Một Số Nét Cơ Bản Về Đời Sống Tinh Thần Của Người Dân Đồng Bằng Sông Hồng Hiện Nay


văn hóa truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng, đạo đức lối sống, nghệ thuật... Các lĩnh vực này có tác động qua lại, đan bện chặt chẽ với nhau, ranh giới phân chia các lĩnh vực chỉ mang tính chất tương đối.

2.2.2. Một số nét cơ bản về đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng hiện nay

Đồng bằng sông Hồng được hình thành do sự bồi đắp phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là vùng có vị trí khá thuận lợi, được xem là trung tâm của sự thông thương giữa vùng Tây Bắc và Đông Bắc, giữa vùng núi phía Bắc với vùng Bắc Trung Bộ và vùng Duyên hải miền Trung. Đây cũng là cầu nối thông thương với Trung Quốc, tiếp giáp với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Theo niêm giám thống kê năm 2013, đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Đồng bằng sông Hồng là một vùng đất đặc trưng cho nền văn minh lúa nước. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng khá phong phú, đa dạng được hình thành, hun đúc qua nhiều thế hệ, tạo nên những giá trị bền vững, đặc trưng của vùng. Đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng vừa mang bản chất chung của đời sống tinh thần xã hội vừa có những nét đặc thù. Nghiên cứu đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng là sự tiếp cận lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội, nhằm đảm bảo tính tương ứng của quan niệm khoa học về một địa bàn cụ thể với một chủ thể xác định. Với ý nghĩa đó, đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng là tổng hòa những giá trị, những hoạt động, những quan hệ tinh thần, phản ánh đời sống vật chất của người dân đồng bằng sông Hồng trong những giai đoạn lịch sử, xã hội nhất định.

Từ năm 1986 trở lại đây, do đời sống vật chất có những bước phát triển vượt bậc, kéo theo đó đời sống tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được nâng cao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và giao lưu quốc tế, do tiếp thu các tư tưởng tiến bộ nên bên cạnh những yếu tố truyền thống, đời sống tinh thần của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng còn mang dấu ấn thời đại. Có


thể khái quát một số nét cơ bản về đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng hiện nay như sau:

Trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống

Cũng như nhân dân cả nước, hệ tư tưởng chủ đạo đóng vai trò nền tảng của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những tiền đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã cung cấp cho người dân nơi đây thế giới quan chính trị, nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong đời sống xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Từ sau năm 1945, quyền làm chủ của nhân dân cả nước ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Người dân vùng đồng bằng sông Hồng ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quyền dân chủ đã giúp nhân dân tiếp cận thông tin, tham gia vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội thông qua các hội đoàn như Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các chi bộ ở cơ sở... Người dân vùng đồng bằng sông Hồng tích cực tham gia vào phong trào sản xuất, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

Trên lĩnh vực đạo đức, sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa những giá trị đạo đức, lối sống truyền thống với các yếu tố thời đại đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống đạo đức, đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng. Các giá trị truyền thống của dân tộc như truyền thống yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, các giá trị đạo đức được truyền từ đời này qua đời khác vẫn là những nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân vùng đồng bằng sông Hồng tích cực tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực tinh thần cho xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ


Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng Sông Hồng hiện nay - 11

thiện đã được phát triển rộng rãi, góp phần thúc đẩy việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn vùng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên xa rời quần chúng, xa rời lý tưởng cách mạng, có biểu hiện chạy chức chạy quyền, tham nhũng, không dám đấu tranh vì lẽ phải. Tư tưởng tôn sùng đồng tiền, chủ nghĩa cá nhân khiến cho lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị phai nhạt.

Quan hệ mật thiết của truyền thống xã hội nông nghiệp xưa kia không còn đậm nét. Có thể nói, nếp sống công nghiệp và hiện đại đã làm xơ cứng lối sống tình cảm, mất đi những cảnh sinh hoạt thanh bình của làng quê, tình cảm gắn con người với thiên nhiên. Thế giới tinh thần, tình cảm không những ít được quan tâm mà ngày càng bị nghèo đi, thậm chí còn bị què quặt. Đây là sự mất mát to lớn đối với lối sống của người Việt Nam hiện nay [86, tr.33-34].

Do đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống chưa được ngăn chặn, phủ nhận, xem thường các giá trị truyền thống ở một bộ phận nhân dân là bài toán tư tưởng, đạo đức cấp thiết hiện nay cần được giải quyết.

Trên lĩnh vực phong tục, tập quán

Ở khu vực đồng bằng sông Hồng, tính cố kết cộng đồng, làng xã là một trong những nét đặc trưng cơ bản, tiêu biểu hình thành nên giá trị đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tính cộng đồng ở khu vực đồng bằng sông Hồng đã kết nối những cá nhân riêng lẻ thành một khối thống nhất, đoàn kết, gắn bó giữa người với người, giữa con người với xã hội. Những sinh hoạt cộng đồng như hội làng, các hoạt động tế lễ, cưới xin, ma chay... đều là công việc chung, mọi người cùng làm, cùng lo gánh vác, chia sẻ với nhau. Trong cộng đồng làng xã khu vực đồng bằng sông Hồng, tính bình đẳng ấy đã khơi dậy sự nhiệt tình của mọi người, mỗi người đều góp công, góp sức chung vì làng xóm, ai cũng đều cảm thấy mình là người chủ động, sáng tạo và hưởng thụ. Chính điều đó khiến cho cộng đồng, làng xã khu vực này có sự gắn kết chặt chẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu phương thức sinh sống là nôi hình


thành tính cộng đồng làng xã thì làng chính là không gian nuôi dưỡng, duy trì những giá trị truyền thống ấy. Tính tập thể trong cộng đồng làng xã ở khu vực đồng bằng sông Hồng còn được biểu hiện thông qua các không gian văn hóa tâm linh như đình, chùa, miếu... Vào các ngày lễ, ngày tết, các dịp lệ hội người dân ra đình, ra chùa cùng nhau thực hiện những nghi lễ tâm linh.

Bên cạnh lối sống cộng đồng, làng xã, những giá trị đạo đức truyền thống có ý nghĩa định hướng lối sống hành vi của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi thành viên đều tắm mình trong không khí cộng đồng, những giá trị đạo đức được truyền từ đời này sang đời khác, chi phối lối sống của mỗi người dân. Tính cộng đồng và những giá trị đạo đức có tác dụng gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, không chấp nhận những nhân tố phá vỡ tính cộng đồng của nó.

Trong bối cảnh hiện nay, đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Hồng được nâng cao, đời sống vật chất và đời sống tinh thần được cải thiện, tính cố kết cộng đồng và những giá trị đạo đức, phong tục, tập quán đã trở thành lối sống của người dân và sức lan tỏa rộng rãi. Tính cố kết cộng đồng không chỉ được thể hiện trong lao động sản xuất mà còn được thể hiện trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong việc bàn thảo các việc chung của làng, xã, khu dân cư hiện nay.

Trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống

Với quá trình lịch sử văn hóa lâu đời, cư dân vùng đồng bằng sông Hồng đã xây dựng và bảo tồn được một hệ thống những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc và độc đáo, tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Nói đến văn hóa truyền thống ở vùng đồng bằng sông Hồng phải kể đến những bài ca dao, tục ngữ, các làn điệu hát ru, làn điệu chèo, quan họ, xẩm, ca trù... mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Những nét văn hóa truyền thống đó đã in dấu ấn sâu sắc trong đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống,


thể hiện văn hóa ứng xử của con người với con người, con người với xã hội, con người với tự nhiên.

Kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng phong phú và đa dạng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng. Nói đến ca dao tục ngữ là nói đến hình thức văn hóa truyền miệng, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, sống động lâu đời trong đời sống dân cư. Những bài ca dao, tục ngữ đề cập đến cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa chính và tà... Qua ca dao, tục ngữ, người dân gửi gắm vào đó những quan niệm sống, ước mơ, những lời răn dạy, kinh nghiệm sống của người dân,... phản ánh phong tục, tập quán, lối sống và suy nghĩ của người dân. Các làn điệu hát ru, dân ca, quan họ, chèo, ca trù, xẩm... đã tạo nên những nét đặc sắc riêng trong đời sống tinh thần người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, thể hiện nét đẹp văn hóa của từng vùng như quan họ vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh), chèo (Thái Bình), hát ca trù (Hà Nội), xẩm của những người hát rong, những làn điệu hát ru... Người dân cũng đã gìn giữ những làn điệu dân ca mang đậm một đời sống nghệ thuật đặc sắc qua nhiều thế hệ. Dòng mạch chính của đời sống văn hóa nghệ thuật ở đồng bằng sông Hồng hiện nay vẫn là chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó với dân tộc, nhân văn, phản ánh chân thật cuộc sống lao động, đấu tranh và xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân nơi đây. Trong giai đoạn hiện nay, những nghệ thuật văn hóa truyền thống đã trở thành nét đẹp văn hóa, bản sắc riêng, là niềm tự hào văn hóa của vùng. Việc khôi phục các làn điệu dân ca được nhiều hội đoàn phục dựng nhằm gìn giữ những giá trị truyền thống, quảng bá đến đông đảo quần chúng nhân dân về nghệ thuật đặc sắc đó.

Trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đồng bằng sông Hồng khá phong phú và đa dạng, có cả những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo thờ đa thần và nhất thần. Tín ngưỡng, tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng, mang lại những giá trị đạo đức, lối sống, quan niệm sống, định hướng hành vi của người dân trong đời sống xã hội. Nhìn


một cách tổng thể, đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, song có lẽ yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc hơn cả.

Đồng bằng sông Hồng hiện nay tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau, có cả những tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... cũng có một số hiện tượng tôn giáo mới như Long Hoa Di Lặc, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Ngọc Phật Hồ Chí Minh... Chính điều này đã mang lại cho khu vực đồng bằng sông Hồng một bức tranh sinh động về đời sống tôn giáo. Đời sống tôn giáo ở khu vực đồng bằng sông Hồng khá sôi động với nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo như mỗi dịp Tết đến người dân đi lễ đầu năm cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, mỗi dịp rằm tháng Giêng các chùa thường tổ chức lễ dâng sao giải hạn, ngày rằm mồng một người dân đi lễ chùa, cầu xin sự gia hộ của đức Phật; Đại lễ Vu lan, Phật đản, lễ Noel... được tổ chức khá rầm rộ và thu hút đông đảo người dân tham gia.

Trong đời sống tín ngưỡng, có các tín ngưỡng điển hình như tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng làng, thờ tổ tiên... Trong đó có một bộ phận người dân tham gia vào hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu. Các buổi lên đồng được tổ chức khá rầm rộ, điển hình cho các trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu như phủ Dày (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), Tây Thiên (Vĩnh Phúc)... và rất nhiều cơ sở thờ Mẫu trải khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Người dân tham gia sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu luôn cho rằng con người có căn duyên với Mẫu, nghĩa là được “Cha chấm lính, Mẹ bắt đồng” buộc phải ra hầu Mẫu, phụng sự nhà Thánh, mong được yên căn yên số, mong được nhà Thánh giúp đỡ về công việc, gia đình, sức khỏe...

Tuy nhiên, hiện tượng thương mại hóa hoạt động tôn giáo làm vẩn đục bầu sinh hoạt văn hóa tâm linh. Hoạt động mê tín dị đoan đang có xu hướng gia tăng làm cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng bị những kẻ “buôn thần bán thánh” lợi dụng. Một số người chưa tuân thủ pháp luật, còn tổ chức truyền đạo trái phép. Việc xây sửa, tu bổ chùa chiền, phát triển lễ hội một cách tràn lan, thái quá với kiến trúc lai căng, lòe loẹt, lễ hội triền miên làm hao tốn tiền của,


công sức của cư dân trong vùng. Có số ít các chức sắc Phật giáo còn sa ngã bởi cám dỗ trong cuộc sống đời thường vì ái dục, chưa gì bỏ được tham, sân, si, dẫn tới những hành vi không chỉ phạm giới luật mà cả pháp luật. Nói rộng ra ở vùng đồng bằng Bắc bộ, hiện tượng thỉnh vong, cúng “oan gia trái chủ” để trục lợi ở chùa Ba Vàng là một ví dụ điển hình cho điều này.


Tiểu kết chương 2


Có thể nói, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và nhanh chóng được mọi tầng lớp người trong xã hội tiếp nhận, không cần sự cưỡng chế hay thôn tính nào. Trong quá trình tồn tại tồn tại và phát triển Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống tinh thần của nhân dân ta nói chung và người dân đồng bằng sông Hồng nói riêng. Thế giới quan Phật giáo với mục đích cuối cùng và duy nhất giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau để có cuộc sống an lạc trong hiện tại đã giúp Phật giáo đi vào trong đời sống người Việt Nam nói chung và với người dân vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động. Phật giáo vượt qua khuôn khổ về tín ngưỡng tôn giáo thông thường để trở thành nét văn hóa, những giá trị tinh thần trong cuộc sống của nhiều thế hệ.

Trong Chương 2, luận án đã làm rõ về một số nội dung cơ bản của thế giới quan Phật giáo và đời sống tinh thần để làm cơ sở cho những nhận thức về sự ảnh hưởng của tư tưởng về thế giới của Phật giáo đối với đời sống tinh thần nói chung và ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Đây là cơ sở để nghiên cứu, tìm hiểu những ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng trên một số lĩnh vực như: tư tưởng, đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán…


Chương 3

ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN NGƯỜI DÂN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA


Như đã nêu ở trên, Phật giáo phát triển sớm ở vùng đồng bằng sông Hồng và đã thấm sâu vào trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói chung, đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng nói riêng. Dưới đây xin phân tích những ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng hiện nay.

3.1. PHƯƠNG THỨC ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN NGƯỜI DÂN ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY

Thế giới quan Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, lối sống, hành vi, đạo đức và nhân sinh của một bộ phận nhân dân trong vùng sông Hồng. Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo theo nhiều phương thức khác nhau như dịch thuật, phát hành, ấn tống kinh sách, giảng pháp, thuyết pháp tại các chùa, thiền viện, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tu tập, hành trì các pháp tu Phật giáo, song chủ yếu là tụng kinh, niệm Phật, tham gia các tổ kinh, các buổi giảng đạo, thuyết pháp ở các chùa, thiền viện,... Thứ nhất, ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo thông qua thiền định,

tụng kinh, niệm Phật

Sự ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Hồng là sự ảnh hưởng trực tiếp thông qua các nghi lễ Phật giáo, các buổi tụng kinh, niệm Phật. Người Phật tử không chỉ thờ, lạy và cúng Phật mà còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật. Theo Phật giáo, tụng kinh, niệm Phật để cho tâm hồn được sáng suốt, tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa trong kinh điển. Bởi vậy, cùng với thờ, lạy và cúng Phật, người theo Phật phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/03/2023