Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 6


Đồng nhất khái niệm sinh kế với mưu sinh, theo Đỗ Hải Yến, văn hóa mưu sinh là hệ thống hữu cơ những yếu tố vật chất và tinh thần, từ sự thích ứng, cách ứng xử của chủ thể mưu sinh với môi trường tự nhiên, xã hội… trong các phương thức sinh hoạt nhằm bảo đảm sinh tồn, giảm nghèo hay phát triển cuộc sống [98, tr 22].

Để xóa đói, giảm nghèo và phát triển cuộc sống, chủ thể trong các hoạt động sinh kế (cá nhân, hộ gia đình) phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy giá trị của tài nguyên thiên nhiên, di sản vật thể và phi vật thể nơi mình đang sống; bằng những con đường chính thống và những con đường phi chính thống để đạt được mục tiêu ổn định đời sống trước hết là của từng cá nhân, đến hộ gia đình và cộng đồng trước những tác động khách quan. Do vậy, văn hóa sinh kế chịu sự chi phối, tác động và ảnh hưởng chủ động và bị động từ ngoại cảnh khác nhau. Trong thực tế, sinh kế của người dân thường bị tác động rất lớn bởi những biến động, thay đổi của nguồn lực tự nhiên. Trong quá trình thực hiện các dự án phát triển du lịch, khu công nghiệp, nhà máy thủy điện, người dân bị thu hồi hết đất sản xuất hoặc di chuyển đến nơi ở mới, các nguồn lực tự nhiên, xã hội, vật chất và con người thay đổi đã làm thay đổi sinh kế của họ.

Mỗi hộ dân là một bộ phận cấu thành nên cộng đồng họ đang sống, các tài sản và nguồn lực của họ cũng là một phần tài sản và nguồn lực của cộng đồng đó, vì vậy chiến lược sinh kế của mỗi hộ đều có sự tương đồng, phù hợp với nhau và phù hợp với chiến lược sinh kế của cộng đồng. Sinh kế là việc thực hiện các hoạt động lao động sản xuất làm ra của cải vật chất đảm bảo cuộc sống của cá nhân và hộ gia đình, ở khía cạnh nào đó văn hóa sinh kế còn được quan niệm là văn hóa đảm bảo cuộc sống. Hiện nay có nhiều quan niệm và cách hiểu khác nhau về sinh kế và văn hóa sinh kế tùy theo hướng vận dụng và nghiên cứu của đề tài.

Trên cơ sở kế thừa các quan điểm của nhà nghiên cứu về văn hóa và văn hóa sinh kế ở trong và ngoài nước, trong trường hợp nghiên cứu sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An do tác động của du lịch, nghiên cứu sinh đưa ra khái niệm công cụ về văn hóa sinh kế như sau: Văn hóa sinh kế là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần mang tính định hướng, chuẩn mực cho các hành vi, phương thức kiếm sống được hình thành, kế thừa và


phát triển trong quá trình tương tác, ứng xử với môi tự nhiên và xã hội nhằm đảm bảo và phát triển cuộc sống của cộng đồng và cư dân địa phương.

b) Đặc điểm của văn hóa sinh kế

Văn hóa bao gồm tất cả những yếu tố tạo nên đời sống con người. Qua các biểu hiện của văn hóa sinh kế, có thể nhận thấy văn hóa sinh kế có những đặc điểm như sau:

- Các giá trị văn hóa được hình thành thông qua quá trình tương tác, ứng xử của con người với thiên nhiên, con người với con người và với cộng đồng. Văn hóa không chỉ biểu hiện trong các phong tục tập quán, tri thức dân gian mà còn ở trong các phương thức sinh kế được bồi đắp, lưu giữ qua nhiều thế hệ. Các hoạt động sinh kế truyền thống được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng dân cư, cùng với đó các giá trị của văn hóa sinh kế cũng được hình thành trong một thời gian nhất định, trải qua quá trình lao động, sản xuất, kiếm kế sinh nhai, gồm: các giá trị định hướng, chuẩn mực, hành vi, nghi lễ, phong tục, cách thức, tri thức và các công cụ phục vụ cho việc canh tác, nuôi trồng, làm nghề được tích lũy, lưu truyền, bồi đắp và trở thành tài sản chung của cộng đồng. Quá trình này không tĩnh, mà luôn vận động có tiếp thu, cải biến cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và văn hóa ở từng thời kỳ nhất định.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

- Sinh kế có quan hệ thiết với văn hóa vật chất, văn hóa xã hội. Văn hóa sinh kế là những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng sáng tạo, tiếp biến và thay đổi trong khoảng không gian sinh tồn của cộng đồng. Về bản chất sự biến đổi sinh kế sẽ bắt đầu từ các hộ gia đình cá thể đến cộng đồng. Các giá trị văn hóa sinh kế của cộng dân cư được hình thành, tích lũy và trao truyền qua không gian và thời gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Văn hóa sinh kế là bộ phận của văn hóa truyền thống, văn hóa địa phương được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, có thể coi như tài sản chung của cộng đồng thậm chí của cả dân tộc, ví dụ như một số giá trị văn hóa sinh kế của cư dân đồng bằng Châu thổ sông Hồng đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của cả dân tộc.

- Văn hóa sinh kế mang tính bản địa vì nó thường gắn với một môi trường tự nhiên và xã hội trong một khu vực nhất định. Điều này có thấy rõ, những phong tục, tập quán sản xuất, kiến thức về nông vụ, trồng cấy, thời tiết được

Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 6


người dân địa phương tích lũy, trao truyền qua nhiều thế hệ thông qua quá trình lao động sản xuất, ứng xử với môi trường tự nhiên, các mối quan hệ gia đình, làng xóm, ăn ở, sinh hoạt… Các phong tục, tập quán và tri thức truyền thống thường có cội rễ từ một địa bàn nhất định gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.

c) Các thành tố của văn hóa sinh kế

Văn hóa sinh kế thuộc nhóm văn hóa vật chất, là một thành tố quan trọng của văn hóa, nó được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất, tương tác, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Qua việc nghiên cứu nội hàm, đặc điểm của văn hóa sinh kế, nghiên cứu sinh thấy rằng văn hóa sinh kế gồm 3 thành tố sau:

- Hệ thống giá trị định hướng sinh kế: Văn hóa có đặc trưng quan trọng là “tính giá trị” [76, tr.21]. Giá trị chính là những điều tốt đẹp được tích lũy qua kinh nghiệm của nhiều thế hệ, nó trở thành “la bàn” định hướng dẫn lối cho con người trên con đường mưu cầu hạnh phúc. Các giá trị văn hóa sinh kế giúp cho việc thiết lập mục tiêu sinh kế của người dân, tác động trực tiếp tới việc lựa chọn phương thức kiếm sống nhằm duy trì và đảm bảo cuộc sống cho một cộng đồng dân cư và hộ gia đình và mỗi cá nhân. Hay nói cách khác, hệ thống giá trị này chính là mục tiêu, đích hướng tới của các hoạt động sinh kế. Hệ thống giá trị của VHSK vừa là nền tảng vừa là mục đích hướng tới của cộng đồng dân cư trong những thời kỳ nhất định. Chẳng hạn trước đây, với người nông dân, với đặc trưng của cư dân nông nghiệp “trọng tĩnh”, “duy tình” trong điều kiện thiên nhiên thất thường, kỹ thuật còn hạn chế, mong muốn và quan tâm hàng đầu của nông dân là sự an toàn của bản thân và gia đình [44, tr.81], theo đó họ sẽ lựa chọn các phương thức sinh kế an toàn, ít rủi ro. Trong thời buổi ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và khoa học công nghệ, trong khi đất canh tác bị thu hẹp hoặc không còn, nhiều người nông dân đã bị đặt vào thế tiến lên hoặc chấp nhận nghèo khó, nên đã chấp nhận rủi ro, tìm kiếm các phương thức sinh kế mới như đầu tư xưởng sản xuất đồ lưu niệm, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, làm trang trại hữu cơ phục vụ du lịch….

- Chuẩn mực sinh kế (thiết chế và quy tắc ứng xử): Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc “điều chỉnh xã hội” và điều chỉnh các ứng xử, hành vi của con


người trong các hoạt động sinh kế. Hệ thống quy tắc mang tính tiêu chuẩn, định hướng cho các hoạt động mưu sinh, kiếm sống của con người. Chuẩn mực trong hoạt động sinh kế truyền thống của người nông dân trước đây là nước, phân, cần, giống. Nhưng khi chuyển đổi sang ngành nghề mới, làm dịch vụ du lịch thì yêu cầu về tiêu chuẩn và quy tắc cũng thay đổi, đòi hỏi cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mỗi cá nhân phải có kiến thức về văn minh du lịch, giao tiếp, ngoại ngữ, kỷ cương, sạch sẽ, coi khách hàng là thượng đế, khách hàng luôn đúng, sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu của người làm dịch vụ du lịch…


GT đ.hướng

VHSK

Chuẩn mực SK

Hành vi SK

Sơ đồ 2.1. Các thành tố của văn hóa sinh kế

Nguồn: Tác giả tổng hợp năm 2019.

- Hành vi sinh kế là các phương thức, cách thức sử dụng các nguồn lực để kiếm sống, nó thường được biểu hiện trong các hoạt động sinh kế, nghề nghiệp, phong tục, tập quán, thói quen kiếm sống của một cộng đồng dân cư. Khi môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội thay đổi, cách ứng xử, lối sống của cộng đồng cũng sẽ thay đổi. Tương tự, khi các nguồn lực sinh kế thay đổi, chắc chắn tác động làm cộng đồng dân cư phải thay đổi phương thức, cách thức sử dụng các nguồn lực. Điều nay có thể thấy rõ ở trường hợp của dân cư sinh sống trong khu vực di sản thế giới QTDT Tràng An, khi nguồn lực tự nhiên (đất sản xuất, nuôi trồng) không còn nhiều, thay vào đó là nguồn lực vật chất (cơ sở hạ tầng, công cụ sản xuất, máy móc, công nghệ thông tin...) và nguồn lực tài chính (dịch vụ tài chính, tiền tiết kiệm, phúc lợi xã hội, quảng bá du lịch) được tăng cường, tạo ra nhiều cơ hội về kinh doanh khách sạn, nhà hàng, bán hàng lưu niệm…nhiều hộ gia đình và cá nhân đã bảo nhau, học hỏi chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang làm dịch


vụ du lịch, kết hợp giữa làm nông nghiệp với du lịch hoặc liên kết với với công ty lữ hành tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, trang trại,…

Các thành tố của văn hóa sinh kế có quan hệ mật thiết với nhau. Hệ thống giá trị định hướng có vai trò quan trọng nhất, định hướng cho việc lựa chọn các phương thức, hành vi sinh kế phù hợp, trong khi đó các quy tắc, chuẩn mực sẽ giúp cho việc điều chỉnh các hành vi, ứng xử của cộng đồng và hộ gia đình trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội để đạt được mục tiêu sinh kế đảm bảo cho bản thân và gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do đó khi một yếu tố thay đổi, thì các yếu tố khác cũng bị tác động và biến đổi theo. Có thể coi giá trị định hướng như “la bàn” hay “kim chỉ nam” cho hoạt động sinh kế, các chuẩn mực chính là các quy tắc điều chỉnh các hành vi sinh kế và các phương thức, hành vi sinh kế phù hợp như cách thức làm ăn, lao động sản xuất, kinh doanh được thiết lập dựa trên các giá trị mang tính định hướng và chuẩn mực.

2.1.3.2. Biến đổi văn hóa sinh kế

Theo Từ điển Nhân học, biến đổi văn hóa được hiểu là quá trình vận động của xã hội: bao hàm sự chia sẻ, sự biến đổi tương đối lâu dài của những mô hình ứng xử và niềm tin văn hóa. Nhìn ở khía cạnh lịch sử, xã hội nào cũng bộc lộ những sự biến đổi, cũng trộn lẫn những sự tiếp nối và biến đổi [19, tr.11].

Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, các nhà nghiên cứu nhân học và khoa học xã hội đều cho rằng, sự biến đổi văn hóa là xu hướng tất yếu, đa dạng và theo nhiều hướng khác nhau. Sự biến đổi đó được Tsing nhắc đến như “sự va chạm”, kết nối từ phạm vi nhỏ là một làng đến cả quốc gia [19, tr.17]. Samuel P. Hungtington đã đưa ra sự phân biệt khá rõ ràng về những đặc trưng của xã hội nông nghiệp so với xã hội hiện đại: xã hội nông nghiệp với sự chiếm ưu thế của tính đặc thù, tính ổn định….[19. tr.18].

Trong công trình nghiên cứu về biến đổi văn hóa mưu sinh của cư dân xã hương Sơn trong bối cảnh phát triển du lịch, Đỗ Hải Yến cho rằng: “Biến đổi văn hóa mưu sinh là những biến đổi hữu cơ trên phương diện vật chất và tinh thần trong cách ứng xử với các nguồn lực mưu sinh; những biến đổi ứng xử trong quá trình mưu sinh, những biến đổi trong các nghi lễ gắn với mưu sinh của chủ thể nhằm bảo đảm sự sinh tồn, xóa đói, giảm nghèo, phát triển cuộc sống…


dưới tác động của sự phát triển du lịch [93, tr.26]. Đây là cách tiếp cận khá gần mục tiêu, nội dung hướng nghiên cứu đề tài, mà nghiên cứu sinh có thể tham khảo, tiếp tục phát triển phục vụ cho nghiên cứu của mình.

Trên cơ sở kế thừa lý thuyết và quan điểm về biến đổi văn hóa và khung phân tích sinh kế bền vững và các công trình nghiên cứu có gần với hướng nghiên cứu của đề tài, nghiên cứu sinh xác định: Biến đổi văn hóa sinh kế là sự thay đổi các giá trị định hướng và phương thức lựa chọn và sử dụng các nguồn lực sinh kế cùng với các quy tắc mang tính chuẩn mực trong quá trình tương tác, ứng xử với môi tự nhiên và xã hội nhằm đảm bảo và phát triển cuộc sống của cư dân và cộng đồng địa phương.

2.1.4. Phát triển du lịch và văn hóa sinh kế bền vững

2.1.4.1. Phát triển du lịch bền vững

Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu ở Việt Nam. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên và môi trường, do vậy khái niệm phát triển du lịch bền vững không tách rời với khái niệm phát triển bền vững. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO), phát triển du lịch bền vững là “phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách và các khu du lịch hiện nay đồng thời bảo vệ và tăng cường cơ hội cho tương lai. Kết quả mong đợi là các nguồn lực sẽ được quản lý để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về kinh tế, xã hội và thẩm mỹ trong khi duy trì tính toàn vẹn về văn hóa, các quy trình sinh thái quan trọng, đa dạng sinh học và các hệ thống có lợi cho cuộc sống” [54, tr.27]. Như vậy phát triển du lịch bền vững là sự phát triển vừa đáp ứng yều cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan, các giá trị văn hóa của cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia bao gồm nhà nước, doanh nghiệp, người dân và du khách, đồng thời cũng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu về du lịch của các thế hệ tương lai. Luật Du lịch năm 2017 cũng đã xác định rõ: phát triển du lịch bền vững là sự phát triển đáp ứng yêu cầu đồng thời về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai [15, tr.14].


Đối với các khu di sản thế giới được UNESCO công nhận, yêu cầu và ưu tiên hàng đầu là việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và trao truyền nguyên vẹn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cho các thế hệ tương lại. Trong các khu di sản thế giới chỉ khuyến khích và cho phép phát triển du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm, không cho phép các hoạt động du lịch gây tổn tại tới tính nguyên vẹn của di sản. Điều này đã tiếp tục được khẳng định trong chính sách phát triển bền vững đã được UNESCO thông qua năm 2015, phát triển du lịch bền vững phải quan tâm đầy đủ đến các tác động về môi trường, kinh tế và xã hội ở cả hiện tại và tương lai, bao gồm các nhu cầu của du khách, ngành công nghiệp, môi trường và các cộng đồng bản địa [123, tr.18]. Phát triển du lịch bền vững trong khu vực di sản thế giới vừa là phương thức vừa là yêu cầu, không chỉ tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ di sản mà còn giúp cho người dân địa phương bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống mà còn nâng cao khả năng thích ứng và quyền tự quyết trong việc lựa chọn các giá trị và phương thức sinh kế phù hợp.

2.1.4.2. Phát triển văn hóa sinh kế bền vững.

Phát triển văn hóa sinh kế bền vững là quá trình biến đổi văn hóa theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của hiện tại với lợi ích của các thế hệ tương lai thông qua việc khai thác và sử dụng các nguồn lực một cách khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

Phát triển văn hóa sinh kế bền vững cũng bao hàm phát triển bao trùm, đảm bảo để không ai bị bỏ lại phía sau trong cùng một thế hệ, duy trì sự gắn kết và đồng thuận xã hội trong phát triển. Đồng thời phát triển văn hóa sinh kế bền vững dựa trên nền tảng văn hóa, đặt con người và các giá trị văn hóa vào trung tâm của phát triển, tập trung nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội để mọi người có thể tiếp cận các nguồn lực tự nhiên, con người, nguồn vốn vật chất, vốn văn hóa và xã hội để tham gia vào phát triển. Phát triển văn hóa sinh kế bền vững cũng đòi hỏi phải bảo tồn, phát huy được các giá trị đặc sắc của văn hóa sinh kế truyền thống, vừa tiếp thu một cách sáng tạo và có hiệu quả các giá trị văn hóa sinh kế từ bên ngoài để thích ứng với nhu cầu của phát triển. Phát triển văn hóa sinh kế bền vững vừa là mục tiêu, vừa là quá trình phấn đấu liên tục của cư ở


QTDT Tràng An trước tác động của du lịch. Đây cũng là cơ sở để phát triển du lịch bền vững.

2.2. LÝ THUYẾT VỀ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VÀ KHUNG PHÂN TÍCH BIẾN ĐỔI VĂN HÓA SINH KẾ

2.2.1. Lý thuyết về biến đổi văn hóa

Lý thuyết về biến đổi văn hóa đã được các học giả phương Tây nghiên cứu từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, từ quá trình tìm hiểu về biến đổi xã hội trong các ngành nhân học và xã hội học. Trong đề tài nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân địa phương trong quá trình phát triển du lịch ở khu vực di sản thế giới QTDT Tràng An, nghiên cứu sinh tham khảo và vận dụng 3 lý thuyết về biến đổi văn hóa (sinh thái văn hóa, giao tiếp văn hóa và khuếch tán văn hóa) làm cơ sở lý thuyết cho việc tìm hiểu, luận giải về sự biến đổi văn hóa sinh kế của người dân do tác động của phát triển du lịch và các yếu tố liên quan.

- Thuyết sinh thái văn hóa do nhóm tác giả Andrew Vayda, Roy Rappaport, Leslie White (1900-1975) phát triển, luận giải vệ sự thích nghi hay thích ứng và tiến hóa đa tuyến, mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và văn hóa, quá trình thích ứng của các nền văn hóa với môi trường sinh thái địa phương sẽ làm biến đổi văn hóa của cộng đồng dân cư. Ở các xã hội nặng về tự cấp, tự túc, các xu hướng biến đổi của văn hóa có thể dự đoán được. Các yếu tố văn hóa có sự gắn kết chặt chẽ với các điều kiện môi trường tự nhiên cụ thể, nên mỗi vùng miền có đặc điểm văn hóa riêng. Quan điểm lý thuyết này chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa môi trường tự nhiên và văn hóa, trong đó môi trường tự nhiên chính là cơ sở cho việc hình thành các mô hình văn hóa khác nhau [16].

- Thuyết giao tiếp văn hóa, được các tác giả R. Redifield, R. Linton, M. Hers Kovitds định nghĩa là: hiện tượng xả ra khi những người có văn hóa khác nhau, tiếp xúc lâu dài và trực tiếp, gây ra sự biến đổi mô thức (pattern) văn hóa ban đầu của một hay cả hai nhóm [13, tr.27]. Theo quan điểm này giao tiếp văn hóa là một hiện tượng thường xảy ra trong lịch sử loài người. Việc các nhóm cộng đồng khác nhau giao lưu, tiếp xúc với nhau vừa tạo ra sự hỗn dung các yếu tố văn hóa khác nhau, vừa làm biến đổi mô thức văn hóa vốn có của nhau. Như vậy quá trình giao tiếp văn hóa có thể tạo ra hiện tượng tiếp biến về văn hóa.

Xem tất cả 213 trang.

Ngày đăng: 02/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí