Bình đẳng giới trong Bộ Luật lao động Việt Nam - 11

biệt là lao động nữ để rồi họ làm những việc trái đạo đức, trái pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Mặc dù, tình trạng này diễn ra phổ biến nhưng rất ít doanh nghiệp bị xử lý bởi NLĐ một phần do không hiểu biết pháp luật và tâm lý cam chịu nên không đưa những hành vi vi phạm này của NSDLĐ ra trước cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

* Trong lĩnh vực thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi diễn ra rất phổ biến ở các doanh nghiệp đặc biệt ở những ngành có sử dụng nhiều lao động nữ. Thể hiện rõ nhất là các doanh nghiệp đều kéo dài thời gian làm việc từ 12 đến 14 giờ/ngày, đối với lao động nữ tại doanh nghiệp may mặc, thuỷ sản, da giày, thời gian làm thêm giờ từ 2 đến 5 giờ/ngày, khoảng 600 đến 1.000 giờ/năm, vượt quá xa mức quy định trong luật. Số liệu khảo sát cho thấy, trong số lao động được hỏi có 35,8% người cho rằng ít nhất phải làm thêm 2 giờ/ngày, 18,8% người trả lời cho rằng phải làm 3 giờ/ngày, 7,5% trả lời phải làm thêm giờ từ 4 đến 5 giờ/ngày. Nguyên nhân của tình trạng này là do NSDLĐ tận dụng tối đa sức lao động, không phải tuyển thêm lao động, tiết kiệm nhiều chi phí và trốn được BHXH cho số lao động đáng ra phải tuyển thêm [55]. Đa số các doanh nghiệp trong ngành nghề dệt may, da giày áp dụng hình thức trả lương sản phẩm, nhưng do định mức cao nên để hoàn thành định mức, nhiều NLĐ trong đó có lao động nữ tăng thời gian làm việc. Tuy nhiên, tiền lương làm thêm giờ không được trả theo quy định trong BLLĐ mà chỉ được hưởng theo đơn giá sản phẩm hoặc bồi dưỡng thêm như ăn giữa ca.

Không chỉ thời gian làm việc bị tăng mà cả thời gian nghỉ ngơi cũng bị bớt xén. Trên thực tế, thời gian nghỉ giữa giờ của NLĐ thường bị cắt xén, có nơi còn không được nghỉ giữa ca. Tình trạng bớt xén thời giờ nghỉ giữa ca không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tình trạng này có xảy ra ở

phổ biến tại các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là các công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các quy định khác như trong thời gian làm việc NLĐ nữ được nghỉ thêm mỗi ngày 30 phút trong thời gian hành kinh; Trong thời gian lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút cũng không được các doanh nghiệp thực hiện. Nguyên nhân của hiện tượng này do NSDLĐ lo ngại ảnh hưởng đến năng suất lao động, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất theo dây truyền, nếu cùng lúc có một nhóm NLĐ nữ nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình sản xuất, về phía NLĐ nữ do không được phổ biến pháp luật nên chính họ cũng không rõ họ được hưởng quyền này và tâm lý e ngại khi yêu cầu cho mình hưởng quyền lợi mà pháp luật ghi nhận vì sợ ảnh hưởng đến việc làm.

* Trong lĩnh vực an toàn lao động và vệ sinh lao động

Tình trạng phân biệt đối xử về giới trong lĩnh vực an toàn lao động và vệ sinh lao động vẫn còn tồn tại.

Thống kê gần đây của Cục An toàn lao động cho thấy, năm 2012 toàn quốc đã xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 6.967 người bị nạn, chết 606 người, bị thương nặng 1.470 người, nạn nhân là lao động nữ khoảng 1.842 người. Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách khi xảy ra 1.568 vụ làm 98 người chết. Theo đánh giá chung, số người chết vì tai nạn lao động trên cả nước tăng gần 10% so với năm 2011 [57].

Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, riêng đối với ngành khai thác than đá, số vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp xảy ra trong khai thác đá có chiều hướng gia tăng với mức độ rất nghiêm trọng. Năm 2011 số vụ tai nạn lao động là 252 vụ, tăng gần 20% so với năm 2005, làm 63 người chết và 218 người bị thương. Trong đó nghiêm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

trọng nhất là vụ sập mỏ đá tại Lèn Cơ, Nghệ An khiến 18 người chết và nhiều người khác bị thương.

Kiểm tra các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động kết quả cũng không khả quan hơn khi chỉ có 59,86% tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho NLĐ; 11,57% doanh nghiệp có báo cáo định kỳ về an toàn lao động, vệ sinh lao động… Đặc biệt, chỉ có gần 150 doanh nghiệp, cơ sở khai thác đá được các cơ quan chức năng kiểm tra (chỉ chiếm 6,25% số doanh nghiệp khai thác đá được cấp phép). Trong số đó đã có hơn 50% số doanh nghiệp vi phạm các qui định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Bình đẳng giới trong Bộ Luật lao động Việt Nam - 11

Những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp thường vi phạm hiện nay là không tổ chức huấn luyện, không phổ biến chính sách pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho NLĐ; Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ; Không đo môi trường lao động và không kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động..., Khiến NLĐ không lường hết được những nguy hiểm cho bản thân trong quá trình sản xuất và ngành chức năng khó đánh giá được điều kiện làm việc, thời gian, chế độ làm việc, môi trường làm việc cho NLĐ [58].

Không chỉ trong lĩnh vực an toàn lao động bị vi phạm mà trong lĩnh vực vệ sinh lao động cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Hiện nay còn rất nhiều NLĐ phải làm việc trong điều kiện máy móc lạc hậu, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Cụ thể, ngoài 18,1% lao động được hỏi không có ý kiến thì có 55% lao động cho rằng nhà xưởng làm việc nóng, 56% khẳng định rất ồn, độ rung cao, 47% cho rằng khu làm việc có bụi công nghiệp [59].

Theo thống kế của Bộ Y tế bệnh nghề nghiệp, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hoá, trong năm 2012 tăng so với năm 2011. Đến cuối năm 2012, theo báo cáo, gần 28.000 NLĐ mắc mới bệnh nghề nghiệp trong đó bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm 74% số ca, tiếp đó là

điếc do tiếng ồn chiếm 17% [60]. Lao động nam làm việc nhiều trong ngành công nghiệp nên thường mắc bệnh điếc, sạm da, nhiễm độc chì, hóa chất, bụi phổi silic, bị ngộ độc CO, SO2, chì... Sức khỏe NLĐ nam loại I, loại II giảm sau mỗi năm đồng thời tăng tỉ lệ sức khỏe loại IV và loại V (loại rất kém).

Lao động nữ do tham gia ở các ngành dệt may, da giày, thủy sản… Nên thường mắc phải một số bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi (những bệnh này nếu không được phát hiện sớm sẽ trở nên mãn tính và không thể chữa khỏi dứt điểm). Tiếp đến là các bệnh liên quan đến không chỉ môi trường, mà còn cả với điều kiện làm việc như: Các bệnh về cơ, xương, khớp; bệnh đường tiêu hoá [61], bệnh phụ khoa như u xơ cổ tử cung, u nang buồng trứng… Qua khảo sát những lao động nữ làm trong dây chuyền của các nhà máy chế biến thủy sản, vòng bắp chân của họ tăng từ 0,5cm đến 1,5cm sau một ca đứng làm việc, như vậy là có nguy cơ thấy rõ của bệnh giãn tĩnh mạch; Lao động nữ trong Công ty cổ phần dệt Công nghiệp Hà Nội mắc bệnh nghề nghiệp là 53,7%, trong khi đó lao động nam mắc bệnh nghề nghiệp thấp hơn là 46,3%. Trong các ngành biểu diễn nghệ thuật, tưởng như rất nhẹ nhàng với lao động nữ nhưng lại ẩn chứa nhiều bệnh nguy hiểm: Bệnh loãng xương với diễn viên múa, bệnh gai đốt sống cổ, đốt sống lưng, đau dạ dày, bệnh về khớp xương với diễn viên xiếc… Những bệnh này lại không nằm trong danh mục 28 bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, chính vì vậy khi NLĐ nữ mắc những bệnh này họ phải tự chi trả để chữa bệnh và không được hưởng các chế độ về bệnh nghề ghiệp.

Tình trạng lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vẫn phổ biến đặc biệt ở những vùng nông thôn và chủ yếu là lao động nữ trình độ phổ thông. Ở nhiều lò gạch ở đồng bằng Bắc Bộ, chủ lò thường thuê mướn 25, 30 nữ nhân công vận chuyển gạch mộc để phơi, vận chuyển xếp gạch vào lò, rỡ và vận chuyển gạch ra lò, vệ sinh vét xỉ ở đáy lò… Các công việc có

cường độ, gánh nặng lao động ở mức rất nặng nhọc, đồng thời còn phải chịu đựng môi trường ô nhiễm khí than CO, CO2…Và nhiệt từ lò gạch, nóng, lạnh, mưa, nắng ở ngoài trời mà không hề được sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, quần áo lao động sơ sài… Nguy hiểm hơn nữa, các lò gạch được tận dụng sử dụng đi sử dụng lại nhiều năm, quá cũ nát, hư hỏng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ sập đổ lò nhưng chủ lò không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào cho lao động nữ. Và thực tế nhiều tai nạn lao động đã xảy ra tại đây. Tiêu biểu như vụ sập lò gạch đầu năm 2008 tại thôn Cổ Châu, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ). Các nữ nhân công đang làm việc thì bất ngờ bốn bức tường xếp thêm phía trên mái lò đổ sập. 5 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu, 4 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ, họ là những người mẹ, người vợ tuổi đời chưa đến 40 [63].

Mặc dù điều kiện làm việc không được đảm bảo nhưng NSDLĐ thường không tổ chức cho NLĐ được khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh sớm cho NLĐ. Theo Tổng Liên đòan lao động Việt Nam cơ quan này đã tiến hành điều tra tại 34 doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ ngoài Nhà nước trong năm 2010. Kết quả cho thấy việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ được thực hiện ở gần 80% các doanh nghiệp. Trong số hơn 20% doanh nghiệp còn lại, nhiều doanh nghiệp mấy năm liền chưa tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ [64].

* Trong lĩnh vực tiền lương.

Hiện nay có khoảng 72% phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam và tỷ lệ này cao hơn phần lớn các nước khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số ít quốc gia có khoảng cách lương về giới ngày càng tăng, ngược với xu hướng giảm ở phần lớn các nước khác trong giai đoạn 2008-2011 so với giai đoạn 1999-2007. Theo Báo cáo Lương Toàn cầu 2012-2013 của ILO, khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam tăng 2% trong giai đoạn vừa qua. Khoảng cách thu nhập theo giới trung bình trên toàn

cầu ở mức 17% [65]. Hiện mức lương của lao động nam cao hơn lao động nữ Việt Nam khoảng 15%. Mức chênh lệch tiền lương theo giới này xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm trình độ và thành phần kinh tế [66].

Qua số liệu của tổng cục thống kê cho thấy, trong tất cả các ngành nghề lĩnh vực, thu nhập của nữ chỉ bằng 74,5% so với nam. Trong một số ngành cụ thể, như nhóm ngành có chuyên môn kỹ thuật bậc trung, phụ nữ có thu nhập bằng 81,5% so với nam giới có cùng trình độ. Đặc biệt trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp mức lương của phụ nữ chỉ bằng 67% so với nam giới. Về mức lương của lao động nữ làm việc trong các ngành dệt may, da giày là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ cũng thường thấp hơn so với một số ngành nghề công nghiệp khác. Cường độ làm việc của người lao động ở những ngành nghề này khá cao, việc trả lương chưa tương xứng với giá trị lao động của lao động nữ.

Chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ xảy ra ở tất cả các nhóm, tham chiếu về trình độ chuyên môn, sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, trên đại học. Nếu so sánh trên 3 khu vực kinh tế, nhà nước, ngoài quốc doanh và có đầu tư hợp tác nước ngoài, cả 3 khu vực đều có chênh lệch về lương theo giới. Đáng chú ý là ở khối doanh nghiệp đầu tư hợp tác nước ngoài, tập trung lực lượng lao động nữ lớn hơn, nhưng thu nhập của nữ thấp hơn. Điều đó chứng tỏ, lao động nữ dù là số đông, nhưng thường ở vị trí công việc kém hơn nên tiền lương trung bình thấp hơn. Chia theo 21 nhóm ngành nghề, có tới 19 nhóm ngành nghề lương nữ giới thấp hơn. Chỉ có 2 nhóm nghề bằng nhau là vận tải và kho bãi, giúp việc gia đình [67].

Mức chênh lệch tiền lương theo giới khiến cho phụ nữ gặp nhiều thiệt thòi. Sự chênh lệch về thu nhập này là do một số nguyên nhân như trình độ, kỹ năng nghề của lao động nữ thấp hơn nam (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo đối với nam là 17,6% và

nữ là 14,7% năm 2011); Phụ nữ thường cam chịu mức lương thấp, trong khi đó, nam giới có thể chấp nhận làm công việc vất vả nhưng không cam chịu làm việc với mức lương quá thấp; Một phần cũng do định kiến phụ nữ thường dành thời gian cho gia đình hơn công việc hay phụ nữ thường bị ngắt quãng thời gian làm việc vì mang thai, sinh con và nuôi con nên nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng lao động nữ, do đó lao động nữ sẽ chấp nhận làm bất cứ công việc nào nếu họ được tuyển dụng dù công việc đó có mức lương thấp.

* Trong lĩnh vực BHXH

Một thực tế đang diễn ra phổ biến hiện nay, đã khiến cho quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng là tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/12/2012, nợ đọng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là 4.639 tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 4.274 tỷ đồng). Số nợ tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tại các địa phương, cụ thể như Thành phố Hà Nội, báo cáo của BHXH Thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết 31/12/2012 trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội đã có 1.456 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền nợ là 1.040 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2/2013, đã có đến 2.079 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền nợ là hơn 1.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên Vinaxuki đã nợ đọng BHXH lên đến hơn 5 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 320 người lao động của công ty này; Công ty Cổ phần Cầu 11 nợ hơn 13 tỷ đồng, tương ứng với 32 tháng nợ; Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment: hơn 11 tỷ đồng, tương ứng với 48 tháng nợ. Công ty cổ phần sông Đà 8 nợ 11 tỷ đồng tương ứng với 40 tháng nợ...[68]. Việc các doanh nghiệp không đóng BHXH cho NLĐ không chỉ ảnh hưởng đến quỹ BHXH mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi cho NLĐ.

Tình trạng này còn tồn tại và ngày càng có chiều hướng gia tăng bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất: Do mức phạt chậm nộp BHXH thấp so với mức lãi suất vay ngân hàng, nên các doanh nghiệp dù có điều kiện đóng BHXH cho NLĐ hoặc thậm chí đã thu tiền BHXH của NLĐ nhưng lại tận dụng nguồn tiền đóng BHXH để đưa vào sản xuất kinh doanh và chấp nhận bị phạt; Thứ hai: Doanh nghiệp khó khăn thực sự trong sản xuất kinh doanh và không có khả năng đóng BHXH.

Trong việc đảm bảo thực hiện chế độ BHXH cho NLĐ cũng bị các doanh nghiệp vi phạm. Như trên đã nói hiện nay tồn tại một số doanh nghiệp không ký HĐLĐ đối với lao động nữ thì đương nhiên lao động nữ sẽ không được hưởng bảo hiểm thai sản, hoặc có ký HĐLĐ nhưng là HĐLĐ xác định thời hạn, khi lao động nữ có thai hết hạn hợp đồng thì doanh nghiệp không giao kết tiếp. Mặc dù quyền không tiếp tục ký hợp đồng khi hợp đồng hết hạn là quyền của NSDLĐ tuy nhiên điều đó ảnh hưởng lớn đến lao động nữ trong trường hợp họ không đủ thời gian đóng bảo hiểm thì họ sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản.

Theo quy định, lao động nữ khi mang thai được nghỉ 5 lần để đi khám thai theo định kỳ. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không cho lao động nữ được nghỉ đi khám thai mà vẫn được hưởng nguyên lương, nếu nghỉ ngày nào là trừ lương ngày đó.

* Trong lĩnh vực kỉ luật lao đông.

Hiện nay, chưa có bất kỳ số liệu thống kê nào thể hiện sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực kỷ luật lao động. Có thể nói là hầu như không có sự phân biệt đối xử về giới khi xử lý kỷ luật lao động. Lý do là vì lao động nam hay lao động nữ vi phạm kỷ luật đều làm ảnh hưởng đến quyền lợi NSDLĐ, chính vì vậy họ sẽ bị xử lý như nhau, không có sự phân biệt.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/10/2023