điểm của TCTD vào trong mô hình nghiên cứu của mình. Yehuala (2008) đã xác định các yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình ở Ethiopia bao gồm các yếu tố về nhân khẩu học, đặc điểm kinh tế xã hội, đặc điểm giao tiếp xã hội của hộ gia đình và đặc điểm của các TCTD. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc không thể tiếp cận TDCT là nhân tố cản trở sản xuất, năng suất và thu nhập của các hộ gia đình. Đồng thời, do việc tiếp cận TDCT còn nhiều hạn chế nên phần lớn người nghèo buộc phải tìm kiếm dịch vụ tín dụng thông qua các kênh không chính thức. Kết luận này cũng được ủng hộ bởi nghiên cứu của (Hananu và cộng sự, 2015). Đồng thời, những phát hiện trong nghiên cứu của Saqib và cộng sự (2018) cũng cho thấy các yếu tố kinh tế xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận tín dụng nông nghiệp của nông dân.

Kết luận từ nghiên cứu của Nguyễn và Phạm (2010) cho thấy địa vị xã hội, trình độ học vấn, tài sản thế chấp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như thu nhập bình quân ảnh hưởng tích cực đến khả năng tiếp cận TDCT của hộ nông dân. Về mục đích, vay vốn cho sản xuất bao giờ cũng vay được nhiều hơn. Trong nhóm các nhân tố liên quan đến đặc điểm của TCTD, thủ tục vay vốn được coi là nhân tố quyết định đến khả năng vay vốn. Đồng thời, qua nghiên cứu, tác giả cho rằng lãi suất tiền vay có ảnh


hưởng không rõ ràng đến lượng vốn vay được từ khu vực chính thống. Điều này có thể là do lãi suất tiền vay của các TCTD chính thức thường thấp hơn so với lãi suất của các TCTD không chính thức. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn tín dụng của các hộ nông dân thường không được đáp ứng đầy đủ bởi các TCTD chính thức nên vì thế mà ảnh hưởng của lãi suất đến lượng vốn cần vay không rõ ràng. Điều này phù hợp với kết luận rút ra từ nghiên cứu trước đây của Diagne (1999).

Đào (2019) lại kết luận mức độ tiếp cận của các tổ chức TCVM ngày càng được cải thiện. Khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng từ các tổ chức TCVM được nhìn nhận từ hai phía là người đi vay vốn và TCTD với 12 nhân tố độc lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng với tổ chức TCVM tại Việt Nam được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng thấp dần lần lượt là: điều kiện vay, mục đích vay, trình độ học vấn của người vay, điều kiện kinh tế của khách hàng vay, số lượng lao động trong gia đình người vay, giá trị khoản vay. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lãi suất không ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn vay. Kết quả này mâu thuẫn với nghiên cứu của Michael và cộng sự (2018) khi cho rằng lãi suất cao là nhân tố chính giới hạn khả năng tiếp cận TDCT.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Có thể thấy, khi đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng, có rất nhiều nghiên cứu chỉ nhìn nhận đặc điểm của khách hàng vay vốn. Trong khi đó, rất ít nghiên cứu dựa trên cả đặc điểm của người đi vay và người cung cấp tín dụng. Tác giả nhận thấy việc đánh giá đồng thời các đặc điểm thuộc về người đi vay và TCTD là cần thiết để xem xét đầy đủ các nhân tố tác động đến khả năng tiếp cận kênh TDCT cũng như giúp đưa ra các giải pháp triệt để và toàn diện hơn. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất thêm một số nhân tố mới được cho là có tác động đến việc tiếp cận TDCT, sẽ được đề cập trong phần sau của bài nghiên cứu. Mặt khác, do đặc điểm về kinh tế xã hội, thời gian và phạm vi nghiên cứu của các đề tài khác nhau dẫn đến kết quả nghiên cứu có sự khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn, địa phương được nghiên cứu.

1.1.3. Nghiên cứu về rào cản tiếp cận tín dụng

Các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng của hộ kinh doanh cá thể tại Việt Nam - 3

Dựa trên nghiên cứu về tiếp cận tín dụng, thì nhóm nghiên cứu về rào cản tiếp cận tín dụng ra đời, và cũng vì thế, nó được làm nền tảng để nhóm nghiên cứu về tiếp cận dịch vụ tín dụng phi chính thức phát triển.

Theo Beck và cộng sự (2006b) thì tiếp cận tín dụng được chia thành: (1) Khía cạnh đầu tiên là sự sẵn có (số lượng các dịch vụ tài chính sẵn có); (2) Khía cạnh thứ hai là về tổng giá trị của những dịch vụ tài chính sẵn có hay sự thuận tiện sẵn có bao gồm những chi phí cơ hội của việc phải chờ giao dịch viên, phải đi quãng đường dài đến chi


nhánh TCTD; (3) Khía cạnh thứ ba là về phạm vi, loại hình, chất lượng của dịch vụ tín dụng được cung cấp, các yếu tố này có thể được xác định là độ tin cậy của nhà cung cấp tài chính, dịch vụ tài chính có sẵn khi cần thiết, sự thuận tiện, dễ dàng tiếp cận các loại hình dịch vụ này. Các dịch vụ tài chính có thể được tiếp cận nhiều lần và linh hoạt phù hợp với nhu cầu cá nhân của khách hàng. Nghiên cứu về tiếp cận tín dụng sẽ đánh giá được khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân và đưa ra lý do dẫn đến sự phát triển của tín dụng đen. Nghiên cứu về tiếp cận tín dụng được chia thành 3 nhóm nghiên cứu như sau:

Nhóm nghiên cứu về rào cản tiếp cận tín dụng từ phía cầu

Claessens (2006) chỉ ra rằng các hộ kinh doanh cá thể không sử dụng các dịch vụ tài chính là do các rào cản tiếp cận tín dụng rất cao, điển hình là việc hồ sơ tín dụng không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng, dịch vụ tài chính được cung cấp kém không thỏa mãn họ, chi phí phải trả cho các khoản vay lớn, sự phân biệt đối xử của bên cung cấp các khoản vay... Bên cạnh đó, khách hàng không sử dụng dịch vụ tài chính cũng là do thu nhập đầu vào của họ thấp, không thể tiết kiệm, thông tin và tài liệu về các dịch vụ tài chính còn hạn chế. Nhiều hộ gia đình không tin tưởng vào những tổ chức tín dụng do độ an toàn còn thấp, độ phủ sóng chưa rộng rãi, hoăc các tổ chức tài chính không có chi nhánh phân phối trong khu vực sinh sống của họ. Ngoài ra, các khách hàng có ít lịch sử tín dụng thường bị các TCTD áp dụng chi phí tín dụng cao, thậm chí bị ngăn cản tiếp cận tín dụng vì sợ rủi ro mà người vay có thể đem lại. Lịch sử dụng kém xuất phát từ chính rào cản môi trường thể chế yếu kém (bao gồm hệ thống pháp lý, cơ sở hạ tầng thông tin yếu và thiếu khả năng cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng…). Đặc biệt, các cá nhân thường đề cập đến tiền gửi tối thiểu cao, những khoản vay nhỏ thường có chi phí cố định lớn khi đăng kí vay, tỷ lệ từ chối cho vay cao và yêu cầu về tài sản thế chấp lớn. Chính vì vậy, việc tiếp cận tín dụng chính thức ngày càng gặp nhiều khó khăn khiến các hộ gia đình thường tìm kiếm đến các dịch vụ tín dụng không chính thức không yêu cầu tài sản thế chấp. Đây chính là một điều kiện để tín dụng phi chính thức có thể phát triển. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những hộ gia đình ở những nước phát triển thường sử dụng tín dụng chính thức nhiều hơn hẳn so với những hộ gia đình ở những nước đang phát triển.

Beck và cộng sự (2009) ủng hộ nghiên cứu này khi cho rằng vấn đề về địa lý, tiếp cận vật lý là một trong những yếu tố điển hình trong việc ngăn cản người tiêu dùng tiếp cận vào các dịch vụ tài chính. Mặc dù có nhiều dịch vụ có thể sử dụng thông qua mạng Internet nhưng vẫn có nhiều dịch vụ yêu cầu khách hàng đến tận chi nhánh ngân hàng hoặc sử dụng ATM. Nghiên cứu chỉ ra ở những nước có mật độ chi nhánh và ATM


dày hơn thì số lượng hộ gia đình có tài khoản ngân hàng cũng nhiều hơn hẳn. Chính vì vậy, nước phát triển thường có lượng tiếp cận dịch vụ tài chính nhiều hơn so với các nước đang phát triển. Một rào cản khác xuất phát từ các tài liệu cần thiết để tạo tài khoản ngân hàng. Các tổ chức tài chính cần một hay nhiều tài liệu để nhận diện đặc điểm của khách hàng như hộ chiếu, bằng lái xe, chứng minh thư, giấy tờ cư trú, hóa đơn điện nước… Đối với các nước phát triển thì các thông tin này thường rất dễ tiếp cận nhưng đối với người dân thu nhập thuộc các nước đang phát triển thì phần lớn họ thiếu các giấy tờ cần thiết mà các tổ chức này yêu cầu đặc biệt là khi họ không được tuyển vào các khu vực chính thức (những khu vực yêu cầu hồ sơ lý lịch). Thậm chí tại một số nước đang phát triển ở khu vực châu Phi thì để mở tài khoản cần số tiền tương đương với 50% GDP bình quân đầu người nhằm duy trì các chi phí liên quan khi tạo tài khoản. Các loại chi phí này đã loại trừ phần lớn dân số sử dụng dịch vụ tài chính.

Các rào cản tiếp cận thường khác nhau giữa các quốc gia do tính chất môi trường, hệ thống tài chính khác nhau. Ở những nước có hệ thống tài chính phát triển nơi sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ngân hàng thúc đẩy sự phát triển với nhiều hình thức mới như sở hữu tư nhân của ngân hàng, tham gia của ngân hàng nước ngoài; cơ sở hạ tầng pháp lý và thông tin đầy đủ hơn; tính tự do minh bạch và tự do truyền thông ngày càng rộng rãi khiến các rào cản nhỏ, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính được giảm thiểu. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, nền tài chính còn non trẻ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thủ tục tài chính còn gặp nhiều vướng mắc thì việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức còn gặp nhiều khó khăn, cản trở. Đây chính là một trong những yếu tố khiến sự mở rộng và phát triển của tín dụng đen tại Việt Nam ngày càng nhanh chóng, khó thể kiểm soát được.

Beck và De La Torre (2006b) cho rằng việc tiếp cận dịch vụ tín dụng bị hạn chế chủ yếu là do chi phí giao dịch cao, sự không chắc chắn về kết quả dự án mà các doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể thực hiện có thể tạo ra rủi ro cho ngân hàng khi cho vay vốn và thông tin bất cân xứng giữa các bên liên quan. Về phía cầu, hộ kinh doanh cá thể không sử dụng những dịch vụ tài chính không phải vì họ gặp trở ngại khi tiếp cận mà đơn giản là do họ không muốn sử dụng. Có rất nhiều lý do dẫn đến việc không sử dụng dịch vụ tài chính, một trường hợp điển hình xuất phát từ chính sự thiếu hiểu biết tài chính hay sự xung đột, phân biệt đối xử trong quá khứ khi sử dụng dịch vụ tài chính tạo ra trải nghiệm xấu với họ. Sự phát triển kinh tế và sự gia tăng của thu nhập bình quân đầu người sẽ làm gia tăng yêu cầu về dịch vụ tài chính cao cấp nhưng nhiều tổ chức tài chính còn chưa đáp ứng được. Hơn thế nữa, nhu cầu không chỉ được phát triển bởi sự phát triển kinh tế mà còn ở yếu tố văn hóa xã hội. Thiếu kiến thức tài chính và những


thành kiến văn hóa cũng làm giảm cầu sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng. Bên cạnh đó, khi giá dịch vụ tăng thì sẽ giảm nhu cầu của khách hàng đặc biệt là những đối tượng có tiềm lực tài chính còn hạn hẹp (những hộ gia đình nghèo và công ty nhỏ). Rủi ro cá nhân là một trong những vấn đề đa dạng và không được bảo hiểm khiến chi phí vay tăng cao nhằm tránh rủi ro cho các ngân hàng. Điều này cũng khiến lãi suất vay thường cao đối với những người mới và vay với khoản nhỏ. Khi rủi ro cá nhân tăng cao thì người vay sẽ trở lên khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tín dụng, vay vốn do chi phí và lãi suất vay tăng cao. Rủi ro lựa chọn bất lợi khiến phí bảo hiểm cho các khoản vay tăng cao từ đó hạn chế việc sử dụng tín dụng của người dân. Ngoài phí bảo hiểm, các TCTD thường đánh giá mức độ tin tưởng của người vay thông qua lịch sử tín dụng. Đối với người mới thì lịch sử tín dụng thường trống nên các tổ chức này yêu cầu tài sản thế chấp khi vay vốn nhưng đối với những đối tượng dễ bị tổn thương thì tài sản thế chấp thường không nhiều hoặc không có giá trị đảm bảo cho các khoản vay, tạo ra rào cản lớn cho việc tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng.

Theo Đặng Ngọc Đức (2020) thì trong số 250 hộ từng vay tín dụng phi chính thức (chủ yếu là tín dụng đen) được khảo sát các câu hỏi về phía sự hỗ trợ từ phía chính quyền, đoàn thể và cơ quan khi cần vay tiền thì có tới 35,2% trong số những người vay tín dụng đen cho rằng họ không biết hỏi ai để được hỗ trợ. Đây cũng là rào cản lớn nhất cản trở việc tiếp cận tín dụng chính thức của người dân. Ngoài ra, hơn 31% trong số những người vay tín dụng phi chính thức cho rằng họ “ngại” khi đi tìm; 16,3% không muốn chính quyền biết phần còn lại là không được giúp đỡ dù đã liên hệ hoặc lý do khác. Những lý do trên đây chính là rào cản trong việc tiếp cận tín dụng chính thức và mở đường cho sự phát triển của tín dụng đen.

Nghiên cứu về rào cản tiếp cận tín dụng chính thức từ phía cung

Claessens (2006) cho rằng: các TCTD ở các nước đang phát triển ngày càng mở rộng nhưng lại khó đáp ứng các yêu cầu về vốn của các hộ kinh doanh cá thể do không huy động tiền gửi, hoặc không đủ vốn yêu cầu để trở thành những trung gian tài chính thực thụ như các ngân hàng. Sự yếu thế của các TCTD nhỏ, phi ngân hàng trước những ngân hàng lớn trong việc tiếp cận vào mạng lưới hệ thống thanh toán và thông tin khách hàng khiến việc cung cấp dịch vụ tín dụng cho khách hàng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Về phía ngân hàng, sự hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ tín dụng chủ yếu đến từ việc tốn kém trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng cho những khu vực có mật độ dân số thấp hoặc những nơi có an ninh yếu kém. Ngoài ra, chi phí giao dịch, chi phí thủ tục cho khoản vay nhỏ thường rất cao trong khi nhu cầu vay các khoản nhỏ thường lớn nhất. Bên cạnh đó, các khoản vay nhỏ này thường trả nợ theo từng đợt khiến việc mở rộng tín


dụng của ngân hàng ngày càng gặp nhiều khó khăn, cơ hội phát triển ngày càng thu hẹp. Chính vì vậy, những ngân hàng thường tập trung cho những doanh nghiệp lớn vay những khoản lớn thay vì cho vay nhiều khoản nhỏ đối với hộ gia đình do rủi ro và chi phí rất cao. Nghiên cứu này được nghiên cứu của Beck và cộng sự (2009) ủng hộ với ý kiến cho rằng việc phát triển nhiều tổ chức vi mô ở những nước nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao chưa chắc là ý kiến tốt đối với các ngân hàng. Các tổ chức tài chính vi mô kì vọng cung cấp những khoản vay nhỏ cần thiết cho những hộ gia đình nghèo với lãi suất thấp nhằm giúp họ có thể đầu tư, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, đối với người nghèo thì tín dụng không phải là dịch vụ tài chính cần thiết nhất đối với họ; dịch vụ tiết kiệm, thanh toán tốt (bao gồm cả chuyển tiền quốc tế) và bảo hiểm có vai trò quan trọng hơn. Chính vì vậy hoạt động của các tổ chức vi mô này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được nhiều mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng thấp và khó tiếp cận được nhiều khách hàng. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ có thể giúp người nghèo tiếp cận được dịch vụ tài chính ít tốn kém hơn nhưng chi phí để các tổ chức tài chính sử dụng các công nghệ này rất lớn và chưa chắc có thể tạo ra lợi nhuận nên việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho các hộ gia đình nghèo và doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế.

Nghiên cứu Beck và De La Torre (2006b) lại cho thấy: việc hạn chế và từ chối cung cấp các dịch vụ tín dụng xuất phát từ việc các TCTD sợ rủi ro về kinh tế vĩ mô (ví dụ biến động đáng kể về tỷ lệ lạm phát, lãi suất thực và tỷ giá hối đoái thực), những vấn đề bất cập về đạo đức (khuyến khích người vay sử dụng số tiền cho vay vào những việc có rủi ro cao hơn so với quy định về mục đích sử dụng vốn vay trong hợp đồng tín dụng và che giấu điều đó với chủ nợ. Bằng cách chấp nhận rủi ro lớn hơn, người vay có thể thu lại lợi nhuận lớn hơn); khó khăn khi thực thi hợp đồng (đặc biệt khi người vay vốn không trả được nợ); điểm yếu trong hợp đồng và thông tin (khó định nghĩa và thực hiện quyền của chủ nợ, khó kê khai và thiếu nhân viên chuyên nghiệp)... Các ngân hàng thường sử dụng các khoản tiền gửi của khách hàng để cho vay nên việc có trách nhiệm với khoản tiền này lớn khiến những người đi vay phải tuân thủ một loạt những quy định cần thiết, chi phí giao dịch lớn, tốn thời gian...

Ngoài ra, yếu tố chi phí cố định bao gồm chi phí thanh toán bù trừ, thanh toán cơ sở hạ tầng, chi phí pháp lý... là một hạn chế quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán và tiết kiệm tạo ra rào cản cho những khách hàng muốn tiếp cận vào các dịch vụ tài chính. Nhìn chung, chi phí kinh doanh cao, tham nhũng phổ biến, mất an ninh, hoặc thậm chí thiếu điện làm yếu tố chi phí cố định của việc cung cấp dịch vụ tài chính tăng cao tạo ra những hậu quả tiêu cực đối với nhiều khách hàng có giao dịch giá trị thấp nhưng khối lượng lớn. Đặc biệt, các TCTD có quy mô nhỏ thường bị chi phối rất nhiều


bởi chi phí cố định và yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ tài chính đến khách hàng. Vấn đề tiếp cận dịch vụ tín dụng ở một số nước đang phát triển chủ yếu xuất phát từ ba vấn đề chính: giao dịch nhỏ, tổ chức tài chính nhỏ, thị trường nhỏ. Việc các khách hàng có nhu cầu thanh toán nhỏ, ít giao dịch và tiết kiệm không đem lại lợi nhuận cho các tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính trong khi các chi phí cố định của việc xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý và kế toán, lắp đặt công nghệ vô cùng lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ không sẵn sàng mở chi nhánh ở thị trường không tiềm năng.

Ngoài ra, thị trường có quy mô nhỏ kéo theo việc thị trường chỉ có thể hỗ trợ một số TCTD khả thi (đạt đến quy mô hiệu quả) từ đó gia tăng sự cạnh tranh bất hợp lý giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giảm sự thúc đẩy trong việc mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính. Nghiên cứu cũng chỉ ra rào cản của việc mở rộng tiếp cận tín dụng do việc mở rộng ban đầu sẽ khiến lợi nhuận trung bình trên mỗi khách hàng giảm đi khiến lợi nhuận không được cải thiện do sự dịch chuyển từ chất lượng dịch vụ cao quy mô nhỏ sang chất lượng dịch vụ thấp quy mô lớn. Ngoài ra, ngân hàng còn phải tốn thêm một khoản chi phí chuyển đổi lớn bao gồm thay đổi công nghệ, quy mô, cấu hình của văn phòng ngân hàng, chi phí tiếp thị tăng... Hơn thế nữa, lợi nhuận không chịu áp lực từ việc cạnh tranh, khi không đủ năng lực cạnh tranh thì các nhà cung cấp dịch vụ tài chính thường tập trung vào những hộ gia đình giàu có, các công ty lớn và ít quan tâm đến quản lý chi phí hiệu quả, tiếp cận khách hàng mới, cải thiện bộ máy dịch vụ và tối đa hệ thống thông tin, công nghệ để mở rộng việc tiếp cận dịch vụ tín dụng. Chính vì vậy, có rất ít động lực để ngân hàng đang có nguồn lợi nhuận ổn định đánh đổi để tăng quy mô tiếp cận dịch vụ tín dụng. Bên cạnh những yếu tố mà các nhà cung cấp dịch vụ tín dụng có thể ảnh hưởng được thì các nhân tố sau nằm ngoài sự ảnh hưởng của họ bao gồm quy mô thị trường, nền tảng kinh tế vĩ mô, mức trung bình và phân phối thu nhập bình quân đầu người, công nghệ có sẵn, cơ sở hạ tầng, các yếu tố đảm bảo việc thực hiện hợp đồng và rủi ro đạo đức tạo ra sự cản trở chung đối với việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Việc tăng cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính không đủ để thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tín dụng. Trừ khi một sự tăng trưởng đáng kể về quy mô thị trường, một bước đột phá về công nghệ trong công nghệ thông tin và truyền thông, một sự cải thiện đáng chú ý về cơ sở hạ tầng đường bộ hoặc viễn thông, hoặc sự giảm thiểu rõ rệt về vấn đề rủi ro đạo đức mới khiến các ngân hàng quyết định mở rộng cung cấp tiếp cận dịch vụ tín dụng trong khi vẫn đảm bảo được tăng trưởng của lợi nhuận. Chính vì vậy, nhiều người dân không tiếp cận được với nguồn vốn chính thức từ phía ngân hàng và các tổ chức tài chính chính thức.


Nghiên cứu Beck và cộng sự (2009) đồng ý với quan điểm trên và cho rằng sự không hoàn hảo của thị trường tài chính (ví dụ như sự bất cân xứng về thông tin và chi phí giao dịch) tạo ra sự khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tín dụng của người nghèo và những doanh nghiệp nhỏ. Các tổ chức tài chính từ chối cung cấp dịch vụ vì thiếu tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng sơ sài, không có mối quan hệ với người có uy tín và chỉ có các khoản tiết kiệm nhỏ, nguồn thu nhập không đảm bảo. Vấn đề về tiếp cận dịch vụ tín dụng này thường bị bỏ qua do lỗ hổng thông tin nghiêm trọng giữa các tổ chức tài chính và những người sử dụng dịch vụ tài chính, xuất phát từ mâu thuẫn giữa các yếu tố loại hình, chất lượng dịch vụ được cung cấp và chi phí cho những dịch vụ đó. Ngoài ra hàng rào về thông tin cũng ngăn cản sự tiếp cận dịch vụ tín dụng của người dân.

Nghiên cứu Diagne và Zeller (2001) xem xét việc hình thành các tổ chức tài chính nông thôn bền vững là một nhiệm vụ khó đạt được ở các nền kinh tế lạc hậu, nông thôn thiếu thủy lợi, cơ sở hạ tầng yếu kém, thu nhập thấp, người dân còn chưa được đáp ứng về các yếu tố về phúc lợi xã hội. Lợi ích việc mở rộng tín dụng ở cấp hộ gia đình có thể không đạt được trong những năm hạn hán kéo dài. Chính vì vậy, việc mở rộng sử dụng các dịch vụ tài chính ở những vùng sâu vùng xa là vô cùng khó khăn, cần chú ý đến địa điểm và thời gian của việc đưa các chương trình mở rộng tín dụng.

Nghiên cứu về rào cản tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức từ phía chính phủ

Beck và cộng sự (2006b) cho biết nhiều chính sách lại đem lại những yếu tố tiêu cực đến việc tiếp cận dịch vụ tín dụng của khách hàng. Các chi phí về việc tuân thủ một số quy định phức tạp như "Know your customer (KYC)" (xác minh danh tính của các khách hàng nhằm giúp cho hệ thống tuân thủ luật chống rửa tiền và bảo vệ khỏi những hoạt động vi phạm pháp luật) và luật chống rửa tiền sẽ khiến các TCTD khó tiếp cận với những khách hàng ở khu vực thu nhập thấp, không thể chi trả được những chi phí khi vay các khoản vay từ phía ngân hàng.

Claessens (2006) ủng hộ nghiên cứu trên và cho rằng sự can thiệp của chính phủ cũng là một rào cản lớn trong việc mở rộng hình thức cho vay, hạn chế các TCTD đưa ra các dịch vụ hấp dẫn đến khách hàng. Các quy định và thủ tục cho vay được chính phủ ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố lại khiến cho chi phí cho dịch vụ tài chính tăng, hạn chế người tiêu dùng tiếp cận tín dụng chính thức. Bên cạnh đó, các công ty thường không dám vay dịch vụ tài chính thức vì việc kinh doanh của họ không tốt hay họ không muốn để lộ những bí mật của công ty nhằm hạn chế rủi ro đặc biệt là với bên quản lý thuế. Ngoài ra, các ngân hàng thường tập trung vào những dịch vụ tiền gửi thanh toán và tiết kiệm vì nhu cầu cao của người dân trong khi những dịch vụ cho vay nhỏ lẻ thì lại rải rác, chưa được chú trọng.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/11/2022