Biện pháp tư pháp - Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật hình sự năm 1999 - 9

Điều 42 BLHS năm 1999 cũng tương tự, phải có hành vi trái pháp luật hình sự gây thiệt hại.

Theo nguyên tắc người nào gây thiệt hại thì người đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Xét về nghĩa vụ bồi thường trong tố tụng hình sự ngoài chủ thể tội phạm ra còn có bị đơn dân sự và người có nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, như ở phần trên đã phân tích Điều 42 BLHS năm 1999 quy định về biện pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" đã xác định rõ chủ thể phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này là "người phạm tội". Như vậy, chỉ những thiệt hại do hành vi nguy hiểm cho xã hội của chủ thể tội phạm gây ra thì người đó mới phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ngoài ra nếu hành vi gây thiệt hại cho người khác nhưng không phải là hành vi trái pháp luật hoặc chưa đến mức bị truy cứu TNHS thì không phải là đối tượng điều chỉnh của biện pháp tư pháp này.

Ví dụ: trường hợp gây thương tích dưới 11% thì không bị truy cứu TNHS, hành vi chưa cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi chưa bị coi là "người phạm tội" vì vậy nếu phải bồi thường thiệt hại thì là quan hệ pháp luật dân sự, không phải là sự điều chỉnh của "bồi thường thiệt hại" theo biện pháp tư pháp Điều 42 BLHS năm 1999.

Ngoài ra, có những trường hợp đặc biệt một người có thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc dù đã thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự, đó là những trường hợp: Gây thiệt hại do có hành vi phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại do phải hành động trong tình thế cấp thiết, thiệt hại xảy ra do có sự bất khả kháng, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, một người có thể được miễn truy cứu TNHS nhưng vẫn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy biện pháp tư pháp có thể được áp dụng độc lập với hình phạt.

Thứ ba, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật hình sự và thiệt hại do hành vi trái pháp luật hình sự gây ra. Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì quan hệ nhân quả là một dạng của mối liên hệ giữa các hiện tượng trong đó một hiện tượng được coi là nguyên nhân với những điều kiện nhất định đã làm phát sinh một hiện tượng khác - gọi là kết quả.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của nó và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi - hậu quả là những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm, nó vừa có giá trị xác định tội phạm, giải quyết TNHS vừa có giá trị trong quyết định hình phạt, đồng thời có giá trị quan trọng trong xác định thiệt hại cần được bồi thường.

Ví dụ: A đập cửa kính ô tô của B do ghen tuông khi thấy B đến nhà chơi với vợ mình. A đã dùng tuýp nước đập vào cánh cửa bên phải ô tô của B làm vỡ kính nhưng khi khám nghiệm ô tô của B bị vỡ thêm cánh cửa trái nữa. Qua quá trình điều tra phát hiện B muốn thỏa mãn cơn ghen bắt A phải mất nhiều tiền hơn với mình nên đã tự đập vỡ tấm kính bên trái để bắt A phải đền bù. Rõ ràng ở đây hậu quả trên thực tế vượt ra ngoài phạm vi của hành vi phạm tội của A vì vậy A không phải chịu TNHS cũng như không phải bồi thường thiệt hại phần thiệt hại mà A không gây ra.

Tuy nhiên, đó là trường hợp đơn giản vì nó là dạng quan hệ nhân quả đơn, trực tiếp - một hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra một hậu quả. Hiện nay các vụ án đồng phạm ngày càng nhiều và chính những vụ án này tạo nên mối quan hệ nhân quả kép - nhiều hành vi cùng là nguyên nhân trực tiếp gây ra một hậu quả. Những trường hợp này việc xác định mối quan hệ nhân quả và giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại rất khó khăn thông thường phải xem xét kết hợp cả yếu tố lỗi. Ngoài ra, trong dạng quan hệ nhân quả kép có trường hợp nhiều hành vi của một chủ thể hoặc nhiều chủ thể làm phát sinh hậu quả.

Thứ tư, phải có lỗi của người gây ra thiệt hại. Có thể nói yếu tố lỗi là yếu tố khó xác định nhất trong bốn yếu tố xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Lỗi là trạng thái tâm lý bên trong của con người, nhận thức được hành vi của

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

mình và hậu quả của hành vi đó. Một hành vi gây thiệt hại cho xã hội sẽ bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để tự do lựa chọn và quyết định một cách xử sự khác phù hợp với lợi ích của xã hội, Nhà nước và chủ thể khác.

Có hai hình thức lỗi: lỗi cố ý (cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp) và lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin, vô ý vì cẩu thả) được quy định tại Điều 9 và Điều 10 BLHS năm 1999 như sau:

Biện pháp tư pháp - Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật hình sự năm 1999 - 9

Điều 9: Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có tính chất nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Điều 10: Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó [27].

Sự phân biệt mức độ lỗi chính là cơ sở để xác định trách nhiệm dân sự cho người có hành vi gây thiệt hại, một hành vi gây thiệt hại với lỗi cố ý sẽ mang tính nguy hiểm hơn so với hành vi gây thiệt hại do lỗi vô ý nhưng hậu quả thì không hẳn như vậy.

Ví dụ: A dùng gậy đánh B gẫy tay làm B tổn hại sức khỏe 11%, A phạm tội cố ý gây thương tích.

C dùng dây điện bẫy chuột ở ngoài ruộng lúa, D đi soi ếch nên vô tình giẫm vào dây điện và bị điện giật chết. C phạm tội vô ý làm chết người.

Rõ ràng hành vi của A là lỗi cố ý, hành vi của C là lỗi vô ý nhưng hậu quả xảy ra cho B do hành vi nguy hiểm của A là nhẹ hơn so với hậu quả xảy ra cho D do hành vi nguy hiểm của C.

Mỗi tội phạm đều có những nguyên nhân của nó, nguyên nhân là điều kiện tạo ra lỗi. Thực tế có những vụ án phức tạp, thiệt hại xảy ra do lỗi hỗn hợp của cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại hoặc trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, việc xác định mức độ lỗi của các bên để quyết định trách nhiệm đối với thiệt hại là không đơn giản.

Ví dụ: Phạm Văn Tuyến điều khiển xe ô tô, phát hiện phía trước cách khoảng 100m có 02 xe mô tô đi ngược chiều (một xe do chị Trần Thị Hằng điều khiển, một xe do chị Vũ Thị An điều khiển phía sau có chở bà Trần Thị Ràng) Tuyến giảm ga, đạp phanh cho xe đi về phía bên phải đường. Xe mô tô phía trước do chị Hằng điều khiển đã vượt xe ô tô khoảng 10m thi xe mô tô thứ hai do chị An điều khiển còn cách xe ô tô khoảng 10m bị mất thăng bằng đi xiên sang bên trái đường và đâm vào bên phải đầu xe ô tô; Tuyến tiếp tục đạp phanh nhưng xe ô tô không dừng ngay được đã đẩy xe mô tô cùng chị An và bà Ràng ngược lại 9,2m; Tuyến cùng một số người dân đưa chị An và bà Ràng đi cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng chị An và bà Ràng đều chết. Việc xác định lỗi của các bên có những quan điểm khác nhau: Tòa án cấp sơ thẩm xác định trong vụ án này, người bị hại có lỗi lớn trong việc xảy ra tai nạn, bị cáo có nhân thân tốt, đã tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại, đại diện người bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm cho bị cáo… nên đã cho Tuyến hưởng án treo. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng khi tham gia giao thông bị cáo đã không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, vi phạm về tốc độ, khi tránh xe đi ngược chiều chưa hạn chế tốc độ đến mức tối đa đã gây tai nạn làm chết hai người là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên chuyển từ hình phạt án treo sang 2 năm tù giam. Trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã nhận định tương tự với tòa án cấp sơ thẩm và hủy bản án phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 42 BLHS năm 1999 thì "người phạm tội" phải có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm bồi thường của người phạm tội được người thứ ba "bồi thường thay" hoặc người thứ ba có trách nhiệm liên đới bồi thường. Đó là các trường hợp:

- Trách nhiệm của cha mẹ đối với thiệt hại do con chưa thành niên gây ra

- Trách nhiệm liên đới của trường học, bệnh viện cùng với cha, mẹ, người giám hộ và các tổ chức khác đối với thiệt hại do người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý những người đó.

- Trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân và các tổ chức khác đối với thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao.

Mặc dù là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra, được giải quyết cùng với TNHS trong vụ án hình sự nhưng căn cứ để giải quyết các vấn đề bồi thường này phải căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự. Vì đây thực chất là giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Tổng kết lại chúng ta thấy có 4 yếu tố cơ bản mang tính điều kiện là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người phạm tội gây ra, nếu xác định thiếu một trong bốn yếu tố này sẽ dẫn đến việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại chưa được xem xét một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Trên thực tế các vụ án hình sự liên quan đến tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người hoặc các vụ án cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản hiện nay ngày càng gia tăng chính vì vậy việc áp dụng nội dung bồi thường thiệt hại của biện pháp tư pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" ngày một nhiều và thực sự đem lại hiệu quả, sự công bằng và phần nào khắc phục được hậu quả tội phạm gây ra.

Giá trị của việc người phạm tội bồi thường thiệt hại đem lại cho người bị gây thiệt hại là không nhỏ nhưng việc quyết định mức bồi thường cụ thể là bao nhiêu trong từng vụ án thường phức tạp. Chính vì vậy trong pháp luật dân sự ngoài quy định cách xác định thiệt hại còn quy định hình thức và mức bồi thường nhằm tạo ra một sự công bằng, một khung pháp lý chung.

* Hình thức, phương thức và mức bồi thường thiệt hại: Một trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại là "các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc một công việc" [29, Điều 605]. Tuy nhiên, trên thực tế các vụ án hình sự liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại hầu hết lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền. Vì không thể có một hiện vật hay một công việc nào có thể thay thế ngang bằng với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người được. Mặt khác, các khoản chi phí hợp lý để cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe hay mai táng… đều được được tính một cách tương đối chính xác thành một khoản tiền nhất định. Duy chỉ có tổn thất về tinh thần là trừu tượng và vô hình không thể cân đong đo đếm được vì vậy việc bồi thường về tinh thần chỉ là một sự xoa dịu nỗi đau cho người bị thiệt hại mà thôi. Ngoài ra, hình thức bồi thường bằng tiền sẽ đảm bảo tính kịp thời đối với người bị thiệt hại. Hình thức bồi thường bằng tiền cũng có thể được các bên thỏa thuận thực hiện bằng các phương thức khác nhau được pháp luật cho phép căn cứ vào khả năng kinh tế của người phạm tội: bồi thường một lần hoặc nhiều lần theo tháng, quý, năm...

Thực tiễn cho thấy, vấn đề quyết định phương thức bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm các Tòa án là khác nhau có Tòa án quyết định bồi thường hàng tháng, có Tòa án quyết định bồi thường một lần. Chính vì vậy Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10 tháng 6 năm 2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ như sau:

Điều 612 BLDS năm 2005 chỉ quy định thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm (bao gồm bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động; tiền cấp

dưỡng trong trường hợp người bị thiệt hại chết). Khi giải quyết yêu cầu đối với các khoản này, trước hết Tòa án cần tiến hành hòa giải; nếu qua hòa giải mà các bên thỏa thuận được với nhau về phương thức bồi thường thiệt hại nào (hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần) thì Tòa án chấp nhận sự thỏa thuận của các bên về phương thức bồi thường thiệt hại đó. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức bồi thường thiệt hại hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, nếu người được bồi thường thiệt hại hoặc người được cấp dưỡng có lý do chính đáng để yêu cầu được bồi thường hoặc cấp dưỡng theo phương thức một lần và người phải bồi thường, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có điều kiện thi hành án thì Tòa án có thể quyết định phương thức một lần.

Mặc dù đã có hướng dẫn như vậy nhưng hiện nay trong thực tiễn các Tòa án khi quyết định phương thức bồi thường vẫn chưa thống nhất nên chăng cần luật hóa quy định này trong BLDS.

Theo Điều 612 BLDS năm 2005 quy định về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm:

1. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.

2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:

a. Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân.

b. Người đã thành niên nhưng khô có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết [29].

Như vậy, qua quy định của pháp luật chúng tôi thấy có vấn đề còn bất cập khi chưa đề cập đến trường hợp người bị thiệt hại mất một phần khả năng lao động dẫn đến thu nhập bị giảm sút hoặc trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì những người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng được hưởng tiền cấp dưỡng với thời hạn như thế nào. Liệu có được tính theo khoản 2 Điều 612 BLDS năm 2005 hay không?

Theo quan điểm của chúng tôi, đối với trường hợp mất một phần khả năng lao động thì thời hạn hưởng bồi thường còn phụ thuộc vào việc khả năng lao động mất tạm thời hay vĩnh viễn. Nếu là thương tật tạm thời thì thời hạn hưởng mức thu nhập bị giảm sút cho đến khi thương tật được phục hồi. Nếu là thương tật vĩnh viễn thì cũng không nên áp dụng tương tự trường hợp mất hoàn toàn khả năng lao động (tức là hưởng mức thu nhập bị giảm sút đến hết đời) mà nên ấn định một khoảng thời hạn nhất định mà người đó được hưởng bồi thường bù đắp thu nhập bị mất, giảm sút là 3 năm, trường hợp đặc biệt có thể hơn nhưng tối đa là 5 năm. Pháp luật cũng nên quy định khoản tiền này được thanh toán một lần để tạo điều kiện khắc phục khó khăn cho người bị thiệt hại.

Ngoài ra, trường hợp người bị thiệt hại bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì thời hạn cấp dưỡng cho những người mà họ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, theo chúng tôi cũng nên tính theo quy định của khoản 2 Điều 612 BLHS năm 1999. Vì khi đó người bị thiệt hại đã không còn khả năng lao động tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và những người họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Xét về mức bồi thường, một trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại là "thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời". Như vậy thông qua các chứng cứ xác định mức thiệt hại cụ thể thể hiện bởi các chi phí hợp lý được tính ra bằng bao nhiêu tiền thì người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ trừ trường hợp có lỗi hỗn hợp như đã phân tích ở trên.

Tránh trường hợp người bị thiệt hại khai khống các chi phí hoặc Tòa án ra quyết định mức bồi thường quá thấp hoặc quá cao Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP có quy định các chi phí hợp lý, đối tượng hưởng cấp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/11/2023