LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Mấy thập kỷ qua, làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đã và đang diễn ra ở nhiều nước đang phát triển. Ngày nay, khi toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới diễn ra sâu rộng do tác động của cách mạng khoa học - công nghệ thời đại thì CNH, HĐH chỉ có thể thành công và được rút ngắn khi có chiến lược đúng đắn, gắn với các chính sách, giải pháp điều hành phù hợp với những biến động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Thực tế, một số quốc gia và lãnh thổ đã sớm thành công trong công nghiệp hoá và gia nhập hàng ngũ NIEs, trong đó có Đài Loan. Sự thành công của Đài Loan có nguyên nhân rất quan trọng là sự định hướng và điều tiết của nhà nước. Điều đó đã để lại những bài học kinh nghiệm về vai trò của nhà nước đối với CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Ở nước ta, sự nghiệp CNH, HĐH theo đường lối đổi mới của Đảng ta đạt được những thành tựu quan trọng. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng về kinh tế - xã hội và bước sang giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra ngày một mạnh mẽ thì yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững ở nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn đối với CNH, HĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó càng khẳng định vai trò cần thiết của nhà nước trong định hướng, điều hành CNH, HĐH ở nước ta.
Đó là lý do nghiên cứu sinh chọn đề tài nghiên cứu: “Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (thời kỳ 1961 - 2003) - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam”.
2. Tổng quan các công trình đã nghiên cứu có liên quan đến luận án
Có thể bạn quan tâm!
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 2
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 3
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 4
Xem toàn bộ 227 trang tài liệu này.
Về vai trò của nhà nước đối với quá trình CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế đã được nhiều nhà nghiên cứu đi sâu phân tích. Nghiên cứu về Đài Loan ở nước ngoài, có thể nêu ra các công trình như: Chính sách và thể chế trong quá trình tăng trưởng nhanh của Dahlman & Ousa (1997) [91]; Vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế Đài Loan của Jocl (1994) [89]; Sự can thiệp của nhà nước trong phát triển hướng ngoại: Lý thuyết tân cổ điển và thực tiễn Đài Loan của Wade (1988) [96]; Điều tiết thị trường: Lý thuyết kinh tế và vai trò của chính phủ ở các nền kinh tế công nghiệp hoá mới Đông Á của Wade (1990) [97]; Một số nghiên cứu được tập hợp trong công trình Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á của Ngân hàng thế giới (2002) [57] có đề cập đến vấn đề kinh nghiệm về vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở một số nước Đông Á. Gần đây, công trình Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp – Tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước của Li Tan (2008) [71] đã tập trung nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước để luận giải về vai trò quan trọng của nhà nước đối với công nghiệp hoá ở một số nước như Liên Xô và các nền kinh tế mới nổi ở khu vực Đông Á, trong đó có Đài Loan…
Ở trong nước, một số nghiên cứu có đề cập đến vai trò của nhà nước với tư cách là một nhân tố tác động đến tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở một số nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á như: Kinh tế Đài Loan - Tình hình và chính sách của Phạm Thái Quốc (1997) [66]; Công nghiệp hoá ở NIEs Đông Á và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam của Lê Bàn Thạch & Trần Thị Tri (2000) [72]. Đặc biệt, nhiều công trình nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam như: Nhà nước trong kinh tế thị trường các nước đang phát triển châu Á của Đỗ Đức Định (1991) [31]; Công nghiệp hoá, hiện đại hoá: Những bài học thành công của Đông Á do Nguyễn Thị Luyến chủ biên (1998) [50]; Công nghiệp hoá, hiện đại hoá: Phát huy lợi thế so sánh - Kinh nghiệm của các nền kinh
tế đang phát triển ở châu Á của Đỗ Đức Định (1999) [32]; Lựa chọn sản phẩm và thị trường trong ngoại thương thời kỳ công nghiệp hoá của các nền kinh tế Đông Á do Nguyễn Trần Quế chủ biên (2000) [65]; Một số vấn đề về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam của Đỗ Hoài Nam (2004) [56]; Kinh tế học phát triển về công nghiệp hoá và cải cách nền kinh tế của Đỗ Đức Định (2004) [34]… đã đề cập và nghiên cứu về các chính sách của nhà nước nhằm thúc đẩy CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế ở một số nước Đông Á, trong có có Đài Loan và rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu toàn diện, có tính hệ thống về vai trò của nhà nước Đài Loan đối với CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế theo giác độ lịch sử kinh tế.
3. Mục tiêu của đề tài luận án
- Làm rõ vai trò của nhà nước đối với CNH, HĐH ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Rút ra một số bài học kinh nghiệm về vai trò của nhà nước đối với CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế ở Đài Loan có ý nghĩa thực tiễn với nước ta hiện nay.
4. Những đóng góp mới của luận án
- Làm rõ hơn cơ sở lý luận về vai trò của nhà nước đối với CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với những nước có nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp đang thực hiện CNH, HĐH nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển.
- Tập trung nghiên cứu làm rõ thực trạng về vai trò nhà nước đối với CNH, HĐH ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (thời kỳ 1961 - 2003) để rút ra một số bài học kinh nghiệm về vai trò của nhà nước trong CNH, HĐH.
- Luận giải khả năng vận dụng một số kinh nghiệm về vai trò của nhà nước đối với CNH, HĐH trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Đài Loan
với nước ta hiện nay. Đồng thời, đề xuất một số kiến nghị để tăng thêm tính khả thi trong vận dụng các kinh nghiệm đó.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đối tượng nghiên cứu của luận án là vai trò của nhà nước đối với CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế ở Đài Loan.
- Phạm vi nghiên cứu: Vai trò của nhà nước với CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế bao hàm nhiều vấn đề nhưng luận án chỉ tập trung nghiên cứu về việc lựa chọn chiến lược CNH, HĐH và các chính sách, giải pháp của nhà nước tác động vào tiến trình CNH, HĐH.
Thời gian nghiên cứu từ năm 1961 đến năm 2003. Luận án lựa chọn thời gian nghiên cứu như vậy vì từ đầu những năm 1960, Đài Loan đã chuyển sang thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu và từng bước hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế. Đến năm 2003, Đài Loan chính thức là thành viên của WTO được khoảng 2 năm (Đài Loan trở thành thành viên chính thức của WTO từ 01/01/2002). Mục đích của luận án là làm rõ những điều chỉnh trong chính sách, giải pháp của nhà nước Đài Loan cho phù hợp với những quy định của WTO và tác động của nó đến tình hình kinh tế - xã hội. Điều này tương đồng với Việt Nam khi Việt Nam mới trở thành thành viên của WTO từ 01/01/2007. Tuy nhiên, về vai trò của nhà nước Đài Loan từ sau năm 2003 đến nay cũng được luận án nghiên cứu để làm rõ vai trò tích cực của nhà nước đối với sự phát triển của nền kinh tế tri thức trong hội nhập.
6. Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Luận án đã kết hợp sử dụng các phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, phương pháp đối chứng so sánh và phương pháp phân tích kinh tế để làm rõ nội dung nghiên cứu. Đồng thời trong nghiên cứu, tác
giả đã kế thừa có chọn lọc những kết quả nghiên cứu của một số học giả trong nước và quốc tế, chủ yếu là kết quả phân tích kinh tế lượng.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài lời mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương 2: Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong hội nhập kinh tế quốc tế ở Đài Loan (thời kỳ 1961 - 2003) và bài học kinh nghiệm.
Chương 3: Khả năng vận dụng một số kinh nghiệm về vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong hội nhập kinh tế quốc tế ở Đài Loan vào nước ta hiện nay.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
1.1.1. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá
1.1.1.1. Khái niệm công nghiệp hoá
Trong lịch sử xã hội loài người, công nghiệp hoá là con đường tất yếu để phần lớn các quốc gia trên thế giới phát triển và tiến tới hiện đại, văn minh. Thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, công nghiệp hoá diễn ra rất phong phú, đa dạng về mô hình bởi nó là quá trình phức tạp và bao hàm phạm vi rộng lớn. Do thời điểm xuất phát và phương thức tiến hành khác nhau nên bản thân khái niệm công nghiệp hoá cũng được quan niệm theo những cách tiếp cận khác nhau. Theo tổng kết của UNIDO thì có đến 128 cách định nghĩa khác nhau về công nghiệp hoá.
Thực tế, công nghiệp hoá là một khái niệm mang tính chất lịch sử. Tuỳ theo góc độ nhìn nhận mà người ta nhấn mạnh mặt này hay mặt khác của công nghiệp hoá để đưa ra những quan niệm khác nhau. Những quan niệm đó có thể quy về một số dạng cơ bản sau:
- Cuối thế kỷ XVIII, cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở nước Anh và sau đó lan sang các nước tư bản khác thì công nghiệp hoá được hiểu là đưa đặc tính công nghiệp cho một hoạt động; trang bị (cho một vùng, một nước) các nhà máy, các loại công nghiệp... [40, tr. 48]. Do vậy, các nước này chủ yếu tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp và sự chuyển biến về kinh tế - xã hội khác chỉ là hệ quả của phát triển công nghiệp. Quan niệm này có nhiều mặt không hợp lý: nó không cho thấy mục tiêu cần đạt của quá trình công nghiệp hoá; nó gần
như đồng nhất quá trình công nghiệp hoá với phát triển công nghiệp; và nó không thể hiện được tính lịch sử của quá trình công nghiệp hoá.
- Khi nền công nghiệp chuyển biến nhanh chóng từ kỹ thuật cơ khí giản đơn với máy hơi nước làm động lực sang cơ khí phức tạp với động cơ đốt trong, điện năng làm động lực thì quan niệm công nghiệp hoá đã được mở rộng, không chỉ đơn thuần là phát triển nền công nghiệp thành lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, mà còn là biến tất cả các hoạt động sản xuất khác thành loại hình hoạt động công nghiệp.
- Từ 1926, Liên Xô bắt đầu thực hiện công nghiệp hoá theo mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Mặc dù trước đó chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở mức độ nhất định nhưng nếu so với phương Tây lúc đó thì Liên Xô vẫn thiếu một hệ thống công nghiệp nặng hoàn chỉnh và kinh tế tiểu nông vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Bên cạnh đó, Liên Xô còn bị phương Tây bao vây phong toả về kinh tế. Trong bối cảnh ấy, mục tiêu của công nghiệp hoá là tập trung cao độ cho phát triển công nghiệp nặng. Điều này bao hàm cả ý nghĩa kinh tế và quốc phòng. Do vậy, công nghiệp hoá được quan niệm là “Quá trình xây dựng nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp. Đó là sự phát triển công nghiệp nặng với ngành trung tâm là chế tạo máy…” [40, tr. 49]. Quan niệm này phù hợp với điều kiện của Liên Xô thời kỳ đó. Trong quá trình thực hiện, mặc dù có sự chú trọng nhất định đến công nghiệp nhẹ và nông nghiệp nhưng bao giờ công nghiệp nặng cũng được coi như một tiền đề có ý nghĩa quyết định đến sự toàn thắng của công nghiệp hoá cũng như sự sống còn của đất nước.
- Năm 1963, UNIDO đưa ra khái niệm: "Công nghiệp hoá là một quá trình phát triển kinh tế, trong quá trình này một bộ phận ngày càng tăng các nguồn của cải quốc dân được động viên để phát triển cơ cấu kinh tế nhiều ngành ở trong nước với kỹ thuật hiện đại. Đặc điểm của cơ cấu kinh tế này là có một bộ phận chế biến luôn thay đổi để sản xuất ra những tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng, có khả năng đảm bảo cho toàn bộ nền kinh tế phát triển với nhịp độ cao, đảm bảo
đạt tới sự tiến bộ về kinh tế - xã hội". Quan niệm này chứa đựng sự dung hoà các ý kiến cho rằng quá trình công nghiệp hoá bao trùm toàn bộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt tới không chỉ sự phát triển kinh tế mà còn cả sự tiến bộ về mặt xã hội [40, tr. 51].
Nhìn chung, mỗi cách quan niệm về công nghiệp hoá trên đây đều có nhân tố hợp lý, nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và gắn với những yêu cầu đặt ra trong phát triển. Tuy nhiên, những quan niệm này mới chỉ đề cập đến khía cạnh vật chất - kỹ thuật mà chưa đề cập đến một vấn đề cũng rất quan trọng là khía cạnh cơ chế, thể chế. Bởi ngoài mục tiêu, những nội dung chủ yếu thì phương thức thực hiện hay cách thức, cơ chế phân bổ sử dụng các nguồn lực cũng là một vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại trong công nghiệp hoá.
Từ thực tế ấy, tác giả của luận án cho rằng: Công nghiệp hoá là quá trình chuyển biến một nền kinh tế nông nghiệp mang tính tự cấp, tự túc khép kín với lao động thủ công là chủ yếu sang một nền kinh tế công nghiệp, vận hành theo cơ chế thị trường dựa trên sự phân công lao động xã hội phát triển ở trình độ cao, với lao động bằng máy móc, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế nhằm tăng năng suất lao động xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với quan niệm như vậy, công nghiệp hoá là quá trình cải biến toàn diện nền kinh tế. Ở khía cạnh vật chất - kỹ thuật, công nghiệp hoá là quá trình chuyển biến căn bản trình độ kỹ thuật của nền kinh tế, từ tình trạng lạc hậu, dựa vào phương pháp thủ công là chủ yếu sang nền kinh tế sản xuất dựa vào tiến bộ khoa học - công nghệ mới nhất đem lại năng suất, chất lượng và hiệu suất cao. Còn ở khía cạnh cơ chế, thể chế thì công nghiệp hoá là quá trình cải biến thể chế và cấu trúc của nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, từ nền kinh tế hiện vật - tự cấp, tự túc, khép kín sang nền kinh tế dựa trên nguyên tắc thị trường. Cả lý thuyết và thực tiễn đều đã chứng minh, cơ chế thị trường thường là một phương thức tốt để