Những Điểm Tương Đồng Và Khác Biệt Giữa Truyền Thuyết Lịch Sử Và Giai Thoại Lịch Sử

23

Tuy nhiên, nhận xét giữa giai thoại và truyện cười “có cái gì giống nhau, có cái gì liên quan mật thiết với nhau” (Trần Thanh Mại) [147,3] mới là một dự cảm, cần nói rõ “có cái gì”, phân biệt giữa hai thể loại.

Những đặc trưng của giai thoại và phân loại

Theo từ điển Larousse, “Giai thoại là một truyện rất ngắn gọn về một sự việc hấp dẫn, lý thú của một nhân vật nào đó, truyện mà người ta còn ít biết đến” [70,14].

Định nghĩa trên thể hiện những nét đặc trưng có tính bao quát về giai thoại. Chính đặc điểm “rất ngắn gọn” đã đưa đến quan niệm xem giai thoại là một dưới - thể loại (“sous-genre”) của thể loại truyện kể (“récit”). Những khía cạnh riêng tư, đặc biệt, chưa phổ biến về nhân vật là những nét đặc thù tạo nên sức sống của giai thoại. Người nghe chờ đợi một thông tin mới về nhân vật, thường được tạo ra trong những tình huống đặc biệt, bất ngờ, đưa đến những ấn tượng sâu sắc.

Về tính chất ngắn gọn của giai thoại, như Ninh Viết Giao đã đề cập, có “một số giai thoại chưa dựng thành chuyện, sự việc rất đơn giản” [48,291], nhưng xưa nay vẫn được kể và lưu truyền.

Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa “giai thoại”: “Một thể loại truyện kể ngắn gọn về một tình tiết có thực hoặc được thêu dệt của những nhân vật được nhiều người biết đến” (ví dụ: giai thoại về các nhà chính trị, các tướng, các nhà văn, nhà khoa học, các nhân vật có biệt tài như Mạc Đĩnh Chi, Trạng Quỳnh...) [52,132]. Chúng tôi cũng thống nhất với quan niệm này về giai thoại, tuy nhiên, “nhân vật được nhiều người biết đến” được định vị là những con người thật, không phải là nhân vật hư cấu.

Với tư cách là một thể loại văn học dân gian, giai thoại, trước hết, là những câu chuyện hay, đẹp, lý thú. Nói theo Kiều Thu Hoạch, một tác phẩm sở dĩ được gọi là giai thoại chính là do tính lý thú (“intéressant, plaisant”) tạo nên, nó phân biệt với truyện cười với tính gây cười (“risible”). Đồng thời, thông thường đã gọi là giai thoại phải có đối thoại, đối đáp (“dialogue”) giữa hai nhân vật, có những tình tiết dẫn tới kịch tính từ lời kể chuyện, tức lời thoại. Điều này thể hiện trước hết ở giai thoại văn học, bởi mục đích, chức năng của giai thoại văn học là đưa đến cảm giác sảng khoái, thú vị, một sự giải trí trí tuệ, dí dỏm bằng thơ văn. Ở đây tính lý thú mang ý nghĩa toàn diện, thể hiện ở bản thân thơ văn và còn ở chính tình huống của giai thoại.

Nhân vật giai thoại là những nhân vật có thật. Đó là các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, các nhà nho, tổ sư của các nghề nghiệp… và là những người nổi tiếng. Theo Ninh Viết Giao, “Nhân vật càng nổi tiếng thì các giai thoại nói về họ càng hấp dẫn, lôi cuốn dễ đạt được tính chất mỹ cảm của nó” [48,290]. Đây là những mẩu chuyện về “người thật, việc thật” với những khía cạnh riêng tư, cụ thể về nhân vật.

24

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.

Mặt khác, tính hư cấu cũng là một đặc trưng phổ quát của giai thoại, với ý nghĩa là “gán cho người nọ việc kia” [95,176]. Đây là sự hư cấu theo lối thêu dệt những tình tiết, sự kiện về nhân vật (nếu là giai thoại văn học thì có thể hư cấu cả thơ văn của nhân vật) theo xu hướng biểu đạt thái độ tôn phục. Điều này khác với tính chất “sự hư cấu thần kỳ” trong truyền thuyết. Cao Huy Đỉnh cũng đã nói đến “tình tiết hư cấu trùng lặp” giữa các nhân vật nổi tiếng và “các nhân tài nước Nam” [40,53] trong giai thoại.

Theo Vũ Ngọc Khánh, giai thoại được chia làm ba loại: giai thoại văn học (những câu chuyện hoàn toàn là chuyện sáng tạo và chuyện những người sáng tạo trong địa hạt văn chương học thuật), giai thoại lịch sử (những câu chuyện khác liên quan với những sự kiện, những nhân vật hoạt động trong các chính trường, có liên hệ chặt chẽ với tiến trình tồn vong của đất nước) và giai thoại folklore (các mẩu chuyện về những tài năng thợ thêu, thợ chạm, những nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng chèo, hội họa, điêu khắc, diễn xướng... gây được những thú vị, bất ngờ; các mẩu chuyện tạo nên những thành ngữ, phương ngôn, vẫn thường được nhân dân truyền tụng để biểu lộ niềm tin, tự hào về con người, quê hương, dòng họ...) [95,174]. Kiều Thu Hoạch phân giai thoại thành hai loại: giai thoại văn học (gồm nhóm giai thoại về các tác gia văn học và nhóm giai thoại về các sáng tác văn học khuyết danh, vô danh) và giai thoại lịch sử (gồm nhóm về danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa và nhóm giai thoại đi sứ). Gắn với quan niệm xem giai thoại là những chuyện vui vui, hay hay”, “hàm chứa yếu tố gây cười một cách nhẹ nhàng tao nhã”, trên cơ sở các giai thoại sưu tầm ở địa phương, Lê Văn Chưởng chia giai thoại thành các loại: giai thoại sinh hoạt hò, giai thoại vua-quan- hoàng tộc-thứ dân, giai thoại sân khấu, giai thoại sáng tác thơ văn. Các nhóm giai thoại được nêu tương quan với giai thoại văn học và giai thoại folklore. Nguyễn Bích Hà chia giai thoại làm ba loại: giai thoại văn học (về Nguyễn Du, Xuân Diệu…), giai thoại danh nhân (về Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh…), giai thoại cười (Truyện Trạng Quỳnh, Bác Ba Phi…). Tác giả cũng không đưa vào khái niệm giai thoại lịch sử và có quan niệm đồng nhất một bộ phận của giai thoại với loại “truyện cười kết chuỗi” hay truyện trạng.

Truyền thuyết và giai thoại về các nhân vật lịch sử Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước - 4

Như vậy, các cách phân loại cũng chưa có tiêu chí nhất quán song đã có những điểm gần nhau, qua đó có thể nhận diện được các nhóm giai thoại. Chúng tôi thống nhất với cách phân chia thành ba tiểu loại giai thoại của Vũ Ngọc Khánh, gồm: giai thoại văn học, giai thoại lịch sử và giai thoại folklore, bởi các tiểu loại có khả năng bao quát rộng rãi các đối tượng truyện kể.

Tóm lại, giai thoại là một thể loại văn học dân gian đích thực. Văn học viết vẫn có giai thoại, là những giai thoại về các tác gia, tác phẩm đúng chất văn học (có thể bao

25

gồm nhóm giai thoại đi sứ). Những yếu tố xem là “ngoài chính thống” của nó sẽ là những đặc điểm làm nên giai thoại văn học bác học, với ý nghĩa là“một dòng phái sinh trong thực tiễn văn học” [193,17] như Cao Tự Thanh đã nhận định. Còn văn học dân gian vẫn có thể loại giai thoại, theo nguyên lý những gì của dân gian sẽ trở về với dân gian. Trong lời Giới thiệu Giai thoại văn học Việt Nam, Trần Thanh Mại cũng đã nói đến sự tồn tại của hai kiểu loại giai thoại: “trừ một số cá biệt, nói chung thì giai thoại văn học không thuộc phạm vi văn học dân gian” [147,3]. Thực tế, “một số cá biệt” đó lại là một mặt có ý nghĩa quan trọng của thể loại. Trong đó, có giai thoại văn học (dân gian), giai thoại folklore (gồm cả giai thoại xung quanh những bài thơ, câu đối khuyết danh hoặc nhân vật phiếm chỉ) và giai thoại lịch sử.

Vấn đề phân biệt giai thoại văn học và giai thoại văn học dân gian

Quan niệm “Là dân gian, cái gì không phải là chính thống” (“Est populaire, ce qui n’est pas officiel”) (Trần Quốc Vượng dẫn của một nhà folklore Pháp) [224,172] là một cách hiểu ở phạm vi rộng. Đến với sáng tác văn học dân gian cần có thêm kiến giải cụ thể. Khái niệm “chính thống” được hiểu là sáng tác chính thức của cá nhân, có tính quan phương. Có thể có những sáng tác ngoài chính thống nhưng không hẳn là của dân gian.

Các nghiên cứu folklore thế giới đã đề cập đến vấn đề “chất dân gian của những người không phải dân chúng và chất phi dân gian của dân chúng” [20,171]. Thực tế này gợi mở nhận thức mới về tính chất không tuyệt đối của những phạm vi quy ước cũng như mở ra khả năng thứ hai cho cách hiểu về yếu tố thực tế của những sáng tác truyền miệng dân gian, trong đó bao gồm cả những sản phẩm được tạo từ thành phần ngoài dân chúng và những gì thuộc về tính chất không chính thống không hẳn mang chất lượng của truyền thống dân gian.

Cũng theo chiều hướng này, về vấn đề tác giả văn học dân gian, các nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm văn học dân gian có thể là sáng tác của “những người có chữ nghĩa”, hơn nữa đó còn được coi là “nét đặc thù của văn hóa - văn học dân gian truyền thống Việt Nam”. Nói như A.Dundes, nhà folklore Mỹ khi bàn về chủ thể sáng tác văn hóa dân gian: “Chúng ta là những người sáng tác văn hóa dân gian trong số những người sáng tác văn hóa dân gian khác” [72,430].

Song, một vấn đề đặt ra khác là ai sẽ lưu truyền cho “chúng ta” với những tác phẩm giới hạn người thưởng thức? Như đối với giai thoại văn học, đây là sáng tác ngoài chính thống của tác giả nhưng không phải dành cho công chúng bình dân, trong thực tế nó “gắn với sinh hoạt văn học thành văn” [69,519]. Còn nếu xem sinh hoạt của những người có chữ nghĩa, các nhà nho cũng là môi trường dân gian căn cứ vào “thực

26

tế sinh hoạt văn học dân gian những thế kỷ trước” [95,169], thì cũng rất hạn hữu, không thể biện giải đầy đủ cho mọi sáng tác, để coi đó là tác phẩm văn học dân gian. Một tác phẩm được hình thành đều có một cá nhân khởi xướng song chỉ có tác phẩm nào trải qua quá trình dân gian hoá, qua sự gia công, bồi đắp của tập thể thì mới được coi là tác phẩm đích thực. Những giai thoại văn học dân gian ban đầu do cá nhân sáng tác, nhưng nó có yêu cầu về đời sống dân gian của tác phẩm, cái để “văn bản có thể sống và sống tiếp”. Giai thoại văn học dân gian phải là văn bản kể có chất dân gian đồng thời có khả năng lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

Mặt khác, ở đây nếu nói đến trường hợp như Propp đã nêu là “tác phẩm folklore có nguồn gốc văn học”, tác phẩm ban đầu là sáng tác của cá nhân nhà văn, nhà thơ, thì cũng phải đảm bảo dấu hiệu “folklore về mặt vận động” [158,23]. Tác phẩm phải được lưu truyền, có đời sống thực sự với những ghi chép có tính chất dị bản (còn có sự lưu truyền trên văn bản nhưng đó là trường hợp chất liệu tác phẩm dân gian đích thực).

Câu chuyện thơ văn dù độc đáo, hay, đẹp đến đâu (về sự thưởng thức chữ nghĩa) nhưng có tính quy phạm, lại lưu hành trong phạm vi giới hạn như ở tao đàn, nhà học, không được kể rộng rãi thì không thể trở thành tác phẩm văn học dân gian, như Giai thoại về Bùi Hữu Nghĩa (ghi phỏng theo Thi Long tạp lục, 1889), với Đằng giao khỉ phụng, Ngư mạo long thi hay Bình thơ Đường.... [188,50]. Lại có trường hợp tác phẩm là sáng tác ghi chép, kể chuyện thơ văn, trước sau chỉ có một văn bản sao chép qua lại, không có bản kể khác ghi nhận sự vận động của tác phẩm. Đây cũng không thuộc giai thoại văn học dân gian. Chẳng hạn, trong Giai thoại lịch sử Việt Nam [215], bên cạnh một số truyện được coi là giai thoại dân gian, còn lại là những giai thoại văn học, như: Ngô Thì Sĩ và cái vạ văn chương, Mạc Thiên Tích – ông quan cai trị giỏi, thơ hay…

Lại Nguyên Ân trong Từ điển văn học nhận định: “Trong những ghi chép sớm nhất, giai thoại văn học thường không phân giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ, có những mảng giai thoại xuất hiện thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm” [69,519].

Trường hợp nói ở trên được hiểu là những sách chữ Hán thời kỳ đầu (những mẩu chuyện hay như sự tích, câu chuyện giao tiếp ứng xử, mạn đàm đối đáp văn chương… được ghi vào các tập: tạp thuật, tiệp ký, mạn lục, kiến văn lục, nhàn đàm… như Sơn cư tạp thuật, Công dư tiệp ký, Lan trì kiến văn lục…) chưa mang tên giai thoại. Ngay trong “những mảng giai thoại xuất hiện thời kỳ sau” cũng chưa có sự nhất quán trong việc phân loại. Có khi cùng một loại truyện nhưng được xếp vào thể loại giai thoại hay truyện cười hoặc đưa về thể loại độc lập là truyện trạng (nói như Kiều Thu Hoạch về giai thoại là sự phân loại “tạm thời để công bố”). Điều này do quan điểm phân loại đồng thời do tính chất phức tạp của đối tượng (như nhận xét của Cao

27

Huy Đỉnh: “tính chất châm biếm đả kích của giai thoại càng mạnh và nó sẽ lẫn lộn với truyện cười” [40,55]; hay nói như Guxép: “Các tiểu loại giai thoại chưa được phân hóa rõ rệt” [45,233]).

Hay trong Kho tàng giai thoại Việt Nam [93], truyện Ông Ó, truyện Ba Phi được xếp vào loại giai thoại folklore. Đây là những mẩu chuyện kết chuỗi xoay quanh “nhân vật quen thuộc với đại chúng” (tài nói trạng, gây cười), nhân vật tự kể chuyện hay mở rộng ra là những câu chuyện được gắn với tên tuổi của nhân vật. Thủ pháp gây cười mang phong cách riêng đậm dấu ấn địa phương. Truyện Ông Ó là tiếng cười chế nhạo, đả kích những thói xấu, sai trái của tầng lớp quan chức địa phương. Truyện Ba Phi với tiếng cười hồn nhiên, phóng khoáng của những người đi khai phá vùng đất mới. Đây là những tiếng cười mang sắc thái độc đáo, đậm chất Nam Bộ, thể hiện cốt cách tinh thần của những con người và những cái đặc biệt của sinh thái, sản vật nơi đất rừng phương Nam. Dựa vào phương thức nói trạng và chức năng tư tưởng thẩm mỹ của truyện kể, theo chúng tôi, có thể coi đây là thể loại truyện trạng.

1.1.3. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử

1.1.3.1. Những điểm tương đồng

- Đặc điểm tính kết chuỗi

Các truyền thuyết và giai thoại đứng riêng lẻ đều tạo lập thành những chuỗi truyện xoay quanh sự kiện, nhân vật trung tâm, ít có trường hợp chỉ có một truyện kể duy nhất về đối tượng. Điều này thể hiện đặc điểm tính kết chuỗi của thể loại (đây cũng là đặc điểm chung của những thể loại truyện dân gian có liên quan đến nhân vật cụ thể). Ví dụ chuỗi truyền thuyết về Hùng Vương, hay những giai thoại về Phan Thanh GiảnTuy nhiên, mức độ chuỗi của truyền thuyết nhìn chung thường có quy mô, phạm vi rộng lớn hơn so với giai thoại.

- Phạm vi đề tài

Truyền thuyết và giai thoại lịch sử đều có đối tượng phản ánh là những hiện tượng lịch sử, bao gồm nhân vật và sự kiện lịch sử gắn với lịch sử địa phương hoặc dân tộc. Trong đó, không có giới hạn riêng biệt sự kiện, nhân vật cho mỗi thể loại truyện, nói cách khác, một nhân vật, sự kiện lịch sử có thể có cả truyền thuyết lẫn giai thoại. Ví dụ về nhân vật Trương Định có truyền thuyết Phút cuối của Trương Định và giai thoại Trương Định gặp cụ Đồ Chiểu

- Sự gắn kết nội dung với những chứng tích địa danh, lịch sử, văn hóa

Nhiều truyện kể ở cả hai loại truyện đều gắn với những chứng tích địa danh, lịch sử, văn hóa. Đây cũng là điểm giao thoa giữa hai thể loại. Ví dụ về nhân vật Lê Lợi có

28

truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm và cũng có giai thoại Chuyện Lê Lợi đặt tên các làng… Tuy nhiên mối quan hệ giữa truyền thuyết với các chứng tích lịch sử, văn hóa rõ rệt hơn so với giai thoại lịch sử.

- Phương thức phản ánh thực tại

Về quan hệ với thực tại, cả hai thể loại đều dựa trên cơ sở hiện thực là các sự kiện, nhân vật lịch sử. Ở truyền thuyết, đó là “nét chính yếu của sự kiện và con người có thực” [143,78] (phân biệt với tính chất “bịa đặt” của truyện cổ tích). Với giai thoại là đặc điểm “gần gũi với người thật” [95,14]. Mặc dù yếu tố hư cấu, tưởng tượng vẫn là một đặc trưng nghệ thuật của truyền thuyết (bởi truyền thuyết không và “chưa bao giờ nói đúng 100 % về lịch sử”, hoặc có khi trùng khít với sử nhưng không phải là truyền thuyết). Và trong giai thoại có khi có sự hiện diện của yếu tố thêu dệt hoang đường. Ví dụ: câu chuyện liên quan môtíp Đứa bé khiển âm thần nằm trong mạch sự kiện có tính chất thêu dệt, huyên truyền về nhân vật Phan Thanh Giản.

- Dạng thức tồn tại của tác phẩm

Trong tiến trình hình thành, tác phẩm truyền thuyết trước hết có thể chỉ là những tình tiết, sự kiện cốt yếu còn đơn lẻ, là những mẩu ký ức được kể lại. Qua quá trình lưu truyền, cốt truyện sẽ dần được hoàn chỉnh khi vận động trong không gian và thời gian. Đây là vấn đề có tính quy luật của văn học dân gian. Có khi tác phẩm được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình văn bản hóa. Trong thực tế, nhiều khi ban đầu, dân gian chỉ kể mẩu chuyện vắn tắt, để trở thành một văn bản đầy đủ phải nói đến vai trò của người biên soạn với quá trình văn bản hóa truyện kể và đến lượt nó có sự tác động trở lại dân gian, tạo nên một vòng đời mới trong đời sống tác phẩm. Quá trình này có khi chưa hoàn thành trọn vẹn, không ít truyền thuyết có thể tồn tại ở dạng thức cốt kể nhưng chưa phát triển đầy đủ chi tiết; hình thức tác phẩm lúc này có thể gần với giai thoại vốn có cấu trúc ngắn gọn (mặt khác, chính giai thoại cũng có khả năng tồn tại ở dạng cốt kể với những mẩu thông tin ban đầu).

Những điểm tương đồng trên đây có thể là nguyên nhân của việc chưa xác định ranh giới rõ giữa truyền thuyết và giai thoại, đưa đến hiện tượng cách dùng hai thuật ngữ chưa nhất quán ở một số sách sưu tập, biên soạn truyện dân gian.

1.1.3.2. Những điểm khác biệt

- Giai thoại thường phải ngắn gọn. Tính chất ngắn gọn của giai thoại phù hợp việc kể về một tình huống, sự kiện với yếu tố cốt lõi và ý nghĩa đơn nhất (là một “lát cắt”, một giai đoạn trong cuộc đời nhân vật) đồng thời phù hợp với yêu cầu đưa đến những điều hay, lạ, đặc biệt. Nếu là những câu chuyện xoay quanh nhân vật thì sẽ tạo nên chuỗi truyện.

29

V.Guxép khi bàn về folklore hiện đại cũng đã gián tiếp cho thấy đặc điểm hình thức này của giai thoại: “Bên cạnh những tác phẩm bông đùa được sáng tác không ít những tác phẩm thực sự trào phúng, nhất là trong những hình thức “nhỏ” của folklore, những bài ca đơn khúc, những giai thoại, những câu nói hóm, những tục ngữ và thành ngữ…”[45,579].

Truyền thuyết thường dài hơn, gắn với cốt truyện phức tạp hơn, thường là kể trọn vẹn diễn biến cuộc đời nhân vật.

Tuy nhiên cũng không thể nhất thiết căn cứ độ dài, ngắn để phân định loại truyện. Độ dài, ngắn của văn bản truyện kể có khi do vấn đề biên soạn (đơn giản là sự thêm thắt lời kể hay việc tổ chức đơn vị văn bản và tình hình có thể phức tạp với cơ chế “nhuận sắc” bằng những yếu tố lịch sử). Mặt khác, trong chuỗi truyền thuyết về những sự kiện lịch sử lớn, thường có một hoặc vài truyện kể có quy mô về độ dài, còn những truyện kể xoay quanh có thể ngắn gọn hơn. Lại có những truyện kể trong quá trình vận động còn tồn tại ở dạng cốt kể. Vì vậy không thể phân biệt truyền thuyết với giai thoại chỉ từ dấu hiệu này.

- Nhiều người đã nói đến đặc điểm giai thoại phải có lời thoại, tức là lời đối đáp trực tiếp trong câu chuyện giữa các nhân vật. Trong một số giai thoại, yếu tố lời thoại mang ý nghĩa là những tình tiết thúc đẩy câu chuyện, tạo được kịch tính, mặt khác, tính chất thoại như một đặc trưng độc đáo, tạo cho giai thoại văn chương tính trí tuệ sâu sắc.

Bên cạnh đó cũng có những giai thoại lịch sử được kể theo lối không có lời đối đáp. Ngôn ngữ kể, giọng kể thể hiện rõ tính chất tương truyền của câu chuyện, có khi bao hàm một vài sắc thái (như tán tụng hoặc mỉa mai…). Có trường hợp lời thoại được thêm thắt từ người biên soạn không có chất dân gian, không tạo được hiệu quả nghệ thuật (như một số truyện được biên soạn trong sách sưu khảo Nam Bộ).

Văn bản truyền thuyết không yêu cầu lời thoại, mặc dù truyền thuyết cũng không giới hạn lời thoại. Ví dụ: trong truyện An Dương Vương, Lê Lợi trả gươm, chính lời thoại là một tình tiết độc đáo làm nên cái hay của tác phẩm. Song, về cơ bản, lời thoại của truyền thuyết đi theo mạch sự kiện, khác với tính chất đối đáp trong tình huống trực tiếp của giai thoại.

Ngôn ngữ kể của truyền thuyết thường là giản dị, đời thường nhưng thành kính, trang trọng, gắn với cảm xúc, thể hiện trong những câu chuyện về người anh hùng.

- Ở giai thoại, sự kiện, tình tiết được nhắc đến mang ý nghĩa là những diễn biến thực tế, gắn với những sinh hoạt đời thường. Nó thường liên quan những tình huống và

30

ứng xử đặc biệt của nhân vật, nhằm phác họa những đặc điểm về cá tính, tính cách nhân vật cụ thể hoặc những khung cảnh, hoạt động tạo nên những dấu ấn về thực tại.

Trong truyền thuyết, sự kiện, tình tiết thường mang ý nghĩa sự biểu đạt nghệ thuật, là thực tại nhưng đồng thời chứa đựng sự ảo hóa, làm thực tại có tính linh thiêng, gắn với những ý nghĩa lớn lao về lịch sử đất nước, địa phương, dân tộc (ở những giai đoạn lịch sử đã lùi xa đặc điểm này thể hiện rõ nét, nhất là ở phần kết cục truyện kể với những ấn tượng sâu sắc nhất về nhân vật, sự kiện). Điều này còn thể hiện trong tính hệ thống của chuỗi truyện. Kể về những người anh hùng cứu nước, dân gian đã xây dựng những chuỗi truyện với nhiều sự kiện, tình tiết có tính chất khuôn mẫu theo thời gian, như về Nguyễn Huệ: tài năng thiên bẩm, trời trao mũ áo, lưỡng xà dâng kiếm…; về Lê Lợi: trao gươm thần, trả lại gươm thần

- Truyền thuyết phản ánh sự nhận thức, cách đánh giá, thể hiện tình cảm của nhân dân về các sự kiện, nhân vật lịch sử của địa phương, dân tộc. Khi kể truyền thuyết, cả người kể và người nghe đều tin đó là điều có thật. Giai thoại lịch sử kể những điều hay, lạ, đặc biệt, gây ấn tượng về sự kiện, nhân vật lịch sử. Giai thoại, về cơ bản, không bao hàm sự lý tưởng hóa về sự kiện, nhân vật. Qua những chuyện kể đời thường, có phần “bên lề”, có thể góp nhặt được những dấu ấn về con người thật của nhân vật vốn là những “yếu nhân” của mỗi thời kỳ, thể hiện sắc nét sự nhận thức, đánh giá khách quan của dân chúng về các đối tượng. Khi kể giai thoại, về mặt tâm lý, cả người kể và người nghe đều không đặt ra vấn đề đó là điều có thật hay không có thật. Như vậy có sự khác biệt về mặt chức năng giữa hai thể loại.

- Truyền thuyết gắn với những yếu tố “thiêng hóa” (thời gian thiêng, không gian thiêng, sự kiện, nhân vật thiêng), là nơi gửi gấm những xúc cảm thiêng liêng trong sự nhận thức về quá khứ cộng đồng, dân tộc. Giai thoại lại thể hiện rõ tính chất đời thường, những cảm nhận cụ thể, gần gũi về đối tượng những sự việc đương thời hay quá khứ gần, gây được ấn tượng. Theo Vũ Ngọc Khánh, giai thoại được ví như “người bạn thường xuyên của con người và của các sự kiện lịch sử xã hội” [95,165], cái hay là giai thoại biết chọn lựa những khoảnh khắc lóe sáng, gây ấn tượng về nhân vật, sự kiện. Ở các giai thoại thời kỳ đầu thế kỷ XX về sau, tính chất đời thường càng tăng lên với những câu chuyện lan truyền về sinh hoạt của các tầng lớp trong xã hội thực dân phong kiến. Đó là những câu chuyện về khía cảnh sinh hoạt, ứng xử thường nhật của các nhân vật. Ở đây có sự khâm phục đối với các tài trí, nghĩa khí của nhân vật nhưng các giai thoại đều gần như không gợi tính chất “thiêng” như trong nội dung truyền thuyết. Đối với một số giai thoại kể cùng về một sự kiện hay nhân vật như đối tượng phản ánh của truyền thuyết thì tính chất “thiêng” lại xuất hiện ở mức độ nhất định.

Ngày đăng: 25/12/2023