trường ven biển thông qua các hình thức đánh bắt và tổ chức lao động cũng như các hoạt động kinh tế kèm theo nó chưa được chú ý khai thác. Đây cũng là một mảng đề tài thú vị để hiểu rò hơn khả năng thích ứng với môi trường của ngư dân và thấy được tính “biển” đạt tới mức độ nào trong đời sống của cộng đồng đó.
Trên thế giới, có một lĩnh vực nghiên cứu được gọi là “nhân học về nghề cá” (anthropology of fishing) nằm trong ngành “nhân học biển” (maritime anthropology). Tiến sĩ James M. Acheson2 đã có một bài tổng kết về các công trình nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực này, được trình bày dưới tiêu đề “Anthropology of fishing”. Qua tổng lược từ 250 công trình nghiên cứu, tác giả đã đưa ra cái nhìn tổng quan về các vấn đề mà nhân học về nghề cá quan
tâm. Đóng góp to lớn của các công trình đó là đã tìm hiểu những cách thức mà con người thích ứng trước một môi trường đầy rủi ro để tồn tại. Để giảm thiểu rủi ro, con người đã tạo ra các ngư cụ lao động phù hợp và tổ chức lao động nhau theo nhiều cách thức, từ đó nảy sinh thêm nhiều vấn đề nghiên cứu như: mối quan hệ họ hàng giữa thuyền viên, mối quan hệ giữa những người đánh bắt và những người trung gian môi giới, hệ thống phân chia sản phẩm đánh bắt được,... Sự tổng kết của học giả nước ngoài mang lại cái nhìn về nghề cá dưới những góc độ khác nhau, gợi ra những hướng nghiên cứu cần tiếp tục quan tâm và tìm hiểu.
Lịch sử nghiên cứu vùng biển Cửa Lò
Trong những cuốn địa chí, vùng đất này được biết đến như một phần của huyện Chân Lộc (sau đổi là Nghi Lộc) [Quốc sử quán triều Nguyễn, 1992, tr121-122]. Các địa danh như núi Lò, đảo Song Ngư cũng được nhắc đến trong phần núi, sông của vùng “núi Lò ở cách huyện Chân Lộc 11 dặm về phía đông bắc, trên núi có chùa Phổ Am”[Quốc sử quán triều Nguyễn, 1992, tr159], “ở cách huyện Chân Lộc 25 dặm về phía đông, ngoài cửa Hội nổi vọt lên 2 ngọn núi đứng sững đối nhau, trông như hình hai con cá bơi lội giữa sóng nước, cho nên gọi là Song Ngư”[Quốc sử quán triều Nguyễn, 1992, tr165].
Vùng đất này đã trở thành một trong những khu căn cứ quân sự trọng yếu vùng cửa biển khi vào thế kỷ XV. Năm 1460, Nguyễn Sư Hồi được vua Lê Thánh Tông cử giữ chức Thái uý Nhập nội quận công, đem thuỷ quân về Cửa Lò xây dựng căn cứ hải quân. Sau đó, Nguyễn Sư Hồi được phong làm Trấn
2 Tiến sĩ tại đại học Rochester năm 1970, hiện là giảng viên khoa Nhân học, trường Đại học Maine, Orono, Maine, Mỹ. Bài viết của ông được đăng trên tạp chí Annual Review of Anthropology Vol. 10: 275-316 (Volume publication date October 1981) – Tà i liệ u củ a tác giả .
thủ Nghệ An, quản lý 12 cửa lạch từ Sầm Sơn (Thanh Hoá) đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Và ông đã có công chiêu dân, lập ấp hình thành nên làng Vạn Lộc (Nghi Tân) – hiện tại vẫn có đền thờ ông ở làng Vạn Lộc – nơi diễn ra lễ hội cầu ngư, cầu yên của dân làng hàng năm. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã cho lập tân nhất xã với tên là xã Hải Ngung, còn gọi là Hải Giang. Hải Giang chính là dòng sông Cấm. Sông Cấm chảy ra biển tạo thành Cửa Xá, còn gọi là Lô tấn, Xá tấn, thuộc tổng Thượng xá, huyện Chân Lộc sau đổi gọi là huyện Nghi Lộc và hiện nay thì thuộc thị xã Cửa Lò. Vào các giai đoạn sau, dân cư từ các nơi khác cũng kéo đến đây sinh sống, bám biển làm ăn như dân từ vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh), Hưng Nguyên (Nghệ An),...
Các công trình nghiên cứu về văn hóa biển Cửa Lò nói chung, về cách thức khai thác và chế biến hải sản của ngư dân ở đây nói riêng hầu như chưa có, mà chủ yếu là các bài viết ngắn của các tác giả nằm rải rác trong những tạp chí chuyên ngành giới thiệu một vài nét văn hóa của dân cư ven biển Cửa Lò. Với yêu cầu của phát triển du lịch, phòng văn hóa và thông tin Cửa Lò từng cho xuất bản cuốn “Du lịch Cửa Lò” vào năm 2007. Chính vì đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin du lịch, cuốn sách nhỏ này chỉ mang tính giới thiệu một số nét văn hóa tiêu biểu như về truyền thống hiếu học, về lễ hội,...; về các địa danh du lịch và một số đặc sản của vùng biển này trong đó có nước mắm Cửa Lò, nước mắm Cửa Hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Các hình thức khai thác và chế biến hải sản trong cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, Nghệ An - 1
- Về Điều Kiện Tự Nhiên Và Nguồn Lợi Biển
- Các hình thức khai thác và chế biến hải sản trong cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, Nghệ An - 4
- Các hình thức khai thác và chế biến hải sản trong cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, Nghệ An - 5
Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.
Một hội thảo đáng được chú ý đã được tổ chức tại Cửa Lò năm 2006 có chủ đề “Sự hình thành và mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững du lịch Cửa Lò” với hai nội dung lớn là lịch sử và định hướng, giải pháp phát triển bền vững du lịch Cửa Lò. Trong phần lịch sử, các đại biểu tham gia hội thảo tập trung trình bày về thời điểm hình thành bãi tắm du lịch Cửa Lò dựa trên những tài liệu lưu trữ của người Pháp. Và cuối cùng đã đi đến thống nhất, lấy ngày 05
– 06 – 1907 làm ngày ra đời của du lịch biển Cửa Lò – đây là ngày Toàn quyền Đông Dương ký văn bản cho phép sử dụng đất Cửa Lò với mục đích xây dựng nhà nghỉ, trồng rừng phi lao ven biển,... Và cũng vào năm này, đã có một khu biệt thự được bắt đầu xây dựng. Trong phần hai, các đại biểu tập trung vào bàn bạc các giải pháp cho sự phát triển bền vững du lịch Cửa Lò dưới góc độ văn hóa và môi trường tự nhiên.
Hai cuốn “Lịch sử đảng bộ thị xã Cửa Lò” [Đảng bộ Thị xã Cửa Lò, 2004] và “Lịch sử đảng bộ phường Nghi Thủy” [Đảng ủy phường Nghi Thủy, 2006] mang lại cái nhìn khái quát về điều kiện tự nhiên, dân cư và đặc biệt là về tiến trình lịch sử của vùng đất này gắn với lịch sử đảng bộ của thị xã và của
phường. Trong hai tài liệu đó, khai thác và chế biến hải sản được xem như hai bộ phận nhỏ thuộc ngành kinh tế ngư nghiệp, cũng được điểm qua về thành tựu cùng với sự phát triển kinh tế chung của cả thị xã, đặc biệt là từ thời kỳ hợp tác hóa đầu năm 1960 cho tới hiện nay. Đây là tài liệu hữu ích để thu thập những số liệu thống kê và phần nào cho thấy sự biến chuyển của nghề nằm trong chính sách phát triển kinh tế chung của thị xã.
Ngoài ra, là những bài viết về một số nét văn hóa biển Cửa Lò được đăng rải rác trong các tạp chí chuyên ngành, như “Vài nét văn hóa sông biển Cửa Lò” của tác giả Đào Tam Tỉnh, “Về địa danh Cửa Lò” của Trần Trí Dòi,..
Niên giám thống kê hàng năm của Phòng Thống kê, thị xã Cửa Lò và các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng năm của Thị xã, của phường cũng mang lại những thông tin bổ ích, đặc biệt là số liệu thống kê về tàu thuyền, các ngành nghề, lực lượng lao động,...
Về cơ bản, những tư liệu và nghiên cứu về vùng Cửa Lò mang lại cái nhìn tổng quát về lịch sử, tình hình đời sống, kinh tế, xã hội và văn hóa của dân cư. Đồng thời cũng cho thấy những đổi thay của thị xã du lịch biển, kể từ ngày có chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu sâu nào về ngư dân vùng ven biển Cửa Lò, nghiên cứu về các hình thức khai thác, chế biến và bảo quản hải sản và đặc biệt là sự tác động của bối cảnh phát triển kinh tế lên những nghề nghiệp đó của ngư dân.
3. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
3.1. Phạm vi
Cửa Lò là nơi sông Cấm (dân gian còn gọi là Lạch Lò) đổ ra biển, cùng với Cửa Hội là nơi sông Lam ở phía nam đổ ra biển, phù sa của hai con sông này bồi đắp qua năm tháng tạo nên vùng đất thị xã Cửa Lò ngày nay – được người nhiều nơi biết tới với tư cách là một địa chỉ nghỉ mát mùa hè, đồng thời cũng là một vùng đất in đậm những nét riêng của một tiểu vùng văn hóa nằm trong vùng văn hóa chung “xứ Nghệ”.
Về địa danh “Cửa Lò”, trước đây mới chỉ là tên riêng của một con sông đổ ra biển như bao cửa sông khác ở nước ta. Cửa sông này là nơi sông Cấm đổ ra biển Đông với dãy núi xã Nghi Thiết nhấp nhô bên tả ngạn và xã Nghi Thủy ngày nay bên hữu ngạn. Từ tháng 4 – 1986, Cửa Lò trở thành tên một thị trấn cảng và du lịch thuộc huyện Nghi Lộc gồm diện tích và dân số hai xã Nghi Tân, Nghi Thủy và một phần đất của hai xã Nghi Thu, Nghi Hợp. Sau đó, từ tháng 8 – 1994, địa danh Cửa Lò trở thành tên riêng của thị xã trên cơ sở thị
trấn Cửa Lò trước, cộng thêm đất đai của một số xã khác của huyện Nghi Lộc. Như vậy, từ tên riêng để chỉ một một cửa sông đổ ra biển, Cửa Lò đã trở thành tên riêng để chỉ một đơn vị hành chính, thuộc tỉnh Nghệ An.
Theo cách giải thích của người dân địa phương hiện nay, “Cửa Lò” là do cách nói chệch đi và gọn lại của tên gọi “Cửa Lùa” trước đây. Cửa biển này có một bên là dãy núi xã Nghi Thiết (ở phía bắc) và một bên là núi Lô thuộc hai xã Nghi Tân và Nghi Thủy (phía nam), nên khi gió từ ngoài biển thổi vào cũng như gió từ hướng tây trong đất liền thổi ra tạo thành nơi đây như một cửa gió lùa. Từ cửa gió lùa, người ta nói gọn thành cửa lùa rồi thành Cửa Lò như ngày nay. Theo dân gian, cũng có một ý nghĩa nữa là do trước đây dân vùng này có nghề đốt lò nấu muối, nên gọi cửa biển là Cửa Lò. Nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tên gọi này có nguồn gốc của ngư dân nói ngôn ngữ Malayô- Pôlynêdiêng, có nghĩa là “cửa sông”. Trong ngôn ngữ của các cư dân này, có từ Kuala để gọi tên nơi một con sông đổ ra biển hay nơi một con sông nhỏ chảy ra một con sông lớn. Dần dần, danh từ Kuala chuyển thành danh từ riêng Kuala/Kualo và cuối cùng là địa danh hóa thành Cửa Lò [Trần Trí Dòi, 2000; Nguyễn Duy Thiệu, 2004].
Trong luận văn này, Cửa Lò được sử dụng theo đúng với tên gọi hành chính của thị xã biển này. Không gian nghiên cứu chính của luận văn là tiểu vùng văn hóa Cửa Lò với những nét văn hóa của cư dân vùng biển, đặt trong bối cảnh văn hóa chung của xứ Nghệ. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và chủ quan, luận văn chỉ lấy điểm nghiên cứu là phường Nghi Thủy – dân hai làng Mai Bảng, Yên Lương quanh năm gắn bó với nghề, qua bao thay đổi của thời cuộc, hầu hết ngư dân nơi đây vẫn chỉ bám biển để sinh sống và hiện tại còn lưu giữ được nhiều nét khai thác và chế biến thủ công truyền thống. Không như các phường khác như Nghi Tân, Nghi Hải, đã từng có thời nhiều ngư dân bỏ nghề chuyển sang làm nghề khác như bán hàng điện tử, đi xuất khẩu lao động, đi thuyền viễn dương và hiện tại nhiều ngư dân đã quay trở về với nghề nhưng đã mang nhiều sắc thái mới với sự trợ giúp của công nghệ. Những nét chung và khác biệt liên quan tới cách thức đánh bắt và chế biến hải sản của ngư dân cũng như sự thay đổi qua thời gian của các nghề đó ở những địa phương này cũng sẽ được lý giải trong luận văn. Như vậy, không gian trọng tâm để thực hiện đề tài là phường Nghi Thủy, bên cạnh đó, có sự so sánh với các phường Nghi Tân và Nghi Hải, và trên tổng thể là đặt trong bối cảnh chung của thị xã Cửa Lò.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, việc phân chia theo tên gọi địa lý hành
chính như trên chỉ mang tính chất tương đối để có thể dễ dàng hình dung về địa bàn nghiên cứu, bởi vì nội dung của đề tài là tập trung tìm hiểu những tri thức của ngư dân và cách thức họ vận dụng, phát triển tri thức đó vào thực tiễn như thế nào, và những tri thức thì không bị hạn chế bởi giới hạn hành chính, và là tài sản chung của một cộng đồng có cùng môi trường sinh sống.
3.2. Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tính “biển” trong đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, thể hiện qua khả năng thích ứng trước điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái biển cả thông qua các hình thức khai thác và chế biến hải sản. Với thời gian, các hình thức này chịu những tác động gì và có biến đổi như thế nào? Khai thác và chế biến hải sản gắn với sự phân công lao động theo giới trong cộng đồng ngư dân, tương ứng là lao động nam và nữ. Mối quan hệ giữa hai loại hình công việc đó sẽ dẫn tới mối quan hệ tương ứng giữa nam và nữ trong gia đình và trong cộng đồng ngư dân.
Dựa trên tổng thể đó, luận văn đi vào tìm hiểu hai nội dung chính là các hình thức khai thác và chế biến hải sản.
Về nội dung hình thức khai thác, luận văn đi sâu tìm hiểu ngư dân đã sử dụng cách thức đánh bắt phù hợp với đối tượng nào và tạo ra mối liên kết gì để tăng hiệu quả lao động và giảm thiểu rủi ro trong môi trường biển. Và qua nhiều đời gắn bó với nghề đánh bắt trên biển, ngư dân đã rút ra được những tri thức về môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản.
Tương tự, nội dung chế biến hải sản cũng sẽ được tìm hiểu dưới các góc độ như: cách thức chế biến và những đổi thay của nghề qua thời gian, tổ chức phân công lao động và vai trò của lao động nữ trong nghề chế biến. Luận văn cũng đưa ra một vài so sánh nhỏ trong cách thức chế biến nước mắm của ngư dân nơi đây với cách thức của ngư dân vùng khác, cụ thể là ở Phan Thiết (Bình Thuận) để thấy được sự khác biệt trong điều kiện tự nhiên, văn hóa của các vùng miền.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng kết hợp phương pháp lịch sử và các phương pháp của dân tộc học để vừa thấy được tiến trình phát triển của đối tượng nghiên cứu, vừa có cái nhìn so sánh trong hiện tại.
Phương pháp nghiên cứu định lượng: xây dựng bộ câu hỏi mở theo cấu trúc nội dung nhằm xây dựng hệ thống tư liệu về quy trình và cách thức tiến
hành các phương thức khai thác cũng như chế biến hải sản. Bên cạnh đó, còn có bảng thông tin kinh tế xã hội của phường, thị xã để thu thập các số liệu thống kê về thực trạng khai thác và chế biến hải sản của cộng đồng ngư dân trên địa bàn nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu định tính: các thông tin định tính được thu thập thông qua các hình thức khai thác thông tin:
- Các chủ đề phỏng vấn nhóm đối tượng: nhằm tìm hiểu thông tin ở mức độ sâu, vừa có cái nhìn tổng quát vừa có cái nhìn cụ thể, chi tiết. Phỏng vấn sâu những người giữ vai trò quan trọng trong quản lý nghề, đặc biệt từ thời kỳ hợp tác xã cho tới hiện tại (cán bộ phụ trách hội ngư dân) kết hợp với phương pháp hồi cố để thấy được tiến trình phát triển, sự thay đổi cũng như thực trạng và định hướng phát triển của nghề. Bên cạnh đó là phỏng vấn các nhóm đối tượng chuyên làm các nghề khác nhau để hiểu rò hơn những khó khăn thuận lợi của nghề mà họ tham gia.
- Phương pháp quan sát: quan sát cách thức và quy trình tiến hành các phương thức khai thác và chế biến, quan sát các loại hình công việc gắn với các nhóm đối tượng trong cộng đồng.
- Ảnh chụp: hỗ trợ việc mô tả những hoạt động diễn ra trong cộng đồng.
5. Một số khái niệm như là công cụ nghiên cứu
Điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái được coi là tác nhân cực kỳ quan trọng đến sáng tạo văn hoá của con người. Sự tác động qua lại giữa tự nhiên và con người là nhân tố chính tạo nên đặc trưng văn hoá.
Con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên: để thích nghi tồn tại, con người vừa tận dụng, vừa tìm cách ứng phó với điều kiện tự nhiên nhằm bảo đảm cho cái “lẽ sinh tồn” của mình. Cách thức ứng xử trong những môi trường tự nhiên khác nhau tạo nên những đặc trưng của cộng đồng người sinh sống trong môi trường đó.
Một trong những đặc trưng của cộng đồng ngư dân là chỉ khai thác tự nhiên, nhưng không làm ra tự nhiên, họ không có kiến thức về tái sản xuất nguồn tài nguyên, khác với những người làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc có thể tái sản xuất lại nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình. Những người sống trên đất liền thì có nhiều cách để cải tạo môi trường như việc tưới nước, làm vườn, bón phân,... còn người đi biển thì không thể thay đổi địa hình và không thể kiểm soát được biển cả, họ chỉ có thể căn cứ vào điều kiện môi trường đó để tạo ra những công cụ phù hợp khai thác tự nhiên, nhằm mục đích
cho công cuộc mưu sinh.
Cư dân biển có thể đánh bắt cá liên tục trong năm với nhiều loại cá khác nhau, trừ thời gian biển động, sóng to gió bão. Điều này cũng khác với nông nghiệp vì làm nông nghiệp thì chỉ thu hoạch vào thời gian nhất định trong năm. Cũng chính vì thế, việc bảo quản hải sản sau khi đánh bắt được là một vấn đề quan trọng trong đời sống ngư dân, vì những thứ họ đánh bắt được đều tươi sống, và cũng không thể sử dụng hết ngay một lúc, muốn giữ được lâu dài để làm thức ăn dự trữ hoặc để bán phải biết cách bảo quản, chế biến thích hợp. Lâu dần, việc chế biến, bảo quản trở thành bí quyết, tạo thành một nghề trong cộng đồng ngư dân để giúp họ ổn định thu nhập cho đời sống gia đình, cân bằng lại tính thất thường trong nghề khai thác. Khai thác và chế biến, bảo quản hải sản là những vấn đề quan trọng trong đời sống của cộng đồng ngư dân, đó là hai sinh kế thích ứng trước môi trường tự nhiên biển cả.
Thủy sản là những sản vật sinh sống ở dưới nước nói chung, còn hải sản là chỉ những sản vật sinh sống ở biển, đại dương.
Khai thác hải sản là hoạt động thu lấy những sản vật sinh sống ở biển, đại dương. Do đặc điểm sinh học của đối tượng khai thác đó là vô cùng phong phú và đa dạng, nên con người cũng đã tạo ra những dụng cụ đánh bắt thích hợp từ đó tạo ra những hình thức khai thác khác nhau.
Chế biến hải sản là cách thức xử lí nguyên liệu từ khai thác hải sản thành các mặt hàng thực phẩm hay sản phẩm khác (thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, mĩ phẩm) dưới các dạng đông lạnh, làm khô, hun khói, ướp muối và đồ hộp để phục vụ cho nhu cầu của con người.
Và gắn với môi trường lao động trên biển và tiến hành các sinh kế trên, không thể không nói tới chủ thể của nó, đó là những ngư dân.
Căn cứ vào tập quán cư trú, nguồn lợi mà các nhóm hướng vào để khai thác, kỹ thuật và công cụ để đánh bắt thủy hải sản, quan hệ xã hội, đời sống tôn giáo và tín ngưỡng,... của mỗi nhóm để có thể phân loại cộng đồng ngư dân thành các nhóm khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, ngư dân được hiểu theo nghĩa là những người lấy hoạt động ngư nghiệp làm nguồn sống duy nhất hoặc chủ yếu cho gia đình mình. Họ chuyên hoạt động khai thác thủy sản bằng các phương tiện tàu thuyền, nhưng cư trú trên đất liền ven biển, hình thành nên những làng chài ven biển. Đối tượng mà luận văn nghiên cứu là cộng đồng ngư dân bãi ngang ven biển Cửa Lò (cụ thể là tại địa bàn phường Nghi Thủy)
Ngư dân bãi ngang là những ngư dân sống trên bờ biển dọc theo ven
biển và không ở vùng cửa sông. Mẫu số chung của ngư dân vùng bãi ngang là họ không có nơi để giấu thuyền khi có bão hoặc mùa biển động, cho nên bộ phận này chỉ đóng thuyền bé để khai thác hải sản trong vùng biển lộng.
Ngư dân bãi dọc là bộ phận ngư dân sống ở cửa biển. Mẫu số chung của các nhóm ngư dân được xếp là ngư dân bãi dọc là họ có cửa sông để đưa thuyền vào sâu trong đất liền, giấu thuyền tránh bão và khi biển động.
Ngư cụ là toàn bộ những dụng cụ mà ngư dân sử dụng để lao động trong môi trường biển. Tuy nhiên, luận văn chỉ giới hạn tìm hiểu về các dụng cụ và cách thức sử dụng chúng để đánh bắt hải sản, chứ không đi vào tìm hiểu các phương tiện đi lại để lao động trong môi trường này như thuyền – nôốc, mủng, bè,...
chính:
6. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, và kết luận, luận văn được chia làm ba chương
Chương I: Cửa Lò – thiên nhiên và con người (13 – 32 21 trang) Chương II: Các hình thức khai thác nguồn lợi hải sản của cộng đồng
ngư dân ven biển Cửa Lò (33 - 40 trang)
Chương III: Các hình thức chế biến hải sản của cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò (33 trang)
Ngoài ra, luận văn còn có phần phụ lục gồm một số thuật ngữ liên quan tới nghề khai thác và chế biến hải sản, về tình hình khai thác và hiện trạng khai thác nguồn lợi hải sản ở Việt Nam, đề án phát triển thủy sản của thị xã Cửa Lò và ảnh chụp hoạt động của ngư dân.