dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) của Lý Công Uẩn ra thành Thăng Long khiến cho trung tâm kinh tế ở vùng này ngày càng phát triển. Vào những năm đầu Công nguyên, Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã trở thành một trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của cả nước.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường chính: Đường thủy thông qua việc buôn bán với các thương gia Ấn Độ, theo con đường này Phật giáo mang màu sắc của Tiểu thừa Nam tông; Đường bộ thông qua việc giao lưu với Trung Hoa, theo đó Phật giáo mang màu sắc của Đại thừa - Phật giáo Bắc tông. Phật giáo Đại thừa được truyền vào vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm các dòng Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Trải qua quá trình phát triển, Phật giáo có thời kỳ là tôn giáo chủ lưu ở thời Lý - Trần và tư tưởng, văn hóa, đạo đức Phật giáo đã bám rễ và ảnh hưởng sâu sắc đến con người và xã hội Việt Nam.
Với sự phát triển của trung tâm Phật giáo ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành
- Bắc Ninh), trải qua thời gian, Phật giáo vùng đồng bằng sông Hồng có những giai đoạn phát triển hưng thịnh, song cũng có giai đoạn suy thoái và phục hưng. Việc bản địa hóa thế giới quan Phật giáo sao cho phù hợp với đời sống văn hóa bản địa của vùng đồng bằng sông Hồng khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc, vào văn hóa bản địa một cách tự nhiên. Điều này khiến cho thế giới quan Phật giáo vùng đồng bằng sông Hồng có những nét đặc trưng riêng.
Thế giới quan Phật giáo trong đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng ngày càng được ăn sâu, bám rễ chặt chẽ qua thời gian, hình thành nếp sống, lối sống, tư duy của người dân mang đậm dấu ấn Phật giáo. Cùng với sự phát triển của Nho giáo, Phật giáo tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm trong đời sống tinh thần người người Việt nói chung và người dân đồng bằng sông Hồng nói riêng.
- Thiền tông
Khi nói đến Phật giáo vùng đồng bằng sông Hồng, chúng ta cũng không thể bỏ qua nét đặc trưng trong lối tu thiền của Phật giáo. Thế kỷ thứ VI tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi về phương Nam truyền bá thiền tông, sang Việt Nam ở tại chùa
Dâu. Đến thế kỷ thứ IX có ngài Vô Ngôn Thông sang Việt Nam truyền thiền nên có phái thiền Vô Ngôn Thông. Sau này có ngài Thảo Đường đến Thăng Long vào thời nhà Lý, các vua quan nhà Lý rất kính phục, tôn sùng và Ngài trở thành Tổ của phái thiền Thảo Đường ở Việt Nam. Như vậy từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X, Thiền tông hưng thịnh ở Việt Nam do ba hệ phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Đến vua Trần Nhân Tông sau này. Sau khi đăng vị, vua Trần Nhân Tông vừa lo việc trị nước vừa nghiên cứu nội điển để tu tập, Ngài lên núi Yên Tử và rừng Trúc ở Ngọa Vân Am chuyên tu. Năm năm tu khổ hạnh tại rừng Trúc, Ngài hoàn toàn ngộ đạo, vì vậy có hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Từ đó Ngài mới đi truyền bá, lập thành hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Có thể bạn quan tâm!
- Nội Dung Cơ Bản Của Thế Giới Quan Phật Giáo
- Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng Sông Hồng hiện nay - 7
- Đặc Trưng Thế Giới Quan Phật Giáo Ở Vùng Đồng Bằng Sông Hồng
- Đời Sống Tinh Thần Của Người Dân Đồng Bằng Sông Hồng
- Một Số Nét Cơ Bản Về Đời Sống Tinh Thần Của Người Dân Đồng Bằng Sông Hồng Hiện Nay
- Thực Trạng Ảnh Hưởng Của Thế Giới Quan Phật Giáo Đối Với Đời Sống Tinh Thần Người Dân Đồng Bằng Sông Hồng Hiện Nay
Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.
Thiền Tông quan niệm đằng sau thế giới hiện tượng có một thế giới chân thực không thể diễn tả bằng khái niệm và được gọi là thực tại phi hiện tượng, thực tại tối hậu bất biến hay ngôn ngữ Thiền gọi là Chân như, Bản tâm, Phật tính. Thế giới hiện tượng luôn phụ thuộc vào luật Nhân quả và luật Duyên khởi, do vậy, chúng vận động, biến đổi không ngừng. Không có hiện tượng nào hoàn toàn độc lập, bất biến; trái lại, chúng đều trong vòng biến đổi thành - trụ - hoại
- diệt của sự vận động thái cực có - không. Các hiện tượng chỉ là ảo ảnh của bản thể và được gọi là “vô thường”, “vô ngã” hay “không thường còn” với nghĩa là không tồn tại đích thực.
Chân như, Phật tính là bản chất đích thực của thế giới, là bản thể siêu vượt thái cực có - không của mọi hiện tượng, là bản thể tối hậu, là nơi sinh ra và trở về của mọi hiện tượng và do vậy, không thể mô tả bằng khái niệm, không thể nắm bắt và nhận thức bằng con đường nhận thức thông thường của suy lý, lôgíc. Chân như không có nghĩa là phủ nhận mọi khả năng nhận thức thực tại, mà chỉ phủ nhận khả năng đạt tới giá trị tuyệt đối bằng con đường nhận thức thế giới hiện tượng, nhận thức lý tính còn thuộc giới hạn của vô minh, vì không thể nắm bắt được tồn tại đích thực đằng sau thế giới hiện tượng. Chân như hay thực tại tuyệt đối này chỉ có thể nhận biết, nắm bắt bằng
năng lực đặc biệt của tuệ giác, một năng lực vốn sẵn có nơi mỗi người và chúng sinh.
Giác ngộ theo quan niệm của Thiền tông trước hết có ý nghĩa là giải thoát, là nhận thức được thực tại tối hậu và giác ngộ bản tâm để tiến tới giải thoát với nghĩa là thoát khỏi vô minh và vòng luân hồi. Trên cơ sở quan niệm đó, Thiền tông đã triển khai một loạt các phạm trù sâu sắc trong hệ thống của mình về khổ và giải thoát, nhận thức trực giác, tri giác, đốn ngộ và tiệm ngộ.
Nói đến Thiền tông là nói đến tinh thần vô chấp, buông xả mọi vọng niệm, dứt trừ mọi suy tưởng, dám khẳng định chính mình, quay lại chính mình, chỉ thẳng vào vấn đề mà không bị lệ thuộc vào bất cứ một thứ gì, đứng ngoài kinh giáo, không mượn văn tự để nói rõ thực tại chỉ dùng phương pháp thực tu, thực chứng để đi vào chân lý thực tại. Theo Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền giả có tinh thần không chấp trước, không gán ghép cho thực tướng của các pháp với một thuộc tính nào, cảnh giới của Thiền vượt ngoài ngôn ngữ và văn tự, tư duy và khái niệm. Còn Thiền học của Phái Vô Ngôn Thông là đạt đến cảnh giới vô niệm, một cảnh giới nội tâm hoàn toàn vắng lặng, dứt hết mọi suy nghĩ, những xáo trộn của tâm thức đều được dập tắt; khi ấy, trí tuệ vốn có của con người bừng sáng, và hiển lộ rõ ràng ngay hiện tiền. Đó chính là sự giác ngộ và đạt đến cảnh giới an lạc, Niết bàn tự tâm.
Trên tư tưởng về Thiền tông, dựa trên sự tĩnh lặng để nhận biết khắp cả mười phương thế giới đều huyễn hoặc, chân lý không ở đâu xa, nó luôn hiện hữu ngay tại đây và bây giờ, ở nơi mỗi con người, chân lý ấy chỉ có thể cho những ai thực tu và cảm nhận chính mình, chứ không phải chỉ nắm bắt một chân lý suông hay một ngôn từ triết lý nào, cũng không phải qua sách vở hay một ý thức hệ nào, nó luôn là thực tại, không có bao hàm ý nghĩa của thời gian nhanh hay chậm, mà nó luôn ẩn chứa trong mỗi con người.
Sau khi Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật, đã đổi tên thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trên cơ sở kế thừa tư tưởng Thiền Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã tìm thấy trong đạo
Phật những yếu tố tích cực có thể tăng cường sự đoàn kết dân tộc và đặc biệt củng cố nền “đạo đức xã hội”. Ngài luôn sống hồn nhiên và tự tại, sống giữa đời mà vẫn vui với đạo, tuy ở ngôi vị cao nhất của xã hội nhưng Ngài không hề hối tiếc, buông xả tất cả những gì mình có, để đi tìm một cuộc sống bình thường nhất. Con người Phật mà Thiền phái Trúc Lâm quan niệm, đó là con người không tham, sân, si; là con người sống cao đẹp, hết mình vì dân, vì nước. Đó là ý nghĩa đích thực của nhân sinh, là lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở con người vì sao có mặt trên thế gian này.
Do đó, có thể thấy, Thiền tông quan niệm Phật tính là bản giác, là khả năng thành Phật của mỗi con người đều có sẵn trong mỗi chúng ta, mỗi con người đều có Phật tính, có sẵn một vị Phật. Điểm này chuẩn bị cho con người một niềm tin mạnh mẽ và đầy trí tuệ vào khả năng, tiềm lực của bản thân để đối chọi với thế lực bên ngoài.
- Tịnh độ tông
Tịnh độ tông lấy ba bộ kinh và một bộ luận làm nền tảng cho tư tưởng của mình: kinh Vô Lượng Thọ nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát nguyện 48 lời nguyện để cứu độ chúng sinh, kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng niệm Phật, kinh A Di Đà miêu tả thế giới Cực lạc và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế Thân tán thán và giảng về ý nghĩa của ba bộ kinh trên. Tịnh độ là một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với người Phật tử tại nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam.
Theo quan niệm của Tịnh độ tông thì cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà là nơi có hạnh phúc tuyệt đối mà không có mảy may một chút khổ đau. Thế giới Cực lạc không chịu chi phối bởi các quy luật trong thế giới luân hồi, ngoài ra còn những đặc điểm tiêu biểu như không có ô uế, không có phiền não, thọ mạng lâu dài... Như vậy Tịnh độ cũng là một khái niệm khác của Niết bàn, vì Niết bàn có nghĩa là dập tắt mọi khổ đau. Trong ý nghĩa hẹp hơn thì đó là một thế giới ở phương Tây, khác với thế giới luân hồi đầy đau khổ.
Đây là một thế giới lý tưởng, là môi trường tốt cho sự tu hành và đạt được hạnh phúc tối thượng.
Con đường tu tập của pháp môn Tịnh độ dựa trên ba nguyên tắc: Tín, nguyện và hạnh. Tín là niềm tin, ước muốn và hướng tâm về thế giới Cực lạc. Niềm tin của hành giả Tịnh độ rất rõ, tin rằng Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc là có thực. Nguyện là mọi suy nghĩ đều hướng tới tận trừ những khổ đau của thế giới luân hồi và ước nguyện mãnh liệt sinh sang cõi Tịnh độ. Hạnh là mọi suy nghĩ, hành động và lời nói phải liên tục duy trì niềm tin, ước nguyện được sinh về cõi Tịnh độ.
Phương pháp tu tập của Tịnh độ tông chính yếu là phương pháp niệm Phật, mục đích của pháp niệm Phật A Di Đà là đưa đến nhất tâm, nhằm chế ngự mọi vọng tưởng của tâm. Phương pháp niệm Phật là thực hành chính niệm, như vậy xét về mặt bản chất, pháp môn niệm Phật không khác với thiền quán, nó là cốt lõi của các pháp môn.
Tịnh độ tông là tông phái được phổ biến rộng rãi bởi phù hợp với nhiều căn cơ khác nhau. Trong đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, thì Tịnh độ tông hòa quyện, bổ sung, làm sâu sắc thêm truyền thống hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Khi có người thân lìa đời hay những dịp lễ lớn, người dân đồng bằng sông Hồng thường làm lễ cầu siêu cho vong linh được siêu thoát về cõi tịnh độ đức Phật A Di Đà, qua đó cũng đồng thời khuyến tấn mỗi người biết bỏ việc xấu ác, làm những việc lành để xây dựng cõi Tịnh độ ngay tại thế gian.
- Mật tông
Mật tông hay Kim Cang thừa, là giai đoạn phát triển thứ ba của Phật giáo Đại thừa, sau Bát nhã và Duy thức. Quan niệm về thế giới của Phật giáo Mật tông vô cùng đa dạng tuy nhiên tập trung ở tư tưởng ngũ đại thanh tịnh. Nếu như Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa cho rằng năm yếu tố đất-nước- gió-lửa-thức cấu tạo nên thế giới là do duyên giả hợp, vô thường và khổ đau thì Phật giáo Mật tông cho rằng năm yếu đó chính là năm bộ Phật. Giả hợp, vô thường và khổ đau là do nhận thức của con người thiếu trí tuệ, còn nếu đủ trí
tuệ sẽ nhận thức được bản chất đích thực của thế giới và năm yếu tố cấu tạo nên thế giới.
Tư tưởng ngũ đại thanh tịnh tức là toàn bộ thế giới này vốn là các cõi tịnh độ trong Mật tông được mô tả bằng các đồ hình Mandala trong đó toàn bộ âm thanh được mô tả là mật chú, mọi sắc tướng là thân Phật, mọi tư tưởng đều là trí tuệ Phật và mọi hành động đều là Phật hạnh. Bằng cách này người thực hành có thể nhanh chóng chuyển hóa tâm thức thế gian thành trí tuệ và đạt được giác ngộ. Nếu như Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa cho rằng có thể cần phải đến vô số kiếp mới có thể đạt tới giác ngộ thì đây là cơ sở để giáo lý Mật tông cho rằng người thực hành có thể giác ngộ ngay trong một đời người. Do đó nhiều học giả và Phật tử cho rằng Mật tông là quả thừa còn Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa là nhân thừa.
Mật tông là phần bí truyền của thực hành Phật giáo, nó thường được gọi là Kim Cương thừa hay con đường kim cương. Tất cả những giáo lý của các chùa chúng ta đều nhằm dẫn dắt chúng sinh đến sự giải thoát khỏi khổ đau của vòng sinh tử luân hồi. Đó là mục đích duy nhất của thực hành Phật giáo. Trong các buổi thực hành Phật giáo, người Phật tử gia trì các câu thần chú, thủ ấn và quán tưởng có liên quan của vị bổn tôn đó. Mật tông diễn tả bản thể nguyên thủy, tức Phật tính bằng năm vị Phật thiền, thường được gọi là Ngũ trí Như lai, năm vị Phật Thiền tức năm Trí được chuyển hóa từ năm thức của tâm thế gian khi giác ngộ.
Đạo Phật đưa ra những phương pháp diệt khổ, xuất phát từ sự nhìn thấy khổ đế và tập đế. Phương pháp diệt khổ bắt đầu bằng cách sửa đổi và tiêu diệt nguyên nhân gây khổ, như tịnh hóa thân tâm bằng trì giới và thực hành các phép định và quán. Bằng cách này người thực hành có thể chuyển hóa tâm thức thế gian thành trí tuệ và đạt được giác ngộ. Mật tông, căn cứ vào triết lý lý sự vô ngại và sự sự vô ngại của kinh Hoa Nghiêm, để nhìn thấy sự đồng nhất giữa con người và vũ trụ, giữa phàm nhân và thánh nhân. Mật Tông dùng cách đồng hóa thân tâm của người đệ tử chưa giác ngộ với chính thân tâm của một vị Phật hay một vị thầy đã giác ngộ. Mật tông đòi hỏi sự quán đỉnh hoặc gia trì của một
vị thầy hay đạo sư đủ phẩm chất, người đưa ra những giáo lý, nghi thức và các phép thực hành đặc biệt cho phép đệ tử nhổ bỏ hay loại trừ những mặt tiêu cực trong tâm mình từ đó trở thành như chư Bồ tát và chư Phật. Các năng lực phi thường được coi như là kết quả tự nhiên của việc giác ngộ và được sử dụng bởi những vị thầy đủ phẩm chất.
Quan niệm về ngũ đại thanh tịnh, thế giới này chính là các cõi tịnh độ trong giáo lý Phật giáo Mật tông phản ánh khát vọng, niềm tin mãnh liệt vào khả năng có thể thoát khỏi khổ đau, đạt tới hạnh phúc, an lạc đích thực nơi mỗi con người.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Vào thế kỷ thứ VI, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 - dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành - đều khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni, một bản kinh rất phổ biến của Mật tông. Thiền uyển tập anh còn cho thấy, trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn có những vị thiền sư giỏi về Mật tông, như: Vạn Hạnh, Thiền Nham, v.v…
- Sự kết hợp linh hoạt, sáng tạo giữa các tông phái
Các tông phái Phật giáo ở vùng đồng bằng sông Hồng đã thấm nhuần trong tâm thức, đời sống của người dân trải qua hàng ngàn năm. Một trong những nét nổi bật, trở thành bản sắc độc đáo thế giới quan Phật giáo vùng đồng bằng sông Hồng là sự kết hợp linh hoạt giữa Thiền-Tịnh-Mật. Các cao tăng, Phật tử, người dân đồng bằng sông Hồng luôn biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt các triết lý, phương pháp tu tập sao cho phù hợp với truyền thống, văn hóa, tư duy của dân tộc, vùng miền. Thiền phái Vô Ngôn Thông, chịu dấu ấn của Mật tông khá rõ, điển hình qua các vị thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học. Ngay thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Thiền tông, dấu ấn Mật tông vẫn thể hiện rất đậm nét. Ngài Pháp Loa (Nhị tổ thiền phái Trúc Lâm) cũng dành nhiều thì giờ cho việc trì chú. Ngài cũng phân tích và chú thích một kinh văn có
khuynh hướng Mật tông là Kim Cương trường Đà la ni khoa chú. Hành giả Mật tông vẫn tích cực nhập thế, làm những việc thiện lành cho dân tộc, đất nước. Những Phật tử Tịnh độ tông vẫn kết hợp trì chú vãng sinh, thiền định về bản chất mộng huyễn, khổ đau của thế giới luân hồi, thiền định về bản chất an lạc, giải thoát của cõi tịnh độ. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam không có duy nhất một tông phái nào, tất cả các tông phái kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa với nhau để phụng sự chúng sinh với mục tiêu và lý tưởng giác ngộ.
Về giáo lý, thế giới quan Phật giáo nói chung và thế giới quan Phật giáo nói riêng ở vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều điểm gần gũi với tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân với những giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là thế giới quan hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, khuyến thiện tránh ác, hạn chế những dục vọng cá nhân tầm thường. Với tinh thần từ, bi, hỷ, xả, thế giới quan Phật giáo luôn đề cao tinh thần nhân ái, vị tha, sống vì mọi người, sẵn sàng hy sinh để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Ngũ giới, Thập thiện, Bồ Tát giới... của Phật giáo là những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức mà con người cần tu tập, rèn luyện để hoàn thiện đạo đức cá nhân và điều chỉnh hành vi giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.
Những tư tưởng của thế giới quan Phật giáo hòa quyện với những giá trị nhân bản của Nho giáo đã có tác dụng to lớn trong việc định hướng suy nghĩ, hành động của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, hướng con người đến việc hoàn thiện đạo đức như sống thiện, có hiếu với cha mẹ, kính trên nhường dưới... Phật giáo luôn khuyến khích con người “tự giác” để nêu gương và “giác tha” cho người khác, “giúp con người đến chân lý và nhân tính” [2, tr.16], cùng vì mình và vì mọi người để đạt tới cảnh giới cao nhất trong quá trình tu tập của Phật giáo đó là Niết bàn.
Trong quan hệ giữa người với người, thế giới quan Phật giáo chú ý đến mối quan hệ hài hòa, lối sống vị tha, đoàn kết. Điều này được thể hiện rõ nét trong tư tưởng Lục hòa của nhà Phật. Tư tưởng bác ái, cứu nhân độ thế, vị tha của thế giới quan Phật giáo đã không ngừng vun đắp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng.