Tổng Quan Về Khu Vực Nghiên Cứu. Các Phương Pháp Nghiên Cứu Địa Chất Đệ Tứ Và Đánh Giá Tài Nguyên Nước Dưới Đất Vùng Đồng Bằng Ven Biển


Luận điểm 2:

Nguồn gốc, thành phần thạch học của các thành tạo trầm tích Đệ tứ cũng như hệ thống đứt gãy, các cấu trúc kiến tạo hiện đại ở đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam có ảnh hưởng đến mức độ phong phú nước, mực nước, tính thấm và thành phần hóa học của nước dưới đất. Tài nguyên dự báo nước dưới đất (nước nhạt) tại đây không lớn, khoảng 137.000m3/ngày; với trữ lượng tĩnh trọng lực chiếm 61%, trữ lượng tĩnh đàn hồi chiếm 3% và trữ lượng động chiếm 36%.

8. Những điểm mới của luận án

- Các đặc điểm địa chất Đệ tứ đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam đã được nghiên cứu chi tiết trong mối quan hệ của 3 yếu tố là đặc điểm trầm tích, dao động mực nước biển và hoạt động kiến tạo Đệ tứ - kiến tạo hiện đại.

- Xác định mối quan hệ giữa đặc điểm địa chất Đệ tứ và nước dưới đất (nước lỗ rỗng) về mặt động lực và hóa học ở khu vực nghiên cứu. Đánh giá được vai trò của hoạt động kiến tạo hiện đại, đặc điểm độ hạt trầm tích đến tài nguyên nước dưới đất.

- Làm rõ xu thế biến đổi có tính chu kỳ của thành phần hóa học nước dưới đất, xác định nguồn gốc cơ bản của nước dưới đất bằng các tỷ số và biểu đồ chuyên môn.

- Đánh giá chi tiết nguồn tài nguyên nước dưới đất (nước lỗ rỗng) trong trầm tích Đệ tứ tại vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

9. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

- Ý nghĩa khoa học: Luận án đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa đặc điểm địa chất Đệ tứ với nước dưới đất tại đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam; góp phần đề ra phương pháp, cách tiếp cận nghiên cứu tài nguyên nước dưới đất tại các đồng bằng ven biển miền Trung lân cận.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

- Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án là nguồn tài liệu tin cậy, có thể tham khảo, sử dụng trong công tác quy hoạch khai thác hợp lý lãnh thổ, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu.

10. Cơ sở tài liệu của luận án

Đặc điểm địa chất Đệ tứ và tài nguyên nước dưới đất khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam - 3

- Luận án được hoàn thành trên cơ sở các tài liệu, số liệu của NCS thu thập và nghiên cứu về đồng bằng Quảng Nam trong thời gian từ 2002 đến nay, qua quá trình làm Luận văn Thạc sỹ và tham gia các đề tài nghiên cứu các cấp như:

+ Đánh giá chi tiết tài nguyên nước vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, do PGS. TS. Nguyễn Văn Lâm chủ trì, hoàn thành năm 2009.


+ Khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tổng hợp điều kiện địa hình - địa chất vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu, do PGS. TS. Đỗ Quang Thiên chủ trì, hoàn thành năm 2014.

+ Nghiên cứu, đánh giá kiến tạo hiện đại khu vực ven biển miền Trung Việt Nam và vai trò của nó đối với các tai biến thiên nhiên phục vụ dự báo và phòng tránh thiên tai trong điều kiện BĐKH, do PGS. TS. Trần Thanh Hải chủ trì, hoàn thành năm 2015.

- Luận án đã tổng hợp, phân tích hơn 640 cột địa tầng lỗ khoan địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình tại khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận. Trong đó có 10 lỗ khoan được tác giả trực tiếp lấy mẫu phân tích khoáng vật sét, bào tử phấn hoa và mẫu tuổi tuyệt đối C14.

- Luận án đã phân tích bổ sung được 4 mẫu tuổi tuyệt đối C14 tại Viện Khảo cổ Việt Nam; 12 mẫu bào tử phấn hoa, tảo thực vật tại Viện Địa chất – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam; phân tích nhiệt và phân tích Rơnghen 12 mẫu sét tại Trung tâm Phân tích Thí nghiệm Địa chất phục vụ cho việc đánh giá thời gian, môi trường thành tạo trầm tích.

- Các số liệu thành phần thạch học, thành phần khoáng vật, thành phần hoá học trầm tích do NCS trực tiếp phân tích, tổng hợp cũng như các số liệu khảo sát ĐCTV, quan trắc động thái nước dưới đất, chất lượng nước dưới đất do NCS trực tiếp thu thập, khảo sát.

- Ngoài ra luận án còn tham khảo các tài liệu đã công bố, lưu trữ ở trong và ngoài nước có liên quan đề tài luận án.

11. Cấu trúc luận án

* Cấu trúc của luận án, ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, gồm có 5 chương như sau:

Chương 1. Tổng quan về khu vực nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu địa chất Đệ tứ và đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Chương 2. Đặc điểm trầm tích Đệ tứ khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Chương 3. Các hoạt động kiến tạo và sự thay đổi mực nước biển trong Đệ tứ tại khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Chương 4. Vai trò của địa chất Đệ tứ đến tài nguyên nước dưới đất đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Chương 5. Tài nguyên nước dưới đất trong trầm tích Đệ tứ đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.


12. Lời cảm ơn

Luận án được hoàn thành tại Bộ môn Địa chất, Khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ

- Địa chất với sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm và GS. TSKH. Đặng Văn Bát. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các thầy đã tận tình hướng dẫn, động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho NCS hoàn thành luận án của mình.

Trong suốt quá trình làm luận án, tác giả luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ và góp ý tận tình của các thầy cô trong Bộ môn Địa chất, Bộ môn Địa chất Thủy văn, Bộ môn Địa chất Biển và các thầy cô trong Trường ĐH Mỏ - Địa chất. Bên cạnh đó NCS còn được tạo điều kiện và sự hỗ trợ của các anh chị chuyên viên phòng Đào tạo Sau đại học, Phòng Khoa học – Công nghệ của Trường ĐH Mỏ - Địa chất. Tác giả xin chân thành cảm ơn những sự giúp đỡ quí báu đó.

Với hoàn cảnh phải thường xuyên đi Hà Nội làm luận án, NCS cũng luôn được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ môn ĐCCT&ĐCTV, Khoa Địa lý - Địa chất, Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Đào tạo Đại học và lãnh đạo Trường ĐH Khoa học - Đại học Huế; cũng như các thầy cô, đồng nghiệp nơi công tác. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô, đồng nghiệp và quý Phòng Ban của Trường ĐH Khoa học - Đại học Huế.

Trong quá trình làm luận án, NCS cũng nhận được sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến từ nhiều nhà khoa học là PGS. TS. Đỗ Quang Thiên, PGS. TS. Trần Thanh Hải, PGS. TS. Hoàng Văn Long, PGS. TS. Ngô Xuân Thành, TS. Đinh Văn Thuận, PGS. TS. Hạ Văn Hải, PGS. TS. Nguyễn Địch Dỹ, TS. Ngô Đức Chân, TS. Vũ Quang Lân, GS. TSKH. Nguyễn Thanh, PGS. TS. Phan Ngọc Cừ, PGS. TS. Nguyễn Kim Ngọc, PGS. TS. Đoàn Văn Cánh, TS. Ngô Quang Toàn, TS. Nguyễn Xuân Nam, TS. Bùi Thị Thu, TS. Đinh Xuân Thành, TS. Vũ Văn Hà, ThS. Đỗ Văn Vinh… và nhiều cá nhân khác. Tác giả xin chân thành cảm ơn những sự giúp đỡ quí báu của các nhà khoa học, các cá nhân trên.

Để hoàn thành luận án của mình, NCS đã nhận được sự hỗ trợ vô cùng to lớn của gia đình, sự chia sẽ mọi khó khăn trong suốt thời gian làm luận án của ông bà, bố mẹ và những người thân trong gia đình; sự hy sinh của vợ và các con để NCS có thể dành thời gian, tâm trí cho luận án. Xin phép được dành những lời cảm ơn đặc biệt nhất cho gia đình của NCS.

*************************************************


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ KHU VỰC NGHIÊN CỨU.

CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊA CHẤT ĐỆ TỨ VÀ ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

1.1. Tổng quan về khu vực nghiên cứu

1.1.1. Vị trí địa lý, phạm vi hành chính

Khu vực nghiên cứu là đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam nằm trong khoảng toạ độ:

107057’49” đến 108045’26” kinh độ Đông.

15021’22” đến 15059’17” vĩ độ Bắc.

Phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp miền đồi núi của tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng (Hình 1.1).

Hình 1.1. Vị trí vùng nghiên cứu, đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam (UBND tỉnh Quảng Nam, 2014).


1.1.2. Đặc điểm địa hình đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận

Khu vực nghiên cứu có địa hình tương đối bằng phẳng, phía Tây là vùng đồi núi thấp, trung tâm là đồng bằng và phía Đông là bờ biển. Theo độ cao và tính phân dị của địa hình, có thể chia đồng bằng Quảng Nam thành 2 vùng chính. Vùng 1 thuộc các huyện Điện Bàn, Đại Lộc và thành phố Hội An; vùng 2 là các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành.

Vùng Đại Lộc – Hội An có độ cao trung bình khoảng 5-6m, với phía Tây là dãy đồi núi thấp độ cao trung bình 20m, đi về phía Đông ở trung tâm đồng bằng độ cao địa hình thay đổi từ 3 đến 5m. Vùng Cửa Đại, thành phố Hội An địa hình có độ cao trung bình 1-2m. Phía Bắc thành phố Hội An và dọc theo bờ biển huyện Đại Lộc là dải cồn cát biển gió có độ cao 9-10m.

Vùng Thăng Bình – Núi Thành nằm ở phía Nam sông Thu Bồn có địa hình cao hơn khu vực Đại Lộc – Hội An. Khu vực huyện Quế sơn là đồi núi thấp cao từ 20- 40m, huyện Phú Ninh có địa hình cao 10-20m. Từ phía Bắc huyện Thăng Bình đến phía Bắc huyện Núi Thành là 2 dải cồn cát cao trung bình 10m bị chia cắt bởi sông Trường Giang và hệ thống sông Tam Kỳ chạy gần song song với bờ biển. Trung tâm huyện Núi Thành là vũng An Hòa cao 0-0,5m, thông ra biển Đông tại cửa An Hòa và cửa Lở. Phía Nam huyện Núi Thành, có địa hình cao trung bình 5-10m với 2 mỏm núi đâm ra biển tại xã Tam Hải và Tam Quan (Bắc khu công nghiệp Chu Lai).

1.2. Lịch sử nghiên cứu địa chất Đệ tứ và đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng

đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam và đồng bằng Quảng Nam

1.2.1. Lịch sử nghiên cứu địa chất Đệ tứ vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam và đồng bằng Quảng Nam

Địa chất Đệ tứ và hệ thống cồn cát ven biển ở các đồng bằng miền Trung đã được quan tâm nghiên cứu của các nhà địa chất trong và ngoài nước, được xem xét trên nhiều góc độ khác nhau như Địa lý học (Lê Bá Thảo - 1989), Địa mạo học (Trần Đình Gián - 1981, Zencovich - 1970), Thổ nhưỡng học (Phan Liêu - 1987) và địa chất Đệ tứ (Hoàng Ngọc Kỷ, Nguyễn Đức Tâm - 1982; Lê Đức An - 1970). Các phương án đo vẽ bản đồ địa chất như Bản đồ địa chất khoáng sản 1:200.000 của Cục Địa chất Việt Nam do Nguyễn Văn Trang chủ biên (1986), Bản đồ địa chất Đệ tứ Việt Nam tỉ lệ 1:500.000 do Nguyễn Đức Tâm, Đỗ Tuyết chủ biên (1996) đã giới thiệu khái quát các thành tạo Đệ tứ ở đồng bằng ven biển từ thống Pleistocen hạ đến Holocen thượng. Tuy chỉ mang tính khái quát, nhưng các tài liệu này là cơ sở tham khảo tin cậy trong việc nghiên cứu Đệ tứ ở quy mô tỷ lệ nhỏ và trung bình.


Một trong các kết quả nghiên cứu về Đệ tứ khác là đề tài KT01-07 “Địa chất Đệ tứ và đánh giá tiềm năng khoáng sản liên quan” do Nguyễn Địch Dỹ chủ biên (1995) giới thiệu cô đọng về đặc điểm trầm tích và quy luật phân bố trầm tích Đệ tứ ở Việt Nam, trong đó có các đồng bằng ven biển miền Trung.

Trong chương trình Địa chất đô thị Việt Nam, các tác giả Vũ Văn Vĩnh, Trịnh Nguyên Tính, Đặng Huy Rằm (1999) đã thành lập Bản đồ địa chất khoáng sản vùng hành lang kinh tế trọng điểm Miền Trung tỷ lệ 1:100.000 (từ Liên Chiểu đến Dung Quất) trên cơ sở biên hội các tài liệu và bản đồ tỷ lệ nhỏ khác với diện phân bố trầm tích được chi tiết hóa theo kết quả đo vẽ tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000.

Ngoài các đề tài, báo cáo thuộc các phương án đo vẽ bản đồ địa chất còn có các nghiên cứu khác mà tiêu biểu là Luận án tiến sỹ của tác giả Đặng Văn Bào (1996) về “Đặc điểm địa mạo dải đồng bằng ven biển Huế - Quảng Ngãi”. Luận án đã trình bày chi tiết về kiến trúc hình thái, chạm trổ hình thái và lịch sử phát triển địa hình của 3 đồng bằng ven biển Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đề tài “Tiến hóa địa hóa trầm tích Đệ tứ đồng bằng ven biển miền Trung và ý nghĩa cổ khí hậu của chúng” do Đặng Mai chủ biên (1998) thông qua phân tích thành phần hóa học, chỉ số môi trường trầm tích và các hệ số địa hóa để làm sáng tỏ tính chu kỳ lắng đọng trầm tích Đệ tứ, xác lập lại điều kiện cổ khí hậu của các giai đoạn trầm tích. Luận án tiến sỹ “Tiến hóa các thành tạo trầm tích Đệ tứ vùng đồng bằng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế” của Vũ Quang Lân (2003) đã làm sáng tỏ được thành phần vật chất, quy luật phân bố theo thời gian, không gian của các thành tạo trầm tích Đệ tứ; qua đó xác định được quy luật tiến hóa của trầm tích Đệ tứ trong mối quan hệ với dao động mực nước biển và hoạt động kiến tạo Đệ tứ tại vùng đồng bằng Bình Trị Thiên, có điều kiện tích tụ trầm tích Đệ tứ gần giống với đồng bằng Quảng Nam. Gần đây nhất, luận án tiến sỹ của Nguyễn Chí Trung (2011) nghiên cứu về “Đặc điểm địa chất Holocen lưu vực sông Thu Bồn – Vu Gia” đã làm rõ một số đặc điểm về địa tầng, thành phần vật chất, môi trường thành tạo, lịch sử phát triển trầm tích của các thành tạo Holocen, hoạt động Kiến tạo hiện đại tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn – Vu Gia.

Trong những năm gần đây, chương trình nghiên cứu địa chất biển được đẩy mạnh với nhiều đề tài, dự án như “Tiến hóa đới ven biển, dao động mực nước biển và quá trình tích tụ vật liệu lục nguyên (phù sa) trong Holocen ở thềm lục địa vùng biển giữa châu thổ Mekong và Nha Trang, Đông Nam – Việt Nam” do Viện Địa chất và Địa vật lý biển chủ trì (2006); Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Thừa Thiên Huế - Bình Định (0-60m nước), tỉ lệ 1:100.000” do Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển tiến


hành và báo cáo năm 2012; một số Luận án tiến sỹ như “Tiến hóa trầm tích Pliocen - Đệ tứ vùng thềm lục địa từ Quảng Nam đến Bình Thuận” của Đinh Xuân Thành (2012) đã làm sáng tỏ được lịch sử tiến hóa các thành tạo trầm tích Pliocen - Đệ tứ vùng thềm lục địa (đới ven bờ) và các chu kỳ dao động của mực nước biển, hoạt động kiến tạo Đệ tứ trong giai đoạn này. Các kết quả nghiên cứu này đã cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu đối sánh giữa trầm tích thềm lục địa và trầm tích lục địa tại khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên các đề tài trên vẫn mang tính khái quát cao, chưa xác lập được vai trò của mực nước biển, yếu tố kiến tạo Đệ tứ – kiến tạo hiện đại và đặc điểm trầm tích tại khu vực này.

1.2.2. Lịch sử nghiên cứu và đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam và đồng bằng Quảng Nam

Trong thời gian qua, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất đã được Nhà nước chú trọng. Năm 1983, bản đồ ĐCTV toàn quốc tỷ lệ 1:500.000 đã hoàn thành dưới sự chủ biên của tác giả Trần Hồng Phú ; bản đồ ĐCTV Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 do Vũ Ngọc Kỷ - Nguyễn Kim Ngọc chủ biên năm 1985; bản đồ ĐCTV Campuchia - Lào - Việt Nam Nguyễn Kim Ngọc - Vũ Ngọc Kỷ chủ biên năm 1987. Bên cạnh đó còn có một số đề tài cấp nhà nước như “Nước dưới đất Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do tác giả Vũ Ngọc Kỷ chủ biên; đề tài KT01-10, “Bảo vệ nước dưới đất các bồn chứa nước chính và quy hoạch khai thác nước dưới đất các vùng ven biển và hải đảo” do tác giả Vũ Ngọc Kỷ, Nguyễn Kim Ngọc chủ biên (1995). Các liên đoàn, các đoàn ĐCTV cũng có nhiều phương án tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất như Báo cáo tìm kiếm nước dưới đất vùng Thăng Bình - Quảng Nam do Nguyễn Trường Đỉu chủ biên (1987), Báo cáo tìm kiếm nước dưới đất vùng Tam Kỳ - Quảng Nam bằng tổ hợp các phương pháp địa vật lý do Nguyễn Đăng Lưu chủ biên (1988), Báo cáo tìm kiếm nước dưới đất vùng Đà Nẵng - Hội An do Nguyễn Trường Đỉu chủ biên (1992), Báo cáo phương án thành lập bản đồ ĐCTV - ĐCCT vùng Bình Sơn - Hải Vân, tỉ lệ 1:200.000 do Nguyễn Trường Đỉu chủ biên (1995) đã làm sáng tỏ phần nào đặc điểm ĐCTV và tiềm năng nước dưới đất của một số vùng thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo tìm kiếm nước dưới đất của các đề án, đồng thời bổ sung thêm một số kết quả đo vẽ bổ sung về ĐCTV vùng Tam Kỳ, Thăng Bình, tác giả Vũ Ngọc Trân đã chủ biên Báo cáo điều tra địa chất đô thị hành lang kinh tế trọng điểm từ Liên Chiểu đến Dung Quất (1999) nhằm liên kết các tầng chứa nước trong vùng, đồng bộ hoá các dữ liệu địa chất, ĐCTV, xây dựng loạt bản đồ địa chất, ĐCTV tỷ lệ 1:100.000 cho khu vực hành lang kinh tế trọng điểm miền Trung.


Năm 2009, trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện đề tài Đánh giá chi tiết tài nguyên nước vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam do PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm chủ trì nhằm mục tiêu khảo sát đánh giá được trữ lượng, chất lượng các nguồn nước (nước mưa, nước mặt và nước ngầm) ở vùng ven biển Quảng Nam, đề xuất phương hướng khai thác và cân đối sử dụng có hiệu quả các nguồn nước đến năm 2020.

Kết quả nghiên cứu về nước dưới đất đã được tiến hành ở nhiều địa phương trong vùng Quảng Nam như Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ... hoặc đánh giá cho hành lang kinh tế ven biển (phạm vi nghiên cứu từ Quốc lộ 1A đến bờ biển). Tuy vậy, các đề tài này vẫn chưa tập trung vào việc luận giải mối quan hệ giữa sự phân bố của các thành tạo trầm tích, đặc điểm thạch học, nguồn gốc trầm tích Đệ tứ với các đặc điểm thủy động lực, đặc điểm hóa học, chất lượng của nước dưới đất. Ngoài ra, ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên - nhân sinh như sự dâng cao mực nước biển, sự thay đổi dòng chảy hạ lưu do hệ thống thủy điện bậc thang, việc khai thác quá mức nguồn nước dưới đất, các hoạt động khai thác khoáng sản, nuôi trồng hải sản ở dải cát ven biển... chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức để ngăn ngừa các tác động làm suy thoái nguồn nước dưới đất.

Các tồn tại về nghiên cứu đặc điểm địa chất Đệ tứ và nước dưới đất ở khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam nêu trên sẽ được tập trung giải quyết trong đề tài luận án của nghiên cứu sinh.

1.2.3. Tổng quan về nghiên cứu mối quan hệ giữa các đặc điểm địa chất Đệ tứ và tài nguyên nước dưới đất trên thế giới

Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa các đặc điểm địa chất Đệ tứ và tài nguyên nước dưới đất. Trong đó nghiên cứu tổng hợp về mối quan hệ giữa nước dưới đất và trầm tích Đệ tứ có các công trình:

- Galloway W. E. , D. K. Hobday (1996), nghiên cứu các đặc điểm của trầm tích bở rời phục vụ cho đánh giá nguồn nước [54].

- J.A. Heathcote, J.W. Lloyd (1984), nghiên cứu đặc tính hóa học của nước dưới đất trong mối tương quan với địa chất Đệ tứ ở vùng Đông Nam Suffolk, nước Anh.

- Kirk-Lawlor N. E. (2015), nghiên cứu mối quan hệ giữa nước dưới đất với biến đổi khí hậu trong Đệ tứ ở sa mạc Atacama ở phía Bắc Chi Lê.

- Zbigniew Nowicki, Andrzej Sadurski (2010), đặc điểm nước dưới đất trong trầm tích Đệ tứ tại Ba Lan.

Các nghiên cứu về đặc điểm độ hạt của trầm tích Đệ tứ với độ thấm của nước dưới đất có những công trình tiêu biểu như sau:

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 04/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí