gia tiên đều được soạn sửa chu tất với nhiều đồ lễ và hương khói. Trong những ngày giỗ họ, cả dòng họ tập trung tại nhà tộc trưởng, cùng làm lễ cúng gia tiên. So với trước kia, đời sống ngày càng no đủ hơn, cho nên các dòng họ đều tôn tạo hoặc xây dựng lại nhà thờ họ cho thêm phần khang trang, bày tỏ niềm biết ơn với tổ tiên dòng tộc, đồng thời cũng là cầu mong tổ tiên phù hộ cho cuộc sống gặp nhiều may mắn và thuận lợi.
Do diện tích đất hẹp, chỉ để vừa đủ ở và bao quanh ba mặt là nước, nên thị xã quy hoạch cho Nghi Thủy chôn cất và tập kết mồ mả của những người trong họ theo từng địa điểm riêng của họ mình tại nghĩa trang ven đồi dọc con đường sang Nghi Tân.
Thờ cúng thần biển, thành hoàng làng và các vị tiên hiền
Do điều kiện sống, lao động của ngư dân trong môi trường biển cả mênh mông đầy những hiểm nguy nên tôn giáo tín ngưỡng tạo cho họ niềm tin trước sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên. Trong tín ngưỡng dân gian, phổ biến nhất là việc thờ cúng các vị tiên hiền, những người có công trong việc tìm đất, định cư khai phá đất đai, mở mang nghề nghiệp, bên cạnh đó là việc thờ các nhân vật lịch sử.
Tục thờ Tứ vị Thánh Nương khá phổ biến ở nhiều làng Việt, nhất là vùng ven biển Bắc Trung Bộ, thậm chí một số làng ven sông lớn nằm sâu trong đồng bằng cũng có tục thờ này. Tuy nhiên, trung tâm thờ Tứ vị Thánh Nương là ở Đền Cờn.
Tại vùng ven biển Cửa Lò, ngư dân nơi đây đã gắn bó với biển qua bao đời, với môi trường lao động phụ thuộc vào thời tiết thất thường và gặp nhiều rủi ro về tính mạng. Đứng trước thiên nhiên rộng lớn và khó nắm bắt, con người tìm tới niềm tin an ủi về tinh thần để người đi biển vững vàng hơn trước sóng gió, cầu mong mùa đánh bắt bội thu, còn người ở nhà thì phần nào yên tâm về những người thân của mình đang còn lênh đênh trên sóng nước. Chính vì vậy, cũng như nhiều vùng ven biển khác trên đất nước, hàng năm, lễ hội cầu ngư được tổ chức trọng thể và thu hút nhân dân trong vùng tham dự.
Lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất và có bề dày lịch sử nhất của khu vực Cửa Lò, tập trung được nhiều người tham gia là lễ hội đền Vạn Lộc.
Đền Vạn Lộc được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1991, là nơi thờ Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi, người có công chiêu dân, lập ấp nên làng Vạn Lộc cách đây hơn 500 năm và thờ một số vị thần, các nho sinh, khoa bảng của làng. Đền hiện tại thuộc địa phận phường
Nghi Tân. Đền Vạn Lộc nằm giữa một quần thể núi non, sông nước hùng vĩ, hữu tình: trước mặt là núi Bảng Nhãn, bên phải là núi Rồng, trái là Tượng Sơn, sau lưng có núi Lò (Lô Sơn), phía Đông và Nam có đảo Lan Châu, Song Ngư, đảo Mắt. Cảnh đẹp của vùng Vạn Lộc đã được nhiều văn nhân, thi sĩ phóng bút đề vịnh. Năm 1506 Nguyễn Sư Hồi mất, triều đình ban cho làng lập đền thờ. Đền thờ Nguyễn Sư Hồi được hoàn thành vào năm 1508 và được sắc phong là Thượng đẳng phúc thần. Trong lịch sử khoa bảng, Vạn Lộc nổi tiếng ở xứ Nghệ với 66 tú tài, 12 hương cống, cử nhân, 1 phó bảng, 1 tiến sĩ. Về vò và y học, mảnh đất này cũng khá nhiều người tài nên được người xưa đúc kết "Văn dành đỉnh bút/ Vò chiếm đề đao/ Nền y học chưa nơi nào sánh kịp". Vì vậy, bên cạnh thờ Nguyễn Sư Hồi, nhân dân còn thờ một số vị thần và nho sinh khoa bảng ở Đền Vạn Lộc.
Mỗi độ Tết đến xuân về, thường 3 năm một lần, nhân dân vùng sông nước Cửa Lò lại long trọng tổ chức lễ hội đền Vạn Lộc để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi cùng các vị thần được thờ trong đền và cầu cho sóng yên, biển lặng, mùa màng bội thu. Nhằm ôn lại không khí hào hùng một thuở, đồng thời là nhịp cầu gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai, lễ hội Đền Vạn Lộc diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, cùng với việc tế thần, nhân dân làng Vạn Lộc còn tổ chức mở hội rước sắc và tổ chức đua thuyền truyền thống, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng tâm linh của nhân dân vùng biển Cửa Lò và du khách thập phương, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc còn là dịp để thị xã Cửa Lò tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của mình.
Có thể bạn quan tâm!
- Các hình thức khai thác và chế biến hải sản trong cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, Nghệ An - 2
- Về Điều Kiện Tự Nhiên Và Nguồn Lợi Biển
- Các hình thức khai thác và chế biến hải sản trong cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, Nghệ An - 4
- Nhận Thức Của Ngư Dân Về Môi Trường Tự Nhiên Và Nguồn Lợi Hải
- Các hình thức khai thác và chế biến hải sản trong cộng đồng ngư dân ven biển Cửa Lò, Nghệ An - 7
- Những Thay Đổi Trong Khai Thác Hải Sản Qua Các Thời Kỳ
Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.
Bắt đầu từ ngày 29/4 đến 02/5 dương lịch hàng năm, tại khu du lịch biển Cửa Lò, thị xã Cửa Lò diễn ra lễ hội sông nước. Lễ hội này bắt nguồn từ lễ hội đền Vạn Lộc, nhưng cùng với sự phát triển của du lịch biển, chương trình lễ hội này được thị xã đứng ra tổ chức và nâng cấp thành lễ hội của toàn thị xã vào đầu mùa hè hàng năm, vừa làm lễ cầu yên cho ngư dân, vừa khởi động cho một mùa du lịch mới ở biển. Đây là lễ hội thu hút được đông đảo nhân dân địa phương tham gia cũng như khách du lịch các nơi tham dự, đặc biệt lễ hội năm 2008 vừa rồi, thu hút tới 6.000 khách du lịch tới đến dự.
Đầu tiên, đoàn rước dâng hương và làm lễ tại đền Vạn Lộc và diễu hành tổ chức rước đuốc từ đền Vạn Lộc về khán đài tổ chức lễ hội ở quảng trường Bình Minh. Tại đó, chủ tịch UBND Thị xã đọc lời khai mạc mùa du lịch biển. Các ngày tiếp theo, sẽ diễn ra các chương trình vui chơi, biểu diễn
như: liên hoan văn hóa nghệ thuật; đua thuyền truyền thống; thi đấu bóng chuyền bãi biển; thi nghiệp vụ du lịch: nấu ăn giỏi, lễ tân, trang phục du lịch,...
Bên cạnh đó, ở Nghi Thủy, dân trong các làng chài cũng có những ngày lễ cầu ngư riêng, theo ngày cúng giỗ thần Thành hoàng làng, nổi bật nhất có lễ hội cầu ngư của dân làng Yên Lương và Mai Bảng – hai làng có lịch sử gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất này và có truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời.
Theo Ban quản lý đền làng Yên Lương cho biết, đền được xây dựng vào năm 1630. Có người tên là Vũ Thế Triều là người đầu tiên lập nên ngôi đền cùng nhân dân lúc đó để thờ phụng vị Thành hoàng làng có hiệu là “Càn môn duệ tiền phụng sự hữu dịch nhất vị thánh hoàng y bản xã Cao Sơn Thần Vị”. Dân làng lúc đó mới ít người, họ thành lập một giáp gọi là Bầu Tráo, một số làm nghề đánh cá xung quanh đảo Lan Châu, một số làm ruộng, cùng lập nghiệp sinh sống. Sau dân số đông dần lên, từ một giáp lập thành một thôn gọi là Hoa Duệ. Đền được xây dựng từ lâu, nhưng do nhiều biến động lịch sử xã hội, đền bị phá hủy nhiều, tháng 2 – 2007 mới tiến hành đại trùng tu và làm mới toàn bộ công trình mà trước đây đã xuống cấp nặng. Hiện tại, làng Yên Lương thờ vọng Tứ vị thánh Nương (đền thờ chính thờ tại đền Cờn, Quỳnh Lưu) làm thành hoàng làng. Ngoài ra, bên trong ban thờ của đền làng còn thờ một đốt sống lưng của cá voi.
Tháng 1, 2, 4, 5, 6, 7 và tháng 12 trong năm đều có những ngày lễ, trong đó quan trọng nhất là lễ tháng 2 và lễ tháng 6. Ngày rằm tháng hai tổ chức lễ cầu yên, và chọn những ngày tốt trong tháng để làm lễ cầu ngư. Còn tháng 6 là tháng tổ chức lễ hội truyền thống của làng. Vào ngày 14 tháng này diễn ra lễ Thỉnh các Phật Thánh. Sang ngày 15 thì buổi sáng tổ chức lễ rước, buổi chiều lẽ yết. Ngày 16 tổ chức lễ tế các vị thần. Sau nhiều năm gián đoạn, mãi năm 2008, dân làng mới tổ chức một lễ rước đầy đủ và hoàn chỉnh. Lễ hội được tổ chức long trọng vào buổi sáng ngày 15/6 âm lịch. Từ đền làng, nhân dân rước kiệu ra biển rồi tổ chức làm lễ, cầu mong một năm mưa thuận gió hoà để ra khơi đánh bắt hải sản gặp nhiều thuận lợi. Tham gia lễ rước có trên 80 tàu thuyền đánh cá và đông đảo nhân dân Làng Yên Lương cũng như các địa phương lân cận.
Cũng theo ban quản lý di tích đền Mai Bảng, đền làng này có từ cách đây khoảng 200 năm. Đền thờ Đại đức Hồng ân Chiêu trưng đại vương thần
Lê Khôi (gốc là từ Cửa Sót, Hà Tĩnh, rước về đây thờ vọng), thờ 27 vị tổ làng và Tam tòa thì thờ Hội đồng Tiên mẫu. Các lễ chính trong năm đó là vào ngày 2/5, đây là ngày giỗ Lê Khôi, từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 2 diễn ra lễ cầu ngư. Chiều ngày 11 làm tễ tế thần thánh, ngày 12 rước bài vị ra biển làm lễ cầu ngư, cầu cho sóng yên biển lặng, dân đi đánh bắt được nhiều cá.
Lễ hội cầu ngư ở hai đền này chủ yếu thu hút ngư dân ở hai làng, cùng một vài phường xã lân cận. Trong đó trọng tâm là rước thánh ra biển làm lễ tế, cầu cho trời cầu đất cho ngư dân đi đánh bắt gặp nhiều thuận lợi, tai qua nạn khỏi, mùa màng bội thu.
Cùng trên một mảnh đất, ngoài lễ hội lớn thu hút nhân dân nhiều nơi tham dự, thì mỗi làng đều có lễ hội cầu ngư riêng, trong đó lấy ngày cúng thành hoàng làng hoặc ngày tưởng nhớ công ơn của vị tiên hiền khai lập làng để làm lễ tưởng nhớ và cầu ngư.
Thờ Phật
Trong nhiều gia đình ngư dân ở Nghi Thủy, có bàn thờ thờ tượng Phật. Ngày rằm và mồng một, nhiều người tới đi lễ ở các chùa xung quanh như chùa Lô Sơn7, cầu cho gia đình bình an, đi biển gặp nhiều thuận lợi và may mắn. Một trong những chùa và là nơi trú ẩn quan trọng của ngư dân là chùa Ngư trên đảo Ngư nằm trên phía Đông, đứng trên bờ biển nhìn xa xa có thể thấy hai ngọn núi án ngữ ngoài biển. Vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV,
chùa được ngư dân nơi đây dựng lên ở phía tây của đảo Ngư để thờ Phật Thích ca Quan âm và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn8 – người có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên vào thế kỷ
XIII. Chùa thờ Phật linh thiêng, lại nằm trênt uyến đường thủy buôn bán từ bắc – trung – nam và là nơi nối giữa hai cửa biển lớn (Cửa Lò và Cửa Hội), do vậy, các nhà buôn và ngư dân khi đi qua đầy đều vào chùa dâng hương tế
7 Chùa Lô Sơn (Phổ am tự) được dựng từ thời nhà Lê, thuộc làng Vạn Lộc, huyện Chân Lộc, nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò. Hội chùa vào ngày rằm tháng tư và tháng bảy âm lịch hàng năm.
– Theo Du lịch Cửa Lò, UBND thị xã Cửa Lò, năm 2007, tr61.
8 Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn quê làng Vạn Phần, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Vạn - Diễn Châu) là người giỏi vò nghệ, có biệt tài về bơi lội. Năm 1228, lập nhiều công trạng trong chống Nguyên Mông, được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng làm nội thư gia, về sau được phong làm Sát Hải Đại tướng quân trấn giữ các cửa biển từ Hải Phòng đến Nghệ An - Theo hồ sơ di tích (lưu tại Trung tâm VH Nghi Lộc và Ban Quản lý di tích Nghệ An, do Bảo tàng Nghệ An lập năm 1995). Trong thời gian làm tướng coi giữ miền biển, ông đã nhiều làn dùng thủy binh đánh tan quân Chămpa đưa thuyền sang quấy nhiễu, đánh diệt cướp biển. Nên trước đây ở vùng Cửa Lò và nhiều nơi khác đều có đền thờ ông. Đền thờ to nhất là ở Cổ Đan, thuộc xã Nghi Đàn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
lễ cầu xin cho trời yên biển lặng để thuyền bè thuận buồm xuôi gió, buôn bán gặp nhiều may mắn, đi biển bình an trở về. Đặc biệt trong những gió bão, bãi chùa còn là nơi trú ngụ của thuyền bè từ xa tới, và là nơi trú bão của tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân.
Theo phủ đồng cầu cúng
Ngoài ra, hầu như các hộ có thành viên đi đánh bắt cá đều đi lễ tại đền thờ của một ông đồng ngay trong làng Mai Bảng. Họ đi tới ngôi đền này, sửa soạn lễ vật nhờ thầy cúng cúng tế để cầu cho gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi, nhất là tránh được rủi ro về tính mạng do nghề nghiệp mang lại. Thầy cúng sẽ đặt trên mâm đó những đoạn vải đỏ, mảnh và dài vừa đủ để buộc vào khuỷu tay để làm lễ. Sau khi cúng lễ xong, người đi làm lễ sẽ mang những dải dây đó về buộc lên khuỷu tay trái của tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả trẻ nhỏ. Hàng tháng, các gia đình đều tới ngôi đền này làm lễ một lần. Theo ý kiến của nhiều người, sau khi làm lễ xong, họ cảm thấy yên tâm hơn và gia đình gặp nhiều thuận lợi hơn.
3. Về tình hình kinh tế - xã hội
Cùng với sự phát triển chung của thị xã, định hướng phát triển kinh tế của Nghi Thủy cũng là đẩy mạnh sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch và chế biến hải sản. Qua các thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển, kinh tế phường cũng đã đạt được một số thành tựu đáng kể.
Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, ngành chế biến hải sản, thương mại dịch vụ và xây dựng, tiểu – thủ công nghiệp phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao (đến cuối năm 2003 chiếm 61,5%).
Ngư nghiệp phát triển mạnh về năng lực đánh bắt, nghề dạ kéo xa bờ tiếp tục phát triển, các nghề lộng (mành, te) thu nhập khá. Với phương châm “lấy khai thác hải sản làm trọng tâm, tiếp tục củng cố nghề lộng, đa nghề trên thuyền”, đẩy mạnh phát triển nghề khơi, nghề dạ kéo xa bờ, khai thác sản phẩm có giá trị cao. Tổng sản lượng khai thác năm 2002 đạt 3.498 tấn, năm 2003 đạt 3.890 tấn, trị giá 15,18 tỷ đồng. Khâu chế biến hải sản phát triển, giải quyết được nhiều việc làm cho số lao động nhàn rỗi, số lượng các hộ chế biến tăng, các tổ hợp đã có sự liên kết với khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Thương mại – dịch vụ ngày càng tăng, nhiều lao động có thu nhập cao (nhất là về mùa hè). Giá trị sản xuất năm 2001 là 4 tỷ đồng, năm 2003 là 5,8
tỷ đồng.
Tiểu thủ công nghiệp có thêm nghề mới như: cơ khí, gò hàn, gia công cửa rào sắt, may mặc,... Giá trị sản xuất năm 2003 đạt 3,9 tỷ đồng.
Năm 2007, giá trị sản xuất của ngành thương mại dịch vụ, du lịch đạt 13 tỷ 206 triệu đồng (tăng 36,8% so với năm 2005); ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 8 tỷ 575 triệu đồng (tăng 12% so với năm 2005); ngành khai thác hải sản đạt 21 tỷ 250 triệu đồng (tăng 5% so với năm 2005); ngành chế biến hải sản, phơi khô, sấy đạt 12 tỷ 840 triệu đồng (tăng 10% so với năm 2005); chăn nuôi đạt 630 triệu đồng (giảm 15% so với năm 2005); xuất khẩu lao động đạt 11 tỷ 160 triệu đồng (tăng gần 22% so với năm 2005).
Trên tổng thể có ba ngành chính là ngư nghiệp, du lịch – dịch vụ và công nghiệp – xây dựng, tuy nhiên, ngành nghề nhỏ trong những ngành chính đó lại rất đa dạng, phong phú. Có thể nói, đây là địa phương có nhiều ngành nghề. Đây cũng là một trong những đặc trưng của cộng đồng ngư dân, để duy trì cuộc sống ổn định, người ta đã phát triển thêm những hoạt động kinh tế khác bên cạnh khai thác hải sản và các nghề dịch vụ liên quan tới khai thác. Tuy nhiên, biển vẫn là yếu tố nổi bật nhất với các nghề liên quan tới hoạt động ngư nghiệp và các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch biển. Trong đó, khai thác, chế biến và buôn bán hải sản là những nghề đã có từ lâu đời, diễn ra quanh năm và gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng ngư dân nơi đây; còn du lịch biển là ngành mới phát triển sau này và chỉ diễn ra trong mùa hè. Chính vì thế, các hoạt động kinh tế liên quan tới ngư nghiệp giữ một vai trò chủ chốt trong các hoạt động kinh tế của địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho các lao động.
Về giáo dục, từng bước đã ổn định được sĩ số học sinh, chất lượng mũi nhọn ở trường THCS có chuyển biến, công tác phổ cập THCS đạt kết quả tốt, mở được 4 lớp phổ cập giáo dục THCS, có 118 em tham gia thi tốt nghiệp đạt 100%. Cơ sở vật chất của cả hai hệ học được đầu tư tốt hơn (đã đầu tư xây dựng và mua sắm trên 1 tỷ đồng). Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước đạt được tiến bộ, hội khuyến học đã được thành lập, xây dựng quỹ khuyến học ở các chi hội và phường hội, quan tâm tới các hệ học, học sinh nghèo vượt khó.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong những năm đầu thế kỷ XXI đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Đầu năm 2002, phường đã sửa chữa nâng cấp trạm y tế có phòng khám và điều trị với trang thiết bị khá đầy
đủ. Hiện nay, các khối dân cư đều có cán bộ y tế cơ sở. Liên tục trong ba năm 2001 – 2003, trên địa bàn phường không có dịch bệnh xảy ra. Đó là kết quả của công tác phòng dịch, vệ sinh môi trường, hoạt động của các tổ thu gom và xử lý rác thải được duy trì thường xuyên. Năm 2003, tỷ lệ sinh 16,8%, tử 5,1%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 11,7% (cao hơn so với mặt bằng chung trong thị xã là 9,1%). Là một địa bàn thuần ngư nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quan tâm nên đã đạt được một số kết quả khả quan. Tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai năm 2000 là 78,1% đến năm 2004 là 93,5%; tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2000 là 14,0%, năm 2004 là 11,5%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em được quan tâm, tỷ lệ trẻ em và bà mẹ mang thai được tiêm chủng định kỳ đạt 100%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em năm 2002 giảm từ 20,8% xuống còn 19%. Hàng năm đã tổ chức khám bệnh cho trẻ tật nguyền, tổ chức vui tết Trung thu, ngày quốc tế thiếu nhi 1-6. Hội phụ nữ phường đã tích cực tuyên truyền giáo dục cho các bà mẹ về kiến thức nuôi dạy trẻ.
Chính sách xóa đói giảm nghèo được quan tâm đúng mức. Số hộ ngày từ 150 hộ năm 2002 đã giảm xuống chỉ còn 80 hộ năm 2003, chiếm 4,9 tỷ số hộ. Số hộ khá và giàu ngày càng tăng lên. Đời sống của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người sau 4 năm phát triển đã tăng thêm gấp 2 lần so với năm 2000. Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người là 10 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động. Tỷ lệ đói nghèo năm 2000 là 19,3%, đến nay xuống còn 4,5%. Phong trào xóa nhà dột nát, tạm bợ đã vận động được hơn 37 triệu đồng để sửa chữa, làm mới 13 nhà, đã hoàn thành xóa nhà tranh tre dột nát, tạm bợ vào tháng 4/2005.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Trong phường đã có 4 khối được công nhận “làng văn hóa”, đó là các khối 3, 4, 6 và 10. Riêng khối 3 được công nhận là “Làng văn hóa cấp tỉnh”. Hàng năm có khoảng ¾ số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”9.
9 Số liệu về kinh tế - xã hội của phường được trích trong “Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ phường Nghi Thủy khóa III, tại Đại hội Đảng bộ phường lần thứ IV (nhiệm kỳ 2005 – 2010)” và “Báo cáo tình hình thực nhiênh nhiệm vụ năm 2007, phương hướng nhiệm vụ năm 2008” cỉa UBND phường Nghi Thủy.
Tiểu kết
Cửa Lò là vùng đất được thiên nhiên ban cho nhiều ưu đãi nhưng cũng không ít phần khắc nghiệt. Điểm nổi bật nhất trong điều kiện tự nhiên đó là yếu tố biển với các lợi thế đặc thù. Sự đa dạng về nguồn lợi hải sản, điều kiện địa hình với eo biển ăn sâu vào đất liền cùng với hai cửa sông lớn và các hòn đảo nhỏ án ngữ bên ngoài tạo thành những nơi trú ngụ an toàn cho tàu thuyền trong điều kiện thời tiết thất thường, đã tạo thuận lợi to lớn cho việc phát triển ngư nghiệp. Thời tiết có một mùa nắng nóng kéo dài cũng giúp cho ngư dân trong việc đánh bắt cũng như chế biến, phơi khô và bảo quản hải sản.
Tuy nhiên, nằm trong vùng khí hậu chung của bắc trung bộ, khí hậu nơi đây cũng rất khắc nghiệt, có một mùa đông lạnh kéo dài và mùa hè với gió Lào khô hanh. Cửa Lò cũng như các địa phương khác ở Nghệ An thường xuyên phải hứng chịu những trận bão. Bão tố là mối hiểm họa to lớn và gây ra nhiều thiệt hại, nhất là đối với những cư dân có sinh kế phụ thuộc vào biển cả.
Theo những thông tin từ sử liệu, địa chí,... ngư dân nơi đây có nguồn gốc xuất xứ kết hợp giữa người Chăm, Việt, Tàu,...Và người Việt thì cũng là dân từ nhiều vùng sông nước nơi khác đến lập nghiệp như dân vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh), dân đánh cá ven sông Lam ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Chính vì thế, văn hóa nơi đây là sự tổng hòa văn hóa của dân cư các nơi. Tuy nhiên, việc bóc tách các lớp văn hóa đấy là điều hoàn toàn không dễ.
Tuy không phải là một vùng đất cổ, dân cư lại từ nhiều nơi về dựng nhà, lập làng, nhưng với gần 500 bám biển, gắn bó với môi trường ven biển, ngư dân nơi đây đã tạo nên một bề dày văn hóa mang nhiều hơi hướng biển thể hiện qua đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và trong tâm thức, tín ngưỡng.
Nhìn chung, với những điều kiện thuận lợi mà tự nhiên ban tặng, ngay từ thuở ban đầu, cư dân các nơi tới đây lập nghiệp, sinh sống, đã biết tận dụng môi trường biển cả để làm chỗ dựa mưu sinh. Cùng với thời gian, họ đã đúc rút ra những tri thức về tự nhiên cũng như sáng tạo và áp dụng các hình thức khai thác, cách thức liên kết để cùng lao động sản xuất, phù hợp với đối tượng khai thác cũng như môi trường lao động.