2.2.2. Đội ngũ thanh tra viên y tế
2.2.2.1. Về số lượng thanh tra viên và chuyên viên thanh tra
- Thanh tra Bộ Y tế hiện có 36 cán bộ, trong đó có 4 đồng chí lãnh đạo bao gồm Chánh Thanh tra và 03 Phó Chánh Thanh tra, 12 Thanh tra viên và có 7 phòng: Phòng Thanh tra Y tế dự phòng; Phòng Thanh tra Khám chữa bệnh và Bảo hiểm y tế; Phòng Thanh tra Dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; Phòng Thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng; Phòng Thanh tra Dân số Kế hoạch hóa gia đình; Phòng Tiếp dân, xử lý và giải quyết đơn thư; Phòng Hành chính, Kế toán, Tổng hợp [44, tr.2].
- Công chức thanh tra chuyên ngành Cục An toàn thực phẩm, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý dược hiện có 24 người.
- Thanh tra Sở Y tế cũng không ngừng được củng cố, số lượng và chất lượng đội ngũ thanh tra y tế tại các địa phương được tăng lên hàng năm. Từ chỗ mỗi Sở Y tế chỉ có từ 1 - 2 cán bộ làm công tác thanh tra khi mới thành lập, đến nay cả nước có 270 cán bộ làm công tác thanh tra y tế chuyên trách tại Sở Y tế. Trong đó, đa số Sở Y tế có từ 02 đến 03 cán bộ phụ trách công tác thanh tra. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 41 thanh tra viên và công chức thanh tra và tại Hà Nội có 15 thanh tra viên và công chức thanh tra. Từ năm 2010 thanh tra y tế toàn ngành có 313 người đến năm 2014 thanh tra toàn ngành có 330 người, trong 4 năm (2010 - 2013) số tăng tuyệt đối của toàn ngành là 17 người.
Qua Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012 của Thanh tra Bộ Y tế, tại 23 Sở Y tế, việc phân loại thanh tra viên, chuyên viên thanh tra và tình hình cấp thẻ thanh tra viên được thể hiện như sau:
Bảng 2.1: Phân loại thanh tra viên, chuyên viên thanh tra và tình hình cấp thẻ thanh tra viên
Nội dung | Số lượng (n=62) | Tỷ lệ% | |
01 | Thanh tra viên, Thanh tra chính | 48 | 74.42 |
02 | Chuyên viên thanh tra | 14 | 22.58 |
03 | Số TTV đã được cấp thẻ | 39 | 69.35 |
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Pháp Luật Về Xử Lý Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Y Tế
- Nội Dung Các Quy Định Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Trong Lĩnh Vực Y Tế
- Các Quy Định Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Về Dân Số
- Kết Quả Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Về Dược Trong 9 Năm (2005 - 2013)
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam hiện nay - 11
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam hiện nay - 12
Xem toàn bộ 102 trang tài liệu này.
(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012).
Trong 62 cán bộ thanh tra y tế thì mới có 48 cán bộ được bổ nhiệm làm thanh tra viên chiếm 74,42%, số còn lại là chuyên viên thanh tra. Mặt khác, số cán bộ thanh tra đã được cấp thẻ thanh tra viên mới chỉ có 39 cán bộ chiếm 69,35% trong tổng số cán bộ thanh tra chuyên trách ở các Sở Y tế. Như vậy, số cán bộ thanh tra được cấp thẻ thanh tra viên còn thấp, nhất là trong điều kiện định biên của Sở Y tế chỉ có giới hạn đã làm ảnh hưởng đến sự chủ động và phát huy quyền của thanh tra viên trong quá trình thanh tra và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật vì theo quy định của pháp luật cán bộ thanh tra đến cơ sở phải xuất trình thẻ thanh tra viên hoặc quyết định thanh tra.
2.2.2.2. Về chất lượng thanh tra viên và chuyên viên thanh tra
Thanh tra Bộ Y tế: Hiện có 17 cán bộ có trình độ trên đại học; các cán bộ thuộc Thanh tra Bộ Y tế đã được học tập về nghiệp vụ thanh tra và quản lý nhà nước. Trong đó đã có 12 cán bộ đã được đào tạo trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chính trị [44, tr. 3].
Thanh tra Sở Y tế: Qua kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012 của Thanh tra Bộ Y tế, chất lượng thanh tra viên y tế, chuyên viên thanh tra được thể hiện qua các số liệu dưới đây:
Bảng 2.2: Phân loại thanh tra viên, cán bộ thanh tra Sở Y tế chuyên trách theo trình độ chuyên môn
Nội dung | Số lượng (n=62) | Tỷ lệ % | |
1 | Bác sĩ | 38 | 61,29 |
2 | Dược sĩ | 19 | 30,64 |
3 | Đại học khác | 5 | 8.07 |
4 | Trung học | 0 | 0 |
5 | Có trình độ sau đại học hoặc văn bằng 2 | 9 | 14.5 |
6 | Biết ít nhất 1 ngoại ngữ | 52 | 83.87 |
7 | Biết tin học văn phòng | 53 | 85.48 |
8 | Đã học trung cấp lý luận chính trị | 62 | 100 |
9 | Đã học cao cấp lý luận chính trị | 8 | 12.90 |
10 | Đã học cử nhân chính trị | 4 | 6.45 |
(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012)
Các số liệu trên đây cho thấy, 100% số cán bộ thanh tra y tế đều có trình độ đại học, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó 12,9% có trình độ lý luận chính trị cao cấp và 6,45% có trình độ cử nhân chính trị. Đây là điều kiện khá thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao vì yêu cầu của công tác thanh tra đòi hỏi người cán bộ phải vừa có trình độ chuyên môn tốt vừa có nhận thức tốt về lý luận mới có khả năng xem xét một cách khách quan, khoa học và đưa ra kết luận chính xác về những vụ việc đã xảy ra.
Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ và tin học của các cán bộ thanh tra y tế còn hạn chế, vẫn còn 17,4% chưa biết ngoại ngữ và 3,1% chưa biết tin học. Do vậy, cần quan tâm đào tạo, đào tạo lại về ngoại ngữ, tin học cho thanh tra y tế địa phương.
Bảng 2.3: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ đảm nhiệm công tác thanh tra y tế tại địa phương
Nội dung | Số lượng (n=365) | Tỷ lệ % | |
1 | Đã học quản lý nhà nước chương trình chuyên viên | 284 | 77,8% |
2 | Chưa được học quản lý nhà nước chương trình chuyên viên | 81 | 22,2% |
3 | Được học nghiệp vụ thanh tra trên 1 tháng | 52 | 14,2% |
4 | Đã được tập huấn ngắn hạn về thanh tra | 221 | 60,6% |
5 | Chưa được học nghiệp vụ thanh tra | 92 | 25,2% |
(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo kết quả điều tra thực trạng tổ chức, hoạt động và nhu cầu đào tạo thanh tra y tế địa phương, tháng 9/2012).
Để thực hiện tốt công tác thanh tra thì người thực thi không những phải nắm vững chuyên môn kỹ thuật mà phải có hiểu biết tốt về công tác quản lý nhà nước, có nghiệp vụ, có kỹ năng trong hoạt động thanh tra. Vì vậy, trong thời gian qua, việc đào tạo cán bộ thanh tra y tế địa phương đã bước đầu được quan tâm.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người tham gia công tác thanh tra nhưng chưa được đào tạo về nghiệp vụ thanh tra (25,2%); tỷ lệ cán bộ được tập huấn nghiệp vụ thanh tra trên 1 tháng rất thấp (14,2%) và được học quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cũng chưa nhiều (77,8%). Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến quá trình hoạt động và kết quả thanh tra. Do vậy, cần quan tâm đào tạo, đào tạo lại về quản lý nhà nước, đặc biệt là nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ thanh tra y tế ở địa phương.
2.2.3. Điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra y tế
2.2.3.1. Kinh phí cho hoạt động thanh tra y tế
Hiện tại, kinh phí chi cho hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế
được sử dụng chung trong tổng ngân sách hoạt động của cơ quan Bộ Y tế theo mức chi bình quân cho một biên chế vào khoảng 40 triệu đồng/biên chế/năm. Do đó, tổng số kinh phí chi cho hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế vào khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, mỗi khi có hoạt động thanh tra đột xuất như: thanh tra xử lý chất thải y tế, thanh tra an toàn thực phẩm khi có dịch tiêu chảy cấp…, Thanh tra Bộ Y tế lại làm dự toán trình Lãnh đạo Bộ xin bổ sung kinh phí. Mặt khác, số kinh phí này vẫn còn rất thấp so với yêu cầu đặt ra. Như vậy, kinh phí chi cho hoạt động thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế thường rất eo hẹp, Thanh tra Bộ Y tế vẫn chưa có tài khoản riêng để chủ động hoạt động.
Thanh tra Sở Y tế cũng trong tình trạng tương tự như Thanh tra Bộ Y tế, kinh phí hoạt động thanh tra cũng nằm trong tổng kinh phí chung của Sở Y tế và không xác định được danh mục riêng dành cho hoạt động Thanh tra. Riêng Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và Thanh tra Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh lại có nguồn kinh phí riêng để chi cho các hoạt động thanh tra.
2.2.3.2. Thiết bị, kỹ thuật cho hoạt động thanh tra y tế
- Thanh tra Bộ có 30 bộ máy tính để bàn, 12 máy in, 01 máy fax, 01 máy photocoppy, 01 bộ máy chiếu (tất cả đều cũ và nhiều máy đã hư hỏng không sử dụng được). Bộ phận thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có 05 bộ máy tính để bàn, 03 máy in. Bộ phận thanh tra chuyên ngành của Cục Dược có 03 bộ máy tính để bàn, 03 máy in. Bộ phận thanh tra chuyên ngành của Cục An toàn Thực phẩm có 12 bộ máy tính để bàn, 10 máy in, 01 máy fax.
- Cơ quan thanh tra các Sở Y tế có trang bị máy tính bàn, máy tính xách tay, máy in, máy fax, bộ máy chiếu... nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra y tế.
- Tại Thanh tra Bộ có 05 máy ảnh, 01 máy Camera, 04 máy ghi âm (tất cả đều đã được trang bị từ lâu, hiện nay không sử dụng được).
- Tại cơ quan Thanh tra các Sở Y tế có 58 máy ảnh, 21 máy Camera, 30 máy ghi âm.
Các thiết bị kỹ thuật đặc biệt là các phòng xét nghiệm, phương tiện xét nghiệm bảo đảm phát hiện nhanh và chính xác các vi phạm về an toàn thực phẩm, chất lượng thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người để phục vụ cho công tác thanh tra hiện còn rất thiếu, lạc hậu và kém đồng bộ. Chính vì vậy nên khi cần phải kiểm định những vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật y tế thì thường gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả các cuộc thanh tra. Do đó, cần thiết phải tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động phục vụ cho công tác thanh tra.
2.2.4. Phương thức và hiệu quả thanh tra y tế
Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế đã chú trọng xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Kế hoạch công tác thanh tra đã bám sát theo đúng định hướng, kế hoạch của ngành y tế trong từng năm, từng giai đoạn và được triển khai tương đối đồng đều, tập trung trên các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, khám bệnh, chữa bệnh và dược, cần chú trọng chủ động để có kế hoạch thanh tra mang tính dự phòng, ngăn chặn các sự việc có thể xảy ra.
Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế đã chủ trì huy động lực lượng, phối hợp liên ngành để tổ chức và chỉ đạo các đợt thanh tra có kết quả, hiệu quả, nhất là thanh tra chuyên ngành về y tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, dược tư nhân và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vấn đề, do các ngành như thương mại (quản lý thị trường), văn hóa - thể
thao và du lịch (quảng cáo), tài nguyên môi trường… đều phải lo chủ yếu công việc của ngành mình nên sự tham gia còn ở mức độ nhất định.
Trong thời gian qua, để đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách các thủ tục hành chính, Chính phủ bãi bỏ một số giấy phép, trong đó có các giấy phép liên quan đến y tế mà chuyển hình thức quản lý sang hình thức quản lý hậu kiểm. Những lĩnh vực bị bãi bỏ giấy phép như hành nghề xoa bóp, hành nghề trang thiết bị y tế, quảng cáo trong lĩnh vực y tế... thì tần suất vi phạm đều tăng. Do đó, cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra đối với các lĩnh vực này, đặc biệt là công tác hậu kiểm.
Các hoạt động tự thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, tổ chức nhà nước đã được quan tâm chỉ đạo nhưng do kiến thức tổ chức và quản lý trong lĩnh vực y tế của cán bộ quản lý y tế các cấp còn hạn chế, công tác pháp chế ở các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, các cơ quan chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được tăng cường nên chưa đủ mạnh, đủ sức trong việc tự phòng ngừa các vi phạm pháp luật về y tế. Do vậy, cần thiết phải chấn chỉnh các hoạt động này để phòng ngừa vi phạm, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các hoạt động của ngành y tế, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về y tế.
2.2.5. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Qua tham khảo kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thanh tra Bộ Y tế công bố trong giai đoạn từ năm 2006 - 2013 và báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm 2013, hầu như các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đều đã được vận dụng để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt.
Nội dung của các hành vi vi phạm liên quan đến y tế được trình bày cụ thể tại mục 2.1 Chương 2 của Luật văn này.
Việc xử phạt vi phạm hành chính về y tế đã bảo đảm đúng hình thức và mức phạt theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật khác về xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, hình thức và mức phạt vẫn còn một số vấn đề cần phải phân tích thêm.
Bảng 2.4: Kết quả xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong 9 năm (2005 - 2013)
Số lượng | Tỷ lệ % | |
Số lượt cơ sở được thanh tra | 2.892.785 | |
Số lượt cơ sở có vi phạm phải xử lý | 221.528 | 7,66% |
Trong đó: | ||
Phạt cảnh cáo (cơ sở) | 170.919 | 77,15% |
Phạt tiền (cơ sở) | 39.658 | 17,90% |
Số tiền phạt (triệu đồng) | 42.784.930.000 | |
Đình chỉ có thời hạn (cơ sở) | 1.413 | 0,64% |
Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra | 1.300 | 0,59% |
(Nguồn: Thanh tra Bộ Y tế, Báo cáo công tác thanh tra y tế giai đoạn 2005 - 2013).
Số liệu về xử phạt vi phạm hành chính đối với an toàn thực phẩm ở Bảng 4 cho thấy số lượt cơ sở có vi phạm là 221.528 trong tổng số 2.892.785 cơ sở được thanh tra chiếm tỷ lệ 7,66%, trong đó, số cơ sở vi phạm bị xử phạt với hình thức cảnh cáo khá cao (77,15%), trong khi hình thức phạt tiền chỉ chiếm có 17,90%. Điều đó cho thấy vẫn còn có sự nương nhẹ trong xử phạt vi phạm hành chính.