Những Nguyên Nhân Của Tồn Tại, Hạn Chế Trong Áp Dụng Biện Pháp Tư Pháp "trả Lại Tài Sản, Sửa Chữa Hoặc Bồi Thường Thiệt Hại"

* Một số tồn tại, hạn chế khi áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại:

Thứ nhất, thiếu sót trong đối chiếu hóa đơn chứng từ chữa trị khi tuyên mức bồi thường thiệt hại, không xác minh tuổi của người được hưởng cấp dưỡng, không bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại.

Trong vụ án Phạm Văn Tuyến phạm tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 Điều 202 BLHS (đã dẫn trong phần trên của luận văn), phần trách nhiệm dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định người bị hại là chị An có lỗi trong việc xảy ra tai nạn áp dụng Điều 604, 605, 612, 623 BLDS buộc gia đình anh Trần Văn Anh (người đại diện của chị An - người bị hại đã chết), doanh nghiệp tư nhân Hà Hậu (bị đơn dân sự) và bị cáo Tuyến có trách nhiệm liên đới bồi thường cho gia đình anh Trần Văn Thắng (đại diện của bà Ràng - người bị hại đã chết) số tiền 63 triệu đồng trừ đi 33 triệu đồng đã nhận, còn phải bồi thường tiếp 30 triệu đồng. Tính tỉ phần như sau: gia đình anh Anh bồi thường 15 triệu đồng, doanh nghiệp tư nhân Hà Hậu bồi thường 7.500.000 đồng, bị cáo Tuyến bồi thường

7.500.000 đồng.

Nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của gia đình người bị hại Trần Thị Ràng buộc bị cáo Tuyến, Doanh nghiệp tư nhân Hà Hậu và anh Trần Văn Anh liên đới bồi thường số tiền 63 triệu gồm tiền viện phí, xe đi lại, tiền thuốc, chụp XQ, chụp cắt lớp... nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xét cụ thể từng khoản chi, chưa có biên bản đối chiếu hóa đơn photo với hóa đơn gốc để xác định chi phí thực tế (trong đó có nhiều phiếu chi ghi không rõ số tiền, lý do chi và 01 phiếu chi trong một ngày hết 29 triệu đồng không ghi rõ từng khoản chi); đối với gia đình người bị hại - chị An, bị cáo đã bồi thường 33 triệu đồng nhưng những vấn đề bồi thường khác Tòa chưa giải quyết. Cụ thể: Tòa án chưa xác minh hai con của chị An sinh ngày tháng năm nào để quyết định mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng (con lớn 10 tuổi, con

nhỏ 3 tuổi) và những tổn thất tinh thần Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét cho gia đình người bị hại đó là những sai lầm nghiêm trọng khiến vụ án phải xét xử nhiều lần (2 lần sơ thẩm, 1 lần phúc thẩm, 1 lần giám đốc thẩm) khiến vụ án bị kéo dài.

Thứ hai, có chi phí thực tế nhưng Tòa án không xem xét để buộc bị cáo bồi thường thiệt hại và không buộc bị cáo bồi thường thu nhập bị mất cho người bị hại do tổn hại về sức khỏe.

Khoảng 18 giờ ngày 29 tháng 6 năm 2012, Nguyễn Đức Lâm sau khi uống rượu có xích mích với Ngô Văn Định, bị Định đấm một cái vào mặt. Bị đánh, Lâm nhặt đá ném về phía Định làm Định bị trúng vào mắt phải. Định bỏ chạy vào nhà anh Cảnh để xin thuốc băng bó vết thương nhưng Lâm vẫn đuổi theo để đánh nhưng không đuổi kịp nên bỏ về nhà. Kết quả giám định, tỉ lệ thương tích của Ngô Văn Định là 45%. Tại phiên tòa sơ thẩm, người bị hại có yêu cầu được bồi thường về việc phẫu thuật mắt, lắp mắt giả và bồi thường phần thu nhập bị mất do thời gian dài điều trị không lao động được nhưng không được giải quyết. Sau đó, anh Định kháng cáo tăng bồi thường thiệt hại và cung cấp chứng cứ điều trị lắp mắt giả tại Hà Nội. Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét những chứng từ do người bị hại cung cấp để buộc bị cáo bồi thường những chi phí này và khoản thu nhập bị mất của người bị hại là không đúng quy định của pháp luật.

Ngược lại, có trường hợp không có căn cứ pháp lý nhưng Tòa án vẫn tuyên mức bồi thường thiệt hại, tiền cấp dưỡng cho các đối tượng mà người bị hại khi còn sống phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng cũng như khoản tiền bồi thường thu nhập bị giảm sút.

Ví dụ: La Duy Xuân vừa là chủ phương tiện vừa là lái xe ô tô đã giao cho con trai là La Duy Thắng không có giấy phép lái xe điều khiển xe gây tai nạn làm một người chết và ba người bị thương nặng. Tòa án cấp sơ thẩm chưa buộc La Duy Xuân và vợ là Phùng Thị Nga phải có trách nhiệm bồi thường

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

khoản tiền cấp dưỡng cho các con nạn nhân, phần thu nhập thực tế bị giảm sút và khoản tiền tổn thất về tinh thần của người bị hại, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại buộc La Duy Xuân và Phùng Thị Nga phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền này trong khi chưa xác định được trước khi bị tai nạn, mức thu nhập của các nạn nhân cũng như các con của nạn nhân được hưởng tiền cấp dưỡng là bao nhiêu là chưa có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cũng chưa căn cứ vào khả năng thực tế của người có trách nhiệm bồi thường, chưa có sự thỏa thuận đã buộc chủ phương tiện bồi thường một lần là không đúng với quy định của BLDS.

Thứ ba, xác định cha mẹ bồi thường thay sai quy định.

Biện pháp tư pháp - Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật hình sự năm 1999 - 11

Khoảng 8 giờ ngày 21 tháng 3 năm 2012, Đàm Mạnh Hà lợi dụng cháu Đoàn Thị Ngát (12 tuổi) bị câm bẩm sinh, thường ở nhà một mình nên đã có hành vi hiếp dâm cháu Ngát. Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 42 và Điều 615 BLDS buộc ông Đàm Mạnh Kha - bố đẻ của bị cáo Hà có trách nhiệm bồi thường cho đại diện người bị hại.

Tuy nhiên theo khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005 quy định: "người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình" [29]. Trong vụ án này khi phạm tội Hà 17 tuổi 8 tháng 5 ngày, thế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên ông Đàm Mạnh Kha (bố bị cáo) bồi thường cho người bị hại là không đúng với quy định của BLDS năm 2005. Sai lầm này đã được Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục.

Thứ tư, Tòa án không buộc bị cáo bồi thường tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị hại.

Khoảng 13 giờ ngày 27/3/2010, do không cho gia đình nhà anh Trần Văn Thành xếp đá lấn ranh giới đất của nhà mình nên Nguyễn Văn Lập sau khi lời qua tiếng lại đã về nhà lấy dao Thái Lan đi sang chỗ anh Thành. Hai bên tiếp tục lời qua tiếng lại và Lập dùng dao đâm vào bụng và tay gây

thương tích 40% cho anh Thành. Về trách nhiệm dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc Nguyễn Văn Lập phải bồi thường chi phí điều trị như tiền thuốc, tiền chụp XQ, tiền viện phí… nhưng đã không xem xét buộc bị cáo phải bồi thường khoản tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị hại là thiếu sót.

Thứ năm, căn cứ ấn định mức bồi thường mai táng phí theo "phong tục tập quán địa phương" là không hợp lý.

Hoàng Văn Sửu phạm tội "Giết người" theo khoản 1 Điều 93 BLHS, người bị hại là anh Đỗ Đức Nam - đã chết, chị Phạm Thị Lan là người đại diện hợp pháp của người bị hại đã xuất trình các chứng cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại: Về khoản mai táng phí, chị Lan đã kê khai tổng là

25.850.000 đồng. Phía gia đình bị cáo Sửu đồng ý bồi thường mức yêu cầu trên. Các khoản khác như cấp dưỡng nuôi con và cấp dưỡng nuôi mẹ anh Nam chị Lan đề nghị giải quyết theo pháp luật.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử không xét hỏi bị cáo về khoản bồi thường mai táng phí mà chỉ nhận định là theo phong tục tập quán địa phương nên buộc bị cáo phải bồi thường số tiền 5.000.000 đồng đến

6.000.000 đồng, nhưng lại không nêu lý do không chấp nhận khoản nào trong bản kê khai chi phí do chị Lan xuất trình là không có căn cứ.

Thứ sáu, về phương thức bồi thường thiệt hại.

Việc quyết định phương thức bồi thường thiệt hại đối với các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe thực tiễn cho thấy có Tòa án quyết định bồi thường hàng tháng, có Tòa án quyết định bồi thường một lần.

Ví dụ: Trong vụ án Hoàng Văn Sửu phạm tội giết người đã nêu trên, về phần cấp dưỡng nuôi con và nuôi mẹ người bị hại (anh Nam) Tòa án không làm rõ mức thu nhập bình quân hàng tháng của anh Nam khi còn sống, không nêu rõ mức cấp dưỡng hàng tháng cho từng người là bao nhiêu và cũng không xem xét khả năng bồi thường của bị cáo đã quyết định buộc bị cáo cấp dưỡng nuôi hai con và mẹ anh Nam một khoản tiền là 15.000.000đ trong khi

hai bên không có thỏa thuận gì về việc cấp dưỡng một lần là không đúng quy định của pháp luật.

Về quyết định phương thức bồi thường đã được hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10 tháng 6 năm 2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ. Theo đó, Công văn này hướng dẫn: Điều 612 BLDS năm 2005 chỉ quy định thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm (bao gồm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động; tiền cấp dưỡng trong trường hợp người bị thiệt hại chết). Khi giải quyết yêu cầu đối với các khoản này, trước hết Tòa án cần tiến hành hòa giải; nếu qua hòa giải mà các bên thỏa thuận được với nhau về phương thức bồi thường thiệt hại nào (hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần) thì Tòa án chấp nhận sự thỏa thuận của các bên về phương thức bồi thường thiệt hại đó. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức bồi thường thiệt hại hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, nếu người được bồi thường thiệt hại hoặc người được cấp dưỡng có lý do chính đáng để yêu cầu được bồi thường hoặc cấp dưỡng theo phương thức một lần và người phải bồi thường, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có điều kiện thi hành án thì Tòa án có thể quyết định phương thức một lần.

Thứ bảy, khi quyết định bồi thường thiệt hại đã không xem xét đến mức độ lỗi của người bị hại.

Do có nghi ngờ vợ là chị Tạ Thị Hồng có quan hệ bất chính với anh Đặng Văn Thọ nên Nguyễn Đức Kiên đã bí mật theo dõi cùng với anh Bùi Xuân Dư (là công an viên). Khi bắt quả tang vợ mình ngoại tình, Kiên đã dùng gậy, đèn pin đánh tới tấp vào đầu gây thương tích 32%. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo tội "Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh", đồng thời buộc Kiên bồi thường toàn bộ số tiền anh Thọ chi phí điều trị là 10 triệu đồng. Thấy rằng, Nguyễn Đức Kiên phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích

động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Do đó, trong tổng số chi phí thiệt hại phía nạn nhân cũng phải chịu một phần tương ứng với phần lỗi của mình theo quy định tại Điều 621 BLDS. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ các khoản chi phí cho người bị hại là không đúng với quy định của pháp luật.

Trên đây là một số tồn tại trong áp dụng quy định của biện pháp tư pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" theo khoản 1 Điều 42 BLHS năm 1999 trên cơ sở nghiên cứu trên 150 bản án 5 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu trên 150 bản án này chúng tôi nhận thấy, biện pháp buộc sửa chữa khi tài sản bị hư hỏng hầu như không được áp dụng mà thay vào đó người phạm tội sẽ bồi thường một khoản tiền để người bị hại chủ động sửa chữa hoặc người bị hại yêu cầu bồi thường mà không yêu cầu người phạm tội phải sửa chữa. Theo chúng tôi, đối với những bị can, bị cáo bị tạm giam và bị áp dụng hình phạt tù thì rất khó có thể thi hành biện pháp buộc sửa chữa tài sản cho chủ sở hữu và chính chủ sở hữu cũng không đồng ý để bị cáo sau khi chấp hành hình phạt rồi mới đi sửa chữa tài sản cho họ. Chính vì vậy trong thực tế biện pháp buộc sửa chữa hiếm khi được áp dụng.


2.3. NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TƯ PHÁP "TRẢ LẠI TÀI SẢN, SỬA CHỮA HOẶC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI"

Nghiên cứu các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn áp dụng biện pháp tư pháp nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp khắc phục, nâng cao hiệu quả của biện pháp này. Qua công tác thống kê và tổng kết hoạt động xét xử của ngành Tòa án các cấp ở một số tỉnh thành đặc biệt là tại ngành Tòa án tỉnh Thái Bình cho thấy việc áp dụng biện pháp tư pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là do những nguyên nhân chủ yếu sau.

2.3.1. Nguyên nhân khách quan

Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng. Đặc biết là các vụ án hình sự có giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự tăng lên nhiều về số lượng và ngày càng phức tạp hơn về tính chất. Việc xác định đúng các thiệt hại xảy ra, đánh giá mức độ lỗi của các bên cũng như ấn định một mức bồi thường phù hợp càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, số lượng cán bộ tư pháp không đồng đều về chất lượng và kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng quá tải, án tồn đọng, án quá hạn, án hủy, án oan sai. Mặt khác, chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tư pháp chưa thật sự thỏa đáng, chưa tương xứng với tính chất công việc nên chưa thu hút được nguồn cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết với nghề. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Một số quy định về công tác tổ chức cán bộ chưa phù hợp gây khó khăn cho công tác quy hoạch và bổ nhiệm Thẩm phán.

Nguyên nhân hạn chế từ pháp luật thực định về biện pháp tư pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại", đặc biệt là trong BLHS và BLTTHS chưa phù hợp, chưa đầy đủ trong khi đó công tác hướng dẫn chưa kịp thời dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

2.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã không quan tâm đúng mức tới việc giải quyết trách nhiệm dân sự mà chỉ chú trọng đến việc giải quyết vấn đề TNHS. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử cơ quan tiến hành tố tụng thường ít quan tâm đến điều tra, xác minh các khoản bồi thường thiệt hại, các vấn đề liên quan đến đối tượng là tài sản bị chiếm đoạt được điều tra sơ sài dẫn đến việc tài sản bị chiếm đoạt chưa được thu hồi để trả lại cho chủ sở hữu.

Khi giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự, những người tiến hành tố tụng mà đặc biệt là Thẩm phán đã không

nghiên cứu kỹ các quy định của BLDS và các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên dẫn đến tình trạng xác định sai các chi phí thực tế mà người bị thiệt hại đã sử dụng để chữa trị phục hồi sức khỏe, hoặc buộc bồi thường thiếu đối tượng, mức bồi thường quá thấp, quá cao không có căn cứ hoặc căn cứ sai quy định thậm chí buộc người không có nghĩa vụ bồi thường phải bồi thường.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp chưa được thường xuyên, đôi khi còn mang tính hình thức (thời gian mỗi khóa tập huấn thường rất ngắn) nên kết quả đạt được chưa cao.

Việc quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự, là một nguyên tắc phù hợp và cần thiết với thực tiễn. Việc áp dụng hiệu quả biện pháp tư pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" thực chất là đang thực hiện nguyên tắc tố tụng hình sự trên. Tuy nhiên, trước những tồn tại trong pháp luật thực định cũng như trong thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp này. Chính vì vậy, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị mang tính giải pháp sau.

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 01/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí