tổ chức hoạt động kinh tế, nó cho phép phân bổ các nguồn lực xã hội một cách hiệu quả. Phát triển kinh tế thị trường không chỉ là điều kiện tiền đề mà là điều kiện không thể thiếu cho cả quá trình công nghiệp hoá không chỉ ở các nước phát triển đi trước mà cả ở các nước đang phát triển ngày nay.
Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau trong việc xác định hệ thống các tiêu chí đánh giá về công nghiệp hoá bởi các quan điểm được đưa ra bao quát một diện rộng nhưng lại thiếu sự phân loại và xác định rõ chuẩn mực với từng lĩnh vực, từng yếu tố. Mặc dù vậy, tác giả luận án cho rằng, có thể dựa vào 3 nhóm tiêu chí chủ yếu là tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững để đánh giá về trình độ công nghiệp hoá. Đây là những yếu tố cơ bản phản ánh tính chất và nội dung của quá trình công nghiệp hoá, chúng vừa phản ánh ở tầm khái quát, vừa phản ánh ở giác độ cụ thể, đo lường được cả những thay đổi về lượng và những biến đổi về chất.
Những tiêu chí của từng nhóm này bao gồm: i) Nhóm tiêu chí về tăng trưởng: tăng trưởng GDP (%), tăng trưởng GDP theo đầu người (%), GDP bình quân đầu người; ii) Nhóm tiêu chí về chuyển dịch cơ cấu: cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu công nghiệp (hàng chế tạo và hàng phi chế tạo), cơ cấu xuất khẩu (hàng chế tạo và hàng phi chế tạo), cơ cấu lao động và dân cư, cơ cấu vùng (mức độ đô thị hoá)…; iii) Nhóm tiêu chí về phát triển bền vững: công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, tỷ lệ việc làm hay thất nghiệp, giáo dục, chất lượng sống, môi trường chính trị - xã hội - kinh tế, năng lực thể chế, môi trường tự nhiên (mức độ huỷ hoại, phục hồi). Ngoài ra có thể có các tiêu chí tham khảo khác: Chỉ số TFP; Chỉ số phát triển người (HDI); Vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh.
1.1.1.2. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Hiện đại hoá được hiểu là toàn bộ các quá trình, các dạng cải biến, các bước quá độ từ các trình độ kinh tế - kỹ thuật khác nhau đang tồn tại lên trình độ mới cao hơn dựa trên những thành tựu của khoa học - công nghệ. Ngày nay, hiện
đại hoá được thừa nhận rộng rãi và được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ đơn thuần là hiện đại hoá công nghiệp mà còn là hiện đại hoá nền kinh tế. Do vậy, khi xét về bản chất, khái niệm hiện đại hoá thường được các nhà lý luận cho là hình thức đặc biệt của sự phát triển xã hội.
Thực tế cho thấy, công nghiệp hoá luôn gắn chặt với hiện đại hoá và chính hiện đại hoá là tiền đề quyết định sự thành công của công nghiệp hoá. Các nhà kinh tế học hiện đại thường dùng phạm trù công nghiệp hoá như một tiêu chuẩn phân định xã hội truyền thống và xã hội hiện đại cũng như để phân định các thời kỳ, các dạng hiện đại hoá đã và đang diễn ra trong lịch sử xã hội loài người.
Thế kỷ XX đã chứng minh, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đã đưa đến những bước nhảy kỳ diệu trong sự phát triển của lực lượng sản xuất và đưa xã hội loài người lên trình độ phát triển mới. Khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nó thấm sâu vào từng yếu tố của lực lượng sản xuất và thường xuyên tạo ra những biến đổi về chất trong phát triển. Chính sự phát triển của khoa học và công nghệ đã đánh dấu và mở ra những bước ngoặt mới trong công nghiệp hoá. Cách mạng khoa học – công nghệ là hình thức phổ biến trong sự phát triển của lực lượng sản xuất và đời sống xã hội. Do đó, khoa học – công nghệ là một trong những phương tiện quan trọng nhất để giải quyết các vấn đề xã hội, là con đường hiện đại hoá của các quốc gia trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm!
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 1
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 3
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 4
- Vai trò của nhà nước đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đài Loan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ 1961-2003 - Bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam - 5
Xem toàn bộ 227 trang tài liệu này.
Kinh nghiệm phát triển của các nền kinh tế cho thấy, bản thân công nghiệp hoá đã bao hàm yêu cầu đạt tới trình độ phát triển kinh tế hiện đại nhất hiện có vào thời điểm tiến hành. Quá trình ấy thúc đẩy việc giải quyết nhanh chóng những nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra, đồng thời đẩy nhanh sự ứng dụng những thành tựu của nó vào sản xuất. Trình độ của các hoạt động sản xuất không cố định theo một chuẩn mực kỹ thuật – công nghệ cứng mà nó luôn được nâng cao, được hiện đại hoá theo sự tiến triển của thời đại. Như vậy, công nghiệp hoá luôn phải đi đôi với hiện đại hoá.
Người Đài Loan quan niệm CNH, HĐH là quá trình chuyển biến từ một xã hội trong đó nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang một xã hội hiện đại, ở đó các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ liên tục được nâng cấp về trình độ kỹ thuật – công nghệ theo sự tiến triển của thời đại, mang lại giá trị gia tăng cao, cơ cấu kinh tế hiện đại, nhằm mục đích cao nhất là đạt tới trình độ của một nền kinh tế phát triển.
Theo quan điểm của Đảng ta, “CNH, HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính, sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao” [25, tr. 43].
1.1.2. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong hội nhập kinh tế quốc tế
1.1.2.1. Hội nhập kinh tế quốc tế
Ở hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX, làn sóng toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội trên toàn thế giới. Trong đó, toàn cầu hoá kinh tế vừa là trung tâm, vừa là cơ sở và là động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác của xu thế toàn cầu hoá nói chung và cũng là xu thế thể hiện rõ nhất. Điều này biểu hiện ở sự mở rộng mức độ và quy mô thương mại thế giới; sự lưu chuyển của các dòng vốn và lao động trên phạm vi toàn cầu; sự gia tăng các quá trình liên kết, hội nhập theo hướng tự do hoá làm xuất hiện hàng loạt các thể chế kinh tế quốc tế và khu vực dưới nhiều cấp độ; sự kết nối các nền kinh tế quốc gia và khu vực thành một mạng trên quy mô toàn cầu. Về mặt bản chất, toàn cầu hóa kinh tế xuất hiện gắn liền với xu thế vận động, phát triển của nền sản xuất xã hội, được thúc đẩy bởi lợi ích của phân công lao động quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ và tính xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất.
Thuật ngữ hội nhập kinh tế quốc tế đã xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây. Mặc dù cho đến nay quan niệm về hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn có những điểm chưa thống nhất nhưng tựu chung lại, có thể cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình các quốc gia thực hiện mô hình kinh tế mở, tự nguyện tham gia vào các định chế kinh tế và tài chính quốc tế, thực hiện thuận lợi hoá và tự do hoá thương mại, đầu tư và các hoạt động kinh tế đối ngoại khác; là sự gắn kết nền kinh tế của mỗi quốc gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới, trong đó mối quan hệ giữa các thành viên có sự ràng buộc theo những quy định chung của các tổ chức đó.
Xét về bản chất thì hội nhập kinh tế quốc tế là sự đan xen, gắn bó và lệ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia và nền kinh tế thế giới. Đó cũng là quá trình xoá bỏ từng bước và toàn bộ các rào cản về thương mại và đầu tư giữa các quốc gia, góp phần khơi thông các luồng di chuyển nguồn lực trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ.
Thực tế cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế xuất phát từ những cơ sở kinh tế xã hội hiện thực của thế giới hiện đại, mang tính khách quan không phụ thuộc vào ý chí của một quốc gia nào. Điều đó khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế như một tất yếu mang tính thời đại.
Hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm một số nội dung chủ yếu như: tham gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế; tham gia và mở rộng thương mại quốc tế; tham gia vào các hoạt động tài chính quốc tế v.v... Tham gia các hình thức liên kết kinh tế là một biểu hiện của hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là việc chính phủ các quốc gia ký kết với nhau các hiệp định tạo nên khuôn khổ chung cho sự phối hợp, điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa các nước với các hình thức chủ yếu là: Hiệp định thương mại song phương, Khu vực mậu dịch tự do, Liên minh thuế quan, Thị trường chung, Liên minh tiền tệ... Tuy nhiên, mỗi hình thức trên đây cũng có những điểm khác cơ bản và điều đó thể hiện cấp độ và mức độ hội nhập.
Hiện nay, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế tế quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và có tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế của các nước trên thế giới. Trong bối cảnh đó, các quốc gia dù giàu có hoặc phát triển đến đâu cũng đều có xu hướng đẩy mạnh các quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế. Những quốc gia chậm trễ trong hội nhập kinh tế quốc tế thường phải trả giá bằng chính sự tụt hậu của mình, ngược lại những nước vội vã hội nhập thiếu sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết, không phát huy được nội lực hoặc không chủ động hội nhập cũng đã bị trả giá.
Hội nhập kinh tế quốc tế mang đến những cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trong nền kinh tế: cá nhân, hộ gia đình, công ty, ngành, quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại là rất lớn: Các nước, nhất là các nước đang phát triển, có thể tiếp nhận những nguồn lực vật chất, những tri thức và kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô; Có điều kiện nắm bắt thông tin và tiếp nhận chuyển giao những thành tựu, những đột phá về khoa học – công nghệ, về tổ chức và quản lý sản xuất kinh doanh; Tạo khả năng mở rộng thị trường mới, mở rộng quan hệ với những đối tác mới cho các nước khi những hàng rào hạn chế đối với các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang đến những thách thức to lớn mà các nước phải đối mặt và tìm cách vượt qua nhất là sức ép buộc các quốc gia, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng khắc nghiệt và nguy cơ gia tăng sự bất công, bất bình đẳng thu nhập trong nội bộ từng nước và giữa các nước.
Đối với các nước đang phát triển, khi nền kinh tế còn yếu kém, sức cạnh tranh còn thấp, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế thì hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu là một tất yếu mang tính khách quan. Nó đưa đến những kỳ vọng về sự
gia tăng quy mô, nhịp độ tăng trưởng, nâng cấp các ngành kinh tế đồng thời có cơ hội để giải quyết vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng xã hội từ việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Do vậy, các nước đang phát triển một mặt cần phải chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế để khai thác, tận dụng những cơ hội đó nhưng mặt khác cũng phải hết sức chú trọng tới hình thức và bước đi trong quá trình hội nhập nhằm đảm bảo các lợi ích của quốc gia cả về kinh tế – chính trị và xã hội của mình.
Thời gian qua, hầu hết các nước đang phát triển đều thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế nhưng kết quả đạt được lại không hoàn toàn giống nhau. Vấn đề đặt ra với các nước này là cần phải có phương thức và cách thức quản lý quá trình hội nhập để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra đó là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước đi trước, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế thế giới.
1.1.2.2. Mục tiêu của CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế
CNH, HĐH là một quá trình bao trùm tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của mỗi nước với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phát triển xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, mục tiêu cụ thể của CNH, HĐH là:
- Thứ nhất, trang bị và trang bị lại công nghệ cho tất cả các hoạt động trong nền kinh tế nhằm tạo nên sự chuyển biến căn bản về lực lượng sản xuất dựa trên việc tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ, các tri thức mới trong sản xuất và tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao trình độ của người lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của các ngành sản xuất, phát triển ngành nghề mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và cơ cấu nội tại mỗi ngành kinh tế theo hướng hiện đại. Trong giai đoạn đầu CNH, HĐH, xu hướng là tỷ trọng của ngành nông nghiệp sẽ giảm dần tuy giá trị tuyệt đối vẫn tăng. Công nghiệp phát triển mạnh, dần vươn lên chiếm vị trí hàng đầu và đưa nền kinh tế chuyển sang trạng thái của nền kinh tế công nghiệp. Cơ cấu công nghiệp cũng sẽ dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến. Ở giai đoạn tiếp nối, tỷ trọng của công nghiệp sẽ giảm dần nhưng trong cơ cấu nội tại của nó, tỷ trọng các ngành dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao sẽ tăng nhanh. Đồng thời, tỷ trọng giá trị ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế sẽ ngày càng gia tăng, các loại hình dịch vụ trình độ cao như dịch vụ ngân hàng – tài chính, bảo hiểm, tư vấn, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo... sẽ phát triển mạnh và chiếm ưu thế trong cơ cấu ngành dịch vụ.
- Thứ ba, tạo ra những chuyển biến cơ bản về thể chế và xã hội. Việc thực hiện CNH, HĐH sẽ đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu kém phát triển, đồng thời tạo nên những biến đổi hết sức sâu sắc về mặt thể chế kinh tế và xã hội. Nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhỏ mang nặng tính chất tự cung, tự cấp sẽ dần chuyển sang nền kinh tế thị trường phát triển; cấu trúc lao động xã hội và dân số cũng có sự biến đổi theo hướng tăng tỷ trọng của lao động phi nông nghiệp, lao động kỹ thuật, dân cư đô thị; hình thành tư duy và nếp sống công nghiệp... Nói cách khác, sự biến đổi về mặt thể chế và xã hội trong quá trình CNH, HĐH là quá trình chuyển dần từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp và hướng đến nền văn minh trí tuệ.
- Thứ tư, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế. Ngày nay, quá trình tự do hoá thương mại và quốc tế hoá sản xuất đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của hầu hết các nước. Sự mở rộng của hoạt động thương mại quốc tế, các mối liên kết kinh tế quốc tế được thúc đẩy và tăng cường đã tạo ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng nhờ định hướng xuất khẩu và mở ra cơ hội cho các nước tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế. Nền kinh tế mỗi quốc gia trở thành
một bộ phận của nền kinh tế thế giới, chịu ảnh hưởng của những biến động kinh tế – chính trị – xã hội của thế giới và có tác động tương hỗ ở những mức độ khác nhau với nền kinh tế của các quốc gia khác. Mỗi nền kinh tế, dù lớn hay nhỏ, đã phát triển cao hay đang phát triển, nếu biết phát huy các lợi thế của mình sẽ trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong nền kinh tế thế giới. Như vậy, các nước đang phát triển ngày nay cần phải biết gắn nền kinh tế trong nước với nền kinh tế thế giới, phải hướng tới khai thác lợi thế so sánh của đất nước trong mối liên kết kinh tế với các quốc gia thuộc mọi trình độ để phát triển. Việc mở rộng các quan hệ kinh tế quốc tế vừa là nội dung, vừa là phương thức thực hiện CNH, HĐH. Mở rộng thị trường trong và ngoài nước là một trong những điều kiện trọng yếu để phát triển các ngành kinh tế. Mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế sẽ tạo điều kiện khai thác các nguồn lực từ bên ngoài, giải quyết khó khăn về vốn đầu tư, về công nghệ và kinh nghiệm quản lý để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH,.
1.1.2.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế
Trong lịch sử kinh tế thế giới, một số nước như Liên Xô giai đoạn 1926 – 1937, Trung Quốc trước năm 1978, một số nước ASEAN và một số nước ở châu Mỹ Latinh trong những năm 1950, 1960... đã tiến hành công nghiệp hoá theo mô hình khép kín, tự cấp tự túc, không hội nhập với nền kinh tế thế giới. Thực chất đó là mô hình công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu (công nghiệp hoá hướng nội). Với mô hình này, sự thành công hay thất bại của quá trình công nghiệp hoá hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn lực trong nước, phụ thuộc vào cơ chế, chính sách huy động, phân bổ sử dụng các nguồn lực của nhà nước ở các nước này. Thực tế chỉ có rất ít nước thành công với mô hình này và chỉ trong một thời gian nhất định, còn lại đại đa số các nước đều không đạt được những mục tiêu đề ra, thậm chí còn rơi vào tình trạng trì trệ, tụt hậu trong phát triển.
Tiến hành CNH, HĐH trong hội nhập kinh tế quốc tế về thực chất là tiến hành cuộc đua tranh phát triển quốc tế. Quá trình này vừa chịu tác động của