Các Quy Định Về Bảo Lãnh Của Một Số Nước Trên Thế Giới


quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ còn lại của người được bảo lãnh. Tuy nhiên, trong suốt quá trình yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của người bảo lãnh nhằm tiến hành việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Nghĩa vụ bảo lãnh mang tính chất như là nghĩa vụ phụ. Việc giao kết nghĩa vụ bảo lãnh chỉ được đưa ra thảo luận khi có một nghĩa vụ tài sản của một người nào đó cần phải thực hiện và việc thực hiện này cần được đảm bảo. Như vậy, việc xác lập, huỷ bỏ hoặc chấm dứt nghĩa vụ chính sẽ là căn cứ trực tiếp làm phát sinh, chấm dứt, huỷ bỏ nghĩa vụ bảo lãnh.

Sau khi người bảo lãnh thực hiện xong nghĩa vụ sẽ trở thành người thay thế quyền của người nhận bảo lãnh. Như chúng ta đã biết, nghĩa vụ bảo lãnh có đối tượng là nghĩa vụ được bảo lãnh. Do vậy, hợp đồng bảo lãnh là sự giao kết trên một nghĩa vụ tài sản. Trong đó, người bảo lãnh thoả thuận với người nhận bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ của người được bảo lãnh và thế quyền người bảo lãnh.

Đối với trường hợp có nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ, thì nguyên tắc xác định nghĩa vụ liên đới giữa những người bảo lãnh được cả hai bộ luật này lựa chọn. Nghĩa là, người nhận bảo lãnh có thể yêu cầu một hoặc một số những người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ mà không phải là tất cả (thông thường những người có tài sản sẽ bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ).

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (ngày 2 tháng 9 năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945, về việc cho phép tạm sử dụng một số luật lệ hiện hành ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Với tinh thần này, Bộ dân luật Nam Kỳ giản yếu 1883, Bộ dân luật Bắc Kỳ năm 1931 và Bộ dân luật Trung Kỳ năm 1936 tiếp tục được thi hành.


1.2.3. Giai đoạn 1991 - đến nay

Văn bản luật đầu tiên của nước CHXHCNVN có quy định vấn đề bảo lãnh đó là Pháp lệnh Hợp đồng dân sự (sau đây viết tắt là PLHĐDS) ngày 29 tháng 4 năm 1991. Trong Pháp lệnh chỉ với hai Điều 40 và 41, các quy định này như là một chế định đặc biệt cho phép người có quyền yêu cầu phát sinh từ hợp đồng dân sự có thêm được một người có nghĩa vụ bên cạnh người có nghĩa vụ chính là bên giao kết hợp đồng đó. Trong trường hợp bên giao kết hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ khi đến hạn, thì người có quyền có thể yêu cầu người có nghĩa vụ bên cạnh người có nghĩa vụ chính phải thực hiện nghĩa vụ.

Quy chế người bảo lãnh được Pháp lệnh lựa chọn là quy chế của người bảo lãnh liên đới. Pháp lệnh thừa nhận rằng, người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nếu đến hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ. Vì vậy, chỉ cần nghĩa vụ đến hạn thực hiện mà người được bảo lãnh không thực hiện, thì người nhận bảo lãnh có thể yêu cầu người bảo lãnh thực hiện. Hầu hết các quy định về bảo lãnh trong các Bộ luận dân sự đều quy định loại quy chế người bảo lãnh là bảo lãnh liên đới và bảo lãnh không liên đới để các bên xác lập hợp đồng bảo lãnh lựa chọn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Trường hợp có nhiều người cùng tham gia bảo lãnh cho một nghĩa vụ không được xử lý trong pháp lệnh này và nếu có trong thực tế, các bên phải thoả thuận từng phần bằng các hợp đồng bảo lãnh riêng biệt và bảo đảm việc trả một phần nợ phân biệt với phần được bảo đảm bởi một người bảo lãnh khác [9, tr.8-9]. Bộ luật dân sự năm 1995 ra đời đã dành 11 điều quy định về bảo lãnh.

Trên tinh thần kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phát triển những quy định về bảo lãnh trong Pháp lệnh HĐDS, Bộ luật dân sự năm 1995 đã quy định khá chi tiết và cụ thể về bảo lãnh.

Bảo lãnh trong pháp luật dân sự Việt Nam - 4


Về quy chế người bảo lãnh, BLDS 1995 vẫn sử dụng các quy tắc đã được thiết lập trong Pháp lệnh HĐDS và còn công nhận thêm rằng quy chế người có nghĩa vụ dự bị theo nghĩa của Luật học phương Tây. Theo tinh thần này, nghĩa vụ có thể được thiết lập theo sự thoả thuận của các bên khi giao kết hợp đồng bảo lãnh. Khoản 1 Điều 366 ghi nhận:Các bên cũng có thể thoả thuận về việc người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong Pháp lệnh hợp đồng dân sự, BLDS năm 1995 đã quy định trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ (Điều 370). Nguyên tắc nghĩa vụ liên đới giữa những người cùng bảo lãnh được lựa chọn. Tuy nhiên, giữa những người cùng bảo lãnh với người nhận bảo lãnh có thể thoả thuận về việc bảo lãnh theo phần hoặc trường hợp pháp luật có quyết định bảo lãnh theo phần độc lập. Ví dụ, Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ - NH ngày 17/8/1996 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Điều 44 khoản 2 quy định bảo lãnh của nhiều người cho một người vay vốn ngân hàng là bảo lãnh không liên đới, do hiệu lực của pháp luật.

BLDS năm 1995 đã gộp biện pháp bảo đảm nghĩa vụ bằng tín chấp của tổ chức chính trị xã hội vào chế định bảo lãnh và quan niệm đây là một biện pháp bảo đảm mang tính chất của bảo lãnh (Điều 376 bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội). Thực ra đây là hai biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hoàn toàn độc lập và có bản chất khác nhau, vì vậy cần phải tách biện pháp tín chấp thành một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ riêng biệt.

Bảo lãnh trong BLDS năm 1995 không hoàn toàn là biện pháp bảo đảm đối nhân. Khoản 2 Điều 366 quy định: Người bảo lãnh chỉ được bảo lãnh


bằng tài sản thuộc sở hữu của mình... Như vậy, với quy định này, bảo lãnh lại là một biện pháp bảo đảm đối vật.

BLDS năm 2005 đã dành 11 Điều để quy định về bảo lãnh, nhìn chung BLDS năm 2005 đã khắc phục được một số hạn chế trong các văn bản pháp luật trước đó. Chúng tôi sẽ đi sâu phân tích các quy định của Bộ luật này ở phần tiếp theo của luận văn.

Ngoài ra, một văn bản khác cũng chứa đựng các quy định về bảo lãnh, đó là Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm của Chính phủ.‌

1.3. Các quy định về bảo lãnh của một số nước trên thế giới

1.3.1. Quy định về bảo lãnh trong Bộ luật dân sự Pháp

Bộ luật dân sự Pháp đã dành thiên XIV để quy định về bảo lãnh. Thiên này gồm 4 Chương và 33 Điều (từ Điều 2011 đến 2043). Nhìn chung, BLDS Pháp đã quy định tương đối chi tiết và có nhiều nét độc đáo. Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích một số điểm cơ bản của chế định này.

Cũng như hầu hết các hệ thống pháp luật khác, pháp luật của Pháp cũng quy định bảo lãnh cơ bản hình thành trên cơ sở cam kết giữa người bảo lãnh và người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên, luật dân sự Pháp còn quy định thêm hai loại bảo lãnh nữa là bảo lãnh theo luật định và bảo lãnh theo quyết định của Toà án (các Điều 2040 - 2043 BLDS Pháp).

Về phạm vi bảo lãnh: luật dân sự Pháp quy định người bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ. Người bảo lãnh không thể bảo lãnh vượt quá nghĩa vụ của người có nghĩa vụ và cũng không được cam kết bảo lãnh với những điều kiện nặng nề hơn. Trường hợp các bên đã cam kết bảo lãnh vượt quá nghĩa vụ hoặc với điều kiện nặng nề hơn thì cam kết đó không bị coi là vô hiệu do trái luật, mà chỉ bị giảm xuống đến giới hạn của nghĩa vụ chính (Điều 2013 BLDS Pháp).


Về nghĩa vụ bảo lãnh: Giải pháp chính được lựa chọn trong BLDS Pháp không phải là nghĩa vụ liên đới giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh mà là nghĩa vụ dự bị. Tức là, người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người được bảo lãnh sau khi người nhận bảo lãnh đã chứng minh được người được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ. Trừ trường hợp người bảo lãnh từ bỏ quyền yêu cầu người có quyền phải yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện bằng một nghĩa vụ trước (Điều 2021).

Đối với trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ thì mỗi người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nghĩa vụ - nghĩa vụ liên đới giữa những người cùng bảo lãnh. Tuy nhiên, mỗi người bảo lãnh có thể yêu cầu người có quyền cam kết từ trước là sẽ chỉ kiện từng người bảo lãnh tương ứng với phần nghĩa vụ nhận bảo lãnh (Điều 2025 - 2026).

Về quyền của người bảo lãnh đối với người được bảo lãnh: Sau khi đã thực hiện nghĩa vụ, người bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh thanh toán tiền gốc, tiền lãi và các khoản chi phí. Các khoản chi phí này phải nằm trong khoảng thời gian từ khi người bảo lãnh thông báo cho người có nghĩa vụ chính biết việc khởi kiện. Ngoài ra, người bảo lãnh cũng có quyền đòi bồi thường thiệt hại, nếu có. Trong trường hợp này, người bảo lãnh được thay thế người có quyền về tất cả những gì mà người này đã có đối với người có nghĩa vụ (Điều 2029).

Thông thường, pháp luật các nước đều quy định nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt khi người bảo lãnh chết hoặc tính chất bảo lãnh chấm dứt. BLDS Pháp quy định nghĩa vụ bảo lãnh không bị chấm dứt khi người bảo lãnh chết, mà nghĩa vụ này được chuyển giao cho người thừa kế của người bảo lãnh (Điều 2017).

Tuy nhiên, nếu như người bảo lãnh không để lại tài sản gì sau khi chết thì nghĩa vụ bảo lãnh cũng sẽ chấm dứt, vì những người thừa kế của người


bảo lãnh cũng chỉ chịu nghĩa vụ trong phạm vi phần di sản thừa kế mà họ được hưởng (Điều 802) [6].

Về nguyên tắc, chỉ sau khi thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh, thì người bảo lãnh mới có quyền yêu cầu người được bảo lãnh thanh toán lại các khoản chi phí cho mình. Tuy nhiên, pháp luật Pháp đã dự liệu các trường hợp mặc dù chưa thực hiện nghĩa vụ song người bảo lãnh vẫn có quyền yêu cầu người được bảo lãnh bồi thường. Các trường hợp đó bao gồm: Nếu người bảo lãnh bị người có quyền kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, người có nghĩa vụ bị phá sản hoặc không có khả năng thanh toán; người có nghĩa vụ đã cam kết giải trừ nghĩa vụ cho người bảo lãnh sau một thời hạn nhất định. Nếu đã đến thời hạn cam kết thực hiện nghĩa vụ; Sau mười năm, nếu không quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ chính, trừ trường hợp nghĩa vụ chính không thể chấm dứt trước một thời hạn nhất định, giống như việc giám hộ.

1.3.2. Quy định về bảo lãnh trong BLDS Liên bang Nga

Bộ luật dân sự Liên bang Nga có 07 Điều quy định về bảo lãnh (từ Điều 361 đến Điều 367) không được quy định chi tiết, cụ thể như BLDS Pháp. Song các quy định về bảo lãnh trong BLDS Liên bang Nga cũng có những nét rất độc đáo.

Về hình thức của Hợp đồng bảo lãnh, Điều 362 quy định "hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản" và rõ hơn: nếu không được lập thành văn bản sẽ vô hiệu. Vấn đề hình thức của hợp đồng bảo lãnh, Bộ luật dân sự Liên bang Nga cũng quy định tương tự như các BLDS của các quốc gia khác.

Về trách nhiệm của bên bảo lãnh, Luật dân sự Liên bang Nga lựa chọn trách nhiệm liên đới giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh là giải pháp chính và cho phép các bên có thể thoả thuận nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ dự bị (Điều 363. K1). Vấn đề này trong BLDS Việt Nam cũng có quy định tương tự.


Đối với phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh: các bên có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh sẽ bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ của người được bảo lãnh hoặc chỉ bảo lãnh một phần của nghĩa vụ đó (Điều 361). Trường hợp bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ, thì nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm tiền gốc, tiền lãi và tiền phạt... Tất cả những khoản mà người được bảo lãnh phải thực hiện "Bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm như bên vay". Ngoài ra, nếu trong hợp đồng bảo lãnh không thoả thuận rõ, thì nghĩa vụ bảo lãnh còn bao gồm cả tiền lãi, lệ phí Toà án cho việc đòi nợ và những thiệt hại mà bên nhận bảo lãnh phải chịu do bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (Khoản 2, Điều 363). Trường hợp có nhiều người bảo lãnh cho một nghĩa vụ, thì trách nhiệm giữa những người này là trách nhiệm liên đới, trừ trường hợp có thoả thuận ngược lại (Khoản 3, Điều 363).

Để quy định rõ hơn về phạm vi bảo lãnh, Điều 364 BLDS Liên bang Nga có quy định về quyền của bên bảo lãnh phản đối yêu cầu của bên cho vay. Theo đó, bên bảo lãnh có quyền phản đối những yêu cầu của bên nhận bảo lãnh nếu như yêu cầu này không có trong hợp đồng bảo lãnh. Bên bảo lãnh không bị mất quyền này thậm chí trong trường hợp người vay từ chối hoặc nhận trách nhiệm của mình.

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh được nhận quyền yêu cầu đối với nghĩa vụ được bảo lãnh từ người nhận bảo lãnh. Quyền yêu cầu này tương ứng với phạm vi mà bên bảo lãnh đã thực hiện cho bên nhận bảo lãnh. Ngoài ra, bên bảo lãnh còn có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh trả lãi cho khoản tiền đã được trả cho bên nhận bảo lãnh và bồi thường những thiệt hại gây ra liên quan đến trách nhiệm đối với bên nhận bảo lãnh.

Về quyền của bên bảo lãnh: ngoài các quyền cơ bản khác, Luật dân sự của Liên bang Nga còn quy định thêm hai quyền tương đối đặc biệt. Quyền được thông báo từ bên được bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh. Nếu không được thông báo mà bên bảo lãnh vẫn thực


hiện nghĩa vụ bảo lãnh, thì bên bảo lãnh được nhận lại phần tiền thừa từ bên nhận bảo lãnh hoặc được yêu cầu bên được bảo lãnh phải bồi hoàn (Điều 366); quyền tiếp theo mà bên bảo lãnh có là quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh trao lại các giấy tờ xác thực yêu cầu đối với bên được bảo lãnh và các quyền đảm bảo yêu cầu đó (khoản 2, Điều 365 BLDS).

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo lãnh: ngoài các căn cứ cơ bản để chấm dứt hợp đồng bảo lãnh như nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt, chuyển giao nghĩa vụ được bảo lãnh..., nghĩa vụ bảo lãnh còn được chấm dứt khi thời hạn bảo lãnh theo hợp đồng bảo lãnh kết thúc. Để bảo đảm ổn định các quan hệ dân sự liên quan đến bảo lãnh, Bộ luật dân sự Liên bang Nga còn quy định: trong trường hợp thời hạn bảo lãnh không ghi trong hợp đồng, việc bảo lãnh chấm dứt nếu hết một năm kể từ ngày nghĩa vụ được bảo lãnh phải được thực hiện mà bên cho vay không làm đơn kiện bên bảo lãnh. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ không được thoả thuận và không thể xác định được hoặc xác định bằng thời điểm đòi nợ thì việc bảo lãnh chấm dứt nếu trong vòng 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng bảo lãnh, bên cho vay không làm đơn kiện bên bảo lãnh (Khoản 4, Điều 367).

Nhìn chung, pháp luật các nước đều coi bảo lãnh là một chế định quan trọng và có ý nghĩa trong BLDS, điều này được thể hiện qua số lượng các điều luật, mức độ chi tiết, cụ thể của các điều luật. Song, do đặc điểm kinh tế, xã hội của mỗi nước có những đặc thù riêng nên sự ghi nhận trong Bộ luật dân sự có những điểm khác nhau. Do vậy, mỗi hệ thống pháp luật đều có những điểm khác biệt so với những nước khác. Những điểm khác biệt này cần nghiên cứu sâu hơn để có thể vận dụng một số điểm tiến bộ, phù hợp vào trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 02/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí