Nội Dung Chủ Yếu Của Đạo Đức Nho Giáo Trung Hoa


có liên quan đến đề tài luận án cho thấy, các công trình khoa học đã luận giải làm sáng tỏ các vấn đề: ĐĐNG và sự ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam; vai trò của các chuẩn mực đạo đức Nho giáo đối với việc xây dựng GĐTT thống xưa, đặt ra những vấn đề kế thừa, vận dụng đối với xây dựng gia đình hiện nay; làm rõ một số vấn đề lý luận về: khái niệm GĐVH, tiêu chí xác định GĐVH, tầm quan trọng của việc xây dựng GĐVH, những yếu tố tác động đến việc xây dựng gia đình văn hóa; chỉ ra thực trạng vấn đề xây dựng GĐVH hiện nay, từ đó đề xuất một số quan điểm chỉ đạo và giải pháp chủ yếu để xây dựng GĐVH trong bối cảnh hiện nay; các công trình đã nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau trong việc ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có công trình khoa học nào được tiếp cận dưới góc độ chính trị - xã hội, đi sâu nghiên cứu làm rõ ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH một cách đầy đủ, hệ thống. Do vậy, việc nghiên cứu sinh tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề “Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay” là sản phẩm nghiên cứu độc lập, không trùng lặp với các công trình đã được công bố; vừa chứa đựng những giá trị khoa học mới, vừa có sự kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan đã công bố.


Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA

ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐỐI VỚI XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA


2.1. ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO

Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức - xã hội, do Khổng Tử (551

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

- 479TCN) sáng lập trong thời Xuân Thu chiến quốc, là giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội Trung Hoa cổ đại trong quá trình chuyển biến sang xã hội phong kiến, kéo dài từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Nhìn chung, Nho giáo là một hệ thống quan niệm về thế giới, xã hội và con người, nhưng khi nói đến Nho giáo, phần lớn mọi người chủ yếu nói về đạo đức, nhấn mạnh về vai trò của đạo đức Nho giáo trong xã hội. Nội dung cơ bản của đạo đức Nho giáo là luân thường, được thể hiện thành hai mảng: đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân. Đạo đức xã hội bao gồm năm mối quan hệ đó là ngũ luân: quan hệ vua - tôi, quan hệ cha - con, quan hệ chồng - vợ, quan hệ anh - em, quan hệ bạn bè. Đối với đạo đức cá nhân, Nho giáo nêu lên ngũ thường, bao gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Bên cạnh đó, còn có tư tưởng “hiếu đễ”, tư tưởng về “tứ đức”...

2.1.1. Nội dung chủ yếu của đạo đức Nho giáo Trung Hoa

Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 5

2.1.1.1. Tư tưởng Tam cương

Tam cương chỉ ba mối quan hệ chủ yếu của con người từ gia đình đến xã hội, cụ thể là: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ. Thuật ngữ “tam cương” xuất hiện trong tư tưởng của Đổng Trọng Thư vào thời Hán Vũ Đế, tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ của nó thì có ngay từ thời Khổng - Mạnh. Trong tư tưởng Khổng Tử thì gọi là “nhân luân”, trong tư tưởng của Mạnh Tử thì gọi là “ngũ luân”, bao gồm: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn bè. Trong đó, nhấn mạnh đến ba mối quan hệ: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ được xem là cơ bản nhất.

Trong MQH vua - tôi (quân - thần), Nho giáo Khổng - Mạnh đưa ra hai chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ giữa vua và thần dân.


Theo đó, để cai trị dân thì vua phải dùng “đức trị”, “nhân trị”. Để làm được điều đó thì đòi hỏi vua (người cầm quyền) phải tu thân, phải rèn luyện đạo đức. Chính vì vậy, Nho giáo rất mực đề cao việc rèn đạo đức không chỉ đối với vua mà cả đối với thường dân, trong sách Đại học đã viết: “Từ bậc thiên tử cho tới thường dân, tất cả đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Gốc rối loạn, mà ngọn được sửa trị, chẳng có vậy” [104, tr.1043]. Còn đối với dân thì phải lấy lòng “trung” để thờ vua. “Vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua” [35, tr.255]. Tuy nhiên, đến thời Đổng Trọng Thư thì trong mối quan hệ vua - tôi trở nên gay gắt theo hướng một chiều, vua giữ vai trò quyết định so với bề tôi, bề tôi phải tuyệt đối trung thành với vua đến mức: Vua bảo thần chết, thần không thể không chết.

Trong mối quan hệ cha - con (phu - tử), Nho giáo Khổng - Mạnh đưa ra hai chuẩn mực đạo đức là “từ” và “hiếu”. Theo đó, cha mẹ phải thương yêu và có trác nhiệm dưỡng dục con cái và ngược lại, con cái phải kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, trong MQH này, Nho giáo luôn đề cao vị trí, vai trò của cha mẹ đối với con cái, thể hiện rõ trong Nho giáo Đổng Trọng Thư khi khẳng định người cha giữ vai trò quyết định đối với con. Do đó, các nhà Nho yêu cầu con cái phải có nghĩa vụ đối với cha mẹ - đó là “hiếu”. Có thể khẳng định, từ xưa đến nay, hiếm có một học thuyết nào, một trường phái nào đề cập đến chữ “hiếu” một cách sâu sắc và cụ thể như Nho giáo.

Trong MQH chồng - vợ (phu - phụ), Nho giáo Khổng - Mạnh đưa ra phạm trù “nghĩa” - là chuẩn mực đạo đức nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa vợ và chồng. Theo đó, vợ chồng phải yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ chia sẻ cùng nhau. Mặc dù vậy, theo quan niệm của các nhà Nho, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội luôn được nhìn nhận và đánh giá thấp hơn nhiều so với nam giới. Đến Nho giáo Đổng Trọng Thư trong mối quan hệ này thì tuyệt đối hóa vai trò của người chồng, yêu cầu vợ phải theo chồng, phải giữ tiết hạnh với chồng và trong mối quan hệ này thì người chồng giữ vai trò quyết


định đối với người vợ. Để thực hiện điều này, Nho giáo đã xây dựng nên hệ thống học thuyết “tam tòng”, “tứ đức” kìm hãm, trói buộc người phụ nữ.

Như vậy, có thể thấy rằng “tam cương” chứa đựng cả ưu điểm và hạn chế. Một mặt, “tam cương” có giá trị điều chỉnh hành động của con người theo những chuẩn mực của xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, nền nếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhưng mặt khác, với những quy định khắt khe đã trói buộc con người vào các khuôn khổ trong những mối quan hệ định sẵn, làm mất đi động lực và tính sáng tạo của con người. Hơn nữa, “tam cương” của Đổng Trọng Thư thể hiện mối quan hệ một chiều, mang tính chất mệnh lệnh, tuyệt đối phục tùng, làm mất đi quyền dân chủ, bình đẳng của con người.

2.1.1.2. Tư tưởng Ngũ thường

Tư tưởng “ngũ thường” là một nội dung cốt lõi trong học thuyết đạo đức của Nho giáo, có lịch sử hình thành từ rất sớm, nằm rải trong các kinh điển thời kỳ Tiên Tần, sau đó được các nhà tư tưởng Nho gia bổ sung và phát triển, tạo nên hệ thống chỉnh thể đầy đủ. Được bắt đầu từ Khổng Tử, sau đó được Mạnh Tử, Đổng Trọng Thư khẳng định, bổ sung và hoàn chỉnh. Lúc ban đầu, theo Khổng Tử, muốn hợp “lễ” thì con người cần phải có các đức “nhân”, “trí”, “dũng”. Đến Mạnh Tử, bỏ “dũng” và nói nhiều về “lễ nghĩa”, do vậy thành bốn đức: “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí”. Sau đó Đổng Trọng Thư thêm “tín” và thành năm đức như ngày nay - “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí”, “tín”. Về sau, “ngũ thường” trở thành quan niệm đạo đức cơ bản của xã hội tông pháp phong kiến Trung Quốc, là quy tắc đạo đức cơ bản trong việc xử lý mối quan hệ giữa người với người trong xã hội phong kiến, có ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của nền văn minh đạo đức Trung Hoa.

- Nhân:

“Nhân” hay còn gọi là “đức nhân”, trong đạo làm người được Khổng Tử đặt lên hàng đầu, là tiêu chuẩn cao nhất, là điều hợp với đạo trời và lòng người. Chữ “nhân” đối với mọi người dân trong thiên hạ còn hơn cả nước và lửa, người ta có thể đạp lên nước, lửa mà chết, chứ không thể đạp lên chữ “nhân” mà chết


được, Khổng Tử nói: “Dân chi ư nhân dã, thậm ư thủy hỏa. Thủy hỏa, ngô kiến đạo nhi tử giả hỹ, dĩ vi kiến đạo nhân nhi tử giả dã” (Dân chúng đối với đức nhân, rất cần hơn nước lửa. Nước lửa người ta có thể dẫm lên mà chết; chưa thấy người dẫm lên đức nhân mà chết) [Luận ngữ - Vệ linh công 15.34]. Theo Nho giáo, chữ “nhân” có nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng nổi bật nhất là nói về lòng yêu thương con người, là “ái nhân” - yêu người. Để xác định được chủ thể của mình trong mối quan hệ xã hội và phát huy được phẩm chất của chủ thể ấy đối với người xung quanh, theo Khổng Tử phải luôn “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Luôn sửa mình theo lễ để làm điều nhân) [Luận ngữ - Nhan Uyên 12.1]. Khi học trò Phan Trì hỏi về chữ “nhân”, Khổng Tử trả lời: “Ái nhân” (yêu thương con người) [Luận ngữ - Nhan Uyên 12.21]. Nhân ái, yêu người phải chính như yêu thương bản thân bản thân mình. Do vậy: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng gán cho người khác) [Luận ngữ - Nhan uyên 12.2] hay “Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (muốn lập thân thì giúp người khác lập thân, muốn thành đạt thì giúp người khác thành đạt) [Luận ngữ - Ung Dã 6.28]. Có nhân mới có ái, có ái mới bộc lộ ra tính nhân. Vậy, nhân ái là phải đầy lòng yêu thương, mong muốn tất cả mọi người đều thành đạt.

Như vậy, Nho giáo lấy “nhân” làm gốc, mở đầu của đạo đức. Điều cốt yếu là ở đức “nhân”, “nhân” là đích tu dưỡng quan trọng của con người, ai đạt được bậc nhân thì làm việc gì cũng được lòng người, ích cho đời.

- Nghĩa

Gắn liền với “nhân” là “nghĩa” - cũng là phạm trù được Nho giáo rất quan tâm. Theo Nho giáo, người có đức “nghĩa” là thấy việc phải làm mà không làm là cắn rứt lương tâm, thấy sự bất bằng là không để yên. “Nghĩa” bao gồm sự trả nghĩa, trả cái ân huệ mà người khác vô tư giúp mình qua hoạn nạn, và không tiếc thân mình để giữ lấy chủ tướng, với bạn bè, với nghĩa cả. Ở đời “nghĩa” rất cao quý, như Mạnh Tử nói: “Sinh diệc ngã sở dục dã; nghĩa diệc ngã sở dục dã. Nhị dã bất khả đắc kiêm, xã sinh nhi thủ nghĩa giả dã” (Sự sống cũng là điều ta muốn, nghĩa cũng là điều ta muốn, hai cái đó không giữ được cả hai, thì bỏ sống mà giữ lấy nghĩa) [Mạnh tử - Cáo Tử thượng 10]. Ông kêu gọi:


“Quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mịch dã, nghĩa chi dữ tỷ” (Người quân tử đối với mọi việc trong thiên hạ, không quy định phải làm như thế nào, cũng không quy định không được làm như thế nào, chỉ xét hợp nghĩa thì làm) [Luận ngữ - Lý nhân 4.10].

Nho giáo nhấn mạnh, muốn thực hiện điều nghĩa thì cần gạt bỏ những ham muốn, những dục vọng cá nhân “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng phục” (Phú quý bất chính không ham muốn, không vì nghèo khó mà hạ thấp mình, uy vũ không khuất phục) [Mạnh Tử - Đằng Văn Công hạ 2] không vì phú quý, uy lực, bần tiện cản trở việc con người làm điều nghĩa.

- Lễ

Cùng với “nhân nghĩa” thì “lễ” cũng là phạm trù cơ bản của đạo đức Nho giáo. Theo Nho giáo, “lễ” là biểu hiện hình thức của “nhân”, “lễ” đóng vai trò quan trọng trong việc đưa “nhân nghĩa” vào cuộc sống hàng ngày, trở thành quy tắc, đi sâu vào tâm lý con người, giáo dục con người tự nguyện theo những đức tính ấy để duy trì trật tự kỷ cương xã hội. Theo Nho giáo, cần phải thực hiện “lễ” vì “lễ” có tác dụng nhiều mặt với con người như: “Lễ” gây thiện cảm thẩm mỹ; “lễ” tiết chế sống có đức độ và đặc biệt Nho giáo nhấn mạnh “lễ” giúp con người giữ đúng đạo phải trái; trật tự trên dưới. Nho giáo cho rằng: “Đạo đức nhân nghĩa phi lễ bất thành, giáo huấn chính trực phi lễ bất vị, phân tranh kiện tụng phi lễ bất quyết, quân thần, thượng hạ, phu tử, huynh đệ phi lễ bất định, hoạn học sự sư phi lễ bất thân, ban triều trị quân, lị quan hành pháp phi lễ uy nghiêm bất hành, đảo từ tế tự cung cấp quỷ thần phi lễ bất thành, bất tang” (Đạo đức nhân nghĩa không có lễ không thành, dạy bảo, sữa đổi phong tục không lễ không đủ, xử việc phân tranh kiện tụng không lễ không quyết, vua tôi, trên dưới, cha con, anh em không lễ không định, học tập thờ thầy không lễ không thân thiết, xếp đặt triều chính, điều hành quân lính ở chốn công đường, thi hành pháp luật không lễ không nghiêm, cầu khấn tế lễ không lễ không kính) [Kinh Lễ - Khúc Lễ thượng]. Như vậy, “lễ” là đạo lý, là phép tắc, là hành vi, qua đó mà duy trì, phân rõ tôn ti trật tự trong gia đình và ngoài xã hội. “Lễ chủ giáo hoá dã vi, kỳ chỉ tà dã ư vi hình, sử nhân vật tỉ thiện, viễn tội nhi bất tri trí dã” (Sự giáo hoá của lễ rất lớn,


ngăn cấm điều lâm nguy khi chưa xảy ra, khiến người ta càng gần điều thiện, tránh xa điều ác mà tự mình không biết) [Kinh Lễ - Kinh giải 26].

- Trí

Ngay từ đầu, Khổng Tử rất đề cao chữ “trí”, được đặt sau chữ “nhân” (nhân, trí, dũng), vì ông cho rằng: con người cần phải có sự hiểu biết, có trí tuệ mới thực hiện được đạo đức có hiệu quả. Nhờ có “trí” con người mới sáng suốt, minh mẫn để hiểu biết được đạo lý, xét đoán được sự việc, phân biệt được sự đúng sai, phải trái, thiện ác, để trau dồi đạo đức và hành động hợp với “thiên lý”. Nếu không có “trí” sáng suốt thì chẳng những không giúp được người mà còn làm hại đến thân mình nữa. Theo Nho giáo, trí còn là sự năng động, sáng tạo, mà sự năng động, sáng tạo này đặt trên nền tảng của nhân, do vậy, khi xác định đặc tính của người có trí, Khổng Tử viết: “Trí giả nhạo thủy; nhân giả nhạo sơn; trí giả động; nhân giả tỉnh; trí giả lạc; nhân giả thọ” (Người trí thích nước; người nhân thích núi; người trí thì hiếu động; người nhân thì yên tĩnh; người trí vui thích; người nhân sống lâu) [Luận ngữ - Ung giả 6.21]. Nho giáo nhấn mạnh, Người có trí là người chính trực, có nhân đức, nên giới thiệu, đề cử họ đứng ra giúp đời, Khổng Tử viết: “Cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục” (Cân nhắc người ngay thẳng, tách rời người gian tà thì dân tuân theo) [Luận ngữ - Vi chính 2.19].

Cùng với đề cao vai trò của “trí”, Nho giáo cũng chú ý đến chuẩn mực của người có đức “trí”, đó là: 1. Cách vật (hiểu biết hết mọi sự vật, sự việc), 2. Trí tri (hiểu biết vấn đề gì cũng đến nơi đến chốn), 3. Thành ý (ý thức chân thành, kiêm tốn trong sự hiểu biết), 4. Chính tâm (hiểu biết trong sự ngay thẳng, chính trực, khiêm tốn). Người có đức “trí” cần hội đủ các chuẩn mực đó thì mới đạt đến “nhân” và thực hiện được “nhân”.

- Tín

“Tín” trong Nho giáo là lời nói và việc làm phải thống nhất với nhau, là lòng tin của con người với nhau. Trong “ngũ luân” thì “tín” được coi là tiền đề trong mối quan hệ bạn bè: “bằng hữu hữu tín. Tuy nhiên, nội hàm của “đức tín” không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ duy nhất này mà nó còn bao hàm cả lòng tin


tuyệt đối vào chính đạo, vào đạo lý thánh hiền, vào MQH giữa vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bằng hữu. Chữ “tín” không chỉ thể hiện niềm tin, sự thống nhất trước sau như một trong suy nghĩ và hành động của chính bản thân mình, mà nó còn thể hiện niềm tin đối với người khác. Thông qua đó góp phần làm cho mối MQH con người với con người, gia đình, bạn bè, bằng hữu với nhau thêm bền chặt. Người xa có câu: “Một lần bất tín, vạn sự bất tin”. Quả đúng như vậy, chữ “tín” là một chuẩn mực đạo đức rất quan trọng trong mọi mối quan hệ xã hội: Vua phải tin dân, cha phải tin con, chồng phải tin vợ, đặc biệt bạn hữu phải tin nhau. Và niềm tin ấy chỉ có được khi con người biết giữ và coi trọng chữ “tín”, lời nói và hành động trước sau như một. Do vậy Khổng Tử khẳng định: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã” (Người không có uy tín thì không biết có làm được gì) [Luận ngữ - Vi chính 2.22] hay “Dân vô tín bất lập” (Dân mất niềm tin thì không giành được thành tựu) [Luận ngữ - Nhan Uyên 12.7].

2.1.1.3. Tư tưởng Hiếu đễ

Trong quan niệm về đạo đức gia đình, Nho giáo đặc biệt nhấn mạnh sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ, xem đó là một phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Theo Nho giáo: Hiếu kính cha mẹ tức là phải tôn trọng, yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ, biết công ơn sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ. Nho giáo cho rằng: “Hiếu hữu Tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ hiếu phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng” Hiếu phân làm ba: thứ nhất, đại hiếu tôn kính cha mẹ; thứ hai, không làm nhục cha mẹ; thứ ba, nuôi dưỡng cha mẹ” [85, tr.165-166].

Theo Nho giáo, “hiếu” là “nết đầu trong trăm nết”. Hành vi của người ta không gì lớn bằng chữ “hiếu”, người con có hiếu, có ý thức đầy đủ về tình cảm và bổn phận của mình đối với cha mẹ, đó là sự biết ơn, cù lao chín chữ “cha sinh ra ta, mẹ nuôi ta, thương thay cha mẹ” (ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao), đó là ý nguyện thường xuyên làm sao để cha mẹ được vui sướng, dù mình có phải ăn gạo xấu, uống nước lã cũng thỏa lòng (Lễ ký).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/12/2023