Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong nền kinh tế yếu kém trước đây, người dân chủ yếu chỉ quan tâm đến số lượng và chất lượng của sản phẩm; các nhà sản xuất cũng chỉ dựa vào đó để sản xuất mà không mấy chú trọng đến kiểu dáng của sản phẩm. Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XXI, sự lựa chọn cuối cùng của người tiêu dùng luôn thuộc về các sản phẩm đáp ứng được cả chất lượng lẫn kiểu dáng. Một kiểu dáng hấp dẫn người tiêu dùng sẽ làm tăng giá trị thương mại của sản phẩm và trở thành tài sản vô hình quan trọng của nhà sản xuất đó.
Song song với sự thay đổi này, nạn trộm cắp, làm hàng giả, hàng nhái KDCN xảy ra với quy mô và số lượng ngày càng lớn. Nhiều khi hàng thật chưa được tung ra thị trường thì hàng giả đã xuất hiện. Xuất phát từ thực trạng đó, nếu không có một hệ thống bảo hộ KDCN hoàn thiện, sẽ làm giảm động lực phát triển của xã hội, triệt tiêu sự sáng tạo của trí tuệ con người. Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào các quá trình kinh tế quốc tế. Vì thế, pháp luật về SHTT nói chung và về KDCN nói riêng cần phải đáp ứng được những chuẩn mực chung của quốc tế. Do đó, việc nghiên cứu hệ thống bảo hộ KDCN để tìm ra những ưu điểm và những hạn chế để khắc phục là yêu cầu cần thiết và cấp bách đối với bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy, tác giả quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với KDCN theo pháp luật Việt Nam” cho luận văn thạc sỹ luật học.
2. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Bảo hộ quyền SHCN đối với KDCN là lĩnh vực có phạm vi nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu đề tài, bảo hộ KDCN được tiếp cận dưới góc độ thông qua các quy phạm pháp luật điều chỉnh về điều kiện, nội dung của quyền SHCN và những vấn đề pháp lý khác (như thủ tục, quy trình đăng kí bảo hộ,…) đối với KDCN qua đó nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu KDCN. Với cách tiếp cận này, luận văn đi sâu vào nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản về KDCN, nêu và phân tích quy định của một số ĐƯQT tiêu biểu và pháp luật một số quốc gia có nền SHTT tiên tiến, đánh giá khải quát hệ thống pháp luật về KDCN của Việt Nam, thực trạng bảo hộ KDCN
ở Việt Nam và trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ KDCN tại Việt Nam.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
- Nhận diện và hệ thống hóa những vấn đề lý luận về kiểu dáng công nghiệp.
- Đánh giá đúng đắn và toàn diện thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp hiện nay, tìm hiểu về nguyên nhân của thực trạng trên.
- Tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện quy định về bảo hộ quyền đối với kiểu dáng công nghiệp. Giảm thiểu những tranh chấp và vướng mắc phát sinh liên quan đến chế định này và tạo ra cơ sở để các cơ quan thực thi pháp luật giải quyết các vướng mắc phát sinh.
4. Phương pháp nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp theo pháp luật Việt Nam - 1
- Mối Quan Hệ Giữa Kiểu Dáng Công Nghiệp Và Sáng Chế, Nhãn Hiệu, Quyền Tác Giả,
- Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Kiểu Dáng Công Nghiệp Theo Pháp Luật Của Một Số Quốc Gia
- Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Pháp Luật Việt Nam Về Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Kiểu Dáng Công Nghiệp
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
- Khi tiếp cận vấn đề nghiên cứu, luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong qua trình đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và vấn đề cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
- Phương pháp nghiên cứu của luận văn là đi từ lý luận đến thực tiễn, dùng thực tiễn kiểm chứng lý luận. Các phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành như phương pháp lịch sử, phân tích, so sánh, chứng minh, tổng hợp và phương pháp thống kê cũng được sử dụng để hoàn thành luận văn.
5. Ý nghĩa của Luận văn
Ngoài ý nghĩa là một công trình nghiên cứu riêng của bản thân về quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp để hoàn thành chương trình học tập và báo cáo tốt nghiệp lớp cao học Luật Dân sự của Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, việc nghiên cứu đề tài còn có ý nghĩa phân tích các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật đối với việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm mục đích xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề này.
6. Cơ cấu của luận văn
Ngoài lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về kiểu dáng công nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Chương 2: Những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
Chương 3: Thực trạng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam và những kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP VÀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
1.1. Khái quát về kiểu dáng công nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp
1.1.1. Khái niệm kiểu dáng công nghiệp
Một sản phẩm để dễ được người tiêu dùng chú ý đến không chỉ bởi chất lượng, tính năng của nó mà còn phụ thuộc phần lớn vào kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp là một trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Vì thế, kiểu dáng công nghiệp cũng có những đặc tính chung của tài sản trí tuệ như: tính sáng tạo, tính chất vô hình, tính dễ phổ biến, lan truyền. Tuy nhiên về nội hàm kiểu dáng công nghiệp hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau với các tiêu chí khác nhau. Có thể dẫn ra một số ví dụ như sau:
Theo định nghĩa của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), KDCN là “các khía cạnh mang tính chất trang trí hay thẩm mỹ của sản phẩm. Kiểu dáng có thể bao hàm các khía cạnh 3 chiều, ví dụ như hình dạng hoặc bề mặt của sản phẩm, hoặc các khía cạnh hai chiều như mẫu hoa văn, đường nét hoặc màu sắc. (http:..www.wto.int).
Có thể thấy, theo WIPO, KDCN được xác định trước hết ở tính chất trang trí hay thẩm mỹ của nó. KDCN cũng được xác định là biểu hiện bên ngoài của sản phẩm và biểu hiện đó có thể ở không gian hai chiều hoặc ba chiều. Định nghĩa đã lấy ví dụ về các cách thể hiện ở không gian ba chiều và không gian hai chiều của KDCN. Định nghĩa của WIPO mang tính “mở”, cho phép hiểu về KDCN theo một nghĩa rất rộng.
Theo pháp luật Mỹ, KDCN “bao gồm các đặc tính trang trí được thể hiện hay áp dụng trong một sản phẩm. Vì kiểu dáng được thể hiện ở hình dáng bên ngoài nên đối tượng bảo hộ kiểu dáng có thể là hình dạng của một sản phẩm, là trang trí mặt ngoài của một sản phẩm, hay là sự kết hợp giữa hình dạng và trang trí bề ngoài. Một kiểu dáng trang trí bề ngoài không thể tách rời sản phẩm mà nó trang trí và do vậy không thể tự thân tồn tại một mình được”.
Pháp luật Mỹ đã nhấn mạnh đặc tính trang trí của KDCN và cũng khẳng định KDCN được thể hiện ở không gian hai chiều hoặc ba chiều. Ngoài ra, pháp luật Mỹ còn đặt ra yêu cầu KDCN phải luôn gắn liền với sản phẩm cụ thể.
Khác với WIPO và Mỹ, pháp luật của Liên minh Châu Âu và một số quốc gia khác trên thế giới chỉ xác định KDCN là biểu hiện bên ngoài của sản phẩm và liệt kê cụ thể các yếu tố hợp thành KDCN như đường nét, màu sắc, bố cục v.v..
Liên minh Châu Âu định nghĩa KDCN là “hình dạng bên ngoài của một sản phẩm hay của một số bộ phận của sản phẩm. Kiểu dáng có thể được cấu thành từ các đường nét, màu, hình, bố cục hay trang trí.
Pháp luật Trung Quốc định nghĩa “Kiểu dáng là bất kỳ nét mới nào của hình dáng, kiểu dáng hay màu sắc, hay sự kết hợp của các yếu tố đó với nhau, của một sản phẩm, là những cái tạo ra một ấn tượng mang tính thẩm mỹ và thích hợp với việc áp dụng công nghiệp.” Ngoài liệt kê các dạng biểu hiện của một KDCN, pháp luật Trung Quốc còn đưa ra yêu cầu KDCN phải có khả năng áp dụng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Trên đây là một số cách định nghĩa trên thế giới về KDCN, đối với pháp luật Việt Nam, KDCN được định nghĩa như sau: “KDCN là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố đó, có tính mới đối với thế giới và dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.
Như vậy, có thể thấy, định nghĩa về KDCN theo pháp luật của các nước trên thế giới còn tồn tại những điểm không thực sự giống nhau nhưng về cơ bản, các định nghĩa đều thống nhất với nhau hai đặc điểm thuộc về bản chất của một KDCN nói chung:
Thứ nhất, KDCN phải là biểu hiện bên ngoài của sản phẩm mà người tiêu dùng có thể cảm nhận được bằng các giác quan khác nhau, giác quan chủ yếu là thị giác. Biểu hiện bên ngoài này của sản phẩm phải cảm nhận được bằng mắt thường, tạo ra một ấn tượng về thị giác, có thể là đường nét, hình khối, màu sắc, hoặc sự kết hợp những yếu tố đó, đảm bảo phân biệt được sự giống nhau hay khác biệt giữa các
sản phẩm. Cách thức biểu hiện vẻ bên ngoài của sản phẩm có thể ở dạng không gian hai chiều hoặc không gian ba chiều.
Thứ hai, KDCN phải có khả năng ứng dụng để sản xuất ra sản phẩm bằng phương pháp công nghiệp hay thủ công nghiệp. Tổng hợp các đặc điểm tạo dáng không gắn liền với sản phẩm sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa KDCN. Pháp luật của hầu hết các nước đều quy định về khả năng áp dụng công nghiệp của KDCN. Theo đó, KDCN phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp (Hoa Kỳ, EU, Indonesia, Malaysia, Philippines…) hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm được sản xuất công nghiệp (Nhật Bản, Hàn Quốc…)
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã đưa hai tiêu chí trên vào trong định nghĩa về KDCN. Có thể thấy pháp luật Việt Nam về KDCN khá tương đồng với pháp luật các nước trên thế giới.
Ví dụ về kiểu dáng công nghiệp:
Nguồn:http://www.luatsurieng.vn/bao-ho-kieu-dang-cong-nghiep/dang-ky- bao-ho-kieu-dang-cong-nghiep-hs.html
Với các đặc điểm trên, KDCN có những chức năng cụ thể như sau:
- KDCN mang chức năng thẩm mỹ, tức là KDCN cần phải có tính thẩm mỹ, làm hài lòng người tiêu dùng, người sử dụng sản phẩm mang kiểu dáng đó. Đây là chức năng cơ bản và quan trọng nhất của KDCN. Một trong những tiêu chí cơ bản để một KDCN được bảo hộ đó là tính thẩm mỹ, từ đó, ta có thể thấy, đề cập tới KDCN là đề cập tới vẻ đẹp, tính hấp dẫn ở hình khối, dáng vẻ bên ngoài của sản phẩm. Chính tính thẩm mỹ này mang lại giá trị kinh tế cho KDCN.
- KDCN có chức năng nâng cao tiện ích của sản phẩm. Bên cạnh chức năng quan trọng nhất là chức năng thẩm mỹ, còn một chức năng khác của KDCN là chức năng nâng cao sự thuận tiện và lợi ích của sản phẩm. Mặc dù không như giải pháp hữu ích nhưng thực tế cho thấy, thông thường cùng với sự sáng tạo KDCN hướng đến tính thẩm mỹ thì đồng thời cũng cần quan tâm đến khả năng tiện dụng trong việc sử dụng sản phẩm. Nếu sản phẩm gây bất tiện do người sử dụng hoặc làm mất đi bản chất đặc trưng của sản phẩm thì sản phẩm sẽ không còn hữu dụng cho mục đích sử dụng như ban đầu nó hướng tới. Do đó, khi sáng tạo KDCN, không chỉ có khía cạnh thẩm mỹ được chú trọng mà ngay cả việc tiện lợi trong sử dụng sản phẩm cũng phải được quan tâm hàng đầu.
- KDCN đóng vai trò để phân biệt các sản phẩm cùng loại. Khi những sản phẩm có cùng tính năng sử dụng thì dáng vẻ bên ngoài chính là cơ sở để phân biệt những sản phẩm đó với nhau. Ví dụ, đều là điện thoại di động nhưng không cần thiết phải nhìn vào nhãn hiệu hay dòng chữ được in trên máy mà chỉ cần nhìn từ xa, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng nhận ra và phân biệt những loại điện thoại khác nhau như điện thoại Nokia, Apple, HTC…
1.1.2. Phân loại kiểu dáng công nghiệp
Trên cơ sở khái niệm KDCN, có thể phân loại KDCN dựa trên các hình thức biểu hiện bên ngoài sản phẩm như sau:
(i) Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng của sản phẩm
Loại KDCN là hình dáng của sản phẩm chính là dáng vẻ bề ngoài của một sản phẩm nhất định. Hình dáng được hiểu là “hình của một vật làm thành vẻ riêng
bên ngoài của nó” và hình là “toàn thể nói chung những đường nét giới hạn của một vật trong không gian làm phân biệt rõ vật đó với xung quanh”. Hình dáng có thể là hình dạng phẳng (hai chiều) hoặc hình không gian (ba chiều) của sản phẩm. Ví dụ như dáng vẻ của một chiếc điện thoại di động mang đặc trưng bởi hình thù (là sự kết hợp bởi các thành phần như màn hình, các phím bấm,…) mà khi nhìn vào ta có thể phân biệt chiếc điện thoại của nhà sản xuất này với những chiếc điện thoại của nhà sản xuất khác. Đối với loại KDCN này, biểu hiện bên ngoài của sản phẩm chỉ là dáng vẻ của nó mà thôi chứ không chứa các họa tiết hay màu sắc nào cả.
(ii) Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp của hình dáng và họa tiết
Loại KDCN này bao gồm cả hình dáng và họa tiết tức là bên cạnh dáng vẻ của sản phẩm thì bên ngoài sản phẩm còn được thể hiện bởi các họa tiết. Họa tiết là hình vẽ đã được cách điệu hóa, dùng để trang trí. Vẫn lấy ví dụ chiếc điện thoại di động nói trên, bên cạnh dáng vẻ, hình thù, chiếc điện thoại này còn được trang trí ở vòng ngoài bằng những hình vẽ trang trí bắt mắt… Và tổng thể hình dáng, họa tiết bên ngoài của sản phẩm đã tạo nên tính khác biệt của sản phẩm đó.
(iii) Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp của hình dáng và màu sắc
Đối với loại KDCN này thì hình dáng bên ngoài của sản phẩm được biểu hiện bởi dáng vẻ, hình thù kết hợp cùng màu sắc trang trí. Màu sắc ở đây là màu của chính sản phẩm có được do nguyên liệu được sử dụng trong thực thể hoặc màu của thuốc nhuộm hoặc sơn phủ lên sản phẩm. Cùng là ví dụ về chiếc điện thoại di động như nói trên, trong trường hợp này, kiểu dáng của chiếc điện thoại lại được thể hiện bởi dáng vẻ cùng với màu sắc được dùng để trang trí, tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm.
(iv) Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp của hình dáng, họa tiết và màu sắc
Khác với các loại KDCN nói trên, loại KDCN này mang trong nó tất cả các yếu tố thể hiện: hình dáng, họa tiết và màu sắc. Chiếc điện thoại di động lúc này được thể hiện bởi hình dáng, các hình vẽ và cả màu sắc trang trí. Hiện nay, loại KDCN này là phổ biến nhất do nhu cầu về thẩm mỹ ngày càng cao cùng với trình độ sáng tạo và khoa học kỹ thuật phát triển giúp tạo ra những KDCN này.