159
Đây là những cuộc gặp của các danh sĩ yêu nước trong cơn quốc biến, họ tìm nhau ở tấm lòng, thực tế còn có điều chưa rõ nhưng người dân đã hình dung như đã diễn ra. Trong đó, nổi lên hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu, cũng giống như trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người am hiểu thời cuộc đã lui về ở ẩn - ở cụ Đồ Chiểu là “tỵ địa”, bất hợp tác với giặc - mà ai làm việc gì lớn lao cũng đến xin lĩnh ý. Qua đây cho thấy vai trò quan trọng của những bậc trí thức ưu tú trong những giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của đất nước.
Dạng thức 3
Nhóm này có 2 truyện: Phan Văn Trị ở Phong Điền, Cụ Đồ Chiểu giả điếc và 2 truyện được lặp: Câu đối mừng năm mới, Xóm Bà Đồ.
Sơ đồ cốt truyện: Danh sĩ lánh giặc giữ nghề nghiệp cao quý, tỏ khí tiết. Nhóm tình tiết của cốt truyện: -Lánh giặc, giữ nếp thanh bạch (tần số xuất hiện:
4 lần) -Khước từ khuyến dụ (1 lần) (2 tình tiết), được miêu tả như sau: Tình tiết Lánh giặc, giữ nếp sống thanh bạch
Tình tiết được biểu hiện với sự kiện các danh sĩ lui về tránh giặc, sống thanh bần. Về cơ sở thực tế, các danh sĩ, nhà nho yêu nước đã chọn con đường đi cùng nhân dân, tỏ rõ tấm lòng và khí tiết thanh cao. Như khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, Phan Văn Trị đã về sống ở quê vợ Phong Điền, theo phong trào tỵ địa do chính ông tham gia khởi xướng. Nguyễn Đình Chiểu cũng tỵ địa về Ba Tri, Vĩnh Long (Bến Tre)... Trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, các nhà nho giữ gìn nếp sống giản dị, thường là dạy học, viết sách, làm thuốc.
Như về Phan Văn Trị, “Ông thường ngồi câu một mình trên xuồng nhỏ, đi đó đây, có lúc trôi nổi đến tận Châu Đốc”; về gia cảnh: “Ông sống trong cảnh nghèo, thanh bạch, được nhân dân và môn sinh giúp đỡ...” (Phan Văn Trị ở Phong Điền). Hay về Bùi Hữu Nghĩa, “Những năm tháng cuối đời, cụ sinh sống thanh bạch bằng nghề thuốc, làm thơ xướng họa và dạy học…” (Xóm Bà Đồ); về Nguyễn Đình Chiểu: “Sau đó cụ về Bến Tre dạy học, viết sách…” (Cụ Đồ Chiểu giả điếc). Đây là nghề nghiệp đồng thời cũng biểu hiện sự thanh cao, khí tiết. Bởi thực dân Pháp với chiêu bài văn hóa luôn tỏ ra trọng thị đối với các trí thức bản xứ, các nhà khoa bảng bấy giờ nếu đồng ý ra hợp tác với chúng sẽ có vật chất đầy đủ. Song các bậc thức giả đã tỏ rõ tấm lòng yêu nước, nêu tấm gương sáng về đạo đức, trong khi đối lập với họ, có không ít kẻ ra làm tay sai cho giặc được vinh thân phì gia (như Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương…). Chi tiết về gia cảnh nhân vật cho thấy rõ hơn ý nghĩa sâu sắc đó. Như truyện Phan Văn Trị ở Phong Điền kể: “Lúc sinh thời ông ăn uống đạm bạc, chỉ thích
160
dưa mắm”; “Gia đình ông ở rạch Cái Tắc trong một ngôi nhà lá đơn sơ, cất tạm ở mé sông. Người vợ của ông sau này phải đi giã gạo mướn để nuôi cả gia đình…”.
Có thể bạn quan tâm!
- Về Vấn Đề “Gia Long Phục Quốc” (Khôi Phục Cơ Đồ)
- Miêu Tả Những Tình Tiết, Môtíp Của Hệ Thống Truyện
- Truyền thuyết và giai thoại về các nhân vật lịch sử Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước - 20
- Truyền thuyết và giai thoại về các nhân vật lịch sử Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước - 22
- Truyền thuyết và giai thoại về các nhân vật lịch sử Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước - 23
Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.
Các mẩu truyện cho thấy nhân dân ghi nhớ và dành tình cảm trân trọng đối với các nhà trí thức yêu nước.
- “Đối thoại: lắc đầu” (hay Danh sĩ với thái độ bất hợp tác) (NV.4.4.2)
Nhóm này có 6 / 12 truyện. Đây là truyện về Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Văn Thạnh, Học Lạc.
Nội dung các truyện kể về nhân vật là những danh sĩ đối thoại trực tiếp bằng lời nói hoặc thơ văn, bộc lộ thái độ bất hợp tác đối với nhà cầm quyền thực dân.
Sơ đồ kết cấu cốt truyện của những truyện về nhân vật này như sau: Danh sĩ trong tình huống đối thoại với thực dân và tay sai ứng đối thơ văn hoặc xử trí linh hoạt sự thất bại của đối phương.
Nhóm tình tiết, môtíp của cốt truyện: -Ứng đối, ứng tác thơ châm biếm, đả kích
(m) (4 lần) -Khước từ khuyến dụ (3 lần) -Tẩy chay (không dùng) hàng Tây (1 lần) -Lời nói khảng khái (m) (3 lần) - Làm kẻ thù bẽ mặt (2 lần) -Sự thất bại của đối phương (3 lần) (4 tình tiết, 2 môtíp).
Có 2 dạng thức cốt truyện như sau:
Dạng thức 1
Nhóm này có 2 truyện: Những cuộc gặp giữa Pôngsông và cụ Đồ Chiểu, Hũ mắm của Tôn Thọ Tường và 2 truyện được lặp: Phan Văn Trị ở Phong Điền, Cụ Đồ Chiểu giả điếc.
Sơ đồ kết cấu cốt truyện: Danh sĩ trong tình huống đối thoại với thực dân và tay sai xử trí linh hoạt sự thất bại của đối phương.
Nhóm tình tiết, môtíp của cốt truyện: -Khước từ khuyến dụ (3 lần) -Tẩy chay (không dùng) hàng Tây (1 lần) -Lời nói khảng khái (m) (3 lần) -Làm kẻ thù bẽ mặt (2 lần) (3 tình tiết, 1 môtíp), được miêu tả như sau:
Tình tiết Khước từ khuyến dụ
Biểu hiện thứ nhất là việc các danh sĩ từ chối tiếp xúc và phản ứng đối với hành động mua chuộc của những kẻ tay sai. Như truyện Hũ mắm của Tôn Thọ Tường kể: “Có lần, Pháp cho Tôn Thọ Tường là người bạn cố giao đến dụ dỗ...”, cụ Đồ “đã tìm cớ lánh mặt” nhưng do quan hệ quen biết nên “đành miễn cưỡng nhận” món quà là hũ mắm cá lóc, đến lúc phát hiện có vàng, “cụ Đồ vô cùng tức giận, bèn sai người đem số vàng đó trả lại và viết thơ trách Tôn Thọ Tường đã làm nhục mình”.
Biểu hiện thứ hai là việc các danh sĩ tỏ thái độ cự tuyệt trước thủ đoạn mua chuộc của kẻ thù thực dân. Như với Phan Văn Trị, “Giặc Pháp cũng đã nhiều lần mua
161
chuộc nhà thơ. Nhân dân kể lại rằng, có lần chúng cho tiền cụ Cử, cụ đã quẳng tiền vào mặt chúng rồi bỏ đi” (Phan Văn Trị ở Phong Điền).
Tình tiết Tẩy chay (không dùng) hàng Tây
Tình tiết thể hiện thái độ bất hợp tác của nhân vật đối với kẻ thù một cách quyết liệt. Như về Nguyễn Đình Chiểu: “Ông lội đường ruộng mà đi chớ nhất định không đi đường lộ của Tây”; “Không dùng xà bông, chỉ giặt bằng nước tro”; “hay hỏi sao mặc toàn đồ trắng, cụ nói: -Tôi để tang cho đất nước” (Những giai thoại về Nguyễn Đình Chiểu).
Môtíp Lời nói khảng khái
Môtíp có dấu ấn khá đậm nét. Đây là phát ngôn của các nhân vật trong tình huống đối thoại với thực dân hoặc tay sai. Trong đó, có sự xuất hiện nhân vật đối kháng là kẻ thù thực dân với thủ đoạn chính trị thâm hiểm. Những lời đối đáp sắc sảo, những câu nói hay, độc đáo của lời thoại trong các truyện kể đã trở thành những lời truyền tụng có sức sống lâu bền.
Như về Nguyễn Đình Chiểu, truyện kể về những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa tên đại diện nhà cầm quyền thực dân với nhà thơ yêu nước đất Nam Kỳ: “Lần khác, Quan chánh tham biện người Pháp tỉnh Bến Tre đến tận nhà thăm viếng”; hay: “Lần khác, Ponson lại đến nhà và thông báo về việc chính quyền Pháp đã xét để trả lại ruộng đất của cụ Đồ ở Tân Thới (Gia Định) và giục cụ cho người về nhận”. Cụ trả lời: “Đất vua còn phải bỏ, thì đất tôi xá gì?” (hay “nước chung đã mất, đất riêng còn có được sao?”). Hay mang nặng nghĩa tình với nhân dân Cần Giuộc, nhà thơ cảm nhận được cái quý giá của sự yêu thương, trân trọng của người dân dành cho ông, điều này gửi gấm sâu sắc trong câu nói của ông với nhà cầm quyền thực dân: “Tôi đang sống đầy đủ trong sự tôn kính của môn đệ và sự quý mến của đồng bào tôi!” (Những cuộc gặp giữa Pôngsông và cụ Đồ Chiểu). Hay khi Tôn Thọ Tường khuyên ra hợp tác với Pháp. “Cử Thạnh cười với vẻ khinh bỉ: -Tôi đã bỏ quan vì nghĩa nay há lại làm quan cho giặc sao?”, “Không bao giờ tôi muối mặt làm điều vô sỉ được”.
Lời nói khảng khái còn biểu hiện ở hình thức sự xen lẫn câu thơ trong bản kể, với câu thơ được lấy từ chính tác phẩm của nhân vật, tạo nên ý nghĩa biểu cảm sâu sắc. Như: “Lần thứ hai, Chủ tỉnh Pháp đến gặp, tỏ ra lo lắng về cảnh già nua, bệnh tật của cụ, nêu việc cấp tiền dưỡng lão, cụ từ chối và trả lời: “Nước trong rửa ruột sạch trơn, Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”.
Tình tiết Làm kẻ thù bẽ mặt
162
Đây là cách thức đối phó với kẻ thù ở tình huống đối mặt trực tiếp. Về diễn biến sự kiện, trước kẻ thù với chiêu bài khuyến dụ, các danh sĩ đã khảng khái từ chối hay ứng phó linh hoạt làm chúng rơi vào thế bị động hoặc trở thành lố bịch.
Như về Nguyễn Đình Chiểu: một lần, lấy cớ nhờ nhuận chính bản Lục Vân Tiên, tên chủ tỉnh Pôngsông cùng Lê Quang Hiền đến thăm nhà thơ và mặc dù Hiền cố gắng dịch chậm, nhưng cụ “vẫn chập chập lắc đầu, đưa tay ra hiệu giả vờ là mình không nghe, không hiểu gì cả...” (Cụ Đồ Chiểu giả điếc). Hay đáp lời khẩn khoản của Ponson, cụ Đồ nói điều mong ước, đó là việc lễ tế vong hồn những người dân chết trận, nhưng “Đến hôm sau, khi Pôngsông cho người khé né vác cờ xí và lễ vật xuống Ba Tri thì mới hay cụ Đồ Chiểu đã làm lễ tế trước rồi!” (Những cuộc gặp giữa Pôngsông và cụ Đồ Chiểu).
Liên hệ giai thoại về Nguyễn Khuyến, vị danh sĩ Bắc Hà cũng đối phó với nhà cầm quyền thực dân theo cách thức riêng có phần hóm hỉnh: khi gặp viên công sứ Pháp, ông tỏ ra rất cung kính, loay hoay sửa áo sửa khăn, rồi bỗng chắp tay lạy ngay cái cột bên cạnh hắn, tên công sứ “lắc đầu ngán ngẩm, hỏi han qua quýt, rồi sai người dẫn ông về” (Lạy cột). Sự thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc, nó chứng tỏ tinh thần kiên cường, bất khuất của các danh sĩ yêu nước chống kẻ thù thực dân.
Dạng thức 2
Nhóm này có 4 truyện: Thơ ứng khẩu của Phan Văn Trị, Cử Thạnh, Chó chết trôi, Thơ ứng khẩu của Huỳnh Mẫn Đạt.
Sơ đồ kết cấu cốt truyện: Danh sĩ trong tình huống đối thoại với thực dân và tay sai ứng đối thơ văn tỏ thái độ phản kháng sự thất bại của đối phương.
Nhóm tình tiết, môtíp của cốt truyện: -Ứng đối, ứng tác thơ văn châm biếm, đả kích (m) (tần số xuất hiện: 4 lần) -Sự thất bại của đối phương (3 lần) (1 tình tiết, 1 tình tiết), được miêu tả sau:
Môtíp Ứng đối thơ văn châm biếm, đả kích
Về dấu ấn môtíp, đây là lối ứng tác thơ văn (bài thơ, câu đối) bộc lộ thái độ đối kháng một cách kín đáo hoặc rõ ràng, quyết liệt của các danh sĩ đối với đối phương.
Trước hết là thái độ đối kháng một cách kín đáo. Tình huống ứng tác của nhân vật có tính chất ngẫu nhiên. Như truyện Thơ ứng khẩu của Huỳnh Mẫn Đạt kể: “Ông Huỳnh Mẫn Đạt đứng trước một tình thế khó xử bèn ngâm bài thơ tỏ bày tâm sự...” (hoặc “ông không sao được, đành đứng ra đáp lễ bằng một bài thơ...”). Về yếu tố nghệ thuật, lời văn của Huỳnh Mẫn Đạt thể hiện sự công kích nhưng tao nhã, sâu sắc: “…Sự đời thấy vậy thì hay vậy, Thà ẩn non cao chẳng thấy nghe”.
163
Bên cạnh đó là thái độ đối kháng một cách quyết liệt, đối tượng là những kẻ tay sai nhân cách thấp kém. Nhân vật bị đưa vào tình huống bắt buộc ứng đối. Như tên Trần Bá Lộc có ý muốn răn đe, buộc Phan Văn Trị ứng khẩu bài thơ với đầu đề được ra theo lối vô học; hay Cử Thạnh đứng trước vế đối phô trương hợm hĩnh của tên Trần Bá Thọ. Nhân vật cũng ứng đối trong một tình huống ngẫu nhiên. Như Học Lạc, một lần từ Thuộc Nhiêu lên Sài Gòn, tình cờ gặp đám tang linh đình của Huỳnh Công Tấn, trước lời thách đố của một người bạn, nhà thơ đã ứng khẩu bài thơ châm biếm đối tượng (Chó chết trôi).
Trong đó, yếu tố tục được dùng như một phương thức nghệ thuật nhằm châm biếm, đả kích sâu cay. Ở thế bị động, nhân vật đã dùng cái tục đáp trả đích đáng đối phương theo lối “gậy ông đập lưng ông”. Như: Phan Văn Trị “đứng ngâm ngay bốn câu: “Cậy thể khom lưng nồi dưới đít, Biết đâu sắp bị chó liền tha !” (Thơ ứng khẩu của Phan Văn Trị), bài thơ miêu tả rất chân thật sự vật mà Trần Bá Lộc yêu cầu, nhưng cái phần “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ, đó là sự khinh ghét, phỉ nhổ đối với bọn tay sai cũng rất rõ ràng. Hay nhân vật chủ động dùng cái tục để đánh vào sự hợm hĩnh của đối phương. Như trước vế đối của Trần Bá Thọ, kẻ đang huênh hoang, tự tâng bốc về gia thế: “Phụ tử hiếu sanh con thế ấy mới là vàng”, Cử Thạnh đã đối lại: “Tham phú phụ bần (…) đứa nào ở bạc”. Còn trong bài thơ của Học Lạc, hình tượng được xây dựng mang tính hai mặt, tạo cho người nghe liên tưởng đến thân phận “chó săn”, thâm ý đả kích mạnh mẽ: “Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu, Thác thả dòng sông xác nổi phều…”.
Tình tiết Sự thất bại của đối phương
Tình tiết thể hiện qua kết quả cụ thể. Đó là sự thất bại của đối phương trong chiêu bài khuyến dụ, như: “Kết cục, cả thầy lẫn tớ hôm nay đành tiu nghỉu ra về”, “Ponson bị một vố đau, khác nào cha con anh Bùi Kiệm “máu dê” trong Lục Vân Tiên” (Những cuộc gặp giữa Pôngsông và cụ Đồ Chiểu). Cách thức so sánh có sự liên tưởng thú vị. Qua hình ảnh nhân vật phản diện trong tác phẩm của cụ Đồ Chiểu, có thể hình dung sự thất vọng đến hài hước của đối tượng và thái độ giễu cợt đối với chúng.
Về bài thơ, vế đối công kích những tên tay sai, dù với mục đích “răn đe” hay phô trương hợm hĩnh, đối phương đều nhận lấy kết quả thích đáng, như: “nghe xong bài thơ, Trần Bá Lộc tức lộn ruột. Nhưng không sao bắt bẻ được” (Thơ ứng khẩu của Phan Văn Trị); hay “Đối lại chan chát, lời lẽ sâu cây. Câu đối như roi vọt đánh vào phường buôn dân bán nước, khiến Trần Bá Thọ tái mặt” (Cử Thạnh)...
Cac giai thoại đưa đến sự nhận thức về tinh thần đối kháng kẻ thù của người trí thức trong cuộc đối đầu trực diện với thực dân và tay sai. Với tư tưởng yêu nước, các
164
danh sĩ Nam Bộ đã hành động theo lương tri, trách nhiệm, theo tinh thần đạo lý truyền thống của nhân dân, giữ khí khái đường hoàng trước kẻ thù.
5.3. GIÁ TRỊ NỘI DUNG CỦA HỆ THỐNG TRUYỆN
5.3.1. Sự ngợi ca những con người “dệt gấm thêu hoa”, xây dựng nên những biểu tượng văn hoá Nam Bộ
Các truyện kể nói đến những khía cạnh riêng về hành trạng hoặc thành quả văn hóa liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, danh sĩ Nam Bộ, qua đó, đã biểu hiện những ý nghĩa khách quan sâu sắc.
Theo truyền thống, giai thoại về các nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa, các sĩ phu yêu nước hoặc các nhân vật nổi tiếng ở các địa phương làm đa dạng, phong phú thêm kho tàng giai thoại danh nhân Việt Nam. Nhóm giai thoại về danh nhân, danh sĩ Nam Bộ cũng nằm trong mạch ngợi ca, tôn vinh. Trước hết là về các nhân tài địa phương. Về chủ đề con người, truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, ca dao Nam Bộ có câu: “Đồng Nai có bốn rồng vàng, Lộc hoạ, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”; hay: “Vĩnh Long có cặp rồng vàng, Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan tuẫn thần”. Mỗi bộ môn nghệ thuật xuất hiện một nhân tài được ngợi ca, trong đó thi ca gắn liền với tên tuổi Bùi Hữu Nghĩa. Bên cạnh đó là Phan Thanh Giản, với dân chúng, tài học của nhân vật cũng xứng vào hàng “thi long”, tiêu biểu của truyền thống văn tài địa phương. Các mẩu truyện được truyền tụng cho thấy thái độ, tình cảm của người dân đối với các nhân vật có sức ảnh hưởng lớn đương thời. Tiêu biểu như tình cảm trân trọng đối với Bùi Hữu Nghĩa, vị thủ khoa văn tài lỗi lạc; Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ; hay Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu..., những nhà thơ yêu nước, danh nhân văn học... Họ là những con người “trổ tài dệt gấm” (làm thơ) và hoạt động yêu nước. Hay thái độ kiêng nể có phần kính sợ đối với Lê Văn Duyệt, người có hai thời kỳ làm Tổng trấn mà uy danh vang khắp Gia Định thành năm xưa...
Bên cạnh đó, tấm lòng yêu nước thương dân, đạo đức cao cả đối với nhân dân của các danh nhân, danh sĩ Nam Bộ cũng đã được nhiều giai thoại nhắc đến. Trong đối thoại với thực dân và tay sai, nổi bật nhất là cách hành xử nghĩa khí, can trường của các danh nhân, danh sĩ (như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Thạnh...). Các giai thoại đã cho thấy tấm gương về lối sống, đạo đức của những trí thức ưu tú, một điểm sáng của cốt cách tinh thần người Nam Bộ. Ở đây có sự gặp gỡ với các bậc danh nhân, danh sĩ đất Bắc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền..., những con người có tấm lòng ưu thời mẫn thế, cuộc sống cá nhân luôn
165
giản dị, thanh cao và có thái độ cương quyết trước kẻ thù xâm lược. Đây chính là các danh nhân, danh sĩ đã kiến tạo nên biểu tượng văn hóa Nam Bộ, Việt Nam.
Về không gian địa điểm, những tên gọi Tao đàn Bà Đồ, Cần Thơ, Phong Điền, Ba Tri, Cần Giuộc, Đồng Nai...; hay sông Ba Lai, sông Giang Thành, xứ sở Vĩnh Long, Hà Tiên..., những địa chỉ văn hóa, lịch sử, những hình ảnh về vùng đất, con người... có sức âm vang mạnh mẽ. Về dấu ấn thiên nhiên, hình ảnh cây dừa xanh tốt trong câu chuyện giữa cụ Đồ Chiểu và tướng quân Trương Định hay hình ảnh món mắm, một món ăn dân dã, quen thuộc, các danh sĩ yêu nước đã dùng để phê phán những kẻ theo Tây quên cội nguồn...., tất cả mang đậm dấu ấn tinh thần, ý chí của con người nơi đây. Thiên nhiên vùng đất, lịch sử, truyền thống văn hóa, con người kiến tạo nên những thành quả văn hóa... thực đã kết tinh trong những câu chuyện “đẹp” về các nhân vật lịch sử Nam Bộ.
5.3.2. Ý nghĩa sự đối kháng văn hoá
Danh nhân, danh sĩ yêu nước với ngòi bút chiến đấu đã thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường chống kẻ thù thực dân. Những câu chuyện về văn chương, về hoạt động mang đậm tinh thần yêu nước, bất khuất của các danh nhân, danh sĩ Nam Bộ đã được nhân dân tiếp nhận và lưu truyền rộng rãi.
Nói về tinh thần chống thực dân xâm lược trên phương diện sự đối kháng chính trị, nhóm tác giả Viện nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nhận xét: “Sự đối kháng chính trị trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX luôn gắn với sự đối kháng văn hoá. Sự đối kháng văn hoá trước hết là sự đối kháng với Thiên Chúa giáo một tôn giáo được các nhà Nho và Nhà nước phong kiến coi là “tả đạo”. Sự đối kháng văn hoá này ngày càng vượt khỏi mâu thuẫn tư tưởng - văn hóa và mang ý nghĩa chính trị” [208,45]. Đạo lý truyền thống dân tộc dựa trên Nho học, tuy đã biến đổi cho thích hợp với hoàn cảnh vùng đất mới vẫn rất sống động mãnh liệt, trở thành một ý thức đối kháng đặc biệt. Sự đối kháng này không chỉ đối với đạo Tây, dòng tư tưởng dọn đường và song hành cùng bước chân xâm lược đã bị xem là “tả đạo”, giữa chữ Tây và chữ Ta (chữ Nho) mà còn ở thái độ ứng xử đối với những gì liên quan đến thế lực xâm lược.
Các giai thoại đã thể hiện thái độ tinh thần này. Việc cụ Đồ Chiểu không đi đường lộ Tây đắp, không xài bột giặt Tây làm… đã nói lên sự “tẩy chay”, không chấp nhận mọi thứ thuộc về kẻ thù. Trước hết, có thể đó là sự đối kháng về nếp sống, nếp sinh hoạt, tức do không chấp nhận cái khác biệt, xa lạ nên nó trở nên nghịch mắt. Sâu xa hơn, những thứ ấy vốn có lai lịch bất minh, thuộc về kẻ xâm lược nên thấy đáng ghét, “lai căng”, tức là sự đối kháng về tư tưởng chính trị. Hay câu nói của cụ Đồ Chiểu: “Phải chú là Tây thì chú đâu biết ăn mắm sống?” (hay “Ăn mắm sống không
166
phải là Tây”, “Không biết ăn mắm sống, chỉ có kẻ vong bổn”) mang hàm ý sâu xa. Đây là thái độ không chấp nhận đầu hàng, phản quốc. Tinh thần của nó thể hiện chính trong câu thơ Nguyễn Đình Chiểu, bấy giờ đang trở nên nhức nhối lương tri những con người chính trực, yêu nước: “Sống làm chi theo quân tả đạo, Quăng vùa hương, xô bàn độc nghĩ lại thêm buồn, Theo làm chi ở lính mã tà, Chia rượu chát, phát bánh mì, nghĩ càng thêm hổ…”. Hay các giai thoại về những lần gặp giữa cụ Đồ Chiểu và Pôngsông, với những hành động, lời nói khảng khái thể hiện thái độ bất hợp tác với nhà cầm quyền thực dân; về bài thơ đối đáp có tính công kích sâu sắc của Huỳnh Mẫn Đạt đối với Tôn Thọ Tường; hay về Phan Văn Trị với bài thơ ứng khẩu châm biếm sâu cay đối với Trần Bá Lộc… được ghi nhận là đã lan truyền khắp Nam Bộ bấy giờ. Đây chính là thái độ đối kháng chính trị dưới hình thức đấu tranh văn hoá.
Các giá trị tư tưởng ghi nhận từ hệ thống truyện đã cho thấy việc tôn vinh danh nhân, danh sĩ Nam Bộ nói riêng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Tiểu kết chương 5
Qua trình bày, chúng tôi khái quát nội dung đã thực hiện ở chương 5 như sau:
1. Luận án khảo sát, miêu tả, phân tích, đánh giá hệ thống truyện về những danh nhân, danh sĩ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, đi từ bước cơ sở khái quát diện mạo thể loại, cơ cấu văn bản. Trong đó, chúng tôi chú ý nhận diện yếu tố sự thâm nhập, chuyển hóa lẫn nhau trong hệ thống thể loại diễn ra ở cấp độ tiểu loại.
2. Luận án cũng hướng đến nhiệm vụ xác định diện mạo đặc thù của hệ thống truyện, thông qua việc tập trung miêu tả, phân tích đặc điểm cấu tạo. Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra những kiến giải về đặc trưng, giá trị nội dung của hệ thống truyện, một bộ phận truyện dân gian mang tính đại diện cho vùng đất và còn có tính bao quát những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc.
3. Các miêu tả, phân tích của luận án cũng đã thể hiện sinh động đặc điểm thể loại của giai thoại về danh nhân Nam Bộ nói riêng, như đã có nhận xét, đó là sự “gần gũi với người thật, ít có yếu tố siêu nhiên, thần kỳ” [99,14].