Như vậy, việc nghiên cứu Tú Xương ở giai đoạn này vẫn dừng lại ở hướng tiếp cận chủ yếu theo phương pháp xã hội học, chú trọng đến giá trị phản ánh hiện thực, bước đầu có phát hiện về chất trữ tình, cái tôi, tính hiện đại.
Từ 1975-nay: Tú Xương được đưa vào Từ điển văn học Việt Nam và Tác giả văn học Việt Nam. Tổng tập những công trình nghiên cứu Tú Xương của Lữ Huy Nguyên, Ngô Văn Phú, Mai Hương, Nguyễn Văn Huyền... được biên soạn.
Chuyên luận Tú Xương- tác phẩm giai thoại của Nguyễn Văn Huyền (1987) là một trong những công trình tin cậy để nghiên cứu văn bản học tác phẩm Tú Xương.
Trong khoảng vài năm cuối của thế kỷ XX, các trang viết của Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Trần Lê Văn, Trần Thị Trâm, Kiều Văn… đã có những cố gắng tiếp cận, bổ sung những cách nhìn mới về Tú Xương.
Trong bài viết Tú Xương- nhà thơ lớn của dân tộc (1988), Nguyễn Đình Chú đã đính chính và bổ sung nhiều chi tiết có ý nghĩa. Ông quan tâm lý giải cội nguồn “gốc rễ trữ tình”, và tài năng của bậc “thần thơ thánh chữ”.Bằng hướng nghiên cứu hệ thống, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã nhấn mạnh phương diện ý thức cá nhân và tiếng cười giải thoát. Ông kết luận, Tú Xương đi ngược lại truyền thống thơ ngôn chí, đánh dấu sự phai nhạt của không gian truyền thống, mở ra không gian sinh hoạt đời thường, đô thi. Mặc dù đây chỉ là những nhận định khái quát, song nó góp phần mở ra những vấn đề nghiên cứu mới về Tú Xương.
Gần đây nhất, Trung tâm nghiên cứu Quốc học giới thiệu cuốn sách Tú Xương toàn tập của tác giả Đoàn Hồng Nguyên (2010). Đây là tác phẩm có sự khảo cứu tỉ mỉ về văn bản học, cũng như nêu lên một số nhận định, đánh giá Tú Xương trong tiến trình hiện đại hoá văn học.
Như vậy, giai đoạn này, nhiều phương pháp nghiên cứu được vận dụng như so sánh, thi pháp học... và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nhưng hầu hết các công trình này vẫn chỉ dừng lại ở việc xem Tú Xương như người khai sáng cho dòng thơ hiện thực trào phúng và những cách tân nghệ thuật ít nhiều mang tính hiện đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Yếu tố phi truyền thống trong thơ Trần Tế Xương - 1
- Tú Xương Với Tư Cách Là Con Người Xã Hội
- Thái Độ Của Tú Xương Đối Với Minh Quân Lương Tướng
- Đối Với Thương Nhân Và Những Lề Thói Khác
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
3. Phạm vi đề tài
Trong Tú Xương toàn tập của Đoàn Hồng Nguyên (2010), tác giả đã khảo cứu các văn bản Nôm: Vị Thành giai cú tập biên, Quốc văn tùng kí, Việt Tuý tham khảo, Nam âm thảo, Thi văn tạp lục, Tiên đan gia bảo cũng như các văn bản tiếng Việt từ trước đến nay và đã so sánh đối chiếu và kết luận về số lượng tác phẩm của Tú Xương. Chúng tôi thấy đây là nguồn tài liệu mới và có độ tin cậy về văn bản. Dựa vào đó, luận văn nghiên cứu và khảo sát trong 134 tác phẩm và cả 56 bài tồn nghi của Trần tế Xương. Đồng thời chúng tôi có tham khảo những giai thoại để xây dựng chân dung Tú Xương với tư cách là nhà nho thành thị và với tư cách người nghệ sĩ.
4. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi vận dụng hướng tiếp cận văn hóa học cùng với các phương pháp thống kê, miêu tả, so sánh, phân tích, mong có được cái nhìn hệ thống và toàn diện nhất về Tú Xương.
5. Bố cục
Ngoài phần mở đầu và kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Trần Tế Xương với bối cảnh văn hoá buổi giao thời và đặc trưng môi trường đô thị hoá ở Nam Định.
Chương 2: Nhận diện lại con người Trần Tế Xương thông qua cách ứng xử trước sự biến đổi của văn hoá- xã hội giao thời.
Chương 3: Phong cách thơ phi truyền thống Trần Tế Xương trong tương quan với văn học nho gia truyền thống.
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: TRẦN TẾ XƯƠNG TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ GIAO THỜI VÀ ĐẶC TRƯNG MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ HOÁ Ở NAM ĐỊNH
Cuộc đời của Tú Xương (1870- 1907) ngắn ngủi 37 năm, nằm gọn trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử: buổi giao thời đầy biến động và mang nhiều tính chất đặc thù so với trước đây. Mất nước và đô thị hóa theo hướng tư bản chủ nghĩa mạnh mẽ là hai thực tế khác trước nhiều nhất mà Tú Xương trải nghiệm. Đó là những biến động xã hội quan trọng khiến Trần Tế Xương phải đối diện, không giống với thực tế quen thuộc mà các nhà nho truyền thống “từng trải”: môi trường nông thôn, nhà trường nho giáo, công đường, cung đình... Ở thời điểm này, Tú Xương sống trong bối cảnh hoàn toàn mới, khiến cách ứng xử của ông trước thời cuộc không còn giống các nhà nho truyền thống: không hăng hái và mặn mà hành đạo với mong muốn phò vua giúp nước, cũng không lánh đục khơi trong ẩn dật chốn thâm cùng ngõ vắng khi vấp phải thời loạn lạc, cũng không phải đề cao tài- tình như các nhà nho tài tử, Tú Xương mang một tâm thế và một cá tính riêng, trước đây chưa từng thấy trong văn học truyền thống, tâm thế của nhà nho thành thị trong văn hóa giao thời. Hoàn cảnh mới đã tạo nên một cá tính mới.
1.1. Tú Xương đối diện với cảnh mất nước và văn hóa buổi giao thời
Tuổi thơ Tú Xương lớn lên trong cảnh nước nhà lần lượt rơi vào tay Pháp. Đế quốc Pháp từng bước xâm chiếm và bình định các vùng miền trên toàn quốc. Nước ta rơi vào tay một thế lực mới, kẻ thù lần này không phải là Trung Hoa cường quốc phong kiến đồng văn đồng chủng, mà là một đế quốc phương tây với kinh nghiệm mấy trăm năm thực dân, với chính sách khai hóa thuộc địa bài bản và một nền văn hóa hoàn toàn mới.
Năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ vào cảng Đà Nẵng và sau đó xâm chiếm Sài Gòn. Năm 1862, Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thực dân
Cochinchine (Nam kỳ). Từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở miền Bắc. Miền Bắc khi đó rất hỗn độn do những mối bất hòa giữa người Việt và người Hoa lưu vong. Chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát nổi mối bất hòa này.
Năm 1873, biến cố ở Bắc Kỳ đã xảy ra. Sau khi chiếm Hà Nội, hạ thành Hải Dương, Ninh Bình, quân Pháp quyết tâm đánh chiếm Nam Định. Đại uý Garnier chỉ huy quân Pháp thẳng tiến xuống Nam Định theo hai hướng Nam và Đông, ngày 10 tháng 12 năm 1873, quân Pháp tiến sâu vào thành Nam Định, thành Nam Định bị mất.
Ngày 21 tháng 12 năm 1873, Garnier bị giết tại Cầu Giấy. Trước tình hình đấy, Philastre- thống soái việc hình luật ở Nam Kỳ theo lệnh của chính phủ Pháp trả thành Hải Dương cho Việt Nam, rồi lên Hà Nội làm giao ước trả lại bốn thành cho quan triều đình coi giữ. Quân lính Pháp đợi Hoà ước ký xong thì rút về.
Đến năm 1881, chỉ huy Henri Riviere, vốn được cử ra Hà Nội với một lực lượng mỏng để xem xét các phàn nàn từ phía Việt Nam về các thương gia Pháp. Tuy nhiên, Riviere đã ngang nhiên đi ngược lại các chỉ thị của mình, và đánh thành Hà Nội năm 1882. Sang năm 1883, chỉ huy Riviere đánh hạ thành Nam Định, thành phố thứ nhì ở Bắc Kỳ, với một hạm đội pháo thuyền nhỏ và một đoàn thuỷ quân đánh bộ. Như vậy, thành Nam thực sự rơi vào tay Pháp. Sự thất thủ của thành Nam Định và một số thành khác ở Bắc Kỳ khép lại quá trình đánh chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, bắt đầu xây dựng bộ máy thuộc địa và bước vào quá trình khai thác của chúng.
Hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam, người Pháp đã tổ chức ra một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương cho đến địa phương. Pháp ra sức khai thác vùng thuộc địa và từng bước áp đặt vùng ảnh hưởng của văn hóa phương tây vào nước ta. Do cuộc kháng chiến có tính chất toàn dân nên cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp phải kéo dài tới tận năm 1896. Từ năm đó chế độ thuộc địa mới có thể thực sự được thiết lập do cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta tạm thời bị chặn lại. Việc cử Paul Doumer sang làm toàn quyền Đông Dương tỏ rõ ý đồ của đế quốc Pháp muốn
thiết lập một chế độ thuộc địa cổ điển với đầy đủ mọi thành trì của chế độ này: kinh tế, hành chính, quân sự và văn hóa.
Sau khi bình định, Doumer đã tung ra những quyết định để giải phóng những nguồn tài chính mới, tạo ra cơ chế mới cho lực lượng sản xuất ở xứ Đông Dương có thể thay đổi. Sau này, vào năm 1901, đại úy Bernard ghi lại: “Vào năm 1897, chỉ trong vài tuần lễ, một cơn mưa đá đã thực sự đổ xuống: tăng thuế thân và thuế địa ốc, thuế những người không đăng kí, thuế đăng kí sắc phong của các quan, thuế diêm, thuế quế, thuế giấy có đóng dấu, thuế muối, rượu, thuyền trên sông, giấy phép chặt gỗ, thuế thuốc lào, thuế cau, thuế củi, thậm chí cả thuế rơm, thuế ra để lợp những cái lều thảm hại nhất” Từ nay, Đông Dương đã được tạo thành, được tổ chức và cơ cấu hóa với những ngân sách dư thừa, một nền ngoại thương đang phát triển và đã tăng gấp đôi từ năm 1896, và những kinh phí riêng của mình. Nó đã trở thành một vòng hoa của đế quốc Pháp, “một ban công Pháp trên Thái Bình Dương” [8; tr.605].
Thực dân Pháp đã nắm quyền điều khiển cuộc đổi thay, thay bộ máy thống trị quan liêu kiểu phong kiến phương đông bằng bộ máy quan liêu kiểu mới, với sự cấu kết giữa thực dân và phong kiến. Thu hẹp hơn nữa quyền hành và uy tín của các quan, bây giờ trong thực tế phái ở dưới quyền của những công chức Pháp có đủ loại, và đủ ngành. Còn về dân chúng, ở nông thôn và các nơi khác thì phải chịu một sự thúc ép thuế càng ngày càng cao, một sự giám sát và kiểm tra càng ngày càng cưỡng bức cùng với một thứ quyền hành hà khắc và đàn áp.
Sự lớn lên của các đô thị là minh chứng cho sự đổi thay dễ nhận thấy. Nhiều công trình lớn được xây dựng, từ kiến trúc đến giao thông, nhà máy, xí nghiệp. Tất cả đã đem lại thuận lợi cho phát triển đô thị trong các xứ ở An Nam. Các công ty tư nhân bắt đầu đầu tư, như các công ty than 1888, hội bông sợi ở Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định... Tất cả đều mang nhân sự mới: các giám đốc, kĩ sư, đốc công, tài vụ... “Những sáng kiến của chính quyền về đô thị hóa ở các thành phố là nơi có những biến đổi nhiều khi rất ngoạn mục” [8; tr.596].
Cho tới khi người Pháp đặt nền bảo hộ lên Việt Nam, các tỉnh lị chỉ là một hình thức quần tụ của vài làng xóm xung quanh một thành trì, nơi sở tại của nền hành chính quân sự và dân sự. Hoạt động kinh tế phát sinh với sự đô hộ của người Pháp và sự thành lập hệ thống giao thông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sinh hoạt tỉnh thành.
Có thể nói, đây là cuộc đổi thay lớn lao, ghê gớm nhất từ trước đến nay. Sự va chạm giữa nền văn hóa cổ truyền với một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ trong buổi đầu tiên không khỏi tạo tâm lý ngỡ ngàng và bất an. Sau 1874, khi các cuộc tiếp xúc với người Âu Tây nhiều hơn, chặt chẽ hơn, đã có nhiều chương trình hiện đại hóa được thảo ra. Những cố gắng về trí tuệ để thích ứng với thế giới mới càng tỏ ra cần thiết hơn, khi mà những thực tại thì đang đổi thay và những đổi thay đó đã phát sinh ra đủ thứ phản ứng xã hội, đặc biệt tại Bắc Kì [46; tr.304].
Quan chức và tầng lớp văn thân (các nhân sĩ và thân hào) trên lý thuyết là “rường cột” “tự nhiên” của triều đình, bởi vì được gắn liền với triều đình trên các mặt chính trị, xã hội và kinh tế. Sau khi đỗ đạt, quan chức làm việc trong chính quyền, nhân sĩ lo dạy viết, dạy đạo và dạy đạo Khổng Mạnh, còn thân hào ở các xã thôn có trách nhiệm thu thuế, tuyển mộ binh lính và phân bổ sưu dịch do nhà nước quy định. [45;tr.240]. “Biết chữ, làm quan là kì vọng lớn nhất của bất cứ người An Nam trẻ nào” [45;tr.242]. Cũng theo Tsu bôi, trung tâm của giới nhân sĩ là nhóm tú tài, một vị trí không rõ rệt giữa quan và dân: “gần thành công”- sánh với các quan vì họ không lên đến được tột đỉnh của kì thi- không đỗ cử nhân, tiến sĩ- nhưng trái lại, họ thành công ở chỗ hơn các người hỏng thi và quần chúng, ít ra họ đã đỗ thi hương. Các nhân sĩ có đặc điểm rất nhạy cảm và chú ý đến tình hình chính trị. Một khi biến động chính trị hoặc xã hội bùng nổ, một số người của họ với tư cách lãnh đạo, đứng ra tập trung dân chúng chống lại những người mà họ cho là kẻ thù [46; tr. 258]. Ngoài ra, là người truyền bá Nho giáo, họ đặc biệt xem người Pháp và người công giáo là cừu địch, còn các người này cũng trả đũa ngay và xem các nhân sĩ là “kẻ thù số một của họ”.
Thực dân Pháp đưa Thiên chúa giáo vào nước ta một phần nhằm lấn át nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, cắt đứt mối quan hệ văn hóa Việt Nam với các nước Phương Đông, áp đặt vùng ảnh hưởng văn hóa Phương Tây.
Mặt khác, nền Hán học, Nho học ở nước ta ngày càng suy yếu. Sau nhiều thế kỉ giành giật chỗ đứng, bắt rễ ngày càng sâu rộng, tạo ảnh hưởng và gây dựng uy tín, đến đầu thế kỉ XV, sự kết hợp nho giáo với chế độ quân chủ chuyên chế đã hình thành. Tuy nhiên, đến hết thế kỉ XVIII, nho học đứng trước nhu cầu điều chỉnh, cách tân. Từ nhận thức những cái được xem là “nguy cơ”, bằng thói quen có từ trong quá khứ của học thuyết nho giáo, do tầm tri thức và những hạn chế của thời đại đã đưa các nhà nho Việt Nam thời đó tới chỗ chọn hướng giải quyết: lấy giáo dục và khoa cử làm điểm then chốt của sự điều chỉnh. Những nho sĩ kêu gọi cải cách văn thể với hi vọng chấn hưng nho giáo và nho học bằng con đường truyền bá nho, đào tạo nhà nho, hi vọng tăng cường nhận thức lí luận nho giáo từ kinh điển, chấn chỉnh nho phong sĩ khí, cải cách văn thể xuất phát từ nhu cầu bức thiết của nho học. Cuộc vận động này được tiến hành rầm rộ thu hút nhiều nho sĩ tham gia góp tiếng. Cuộc cải cách văn thể có ảnh hưởng đáng kể tới nho học và nhất là tới văn học, vì trung tâm của cuộc vận động này chính là văn chương cử tử. Nho học Việt Nam thời kì này với những đặc điểm, thành tựu, cái mới và hạn chế của nó được quy định bởi những điều kiện kinh tế, xã hội và những nguyên nhân nội sinh của nó. Sự xuất hiện của các yếu tố phi cổ truyền do môi trường kinh tế hàng hóa, đô thị và thị dân tạo ra, vừa là điều kiện vừa là nguyên nhân tạo ra những dấu hiệu phi cổ truyền tẻ tẻ, cục bộ trong nho học.
Cuối thế kỉ XIX, đất nước ta rơi vào ách nô dịch của thực dân Pháp, kéo theo việc xây dựng chính quyền thực dân, phát triển kinh tế công thương nghiệp ở các thành phố, thì nhà nho mất dần vai trò “kẻ tiên tri, tiên giác”, bị đẩy xuống hạng dân thường. [5;tr.103].
Trước thời Doumer, những viên quan toàn quyền đầu tiên đã nghĩ tới việc sử dụng nền giáo dục truyền thống làm công cụ phục vụ cho họ. Doumer đã duy trì chế độ
thi tuyển quan trường cũ ở Bắc kì cho đến 1915, ở Trung kì cho đến 1918. Từ năm 1862, chữ quốc ngữ, hình thức chuyển ngôn ngữ Việt bằng chữ cái la tinh, được sử dụng ở Nam kì rồi lan dần sang cả nước. Năm 1896, chính quyền thuộc địa cho đưa chữ quốc ngữ vào một số môn thi của các kì thi tuyển chọn quan lại. Năm 1903, một môn thi tiếng Pháp trở thành bắt buộc trong các kì thi [51;tr.215]. Như vậy, sự thay đổi chữ viết, sự xuống cấp của nền hán học, cựu học tạo điều kiện cho sự du nhập văn hóa phương tây được nhanh chóng.
Cùng với sự chuyển biến của các giai cấp liên hệ với sự sản xuất truyền thống, cũng như sự xuất hiện của những giai cấp mới dưới ảnh hưởng của diễn biến kinh tế, Việt Nam dần dần thay đổi theo lối sống “tư sản hóa”, “Âu hóa” dần hình thành, xâm nhập và tấn công vào lối sống cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong đô thị, lúc đầu, Pháp kiều sống trong những khu riêng biệt lập nên một xã hội đóng chặt, có những thành kiến và những quy định riêng của nó. Họ rất ít tiếp xúc với dân Việt, ngoài những cuộc tiếp xúc kinh tế hay hành chính cần thiết. Đa số người Pháp ở Việt Nam đã tiêm nhiễm một mặc cảm tự tôn khiến họ khinh bỉ dân bản xứ: đối với một người Pháp, sự sỉ nhục nặng nề nhất là bị gán danh hiệu “dân bản xứ”[1;tr.239]. Mặc dù có sự tách biệt và phân biệt đối xử, nhưng với sự tiếp xúc lâu dần đã hình thành nên lối sống mang tính tư sản hóa ở các thành thị Việt Nam.
1.2. Môi trường đô thị hoá truyền thống chuyển dần sang đô thị hoá tiền tư bản ở Nam Định
Tính chất đô thị hóa ở Việt Nam có những nét khác biệt so với Phương tây. Đó là sự xây dựng và đầu tư có chừng mực của thực dân Pháp, bên cạnh phát triển đô thị theo kiểu phương tây thì vẫn giữ nét cổ truyền phương đông. Sự va chạm này tạo ra nét riêng trong quá trình đô thị hóa Việt Nam. Quê hương Nam Định của Tú Xương được coi là kinh kì thứ hai thời kì đó. Đây là đô thị lớn trong thời phong kiến và cũng là một trong những đô thị trung tâm của xã hội giao thời thực dân- phong kiến.