Thật là tài tử giai nhân
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
Tình yêu kiểu này có khác mấy tình yêu giữa chàng tài tử mê hát phương vải Nguyễn Du thủa nào, sang Trường Lưu hát phường vải và để lại vết thương lòng nơi cô gái phường vải mà hiện nay câu ca vẫn còn lưu lại:
Trường Lưu làng xóm thanh bình,
Nguyễn Du xưa vốn nặng tình nơi đây.
Nổi danh gái sắc trai tài,
Nghìn năm văn vật ngời ngời sử xanh.
Nhận xét về các cặp đôi tài tử giai nhân này, ông Trần Nho Thìn cho rằng: “Có thể có chút hài hước nào đó nhà thơ viết về Thúc Sinh, nhưng có đầy đủ cơ sở để nói Nguyễn Du cũng trân trọng, chăm chút cho đôi lứa Thúy Kiều - Thúc Sinh. Có lẽ trong Truyện Kiều, không có cuộc chia li nào lại được Nguyễn Du tả thấm thía như Kiều - Thúc Sinh chia li…đôi lứa Thúc Sinh - Thúy Kiều cũng được Nguyễn Du giới thiệu trang trọng không thua kém gì Kim Trọng - Thúy Kiều, Từ Hải - Thúy Kiều. Nếu “người quốc sắc kẻ thiên tài” là sự đánh giá Kim Trọng - Thúy Kiều, “Trai anh hùng gái thuyền quyên” là lời ca ngợi Từ Hải - Thúy Kiều thì “Thực là tài tử giai nhân, Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn” là lời ngợi ca Nguyễn Du mượn miệng ông quan phủ nói về Thúc Sinh - Thúy Kiều…các nhân vật chính diện trong những chân dung có mầu sắc thân xác với cảm hứng khẳng định rõ rệt. Thân xác không phải là nguồn gốc của đau khổ, cũng không phải là dấu hiệu của sự thấp hèn. Thân xác là một phần của nhân cách.” [52,tr. 429, 430].
Theo chúng tôi, xét về bản chất, tình yêu giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều là sự thăng hoa từ “tính” đến “tình”, bởi ban đầu Thúc Sinh đến với Kiều, trước hết vì “tính”, sau mới vì “tình” (Sớm đào tối mận lân la, trước còn trăng gió sau ra đá vàng). Có lẽ, Nguyễn Du miêu tả mối tình Kiều - Thúc dưới cảm hứng này, nhìn từ cảm hứng này. Nguồn gốc cảm hứng này có lẽ là do sự trải nghiệm trong cuộc sống của ông từ nhỏ. Và ông đã thấy được một tình yêu tự do đích thực đến từ cả Kiều và Thúc sinh. Sự thăng hoá cả “tính” và “tình”.
Có thể bạn quan tâm!
- Khác Biệt Giữa Truyện Kiều Và Tiểu Thuyết Tài Tử Giai Nhân - Nhìn Từ Vấn Đề Số Phận Của Tài Tình.
- Khác Biệt Giữa Truyện Kiều Và Tiểu Thuyết Tài Tử Giai Nhân - Nhìn Từ Vấn Đề Hiện Thực Xã Hội Phong Kiến.
- Hiện Thực Xã Hội Phong Kiến Còn Thể Hiện Qua “Tâm Lí Tiếp Nhận Không Gian Xã Hội Trong “Truyện Kiều”(Trần Nho Thìn).
- Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 17
- Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 18
- Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 19
Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.
3.5. Khác biệt giữa Truyện Kiều và tiểu thuyết tài tử giai nhân - nhìn từ quan niệm về cái đẹp.
Trước hết, chúng tôi nhắc lại một chút những đặc trưng thẩm mĩ, quan niệm về cái đẹp trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa. Như trên chúng tôi đã trình bầy, nhà nghiên cứu Đổng Nhạn cho rằng đặc trưng mỹ học độc đáo của tiểu thuyết tài tử giai nhân là tiểu thuyết tài tử giai nhân đã viết một dòng văn học tâm linh lý tưởng, nó không phải lấy hiện thực làm tôn chỉ mà là trên một kết cấu lý tưởng, tài tử gia tiến hành chỉnh lý nội dung hiện thực cho phù hợp với lý tưởng đó. Lý tưởng thẩm mỹ khách thể phải thông qua quá trình mỹ hoá, tinh lọc, tạo thành một loại tinh thần lý tưởng và cảnh giới hoàn mỹ. Hiện thực hoá trên tác phẩm là mô hình tự sự ba bước, mà bước sau cùng là đại đoàn viên. Hơn nữa, quan niệm cái đẹp này còn chi phối xây dựng nhân vật: tài tử và giai nhân hoàn mỹ, mối tình hoàn hảo. Tóm lại, cái đẹp trong tiểu thuyết tài tử giai nhân là cái đẹp tuyệt đối, cái đẹp chỉ đẹp nhất khi đại đoàn viên, hay nói cách khác, cái đẹp này là cái đẹp chỉ có trong lý tưởng. Đây là tư duy văn hoá, văn học truyền thống của cả Trung Hoa, Việt Nam ( Hoa tiên, Phan Trần và Sơ kính tân trang, truyện Nôm..).
Quan niệm thẩm mỹ trong truyền thống tiểu thuyết tài tử giai nhân, trong truyền thống truyện thơ Nôm kết thúc có hậu, quan niệm thẩm mĩ trong tư duy văn học dân tộc đã bị Nguyễn Du “bẻ cong” (chữ dùng Dương Ngọc Dũng). Cái đẹp trong Truyện Kiều, nhân vật lý tưởng không phải là cái đẹp tuyệt đối nữa, cái đẹp nằm ngay trong cả cái mà trước đây cho là sự khuyết điểm của nhân vật; cái đẹp không chỉ là cái trinh tâm linh, tình yêu lý tưởng nữa mà cái đẹp còn bao gồm cả vẻ đẹp nhục cảm, nhục dục, tình yêu tự do đích thực; cái đẹp không phải là đại đoàn viên nữa mà cái đẹp chính là cái dang dở dở dang, kết mà không kết. Đây là nhận thức mới của Nguyễn Du về tình yêu, nhân sinh. Nhận thức này là do sự quan sát và nghiệm sinh của chính bản thân ông trong cuộc sống.
Các giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân như Sơn Đại, Lãnh Giáng Tuyết ( Bình Sơn Lãnh Yến), Dao Tiên, Ngọc Khanh (Hoa tiên), Trần Kiều Liên (Phan Trần)…tất cả đều đẹp một cách hoàn hảo, ngoài tài năng thi ca và sắc đẹp, sự trung trinh, đặc biệt là chữ “trinh” là yếu tố cốt tử (Ngọc Khanh tự tử ngay khi bi cha mẹ gả cho người khác, sau khi nghe tin Phương Châu chết). Nếu như Kiều trong Kim Vân Kiều
truyện, trong những cuộc tình với Thúc Sinh, Từ Hải ..chỉ là quá trình khảo nghiệm chữ “trinh”, để sau này trở về đoàn viên với Kim Trọng, tỏ ra là một con người liệt nữ, “thân dâm nhưng tâm không dâm”, ngược lại, trong các cuộc tình với Kim Trọng, Từ Hải, đặc biệt là Thúc Sinh - Thúc Sinh là nhân vật bị chê là không xứng với Kiều vì bạc nhược thì đến Nguyễn Du, ông xoáy vào miêu tả, ngợi ca tình cảm tự nhiên, cảm xúc tự nhiên của Kiều ở cả ba mối tình, trong đó đặc biệt đánh chú ý là mối tình với Thúc Sinh, đánh dấu đỉnh điểm ở màn chia tay.
Kiều trải qua vô vàn tủi nhục, “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, nhưng trong mắt của Kim Trọng, Kiều vẫn được biện giải với vẻ đẹp cao thượng : “Như nàng lấy hiếu làm trinh; chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường”. Dưới con mắt của Thúc Sinh, Kiều là viên ngọc không vết ( lúc này Kiều đã là gái lầu xanh, đã qua tay cả Mã Giám Sinh và Sở Khanh): (Xem thêm mục trên, chúng tôi so sánh với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện).
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Chính vẻ đẹp hình thể tự nhiên đầy tính nhục dục này đã dẫn đến thay đổi suy nghĩ của Thúc Sinh:
Sớm đào tối mận lân la Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.
Nhưng quan trọng hơn, trong con mắt của Nguyễn Du, Kiều hoàn toàn đẹp, Nguyễn Du bỏ qua tất cả những day dứt trước đây của Kiều, ông dành tất cả những gì là tốt đẹp nhất ca ngợi mối tình Kiều - Thúc, trong mối tình này, Nguyễn Du vẫn mệnh danh Kiều là giai nhân đúng nghĩa:
Thật là tài tử giai nhân
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
Trong cả ba mối tình mà Kiều trải qua, từ mối tình tài tử giai nhân với chàng Kim, mối tình phong lưu bốc trời với Thúc Sinh, mối tình với anh hùng Từ Hải, Kiều đều hết mình, sống hết mình cùng tình yêu, với người tình, tận hưởng tình yêu, đặc biệt tình yêu trong những mối tình này đều là thứ tình tự nhiên, tình yêu bản năng. Điều quan trọng là mối tình nào Kiều cũng thật lòng, mối tình nào Kiều cũng thuỷ chung, cũng quyết sống
chết, hết mình với tình yêu. Tóm lại, Kiều luôn có ý thức sống hết mình, dành tất cả những gì là tốt đẹp nhất cho nó. Với Kim Trọng, Kiều luôn dành những gì đẹp và thiêng liêng nhất cho chàng. Để tận hưởng tình yêu với chàng Kim, tuy ban đầu Kiều còn e lệ như những giai nhân khác, nhưng khi “được lời như cởi tâm lòng”, Kiều ý thức chủ động tình yêu đang diễn ra, nắm bắt nó:
Cửa ngoại vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khua một mình.
Kiều cũng không giấu giếm rung động tình yêu thật của mình, khẳng định mình đã yêu, mình phải tận hưởng tình yêu: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”. Kiều trối từ Kim Trọng, theo như các nhà nghiên cứu không phải xuất phát từ trói buộc của lễ giáo mà xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mà Kiều quan sát được. Kiều giữ gìn là giữ gìn cho Kim Trọng, để Kim Trọng tôn trọng mình. Và thực tế là như vậy, khi không may bị thất tiết, Kiều nghĩ rất con người, tiếc là mình không dành cái quý giá nhất cho người mình yêu, nghĩa là hết mình với tình yêu, nhiệt tình tận hưởng tình yêu.
Biết thân bước đến lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
ý nghĩ của Kiều giống bất kỳ người con gái bình thường nào khác. Mặc dù sau này tấm thân không còn nguyên vẹn, nhưng Kiều vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho Kim Trọng: “Chữ trinh còn một chút này”. Thái độ của Nguyễn Du trước mối tình này là thái độ ngợi ca rõ nét: Như nàng lấy hiếu làm trinh, chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường”
Mối tình Kiều và Từ Hải cũng là mối tình đẹp. ở đó Kiều cũng sống hết mình với tình yêu, tức là Kiều tận hưởng tất cả những gì đang có, đang diễn ra với Từ Hải : “tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng”, “Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. “Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn - Đặt giường bát bảo vây màn bát tiên”.
Nếu như mối tình giữa Kiều và Kim Trọng là mối tình “thuần tình”, mối tình với Từ Hải thực chất là Kiều tìm một chỗ dựa hơn là tìm một tình yêu thì mối tình giữa Kiều và Thúc Sinh là mối tình có tình yêu duy nhất trong Truyện Kiều. Mặc dù ban đầu Thúc Sinh đến với Kiều chỉ vì “trăng gió” nhưng sau đó đã ra “đá vàng”. Như trên chúng tôi đã nói, bản chất mối tình giữa Thúc Sinh và Thuý Kiều là sự thằng hoa từ “tính” đến “tình”.
Đến với Thúc Sinh, Kiều như “rút được kinh nghiệm”, tất cả những gì đẹp nhất Kiều “dành tất” cho Thúc Sinh. Trước hết là tấm thân “không vết” của Kiều:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên.
Kiều vì muốn sống trọn vẹn, tận hưởng mãi mãi mối tình với Thúc Sinh nên, Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm dò thái độ Hoạn Thư. Đứng từ thái độ của Nguyễn Du nhìn về mối tình Kiều - Thúc Sinh, ông Trần Nho Thìn viết: “Cõ lẽ trong Truyện Kiều, không có cuộc li biệt nào lại được Nguyễn Du tả thấm thía như Kiều - Thúc Sinh… cuộc chia tay thật lưu luyến, bịn rịn” [52,tr. 429]. Sở dĩ lưu luyết, bịn rịn bởi lẽ đây là lần đầu tiên Kiều được sống tình yêu tự nhiên trọn vẹn đúng nghĩa, tình yêu gắn liên với cảm giác thân xác, nó không phải thứ “tình” trong lễ, chờ ban hôn mới “động phòng hoa trúc”. Vì thế trong cuộc chia li, không chỉ “thấm thía”, “lưu luyên”, “bịn rịn”, mà còn vô cùng đẹp. Vì đẹp nên mới” lưu luyến”, “bịn rịn”. Một sự hy vọng mong manh vào tương lai “tười sáng hơn”. Một tình yêu thực sự, chân thành, xuất phát từ hai phía, sự hoà quyện tuyệt tối, hoàn hảo tinh thần và thể xác mới có thể có được cuộc chia li “thấm thía” như vậy.” Do đó mà Nguyễn Du đã nâng niu cả mối tình Thuý Kiều - Thúc Sinh dẫu cho Thúc Sinh đối với chúng ta hiện nay có vẻ không thật tương xứng với Kiều. Dường như Thúc Sinh chính là người biết đánh giá thật đúng vẻ đẹp thân xác Kiều, và vì thế, tình cảm của họ cũng rất đằm thắm. Không có cuộc chia li nào trong Truyện Kiều được Nguyễn Du miêu tả hay, thấm thía như là cảnh chia li Kiều - Thúc Sinh” [52, tr. 272]:
- Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời.
- Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Người đi đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh, Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai sẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường!
Như trên chúng tôi đã phân tích, mối tình Kiều - Thúc là mối tình có tình yêu đích thực duy nhất trong Truyện Kiều. Đến đây chúng tôi cho rằng nên dừng lại để phân tích sâu hơn nữa và lý giải động cơ tại sao Nguyễn Du miêu tả mối tình Thuý Kiều và Thúc Sinh thấm thía đến như vậy. Bởi làm rõ vấn đề này sẽ cho chúng ta thấy sự thay đổi trong cách nhìn nhận về tình yêu của Nguyễn Du so với truyền thống văn hoá , tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa và truyền thống văn hoá, truyện thơ Nôm Việt Nam. Điều chúng ta ghi nhận là, nếu như cuộc tình giữa Thuý Kiều - Thúc Sinh trong nguyên tác là một sự kiện để khảo nghiệm chữ “trinh” của giai nhân Vương Thuý Kiều, tăng thêm sự lâm li, ly kỳ để hấp dẫn độc giả thì với Nguyễn Du, cuộc tình này được ông dành nhiều tâm sức và mô tả nó như chính sự nghiệm sinh từ cuộc sống hiện thực. (chúng tôi sẽ chứng minh dưới đây). Hơn nữa, một điều chúng ta cần chú ý rằng, Nguyễn Du ca ngợi mối tình Kiều
- Thúc Sinh chứ không hề khen ngợi con người Thúc Sinh, điều đó cho thấy ông chú ý nhiều đến tình yêu, cảm xúc không đánh giá Thúc Sinh từ quan điểm đạo đức.
Điều đầu tiên cần khẳng định là, Nguyễn Du dành nhiều tâm sức cho đoạn miêu tả tình yêu Thuý Kiều -Thúc Sinh, đặc biệt là đoạn từ khi quan phủ xử án cho hai vợ chồng đoàn tụ đến khi Kiều trốn đến Chiều ẩm am. ông Phan Ngọc đã có sự so sánh và thống kê thú vị: “Trong Truyện Kiều chỉ có một mưu mô, đó là mưu mô của Hoạn Thư để hành hạ Kiều. Không những thế, tác giả dành cho nó một địa vị còn lớn hơn so với Kim Vân Kiều truyện. Trong Kim Vân Kiều truyện, từ khi quan phủ xử án cho hai vợ chồng đoàn tụ, đến khi Kiều trốn đến Chiêu ẩm am, chỉ chiếm 12,5% tác phẩm, trái lại trong Kiều đây là đoạn dài nhất trong cuộc đời luân lạc của nàng, chiếm 576 câu( 17,7% tác phẩm). Đó chính là cảnh người đàn bà làm đĩ là không nhiều, cảnh đi tu là ngoại lệ, trái lại cảnh làm lẽ là cảnh đe doạ mọi chị em phụ nữ” [28, tr. 104]. Đặc điểm nổi bật trong đoạn miêu tả trên là, một mặt Nguyễn Du cực lực ngợi ca mối tình Kiều Thúc, mặt khác Kiều của Nguyễn Du luôn day dứt, thậm chí là lo lắng, sợ hãi từ trong tiềm thức phải đối phó với Hoạn Thư ra sao.
- Trộm nghe kẻ lớn trong nhà,
ở vào khuôn phép, nói ra mối giường
E thay những dạ phi thường, Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông
- Trăm điều ngang ngửa vì tôi, Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
Nếu chàng có vững tay co,
Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
Thế trong dù lớn hơn ngoài, Trước hàm sư tử gửi người đằng la.
Cúi đầu luồn xuống mái nhà, Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
- Nàng rằng: - Non nước xa khơi, Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
Dễ loà yếm thắm trôn kim
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất bình Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi. Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
Lại mang những việc tày trời về sau.
Trước hết chúng ta sẽ đi lý giải động cơ từ đâu mà Nguyễn Du cực lực ngợi ca mối tình Thuý Kiều - Thúc Sinh như vậy. Trước hết, như chúng tôi đã đề cập không thật tập trung ở trong chương một và một số phần nhỏ trong chương hai và chương ba, không gian lầu xanh là không gian duy nhất mà ở đó con người, đặc biệt là người tài tử được tự do, bởi ở đó không có sự trói buộc của đạo đức và chịu trách nhiệm về pháp luật nếu có quan hệ thân xác với nguời khác giới. ở đó, ban đầu và thông thường nhất là quan hệ giữa kĩ nữ và khách chỉ dựa trên đồng tiền đối với kĩ nữ và dựa trên nhu cầu giải quyết tính dục đối với nam giới. Chính vì vậy đây cũng là môi trường bình đẳng nhất xét từ tiêu chí này trong xã hội truyền thống. Ngoài lầu xanh không có
bất kỳ một sự bình đẳng nào giữa nam và nữ. Chỉ có sự bình đẳng mới tạo ra tình yêu đích thực, bởi ở đó không có cưỡng bức mà có sự đồng thuận. Thúc Sinh đến với Kiều ban đầu vì chính mục đích này. Nhưng một lý do quan trọng hơn nữa là, chỉ có ở lầu xanh mới là môi trường có tình yêu tự do hiện thực, đính thực giữa khách phong lưu và kĩ nữ. Bởi lẽ, là một nam nhi trong xã hội truyền thống, bất kỳ ai cũng phải làm nghĩa vụ và trách nhiệm với dòng tộc và giai đình là lấy vợ và sinh con trai. Như vậy, tiêu chí của hôn nhân không phải là tình yêu mà là khả năng sinh sản. Do vậy giữa vợ chồng không có cái gọi là tình yêu, thậm chí cái gọi là “tính” cũng không có nữa, bởi lẽ, “tính” là sự thoả mãn nhu cầu tính dục cả nam và nữ, nhưng tính này chỉ thoả mãn cho nam giới mà thôi. Do vậy, kết hôn là việc của cha mẹ, là việc của hai gia đình. Việc lấy ai, ngày giờ như thế nào do cha mẹ lo liệu, nam nữ không hề biết, thậm chí khi động phòng cũng thành kính như lễ, tương kính như binh. Từ góc nhìn này chúng ta thấy rằng giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư không hề có tình yêu. Do vậy việc Thúc Sinh tìm đến những danh kĩ là chuyện hết sức bình thường. Nhưng như trên đã nói, kĩ nữ và khách phong lưu quan hệ với nhau dựa trên đồng tiền và sự thoả mãn nhu cầu “tính”, như vậy cũng rất khó nảy sinh tình yêu đích thực. Hơn nữa, kĩ nữ luôn được trang bị sự đề phòng cẩn thận đối với khách đến chơi, bởi lẽ, hàng ngày tiếp không biết bao nhiêu là khách, thân phận như thế nào cũng khó đoán định, đặc bịêt, nếu là những bậc trâm anh thế phiệt thì có đến lầu xanh không? Do vậy, nói rằng không gian lầu xanh và mối quan hệ giữa kĩ nữ và tài tử nảy sinh tình yêu đích thực là không hề đơn giản. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, những câu chuyện tình đẹp nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc đa phần lại xuất hiện với những tên tuổi của kĩ nữ như : Lý Sư Sư và yến Thanh, Kiều và Thúc Sinh là một dạng như vậy và không phải ngẫu nhiên trong năm vạn bài thơ Đường có đến hai nghìn bài viết về kĩ nữ ( Dẫn theo Trung Quốc cổ đại bách thái - Văn uyển, Đới Dương Bản chủ biên, Đông phương xuất bản trung tâm, năm1998, tr. 43 ). Cơ chế để tình yêu này nảy sinh nằm chính trong phẩm chất và khí phách của kĩ nữ và tài tử. Tài tử có hai bệnh là : vì tài kiêu ngạo và dễ đồng cảm. Vì tài nên tài tử chỉ kết giao với những người đồng cảnh ngộ và có tài. Trước cảnh ngộ và tài năng của kĩ nữ rất dễ dẫn đến sự đồng cảm của tài tử và