Xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 2

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm gần đây, vấn đề nợ xấu tăng cao đã gây khó khăn lớn cho các ngân hàng thương mại cũng như hệ thống tài chính Việt Nam. Gia tăng nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tác động tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế. Nợ xấu là do nhiều nguyên nhân khác nhau như: những hạn chế trong công tác quản trị, thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay của ngân hàng; chính sách tiền tệ không hợp lý; tác động từ các cuộc khủng hoảng tài chính;… Để giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai thực hiện. Trong các phương án được đưa ra, hai phương án xử lý nợ xấu được sử dụng nhiều nhất là để các ngân hàng thương mại tự xử lý nợ xấu bằng các phương pháp nghiệp vụ (thu hồi nợ, giảm/giãn nợ, chuyển cho công ty quản lý tài sản thuộc ngân hàng đó…) hoặc bán nợ cho các công ty mua bán nợ. Phần lớn tỷ lệ các khoản nợ xấu đã được giải quyết là do các ngân hàng thương mại tự xử lý. Phần còn lại là do các công ty mua bán nợ (như VAMC, DATC…) thực hiện các biện pháp phát mại, đấu giá, bán tài sản, bán khoản nợ thông qua hình thức xử lý trực tiếp hoặc ủy quyền cho các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ. Thực tế, các khoản nợ xấu thu hồi được chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số nợ xấu được các công ty mua bán nợ xấu mua về. Giải pháp mua bán nợ đang gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dẫn đến hiệu quả của hoạt động không cao.

Để cải thiện hoạt động xử lý nợ xấu thì các ngân hàng thương mại cần một giải pháp hiệu quả hơn. Chứng khoán hóa nợ xấu được xem là một giải pháp đầy tiềm năng. Chứng khoán hóa nợ xấu giúp giảm thiểu các khoản nợ xấu; giải quyết được các khoản nợ của doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể nhanh hơn; giảm bớt áp lực thu nợ; tiết kiệm được nguồn lực và vốn để

thực hiện các khoản cho vay mới; giúp chuyển giao và phân hóa rủi ro; tạo thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, giải pháp này cũng đem lại rủi ro cho ngân hàng thương mại và nhà đầu tư do khó khăn liên quan tới tài sản bảo đảm được đem ra chứng khoán hóa; rủi ro về thanh khoản; rủi ro trong đánh giá, kiểm soát chất lượng khoản vay; rủi ro do các khoản nợ chỉ đơn giản là chuyển từ ngân hàng sang các nhà đầu tư. Tại nhiều nước trên thế giới, chứng khoán hóa nợ xấu không phải là công cụ tài chính mới mẻ mà nó đã tương đối phát triển [27]. Ở Việt Nam, giải pháp này vẫn còn mới mẻ và chưa phát triển do nhiều yếu tố tác động. Ngày 16/10/2017, Bộ Tài chính đã ra Quyết định 2071/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020" và xác định rõ nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp. Như vậy, chứng khoán hóa nợ xấu đang trong những bước đầu nghiên cứu để hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển. Đây sẽ là giải pháp giúp phát triển thị trường mua bán nợ tập trung, tạo ra thanh khoản cao cho thị trường, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh tham gia; đồng thời giải quyết được các khoản nợ của doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, phá sản do không thanh toán được nợ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu và góp phần xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chứng khoán hóa nợ xấu của ngân hàng thương mại, việc nghiên cứu đề tài “Xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam” là rất cần thiết.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại là đề tài mới, chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về vấn đề này. Một số bài

viết khoa học trên báo, tạp chí nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của chứng khoán hóa nợ xấu như: “Chứng khoán hóa nợ xấu”- Theo Báo Sài gòn đầu tư, bài đăng ngày 22/01/2018 đã chỉ ra được những ưu điểm của giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu và đặt ra yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ quá trình chứng khoán hóa nợ xấu. Bài viết “Chứng khoán hóa nợ xấu, nên chăng?”- Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp, bài đăng ngày 01/06/2017 nhận định chứng khoán hóa nợ xấu được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu. Việt Nam là đất nước đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do đó việc tìm hiểu, nghiên cứu để học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng hiệu quả các biện pháp xử lý luôn được các chuyên gia kinh tế, tài chính, các nhà nghiên cứu luật pháp, cơ quan quản lý quan tâm. Ngân hàng Nhà nước có bài viết “Kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu” đăng trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 20/06/2018 nghiên cứu tổng hợp về kinh nghiệm xử lý nợ xấu và áp dụng giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu của Hàn Quốc- một trong những quốc gia rất thành công trong việc áp dụng giải pháp chứng khoán hóa vào việc xử lý nợ xấu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

Ngoài ra, một số đề tài nghiên cứu khoa học về chứng khoán hóa nợ xấu có sự nghiên cứu tổng quát. Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2013 “Tìm hiểu về các sản phẩm chứng khoán hóa và khả năng áp dụng ở Việt Nam” của Nguyễn Thị Thanh Hương – Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán đã tìm hiểu một cách có hệ thống về khái niệm, lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán hóa, cấu trúc các sản phẩm chứng khoán hóa phổ biến trên thế giới; quy trình triển khai chứng khoán hóa và quy trình quản lý rủi ro; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về quá trình hình thành và phát triển các sản phẩm chứng khoán hóa phổ biến trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho

Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2017 “Chứng khoán hóa: Kinh nghiệm các nước và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Ban phát triển thị trường tài chính – Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã phân tích các vấn đề cơ sở lý luận về chứng khoán hóa, phân tích thực trạng ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả chứng khoán hóa nợ xấu. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học quốc gia Hà Nội năm 2018 “Chứng khoán hóa nợ xấu ngân hàng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” của tác giả Trần Thị Vân Anh đã nêu ra các luận cứ khoa học và thực tiễn về chứng khoán hóa trong xử lý nợ xấu ngân hàng tại một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đồng thời, báo cáo thực trạng về tình hình nợ xấu tại các Ngân hàng ở Việt Nam hiện nay và những bất cập của các giải pháp được đưa ra trong giai đoạn 2011-2017, các kiến nghị, giải pháp về chứng khoán hóa nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam - 2

Một số bài viết nước ngoài phân tích về chứng khoán hóa nợ xấu như: bài viết Securitization: Instruments and Implications (2009) của tác giả David Marques Ibanez và Martin Scheicher phân tích cấu trúc và các loại hình của thị trường chứng khoán hóa, từ đó cho thấy quá trình chứng khoán hóa hướng tới các rủi ro tín dụng từ các chứng khoán được bảo đảm bởi khoản thế chấp tới các chứng khoán có cấu trúc phức tạp hơn. Đề tài khoa học năm 2002 Securitization in Korea được thực hiện bởi tác giả Lee Hyon-Mee chỉ ra chứng khoán hóa nợ xấu đã được các tổ chức tài chính Hàn Quốc ưa chuộng như một công cụ tái cấu trúc bởi vì thông qua chứng khoán hóa các khoản nợ xấu (securitization of non-performing loans-NPLs) do họ nắm giữ, họ có thể xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và đồng thời bảo đảm các khoản tiền cần thiết cho giảm các khoản nợ của họ để tuân thủ quy định của Ngân hàng Thanh

toán quốc tế (Bank for International Settlements-BIS) về tỷ lệ vốn tự có và tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Các bài viết, đề tài khoa học trên chủ yếu nghiên cứu chứng khoán hóa nợ xấu dưới góc độ kinh tế. Trong khi đó, để phát triển tốt được chứng khoán hóa các khoản nợ xấu thì hành lang pháp lý phải đầy đủ do vậy cần có những nghiên cứu về pháp luật của Việt Nam về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại và pháp luật của một số nước trên thế giới về vấn đề này, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Bên cạnh đó, từ những bài viết đã nghiên cứu về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của một số nước trên thế giới, luận văn sẽ nghiên cứu cụ thể các quy định pháp luật của một số nước thành công trong việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc để so sánh, đối chiếu với pháp luật Việt Nam và đưa ra được các giải pháp xây dựng pháp luật Việt Nam.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

3.1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu một số vấn đề lý luận về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại và kinh nghiệm chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại theo pháp luật của một số nước trên thế giới, từ đó định hướng xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Từ mục tiêu trên, luận văn đặt ra các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Làm sáng tỏ về mặt lý luận các vấn đề liên quan đến nợ xấu và chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại.

- Phân tích sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với vấn đề chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

- Phân tích vấn đề chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng

thương mại theo pháp luật của một số nước trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại.

- Đề xuất những định hướng và giải pháp khả thi nhằm xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở một số nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ và đánh giá thực trạng xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay.

Phạm vi nghiên cứu của luận văn: luận văn tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại, một số nội dung chủ yếu của pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở các nước như Hàn Quốc, Mỹ.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện dựa trên những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Luận văn vận dụng hai phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để tiếp cận những vấn đề thuộc nội dung của đề tài. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp so sánh luật, phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp thống kê.

- Phương pháp so sánh luật: so sánh các quy định của pháp luật Việt Nam với pháp luật Mỹ và Hàn Quốc về hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích, tổng hợp các số liệu về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam qua các năm;

phân tích các quy định của pháp luật Mỹ và Hàn Quốc từ đó tổng hợp kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa nợ xấu của ngân hàng thương mại.

Luận văn cũng kế thừa, tham khảo một số tài liệu, các báo cáo liên quan đến đề tài.

6. Tính mới và đóng góp của đề tài

Luận văn có những đóng góp mới về mặt khoa học sau đây:

Thứ nhất, luận văn làm rõ các khái niệm, đặc điểm của nợ xấu, khái niệm chứng khoán hóa nợ xấu, đặc biệt là các đặc trưng của chứng khoán hóa nợ xấu, điều kiện thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu từ đó thấy được ý nghĩa, vai trò của chứng khoán hóa nợ xấu đối với việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại.

Thứ hai, luận văn làm rõ sự cần thiết phải luật hóa chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, luận văn nêu ra được những nội dung chủ yếu của pháp luật một số nước trên thế giới về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại.

Thứ tư, luận văn đề xuất được một số định hướng, giải pháp để xây dựng pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại như: pháp luật về chứng khoán hóa nợ xấu phải thể hiện được đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu, học hỏi từ các chuẩn mực quốc tế để chuẩn hóa được các quy định; xây dựng văn bản pháp luật cụ thể để điều chỉnh hoạt động chứng khoán hóa, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia chứng khoán hóa.

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài Lời cam đoan, Mở đầu, Mục lục, Danh mục từ viết tắt, Danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn có kết cấu 3 chương như sau:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu

của ngân hàng thương mại.

Chương 2. Nội dung chủ yếu của pháp luật về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại ở một số nước trên thế giới.

Chương 3. Các yếu tố tác động và định hướng xây dựng pháp luật Việt Nam về chứng khoán hóa các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại.


Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHỨNG KHOÁN HÓA CÁC KHOẢN NỢ XẤU CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI


1.1. Khái niệm, đặc điểm của nợ xấu

1.1.1. Khái niệm nợ xấu

Trong tiếng Anh, nợ xấu thường được sử dụng với các thuật ngữ như “non-performing loans”(NPLs), “bad debt”, “doubtful debt”. Các tiêu chuẩn kế toán dùng thuật ngữ “non-accrual loans” hoặc “impaired loans” để nói về nợ xấu. Các quốc gia, các tổ chức khác nhau trên thế giới có những quan điểm khác nhau về nợ xấu trong đó có thể kể đến một số quan niệm sau:

Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), "nợ xấu" là các khoản nợ dưới chuẩn, có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ lẫn khả năng thu hồi vốn của chủ nợ, điều này thường xảy ra khi các con nợ đã tuyên bố phá sản hoặc đã tẩu tán tài sản [26].

Nhóm chuyên gia tư vấn của Liên Hợp Quốc (AEG) thống nhất quan điểm: các khoản nợ được coi là nợ xấu là khi quá hạn trả lãi và/hoặc gốc trên 90 ngày, hoặc các khoản lãi chưa trả từ 90 ngày trở lên đã được nhập gốc, tái cấp vốn hoặc chậm trả theo thỏa thuận; hoặc các khoản phải thanh toán đã

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/12/2023