Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975 - 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-----------------------------------------------------

HOÀNG THỊ KIM NHẪN


BIỂU TƯỢNG THƠ TỐ HỮU GIAI ĐOẠN 1945 - 1975


LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.

HÀ NỘI - 2014

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975 - 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-----------------------------------------------------

HOÀNG THỊ KIM NHẪN


BIỂU TƯỢNG THƠ TỐ HỮU GIAI ĐOẠN 1945-1975


LUẬN VĂN THẠC SĨ

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 01 21


Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Lê Văn Lân


HÀ NỘI - 2014

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU 3

1. Lý do chọn đề tài 3

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 4

3. Phạm vi nghiên cứu 7

4. Mục đích nghiên cứu 7

5. Phương pháp nghiên cứu 8

6. Kết cấu luận văn 8

PHẦN NỘI DUNG 9

CHƯƠNG 1: BIỂU TƯỢNG TRONG THƠ VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG

TẠO THƠ TỐ HỮU 9

1.1. Biểu tượng 9

1.1.1 Quan niệm về biểu tượng từ các góc độ khác nhau 9

1.1.2 Quan niệm về biểu tượng của luận văn 14

1.1.3 Phân biệt biểu tượng và một số khái niệm gần gũi 17

1.2 Hành trình sáng tạo thơ Tố Hữu 21

1.2.1 Tập thơ "Từ ấy" 21

1.2.2 Tập thơ "Việt Bắc" 23

1.2.3 Tập thơ "Gió lộng" 26

1.2.4 Tập thơ "Ra trận" và "Máu và Hoa" 28

1.2.5 Tập thơ " Một tiếng đờn" 30

1.2.6 Tập thơ " Ta với ta" 30

CHƯƠNG 2: CÁC HỆ BIỂU TƯỢNG TRONG THƠ TỐ HỮU GIAI ĐOẠN 1945- 1975 32

2.1 Những biểu tượng tiêu biểu diễn tả hiện thực chiến tranh 32

2.1.1Biểu tượng lửa 32

2.1.2 Biểu tượng máu 46

2.2. Những biểu tượng diễn tả tình cảm lãng mạn Cách mạng 55

2.2.1. Biểu tượng lá cờ 55

2.2.2 Biểu tượng ngôi sao 62

CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG BIỂU TƯỢNG TRONG

THƠ TỐ HỮU GIAI ĐOẠN 1945- 1975 68

3.1 Cách sử dụng các hình ảnh thơ 68

3.1.1 Hình ảnh cụ thể nâng lên tầm khái quát 68

3.1.2. Hình ảnh cụ thể nâng lên tầm kì vĩ, thiêng liêng 73

3.2. Giọng điệu thơ và các biện pháp tu từ 77

3.2.1 Giọng điệu thơ 77

3.2.2. Các biện pháp tu từ 79

KẾT LUẬN 82

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 84

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Nhà phê bình Lê Thanh Nghị từng nhận xét: "Có một sự thật nhiều người biết, đó là trong suốt cuộc đời làm cách mạng và làm thơ, không một nhà thơ Việt Nam nào được nhớ, được đọc và được thuộc nhiều như Tố Hữu". Giáo sư Phong Lê cũng cùng quan điểm đó trong đánh giá rằng: "Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam được đọc dài nhất trong thế kỷ XX". Quả đúng như vậy, bởi Tố Hữu là một nhà cách mạng làm thơ, nên thơ không chỉ là thơ với vẻ mượt mà văn chương mà còn là chan chứa tình yêu, lòng xót thương, khao khát đấu tranh, làm đẹp cho người, cho đời, cho quê hương đất nước. Bản thân nhà thơ Tố Hữu quan niệm rằng: "Thơ hay làm người ta quên thơ đi, để chỉ còn cảm thấy có tình người".Và chính cái tình trong thơ Tố Hữu đã đọng mãi trong lòng nhiều độc giả cho tới tận hôm nay.

Con đường thơ Tố Hữu gắn bó mật thiết với con đường cách mạng Việt Nam, bởi vậy nên những giai đoạn lịch sử cam go nhất đặc biệt là thời chiến tranh, khoảng từ năm 1945 đến 1975, chính là những lúc thơ Tố Hữu thể hiện rõ nhất phong cách trữ tình chính trị của ông, và ở đó, ta thấy có những hình ảnh được tác giả nhắc đến nhiều lần. Đó không chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên mà có sức ám ảnh lớn đối với tác giả và mang tính biểu tượng cao. Những biểu tượng ấy có ý nghĩa sâu sắc, bởi qua đó, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp đến người đọc, mà trước hết là nó phản ánh được rõ nét hiện thực cách mạng, hơn thế, còn thể hiện được tình cảm, lý tưởng cách mạng cao đẹp của nhà thơ.

Đã có không ít các học giả, nhà nghiên cứu có cảm hứng, xây dựng những công trình khoa học về thơ Tố Hữu. Ở một vài công trình cũng đã đề cập đến biểu tượng trong thơ Tố Hữu, nhưng nguồn biểu tượng đa dạng cùng với nét đặc sắc của nó vẫn rất hấp dẫn người yêu thơ Tố Hữu, và vẫn sẽ là nguồn đề tài hứng thú để tiếp tục giải mã những ý nghĩa ẩn sâu mà nhà thơ muốn chuyển tải.Với xu thế đó, đề tài "Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945- 1975" của chúng tôi cũng mong muốn khảo sát toàn diện hơn, đầy đủ hơn hệ thống các biểu tượng nghệ thuật đã góp phần làm nên nét đặc sắc

trong thơ Tố Hữu, khẳng định được phong cách của Tố Hữu và vị trí của Tố Hữu trên thi đàn Việt Nam.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Tố Hữu đến với thi ca khá sớm, từ năm 18 tuổi, và được coi là con chim đầu đàn vạch hướng cho cả nền thi ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Có những giai đoạn, thơ ông đã trở thành chỗ dựa tâm hồn cho mọi người. Sự nghiệp thơ ca của ông đã được khẳng định qua các giải thưởng cao quý như: Giải nhất giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 cho tập thơ Việt Bắc; Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1996 cho tập thơ Một tiếng đờn; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, 1996). Ông cũng là người có nhiều thơ được sử dụng giảng dạy trong nhà trường, từ bậc học phổ thông đến đại học. Chính vì thế đã có hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu về thơ Tố Hữu của các nhà thơ nhà văn như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông,… Các chuyên luận và bài nghiên cứu của các tác giả Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Văn Long… đều đã đề cập đến nhiều mặt quan trọng khác nhau của thơ Tố Hữu và còn một số bài viết của chính tác giả về đời mình và thơ của mình. Các công trình nghiên cứu, các bài viết tập trung vào một số vấn đề về đời và thơ Tố Hữu, cụ thể là:

Nghiên cứu về chặng đường sáng tác, có nhóm bài viết về các tập thơ và khuynh hướng vận động của thơ Tố Hữu.

Nghiên cứu về phong cách nghệ thuật, có các công trình, các bài viết tập trung khai thác, khám phá những giá trị đặc sắc trong thơ Tố Hữu cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Ngoài ra còn có rất nhiều các bài viết đi sâu vào tìm hiểu, phân tích, thẩm bình những thi phẩm tiêu biểu của Tố Hữu qua các chặng đường thơ của ông.

Cuối cùng là hồi ức, gồm những kỷ niệm của bạn bè, đồng nghiệp, người thân về cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Tố Hữu.

Đặc biệt, có ba công trình biên khảo chuyên sâu về thơ ông. Đó là: Thơ Tố Hữu của Lê Đình Kỵ (1979), Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí của Nguyễn Văn Hạnh (1985) và Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử (1987). Công trình nghiên cứu của Lê Đình Kỵ với trên năm trăm trang, được coi là xuất hiện sớm và có những đóng góp đáng ghi nhận

trong việc khảo sát đánh giá một cách toàn diện cả nội dung và nghệ thuật thơ Tố Hữu, mang tên Thơ Tố Hữu (xuất bản lần đầu năm 1979 tại NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp). Trong chuyên luận này, hầu hết các tập thơ quan trọng trên chặng đường sáng tác của Tố Hữu đã được khảo cứu, như Từ ấy (1937 - 1946), Việt Bắc (1946 - 1954), Gió lộng (1955 - 1961), Ra trận (1962 - 1971), Máu và Hoa (1972 - 1977). Để từ đó tác giả đã khái quát những chủ đề lớn trong thơ Tố Hữu như: chủ đề về Nhân dân, Đất nước, Đảng, Lãnh tụ…Ngoài ra là những đặc điểm phong cách, tư tưởng, nghệ thuật trong sáng tác của nhà thơ như: lãng mạn cách mạng, trữ trình cách mạng, phong cách dân tộc đậm đà… Có thể nói đây là chuyên luận trình bày rất cơ bản về sự nghiệp sáng tác, phong cách thơ Tố Hữu. Chuyên luận của Lê Đình Kỵ rất có ý nghĩa trong đời sống phê bình, nghiên cứu văn học. Tuy vậy, tác giả của chuyên luận vẫn là bước đầu tiếp cận thơ Tố Hữu về phương diện xã hội học. Vấn đề biểu tượng trong thơ Tố Hữu chưa thấy được nghiên cứu, tìm hiểu.

Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí của Nguyễn Văn Hạnh (NXB Thuận Hóa, 1985) dài hơn hai trăm trang, về mặt phương pháp nghiên cứu, công trình vẫn tuân thủ chặt chẽ, tiếp cận theo hệ hình đi tìm sự tương đồng giữa tác phẩm văn học và đời sống trong phản ánh, tái tạo hình tượng nghệ thuật, phô diễn cảm xúc của chủ thể trữ tình. Cuốn sách cũng góp phần làm rõ đặc sắc nội dung tư tưởng và phong vị đậm đà trong thơ Tố Hữu qua ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, thể loại. Tuy nhiên mảng đề tài về biểu tượng trong thơ của Tố Hữu cũng chưa được bàn đến.

Và nếu hai công trình trên khai thác thơ Tố Hữu về các mặt chủ đề, đề tài, những nét lớn trong phong cách chủ yếu theo phương diện xã hội học thì công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của tác giả Trần Đình Sử - được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1987 (NXB Hội Nhà văn), tái bản vào năm 1995 (NXB Giáo dục), đã đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề mà trước đây phê bình văn học của Việt Nam ít quan tâm đến. Đó là những vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người, không gian và thời gian nghệ thuật, chất thơ và phương thức thể hiện dưới góc nhìn thi pháp học, một góc nhìn mới mẻ và hiện đại trong nghiên cứu văn học. Đặc biệt, chương III của chuyên luận, mang tên Không gian nghệ thuật là một trong những chương rất đặc sắc Trần Đình Sử đã nói đến không gian nghệ thuật trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây rồi từ đó khẳng định không gian nghệ thuật chủ yếu trong thơ Tố Hữu là không

gian "con đường". Cũng từ không gian nghệ thuật này, lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu lớn về thơ Tố Hữu đã đề cập đến vấn đề biểu tượng, cụ thể là con đường trong thơ ông, Trần Đình Sử khẳng định: "Hình tượng không gian quan trọng nhất, đóng vai trò xuyên suốt trong thế giới thơ Tố Hữu là con đường cách mạng. Hình tượng con đường có thể nói là đặc điểm chung của thơ ca cách mạng Việt Nam và của thơ ca cách mạng thế giới. Nhưng ở Tố Hữu được thể hiện nổi bật, nhất quán trở thành nét tư duy cơ bản nhất của thơ ông"[32, tr.218]. Và lần đầu tiên tác giả khẳng định: "Con đường là biểu tượng của sự thống nhất của không gian và thời gian, là không gian vận động, không gian của con người đi tới"[32, tr.218]. Bằng phương pháp liệt kê để thấy tần số xuất hiện biểu tượng qua từng chặng đường thơ, phương pháp phân tích để khái quát lên ý nghĩa của biểu tượng con đường, Trần Đình Sử đã cho thấy đó là không gian công cộng, không gian nhân dân, đó là không gian có hướng, hướng đi tới, đó là không gian lộ thiên, đầy ánh sáng, lộng gió thời đại, gió vũ trụ, và đó còn là không gian xã hội…Tuy vậy, Trần Đình Sử mới chỉ dừng lại ở một biểu tượng nổi bật là "Con đường" với tư cách là yếu tố thuộc không gian nghệ thuật, chứ chưa đề cập đến các hệ thống biểu tượng khác trong thơ Tố Hữu.

Và có liên quan tới đề tài "Biểu tượng thơ Tố Hữu giai đoạn 1945-1975", khi nghiên cứu về Kinh nghiệm sống và biểu tượng thơ, Mã Giang Lân cũng có nhắc tới biểu tượng thơ Tố Hữu trong cuốn Những cấu trúc của thơ (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011). Theo tác giả, "Biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan, ngược lại hiện thực khách quan là điều kiện hàng đầu tạo nên biểu tượng" [22, tr.128]. Tiếp đó tác giả điểm qua những biểu tượng của thơ ca dân gian, của thơ ca bác học, một số biểu tượng trong thơ ca nước ngoài, và một vài biểu tượng trong thơ ca của các nhà văn nhà thơ hiện đại Việt Nam, như biểu tượng "sông nước" trong thơ Tế Hanh, biểu tượng "bà" trong thơ Bằng Việt, biểu tượng "sao" trong thơ Chế lan Viên, "đất" trong thơ Nguyễn Đức Mậu, và rất nhiều biểu tượng khác trong thơ Lưu Quang Vũ… Riêng với Tố Hữu, tác giả nhận định "trong thế giới nghệ thuật thơ Tố Hữu, hình tượng con đường chiếm vị trí quan trọng." "Con đường là biểu tượng cho những cuộc lên đường từ gian khổ đến chiến công" [22, tr.139] . Cũng là Tố Hữu, tác giả còn nhận định thêm về hình ảnh người mẹ mang tính biểu tượng cao: "Khi nói đến hình tượng người mẹ trong thơ Tố Hữu, chúng ta nghĩ tới tầm vóc, tính khái quát về người mẹ đã trở thành biểu tượng của non sông đất nước"[22, tr.132]. Hướng nghiên cứu này của tác giả Mã Giang Lân có tính

Xem tất cả 92 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí