Thăng chỉ huy, khi hắn nằm trên kiệu sơn son thiếp vàng đi qua cửa ải đã vén rèm thêu kim tuyến lên xem, rút kiếm lệnh chỉ lên mặt Quỷ thề rằng: "Không làm cỏ được phương Nam, bình xong đất này, ta không trông thấy mặt ngươi nữa! Các tướng xem kìa, lời ta là ý trời, mặt Quỷ đã méo lại, quỷ đang khóc cho số phận diệt vong của giặc Lam Sơn đó!" chưa dứt lời thì từ mặt Quỷ phát ra tiếng cười vang như sấm, vang dậy cả đất trời, rung chuyển cả núi rừng, quân giặc bị phục binh của quân ta trong núi tấn công tiêu diệt. Xung quanh cái chết của tướng giặc Liễu Thăng cũng có nhiều truyền thuyết, có bản cho rằng hắn bị tướng Hoàng Đại Huề chém cụt đầu, có bản nói là Lê Sát… nhưng nhân dân ta đã truyền thuyết hóa cái chết của viên tướng giặc bằng Truyền thuyết về hòn đá Liễu Thăng, trong truyện giới thiệu rằng Cách núi Yên Ngựa chừng 10 cây số, trước cửa làng Cóc, có một bãi đá nằm dưới miếng đất trũng, trông giống hình người bị chặt đầu, ruột lòi ra, nằm úp sấp. Dân làng gọi đây là hòn đá Liễu Thăng (Liễu Thăng thạch). Sau khi hắn chết, người dân cho rằng hồn ma Liễu Thăng vẫn hiện về bắt hại súc vật dân làng. Để cho chúng khỏi quậy phá, dân làng lập nên một đền thờ hồn ma tướng giặc bị bại trận để dân yên tâm làm ăn, đó là đền Hổ Lai, truyền thuyết gắn với một sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm oai hùng của dân tộc ta. Việc truyền thuyết hóa cái chết của Liễu Thăng gắn với địa danh cụ thể đó là “hòn đá Liễu Thăng”, đền Hổ Lai, trong khu vực ải Chi Lăng, sự tồn tại của các địa danh như khẳng định chiến thắng của dân tộc ta, là niềm tự hào cũng như ngầm cảnh cáo các thế lực ngoại xâm hãy trông tấm gương này, nếu chúng tiếp tục xâm lược thì sẽ chịu kết cục thảm bại.
Ý thức bảo vệ biên cương, bờ cõi của đồng bào các dân tộc nơi đây còn thể hiện ở việc tập hợp lực lượng, rèn luyện võ nghệ, binh pháp. Điều đó được thể hiện trong truyền thuyết về núi bàn cờ, sở dĩ ngọn núi này có tên gọi như vậy xuất phát từ địa thế và hình dáng của ngọn núi này: Cách Biện Thự xứ về
phía Nam hơn 4 km là thôn Đồng Bành. Đây là mảnh đất cực nam của xã Chi Lăng và cũng là nơi giáp ranh giữa hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng.
Bao quanh khu vực là những cánh rừng đại ngàn bát ngát và dãy núi đá Cai Kinh sừng sững cao vút. Ở giữa là những ngọn núi đều đặn đứng sát bên nhau tạo thành một khối trập trùng, một mầu xanh thẫm, trông xa giống hệt một bàn cờ khắc nổi. Đó chính là núi Bàn cờ, Nhìn kỹ những đỉnh núi chập trùng trên khu núi bàn cờ, ta thấy có mười tám ngọn, trông xa giống hình người; từng đôi một đứng chống cằm suy nghĩ những nước cờ hóc búa. Tương truyền rằng: đó là mười tám vị quận công người các dân tộc đang vạch thế trận trên bàn cờ [48, tr. 109 - 202].
Những học giả miền núi đời trước thật sự đã có công trong việc vạch ra trận đồ cùng nhân dân giữ gìn quê hương đất nước, nên được Trời tạc thành tượng ghi công. Truyện cũng kể rằng đây là nơi diễn ra cuộc thi tài và phong tước quận công của các thủ lĩnh miền núi, nội dung của 2 phần thi liên quan đến việc am hiểu vị trí địa lý của khu vực, từ đó liên quan đến việc vận dụng binh pháp, dựa vào vị trí tự nhiên hiểm yếu để bố trí quân lính chặn đánh và tiêu diệt địch. Đây đã trở thành nơi hóa thân và vinh danh các anh hùng dân tộc đã có công bảo vệ biên cương bờ cõi. Chẳng thế mà mấy thế kỷ qua, các dân tộc miền núi giầu lòng yêu nước, có tinh thần thượng võ cao, binh pháp giỏi; thế mà cũng chỉ có 18 vị được nhà nước phong tước quận công trong đó có Đại Huề, Hà Bổng. Quận công đỗ ở trường thi, rồi lập được công trong sự nghiệp chống giặc giữ nước mới mãi mãi được ung dung ngồi trên Bàn Cờ trước sự ngưỡng mộ của nhân dân từ đời này qua đời khác [48, tr 109-202].
Như vậy, qua việc tìm hiểu các truyền thuyết ở trên, ta thấy có sự tổ hợp giữa việc giải thích địa danh gắn với nội dung về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó có thể là những hình ảnh mang tính chất biểu tượng như các linh vật, trái tim người nghĩa sĩ… là các ngọn núi gắn với địa bàn hoạt động của các thủ lĩnh bản địa, là hình
dáng của những ngọn núi, hang núi có địa thế hiểm trở gắn với các cuộc giao tranh giữa ta và địch, những ngọn núi, tên núi ấy đều gắn với truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền qua thời gian. Các địa danh tồn tại hữu hình, ẩn trong đó là những truyện kể, truyền thuyết như khẳng định sức mạnh, sự đoàn kết và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc nơi xứ Lạng.
2.2.3. Nhân vật trong truyền thuyết về núi non xứ Lạng
Hệ thống nhân vật trong các truyền thuyết gắn với địa danh núi non nơi đây khá đa dạng, nhưng có thể thấy có hai dạng nhân vật tiêu biểu: nhân vật là loài vật và các nhân vật là con người. Tuyến nhân vật là các con vật hóa thân thành núi đá có thể kể đến như: chim Phượng Hoàng trong truyền thuyết núi Phượng Hoàng, vợ chồng đôi Kỳ Lân trong truyền thuyết núi Kỳ Lân, tuấn mã với bộ yên thần kỳ trong truyền thuyết Mã Yên Sơn, con hổ xám trong truyền thuyết về con hổ xám trên núi Nàng Tô Thị (chiếm 4/15 truyền thuyết, tức 26%).
Trong đó có những nhân vật xuất thân từ đồng bào các dân tộc nơi đây, thật gần gũi và gắn bó. Đó là ba người nghĩa sĩ dân binh (hai nam và một nữ) trong truyền thuyết núi Tam Đăng, nhân vật hai võ sỹ Nùng và Dao trong truyền thuyết núi Kỳ Lân, là bảy chàng dũng sĩ hóa thân thành bảy ngọn núi để án ngữ quân giặc trong truyền thuyết về cửa quỷ, núi quỷ, 18 ngọn núi trong khu vực núi bàn cờ là hóa thân của 18 vị quận công người các dân tộc đang vạch thế trận trên núi trong truyền thuyết núi bàn cờ. Các địa danh còn gắn với truyền thuyết về các nhân vật có danh tính, tên tuổi và hành trạng cụ thể, đó là nhân vật người thủ lĩnh dân tộc Tày Hoàng Đình Kinh trong truyện Cai Kinh và truyền thuyết dãy núi Cai Kinh, nhân vật Liễu Thăng trong truyền thuyết núi mặt quỷ và truyền thuyết về hòn đá Liễu Thăng, nàng Tô Thị trong truyền thuyết núi Vọng Phu, nhân vật người cha, người mẹ, chàng Chóp Chài trong truyền thuyết – huyền thoại về Núi Mẫu Sơn.
Có thể bạn quan tâm!
- Truyền Thuyết Núi Non Xứ Lạng Gắn Với Các Thần Tự Nhiên
- Truyền Thuyết Núi Non Xứ Lạng Với Đề Tài Chống Giặc Ngoại Xâm
- Truyền thuyết về núi non xứ Lạng - 7
- Sự Đồng Dạng Trong Truyền Thuyết Về Núi Non Xứ Lạng
- Sự Tồn Tại Và Lưu Truyền Của Truyền Thuyết Về Núi Non Tại Lạng Sơn
- Truyền thuyết về núi non xứ Lạng - 11
Xem toàn bộ 147 trang tài liệu này.
Mặt khác, truyền thuyết về núi non xứ Lạng còn biểu hiện rơi rớt của tín ngưỡng dân gian nguyên thủy qua một số truyền thuyết giải thích về một địa danh gắn liền với sự xuất hiện của nhân vật là những con vật thiêng như: chim phượng Hoàng, vợ chồng kỳ lân. Nhân vật chim phượng hoàng gắn liền với niềm tự hào của bà con các dân tộc nơi đây, bởi lẽ Phượng Hoàng chỉ xây tổ ở những mảnh đất thiêng, đất lành, đất làm nên nghiệp lớn, hình chim phượng Hoàng được vẽ ở đền thờ, miếu mạo dành cho những người có công với dân, với nước, là hình ảnh của sự bất tử, sức sống mãnh liệt và ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây. Nếu như hình tượng loài vật Kỳ Lân ở các địa phương khác nằm trong nhóm tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), được người dân tôn thờ, ngưỡng vọng… thì hình tượng loài vật Kỳ Lân trong truyền thuyết của người dân xứ Lạng lại là hiện thân cho thiên nhiên hoang dã, hãm hại dân lành, cần phải tiêu diệt. Qua truyền thuyết về núi kỳ lân nói lên quá trình chinh phục tự nhiên, sức mạnh và sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc nơi xứ Lạng. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của các nhân vật mang yếu tố thần kỳ như ông già ăn mày do tiên ông hóa thành, vợ chồng tiên, tiên ông hóa đá trong truyền thuyết về Động Song Tiên và Giếng Tiên. Trên địa bàn xứ Lạng có thể bắt gặp những địa danh gắn liền với sự xuất hiện của thế lực thần kỳ như thành tiên xây, chùa tiên, giếng tiên, động tiên… gắn với sự xuất hiện hay những công việc phi thường của thần tiên.
Các nhân vật trong truyền thuyết về núi non xứ Lạng có thể là những con vật mang tính biểu tượng hoặc những nhân vật vô danh hay hữu danh trong lịch sử được truyền thuyết hóa một cách hồn nhiên theo chiến công phi thường và hóa thân kỳ ảo. Các nhân vật này đại diện cho sự đoàn kết, sức mạnh và tinh thần đấu tranh của cả cộng đồng làng bản, trở nên linh thiêng, được gọi tên, gắn với các địa danh để tưởng nhớ công ơn. Do có sự gắn bó, liên quan với nhau, trong tên địa danh có nhắc tới truyền thuyết, trong truyền thuyết lại gắn với địa danh nên các truyền thuyết đó được lưu hành phổ biến trong cộng đồng các dân tộc nơi đây.
2.2.4. Một số motif trong truyền thuyết về núi non xứ Lạng
Trong cuốn Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, tác giả Nguyễn Tấn Đắc có đưa ra định nghĩa về motif: Motip truyện kể đôi khi là những khái niệm rất đơn giản, thường gặp trong truyện kể truyền thống. Có thể đó là những tạo vật khác thường như thần tiên, phù thuỷ, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác nghiệt, con vật biết nói… có thể đó là những thế giới kỳ diệu hoặc ở những nơi mà ở đó ma thuật luôn luôn có hiệu lực, là tất cả các loại vật thiêng có phép và những hiện tượng tự nhiên khác thường. Bản thân một motip cũng có thể là một mẫu kể ngắn và đơn giản, một sự việc đủ gây ấn tượng hay làm vui thích cho người nghe [10]. Có thể nói rằng thuật ngữ motif dùng để chỉ những yếu tố đơn giản nhất nhưng có ý nghĩa trong cấu tạo đề tài, cốt truyện của tác phẩm nghệ thuật. Motif là một sự khái quát nghệ thuật nguyên sơ, phản ánh những ấn tượng quan trọng nhất và có tính lặp lại mà con người tiếp nhận được trong quá trình quan sát, nhận thức cuộc sống. Trong truyện kể dân gian, motif được xem là công thức để triển khai cốt truyện hay còn được xem là yếu tố hợp thành cốt truyện. Chính vì thế motif được nhiều nhà nghiên cứu xem là đơn vị hạt nhân hình thành nên truyền thống tự sự trong văn học dân gian. Đi vào khảo sát, nghiên cứu các truyền thuyết về núi non xứ Lạng, chúng tôi nhận thấy có hai motif chủ yếu, đó là motif hóa
thân sau khi chết của nhân vật và motif dấu tích để lại của nhân vật.
2.2.4.1. Motif hóa thân sau khi chết của nhân vật
Qua khảo sát, tìm hiểu các truyền thuyết về núi non xứ Lạng, chúng tôi thấy motif hóa thân sau khi chết của các nhân vật là khá phổ biến. Trong các tài liệu khảo sát, motif này chiếm 8/15 truyền thuyết (tức 53,3%).
Trong quan niệm của cộng đồng các dân tộc nơi đây, cái chết và sự hóa thân của các nhân vật thành núi đá như một minh chứng lịch sử, những sự kiện, câu chuyện được hữu hình qua các địa danh về núi non. Hầu hết các sự hóa thân đó đều mang tính biểu tượng, gửi gắm quan niệm sống, tư tưởng
thẩm mỹ của người dân nơi đây. Trong truyền thuyết núi Phượng Hoàng, chim Phượng Hoàng bị quân giặc bắn tên độc làm bị thương, mặc dù đã được dân làng tận tình chăm sóc, rút mũi tên, rịt lá thuốc nhưng sau giấc ngủ chim đã hóa đá trên núi. Từ đó, ngọn núi mang dáng vóc loài chim quý như chứng kiến, trở che cho người dân trong các cuộc đấu tranh tiêu diệt quân thù. Trong truyền thuyết Mã Yên Sơn, con tuấn mã bị chém cụt đầu, đã ngã xuống cùng với bộ yên thần kỳ hóa thân thành núi đá. Đó còn là sự hóa thân thành núi của trái tim ba người nghĩa sĩ dân binh trong truyền thuyết núi Tam Đăng, sự hóa thân của bảy chàng dũng sĩ thành bảy ngọn núi để án ngữ quân giặc, sống mãi với quê hương trong truyền thuyết về cửa quỷ, núi quỷ. Sự hóa thân sau khi chết của các nhân vật đó biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, tinh thần bất khuất, truyền thống chống giặc ngoại xâm của người dân nơi đây.
Trong truyền thuyết về núi non xứ Lạng, ta còn bắt gặp dấu tích của núi đá trông chồng trong truyền thuyết núi Vọng Phu là câu chuyện về nỗi nhớ chồng, lòng chung thuỷ sắt son đã hoá đá nơi non cao. Câu chuyện về đá Vọng Phu hiện hữu ở khắp mọi miền của Tổ quốc như Thanh Hoá, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam... để từ đó cho thấy đó không phải là câu chuyện của một vùng quê nữa mà đã trở thành kỷ niệm chung của toàn dân tộc. Trong truyền thuyết con hổ xám trên núi Tô Thị, con hổ này đã chứng kiến khoảnh khắc nàng Tô Thị bồng con hóa đá: Nàng Tô Thị ngước mắt lên trời, một tia chớp nổ giữa trần gian, mẹ con nàng rùng mình hoá đá. Con hổ xám rướn mình trong kinh hoàng. Nó chợt hiểu và như một định mệnh đôi mắt của hổ chạm vào tia chớp. Trong đôi mắt hổ có hai dòng lệ long lanh. Thêm một luồng chớp nữa. Hổ cái xám cũng từ từ hoá thành đá.
Motif sự hóa thân của nhân vật sau cái chết mà từ đó tên gọi của địa danh xuất hiện, chính là cách mà nhân dân muốn thoát khỏi sự hữu hạn của cá nhân, của đời người thành bất tử. Điều này phản ánh đúng nét tâm lý tất yếu của nhân dân, họ không muốn những người có công lao to lớn với cộng đồng,
dân tộc phải chết, mà dẫu có chết, dấu vết của họ phải lưu lại với muôn đời sau. Một điều dễ nhận thấy ở các truyền thuyết này là sự hóa thân của các nhân vật thành núi đá. Bởi đó là những địa danh gắn bó, thân thuộc nhất đối với cộng đồng các dân tộc nơi đây, đó còn là những minh chứng lịch sử, nơi họ gửi gắm quan niệm sống và tư tưởng thẩm mỹ của mình.
2.2.4.2 Motif dấu tích để lại của nhân vật
Qua khảo sát, tìm hiểu các truyền thuyết về núi non, ta thấy xung quanh các địa danh này chính là những dấu tích để lại của nhân vật trong hành trạng của mình. Những vết tích ấy cùng với đặc điểm, tính chất, hình hài của nó đã gợi cảm hứng để nhân dân sáng tạo nên truyền thuyết vừa thú vị, vừa mang sức hấp dẫn riêng trong kho tàng truyền thuyết dân tộc. Người nghe chuyện có thể vừa hình dung hình dáng, địa thế, đặc trưng của những ngọn núi, dãy núi nơi đây vừa chìm đắm trong lời kể dân gian để hiểu thêm về quan niệm sống, trí tưởng tượng phong phú cũng như quan niệm thẩm mỹ của các nghệ sĩ dân gian. Dấu tích để lại của nhân vật vì vậy là motif rất tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải mã cách giải thích tên gọi xung quanh các địa danh nói chung và địa danh về núi non nói riêng trong thể loại truyền thuyết. Nếu như trong thần thoại, dấu tích để lại là sau hành trạng, số phận của các vị thần, trong truyện cổ tích chủ yếu là con người đời thường thì trong truyền thuyết là các nhân vật lịch sử, các địa danh tự nhiên có liên quan.
Trong truyền thuyết về núi non xứ Lạng, dấu tích để lại của nhân vật là những chiến công, sự hóa thân, là những sự kiện có liên quan đến nhân vật. Những dấu vết đó là sự phản ánh chung nhất, khái quát nhất một sự kiện hay một giai đoạn lịch sử, phong tục tập quán, quan niệm sống của cư dân địa phương. Gắn với nó là nguồn cảm hứng ngợi ca, tôn vinh. Motif dấu tích để lại của nhân vật là motif thường thấy trong các truyền thuyết về núi non xứ Lạng.
Trong truyện về Cai Kinh và dãy núi Cai Kinh nói về thân thế, sự nghiệp và quá trình đấu tranh chống phỉ và thực dân Pháp của thủ lĩnh Hoàng Đình
Kinh người dân tộc Tày, mặc dù cuộc khởi nghĩa của ông thất bại, nhưng tài năng, tên tuổi và cuộc đời oanh liệt của ông đã được nhân dân tưởng nhớ, lưu truyền trong những câu chuyện kể, truyền thuyết. Nhân dân các dân tộc trong vùng vô cũng kính phục và nhớ tiếc ông, đã đặt tên dãy núi trùng điệp mà ông làm căn cứ là dãy Kai Kinh. Xã Thuốc Sơn quê hương ông cũng được đặt tên là xã Kai Kinh. Tên tuổi và sự nghiệp của Hoàng Đình Kinh từ đó sống mãi với quê hương và núi non hùng vĩ. Trong hệ thống các truyền thuyết liên quan đến Cai Kinh, dấu tích của ông còn được nhắc đến trong truyền thuyết núi Tay Ngai. “Từ Chi Lăng xuôi về Sông Hóa khoảng chững bảy cây số, dãy núi Cai Kinh ở vào thế lượn vào, vòng ra, lên xuống trông giống như cái ngai khổng lồ của các bậc đế vương. Chính trên hai tay ngai đó, thủ lĩnh Cai Kinh đặt tên cho hai vọng gác, khống chế con đường từ Bắc Giang lên, bảo vệ cửa ngõ Chi Lăng. Nhân dân quen gọi là núi Tay Ngai” [48, tr. 219 - 222]. Ngọn núi này được biết đến không chỉ ở hình dáng bên ngoài của nó, mà đây còn là dấu tích gắn với quá trình hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp của Hoàng Đình Kinh, trong truyền thuyết này còn nhắc đến tài cưỡi ngựa và bắn súng kiệt xuất của ông.
Motif để lại dấu tích của nhân vật còn xuất hiện trong truyền thuyết núi Bàn Cờ, ngoài hình dáng, vị thế giống như bàn cờ bằng núi non do thiên nhiên tạo ra, còn có 18 ngọn núi, gắn với hình ảnh của 18 vị quận công các dân tộc đã thi tài và được lưu danh tại nơi đây. Trong truyền thuyết về động Song Tiên, Giếng Tiên, dấu tích để lại của nhân vật sau khi biến mất, đó là nơi cụ già ăn mày (tiên ông hóa thành) nhẫm chân vào hòn đá, có dòng nước chảy ra, nơi đó sau này gọi là giếng tiên. Hay trong bản kể khác, đó là nơi “tiên bà dẫm chân lên đá, làm một dòng nước trong lành vọt lên. Chỗ đó hình thành cái giếng bằng bàn chân, người trong vùng gọi đó là giếng Tiên, có người gọi là “Giếng Đá”. Giếng Tiên có liên quan đến chùa Tiên, do tiên đã giáng xuống ở ẩn một thời gian, sống ở trong động, người ta gọi là động Song Tiên,