nhiều quyền uy và trách nhiệm hơn các em; Trong quan điểm về ứng xử của gia đình đối với cộng đồng cũng có 21.3% người dân trả lời “Ít cần thiết” hoặc 7.3% trả lời “không cần thiết” phải khắc phục tình trạng coi trọng lợi ích gia đình, dòng họ hơn lợi ích cộng đồng. Đặc biệt, trong câu hỏi này, có 25 phiếu (4.2%) người dân điền vào mục “Ý kiến khác” (phụ lục 5.10) với quan điểm cho rằng: Sử dụng đòn roi trong dạy con là cần thiết; trong gia đình con trai được coi trọng và nhiều quyền lợi hơn con gái là chuyện bình thường; vợ phải nghe theo lời chồng là chuyện bình thường; chuyện thiên vị, coi trọng lợi ích cho người trong nhà, trong họ là đương nhiên... Qua đây cho thấy, do những quan điểm cũ, tiêu cực của đạo đức Nho giáo, của chế độ phong kiến để lại đã tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân ĐBSH trở thành thói quen, tập tục, quan điểm sống mang tính bảo thủ, lạc hậu trong nhận thức của một bộ phận người dân, một số gia đình ở vùng ĐBSH hiện nay. Bên cạnh đó, do tác động mặt trái của nền KTTT, làm cho các giá trị của tình yêu thương, đạo hiếu, sự chung thủy, hòa thuận, giữa các thành viên gia đình và lối sống coi trọng tình nghĩa xóm giềng, khu dân cư bị mai một và coi nhẹ. Do đó, để phát huy ảnh hưởng tích cực, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng GĐVH ở ĐBSH hiện nay thì vấn đề đặt ra là cần thay đổi và nâng cao nhận thức cho người dân về tác động hai mặt của đạo đức Nho giáo và sự cần thiết phát huy những giá trị, hạn chế những tàn dư tiêu cực của nó đang tồn tại với tư cách là một yếu tố văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện nay. Chỉ khi có sự thay đổi trong nhận thức, mới có thể thay đổi về thái độ và hành vi của mỗi thành viên trong gia đình.
3.3.2. Bất cập giữa yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa làm tiền đề cho việc phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo với thực tế còn hạn chế của kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn
Phát triển kinh tế, văn hóa, là nền tảng để xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Vì vậy, phát triển kinh tế, văn hóa không chỉ
là con đường tất yếu để phát triển đất nước, mà còn là tất yếu đối với sự phát triển gia đình và xây dựng GĐVH.
Để phát triển kinh tế, vùng ĐBSH phải đẩy mạnh phát triển nền KTTT. Chính sự phát triển của nền KTTT đã tác động lớn đến đạo đức gia đình theo hai hướng. Một mặt, KTTT tạo cơ sở vật chất no đủ để vun đắp hạnh phúc gia đình, là nền tảng kinh tế để xây dựng GĐVH. Từ đó, nhiều giá trị đạo đức gia đình truyền thống không những không mất đi mà còn có xu hướng được được bảo lưu và phát triển mạnh mẽ ở những vùng, những gia đình có kinh tế phát triển (“Phú quý sinh lễ nghĩa”). Mặt khác, sự phát triển của nền KTTT với những mặt trái của nó cũng đang dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực; tình trạng con người coi trọng thái quá đồng tiền dẫn đến quên đi giá trị của tình thân; tình trạng cha mẹ mải mê làm kinh tế mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình, bỏ bê con cái; con cái thực dụng, vì tiền mà bất hiếu, bất kính với cha mẹ; vợ chồng ngoại tình, ly hôn, coi nhẹ giá trị của thủy chung, tình nghĩa; anh, chị, em vì “lợi” mà mất đoàn kết, đánh chửi nhau; tình làng nghĩa xóm có xu hướng bị mai một và thiếu tính cố kết…, thực trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng GĐVH. Nghiên cứu thực tế ở vùng ĐBSH cho thấy, tình trạng đạo đức gia đình bị xuống cấp do nền KTTT chi phối đang diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có quá trình đô thị hóa nhanh. Thông qua khảo sát của tác giả luận án, khi được hỏi: Theo ông/bà (anh/chị) sự phát triển kinh tế thị trường ở địa phương tác động như thế nào đến đạo đức gia đình?” thì có 26.2% người dân cho rằng “Làm băng hoại các giá trị đạo đức gia đình” (phụ lục 5.11). Mặt trái của nền KTTT là “mảnh đất màu mỡ” cho việc khôi phục, phát triển các yếu tố tiêu cực trong đạo đức Nho giáo và tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng GĐVH.
Đời sống kinh tế của một bộ phận người dân trong Vùng chưa cao cũng là nguyên nhân làm hạn chế việc phát huy các giá trị đạo đức Nho giáo. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về Hệ giá trị gia đình (nhìn từ góc độ mức sống) qua khảo sát ở ĐBSH của tác giả Lê Ngọc Văn, cho thấy: “Tôn trọng lễ giáo” là một giá
trị gia đình cần lưu giữ, nhưng chỉ có 33,1% người có mức sống nghèo lựa chọn, ở các gia đình có mức sống trung bình là 36,7% và đặc biệt là ở nhóm gia đình có mức sống khá giả lên tới 47,9% [114, tr.147]. Thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở của Lê Ngọc Lân về “Một số yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa người cao tuổi với con cháu trong gia đình hiện nay” (qua nghiên cứu ở Bắc Ninh) cũng cho thấy: ở những gia đình có mức sống khá giả thì con cái có thiên hướng hỗ trợ, giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn và mức độ các cháu quan tâm, trò chuyện hằng ngày với ông bà nhiều hơn so với các gia đình có mức sống khó khăn [42, tr.34-44]. Điều này cho thấy, sự phát triển của nền kinh tế, sự khá giả về mức sống có tác động tích cực đến tình cảm và mối quan hệ gia đình.
Có thể bạn quan tâm!
- Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 12
- Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay - 13
- Một Số Vấn Đề Đặt Ra Từ Ảnh Hưởng Của Đạo Đức Nho Giáo Đối Với Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Ở Vùng Đồng Bằng Sông Hồng Hiện Nay
- Quan Điểm Cơ Bản Nhằm Phát Huy Ảnh Hưởng Tích Cực Và Hạn Chế Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Đạo Đức Nho Giáo Đối Với Xây Dựng Gia Đình Văn Hóa Vùng
- Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế, Văn Hóa Tạo Điều Kiện Phát Huy Ảnh Hưởng Tích Cực Và Hạn Chế Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Đạo Đức Nho Giáo Đối Với
- Nâng Cao Hiệu Quả Quản Lý Nhà Nước Về Gia Đình Gắn Với Phát Huy Ảnh Hưởng Tích Cực, Hạn Chế Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Đạo Đức Nho Giáo Đối
Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.
Môi trường văn hóa, xã hội cũng là một yếu tố tác động đến việc phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG trong xây dựng GĐVH. Với sự phát triển mạnh mẽ của các thể chế, thiết chế văn hóa, sự phát triển của y tế, giáo dục, an sinh xã hội trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao đời sống gia đình, củng cố và phát triển các giá trị đạo đức, từ đó góp phần phát huy các giá trị tích cực của đạo đức Nho giáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các yếu tố về văn hóa - xã hội cũng còn những hạn chế, bất cập, Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của vùng ĐBSH là 2,24% (trong đó thành thị là 3,23% và nông thôn là 1,73%); tỷ lệ thất nghiệp ở nam cao hơn nữ (nam là 2,60% và nữ là 1,84%) [99, tr.115] Cho dù ĐBSH là vùng có trình độ phát triển kinh tế cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng cũng vẫn còn 2,4% cư dân thuộc hộ nghèo (cả nước là 5,8%) [99, tr.122]. Nghèo đói, thất nghiệp kéo theo sự khó khăn về đời sống kinh tế và sự “nhàn cư vi bất thiện” là cơ sở dẫn đến những bất ổn về gia đình như: mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội... Những yếu tố này tác động tiêu cực đến đạo đức gia đình, thậm chí tạo điều kiện cho các mặt xấu, mặt tiêu cực của đạo đức Nho giáo phát triển. Đây là một vấn đề đặt ra cần được quan tâm giải quyết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay.
3.3.3. Bất cập giữa yêu cầu nâng cao quản lý nhà nước trong phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng gia đình văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng với thực tế còn nhiều hạn chế của công tác này ở địa phương
Gia đình là tế bào của xã hội, chính vì vậy, công tác GĐ (nói chung) và công tác xây dựng GĐVH (nói riêng) cần phải được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, đòi hỏi cần có sự nỗ lực tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò của quản lý nhà nước, trong việc đề ra đường lối chính sách (đúng đắn, đầy đủ), trong việc lãnh đạo, quản lý công tác thực hiện (kịp thời, hiệu quả), trong việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình (đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng)… Đặc biệt, khi mà tình trạng vi phạm pháp luật về Gia đình ngày càng nhiều (tình trạng cha mẹ bạo hành với con cái, con cái bất hiếu đánh chửi cha mẹ, chồng đánh vợ, anh em bất hòa chém giết nhau; tình trạng đẻ nhiều, đẻ bằng được con trai…), điều này gây nên sự bất ổn cho gia đình và cộng đồng xã hội, nhưng nhiều gia đình lại quan niệm đó là “việc riêng” của GĐ họ, xã hội không cần can thiệp. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, góp phần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật là một vấn đề rất cần thiết hiện nay. Nhưng qua nghiên cứu thực tế ở vùng ĐBSH cho thấy, hoạt động quản lý đối với công tác gia đình và xây dựng GĐVH trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu hiệu quả. Cụ thể:
Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn hạn chế về ý nghĩa, vai trò của công tác gia đình, vì vậy chưa thực sự quan tâm và chú trọng đến việc triển khai, tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình; công tác đôn đốc việc thực hiện các văn bản còn chậm hoặc chưa hiệu quả; công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện các Chương trình hành động chưa thực nghiêm túc... tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách về công tác gia đình diễn ra phổ biến ở cấp huyện và xã [72, tr.12]; “Trách nhiệm thực hiện Phong trào của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự tốt, ban chỉ đạo Phong trào ở một số địa phương hoạt động chưa đều, thiếu hiệu quả,
một số cán bộ thiếu kiến thức và kinh nghiệm về công tác gia đình, một số cán bộ chưa thực sự gương mẫu trong Phong trào” [74, tr.14]; “Hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp còn hạn chế, chưa thực sự phát huy tính chủ động trong triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của Phong trào, công tác tổng kết, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng điển hình còn chưa kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện Phong trào của Ban chỉ đạo các cấp chưa thường xuyên” [76, tr.17]; “Phần lớn các huyện chưa có bộ phận chuyên sâu, cấp xã chưa có bộ phận chuyên trách về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình riêng biệt” [88, tr.128]..., những hạn chế, bất cập này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của công tác gia đình và xây dựng GĐVH của Vùng.
Việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống (nói chung) và ĐĐNG (nói riêng) là nhiệm vụ không thể thiếu, có ý nghĩa hết sức quan trọng đến thành công trong công tác xây dựng GĐVH. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mà trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương vùng ĐBSH còn hạn chế, bất cập. Điều này được thể hiện thông qua đánh giá của người dân, khi được hỏi: “Theo ông/bà (anh/chị), trách nhiệm của chính quyền địa phương thể hiện như thế nào trong công tác gia đình?” thì 36% người dân cho rằng chính quyền địa phương “Ít quan tâm” và 12% cho rằng “Không quan tâm” đến việc “Tuyên truyền các gia đình giữ gìn giá trị đạo đức truyền thống”; 27% người dân cho rằng chính quyền địa phương “Ít quan tâm” và 6% cho rằng “Không quan tâm” đến việc “Vận động các gia đình thực hiện nghiêm túc luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm”; 22% người dân cho rằng chính quyền địa phương “Ít quan tâm” và 7% cho rằng “Không quan tâm” đến việc “Khen thưởng các tấm gương gia đình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc”; đặc biệt, có 39% người dân cho rằng chính quyền địa phương “Ít quan tâm” và 17% cho rằng “Không quan tâm” đến việc “Lồng nghép giáo dục đạo đức truyền thống vào các chủ trương, chính sách trong công tác gia đình” (phụ lục 5.12), trong khi đây lại là hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực thường xuyên và có hiệu quả, nhưng chưa được khai thác. Điều này cho thấy, chính
quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và làm tốt vấn đề phát huy giá trị đạo đức truyền thống (trong đó có giá trị đạo đức Nho giáo) vào công tác gia đình. Đây là một cản trở trong việc xây dựng GĐVH cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
3.3.4. Bất cập giữa yêu cầu nâng cao giáo dục đạo đức gia đình gắn với phát huy ảnh hưởng tích cực, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo với thực tế coi nhẹ vấn đề này trong các gia đình vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay
Giáo dục đạo đức gia đình là cơ sở đầu tiên, nền tảng hình thành và phát triển nhân cách con người. Gia đình thực hiện tốt chức năng giáo dục của mình sẽ tạo ra những công dân gương mẫu, góp phần vào sự ổn định và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của quá trình đô thị hóa và những tác động mặt trái của nền KTTT dẫn đến nhiều biến đổi tiêu cực đối với đạo đức gia đình. Mặt trái của nền KTTT đã tạo nên sự vụ lợi, ích kỷ, làm cho nhiều mâu thuẫn gia đình nảy sinh từ vấn đề kinh tế, sợi dây liên kết gia đình trong xã hội hiện đại trở nên lỏng lẻo. Nhiều biểu hiện không gương mẫu trong hành vi, lối sống của các bậc cha mẹ đã làm tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách con trẻ. Bạo lực trong gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tình trạng ly hôn do ngoại tình, do thiếu sự chia sẻ và sự nhường nhịn lẫn nhau ngày càng gia tăng (đặc biệt là ở các cặp vợ chồng trẻ). Một bộ phận gia đình hiện nay, cha mẹ thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện tốt vai trò làm gương, thiếu sự quan tâm, định hướng đối với con cái, dẫn đến nhiều trẻ em đứng trước nguy cơ bị sa ngã, cuốn vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật. Tình trạng người già cô đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của con cháu hay tình trạng con cháu bất hiếu đánh chửi, thiếu tôn trọng đối với người già trong xã hội hiện nay cũng không khó để bắt gặp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng trong giáo dục
đạo đức gia đình, cũng như cách thức giáo dục chưa phù hợp. Qua khảo sát của tác giả luận án đối với người dân vùng ĐBSH, khi được hỏi: “Trong giáo dục đạo đức gia đình hiện nay, ông/bà (anh/chị) chú trọng giáo dục vấn đề gì?” thì có 28% người dân trả lời “Giáo dục đạo đức gia đình hiện đại (dân chủ, bình đẳng)”; 19% người dân trả lời “Giáo dục đạo đức gia đình truyền thống (nền nếp, trật tự trên dưới)”, 51% trả lời “Kết hợp giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống với hiện đại”; có 2% người dân (12 phiếu) đưa ra “Ý kiến khác” (phụ lục 5.13) với câu trả lời theo hướng: Bận rộn công việc không có thời gian quan tâm giáo dục gia đình. Thông qua kết quả khảo sát này cho thấy: đa phần người dân đã quan tâm đến việc giáo dục đạo đức gia đình và có cách thức giáo dục phù hợp khi cho rằng cần “Kết hợp giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống với hiện đại”, tuy nhiên, bên cạnh đó, có nhiều gia đình lựa chọn cách giáo dục theo hướng hiện đại (28%), coi trọng quyền tự do cá nhân của các thành viên trong gia đình một cách tuyệt đối, vì thế nhiều khi dẫn tới sự buông lỏng, thiếu kiểm soát để con cái có những quan điểm sống sai lệch hoặc sa ngã vào các tệ nạn xã hội (đặc biệt ở trẻ nhỏ); một bộ phận gia đình lựa chọn cách thức giáo dục đạo đức theo hướng truyền thống, điều này góp phần giữ gìn nền nếp gia phong, trật tự trên dưới, con cháu ngoan ngoãn, ít sa vào các tệ nạn xã hội nhưng lại là nguồn gốc dẫn tới sự mất dân chủ, thiếu bình đẳng và nạn bạo hành gia đình; đặc biệt vẫn còn một bộ phận gia đình (2%) không có thời gian quan tâm đến việc giáo dục đạo đức gia đình, dạy dỗ con cái.
Vì thế, vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH hiện nay là cần phải coi trọng giáo dục đạo đức gia đình, kết hợp giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống với hiện đại gắn với phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG. Nói cách khác, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại trong giáo dục đạo đức gia đình. Có như vậy, công tác xây dựng GĐVH của địa phương mới đạt hiệu quả cao.
Tiểu kết chương 3
Từ nghiên cứu thực trạng ảnh hưởng của ĐĐNG đối với xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH cho thấy: Đạo đức Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH theo hai chiều, một mặt nó ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ đạo đức trong gia đình, thúc đẩy quá trình xây dựng GĐVH, bởi đạo đức Nho giáo góp phần xây dựng tình yêu thương, trách nhiệm, sự gắn bó của cha mẹ đối với con cái, cũng như đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ; tình yêu thương, sự thủy chung son sắt giữa vợ và chồng; sự hòa thuận, gắn bó, đoàn kết giữa anh - chị - em trong gia đình và lối sống tình nghĩa, có trách nhiệm giữa GĐ đối với cộng đồng... Nhưng mặt khác, đạo đức Nho giáo cũng tác động tiêu cực đến việc xây dựng GĐVH, gây nên tình trạng mất dân chủ, thiếu bình đẳng trong các MQH gia đình; hạn chế vai trò của người phụ nữ trong hoạt động xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kế hoạch hóa GĐ và gây nên sự phiền hà, tốn kém cho các gia đình và xã hội do sự nặng nề, cứng nhắc trong những nghi lễ, nghi thức thờ cúng tổ tiên, ma chay, cúng giỗ…, đi ngược với mục tiêu xây dựng GĐVH.
Thực trạng ảnh hưởng hai mặt của đạo đức Nho giáo đối với xây dựng GĐVH ở vùng ĐBSH đặt ra một số vấn đề bất cập trong thực tiễn cần phải giải quyết trong việc phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG trong xây dựng GĐVH ở Vùng, đó là: bất cập giữa yêu cầu về nâng cao nhận thức trong phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG với thực tế nhận thức còn hạn chế của một bộ phận không nhỏ nhân dân về vấn đề này; bất cập giữa yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa làm tiền đề cho việc phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG với thực tế còn hạn chế của kinh tế, văn hóa; bất cập giữa yêu cầu nâng cao quản lý nhà nước trong phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG trong xây dựng GĐVH với thực tế còn nhiều hạn chế của công tác này ở vùng ĐBSH; bất cập giữa yêu cầu nâng cao giáo dục đạo đức gia đình gắn với phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của ĐĐNG với thực tế coi nhẹ vấn đề này trong các gia đình.