Văn Hóa Miền Núi Với Những Phong Tục, Tập Quán, Lễ Hội Mang Đậm Bản Sắc Dân Tộc


dựng cuộc sống mới cho bản làng. Sự am hiểu sâu sắc của nhà văn Ma Trường Nguyên về con người chính là cầu nối giúp người đọc hiểu thêm về cuộc đấu tranh ấy.

2.2.1.3. Văn hóa miền núi với những phong tục, tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc

Như đã trình bày trong chương trước, Ma Trường Nguyên là nhà văn thiết tha yêu quê hương và văn hóa dân tộc. Bởi vậy, khi cầm bút viết văn, những nét đẹp văn hóa quê hương đã hiển hiện trong mỗi trang văn đầy lãng mạn của ông và dệt nên cái “hồn dân tộc” cho từng tác phẩm. Chúng tôi đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Lâm Tiến: “Ma Trường Nguyên là nhà văn, nhà thơ tình xứ mây” [34, tr.1]. Trong sáng tác của ông, “những quan hệ giữa người và người thường được khuôn trong các bản mường trong một huyện. Ma Trường Nguyên ít mở rộng không gian trong tiểu thuyết”[34, tr.4]. Cô Ngần đi học ở trường Đại học Sư phạm Việt Bắc trong Mùa hoa hải đường, Khùn và Eng Liểu có cửa nhà sang trọng và buôn bán giàu có ở thành phố, A Xao và Sùng học ở trường Đại học y khoa và nông nghiệp trong Tình xứ mây đều trở về hội tụ ở trong cái mường đã sinh ra họ, đã nuôi dưỡng họ lớn lên. Dàu và Diêu Anh đi Hà Nội và Sài Gòn cũng không làm mất đi “hương đồng, gió nội”, thậm chí Diêu Ly sống giữa nơi đô thành phồn hoa cũng chóng làm quen với nếp sống, với phong tục, tập quán của quê hương trong Rễ người dài… Đó cũng là sự gắn bó, tình yêu sâu đậm của họ với quê hương mình. Sự gắn bó máu thịt với bản làng của tất thảy các nhân vật cho thấy sự gắn bó với quê hương, bản xứ, với văn hóa dân tộc của chính nhà văn. Để rồi từ đây, văn hóa miền núi trong sáng tác của Ma Trường Nguyên được thể hiện một cách sinh động và đầy ấn tượng. Những phong tục, tập quán, những lễ hội lưu giữ cả một kho tàng văn hóa đã trở nên đẹp lạ thường dưới ngòi bút say mê, trân trọng của nhà văn. Có thể khẳng định, văn hóa xứ sở, quê hương đã trở thành nguồn cảm hứng quan trọng trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên.

Phong tục, tập quán, lễ hội được miêu tả ở hầu hết các tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên (trừ tác phẩm Bến đời). Các tình tiết liên quan đến phong tục, tập quán được nhà văn phản ánh khá rò nét trong tác phẩm qua các sinh hoạt hàng ngày


của bản mường, qua các lễ hội, nghi thức tâm linh... Có thể kể đến tục gọi tên theo con (Trăng yêu, Mùa hoa hải đường), tục cưới hỏi (Trăng yêu, Tình xứ mây, Rễ người dài, Phượng Hoàng núi), tục kết bạn (Trăng yêu), tục làm ma cho người chết (Trăng yêu, Tình xứ mây, Rễ người dài), tục kết tồng (Rễ người dài), tục nhận con day - con nuôi (Trăng yêu, Rễ người dài, Phượng hoàng núi), tập quán trai gái trong bản mường không được lấy vợ, lấy chồng xứ khác (Trăng yêu, Tình xứ mây), … Các lễ hội như lễ hội đón nàng Trăng với những trò chơi ném yến, tung còn, múa tắc kè, kì lân, sư tử (Trăng yêu), lễ hội lồng tồng - “xuống đồng” (Trăng yêu), hội Cốm (Tình xứ mây)… Hát lượn giao duyên (Mũi tên ám khói, Gió hoang, Trăng yêu, Tình xứ mây, Rễ người dài), hát then (Trăng yêu, Mùa hoa hải đường)… và những phiên chợ vùng cao đầy hấp dẫn.

Trong bức tranh đa sắc ấy, những phiên chợ xuân là một trong những điểm nhấn, mặc dầu nó không xuất hiện thường xuyên trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. So với tiểu thuyết của Cao Duy Sơn, những phiên chợ trong văn của Ma Trường Nguyên xuất hiện ít hơn nhưng vẫn có những đặc sắc riêng. Khác với chợ miền xuôi, các phiên chợ vùng cao không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu tình cảm. Những phiên chợ trong tác phẩm của Ma Trường Nguyên thường là nơi để các nhân vật gặp nhau, đồng thời cũng là điểm nhấn trong sự phát triển cốt truyện. Phiên chợ xuân trong tiểu thuyết của nhà văn đã hiện lên sinh động với đầy đủ hồn cốt của văn hóa vùng cao. Đó là nơi thể hiện đời sống tình cảm phong phú của đồng bào dân tộc miền núi, giản dị, tự nhiên, phóng khoáng, chân thành và đầy sức sống. Đây là một bức tranh phiên chợ ngày xuân được khắc họa thật sinh động trong tiểu thuyết Trăng yêu với kẻ bán người mua tấp nập. Hàng hóa là những sản phẩm của núi rừng, là những thứ do người dân miền núi làm ra. Bên những chảo “thắng cố” nghi ngút quen thuộc là những hình ảnh thật khó quên: “Các chàng trai, cô gái miền cao xuống chợ không phải để mua bán mà chủ yếu là gặp gỡ, hẹn hò, tìm hiểu, làm quen những bạn đời trăm năm. Những thanh niên đã có vợ hay người yêu đi chợ việc đầu tiên là vào ăn “thắng cố”, uống rượu bát từng bát ngả nghiêng cả ngọn núi. Nếu trời nắng đã có các cô


vợ trẻ, người tình xinh xắn đứng che ô bên cạnh. Họ uống rượu là uống cả bóng hình chiếc ô xanh đỏ lẫn cả những gương mặt tươi tắn của nụ cười thiếu nữ rạng rỡ chấp chới rơi xuống đáy bát vào lòng. Người uống say mới là rượu, mà rượu có say là say người tình trong bát rượu đang đầy lênh láng. Bên ngoài bãi chợ, các sườn đồi những con ngựa thồ bị buộc vào gốc cây cuồng cẳng dậm chân bậm bịch hí vang như cùng người hớn hở” [21, tr.66]. Có thể thấy tình và cảnh hòa quyện. Nắng xuân như cũng trở nên rực rỡ hơn, quyến rũ hơn với nụ cười rạng rỡ của người thiếu nữ và sự thắm đượm của men rượu nồng. Những bức tranh phiên chợ vùng cao đã góp phần không nhỏ làm không gian văn hóa trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên trở nên sống động hơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Là một nhà văn am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Tày, sự trân trọng và tự hào về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc đã trở thành thường trực trên các trang viết của Ma Trường Nguyên. Cảm hứng ấy làm nên những trang viết giàu sức sống của ông. Những đám hát lượn của thanh niên nam nữ miền núi có khi được tổ chức theo thể thức rất long trọng và nền nếp: Khi ăn cơm xong nhà chủ chuẩn bị rượu, chè ngon để tiếp bà con trong mường đến để nghe trai non gái trẻ hát lượn. Lấy bếp lửa giữa nhà làm khoảng cách giữa hai bên trai gái. Phía bên ngoài bếp lửa, nơi từ sàn rửa chân sát vách trở vào được trải chiếu hoa tương tự để các cô gái trẻ ngồi. Các cô gái trẻ này đã đi mời một bà già thời son trẻ đã từng lượn hay nhất mường làm cho bao nhiêu đàn ông xiêu điêu nghiêng ngả làm “cố vấn”. Bà nhắc lời lượn cho các cô gái mới lớn lên, miệng có tươi nhưng lòng còn vơi câu lượn để buộc bén đôi chân bạn tình từ xứ khác đến mường” [23, tr.30]; cũng có khi hội lượn diễn ra hết sức tự nhiên trong các buổi chợ: “Chợ sau tết người bán hàng ít, người đến chơi chợ nhiều hơn. Nhiều nhất là tuổi trẻ trai tài gái sắc đến chợ để làm quen nhau rồi cùng kéo về hội lượn Kéo Điếp. Lúc ấy Gắm về đến hội xuân đám lượn đang nồng nàn, bên nam bên nữ đã tìm được bạn lượn, đã kết được bạn tình… Câu lượn bay đi câu lượn bay về đậu óng ánh trong mắt bạn xuân” [21, tr.80]. Nhờ câu lượn mà biết bao chàng trai, cô gái đã hòa cùng nhịp đập trái tim để rồi cùng hướng


Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 6

tới hôn nhân bền chặt. Qua câu lượn, phẩm giá của họ cũng được bạn bè đánh giá, ghi nhận.

Càng đi sâu khám phá những trang viết của Ma Trường Nguyên, người đọc càng đắm say với thế giới huyền ảo, diệu kỳ của những phong tục, tập quán sống động và giàu bản sắc. Phải rất yêu thương và gắn bó với dân tộc mình thì mới có thể viết được những trang văn như thế. Tục cưới hỏi trong Trăng yêu được miêu tả với “ khách mời rất đông tìm hết anh em họ hàng gần xa đến dự… Đến giờ đón dâu chú rể và cả đoàn nhà trai đi từ nhà xuống sân ra ngò vòng một vòng quanh giếng lên nhà. Cô dâu cũng được đưa từ nhà xuống sân ra ngò vòng một vòng quanh giếng lên nhà. Rồi làm lễ cúng tổ tiên, lễ tơ hồng. Nhập phòng hôm cưới và lại mặt hôm sau” [21, tr.56]. Lễ đón dâu, đưa dâu cũng được nhà văn“phục dựng” trong tiểu thuyết Rễ người dài: “Ở nhà gái, khi ông quan lang dẫn chú rể về đến nhà mẹ vợ, ông thưa được bố mẹ nhà trai cho ông thay mặt đến thưa với bố mẹ dâu gả bán cô cho bố mẹ nhà trai làm dâu hiền vợ thảo để kế tục nòi giống tổ tông. Nhờ phúc lộc của cha mẹ, ghi công ơn chăm bẵm, nhà trai mang lễ vật đã đủ, đã đến giờ lành, ngày tốt, tháng đẹp xin cho được đón dâu” [23, tr.86]. Sau khi làm lễ đón dâu thì “đoàn đưa dâu trở lại nhà gái. Cô phù dâu ở lại cùng cô dâu để săn sóc cô dâu đêm đó tại phòng hạnh phúc. [23, tr.89]. Trong đám cưới của người Tày, trẻ con đóng vai trò rất quan trọng. Theo phong tục thì: “Trẻ con không cần mời. Cứ nhà nào có đám cưới tụi trẻ tự động đến. Nhà chủ thấy đông đông trẻ lại đặt mâm để chúng nó ăn… Nhà nào mà đuổi trẻ con ra khỏi đám cưới người ta cho là đôi trai gái ấy sẽ không hạnh phúc. Có ăn ở với nhau đến già cũng tuyệt đường sinh nở. Nếu có con với nhau cũng gãy gánh ngang đường” [20, tr.95]. Tục chăng dây được Ma Trường Nguyên dụng công miêu tả tỉ mỉ, sinh động cũng có phần rất quan trọng của đám trẻ con... Có thể thấy, những trang viết về tục cưới hỏi đã làm cho tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên thêm phần phong phú và sinh động.

Cũng trong tiểu thuyết Rễ người dài, người đọc còn được chứng kiến một phong tục hết sức độc đáo, giàu giá trị nhân văn của dân tộc Tày và đồng thời cũng là những trang viết hấp dẫn của nhà văn Ma Trường Nguyên, đó là lễ kết tồng. Hợp


nhau, giống nhau là nghĩa của chữ Tồng trong tiếng Tày. Những chàng trai, cô gái dân tộc Tày luôn mong muốn tìm người hợp ý để giao lưu, để kết tồng. Qua những lần tìm hiểu về hoàn cảnh của nhau, nếu thấy hợp thì làm lễ. Việc kết tồng chỉ xảy ra với những người cùng giới và buổi lễ diễn ra trang trọng tại gia đình có sự công nhận của cha mẹ, ông bà, anh chị em và người thân. Sau khi kết tồng những người bạn trở thành thân thiết, coi nhau như anh em ruột thịt. Qua các trang văn của Ma Trường Nguyên, tục lệ ấy chợt ánh lên vẻ đẹp nhân văn. Đây là lễ kết tồng của ba anh em Pàng, Dàu và Lềnh:

“Ông bố Lềnh thắp hương lên bàn thờ. Đợi một lúc hương đã bén cháy nghi ngút, ông gọi các con:

- Cả Pàng đâu!

Pàng “dạ” một tiếng, đến đứng trước bàn thờ bên tay phải ông. Ông gọi tiếp:

- Hai Dàu đâu!

Dàu lại “dạ” một tiếng và đứng bên phải Pàng. Ông lại gọi tiếp:

- Ba Lềnh đâu!

Lềnh cũng “dạ” một tiếng và đứng bên phải Dàu.

Ông bố Lềnh bắt cả ba đứa con lần lượt thắp một nén hương lên bàn thờ. Cả ba con: Cả Pàng, Hai Dàu, Ba Lềnh chắp tay trước ngực đợi ông bố làm lễ.

Ông bố châm ba nén hương cho mỗi đứa con một nén thắp tiếp vào bát hương. Ông quay trở lại cúi khom người xuống chắp tay vái ba lần và ông lầm rầm cúng bài ca lễ nghi nhận anh em mà ông đã thuộc lòng từ xưa. Sau lễ cúng, cả ba người con rót ba chén rượu, chích một giọt máu đỏ từ đầu ngón tay rỏ xuống. Cả ba anh em đặt lên bàn thờ. Ông bố vái vái ba vái rồi cả ba người con nhấc rượu uống cạn một hơi. Uống xong cả ba anh em vái ba vái tổ tiên đang về trên bàn thờ. Quay ra cúi rạp người xuống lễ ông bố cũng ba lễ. Ông bố cúi xuống đỡ cả ba người con cùng đứng dậy. Ông bắt cả ba chàng trai đưa ngón tay trỏ vừa chích máu ra móc chặt vào nhau. Ông nói giọng rưng rưng:


- Từ giờ phút này các con là anh em. Các con phải sống thực lòng, thuận hòa như cây rừng bám rễ sâu vào lòng đất tổ tiên ông bà” [23, tr.61-62].

Với cách miêu tả chi tiết việc hành lễ, Ma Trường Nguyên đã cho bạn đọc thấy rò ý nghĩa thiêng liêng của lễ kết tồng đối với dân tộc Tày quê hương ông. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết, niềm tin, sự tôn trọng tuyệt đối với nghĩa tình giữa con người với con người. Mối tương thân ấy được lưu truyền từ đời này qua đời khác và được các thế hệ sau gìn giữ, phát huy.

Trong tiểu thuyết Phượng hoàng núi, người đọc lại được đắm mình trong những vẻ đẹp văn hóa miền núi. Đây là bếp lửa của người Tày: “Ngôi nhà sàn miền núi trung tâm là bếp lửa. Bếp lửa từ ngày đầu tiên vào nhà mới được nhóm lên và thường không bao giờ lụi tàn. Nhất là những ngày quan trọng trong năm như những giờ khắc chuyển giao của trời đất, đêm giao thừa từ năm cũ chuyển sang năm mới. Nơi cuộc sống của tập thể gia đình được diễn ra trên nhà sàn chủ yếu ở quanh khung bếp hình vuông. Quanh bếp được phân chia thành bốn khu vực, đồng thời cũng là bốn vị trí ngồi của những người trong gia đình và cả chỗ ngồi của khách đến được đón tiếp phía nào để phân biệt thượng khách hay bình thường. Ở ngoài cửa bước vào từ phía sàn đựng nước cho khách bình thường mới đến. Nếu là khách sang trọng mời tiếp lên phía trên. Là phía bên kia khung bếp phía trước “đảng” nơi có cửa sổ nhìn ra hướng chính của ngôi nhà, cũng là chỗ ngồi của bà hoặc mẹ và khách sang trọng thuộc nữ giới. Phía dưới cùng đối diện với phía trên của chỗ người đàn ông thường là chỗ ngồi của con cháu gái” [25, tr.13]. Trong nhiều sáng tác văn học, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bếp lửa quen thuộc này. Tuy nhiên trong sáng tác của nhà văn miền núi Ma Trường Nguyên, hình ảnh bếp lửa mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đó là linh hồn trong đời sống văn hóa người Tày; là ánh sáng, là hơi ấm, là sự sống bất diệt không bao giờ tàn lụi. Bếp lửa còn gắn với tập quán sinh hoạt, giao tiếp vốn rất giàu bản sắc dân tộc của người Tày.

Cũng trong tiểu thuyết mới nhất của nhà văn này, người đọc còn được hòa mình trong nghi lễ thiêng liêng của lễ nhận con “day” (con nuôi): “Đêm nay vào mười ba tháng bảy âm lịch. Trăng non vừa ló trên đỉnh núi mảnh như lá “choóc”


xanh mềm. Tại bản Nôộc Váng, mường Phượng Hoàng có buổi lễ nhận con nuôi mẹ nuôi tại nhà mẹ Ma loỏng. Ngôi nhà sàn rộng năm gian. Gian cuối của nhà là nơi đặt bàn thờ gia tiên. Những bát hương cháy nghi ngút khói. Những cỗ bàn đã được bày lên theo từng bát hương cho các vị tiên tổ của dòng họ. Bà mẹ nuôi đứng trước bàn thờ. Bà gọi Nhọt ngồi trên chiếc chiếu trước bát hương thờ. Phụ nữ Tày khi lễ không đứng như nam giới mà ngồi xếp bàn chân lên. Bà mẹ nuôi đang khấn bài ca nghi lễ nhận con đã có sẵn truyền lại, phần thêm vào chỉ là tên của người con nuôi và ngày tiến hành lễ. Bà khấn trịnh trọng trang nghiêm. Hết bài bà đưa tay xin quẻ âm dương, mà người Tày gọi là “xo tẻn” bằng hai đồng tiền xu hay làm bằng tre. Nếu thấy đồng xu đồng sấp đồng ngửa hoặc bằng tre bên cật bên bụng là được tổ tiên chấp nhận” [25, tr.23-24]. Có thể thấy từng chi tiết trong buổi lễ đã được nhà văn miêu tả cụ thể, chi tiết và sống động khiến người đọc như đang được sống trong không khí ấy. Đoạn văn thể hiện sự am hiểu và trân trọng, tự hào về những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện ý thức sâu sắc trong việc lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của Ma Trường Nguyên. Qua nghi lễ ấy, độc giả thấy được những quan niệm văn hóa rất sâu đậm có ý nghĩa lớn lao đối với đời sống đồng bào dân tộc.

Còn có thể tìm thấy những phong tục độc đáo khác trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. Cùng với Vi Hồng, Triều Ân, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên đã góp phần quan trọng làm cho những nét đẹp trong phong tục, tập quán của các dân tộc miền núi bừng thức sinh động trong không gian thanh khiết, đậm chất nhân văn. Khi viết về văn hóa miền núi, nếu như Vi Hồng chịu ảnh hưởng của văn học dân gian với kiểu tư duy trực tiếp cảm tính và lối so sánh ví von nhiều ước lệ thì Ma Trường Nguyên ảnh hưởng bởi chất trữ tình giản dị, hồn nhiên. Điều này đã đem đến cho người đọc những trang văn nhẹ nhàng, lắng sâu cảm xúc. Tuy nhiên, khi nhà văn trực tiếp đứng ra chứ không ẩn mình đi để giới thiệu về phong tục tập quán miền núi, dù phần nào tạo ra chút khiên cưỡng, vụng về trong tác phẩm nhưng đồng thời cũng tạo nên cái duyên thầm cho tiểu thuyết Ma Trường Nguyên.


2.2.2. Cảm hứng nhân đạo hướng về con người miền núi

Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người thì cốt lòi của cảm hứng nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Một tác phẩm mang cảm hứng nhân đạo khi nó ca ngợi phẩm chất cao đẹp của con người, không những thế còn phải đồng cảm xót thương những số phận bị chà đạp, lên án tố cáo những thế lực thù địch, đồng thời phải biết đồng tình với khát vọng và ước mơ chính đáng của con người. Cảm hứng nhân đạo là yếu tố quyết định đến các phương diện biểu hiện nội dung trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. Có thể nhận thấy, tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là tiếng nói cảm thương sâu sắc với những số phận bi kịch của con người miền núi, tiếng nói ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người miền núi; tiếng nói phẫn nộ, sự phê phán mạnh mẽ những cái xấu, cái ác trong đời sống. Đồng thời, tiểu thuyết Ma Trường Nguyên còn là tiếng nói trân trọng với khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Chúng tôi sẽ phân tích cảm hứng nhân đạo trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên từ những khía cạnh căn bản ấy.

2.2.2.1. Cảm thương với những số phận bi kịch của con người miền núi

Trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên xuất hiện khá nhiều con người có số phận bi kịch. Những bất hạnh của mẹ con Va trong Gió hoang, của ông Bồng, bà Ngát trong Bến đời, của bà Sáy, cô Ngần trong Mùa hoa hải đường … là những bất hạnh mang tính bi kịch. Bằng giọng điệu xót xa, chia sẻ, ngòi bút “hiền lành bẩm sinh” (Chữ của Lâm Tiến) Ma Trường Nguyên đã thể hiện sâu sắc thái độ cảm thương với những số phận bi kịch của người dân miền núi.

Cuộc đời của Va trong Gió hoang là một cuộc đời đầy bất hạnh. Là một người phụ nữ tài sắc nhưng đời sao quá bất công khi để cô phải chịu biết bao đau khổ. Những cuộc chia ly, những lần bị bỏ rơi giữa dòng đời vần xoáy đã khiến cuộc đời Va trở thành một chuỗi những bi kịch đau thương. Mới ba tháng tuổi, Va phải chia ly vĩnh viễn với người mẹ bạc mệnh để rồi từ đó Va sống với người cậu ruột. Vào năm tám tuổi, cô bé bị người mợ cay nghiệt đuổi ra khỏi nhà. Mười tám tuổi Va trở

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022