Một Số Khuyến Nghị Nhằm Thúc Đẩy Tuân Thủ Thuế Ở Hộ Kinh Doanh Cá Thể Trong Các Làng Nghề Ở Việt Nam


không thay đổi bởi chế tài, xử phạt chưa thực sự đủ tính răn đe để hướng người nộp thuế có nhiều hành vi tuân thủ hơn nhiều. Do đó, để tăng tuân thủ ở người nộp thuế thì bên cạnh tần suất kiểm tra thì cần tăng cường quyền lực cho cơ quan thuế để tăng cường hành vi TTBB của người nộp thuế, bởi vì sức mạnh quyền lực của cơ quan thuế sẽ có tác động mạnh đến hành vi tuân thủ thuế bắt buộc của NNT (Kirchler và cộng sự, 2008). Đây cũng là đóng góp mới của luận án.

5.2. Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy tuân thủ thuế ở hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề ở Việt Nam

5.2.1. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với chính quyền và tổ chức phường, hội ở xã/phường trong công tác quản lý thuế, công tác tuyên truyền chính sách và pháp luật về thuế đối với hộ KDCT

Kết quả nghiên cứu của luận án đã chỉ ra chuẩn mực chủ quan là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi TTT tự nguyện và là yếu tố tác động nhiều thứ hai đến hành vi TTT bắt buộc của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam. Chính vì thế, vai trò của chính quyền và các tổ chức phường, hội trong các làng nghề đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến hành vi tuân thủ thuế của Hộ KDCT. Do đó, trong thời gian tới Cơ quan thuế cần tăng cường sự phối hợp với chính quyền và tổ chức phường, hội ở xã/phường trong công tác quản lý thuế, công tác tuyên truyền chính sách và pháp luật về thuế đối với hộ KDCT. Trong đó, cần trọng tâm vào thực hiện:

Thứ nhất, cần quy định và gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp trong tổ chức pháp luật thuế tại địa phương

Trong điều kiện hiện nay, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật thuế. Nhưng để thực hiện tốt vai trò chỉ đạo của chính quyền các cấp, Trung ương cần quy định chức năng, quyền hạn của chính quyền địa phương trên cơ sở quán triệt Luật NSNN. Xác định rõ ranh giới giữa tài chính Trung ương và tài chính địa phương để xây dựng một hệ thống ngân sách thống nhất. Trên cơ sở đó tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác thực hiện pháp luật thuế; UBND các cấp cần coi việc chỉ đạo điều hành công tác thực hiện pháp luật thuế trong địa phương mình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước giao phó. Từ nhận thức đó, để bố trí cán bộ theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc việc thực hiện pháp luật thuế, cần chỉ đạo để giúp ngành thuế phối hợp tốt với các ngành tài chính, ngân hàng, kế hoạch, đầu tư, xây dựng,... để chống thất thu thuế. Cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của UBND các cấp trong tổ chức thực hiện pháp luật thuế. Chính quyền địa phương phải thực hiện quyền thu thuế trên lãnh


thổ của mình, giúp cho chính quyền địa phương là cơ quan thuế. Tránh tình trạng chính quyền thờ ơ với công tác thuế, coi đó là nhiệm vụ riêng của ngành thuế, đồng thời cũng không được can thiệp một cách sai trái vào chính sách, pháp luật thuế.

Thứ hai, CQT cần tăng cường phối hợp với tổ chức phường, hội ở xã/phường trong công tác tuyên truyền chính sách và pháp luật về thuế đối với hộ KDCT: hàng năm, CQT cần phối hợp với tổ chức phường, hội tổ chức hội nghị chuyên đề liên quan đến thuế với hộ KDCT trong làng nghề. Trong đó, tập trung các nội dung về cập nhật kịp thời các chính sách pháp luật thuế mới, sửa đổi, bổ sung để phổ biến thông tin kịp thời người nộp thuế hiểu, biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.

5.2.2. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về thuế với hộ KDCT để người nộp thuế nhận thức hệ thống thuế là công bằng, qua đó gia tăng tinh thần thuế, niềm tin vào cơ quan thuế và thúc đẩy hành vi TTT tự nguyện

Kết quả nghiên cứu của luận án chỉ ra: khi hộ KDCT nhận thức hệ thống thuế là công bằng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tinh thần thuế, niềm tin vào CQT và qua đó gia tăng hành vi TTT tự nguyện, giảm hành vi TTT bắt buộc của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam. Điều này, gợi mở cho các các nhà chính sách cần tiếp tục đẩy mạnh, cải cách hệ thống thuế với hộ kinh doanh cá thể để người nộp thuế cảm nhận được hệ thống thuế thực sự công bằng cho người nộp thuế, điều này sẽ thúc đẩy họ tự nguyện tuân thủ thuế. Khi đó:

Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề ở Việt Nam - 21

- Pháp luật về thuế cần phải xây dựng chính sách thuế khá tương đồng giữa nhóm hộ kinh doanh nộp thuế khoán với nhau và có sự phù hợp với doanh nghiệp; tránh tình trạng lạm dụng để lách luật khi người nộp thuế chỉ muốn dừng lại ở hộ kinh doanh mà không muốn mở rộng quy mô, chuyển đổi loại hình lên doanh nghiệp.

- Cơ quan thuế cần đối xử công bằng giữa những hộ KDCT bằng việc quy định áp dụng các biện pháp xử phạt đối với hộ KD gian lận thuế, vi phạm pháp luật về thuế (như tăng mức phạt nếu vi phạm gian lận về thuế lần thứ hai ở mức cao hơn gấp nhiều lần so với mức vi phạm lần đầu) và lựa chọn tuyên dương, khen thưởng hộ KD tuân phủ pháp luật thuế; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để hộ KD tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.

- Cơ quan thuế cần tiếp tục đổi mới để hướng đến giảm thiểu đầu mối kê khai, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ KDCT thực hiện các thủ tục thuế; áp dụng điện tử hóa vào các khâu quản lý thuế để hộ KDCT thực hiện nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện, dễ dàng, giảm thiểu chi phí tuân thủ.


- Cơ quan thuế cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra xác định mức doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn đối với hộ KDCT ở một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trọng điểm để bảo đảm công bằng, minh bạch trong quản lý thuế với hộ KDCT. Tiếp tục chỉ đạo các đội thuế xã, phường khảo sát các hộ có doanh thu dưới quy định, đặc biệt những hộ nhiều năm chưa quản lý thuế để đưa vào quản lý thuế đúng quy định.

5.2.3. Tổ chức quản lý thuế đối với hộ KDCT theo hành vi tuân thủ thuế

Kết quả nghiên cứu của luận án tiếp tục khẳng định quan điểm khi gia tăng từng khía cạnh về quyền lực của cơ quan thuế hoặc cải thiện niềm tin vào cơ quan thuế sẽ dẫn đến kết quả là hành vi tuân thủ bắt buộc trong trường hợp trước và tuân thủ tự nguyện trong trường hợp sau ở hộ KDCT (Theo Kirchler, Hoelzl và Wahl, 2008). Chính vì vậy, công tác quản lý thuế đối với hộ KDCT cần thực hiện quản lý thuế đối với hộ KDCT theo mức độ tuân thủ thuế. Cụ thể như sau:

Đối với nhóm hộ KDCT tự nguyện tuân thủ thuế

Đối với nhóm hộ này, cơ quan thuế cung cấp đầy đủ và thuận tiện các dịch vụ hỗ trợ về thuế, đề cao các hoạt động tuyên truyền khuyến khích sự tuân thủ tốt làm thay đổi hành vi của HKD theo hướng tích cực. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục và cung cấp dịch vụ và hỗ trợ để nâng cao trình độ hiểu biết chính sách pháp luật của HKD, nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của HKD. Nội dung tuyên truyền cho nhóm này cần tập trung tuyên truyền những quyền lợi và nghĩa vụ của HKD, đề cao những điển hình thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của những HKD khác, thông tin đầy đủ về những ưu điểm của QLT trên địa bàn và thông tin đầy đủ về quá trình hoàn thành nghĩa vụ thuế của HKD.

Đối với nhóm hộ KD ở mức độ tuân thủ thuế bắt buộc. Tác động vào các yếu tố làm thay đổi hành vi, tăng cường tuyên truyền giáo dục, cung cấp đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ để HKD thực hiện nghĩa vụ thuế tập trung kiểm tra và cưỡng chế thu nợ thuế. Nhấn mạnh tuyên truyền các qui định về thanh tra kiểm tra và cưỡng chế thuế, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật thuế và hậu quả mà HKD phải gánh chịu nếu không tuân thủ chính sách thuế. Các chương trình hỗ trợ cần trang bị kiến thức về thuế để giảm vi phạm do thiếu hiểu biết.

Đối với nhóm hộ KDCT không tuân thủ thuế. Chú trọng đến các nội dung liên quan các biện pháp xử lý vi phạm và cưỡng chế thuế, nhấn mạnh quyền lực của cơ quan thuế và sự phối hợp của chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong kiểm tra, thanh tra để phát hiện sai phạm, trốn thuế cũng như thiệt hại mà HKDCT phải gánh chịu nếu không chấp hành đúng các qui định về thuế. Mặt khác, cung cấp đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tư vấn thuế, tạo điều kiện cho HKDCT cải thiện sự tuân thủ thuế của mình.


5.2.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế và tiến hành xử phạt nghiêm minh đối với hành vi gian lận thuế để qua đó thúc đẩy TTT của hộ KDCT

Kết quả nghiên cứu của luận án chỉ ra nhận thức về khả năng bị kiểm tra, thanh tra thuế và xử phạt là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi TTT bắt buộc của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam. Điều này chỉ ra cơ quan thuế cần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế và tiến hành xử phạt nghiêm minh đối với hành vi gian lận thuế để qua đó thúc đẩy TTT của hộ KDCT.

Trong đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế thì cơ quan thuế cần căn cứ kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế được quy định, cơ quan thuế thực hiện phân tích bản chất hành vi, quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế của hộ KDCT, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ pháp luật thuế với các biện pháp xử lý phù hợp với mỗi vấn đề tuân thủ. Khi đó, căn cứ danh sách hộ KDCT được phân loại theo các mức độ rủi ro (không tuân thủ thuế), cơ quan thuế lựa chọn các trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở hộ KDCT. Trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá phân loại tuân thủ và xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm. Trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá 10% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

Việc lựa chọn hộ KDCT có hành vi gian lận thuế để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế phải tránh trùng lặp, chồng chéo theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành. Định kỳ, cơ quan thuế rà soát các trường hợp hộ KDCT không tuân thủ, có dấu hiệu rủi ro cao để lựa chọn bổ sung vào kỳ kế hoạch thanh tra kiểm tra điều chỉnh hàng năm hoặc thanh tra đột xuất.

Bên cạnh đó, để gia tăng hành vi tuân thủ thuế thì biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi gian thuế cần được thực hiện. Vì thế, cơ quan thuế cần đưa ra các hình thức xử phạt cụ thể, chi tiết và mức phạt ở lần sau cao hơn nhiều lần so với lần đầu, đủ sức răn đe để từ đó góp phần gia tăng hành vi TTT của Hộ KDCT.

5.3. Hạn chế của nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo

5.3.1. Hạn chế của nghiên cứu

Thứ nhất, luận án trình bày về số liệu quản lý thuế (số thuế phát sinh trong kỳ, số thuế đã nộp, số thuế chậm nộp) đối với hộ, cá nhân kinh doanh và báo cáo chung về công tác quản lý thuế của một số Cục thuế, chi cục thuế. Trong khi đó, sẽ là hoàn thiện hơn nếu tác giả có thể tiếp cận được số liệu, báo cáo quản lý thuế của hộ KDCT làm


nghề và kinh doanh nghề trong các làng nghề ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là điều khó có thể thực hiện và tác giả nhìn nhận đây là một hạn chế của luận án.

Thứ hai, do đặc điểm hộ kinh doanh cá thể phân bố rộng theo địa dư, xuất phát từ nguồn lực và tính khả thi trong thu thập dữ liệu, tác giả sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Và đây là một hạn chế của nghiên cứu. Để khắc phục một phần hạn chế này, luận án hướng đến sử dụng nhiều phiếu khảo sát hơn trong cuộc điều tra, khảo sát và tiến hành điều tra ở nhiều làng nghề khác nhau cũng như tìm mọi quan hệ cá nhân để có thể tiếp cận người khảo sát và có được câu trả lời đáng tin cậy nhất. Tuy nhiên, do điều kiện dịch bệnh Covid 19 và giãn cách xã hội nên tác giả chỉ thu được 358 phiếu khảo sát hợp lệ so với dự kiến 850 phiếu khảo sát mà tác giả dự định thu thập.

Thứ ba, mẫu nghiên cứu là hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề và với phương pháp khảo sát điều tra được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp (gửi phiếu nhờ khảo sát, điều tra) nên có nhiều phiếu không hợp lệ cũng như nhận được những câu trả lời còn thiếu chính xác. Điều này cũng có thể gây nhiễu cho kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình phân tích dữ liệu, tác giả cũng đã dùng các biện pháp thống kê để loại bỏ bớt những phiếu không hợp lệ, những phiếu gây nhiễu, những phiếu trả lời không hợp tác, tuy nhiên cũng không thể loại bỏ hoàn toàn và điều này cũng có thể gây nên sự sai khác trong những nhận định khi phân tích. Bên cạnh đó, số lượng bảng hỏi thu thập để phân tích chưa thật sự nhiều. Sẽ tốt hơn nếu tác giả khảo sát điều tra được ở trên phạm vi cả nước theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên có hệ thống và quy mô mẫu lớn hơn nữa thì có thêm nhiều đóng góp hơn nữa của công trình nghiên cứu.

Thứ tư, luận án đánh giá về ảnh hưởng của các yếu tố đến hành vi tuân thủ thuế của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam thông qua phương pháp khảo sát về cảm nhận, nhận thức của hộ KDCT làm nghề và kinh doanh nghề. Mặc dù phương pháp này được nhiều công trình nghiên cứu trước thực hiện trong nghiên cứu về tuân thủ thuế (xem bảng 5- phụ lục 01), nhưng nếu luận án có thể dựa trên danh sách các hộ KDCT tuân thủ thuế và không tuân thủ thuế trong các làng nghề do các chi cục thuế cung cấp và từ đó tiến hành khảo sát, điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế thì có thể có những đóng góp nhiều hơn về mặt lý luận. Tuy đây là chủ đích ban đầu của tác giả, nhưng khi thực hiện thì việc có được danh sách trên từ các chi cục thuế là rất khó khăn và cả tính bảo mật của cơ quan thuế.

5.3.2. Đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo

Từ những kết quả nghiên cứu của luận án và những điểm còn khuyết thiếu và hạn chế của luận án, tác giả cũng đề xuất một số định hướng nghiên cứu tiếp như sau:


Mở rộng đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu chỉ đang phân tích hành vi tuân thủ thuế và các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của hộ KDCT trong các làng nghề. Nếu thực hiện các nghiên cứu tiếp theo, tác giả sẽ mở rộng đối tượng nghiên cứu với tất cả hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam

Mở rộng thêm các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế: bên cạnh các yếu tố hiện tại ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của hộ kinh doanh cá thể, thì có thể bổ sung thêm các yếu tố như cảm nhận tham nhũng, mối quan hệ với cán bộ quản lý thuế...trong các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của các yếu tố đến hành vi tuân thủ thuế của hộ KDCT

Trong các nghiên cứu trước, các tác giả mới chỉ chủ yếu nghiên cứu hành vi tuân thủ thuế của người nộp thuế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khá ít nghiên cứu nghiên cứu đến các yếu tố tác động đến hành vi tuân thủ thuế của cán bộ thuế. Đây có thể là một gợi mở để tác giả thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.


PHẦN KẾT LUẬN


Xuất phát từ vai trò của hộ KDCT trong các làng nghề đối với sự phát triển kinh tế địa phương và đất nước; cũng như từ thực trạng tuân thủ thuế của hộ KDCT, cho thấy nâng cao tính tuân thủ của hộ KDCT là yếu tố cần thiết trong quản lý thuế hiện nay, nhằm giải quyết tình trạng trốn thuế, tránh thuế, khai gian thuế để hướng tới hệ thống thuế hiệu quả hơn. Luận án với hướng nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế của hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề ở Việt Nam” được thực hiện dựa trên kết quả tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý luận và lý thuyết nền tảng, phương pháp nghiên cứu kết hợp (định lượng và định tính) đã chứng minh và phân tích, bình luận về ảnh hưởng của các yếu tố đến hành vi tuân thủ thuế (tự nguyện hay bắt buộc) của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam. Trong đó: (i) chuẩn mực chủ quan là yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi TTT tự nguyện; là yếu tố ảnh hưởng nhiều thứ hai đến hành vi TTT bắt buộc; (ii) niềm tin vào cơ quan thuế là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hành vi TTT tự nguyện và khả năng bị kiểm tra, thanh tra thuế và xử phạt là những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hành vi TTT bắt buộc; (iii) nhận thức tính công bằng về hệ thống thuế giúp gia tăng niềm tin vào CQT và thúc đẩy hành vi TTT của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam; (iv) khả năng bị kiểm tra, thanh tra thuế ảnh hưởng đến hành vi TTT bắt buộc, nhưng ảnh hưởng này chỉ rõ ràng khi nhận thức về quyền lực của CQT ở hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam là cao.

Bên cạnh đó, từ kết quả nghiên cứu, luận án đã đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao tính tuân thủ thuế của hộ kinh doanh cá thể: (i) tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với chính quyền và tổ chức phường, hội ở xã/phường trong công tác quản lý thuế, công tác tuyên truyền chính sách và pháp luật về thuế đối với hộ KDCT; (ii) tiếp tục hoàn thiện các quy định về thuế với hộ KDCT để người nộp thuế nhận thức hệ thống thuế là công bằng, qua đó gia tăng tinh thần thuế, niềm tin vào cơ quan thuế và thúc đẩy hành vi TTT tự nguyện; (iii) tổ chức quản lý thuế đối với hộ KDCT theo hành vi tuân thủ thuế; (iv) nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế và tiến hành xử phạt nghiêm minh đối với hành vi gian lận thuế để thúc đẩy TTT của hộ KDCT .

Đồng thời, luận án cũng đã chỉ ra hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo liên quan đến hành vi tuân thủ thuế của hộ kinh doanh cá thể trong tương lai để hướng đến thu hẹp khoảng trống trong nghiên cứu về hành vi tuân thủ thuế đối với của hộ KDCT trong các làng nghề ở Việt Nam.


DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN


1. Nguyễn Quỳnh Trang (2019), ‘Nâng cao kiến thức thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương’, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chính sách thuế trong bối cảnh hội nhập, Học viện Ngân hàng, NXB Bách khoa Hà Nội

2. Nguyễn Quỳnh Trang, Đàm văn Huệ (2021), ‘Nâng cao tính tuân thủ thuế đối với hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam’, Tạp chí Tài chính, số 763 (2021)

3. Nguyễn Quỳnh Trang (2021), ‘Kiểm định tính tuân thủ pháp luật thuế của hộ kinh doanh cá thể tại các làng nghề Việt Nam’, Tạp chí Tài chính, số 764 (2021)

4. Thi Phuong Linh Nguyen, Xuan Hau Doan, Manh Dung Tran, Trung Thanh Le and Quynh Trang Nguyen (2019), ‘Knowledge sharing and individual performance: The case of Vietnam’, Uncertain Supply Chain Management, 7 (2019), 483–494.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/03/2023